Header Ads

Igor I. Sikorsky (1889-1972) Nhà Phát Minh Ra Máy Bay Trực Thăng


Phạm Văn Tuấn

1/ Cuộc sống tại nước Nga.

Phác hoạ về máy bay trực thăng
của Leonado da Vinci
Vào lúc tuổi còn thơ, Igor Skorsky được mẹ là một người đã theo học Y Khoa và rất khâm phục Leonado da Vinci, chỉ cho xem một bức vẽ do Da Vinci phác họa, đây là một thứ máy bay theo nguyên tắc tương tự như máy bay trực thăng ngày nay. Từ đó cậu Igor luôn luôn mơ mộng có thể chế tạo được một dụng cụ cho phép cậu có thể bay nhởn nhơ đây đó trong không trung. Cậu Igor mang điều mong ước của mình ra hỏi các người bạn của cha thì ai cũng bảo cậu rằng việc bay của con người trong không trung chỉ là một ảo mộng. Nhưng cậu Igor vẫn không chịu từ bỏ việc theo đuổi ước mơ. Cậu gọt lấy một cánh quạt bằng gỗ rồi dùng dây cao su làm động lực mà chế tạo ra một thứ đồ chơi. Sau nhiều lần thất bại, cậu Igor đã sửa chữa cho đồ chơi của mình bay thẳng được lên cao.

Hơn 40 năm về sau, vào khoảng đầu năm 1940, dân chúng cư ngụ tại phía tây tiểu bang Connecticut, Hoa Kỳ, đã hết sức ngạc nhiên khi nghe thấy một thứ tiếng ồn lạ tai. Lúc nhìn lên trời, họ thấy một chiếc máy bay kỳ dị đang bay lên cao rồi hạ xuống thấp, rẽ sang ngang rồi tiến về phía trước, đôi khi nó lại đứng lửng lơ ở giữa trời. Thứ máy bay mới này có tên là “trực thăng” (helicopter), do hai chữ Hy Lạp “helix” là hình chôn ốc và “pteron” là cánh. Phát minh này là của ông Igor Ivanovitch Sikorsky, một người tầm thước với bộ ria đen sẫm.

Tại Stradford thuộc tiểu bang Connecticut, Sikorsky đã làm cho dự tính của mình, một giấc mơ của tuổi thiếu thời, trở thành sự thật. Trước ông, đã có nhiều người suy nghĩ về một thứ máy bay lên thẳng nhưng đều thất bại trước ý tưởng táo bạo này. Vào khoảng năm 1906, Wilbur Wright đã ghi lại như sau: “Giống như các tay thợ mới học nghề, chúng tôi đã thử về máy bay trực thăng nhưng sớm nhận thấy rằng thứ máy bay này không có tương lại nên đã bỏ dở”.

Tại Pháp, có Paul Cornu và Louis Breguet chế tạo vào năm 1907 một thứ máy bay tương tự như trực thăng. Cornu dùng tới hai cánh quạt quay ngược chiều nhưng đã không thành công trong việc kiểm soát và không thể khiến cho máy bay cân bằng. Còn Breguet, ông này nổi danh về loại máy bay có cánh cố định, nhưng khi bước sang phạm vi của trực thăng, ông ta cũng không thành công trong việc kiểm soát, mặc dù máy bay của Breguet đã nhấc được lên khỏi mặt đất. Có người còn cho rằng ông Breguet đã thành công trong một cuộc thử trực thăng tại độ cao 150 thước với vận tốc 50 dậm/giờ.

Vào đầu thế kỷ 20, còn có một khoa học gia khác cũng chế tạo trực thăng là George de Bothezat, người Nga. Tại McCook Field, De Bothezat đã chế tạo một kiểu trực thăng có 8 cánh quạt dùng vào việc nâng, việc di chuyển ngang cũng như việc giữ thăng bằng. Sau nhiều lần thử, máy bay của De Bothezat đã lên cao được vài thước nhưng rồi dự án bị bỏ dở.

