Header Ads

Đoạn Đời Gian Truân


Trần Nhật Kim

Thu thức giấc thì trời đã sáng, con tàu đang trên đèo Hải-vân.  Từ trên cao nhìn xuống, phía dưới là quốc lộ 1 chạy song song với con tàu.  Con đường thật vắng, thỉnh thoảng mới thấy chiếc xe hơi nhỏ.

Gió lạnh lùa vào xe, nàng cảm thấy tâm hồn lâng lâng bay bổng.  Tàu xa dần vùng núi cao đến gần các thành phố ven biển.  Khung cảnh mỗi nơi mang một sắc thái riêng biệt, trải rộng từ Bắc vào Nam.  Từ vùng núi non hùng vĩ đến những cánh đồng lúa bạt ngàn, mà suốt cuộc đời chưa chắc nàng đã có cơ hội đi khắp nơi, để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của quê hương.

Con tàu mải miết chạy, xuyên qua tỉnh Bình-Định, địa đầu của Vùng II cũ, rồi tới tỉnh Phú-Yên, Khánh-Hòa… Con tàu thét lên từng hồi còi dài, tiến dần vào thành phố Nha-Trang nắng ấm.  Khung cảnh thật quen thuộc như nàng mới rời khỏi đây, thành phố đã cho nàng nhiều kỷ niệm của tuổi xanh.

Gió thổi nhẹ như mang theo vị mặn của đại duơng.  Ngồi đây mà Thu có cảm tưởng mình nhìn thấy thành phố vùng biển này một cách thật rõ.  Nàng nhớ từng góc phố, từng công viên, từ con đường rợp bóng đến khu phố sầm uất.  Những con đường trải nhựa bốc khói duới nắng hè đến Cầu Đá, Hòn Chồng... Hình ảnh dĩ vãng hiện ra như ngày nào.

Thu rời miền Bắc vào Nam khi chia đôi đất nước.   Thành phố vùng biển này là nơi đầu tiên nàng tới.  Nàng lớn lên ở đây, khung cảnh trở thành thân thương.  Thu nhớ đến mái trường học xinh xinh không xa nhà nàng bao nhiêu, đến ngôi nhà thờ ở đầu kia con đường với hàng me xanh tươi.  Thu thích ngôi nhà thờ này vô cùng.  Nàng thường tới quỳ dưới chân tượng Ðức Mẹ cầu xin che chở.  Hết ngày này đến tháng khác, thời gian nối tiếp trôi qua, nàng vẫn một lòng tin tưởng.

Sau này, nhiều lúc tự hỏi, tại sao nàng có thể ngoan đạo đến như thế ở tuổi còn nhỏ.  Nàng nhận ra rằng, chính nhờ những lời giảng dậy, những gương sáng trong kinh sách, đã hướng dẫn và định hướng cuộc đời đạo đức của nàng sau này.

Còn ở vào thời gian đó, tâm hồn trong trắng của nàng với những khắc khoải của tuổi xanh, mà sự chia cắt quê hương khiến gia đình ly tán, đã nẩy sinh trong tâm tư của nàng những mâu thuẫn về cuộc đời.  Nàng tìm tới Ðức Mẹ, mong nhận được sự bao dung che chở.  Một nơi nàng có thể tâm sự để tìm sự yên ổn cho tâm hồn.

Ðối với Thu, vùng biển này thật đẹp, càng ở lâu càng nặng tình yêu thương quyến luyến.  Nàng đã say ngắm mặt trời ửng hồng nhô lên từ mặt biển phẳng lặng, khi sương đêm còn phủ mờ cảnh vật.  Từng đợt sóng nhỏ xô vào bờ phủ lên thềm cát mịn chưa có dấu chân trần thế.

Mặt trời lên cao dần, xóa tan màn sương, trải lớp ánh hồng lấp lánh trên mặt sóng.  Cảnh biển như một bức tranh mầu sắc lộng lẫy.  Mặt đất lấn ra biển, hai dải đất như đôi tay dang rộng ôm lấy đại dương vào lòng.  Mặt biển mênh mông, sóng nước dâng cao phủ trùm đường chân trời.  Và khi mặt trời đứng bóng, in thẫm những bóng dừa trên thềm cát nóng bỏng.

