Header Ads

Lâm Quang Thi, Người Con Xưa Đã Trở Về Trường Mẹ



Bùi Phạm Thành

Từ hơn một năm qua, trong mùa đại dịch Vũ Hán, hầu hết dân chúng trên nước Mỹ, và cả thế giới, đều giữ liên lạc và thông tin qua các hệ thống mạng xã hội. Sinh hoạt của các Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Của Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam (CSVSQ/TVBQGVN) ở hải ngoại cũng chung một hoàn cảnh.

Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam (TVBQGVN) được thành lập từ năm 1948, và ngưng hoạt động sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, với tổng số 31 khóa chính và 2 khóa phụ. Trong khoảng thời gian đó, Trường đã đào tạo được khoảng 6 ngàn sĩ quan hiện dịch cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QL/VNCH).

Có thể nói rằng trong những trận chiến lẫy lừng, chiến công hiển hách của QL/VNCH đều có sự tham dự của những sĩ quan xuất thân từ TVBQGVN (Võ Bị). Sự hy sinh anh dũng của họ đã được ghi nhớ trong quân sử và được ca ngợi trong văn, thơ và âm nhạc.

Trên chiến trường, các sĩ quan xuất thân TVBQGVN đã được biết đến là những người "Sống hùng, sống mạnh, nhưng không hứa là sẽ sống lâu." Bởi vì họ là những người "Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao." 

Đành rằng là như thế, nhưng sáng ngày 19 tháng 1 năm 2021, đọc tin Niên Trưởng Lâm Quang Thi qua đời, sau 14 ngày chống cự với con virus Vũ Hán, thì không khỏi bàng hoàng, xúc động. Cho dù biết rằng với số tuổi gần 90 của ông thì "ngày trở về Đài Tử Sĩ ở Vũ đình trường Lê Lợi", nơi hội họp sau cùng để điểm danh CSVSQ/TVBQGVN, cũng không còn bao xa.

Cá nhân chúng tôi trong bốn năm thụ huấn tại TVBQGVN thì ông là Chỉ Huy Trưởng, và ông là người có công chuyển sự huấn luyện quân sự trở thành Liên Quân Chủng (Hải-Lục-Không quân) và, sau đó, được cấp thêm bằng "Cử Nhân Khoa Học Ứng Dụng", được chứng nhận bởi bộ Quốc gia Giáo dục.

Ra hải ngoại, Niên Trưởng Lâm Quang Thi vẫn luôn nhắc nhở chúng tôi bằng câu nói của tướng De Gaulle của Pháp "Nous avons peut-être perdu la bataille, mais pas la guerre - Chúng ta có thể đã thua một trận chiến, nhưng không phải là một cuộc chiến", với hy vọng là một ngày nào đó sẽ khôi phục lại nền cộng hòa, dân chủ trên quê hương Việt Nam. 

Sau 1975, khi định cư ở Hoa Kỳ, ông đã đậu thêm bằng Cử nhân Xã hội học (Viện Đại học University of San Francisco) và bằng Cao học Quản trị Kinh doanh (Master Degree of Business Administration, Viện Đại học Golden Gate University, San Francisco).

Ông cũng đã xuất bản ba quyển sách, bằng tiếng Anh, về chiến tranh Việt Nam:
  • Autopsy - Khám nghiệm cái chết của miền Nam Việt Nam.
  • The Twenty-Five Year Century - Ký ức của một vị tướng lãnh miền Nam Việt Nam về chiến tranh Đông Dương sau khi Sài Gòn thất thủ. (University of North Texas Press, 2001, ISBN 1-57441-143-8)
  • Hell in An Loc - Trận chiến đã cứu miền Nam Việt Nam thoát khỏi sự xâm lăng của cộng sản Bắc Việt năm 1972. (University of North Texas Press, 2011, ISBN 1-57441-313-9)
Có lẽ Niên Trưởng Lâm Quang Thi là vị tướng lãnh duy nhất của QL/VNCH vẫn tiếp tục chiến đấu bằng ngòi bút và ngôn ngữ bản xứ (tiếng Anh) để bảo vệ danh dự cho Việt Nam Cộng Hòa và QL/VNCH với các tác phẩm nói trên và các bài viết trên các trang báo tiếng Anh. (1)
 
Ông cũng là người có công thúc đẩy việc hoàn tất quyển "Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam - Theo Dòng Lịch Sử". Ông đã mở đầu bài giới thiệu bằng một câu có thể xem là danh ngôn của một tướng lãnh để hậu thế noi gương

Lịch sử của một quốc gia gắn liền với lịch sử của quân đội, vì sự hưng vong của quốc gia tuỳ thuộc vào sức mạnh và khả năng chiến đấu của quân đội quốc gia đó .

The history of a country is tied to the history of the army, because the survival of a nation depends on the strength and fighting ability of that nation's army.

Quyển "Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam - Theo Dòng Lịch Sử" là một chứng tích của sức mạnh và khả năng chiến đấu của hơn 6 ngàn sĩ quan tốt nghiệp TVBQGVN. Trong đó có Trung tướng Lâm Quang Thi là một CSVSQ khóa 3, và cũng là cựu Chỉ Huy Trưởng TVBQGVN trong khoảng thời gian 1968-1972.