Tại Tây Ban Nha, Hầu Tước Pateras Pescara cũng chế tạo được một thứ trực thăng, ngoài bộ phận làm cho máy bay cất bổng lên cao, còn có ở mũi máy bay một cánh quạt khiến cho máy bay chuyển động về phía trước. Một người Tây Ban Nha khác là Juan De La Cierva, vào năm 1923, cũng phát minh ra được một loại trực thăng có tên là Autogiro, nhưng cách vận chuyển khác với trực thăng ngày nay. Loại máy bay của De La Cierva tuy không thể cất cánh, hạ cánh thẳng đứng, nhưng đã được hai công ty Hoa Kỳ chế tạo vào khoảng các năm 1940 và được Không Quân xử dụng, nhưng với giới hạn.

Máy bay trực thăng
của Heinrich Focke
Vào năm 1937, một loại trực thăng đã làm cả thế giới chú ý: Tiến Sĩ Heinrich Focke, người Đức, đã trình bày một thứ máy bay của mình trong một tòa nhà tại thành phố Berlin. Sau đó máy bay của ông Focke đã bay được 143 dậm và người ta còn cho rằng nó đã lên cao được gần 400 thước. Loại trực thăng này có hai cánh quạt lắp trên nóc và quay ngược chiều nhau. Ngoài ra, còn có hơn một chục loại trực thăng khác nhau đã được chế tạo và các cuộc thí nghiệm về thứ máy bay này đã chứng tỏ rằng trực thăng có thể bay được.

Trước sự phức tạp về lý thuyết, trước nhiều loại động cơ đã được chế tạo cho một thứ máy bay chưa thành công, ông Sikorsky đã phải tìm tòi một loại trực thăng đơn giản, bền bỉ, an toàn và dễ xử dụng. Ông liền quyết định dùng tới loại một động cơ vì theo ông “hai động cơ có thể ví như hai người đàn bà trong nhà bếp, tuy có thể làm việc gấp đôi nhưng hiệu năng bị giảm đi 35 phần trăm”.

Sikorsky trong bộ quần áo
phi công
Sau một thời gian nghiên cứu, ông Sikorsky đã chế ra được một chiếc máy bay trực thăng trông rất ngộ nghĩnh, nó được làm bằng các ống sắt ghép lại, chứa đựng bên trong một động cơ mạnh. Vào thời bấy giờ, việc kiểm soát loại trực thăng này rất phức tạp và cách điều khiển máy bay còn khó khăn hơn việc cưỡi một con ngựa chứng. Chính trong tình trạng sơ khai này, ông Sikorsky đã tập lái trực thăng vì chỉ có ông là hiểu rõ loại máy bay này vận chuyển ra sao. Ngoài việc giữ cho trực thăng cân bằng, ông còn phải điều khiển động cơ cho thật êm ái. Trong các chuyến bay thử đầu tiên, nhà kỹ thuật này còn phải dùng tới dây xích để buộc máy bay xuống đất, rồi dần dần, ông Sikorsky lắp thêm phao nổi và ông đã thành công trong việc đáp xuống mặt nước. Tháng 5 năm 1941, ông Sikorsky đã ghi được kỷ lục bay trực thăng trong một giờ.

Igor Ivanovitch Sikorsky đã thành công rực rỡ tại Hoa Kỳ nhưng lại chào đời tại Kiev, nước Nga, vào ngày 25/5/1889. Cha Igor là một giáo sư danh tiếng về Tâm Lý Học, ông ta là tác giả của nhiều cuốn sách giá trị và là người có nhiều thẩm quyền về bệnh thần kinh. Nhờ cha, Igor được hướng dẫn rất sốm về Khoa Học. Vào các ngày nghỉ hè, Igor được cha đưa đi chơi lang thang trên cánh đồng và chính trong hoàn cảnh này, cậu bé được cắt nghĩa về Thiên Văn, Vật Lý, Hóa Học và Toán Học... Cũng vì cơ thể yếu đuối nên Igor không ưa thích các môn thể thao dùng tới sức mạnh, cậu đã quay về các phát minh giản dị: Igor tập chế tạo các bình điện, các động cơ điện loại nhỏ và nhờ những lời chỉ dẫn trong các cuốn sách khoa học phổ thông, Igor lại chế ra cả các quả bom nhỏ rồi cho phát nổ, khiến cho hàng xóm phải than phiền với cha mẹ.