Những buổi chiều nhạt nắng, nước thủy triều dâng cao, tràn vào bãi cát, khiến mặt biển rộng thêm.  Sóng đã nhồi cao, từng lớp xô nhau phủ đầy những bọt trắng xóa, vỡ tan khi chồm lên bờ cát.

Khi mặt trời chìm hẳn ở phía sau lưng nàng, ánh nắng nhạt dần trả lại cho bóng tối sự yên tĩnh hiu quạnh.  Chỉ còn tiếng gió thì thầm với sóng biển.

Thu lớn lên ở đây.  Kỷ niệm tuổi thơ của nàng gói trọn trong giang sơn nhỏ bé này.  Nhớ lại các bạn thân năm nào, với danh hiệu “ngũ long công chúa”.  Bây giờ mỗi người mỗi ngả.

Tàu đã qua Tháp Chàm, một vùng đất nhỏ hoang sơ.  Con tàu mải miết chạy.  Thu nhớ đến chồng, liệu anh có còn cơ hội trở về với mẹ con nàng không.  Cầm lá thư anh gửi bạn mang về mấy ngày trước đây, không biết nàng đọc đã bao nhiêu lần, đã thuộc lòng từng đoạn.  Lá thư nếp gấp đã mềm, nét chữ nhiều đoạn đã nhòe vì pha trộn nước mắt của nàng.  Nhưng Thu vẫn còn muốn đọc:                             

        ...Mỗi tối sau một ngày lao động cực nhọc, nằm nhắm mắt cảnh cũ lại hiện ra.  Anh nhớ đến kỷ niệm của chúng mình có với nhau từ hồi mới gặp, khi em còn là cô học trò nho nhỏ xinh xinh, đã nổi tiếng một thời tuyệt sắc.  Anh yêu em và cũng say mê em từ đó.  Người ta bảo đó là duyên số, hữu duyên thiên lý phải không em.  Anh may mắn gặp em và có em trong cuộc đời.  Từ đó anh dừng bước giang hồ vì đã gặp được người trong mộng.

Rồi chúng mình sống với nhau, có những đứa con ngoan ra đời.  Em đã săn sóc dậy dỗ chúng và lo cả cho anh nữa.  Anh có cảm tưởng em không nghĩ  đến em, đã hy sinh cho cha con anh nhiều quá.

Em đã mang đến cho anh một cuộc sống bình dị nhưng tràn đầy yêu thương, không khí ấm cúng của mái ấm gia đình mà anh hằng mong đợi.  Như cánh chim cần tổ  ấm để qua những mùa đông lạnh của đời mình.  Ðến lúc đó anh mới hiểu được câu “cơm của vợ ngon hơn cơm của mẹ”.  Em  săn sóc anh, biết ý thích của anh, như đã trộn tình yêu thương trong mỗi bữa ăn hàng ngày.

Em đã theo anh đến bất cứ nơi nào anh phải tới, dù nơi đó an toàn hay bất ổn.  Từ đô thị đông người đến vùng Cao nguyên hẻo lánh, chúng mình vẫn cảm thấy nơi đó là nhà, là tổ ấm yêu thương.

Em đã chia xẻ với anh những giây phút hạnh phúc hay lo âu trong thời binh biến, cả cay đắng lẫn ngọt bùi của cuộc sống thăng trầm. Em biết không, em là nguồn yêu thương hạnh phúc của anh.  Ðối với anh em đã là tất cả, từ ngày xưa, bây giờ và cho đến mãi sau này.

Với các con, anh nhớ từng khuôn mặt, cái dáng riêng biệt của mỗi đứa.  Ti có vẻ nghiêm trang, thích những gì đặc biệt.  Anh còn nhớ con say sưa nhìn hai con kiến càng, bắt từ cây mận trước nhà, đánh nhau.  Con biết là nếu không có đôi râu, đôi kiến sẽ không phân biệt được là bạn hay thù.

