Header Ads

Tình Là Gì?


Bùi Phạm Thành

Trong những câu chuyện kể hay tác phẩm văn chương tuyệt tác từ Đông sang Tây, các tác phẩm trữ tình vẫn có một chỗ đứng đặc biệt trong lòng người đọc. Những chuyện như Trọng Thuỷ - Mỵ Châu, Trương Chi - Mỵ Nương, Romeo - Juliet, Scarlett O'Hara - Rhett Butler (trong truyện "Gone with the wind - Cuốn theo chiều gió), ... nếu đọc qua một lần thì rất khó quên. Có lẽ vì thế mà tiểu thuyết, thơ, nhạc đời nay cũng xoay quanh những truyện tình bi thương, nhắm vào thị hiếu của đọc giả.

Những ai đã từng đọc truyện hay xem phim kiếm hiệp của Kim Dung đều có thể nhận ra luôn luôn có những câu chuyện tình bi thương, cũng như hoàn hảo. Trong đó, nhân vật nữ là những người si tình nổi bật với sự chung thuỷ và hy sinh tuyệt đối cho tình yêu. Trong khi đó, những kẻ gian xảo, độc ác, tham lam, đại đa số là phái nam. Sự phân biệt này, có lẽ, để phá bỏ quan niệm cổ xưa của Trung Hoa, vẫn "trọng Nam, khinh Nữ." 

Phải nói rằng Kim Dung là nhà viết tiểu thuyết tài ba, thông thạo tâm lý con người cũng như biết qua tất cả các bộ môn cầm, kỳ, thi, hoạ. Thế cho nên trong truyện của ông thường có những nhân vật tài hoa không những giỏi về võ nghệ mà còn thông thạo về nghệ thuật. Thông thường đọc tên nhân vật, chúng ta cũng có thể hình dung ra diện mạo và tài năng của nhân vật đó. Tuy nhiên tính tình thì lại là một điều rất khác, bởi vì "mấy ai lấy thước mà đo lòng người?" rất nhiều trường hợp thiện và ác rất khó nhận ra, nhiều khi phải chờ cho đến hồi kết cuộc.

Trong chuyện Thần Điêu Hiệp Lữ, Kim Dung có mô tả một nhân vật nữ tên là Lý Mạc Sầu. Chữ "Sầu" thì chắc không cần giải thích, nhưng chữ "Mạc" thì có nhiều nghĩa, trong đó có một nghĩa là "bao la", "rộng lớn", thí dụ như "sa mạc" có nghĩa là bãi cát (sa) rộng lớn (mạc). Như thế hiển nhiên bà này là người "sầu khổ vô cùng". Bà là một người rất sinh đẹp và tài giỏi, hy sinh vì tình yêu nhưng lại bị phụ tình, để rồi trở nên một đạo cô rất tàn ác. Nổi tiếng "chưa thấy người đã nghe tiếng hát", vì mỗi lần xuất hiện thường hát bài "Mô Ngư Nhi - Nhạn Khâu" (1) của Nguyên Hiếu Vấn: "Vấn thế gian tình thị hà vật?" ("Hỏi thế gian tình là gì?"). Đây là một bài từ, một thể thơ gắn liền với âm nhạc, bắt đầu từ thời nhà Đường, thế kỷ thứ nhất. Trong truyện, Lý Mạc Sầu chỉ hát nửa đầu của bài từ mà thôi. Cá nhân chúng tôi rất đồng ý với ông Kim Dung, vì chỉ nửa phần đầu của bài từ là nói về tình yêu. Tuy nhiên, quý vị có thể có ý kiến khác sau khi đọc hết bài từ và bản dịch qua Việt ngữ.