Tại trường, cậu Igor học khá nhưng không phải là một học sinh xuất sắc vì cậu không muốn tốn thời giờ vào các môn học không hợp sở thích. Năm 14 tuổi, Igor Sikorsky theo học Trường Hải Quân (Naval Academy) tại Petrograd nhưng cậu không thích trở nên một thuyền trưởng, nghề kỹ sư có lẽ hợp với cậu hơn nên ba năm sau, Igor xin thôi học.

Vào năm 1905, cuộc Cách Mạng không thành công tại nước Nga đã làm cho việc học của Igor bị gián đoạn, cậu đành theo học một trường kỹ thuật tư thục tại Paris trong sáu tháng rồi trở lại Kiev và theo Viện Bách Khoa nhưng tại nơi này, Igor cảm thấy chán nản với các môn lý thuyết và nhất là môn Toán Học cao cấp. Igor ưa thích cuộc sống trong các cơ xưởng với các dụng cụ như búa, kìm, đe...

Tới năm 1908 khi Igor được 19 tuổi, cậu cùng với cha trải qua các ngày hè tại nơi miền núi của nước Đức. Chính tại một khách sạn nhỏ, Igor bắt gặp một tờ báo cũ trong đó có bài viết tường thuật tỉ mỉ về các lần bay đầu tiên của anh em Wright trên đồi Kitty Hawk 5 năm về trước. Bài báo này làm cho Igor rất vui sướng, nhờ đó mà cậu nhận thức được rằng giấc mơ từ lâu của con người về một đôi cánh đã trở thành sự thật.

Do các thành công của anh em Wright, Igor cũng bắt chước thực hiện các thí nghiệm tương tự. Cậu mua đủ thứ dụng cụ rồi thử về sức nâng do cánh quạt tạo ra. Trở về Kiev, Igor đọc tất cả sách báo nói về Thuật Hàng Không và cậu bắt tay vào công cuộc tìm tòi sau những giờ theo học tại nhà trường. Igor muốn chế tạo một máy bay nhưng giá tiền mua động cơ đã làm cậu e ngại rất nhiều. Trong lúc nuôi mộng về máy bay, Igor không tìm được ai để thổ lộ tâm sự ngoài chị Olga. Cậu đã trình bày cho chị rõ những trở ngại của mình và bày tỏ ước mong được tới Paris vì nơi đây mới có các nhà phi hành, mới có bán các động cơ và dụng cụ cần thiết, mới có trường kỹ thuật dạy về máy móc v.v. Vì thương yêu em, chị Olga đành bảo Igor: “Chị đã tiết kiệm được 3,000 Rúp, em hãy dùng số tiền này tới Paris và mua động cơ”.

Việc đi xa này của Igor đã bị nhiều người trong gia đình phản đối. Paris là một kinh đô xa hoa, không phải là nơi dành cho một thanh niên cô độc, thiếu kinh nghiệm lại có một số tiền lớn. Nhưng rồi Igor cũng xin được phép của cha mẹ và ra đi với tất cả tấm lòng phấn khởi. Tại vùng thủ đô của nước Pháp, Igor lân la tới các phi trường và hỏi chuyện những người nhiệt tâm với kỹ thuật hàng không. Cậu ghi tên vào trường dạy bay, học được ít nhiều kiến thức mới và cũng tốt nghiệp như các người khác. Trước khi từ biệt các thầy, Igor đã trình bày giấc mộng của mình về một thứ máy bay trực thăng, thì cậu được khuyên bảo như sau: “Đừng phí thời giờ về máy bay trực thăng, điều này vô vọng...”. Nhưng Igor là một con người bướng bỉnh, cậu đi mua một động cơ 25 mã lực và các phụ tùng cần thiết rồi trở về Kiev. Tại nơi sau này, Igor theo học tại Viện Bách Khoa.

