Header Ads

Cuộc Bắc Chinh Phạt Tống Năm 1075-1076


Bùi Quý Chiến

Năm 1074 Tể tướng Vương An Thạch xin vua Tống Thần Tông cho đánh chiếm nước ta viện lẽ nước ta bị suy yếu vì chiến tranh với Chiêm thành, quân số còn lại không quá một vạn người. Vua Tống tin lời nên bổ nhiệm Thẩm Khởi và Lưu Di làm tri châu Quế lâm nghiên cứu và đệ trình kế hoạch Nam chinh.

Việc đầu tiên của Lưu Di là kiểm kê và tổ chức các khe động ở biên giới theo khuôn mẫu xã hội đời Tống.

Khe động (khê động) là những sắc tộc thiểu số sống tự trị trong các khe núi và thung lũng hẻo lánh ở biên giới. Tuy tự trị nhưng tù trưởng vẫn thần phục và đóng thuế cho nước ta hoặc cho nước Tàu. Biên giới được tính theo truyền thống khe động thần phục nước nào.

Có những khe động (cùng một sắc tộc) rộng bằng một châu như châu Tả giang và Hữu giang giáp ranh với Cao bằng nước ta (coi bản đồ trong bài viết này).

Lưu Di kiểm kê và tổ chức các khê động thần phục triều Tống thành những bảo giáp. 

Bảo giáp là một trong những kế hoạch cải tổ của Vương An Thạch về kinh tế, tài chính, hành chính và an ninh.

Mỗi 10 nhà là một bảo, 500 nhà là một đô bảo. Trai tráng trong bảo vừa là dân vừa là lính. Mỗi bảo có chánh và phó dậy dân võ nghệ.

Mặt khác, Lưu Di cho đóng chiến thuyền ở bờ biển và dạy dân chài cách đánh dưới nước.

Ngoài ra Lưu Di còn cấm dân ven biển và biên giới buôn bán với nước ta.

Thấy tình hình biên giới căng thẳng, vua Lý Nhân Tông gửi thư sang hỏi vua Tống nhưng thư bị Lưu Di chặn lại.

Không thể ngồi chờ giặc tới, vua Nhân Tông quyết định ra tay trước.

Lý Thường Kiệt tấn công châu Khâm và châu Liêm 

Vua Nhân Tông xuống chiếu sai Lý Thường Kiệt và Tôn Đản đem 10 vạn quân đi đánh các châu Khâm, Liêm và Ung.

Trước khi hành quân, Lý Thường Kiệt cho thu thập tin tức tình báo ở nội địa Quảng Tây và Quảng đông. 
Nhân có 100 nhà sư từ lưỡng Quảng sang nước ta hành đạo, Thường Kiệt tịch thu hết giấy tờ của họ, cho nhân viên tình báo dùng giấy tờ này giả dạng làm dân Tống sang lưỡng Quảng thu thập tin tức quân sự của địch. Ngoài ra Thường Kiệt còn chiêu dụ được viên Tuần kiểm các châu Khâm, Liêm và Bạch là Từ Bá Tường bỏ Tống theo về với ta.

Thường Kiệt làm tờ lộ bố (bố cáo) đại ý tố cáo kế hoạch cải tổ của Vương An Thạch khiến dân Tống cực khổ, cuộc hành quân này chỉ nhằm cứu dân Tống. Tờ lộ bố sẽ được sao chép và niêm yết trên đường hành quân trên đất Tống.

Tháng 11 năm Ất mão (1075), từ căn cứ Vĩnh an (thuộc Móng cái), Lý Thường Kiệt thống xuất thủy quân đổ bộ lên bờ biển Quảng đông, tiến chiếm châu Liêm như vũ bão. Nắm vững địa thế và tình hình địch, Thường Kiệt thẳng tiến tới châu Khâm và hạ thành này với chiến thắng vẻ vang. Quân Tống bị giết chết 8,000 người. Các kho lương thực và vũ khí bị quân ta phá hủy.

Thường Kiệt tiến quân lên tây bắc để phối hợp với đạo binh của Tôn Đản cùng  đánh chiếm châu Ung .


Chú giải: khoanh đỏ có địa danh Nam ninh là châu Ung xưa, khoanh đỏ ở đông nam Nam ninh là châu Khâm (dấu+) và châu Liêm (dấu x),hai vị trí này được phỏng theo sơ đồ trong cuốn Lý Thường Kiệt của Hoàng Xuân Hãn.

Tôn Đản vây hãm châu Ung

Xuất phát sau Lý Thường Kiệt 2 tháng tức tháng 1 năm Bính thìn (1076), Tôn Đản đem bộ binh và tượng binh vượt biên giới tiến đánh châu Ung. 

Lưu Kỷ ở châu Quảng nguyên (ngày nay là Cao bằng) đem 5 ngàn quân tham gia cuộc hành quân với Tôn Đản.

Như thế chẻ tre, quân ta vượt qua Bằng tường và Tư minh, tiến tới vây hãm thành Ung. Lý Thường Kiệt từ châu Khâm tiến lên tăng cường Tôn Đản.

