Header Ads

Đề Mục Mới: Tin Biển Đông


Chiến tranh, hai chữ thô sơ nhưng ý nghĩa lại vô cùng thảm khốc. Trong đó hàm chứa lòng tham và chết chóc. Có thể nói chiến tranh đã có từ thời con người còn sơ khai, săn thú lấy thịt, đào hang trú thân. Rồi thì, đến một lúc nào đó, kẻ ở hang đá này thấy hang đá của kẻ khác đẹp hơn, rộng hơn nên nổi lòng tham mà xâm chiếm. Cuộc xâm chiếm như thế, nhiều khi là một cuộc chém giết dã man. Và rồi lòng ham muốn, sự thù hằn ngày càng rộng lớn để rồi chiến tranh đã được lan truyền đi khắp nẻo.

Khi con người kết hợp lại thành bộ lạc, quốc gia và lòng ham muốn bành trướng lãnh thổ, uy quyền càng tăng thì chiến tranh lại càng dễ dàng bùng nổ. Lịch sử của bất cứ quốc gia nào cũng tràn đầy những chuyện chiến tranh, nội chiến cũng như chống kẻ xâm lăng. Lịch sử thế giới đã ghi lại hai cuộc chiến lớn gọi là Thế chiến thứ nhất và thứ hai.

Thế chiến thứ Nhất (1914-1918) với hơn 20 quốc gia tham chiến. Tuy vũ khí vẫn còn thô sơ, nhưng kết quả là hơn 9 triệu binh lính và 7 triệu thường dân tử nạn.

Thế chiến thứ Hai (1939-1945) với sự tham chiến trực tiếp của trên 100 triệu người của hơn 30 quốc gia. Đây là một cuộc chiến tranh "toàn diện", những quốc gia tham chiến đã đưa tất cả khả năng kinh tế, kỹ nghệ và khoa học của cả quân sự lẫn dân sự vào cuộc chiến. Được ghi nhận bằng những cái chết của thường dân, bao gồm cả Holocaust (trong đó có khoảng 11 triệu người đã thiệt mạng) và những cuộc đánh bom chiến lược vào các trung tâm kỹ nghệ và thành phố (trong đó có khoảng một triệu người thiệt mạng, bao gồm hai vụ thả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki), kết quả là khoảng 50 đến 85 triệu người tử vong. Những trận chiến này đã làm cho cuộc chiến tranh thế giới thứ hai trở thành cuộc xung đột chết người nhiều nhất trong lịch sử nhân loại.

Dù cho kết quả của chiến tranh có thảm khốc như thế nào chăng nữa cũng không thể chèn lấp được lòng tham của con người. Nhất là lòng tham của những quốc gia lớn, đông dân và hùng mạnh.

Sau thế chiến thứ hai, Trung cộng đã có một khoảng thời gian rất dài, hơn 50 năm, để phát triển kinh tế và quân sự. Và rồi cũng tiến đến mộng bá chủ, khởi đầu bằng một đường vẽ 9 đoạn (9-dash line / đường lưỡi bò) trên vùng Biển Đông để tuyên bố chủ quyền cho một vùng lãnh hải rộng lớn, trên 90% của vùng biển có nhiều tài nguyên thiên nhiên và thương mại quan trọng này. Dùng khả năng quân sự để xâm chiếm lãnh hải, lãnh địa để giành tài nguyên thiên nhiên và mở mang bờ cõi. Dùng khả năng kinh tế (người đông, giá rẻ) để lũng đoạn, khống chế kinh tế nước ngoài. Cái mộng "khôi phục lại thời đại hoàng kim của Thiên triều nhà Hán" là một chiêu bài to lớn và là mồi lửa cho một cuộc chiến tranh khủng khiếp nhất của nhân loại, có thể là cuộc chiến sau cùng của loài người trên hành tinh xanh có tên là "Quả Đất" này.

Đứng trước viễn ảnh của sự huỷ diệt của nhân loại, hay ít ra là sự huỷ diệt của một vài quốc gia nhỏ trên thế giới, đã khiến cho nhiều quốc gia, nhất là những quốc gia ở vùng Đông Á phải tìm cách tăng cường trang bị quân sự, liên kết đồng minh. Và như thế tình hình quân sự trong vùng đã trở nên phức tạp và nóng bỏng. Chỉ cần một tính toán sai lầm của Trung cộng hay của một quốc gia trong vùng ảnh hưởng là chiến tranh có thể bùng nổ. Với những loại vũ khí tân tiến, huỷ diệt hàng loạt, cũng như vũ khí nguyên tử thì cuộc chiến dù có ngắn hạn nhưng sự chết chóc cũng có thể vượt qua cả hai cuộc thế chiến vừa qua.

Một ngày chúng ta, người Việt Nam, lơ là về tình hình Biển Đông là một ngày chiến thắng của kẻ thù truyền kiếp Trung cộng.
Với diễn tiến thay đổi từng giờ, từng phút ở Biển Đông, chúng tôi quyết định đưa ra một đề mục mới "Tin Biển Đông" để đem đến cho đọc giả những tin tức mới nhất về tình hình an ninh, kinh tế cũng như quân sự ở vùng này. Trên bình diện quốc tế thì tin tức Biển Đông có thể bị chìm lấp bởi những diễn tiến khác. Thế nhưng đối với người Việt Nam trên toàn thế giới, bất kể tương đồng hay xung khắc về chính trị, thì đây vẫn là điều "sống còn" của quê cha đất tổ, của một dân tộc có lịch sử lập quốc và giữ nước, cùng với một nền văn hoá trên 4,000 năm. Một ngày chúng ta, người Việt Nam, lơ là về tình hình Biển Đông là một ngày chiến thắng của kẻ thù truyền kiếp Trung cộng.

Chúng tôi chọn ngày 6 tháng 6 là ngày kỷ niệm cuộc đổ bộ của quân đội Đồng minh (D-Day năm 1944), do Hoa Kỳ lãnh đạo, lên bờ biển Normandy của Pháp để mở đầu cho cuộc giải phóng Tây Âu khỏi sự chiếm đóng của quân đội Đức quốc xã (Nazi), đồng thời khởi đầu cho sự tàn lụi của cuộc thế chiến thứ hai. Hy vọng rằng ngày tàn của những kẻ có mộng bá chủ, xâm lăng cũng không xa, và thế giới sẽ được sống trong an bình và thịnh vượng.

Lâm Viên
(kỷ niệm ngày D-Day, 6 tháng 6 năm 1944)
Powered by Blogger.