Để chiều theo sở thích của con, cha Igor đã cho cậu một căn phòng dùng làm cơ xưởng. Vào mùa hè năm 1909, Igor chế tạo được một thứ máy bay có hình dáng trông kỳ dị, với hai cánh quạt quay ngược chiều nhau và lắp thẳng đứng hướng lên trời. Trong lần thử đầu tiên, Igor nhận thấy máy bay bị lắc mạnh. Cậu dùng trực giác và các kiến thức sẵn có để sửa chữa các khuyết điểm. Các lần thí nghiệm ban đầu khiến cho chiếc động cơ đắt giá bị hư hỏng hoàn toàn nhưng Igor không thất vọng. Cậu được cha cho tiền mua hai động cơ khác tại Paris.

Mùa Xuân năm sau, Igor thành công về chiếc máy bay thứ hai. Chiếc trực thăng này đã nhấc được trọng lượng 200 kilô của nó. Điều này khiến Igor thấy rằng cần phải vẽ một kiểu máy bay khác với động lực mạnh hơn nhiều. Nhưng sau một năm rưỡi, Igor đã tiêu trọn món tiền lớn của gia đình mà chưa mang lại được một kết quả khả quan nào, trong khi kỹ thuật của máy bay trực thăng còn phức tạp rất nhiều so với thứ máy bay có cánh cố định. Cũng vì vậy cậu đành dẹp ý tưởng về trực thăng sang một bên mà bắt tay làm thứ máy bay nhỏ hai cánh cổ điển. Năm đó Igor 21 tuổi.

Trong vòng hai năm trường, Igor Sikorsky đã chế tạo được 6 chiếc máy bay loại thường tại khu ngoại ô Kiev. Igor cũng thoát hiểm trong nhiều tai nạn và những rủi ro này không làm nhà phát minh trẻ tuổi ngại ngùng. Igor được nhiều người góp sức, trong số này có cả thợ mộc, thợ hàn... và các bạn cùng lớp, tất cả những người này đến làm việc cùng Igor Sikorsky với một tấm lòng vô vị lợi. Họ ăn uống với nhau, bàn bạc cùng nhau trong nhiều giờ về thứ máy bay mà theo họ, sau này sẽ bay vòng quanh trái đất. Sau nhiều tai nạn hiểm nghèo, sau nhiều lần bay thử, Igor đã hiểu rõ phương pháp chế tạo máy bay. Cũng do kinh nghiệm, Igor học được kỹ thuật lái của một viên phi công.

Chiếc S-5 của Sikorsky
Dù cho các thí nghiệm của Igor khiến ngân quỹ của gia đình bị thiếu hụt, ông Sikorsky vẫn luôn luôn khuyến khích chàng con trai theo đuổi mục đích, nhờ vậy Igor đã thành công với chiếc máy bay S-5 lấy lại được tín nhiệm của gia đình. Chàng Igor đã thực hiện được nhiều chuyến bay và lấy bằng phi công. Các thành tích của Igor khiến cho chàng được mời tham dự cuộc tham dượt của Quân Đội Nga. Trong lần này, Igor Sikorsky đã biểu diễn bay trong nhiều giờ trên độ cao 500 thước. Chàng được giới thiệu với Nga Hoàng, đây là một vinh dự lớn lao cho nhà phát minh trẻ.

Từ nay Igor Sikorsky bắt đầu nổi danh. Chàng cũng kiếm được tiền trong các chuyến bay biểu diễn. Trong một cuộc bay, phi cơ của Igor bị hỏng máy trên độ cao 50 thước, chàng đành phải đáp vội vã trên một sân ga, máy bay tuy bị lật ngược nhưng thiệt hại tương đối nhỏ.

Dùng các kiến thức sẵn có, Igor lại vẽ kiểu một máy bay mới. Trong vòng ba tháng trường, chiếc máy bay thứ sáu đã được chế tạo với động cơ 100 mã lực. Nhờ các cải tiến áp dụng vào chiếc máy bay này, Igor đã bay với vận tốc 70 km/giờ lại chở được hai hành khách. Đây là một kỷ lục của thời bấy giờ.

