Header Ads

Đi Thuyền Trên Sông Ninh Minh


013. Ninh Minh Giang Chu Hành

Việt Tây sơn trung đa giản tuyền
Thiên niên hợp chú thành nhất xuyên
Tự cao nhi hạ như bát thiên
Than thượng hà sở văn?
Ưng long kích nộ lôi điền điền
Than hạ hà sở kiến?
Nỗ cơ kịch phát thỉ ly huyền
Nhất tả vạn lý vô đình yên
Cao sơn giáp ngạn như tường viên
Trung hữu quái thạch sâm sâm nhiên
Hữu như long, xà, hổ, báo, ngưu, mã la kỳ tiền
Ðại giả như ốc, tiểu như quyền
Cao giả như lập, đê như miên
Trực giả như tẩu, khúc như tuyền
Thiên hình vạn trạng nan tận ngôn
Giao ly xuất một thành trùng uyên
Dũng đào phún mạt nhật dạ tranh hôi huyền
Hạ lạo sơ trướng phí như tiên
Nhất hành tam nhật tâm huyền huyền
Tâm huyền huyền đa sở úy
Nguy hồ đãi tai cốt một vô để
Cộng đạo Trung Hoa lộ thản bình
Trung Hoa đạo trung phù như thị
Oa bàn khuất khúc tự nhân tâm
Nguy vong khuynh phúc giai thiên ý
Cao tài mỗi vị văn chương đố
Nhân nhục tối vi ly mị hỷ
Phong ba na đắc tận năng bình
Trung tín đáo đầu vô túc thị
Bất tín "xuất môn giai úy đồ"
Thí vọng thao thao thử giang thủy.

Đi Thuyền Trên Sông Ninh Minh

Núi Việt Tây lắm suối khe,
Nghìn năm hợp lại chảy về một sông.
Trời cao nước đổ xuôi dòng,
Lắng tai nghe thấy gì không trên nguồn?
Như tên vừa thoát giây cung,
Như rồng giận dữ bừng bừng gầm vang.
Một dòng vạn dặm không ngừng,
Núi cao sừng sững như tường chắn ngang.
Hình thù kỳ dị từng hàng,
Hổ, rồng, beo, rắn, cùng đoàn ngựa, trâu.
Nhỏ, to chen chúc cùng nhau,
To bằng nhà, nhỏ bằng đầu nắm tay.
Cao như đang đứng thẳng ngay,
Nhỏ như nằm ngủ lăn quay giữa rừng.
Thẳng như chạy, cong như vòng,
Muôn hình, vạn trạng kể không hết lời.
Thuồng luồng vực thẳm đang bơi,
Ầm ầm sóng vỗ tung trời bọt bay.
Mùa hè nước lụt dâng đầy,
Ba ngày rong ruổi lòng này chơi vơi.
Lòng chơi vơi, sợ rụng rời,
Vực sâu nguy hiểm lỡ rơi, thân tàn.
Người rằng đường lớn dễ dàng,
Qua Tàu đường ấy muôn vàn gian nan.
Quanh co như lòng thế gian,
Hiểm sâu như thể tâm can con người.
Sống chết phó mặc ý trời,
Văn chương ganh ghét người tài xưa nay,
Thịt người ma quỷ thích ngay,
Giữ yên sóng gió việc này khó thay.
Trung tín nhờ cậy lúc này,
“Hiểm nguy khi bước ra ngoài” lời xưa.
Những ai lòng vẫn còn ngờ,
Nhìn sông cuồn cuộn còn ngờ nữa thôi!

Bùi Phạm Thành
Ngày 4 tháng 11 năm 2012


Nguyên tác:

寧明江舟行  

粵西山中多澗泉,
千年合注成一川。
自高襾下如潑天,
灘上何所聞。
應龍激怒雷田田,
灘下何所見。
弩機劇發矢離絃,
一瀉萬里無停堙。
高山夾岸如離垣,
中有怪石森森然。
有如龍蛇虎豹牛馬羅其前,
大者如屋小如拳。
高者如立低如眠,
直者如走曲如旋。
千形萬狀難盡言,
蛟螭出沒成重淵。
湧濤噴沫日夜爭豗喧,
夏潦初漲沸如煎。
一行三日心懸懸,
心懸懸多所畏。
危乎殆哉汨沒無底,
共道中華路坦平。
中華道中夫如是,
窩盤屈曲似人心。
危亡傾覆皆天意,
高才每被文章妒。
人肉最為魑魅喜,
風波邢得儘能平。
忠信到頭無足恃,
不信出門皆畏途。
試望滔滔此江水。



Dịch Nghĩa:

Trong núi miền Việt Tây có nhiều khe suối
Nghìn năm hợp lại thành một sông
Như nước rót xuống từ trời cao
Trên thác nghe thấy gì ?
Rồng hiện giận dữ, sấm động ầm ầm
Máy nỏ bật mạnh, tên vút khỏi dây
Một dòng vạn dặm không ngừng
Núi cao bên bờ như bức tường
Trong có đá hình thù kỳ dị chen chúc
Như rồng, rắn, hổ, báo, trâu, ngựa la liệt trước phía trước
Lớn như nhà, nhỏ bằng nắm tay
Cao như đứng, thấp như ngủ
Thẳng như chạy, cong như xoay vòng
Muôn hình vạn trạng khó nói hết
Thuồng luồng, ly long ra vào thành vực thẳm
Sóng vỗ bọt phun ngày đêm ầm ĩ
Lụt mùa hè vừa dâng nước sôi sục
Ði một mạch ba ngày, lòng chơi vơi
Lòng chơi vơi vì sợ hãi
Thiệt là nguy hiểm chìm sâu không đáy
Mọi người đều nói đường đi Trung Hoa bằng phẳng
Ðường sang Trung Hoa như thế này ư !
Sâu hiểm quanh co như lòng người
Nguy vong nghiêng đổ đều do ý trời
Tài cao thường bị văn chương ganh ghét
Thịt người là thứ ma quỷ thích nhất
Sóng gió làm sao yên cho hết
Giữ trung tín rốt cục không đủ cậy nhờ
Ai không tin rằng "ra ngoài cửa mọi đường đều đáng sợ"
Thì hãy thử nhìn nước sông cuồn cuộn đó.
Chú thích:

Đây là bài thứ 13 trong số 132 bài của tập "Bắc Hành Tạp Lục", những bài thơ chữ Hán của cụ Nguyễn Du viết  khi cầm đầu một phái đoàn đi sứ qua Tàu năm Quý Dậu (1813). Khi sang Tàu, cụ Nguyễn Du đọc được truyện Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân viết bằng văn xuôi; khi trở về, cụ viết ra quyển Truyện Kiều bằng thể Lục-Bát, một thể thơ thuần tuý Việt Nam, gồm 3,254 câu, và trở thành một áng văn chương tuyệt tác trong văn học Việt Nam.



1 comment :

Powered by Blogger.