Header Ads

Lòng Ghen Tị Của Ỷ Lan Hoàng Thái Phi


Bùi Quý Chiến

Tham khảo tài liệu để viết bài này, ngoài Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên và Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn, chúng tôi dùng thêm bộ Đại Việt sử lược của khuyết danh do Viện sử học dịch.

Đại Việt sử lược được lưu trữ ở bên Tàu dưới nhan đề Việt sử lược, không có tên tác giả. Bộ sử này được ghi trong Tứ khố toàn thư và được liệt vào bộ Chân sơn các tùng thư ở bên Tàu (1).

Tuy khuyết danh nhưng người ta đoán tác giả là người Việt đời Trần vì chương viết về triều Lý, tác giả viết là triều Nguyễn và các nhân vật mang họ Lý được viết là họ Nguyễn (Nguyễn Thường Kiệt thay vì Lý Thường Kiệt). Ngoài ra cuối bộ sử, tác giả lập một bảng kê danh hiệu các vua Trần, bảng kê này ghi năm Xương phù nguyên niên (niên hiệu của Trần Phế Đế 1377-1388), như vậy tác giả viết Việt sử lược vào thời gian này.

Bộ Việt sử lược chỉ có 4 chương, chép từ nguyên thủy tới hết triều Lý.

Sở dĩ chúng tôi tham khảo thêm bộ Việt sử lược vì có vài sự kiện được chép khác nhau giữa Đại Việt sử ký toàn thư và Khâm định Việt sử thông giám cương mục. Mặt khác, có những sự kiện được chép trong Việt sử lược nhưng không có trong Đại Việt sử ký và Khâm định Việt sử.

Ỷ LAN TỪ PHU NHÂN LÊN NGUYÊN PHI 

Đinh Tiên Hoàng là vị vua đầu tiên xưng Hoàng đế và có tới 5 Hoàng hậu. Kế đến là Lê Đại Hành cũng lập 5 Hoàng hậu. Tiếp theo, Lý Thái Tổ lập 6 Hoàng hậu. Tới Lý Thánh Tông thì số Hoàng hậu lên tới 8 người.

Tuy vậy không bà nào sinh được con trai. Thánh Tông bấy giờ đã 40 tuổi, vua phải đi các chùa cầu tự. 
Trong một cuộc cầu tự đi qua làng Thổ lỗi (nay đổi tên là Siêu loại thuộc tỉnh Bắc ninh), dân làng kéo nhau ra hai bên đường chiêm ngưỡng xa giá. Trong khi đó một cô gái họ Lê đứng tựa cây lan với thái độ thản nhiên khiến vua để ý và cho vời vào cung phong làm Ỷ Lan phu nhân (Ỷ lan = tựa cây lan).

Theo ngôi thứ , trên hết là Hoàng hậu thứ đến là các phi (Nguyên phi , Thần phi , Huệ phi) rồi mới tới phu nhân.

Sau 3 năm, Ỷ Lan phu nhân sinh được con trai. Ngay hôm sau Thánh Tông phong cho con là Thái tử Càn Đức; Ỷ Lan phu nhân được thăng lên Thần phi, sau lại được thăng lên Nguyên phi.

Năm 1069 Thánh Tông thân chinh đi đánh Chiêm thành để trừng phạt nước này thường cướp phá biên giới. Đánh mấy trận không thắng, vua rút quân về. Khi về tới châu Cư liên vua nghe tin Nguyên phi giúp việc nội trị trong cõi vững vàng, lòng dân cảm hóa hòa hợp. Vua nói:

- Nguyên phi là đàn bà còn làm được như thế, ta là nam nhi há chẳng được việc gì hay sao?

Vua đem quân trở lại đánh tiếp, kết quả bắt được vua Chiêm là Chế Củ đem về Thăng long. Chế Củ xin nhượng 3 châu Bố chính, Địa lý và Ma linh để được tha về nước.

Khâm định Việt sử thường có lời phê của Quốc sử quán về những sự kiện có tính gây tranh cãi. Đoạn sử viết về Nguyên phi giúp việc trị nước trong khi vua Lý Thánh Tông thân chinh đi đánh Chiêm thành, Quốc sử quán phê rằng:

- Bấy giờ há không có đại thần nào cho ở lại để giữ nước mà phải đến đàn bà can dự chính sự để chuốc lấy tiếng khen? Sử nói không đúng sự thật, đại loại như thế đấy.

Bộ Việt sử lược có chép việc Lý Thánh Tông đi đánh Chiêm thành bắt được Chế Củ nhưng không có việc trao quyền trị nước cho Nguyên phi.

Lời phê của Quốc sử quán phản ánh tư tưởng trọng nam khinh nữ của thời phong kiến.

Việt sử lược không chép sự kiện này có thể rằng tác giả không cho việc ấy quan trọng đáng ghi vào sử.

Theo ý chúng tôi, cô gái họ Lê làng Thổ lỗi không phải người tầm thường.

Cô đứng tựa cây lan không gia nhập với dân làng không phải vì dửng dưng với xa giá đi qua. Nếu thờ ơ, cô đã ở trong nhà hoặc tiếp tục hái dâu.

Cô biết mình đẹp nhưng đứng chen lấn với đám đông, chắc gì cô được vua chú ý. Cô chọn lựa cho mình một chỗ đứng, nơi đó cô và vua có thể thấy nhau rõ ràng. Nhất là cô đứng một mình, vua không thể không chú ý.

Với bản lĩnh như thế, Nguyên phi Ỷ Lan xứng đáng được Thánh Tông tin cậy trao quyền trị nước.