Sau khi được đọc quyển sách này, tác giả Trần Trung Đạo đã viết:

"Tôi được tặng sách khá nhiều nhưng chưa hề thấy một công trình tập thể phong phú và đầy đủ như thế. Tôi gọi tác phẩm là kỷ vật lịch sử của các bậc cha chú để lại cho các thế hệ Việt Nam tương lai. Chứa đựng trong trên 800 trang khổ lớn bìa dày là một lịch sử dài của Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam với rất nhiều bài viết, nhiều hình ảnh màu, nhiều câu chuyện bi hùng.
 
Bài đầu tiên của tác phẩm 'Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam - Theo Dòng Lịch Sử' là lời nói đầu của Trung Tướng Lâm Quang Thi, cựu chỉ huy trưởng của trường từ 1968 đến 1972."

Ở đây, chúng tôi cũng xin nêu lên một vài đặc điểm của những người xuất thân từ TVBQGVN:

Trong sinh hoạt hàng ngày, trên chiến trường cho đến ngày nay, chúng tôi vẫn gọi người khóa đàn anh là Niên Trưởng, và gọi khóa sau là Anh, bất kể cấp bậc. 

Xin kể vài mẩu chuyện vui về cách xưng hô của các CSVSQ/TVBQGVN:
  • Chúng tôi gọi TVBQGVN là Trường Mẹ và khóa đàn anh là Niên Trưởng, với ngụ ý rằng chúng tôi là anh em, con cùng một Mẹ.
  • Niên Trưởng Trương Quang Ân (cố Thiếu Tướng, CSVSQ khóa 7 TVBQGVN) đã từng nói với khóa đàn em "Các anh có thể có học vấn hơn tôi, cấp bậc và chức vụ hơn tôi. Thế nhưng các anh không thể qua mặt tôi ở địa vị Niên Trưởng. Đó là truyền thống của TVBQGVN, các anh hãy nhớ điều đó."
  • Một người bạn cùng khóa của chúng tôi về Biệt Động Quân, anh ta luôn gọi vị Tiểu Đoàn Trưởng (TĐT) với cấp bậc Thiếu Tá, cho dù vị TĐT này là một đàn anh Võ Bị. Sau một tháng, vị TĐT gọi anh ta lên và hỏi "Anh về đây với tôi đã được một tháng, anh có điều không vừa ý thì hãy nói thẳng cho tôi biết."
    Anh bạn tôi quá ngạc nhiên, trả lời "Thiếu Tá đối với tôi quá tốt. Tôi thực tình không có gì để phàn nàn cả."
    Vị TĐT nói "Thế thì tại sao anh không gọi tôi là Niên Trưởng cho dù biết tôi cũng là Võ Bị?" Anh bạn tôi bèn tự giác làm 10 cái hít đất để nhận lỗi.
  • Một chuyện khó quên là vào một Đại Hội Võ Bị toàn cầu, trong khi chúng tôi đang vây quanh bàn của Niên Trưởng Lâm Quang Thi và các Đại Niên Trưởng để "cụng ly" thì phu nhân của Niên Trưởng Thi lên tiếng "Các anh này lạ thật. Các anh gọi các ông nhà tôi là Niên Trưởng mà gọi chúng tôi là 'bác' thì nghĩa là làm sao?" Thế là chúng tôi vội vàng xin lỗi để gọi bằng chị, cho dù về tuổi tác thì quý chị đều đáng tuổi mẹ của chúng tôi !!!
Như thế, đối với các CSVSQ/TVBQGVN thì hai chữ Niên Trưởng có giá trị gấp ngàn lần chức vụ hay cấp bậc.

Trở lại với sự ra đi, hay "trở về Trường Mẹ", của Niên Trưởng Lâm Quang Thi, thì chúng tôi rất tiếc rằng Niên Trưởng không có dịp tham dự Đại Hội Võ Bị kỳ thứ 22, bị dời lại vì con virus Vũ Hán, và nghe bài hát  "Hướng Về Trường Mẹ" mà chúng tôi hân hạnh viết để chào mừng Đại Hội (2).

Để tưởng nhớ và thương tiếc Niên Trưởng Lâm Quang Thi, chúng tôi xin mượn bài thơ "Chí Làm Trai" của cụ Nguyễn Công Trứ để thay lời tạ từ trong lần cuối, nghiêm chỉnh chào kính, tiễn đưa Niên Trưởng trong ngày hết nợ tang bồng để trở về Trường Mẹ:

Vòng trời đất dọc ngang, ngang dọc,
Nợ tang bồng vay giả, giả vay.
Chí làm trai nam bắc đông tây,
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể.
Nhân sinh tự cổ thuỳ vô tử,
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh.
Đã hẳn rằng ai nhục với ai vinh,
Mấy kẻ biết anh hùng khi vị ngộ.
Cũng có lúc mưa dồn sóng vỗ,
Quyết ra tay buồm lái với cuồng phong.
Chí những toan dời núi lấp sông,
Làm nên tiếng anh hùng đâu đấy tỏ.
Đường mây rộng thênh thênh cử bộ,
Nợ tang bồng trang trắng, vỗ tay reo.
Thảnh thơi thơ túi, rượu bầu.


Bùi Phạm Thành

Tham Khảo:

(1) Lâm Quang Thi

(2) Hướng Về Trường Mẹ
https://www.youtube.com/watch?v=7JZWJnQgPjY


No comments

Powered by Blogger.