Header Ads

Lo Ngại Của TC Về Quan Điểm Chung Của Mỹ-Ấn



Hôm nay Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gặp nhau tại Phủ Tổng Thống (White House) để thảo luận về nhiều vấn đề khác nhau từ thương mại thế giới đến khủng bố quốc tế.

Cũng như lần trước của các cuộc hội họp thượng đỉnh quốc tế như G7, mấy ngày qua Trung Cộng (TC) đã liên tiếng "cảnh báo" rằng Mỹ-Ấn không nên dính dáng đến TC và tình hình Biển Đông. Đặc biệt lần này TC có vẻ lo ngại nhiều hơn vì Ấn Độ là quốc gia lớn có chung biên giới với TC đồng thời cũng có bom nguyên tử. Gần đây đã có sự va chạm vũ lực ở biên giới Ấn-TC. Không những thế, Ấn là quốc gia không hài lòng việc TC hô hào về "Con đường tơ lụa mới" cũng như thành lập căn cứ quân sự ở Parkistan. Thêm vào đó là lời tuyên bố mới đây của Trump là "TC bất lực trong việc ngăn chặn Bắc Hàn thử phi đạn và phát triển khả năng nguyên tử."

Dưới đây là bốn điều mà Hoa Kỳ và Ấn Độ cùng chung quan điểm:

Dân chủ

Ấn Độ và Hoa Kỳ là những quốc gia có nền dân chủ lớn nhất thế giới. Dân số Ấn Độ là 1.3 tỷ người gấp bốn lần dân số của Hoa Kỳ và nhiều người Ấn Độ tham dự bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử quốc gia hơn bất kỳ nước nào khác trên thế giới. TC có dân số tương đương với Ấn Độ nhưng Đảng Cộng sản cầm quyền ở Bắc Kinh không cho phép bầu cử tự do.

Chống khủng bố

Cả hai Trump và Modi đều được các nhà phê bình coi là chống Hồi giáo. Trump đã phàn nàn về những kẻ khủng bố Hồi giáo cực đoan và kêu gọi trong suốt cuộc vận động tranh cử tổng thống của ông về lệnh cấm du khách Hồi giáo từ nước ngoài. Đề nghị cấm du lịch từ sáu nước Hồi giáo đa số đã bị các tòa án liên bang chặn lại vì vi phạm hiến pháp về quyền tự do tôn giáo. Modi là một người theo chủ nghĩa dân tộc Hindu đã cho phép bạo lực và các hình thức quấy rối khác chống lại thiểu số Hồi giáo Ấn Độ.

Kết nối IT

Ấn Độ cung cấp dịch vụ điện toán (Internet Technology) cho các công ty kỹ nghệ của Hoa Kỳ. Đây cũng là quốc gia đứng đầu về tuyển dụng các chuyên gia điện toán nước ngoài để vào làm việc tại Mỹ. Vào năm 2016 nước Mỹ đã cấp giấy phép làm việc cho gần 127,000 chuyên gia Ấn Độ qua làm việc ở Mỹ, gấp 5 lần so với số người của nước thứ hai là TC.

E Ngại Trung Cộng

Cả Hoa Kỳ và Ấn Độ đều coi TC là mối đe dọa về kinh tế và quân sự. Chính phủ Hoa Kỳ đang quan tâm đến thặng dư thương mại khổng lồ của TC với Hoa Kỳ và sự mở rộng quân sự ở Biển Đông. Ấn Độ lo ngại về sức mạnh kinh tế đang phát triển của TC ở Đông Nam Á, nơi mà Ấn Độ muốn cạnh tranh. Hai cường quốc hạt nhân cũng đã từng va chạm vũ lực vào năm 1962 trong một cuộc tranh chấp biên giới ở Himalaya và đều e ngại lẫn nhau.

oOo

Tình hình quân sự và kinh tế của thế giới đã trở nên bất ổn từ khi TC ra mặt xâm chiếm và quân sự hoá các đảo san hô trong quần đảo Trường Sa, đồng thời xây dựng căn cứ quân sự trên các hải cảng ở Phi châu và trên đất liền ở Parkistan. Những sự kiện này đã đưa đến tình trạng "too close for comfort - quá gần đến nỗi không thoải mái" cho Mỹ và Ấn Độ. Thế nhưng việc liên kết Mỹ-Ấn lại khiến TC lâm vào cảnh "too hot to handle - quá nóng để đụng tay vào."

Hiện nay thì hầu hết các nhà phân tích về tình hình thế giới đều cho rằng "Qua kinh nghiệm đau thương của hai cuộc thế chiến đã qua, không một quốc gia nào muốn tham gia vào chiến tranh vũ lực cả." Thế nhưng ngạn ngữ Latin có câu "Si vis pacem, para bellum" nghĩa là "If you want peace, prepare for war - Nếu muốn hoà bình thì phải chuẩn bị cho chiến tranh". 

Và như thế phát súng khai hoả đã nổ để khởI đầu cho cuộc chạy đua kinh tế và vũ trang cũng như liên kết đồng minh trên thế giới để giữ Hoà Bình cũng như chuẩn bị cho Chiến Tranh.

Bùi Phạm Thành

Tham khảo:

Four things the U.S. and India have in common

In big provocation, Chinese troops transgress Sikkim sector, jostle with Indian forces

Biển Đông: Chiến Tranh Kinh Tế Và Chạy Đua Vũ Trang

Powered by Blogger.