Còn Vi thì hiền ơi là hiền.  Cô khóc đến đỏ hai mắt khi có ai trêu.  Con ít nói, tính tình giống em ở chỗ tốt bụng, hay giúp đỡ mọi người.

Ðến Mi lùn thì lại khác.  Con thường trầm tư như mải mê suy nghĩ.  Từ bé con đã có tính nhàn hạ, luôn vui vẻ hòa nhã.  Con giống mẹ ở chỗ hay mỉm cuời, để lộ lúm đồng tiền tròn quay trên má.  Con thích đọc nên khi vừa buông đũa đã thấy tay cầm sách.

Cô Tư đen khác hẳn các chị.  Con luôn vui vẻ nhẩy múa ca hát.  Anh rất thương con, vì khi con ra đời em bị đau nên không được nếm hương vị của sữa mẹ.

Ðến Út chuột của anh, con sinh ra vào mùa hè đỏ lửa, nên anh thương nó rất nhiều.  Út ít phải không em.  Ngay từ bé con đã quấn lấy mẹ, muốn mẹ là của riêng nó.  Em còn nhớ chứ, khi con mới sáu tháng mình đưa đi cắt tóc.  Cu cậu chưa ngồi vững trên miếng gỗ bắc ngang qua hai tay ghế, mình trần trông tròn quay.  Mỗi lần bác thợ áp chiếc tông-đơ lạnh ngắt vào gáy, cu cậu lại chùn người xuống tránh né mà không khóc.

Con lớn lên rất vui tính, đã tập hát những bài nhạc vui vào dịp Tết.  Anh còn nhớ như  in, khi con đứng lên trước mặt mọi người giới thiệu bản nhạc mình ca.  Lúc đó con chưa đầy ba tuổi em nhỉ.

Khi miền Nam mất, các con chịu chung sự thăng trầm của bố mẹ, chúng đã phải chia xẻ cảnh tang thương của gia đình.  Rồi anh bị bắt đi “cải tạo”, để mẹ con em ở lại, trút trọn gánh nặng cho em phải mang.  Và khi mấy mẹ con em lên thăm anh ở trại Gia-Rai Long-Khánh, sau hơn một năm bặt tin anh phải không em.  Khi hết giờ gặp mặt, lòng anh thật chua xót.  Và lúc anh trở vào đến khung cổng trại, chợt nghe tiếng con khóc gọi phía sau.  Anh quay lại thấy con đứng bơ vơ giữa đường, miệng gào to đòi bố.  Nó vừa được bốn tuổi.  Chưa bao giờ lòng anh thấy buồn như lúc đó, như vừa đánh mất một thứ gì thật quý báu trong đời.  Bước qua khung cổng trại, lằn ranh của hai thế giới, anh biết là đã để lại phía sau tình yêu thương mà anh bị buộc phải tách rời.

Tiếng gào khóc của út cứ ám ảnh anh mãi.  Anh vẫn lo lắng cho tình cảm của nó.  Liệu tinh thần của con có bình lặng thảnh thơi, hay phần nào bị vẩn đục vì những hình ảnh đau thương mà người thân của nó đang gánh chịu.

Anh ôm ấp những kỷ niệm, những hình ảnh yêu thương của em và các con trong những năm xa nhà, như ánh lửa cuối đường để anh nhắm tới mà hy vọng.

Cuộc đời anh trôi nổi từ đó.  Anh đã nếm trải những giây phút đau thương của một kiếp người.  Nhiều khi anh nghĩ, hay tại phần số mỗi người sinh ra một khác, phải chịu  những khổ ải đắng cay trong cuộc sống chìm nổi của mình.  Anh đã bám víu vào hình ảnh yêu thương của gia đình, mà đôi lúc những áp bức, cực hình vô nhân đạo đã làm lòng bất khuất của anh vùng dậy.  Anh đã chịu đựng những tủi hận và nghĩ tới mệnh số con người mà an ủi.