Giám thủ Quảng tây là Trương Thủ Tiết đem quân đi tiếp viện thành Ung bị Thường Kiệt đánh tan ở ải Côn luân. Trương Thủ Tiết bị chém chết.

Thành Ung rất cao và vững chắc, tri châu là Tô Giám cố thủ. Quân ta vây hãm 40 ngày, dùng thang dây bằng mây leo lên nhưng bị địch trên thành dùng đuốc đốt cháy. Sau cùng quân ta bắt dân Tống lấy bao đổ đầy đất, đặt chồng lên thành bậc thang sát tường thành để leo lên. Thành bị hạ. Tri châu Tô Giám tự thiêu chết theo thành. Trước khi tuẫn tiết, Tô Giám giết hết 36 người thân thuộc. Cảm động về nghĩa khí của Tô Giám, quân và dân Tống trong thành không một ai chịu đầu hàng nên bị giết hàng vạn người.

Thành Ung bị phá hủy tới mức phải mất 4 tháng dân Tống mới xây đắp lại được. Quân ta còn phá hủy các kho tàng quân sự và lấy đá lấp sông Ung gây trở ngại lưu thông cho thuyền bè.

Tháng 3 Bính thìn (1076) Lý Thường Kiệt và Tôn Đản rút quân về, bắt hàng ngàn quân và dân Tống làm tù binh. Riêng Lưu Kỷ ở Quảng nguyên (đem quân theo Tôn Đản) bắt về 3,000 người.

Ngoài ra Thường Kiệt còn áp dụng kế hoạch thanh dã: phá hủy mùa màng của các khe động thuộc Tống nhằm ngăn ngừa quân Tống trưng dụng lương thực từ các khe động.

Ai quyết định Bắc chinh phạt Tống?

Năm 1075 vua Lý Nhân Tông mới 10 tuổi, tính đúng theo năm sinh thì chỉ 9 tuổi.

Sinh năm 1066, thái tử Càn Đức là con của vua Lý Thánh Tông và Ỷ Lan phu nhân. Thái tử nối ngôi cha năm 1072 tức Nhân Tông, phong cho mẹ là Thái phi.

Vì vua còn nhỏ tuổi nên phụ chính có Thái sư Lý Đạo Thành, ngoài ra bà mẹ đích (đích mẫu) của vua là Thái hậu Dương thị ngồi sau bức mành tham dự chính sự.

Mẹ đẻ của vua là Thái phi Ỷ Lan ganh tị với Thái hậu; vua thương mẹ đẻ nên cho bắt giam và bức tử Thái hậu Dương thị.

Kế đó vua phong mẹ đẻ làm Linh nhân hoàng thái hậu. Thái sư Lý Đạo Thành bị giáng xuống làm Tả gián nghị đại phu và cho ra làm tri châu Nghệ an (các chính sử đều không nói nguyên nhân). Sử gia Ngô Sĩ Liên cho rằng cuộc giáng chức này có lẽ do Lý Đạo Thành can gián việc bức tử thái hậu Dương thị.

Sau một năm trị nhậm Nghệ an, năm 1074 Đạo Thành được triệu hồi về kinh và được phong chức Thái phó bình chương quân quốc trọng sự (Tể tướng), vào đúng thời gian biên giới căng thẳng vì chủ trương của nhà Tống toan tính xâm chiếm nước ta.

Từ sự kiện này chúng ta có thể suy ra thời ấy vua còn nhỏ, Linh nhân thái hậu và triều đình lúng túng không giải quyết được sự căng thẳng ở biên giới nên phải triệu hồi Lý Đạo Thành. Rất có thể Đạo Thành đã quyết định cuộc Bắc chinh phạt Tống.

Tháng 10 năm Tân dậu (1081) Lý Đạo Thành mất, Quốc sử quán triều Nguyễn vinh danh ông trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục như sau:

"Đạo Thành lấy tư cách là đại thần cùng họ với vua, giúp chúa thơ ấu từ chính sự trong triều đến kế hoạch nơi biên giới, ông có nhiều điều xây dựng sáng suốt, đến nay ông mất ai cũng thương tiếc."

Lần đầu tiên trong lịch sử nước nhà, Tể tướng Lý Đạo Thành đã nhân danh vua Lý Nhân Tông ra lệnh Lý Thường Kiệt và Tôn Đản vượt biên giới đánh tan âm mưu bành trướng của kẻ thù truyền kiếp phương Bắc.

Nói theo ngôn ngữ của Đặng Tiểu Bình, nhà Lý nước ta đã dạy nhà Tống nước Tàu một bài học.

Bùi Quý Chiến

-------------------------

THAM KHẢO

- Việt sử lược của khuyết danh.
- Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn.
- Lý Thường Kiệt của Hoàng Xuân Hãn.
- Bản đồ Việt nam của Nhà xuất bản bản đồ.
- Chiến dịch đánh Tống:
- Lý Thường Kiệt:



No comments

Powered by Blogger.