Hai tháng sau trong một cuộc triển lãm máy bay tại Moscow, Igor Sikorsky đã đoạt giải thưởng cao nhất. Các thành công của Igor khiến cho một hãng chế tạo lớn nhất tại Petrograd tới điều đình với nhà phát minh 23 tuổi này để mua đặc quyền chế tạo máy bay Sikorsky. Igor lại được mời làm kỹ sư trưởng kiêm họa viên. Các người bạn trước kia đã giúp Igor trong việc chế tạo máy bay, nay cũng trở thành các chuyên viên của công ty. Trong vòng hai năm, Igor đã trả lại cho gia đình một số tiền lớn mà trước kia, chàng đã dùng trong việc thí nghiệm cơ khí. Từ đây, chàng bắt đầu giàu có.

Nếu trước kia, nhiều người cho rằng việc bay trong không gian là một giấc mơ thì ngày nay, các kẻ hoài nghi lại bảo rằng không một máy bay nào nặng hơn một tấn mà có thể bay lên cao được. Trái hẳn với quan niệm trên, Igor Sikorsky lại đang dự tính về một loại máy bay 4 động cơ có khả năng chuyên chở một số hành khách. Ý tưởng này đã gặp phải sự chỉ trích của nhiều người vì họ tin rằng thứ phi cơ này quá nặng, nếu một động cơ bị hư hỏng, sự thăng bằng của phi cơ sẽ gặp ảnh hưởng tai hại. Nhưng Igor vẫn không lùi bước. Chiếc máy bay 4 động cơ đầu tiên của thế giới do Igor Sikorsky chế tạo đã bay trong 1 giờ 54 phút với 8 hành khách, tạo nên kỷ lục hàng không. Thành công này của Igor vang lừng khắp nơi, khiến cho Sa Hoàng Nicolas II phải đích thân tới quan sát chiếc máy bay, rồi vì quá khâm phục, Sa Hoàng đã tặng cho nhà phát minh một đồng hồ vàng.

Chiếc máy bay khổng lồ đối với thời kỳ đó của Igor Sikorsky đã thực hiện được hơn 50 chuyến bay trước khi gặp tai nạn. Dù sao, nó đã chứng tỏ được khả năng về một loại máy bay chuyên chở và đã khiến cho các nhân vật có thẩm quyền của công ty chế tạo phi cơ phải tín nhiệm nhà phát minh và chấp thuận cho Igor chế tạo tiếp một thứ máy bay lớn hơn.

Vào năm 1913, Igor Sikorsky hoàn thành một loại máy bay mới. Loại này đã trở nên một kỳ công của thế giới hàng không vì nó có thể chở 16 hành khách, lại có phòng khách với ánh sáng điện, lò sưởi và cả giường ngủ.

Khi Thế Chiến Thứ Nhất bùng nổ, Igor Sikorsky quay sang việc sản xuất các oanh tạc cơ. 75 chiếc loại 4 động cơ do nhà phát minh Sikorsky chế tạo đã thực hiện hàng trăm vụ oanh tạc trên các mục tiêu của Đức. Nhưng rồi cuộc Cách Mạng Nga bùng nổ, khiến cho nhiều người bạn của Igor bị mang ra xử bắn. Igor đành phải bỏ tất cả tài sản và cơ nghiệp, trốn về Murmansk trên một con tầu Anh chất đầy người tị nạn. Sau một thời gian ngắn cư ngụ tại Paris, Igor Sikorsky xuống tầu sang Hoa Kỳ, lúc này là tháng 3 năm 1919. Nhà phát minh này đã đến một xứ sở xa lạ, không bạn bè, với 600 mỹ kim trong túi và một chút ít kiến thức về tiếng Anh.

2/ Cuộc sống tại Hoa Kỳ.

Tại Hoa Kỳ, Igor Sikorsky phải hết sức tần tiện vì chưa xin được việc làm. Việc đình chiến đã khiến cho chính phủ Hoa Kỳ hủy bỏ ngân quỹ chế tạo máy bay trong khi ngành hàng không thương mại lại chưa ra đời. Mỗi buổi chiều, ông Sikorsky thường ra phi trường ngắm nhìn các phi cơ cất cánh và hạ cánh với tất cả tấm lòng thèm muốn vì chỉ có kỹ thuật hàng không mới là sở thích và khả năng của ông. Trong lúc thất nghiệp, ông Sikorsky được Tướng “Billy” Mitchell cử tới Dayton để vẽ cho Quân Đội Mỹ một thứ siêu oanh tạc cơ nhưng công việc thích hợp với nhà phát minh lại không kéo dài được lâu: 6 tháng sau, Igor trở lại New York với tình trạng thất nghiệp cũ.