LÒNG GHEN TỊ CỦA Ỷ LAN HOÀNG THÁI PHI

Năm 1072 Lý Thánh Tông băng hà, Thái tử Càn Đức lên nối ngôi tức Nhân Tông. Bấy giờ vua mới có 7 tuổi, mẹ đích (đích mẫu) là Dương thị được phong là Hoàng thái hậu, mẹ đẻ là Ỷ Lan được phong là Hoàng thái phi.

Mẹ đích Hoàng thái hậu ngồi sau bức mành nghe chính sự, Thái sư Lý Đạo Thành phụ chính.

Là mẹ đẻ mà không được tham dự chính sự, Ỷ Lan hoàng thái phi không kiềm chế được lòng ghen tị nên phàn nàn với Nhân Tông rằng:

- Mẹ đây khó nhọc mới có ngày nay, bây giờ để người khác ngồi hưởng phú quý thì đặt mẹ già này vào địa vị nào?

Vua còn nhỏ tuổi chưa phân biệt được phải trái, chỉ biết thương mẹ nên cho lệnh giam Thái hậu Dương Thị ở cung Thượng dương rồi bức tử cùng với 76 thị nữ để chôn theo vua Thánh Tông. Sau đó phong mẹ đẻ là Linh nhân hoàng thái hậu.

Sự kiện Thái hậu Dương thị và thị nữ bị bức tử  được 3 bộ sử chép khác nhau như sau:

- Việt sử lược chép: Nhà vua tuy nhỏ bé nhưng cũng có hiểu biết chút ít rằng mình không phải con của Thái hậu Dương Thị bèn đem giam Thái hậu cùng 72 người thị nữ ở cung Thượng dương rồi bức bách bắt đem chôn sống theo vua Thánh Tông.

- Đại Việt sử ký chép: Vua bèn sai giam Dương thái hậu và 76 người thị nữ vào cung Thượng dương rồi bức phải chết chôn theo theo lăng Thánh Tông.

- Khâm định Việt sử chép: Vua còn nhỏ tuổi không biết phân biệt thế nào là phải bèn giam cầm Dương Thị ở cung Thượng dương, bắt ép phải chết để chôn theo lăng vua Thánh Tông.

Những điểm khác nhau:

- Dương thái hậu và 72 thị nữ bị chôn sống theo vua Thánh Tông (Việt sử lược).
- Dương thái hậu và 76 thị nữ bị bức từ rồi chôn theo vua Thánh Tông (Đại Việt sử ký)
- Dương thái hậu bị bắt ép phải chết để chôn theo lăng vua Thánh Tông (Khâm định Việt sử)

Chúng tôi thiết nghĩ chôn sống một lúc hơn bảy chục mạng là điều khủng khiếp khó tin; bức tử rồi mới chôn hợp lý hơn. Tuy nhiên con số 72 hoặc 76 thị nữ bị bức tử thì quá lớn, có lẽ vì vậy Khâm định Việt sử chỉ dè dặt chép một mình Dương thái hậu bị bức tử.

Theo lệ xưa có 2 cách bức tử: hoặc bắt ép phải uống thuốc độc hoặc phải tự thắt cổ chết. Tục này chỉ áp dụng cho hoàng tộc hoặc các đại thần phạm tội.

Triều Lý có tục thị nữ tự nguyện hoặc bị ép chết để chôn theo vua vì tin rằng vua về cõi âm cần có người hầu hạ . Tục này gọi là tuẫn táng.

Sử có chép 2 vụ tuẫn táng:

- Năm 1117 Linh nhân hoàng thái hậu (Ỷ Lan) mất, được làm lễ tuẫn táng 3 người hầu gái.
- Năm 1127 vua Lý Nhân Tông mất, Thái tử Dương Hoán lên nối ngôi tức Thần Tông. Vua ngự giá đi Na Ngạ xem cung nữ lên đàn thiêu tuẫn táng (có lẽ tục hỏa táng du nhập từ Chiêm thành).

Một sự kiện tiếp theo vụ Dương thái hậu bị bức tử là Thái sư Lý Đạo Thành bị giáng chức xuống Tả gián nghị đại phu, phải ra coi châu Nghệ an. Sử không chép nguyên nhân, nhưng sử gia Ngô Sĩ Liên ngờ rằng Thái sư bị giáng chức vì can gián vụ Dương Thái Hậu. Tuy nhiên năm sau Lý Đạo Thành được gọi về và được thăng chức Thái phó bình chương quân quốc trọng sự.

Ngô Sĩ Liên còn bàn về một sự kiện sau đây.

Năm 1103 Linh nhân hoàng thái hậu xuất tiền trong kho, chuộc những con gái nghèo bị cha mẹ bán làm nô tì rồi gả cho những người góa vợ.

Theo sử gia họ Ngô, Linh nhân hoàng thái hậu hối hận về vụ bức tử Dương thái hậu nên làm việc thiện để chuộc tội.

Ngô Sĩ Liên cũng cho rằng lòng ghen tị của Linh nhân hoàng thái hậu chỉ là thường tình của phụ nữ.

Bùi Quý Chiến

-----------------

CHÚ THÍCH
- (1) Nhan đề bản gốc là Việt sử lược, Viện sử học dịch là Đại Việt sử lược. Bài viết này chúng tôi giữ y nguyên nhan đề gốc để độc giả tiện tra cứu các tài liệu cổ.

THAM KHẢO
- Việt sử lược, khuyết danh, Viện sử học dịch.
- Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên.
- Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn.
- Sử liệu Việt nam của Huỳnh Khắc Dụng.



No comments

Powered by Blogger.