Nhiều lúc anh thấy số kiếp thật mong manh.  Anh đã trải qua những giây phút tuyệt vọng, thân xác rũ liệt trong phòng tối, hơi thở như muốn đứt đoạn, khó hy vọng tồn tại.  Anh có cảm tưởng thân xác nhẹ tênh như muốn thoát khỏi vòng tục lụy, xa lánh cái nghiệt ngã của cuộc đời.

Nhưng chính vào giờ phút đó, anh nhớ đến em và các con. Tinh thần anh chợt tỉnh táo sáng suốt, nhủ thầm là mình không thể ra đi một cách yên lặng, đơn giản.  Anh vẫn còn muốn sống.  Bản năng sinh tồn vùng dậy, hâm nóng thân xác giá lạnh của anh.  Chưa bao giờ anh chùn bước sờn lòng trước những bạo lực, cực hình.  Kể cả lúc anh nhắm mắt chờ đợi một lần “ân huệ” khi thái dương chạm vào nòng thép lạnh.  Nhưng vào giờ phút này, anh bỗng thấy mình yếu đuối.  Anh cầu xin ơn trên.  Anh mong còn sống để trở về với những người thân yêu…
         
Thu để rơi giọt lệ xót thương trên trang thư của chồng.  Giọt lệ từ đáy tim đang tan nát của nàng.  Nàng nắm chặt lá thư trong tay nhủ thầm, liệu đây có phải là kỷ vật sau cùng của năm tháng yêu thương.

Thu thoát khỏi những ám ảnh đen tối khi Vân-Anh nắm chặt tay, nàng cảm nhận một phần an ủi nơi bạn.

Vân-Anh lên tiếng:

           - Thu buồn lắm phải không.  Số kiếp chúng mình như vậy.  Có phải chúng ta đang là “gái thời bình”.  Nhiều khi mình cũng không biết tính toán ra sao, đành để mặc cho số kiếp đưa đẩy, vì chúng mình phải sống.

            - Mình luôn mong đợi một ngày xum họp, nhưng giờ phút này mỗi lúc một xa.  Mình bị ám ảnh bởi những hành động hận thù.  Liệu có gì bảo đảm cho những ngày sắp tới.

            - Cũng như Thu, mình  có nhiều  suy nghĩ, không biết cuộc đời mình sẽ đi về đâu.  Như trường hợp chị họ của mình.  Chắc Thu biết chị Lâm chứ?

            - Chị Lâm con bác Hai phải không.  Nhưng chị làm sao?

“Sau khi chị đi thăm anh ấy về người như xác không hồn.  Gặp chị mình  hỏi:
“Chị đi thăm anh có khỏe không?”

Chị mình bật khóc trả lời:

“Anh mất rồi em ạ”

Mình xửng xốt khi nghe tin.  Giây lát sau mình mới hỏi  tiếp khi thấy chị binh tĩnh trở lại:

“Anh chết làm sao hả chị?”

Chị Lâm nói:

“Như em biết, anh biệt tăm từ ngày đi 'cải tạo'.  Chị không biết tìm anh ở đâu.  Cách đây ít lâu chị mới hay tin anh ở trại Nam-Hà ngoài miền Bắc.  Khi chị tìm đến nơi thì quá trễ, anh đã qua đời.”

Mình càng thắc mắc khi nghe chị nói, nên hỏi tiếp:

 “Chị đã hỏi cẩn thận chưa.  Mà tại sao anh chết?”

Chị Lâm vừa khóc vừa nói:

“Trại xác nhận như thế.  Họ bảo anh bị bệnh mà qua đời.  Chị vào trại B, vùng Thung danh, là nơi giam và anh  cũng qua đời ở đó.  Chị được biết đó là một trại kỷ luật nổi tiếng miền Bắc.  Chị tìm tới chỗ chôn, hỏi một anh 'cải tạo' để nhờ tìm mộ anh của em, nhưng anh trả lời: 'Năm ngoái tôi còn biết mộ của anh ở đâu, nhưng bây giờ thì không nhận ra được nữa...' ”

Chị Lâm chợt im lặng trong giây lát, như đè nén niềm cay đắng, rồi tiếp:

“Chị buồn quá.  Thương xót thân phận bạc phước của anh, khi chết nấm mồ cũng tan hoang.  Mà chị cũng tủi cho số phận hẩm hiu chủa chị.”