Trong hoàn cảnh eo hẹp này, Igor Sikorsky được nghe nói một số người Nga di cư đang tìm kiếm một giáo sư Toán Học cho một trường dạy về ban đêm. Ông Sikorsky đành phải ôn lại Toán để đi xin việc: ông được chấp nhận. Trong lúc phụ trách giảng dạy Toán cho các học viên, ông Sikorsky cũng nói sang cả phạm vi Thiên Văn và Hàng Không, còn vào những ngày nghỉ, nhà phát minh lại bận rộn với những họa đồ về một thứ máy bay vận tải mới.

Sikorsky kêu gọi những người quen biết bỏ vốn thành lập một công ty chế tạo máy bay. Điều này đã được rất nhiều người hưởng ứng. Các sinh viên tình nguyện góp công và một người Nga di cư đang khai thác một nông trại gần Roosevelt Field, thuộc tiểu bang Long Island, nhận góp chiếc sân sau làm cơ xưởng. Hai nhà phát minh về máy lượn người Nga là Michel và Serge Gluhareff và một kỹ sư, bạn học cũ của Sikorsky tại Kiev là Michel Buivid cũng tới làm việc với lương hàng tuần là 15 mỹ kim. Với tất cả các món tiền gom lại, lớn có, nhỏ tới 10 mỹ kim cũng có, Công Ty Sikorsky Aero Engineering Corporation được thành lập vào mùa xuân năm 1923. Tuy số vốn lúc đầu chỉ tới gần 1,000 mỹ kim, công ty vẫn lo chế tạo máy bay hai động cơ chở hành khách.

Trong hoàn cảnh eo hẹp về tài chính này, Công Ty Sikorsky đã hoạt động với tất cả tấm lòng hy sinh của mọi hội viên. Phần lớn các chuyên viên của công ty đều thiếu ăn, riêng về nhà phát minh Sikorsky, đã nhiều lần ông phải đi cầm chiếc đồng hồ vàng mà Sa Hoàng trao tặng trước kia. Dù vậy, một chiếc máy bay đã được chế tạo xong vào mùa xuân năm sau. Trong lần bay thử với săng nhớt vay mượn, chiếc máy bay đã cất cánh nhưng rồi lại gặp trục trặc về máy móc mà đâm bổ xuống đất, làm tiêu tan hy vọng của mọi người.

Tới lúc này, Sikorsky đành phải mời họp 50 hội viên có cổ phần, trình bày một cách hùng hồn về kiểu mẫu của một thứ máy bay mới. Nhà phát minh đã kêu gọi mọi người tin tưởng nơi ông và vui lòng đóng góp 2,500 mỹ kim nữa để chế tạo một máy bay khác. Ông đã chiếm được lòng tin cẩn của các hội viên.
Khi đã có tiền, Sikorsky liền bắt tay vào việc chế tạo lại chiếc máy bay S- 29. Thứ phi cơ này chở được 14 hành khách và bay với tộc độ vài trăm dậm một giờ, đây là một thành công rực rỡ. Với chiếc S- 29, Sikorsky đã tự mình lái lấy và đã thực hiện hàng trăm chuyến bay. Sau này nó được bán đi và xử dụng vào việc quảng cáo: người ta đã thấy chiếc máy bay lịch sử này bay tại khắp nơi, với cờ hiệu quảng cáo mang chữ “Cửa hàng Xì Gà Liên Hiệp” (United Cigar Stores). Cuối cùng chiếc máy bay này lại được ngụy trang thành chiếc oanh tạc cơ Đức trong một cuốn phim thực hiện tại Hollywood. Sự thành công của chiếc máy bay S- 29 đã mang thêm vốn cho công ty Sikorsky và nhờ vậy, công ty được tổ chức lại, các chuyên viên có nhiệt tâm không còn bị thiếu thốn như trước. 