Truyện kể rằng: 

Năm Ất Sửu, niên hiệu Thái Hoà thứ năm (1265), lúc 16 tuổi, tới Tinh Châu để đi thi, trên đường gặp người bắt nhạn nói: “Hôm nay bắt được một con nhạn, đem giết nó. Con thoát khỏi lưới kêu gào thảm thiết không chịu bay đi, cuối cùng lao xuống đất mà chết.” Tôi (Hiếu Vấn) bèn mua lấy, đem chôn trên bờ sông Phần, đắp đá thành ngôi mộ, gọi là "Mồ chim nhạn." Khi đó nhiều người đi cùng đã làm thơ, tôi cũng làm bài “Nhạn Khâu Từ - Ca Khúc Mồ Chim Nhạn”. Bài cũ đó không theo nhạc điệu, nay sửa lại (để hát theo điệu "Mô Ngư Nhi"). (2)

Trong truyện của Kim Dung thì khi đoàn người đến Đoạn Trường Nhai (vực sâu đứt ruột) để tìm Dương Quá, khi đó đã nhảy xuống vực để tự tử vì cho rằng Tiểu Long Nữ đã chết. Quách Tương, con gái út của Quách Tĩnh và Hoàng Dung, tuy mới 16 tuổi nhưng rất yêu thương Dương Quá, cũng nhảy xuống theo.   (Sau này, khi Dương Quá và Tiểu Long Nữ nên nghĩa vợ chồng và mai danh ẩn tích ở Cổ Mộ, vợ chồng Quách Tĩnh - Hoàng Dung tử trận ở thành Tương Dương, thì Quách Tương cầm thanh Ỷ Thiên Kiếm lên núi Nga Mi tu, và lập nên môn phái Nga Mi). Tại Đoạn Trường Nhai, Chu Bá Thông và vợ là Anh Cô đánh nhau với Kim Luân Pháp Vương. Khi Hoàng Dung sai hai con chim điêu trắng đến giúp, thì con trống bị Kim Luân Pháp Vương dùng chưởng đánh chết; con chim mái, sau đó, cũng lao đầu vào vách đá chết theo. Khi đó Lục Vô Song, một trong những người con gái yêu thương Dương Quá, cũng than thở bằng hai câu đầu của bài từ:

Vấn thế gian tình thị hà vật,
Trực giao sinh tử tương hứa?

Dịch thơ:

Hỏi thế gian tình là gì,
Mà lời sống chết nguyện thề bên nhau?

Trong một Nhân Duyên, tôi được xem phim truyện Thần Điêu Hiệp Lữ qua YouTube và đọc được bài từ Mô Ngư Nhi - Nhạn Khâu, đồng thời nghe được bài hát này bằng Hoa ngữ trên YouTube, mang tên là "Hỏi Thế Gian Tình Là Gì" (3).

Nhân đây, tôi xin gửi tới quý vị nguyên văn bài từ và bản dịch thơ qua Việt ngữ theo thể Lục-Bát, dưới tựa đề "Tình Là Gì?". Mời quý vị thưởng lãm.

摸魚兒-雁丘  

問世間、情是何物,
直教生死相許?
天南地北雙飛客,
老翅幾回寒暑。
歡樂趣、
離別苦,
就中更有痴兒女。
君應有語,
渺萬里層雲。
千山暮雪,
隻影向誰去?

橫汾路、
寂寞當年蕭鼓,
荒煙依舊平楚。
招魂楚些何嗟及,
山鬼暗啼風雨。
天也妒、
未信與,
鶯兒燕子俱黃土。
千愁萬古,
為留待騷人。
狂歌痛飲,
來訪雁丘處。

Diễn âm:

Mô ngư nhi - Nhạn khâu

Vấn thế gian tình thị hà vật,
Trực giao sinh tử tương hứa?
Thiên nam địa bắc song phi khách,
Lão sí kỷ hồi hàn thử.
Hoan lạc thú,
Ly biệt khổ,
Tựu trung cánh hữu si nhi nữ.
Quân ưng hữu ngữ,
Diểu vạn lý tằng vân.
Thiên sơn mộ tuyết,
Chích ảnh hướng thuỳ khứ?

Hoành Phần lộ,
Tịch mịch đương niên tiêu cổ,
Hoang yên y cựu bình sở.
“Chiêu hồn” Sở ta hà ta cập,
“Sơn quỷ” ám đề phong vũ.
Thiên dã đố,
Vị tín dữ,
Oanh nhi yến tử câu hoàng thổ.
Thiên sầu vạn cổ,
Vi lưu đãi tao nhân.
Cuồng ca thống ẩm,
Lai phỏng nhạn khâu xứ.