Mình nóng lòng hỏi chị:

“Chị có đi tìm mộ anh không.  Mà đã tìm kỹ chưa?”

Chị vừa khóc vừa trả lời:

“Chị có đi tìm nhưng không làm sao phân biệt được.  Các miếng gỗ ghi tên trên mộ đã không còn.  Các nấm mồ chỗ cao chỗ trũng trong một khu rừng hoang, cỏ mọc um tùm.  Sau cùng không biết làm sao hơn, chị đành làm theo lời anh cải tạo: 'Chị không tìm ra mộ của anh đâu, đến tôi cũng không còn nhận ra.  Thôi, chị cứ đứng đây, hướng về các ngôi mộ mà khấn, thể nào trong đó cũng có anh ấy...' ”

            - Mình thương chị Lâm quá.  Ðến giây phút đó mình mới thấy thấm thía và cảm thông sự mất mát trong lòng chị.

            Thu tiếp lời:

            - Khi mình nghe nhắc lại câu nói của một cán bộ trại Nam-Hà đối với anh em “cải tạo” miền Nam: “Sinh mạng các anh chỉ bằng tờ giấy học trò”, mình vẫn chưa hiểu được hết ý câu nói.  Nhưng bây giờ mình đã nhận ra, sinh mạng tù nhân trong các trại cải tạo thật rẻ.  Chỉ cần một lời báo cáo đơn giản trên trang giấy học trò, thì một kiếp người đã bị xóa bỏ như một vật thể vô giá trị.

            - Như Thu biết, sau khi cộng-sản chiếm được miền Nam, một thắc mắc được đặt ra, là cộng-sản Hà Nội phải có hành động thế nào để chinh phục được nhân tâm người miền Nam.  Mà sự chinh phục phải bằng tình yêu thương dân tộc.  Nhưng cho đến nay, người dân cả nước đã hoàn toàn thất vọng trước chính sách thù hận của chế độ này.

            Thu thở dài tiếp lời bạn:

            - Ðiều mà người dân mong đợi sau khi thống nhất đất nước là sự đoàn kết dân tộc.  Nhưng cộng-sản miền Bắc đã theo con đường tàn bạo.  Dựa vào danh nghĩa giải phóng dân tộc để chiếm đoạt miền Nam, buộc người miền Nam phải sống trong tủi nhục.  Ðảng và nhà nước Cộng-sản đã không thể mang lại một nền hòa bình toàn vẹn mà dân tộc chúng ta kỳ vọng, sau khi đổ quá nhiều máu và gánh chịu lắm đau thương.

            - Mình có chung suy nghĩ như Thu.  Nghĩ đến đời sống của người đàn bà như chúng mình, đến thế hệ trẻ tương lai, đã có nhiều dấu hỏi.  Tại sao mang danh là “chế độ của giai cấp bị áp bức” lại đầy ải bóc lột những người nghèo khó nhất.  Ðã đưa dân tộc vốn nghèo khó này đến một cuộc sống cực khổ hơn.

            - Mình cũng tự hỏi, tại sao chế độ này lại phá bỏ những cái đang tốt đẹp để đổi lấy một hoàn cảnh tồi tệ.  Người ta dẹp bỏ ý-thức dân chủ đã có trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, để đạt tới hình thức lệ thuộc ngoại bang.

            - Thu nghĩ xem, thiếu gì các quốc gia mang danh là dân chủ cũng có những hành động độc tài.  Nhưng ở những nơi đó, dù mang tiếng độc tài, người dân vẫn được hưởng sự  tự-do mà con người phải có.