Mùa hè năm 1926, viên phi công người Pháp Réné Fonck quyết định giật giải Raymond Orteig trị giá 25,000 mỹ kim về chuyến bay không nghỉ giữa New York và Paris. Dự định này khiến cho phi hành gia và các người ủng hộ ông ta đặt Sikorsky làm một chiếc máy bay 3 động cơ. Vào tháng 8 năm 1926, máy bay được chế tạo xong thì ngày dự thi cũng sắp đến, tại mọi nơi người ta đều nói tới chuyến bay táo bạo này, làm cho Réné Fonck và các người ủng hộ tài chính cũng cảm thấy nóng lòng trong khi Sikorsky khuyên nên thử máy móc thêm nhiều lần nữa. Rồi trong một buổi sáng ảm đạm vào tháng 9, Réné Fonck leo lên máy bay và cố gắng tìm cách cất cánh trước một số đông dân chúng dự kiến, nhưng thất bại. Máy bay đã rớt xuống rồi bốc cháy ở cuối phi đạo. Hai nhân viên phi hành tử nạn. Hy vọng của nhà phát minh người Nga Sikorsky cũng tiêu tan.

S-38
Vào mùa xuân năm sau, 1927, Charles Lindberg đã thành công trong chuyến bay thử thách kể trên, vừa giật giải, vừa cứu vãn được ngành hàng không thương mại Hoa Kỳ. Cũng vào lúc này, ông Sikorsky lại thành công về một thứ thủy phi cơ vận tải mới, có 10 chỗ ngồi với danh hiệu S-38. Nhiều nhân vật tên tuổi đã đặt mua loại máy bay danh tiếng này, kể cả công ty Pan American Airways.

Tại cơ xưởng mới ở Bridgeport, Connecticut, ông Sikorsky đã chế tạo được hơn 100 chiếc S-38 và loại máy bay này đã được dùng cho cả việc chở hành khách trên hành trình dài lẫn việc chuyên chở thư từ. Tại mọi nơi, tên gọi Sikorsky đã tượng trưng cho việc di chuyển bằng đường hàng không với ưu điểm vừa nhanh chóng, vừa lịch sự. Ít lâu sau, công ty của Igor Sikorsky trở nên một chi nhánh của Đại Công Ty United Aircraft Corporation và đại công ty này có một cơ xưởng rất lớn tại Bridgeport, sản xuất ra hàng trăm máy bay kiểu S-38. 

Vào năm 1931, chiếc máy bay đầu tiên kiểu S- 40, được gọi tên là “The American Clipper” đã được hãng hàng không Pan American World Airways dùng trong các chuyến bay chuyên chở thư từ và hành khách tới vùng biển Caribbean và vùng Nam Mỹ. Tới mùa hè năm 1937, hãng hàng không Pan American thực hiện các chuyến bay qua Đại Tây Dương và Thái Bình Dương bằng loại máy bay 4 động cơ S- 42 Clipper. Đây là loại máy bay Sikorsky cuối cùng.

Khi cuộc khủng hoảng kinh tế bộc phát, không nơi nào đặt mua máy bay, làm cho cơ xưởng của ông Sikorsky gặp bế tắc. Trong khi sắp phải đóng cửa công ty thì viên phó giám đốc Eugiene E. Wilson được một người khuyên nên để công ty bỏ tiền cho ông Sikorsky thực hiện những ý tưởng mới, có lẽ đã có sẵn trong óc nhà phát minh. Ông Igor Sikorsky nhận được đề nghị và đã nhận lời. Chính vào lúc này ông bắt đầu việc nghiên cứu lại cách chế tạo loại máy bay trực thăng.

Igor Sikorsky đã trình bày trước Ban Quản Trị của Đại Công Ty rằng máy bay trực thăng không giống các loại máy bay khác, nó có thể lên xuống mà không cần tới bãi đáp dành riêng và “khác với loại thường, máy bay trực thăng sẽ được dùng không phải để tàn phá, mà để cấp cứu”. Và ông Sikorsky đã thành công.