Dịch nghĩa:

Hỏi thế gian, tình là gì,
Mà khiến hẹn thế sống chết bên nhau?
Dù trời nam hay đất bắc vẫn luôn sát cánh bên nhau,
Đã trải qua biết bao lúc cùng nhau ấm lạnh.
Niềm vui khi hoan lạc,
Nỗi khổ lúc chia lìa,
Chung quy đều chỉ vì si tình người nữ
Lời người phải nói ra đi,
Nhưng đã xa mịt mù trên tầng mây vạn dặm (tức đã chết).
(Từ nay) ngàn núi tuyết,
Bóng lẻ này biết về đâu cùng ai?

Trên dải sông Phần,
Im lặng, không còn tiếng trống rộn rã năm xưa 
Khói hoang như thời chinh chiến cũ.
Bài “Chiêu hồn” cất lên đâu còn kịp,
Khúc “Sơn quỷ” cũng ảm đạm trong mưa gió.
Trời cũng biết ghen tị,
Há vẫn còn chưa tin ư,
Đôi kẻ yến oanh rồi cũng trở thành nấm đất.
Ngàn mối sầu đành để lưu truyền tới vạn đời sau,
Để đối đãi những tao nhân mặc khách.
(Sẽ có người) hát trong điên cuồng, uống rượu trong đau khổ,
Tới tìm thăm lại nấm mộ chim nhạn này.


Tình Là gì?

Hỏi thế gian tình là gì,
Mà lời sống chết nguyện thề bên nhau?
Trời nam đất bắc thẳm sâu,
Bên vai sánh bước cùng nhau chung đường.
Như chim liền cánh yêu thương,
Đông sang hè đến dặm trường cũng cam.
Bao lần hè đến đông sang,
Có còn xoải cánh bay ngang giữa trời?
Muốn vui bên nhau một đời,
Khổ đau khi phải nói lời biệt ly.     
Cũng là thục nữ tình si,
Lời chàng theo gió đã về ngàn xa.
Tuyết rơi đỉnh núi chiều tà,
Tình người lẻ bóng biết là về đâu?

Đi ngang qua bến sông sâu,
Tịch liêu nhớ tiếng trống đâu nơi nào.
Khói thời chinh chiến năm nao,
"Chiêu Hồn Tử Sĩ" nay sao cho vừa?
Bài ca "Quỷ Núi" trong mưa,
Trời cao kia cũng chẳng vừa hờn ghen.
Làm sao giữ được lòng tin,
Yến Oanh rồi cũng nằm im dưới mồ.
Còn lưu lại với người thơ,
Mối sầu vạn cổ đến giờ chưa tan.
"Cuồng Ca" một khúc ngân vang,
Rượu sầu bao chén uống tràn canh thâu.
Cũng chưa vơi bớt niềm đau,
Mồ chim nhạn đó biết đâu mà tìm?

Bùi Phạm Thành
Ngày 15 tháng 12 năm 2022 






Chú thích:

(1) Mô Ngư Nhi - Tên một điệu hát. Tương tự như cổ nhạc của miền nam Việt Nam có các điệu như Vọng Cổ, Nam Ai, Nam Xuân, Phụng Hoàng, Kim Tiền Bản, ... Như thế "Mô Ngư Nhi - Nhạn Khâu" có nghĩa là bài Mồ Chim Nhạn (Nhạn Khâu) hát theo điệu "Mô Ngư Nhi (điệu hát của người chài lưới)." Có lẽ con chim nhạn được chôn ở bờ sông Phần, nên bài từ được viết để hát theo điệu ca của người chài lưới.
(Bùi Phạm Thành dựa theo lời giải thích của Đặng Thế Kiệt)

(2) Mô Ngư Nhi - Nhạn Khâu
Quý vị thông thạo Hán tự có thể đọc ở trang web dưới đây:

(3) Hỏi Thế Gian Tình Là Gì - 问世间情为何物
Chúng tôi không hiểu Hoa ngữ và các thể loại ca nhạc cổ của Trung Hoa, nên không chắc bài này có đúng với thể điệu "Mô Ngư Nhi" hay không, và lời lẽ đúng được mấy phần?

Thần Điêu Hiệp Lữ


2 comments :

  1. Bạn Thành thông thái quá , bái phục !

    ReplyDelete
    Replies
    1. Đúng ra là có nhiều bạn giỏi. Nhưng cũng xin cảm ơn bạn. (BPT)

      Delete

Powered by Blogger.