Thu góp lời với vẻ thất vọng:

            - Phải, quyền tự-do là thứ không thể thiếu trong đời sống con người.  Nhưng dưới chế độ “anh hùng” này chúng ta được hưởng những gì hay chỉ có bạo lực.

            - Niềm đau của mình càng thôi thúc, khi nghĩ tới cuộc chiến tang thương của dân tộc.  Hàng nhiều triệu người, cả cầm súng lẫn tay không, phải chết  oan uổng cho mục đích không tưởng.  Lớp người lãnh đạo có nghĩ đến ước vọng của người dân không, đến quyền sống con nguời của dân tộc này không.  Hay họ hiểu ý nghĩa “dân vi quý” để chỉ những nguời trong tầng lớp lãnh đạo như họ.  Còn đám dân nghèo đói này, không phải là thứ “dân vi quý”, để được hưởng quyền lợi bù đắp những hy sinh đã bỏ ra.

            - Vân Anh thấy đó, mình không hiểu tại sao những người lãnh đạo của chế độ này vẫn bị ràng buộc trong chủ thuyết lỗi thời.  Họ có hiểu chủ nghĩa và chế độ là những thứ do con người đặt ra, nó chỉ tồn tại khi mang lại lợi ích cho đời sống toàn dân.

            - Có một điểm mà người dân nào, dù miền Bắc hay miền Nam cũng nhận ra, vì quyền lợi đang hưởng thụ khiến chính quyền ngày càng xa dân.  Mà trong lịch sử dựng nước của dân tộc chúng ta, không có chính quyền nào tồn tại khi đi ngược lại nguyện vọng của người dân.

Hai người trở lên im lặng, như niềm đau hằn sâu trong cuộc sống đang trỗi dậy.  Những lo lắng về tương lai mỗi lúc thêm khắc khoải. ..

Con tàu như cố nuốt nhanh quãng đường còn lại.  Từng cánh rừng, ruộng bắp đến những cánh đồng lúa thi nhau lướt nhanh về phía sau.  Phía trước mặt là thành phố Phan-Thiết rồi Bình-Tuy.  Thu nhớ đến chồng đang ở phía sau cách xa nàng cả ngàn cây số.  Nàng tự hỏi, số phận chồng nàng sẽ ra sao. Liệu có phải đây là lần gặp sau cùng, và cuộc đời nàng sẽ thế nào khi phải đơn độc phấn đấu trong một xã hội bất ổn.

Trước khi đi lòng nàng thật háo hức, mong mỏi được gặp chồng và nhìn lại quê hương miền Bắc sau hơn hai mươi năm xa cách.  Tình lưu luyến với mảnh đất nàng ra đời vẫn còn dào dạt trong lòng.  Nhưng khi đến nơi nàng thật buồn, cũng không hẳn nơi đây đang giam giữ người thân yêu của nàng, chia ly tình cảm gắn bó của gia đình nàng.  Nhưng không hiểu sao, chen lẫn giữa tình yêu quê hương tha thiết vẫn vương vấn những lo âu bất ổn, đã không gợi cho nàng thứ tình cảm yêu dấu thuở xưa.

Thu nhớ đến các con, không hiểu giờ phút này chúng đang làm gì, có an toàn khi nàng xa nhà không.  Xa chúng mới một tuần mà tưởng chừng đã lâu không gặp.  Lòng nàng đang phân vân, như đứng giữa hai ngả đường, một bên là chồng một ngả là con.  Tâm hồn nàng đang chơi vơi xa lạ, lạc lõng tại chính nơi quê hương yêu dấu của nàng.

Qua khỏi Bình-Tuy, chỉ còn một quãng đường ngắn nữa là tới Gia-Rai Long-Khánh.  Rồi Biên-Hòa, tỉnh ven đô của thành phố Sài-Gòn.  Con tàu đang đưa nàng trở về thành phố “mới mang tên Bác”, đã một thời vang bóng là “Hòn Ngọc Viễn Ðông”.

Trần Nhật Kim
Trích đăng từ tập bút ký “Vùng Lầy Nước Mắt”

Powered by Blogger.