Thứ máy bay trực thăng đầu tiên nổi danh nhất của ông Igor Sikorsky có tên là VS- 300, cất cánh vào ngày 14/9/1939. Về sau, còn có hơn 3,500 chiếc trực thăng vừa lớn hơn, vừa nhanh hơn, bay lượn trên không phận Hoa Kỳ. Do thành công của ông Sikorsky, nhiều hãng cơ khí khác cũng chế tạo các loại trực thăng khác nhau. Vào năm 1982, kỷ lục về bay trực thăng vòng quanh thế giới đã được H. Ross Perot, Jr. và J. W. Coburn thực hiện. Hai nhà phi hành này đã điều khiển chiếc trực thăng Bell 206-L-II Long Ranger, bay vòng quanh trái đất với vận tốc trung bình 34.4 dậm/giờ. Cuộc hành trình đã mất 29 ngày, 3 giờ, 8 phút và 13 giây.

Ông Igor Sikorsky về hưu năm 1957 nhưng còn làm tham vấn cho một công ty hàng không cho tới khi ông qua đời vào ngày 26/10/1972 tại Easton, tiểu bang Connecticut. 

Ông Igor Sikorsky đã nhận được hàng chục văn bằng Tiến Sĩ Danh Dự về Khoa Học và Kỹ Thuật, ông là hội viên Danh Dự của nhiều co sở nghiên cứu tại Hoa Kỳ và châu Âu, ông cũng như nhận lãnh các huy chương và phần thưởng về Hàng Không, kể cả “Huy Chương Thập Tự “ (The Cross of St. Vladimir) của nước Nga, Giải Thưởng Sylvanus Albert Reed năm 1942 của Viện Khoa Học Hàng Không New York, Văn Bằng Chứng Nhận Công Trạng của Tổng Thống Hoa Kỳ (The U.S. Presidential Certificate of Merit), Huy Chương và Bằng Chứng Nhận Daniel Guggenheim năm 1951 (The Daniel Guggenheim Medal and Certificate), Phần Thưởng Elmer A. Sperry năm 1964 (The Elmer A. Sperry Award) và Phần Thưởng Quốc Phòng năm 1971 (The National Defense Award). 

Tác phẩm “Các Hồi Tưởng và Tư Tưởng của một Nhà Tiền Phong” (Recollections and Thoughts of a Pioneer) xuất bản năm 1964 của ông Igor Sikorsky đã nhắc lại nghề nghiệp và các thành quả của nhà phát minh này, đồng thời cho thấy quan niệm của ông đối với các chiều hướng phát triển của ngành hàng không trong tương lai. Cuốn tự thuật của ông Sikorsky có tên là “Câu chuyện của Loại Cánh S: các phát triển về sau và các hình ảnh gần đây của Trực Thăng” (The Story of the Winged-S: Late Developments and Recent Photographs of the Helicopter, 1967) xuất bản năm 1967, đã bao gồm nhiều chi tiết về cuộc đời và công việc của nhà phát minh thiên tài này.

Ngày nay máy bay trực thăng là một phương tiện cấp cứu nhanh chóng nhất. Nhờ phát minh của ông Igor Sikorsky mà hàng chục ngàn người đã thoát khỏi tay Tử Thần trong các trận hỏa hoạn, các vụ đắm tầu, các trận bão lụt... Nhiều tai nạn xẩy ra tại những nơi đồi núi không có bãi đáp, nhưng máy bay trực thăng đều có mặt rất sớm và đã vượt qua được mọi trở ngại thiên nhiên. Ngoài công dụng về cấp cứu, người ta còn dùng máy bay trực thăng vào việc chuyên chở vật liệu xây dựng, gieo hạt giống, chăn bò ngựa, đi kiểm soát các ống dẫn dần, chụp ảnh, kiểm soát sự lưu thông trên xa lộ và đưa khách du lịch. 

Khả năng nhiều mặt của máy bay trực thăng đã khiến các nhà quân sự mang áp dụng thứ phương tiện này vào một chiến thuật mới và hiện nay, trên nhiều chiến trường, máy bay trực thăng đã là một trong các yếu tố quyết định để đương đầu với chiến thuật du kích.
 
Phạm Văn Tuấn

Tài liệu tham khảo: Wikipedia.org.; Britannica Encyclopedia.
https://en.wikipedia.org/wiki/Igor_Sikorsky


No comments

Powered by Blogger.