Header Ads

Vui Buồn Trong Trại Tỵ Nạn


Bị bắt lần thứ hai với tội danh "Có hành vi chống lại XHCN", chúng đem xe Falcon lại chở mình tôi (cứ như Bộ trưởng…) vào trại Phan Đăng Lưu ở Gia định cùng một đêm với một Niên Trưởng Khoá 23 là Ng. Ngọc Tiên (Tư Rè). Sau 7 tháng không khai thác được gì, chúng kêu ra đọc lệnh thả với nội dung như sau: "Xét hành vi không đáng bị bắt giữ, cho về". Nghe đọc xong chỉ muốn "mếu" mà thôi. Ở yên cũng không xong, thế là trong vòng một tháng tôi đã chuẩn bị tìm đường ra đi theo ngả đường bộ qua Campuchia rồi qua Thái Lan. Đường đi này cũng nhiều Hỉ Nộ Ái Ố lắm, người ta đi đường biển thì bị Hải tặc còn tôi đi đường bộ thì bị Đạo tặc. Nhưng chuyện hơi dài, để lúc khác vậy ...

* * *

Kẹt ở Miên 2 tháng, đến tháng 9 thì qua đến Thái lan và vào trại Panatnikhom, một trong 3 trại tỵ nạn của Thái. Hai trại kia là Sikiu thuộc biên giới Thái-Miên và SongKhla gần biên giới Thái-Mã.  Sinh hoạt ban đầu ở trại tỵ nạn hình thức cũng giống như một trại giam vì còn phải sưu tra về lý lịch. Chỉ sau khi gặp phái đoàn các quốc gia nhận cho đi định cư thì lúc đó mới chính thức trở thành người tỵ nạn. Thế cho nên tổ chức của trại cũng giống như một trại tù : Trưởng trại, An ninh và hệ thống trật tự. Hệ thống này gồm những thanh niên đã qua đây từ trước nhưng không có diện đoàn tụ nên bị phái đòan từ chối,  còn gọi là bị "đá", phải sống lây lất một thời gian dài, học và nói được tiếng Thái để sinh tồn, rồi bị dụ vào làm trật tự để lấy credit (công trạng) hy vọng được cứu xét. Làm lâu ngày nên thành "tinh", quên mất thân phận mình và sinh ra lắm tệ đoan. Lợi dụng vai trò trật tự, hống hách, hù dọa các đồng hương tỵ nạn để kiếm chác.

Ở tù cộng sản quen rồi nên không khí ở đây đối với tôi vẫn là "Thiên đường". Một hôm đang đi qua một khu vực thấy một nhóc trật tự đang la lối mắng mỏ bà con, tòan  những người lớn tuổi, đáng tuổi cha mẹ của nó. Thấy bất nhẫn quá tôi lại nổi máu điên :

- Này thằng kia, ra đây tao bảo. 

Nghe gọi, cu cậu khựng lại và ngạc nhiên vì chưa bao giờ gặp ai lại dám có thái độ như vậy. Hắn hất hàm :

- Gì đó?

- Mày qua đây bao lâu rồi?

Hắn trừng mắt nhìn tôi, trả lời cộc lốc

- 3 năm.

- Mày qua đây 3 năm, thế mày có biết tao là ai không?

Hắn ngây người, nghĩ một hồi :

- Không !!!!

Tôi quắc mắt, gằn giọng :

- Ở đây 3 năm mà mày không biết? Bây giờ tao hỏi lại lần nữa, mày có biết tao là ai không?

Nhìn nét mặt "có ngầu" của tôi, hắn bắt đầu hơi nhờn nhợn:

- Dạ, dạ không ...

Lúc đó tôi mới vỗ vai hắn:

- Làm sao mày biết tao là ai được….Tao còn không biết tao là ai (?) thì làm sao mày biết...

Sau đó tôi dẫn cu cậu đi uống café để giải thích và khuyên nhủ nên đối xử tử tế với bà con. Nhờ vậy sinh hoạt cũng thoải mái hơn.

* * *

Trại được điều hành bởi Cao Uỷ Liên Hiệp Quốc (UNHCR) với các nhân viên đa số là người Thái. Những người có trình độ học thức hoặc có nghề chuyên môn đều muốn làm việc thiện nguyện. Một phần để giúp đỡ đồng bào, đồng thời có credit để có cơ hội được cứu xét đi định cư dễ dàng và nhanh chóng hơn.

Tình cờ tôi được anh bạn giới thiệu cho một Job mà người phụ trách, tên Thạch, sắp chuyển qua Bataan (Phi). Việc làm này mang cái tên rất là đặc biệt "Map Maker". Hiểu theo nghĩa đen là "Người vẽ bản đồ", nhưng đó chỉ là một danh từ ngụy trang. Thực chất của nó chính là : "Ủy Ban Bài Trừ Hải Tặc", với Tổng hành dinh nằm ở Bangkok. Cứ mỗi tháng, có một người Mỹ tên Henry vào gặp tôi, ông đưa cho tôi mấy tấm Hải Đồ và nhiều xấp tài liệu của tháng trước. Mỗi xấp là một chuyến Thuyền nhân đã bị nạn Hải tặc. Trong đó ghi lại những cuộc thẩm vấn các nạn nhân, như rời VN lúc nào, đi hướng nào, gặp trục trặc gì, khi nào thì gặp hải tặc ... Từ những chi tiết đó, công việc của tôi  là dùng sự suy luận để vẽ lộ trình và xác định tọa độ nơi gặp hải tặc. Tháng sau ông ta vào gặp tôi để nhận kết quả và đưa hồ sơ mới. Kết quả đem về Bangkok, qua những tọa độ tôi chấm trên bản đồ, họ sẽ khoanh vùng và xem vùng bãi biển nào ở gần đó nhất sẽ là nơi xuất phát của Hải tặc, rồi tổ chức một chiến dịch tảo thanh mang theo những nạn nhân giả làm dân Thái, trà trộn trong đó để nhận dạng mấy tên hải tặc đã từng hiếp và cướp thuyền nhân. Chiến dịch này đã tạo ra được rất nhiều kết quả khả quan.

Mỗi lần đi làm việc, nhân viên Cao ủy gặp, cứ gọi tôi là "Mr Map Maker". Một hôm Ông Phó Cao ủy mời tôi lên nói chuyện. Vừa ngồi xuống ông nói :

- Mr Map Maker, Tôi nhờ anh một chuyện được không?

- Vâng ông cứ nói.

- Thời gian tới, Ông Bộ trưởng Tư pháp ở Bangkok sẽ xuống đây thanh tra. Tôi muốn nhờ anh làm một bản Thống kê trong năm 1986 có bao nhiêu thuyền nhân VN qua đây, xuất phát từ đâu và đến đâu, mỗi lộ trình bao nhiêu người ...? Hai tuần cần làm cho xong. 

Mới nghe tới đây, trong lòng đã cảm thấy rối bời rồi, bởi vì từ khi lọt lòng mẹ đến nay có làm thống kê bao giờ đâu? Bây giờ phải lôi một "núi" hồ sơ ra ngồi đếm thì chỉ từ chết tới bị thương mà thôi! Nhưng vì tự ái của thằng "Điên" tôi vẫn phải nói cứng "I’ll try my best". Ra về, tôi thẫn thờ nằm vắt tay lên trán tìm cách hoàn thành cái việc còng lưng, nhức óc này. Sau 2 ngày "suy tư" nhớ về quá khứ từ khi đi học rồi đi lính, tôi sực nhớ đến sư phụ dạy Sử Địa, và cũng là bác của tôi, là Giáo sư Trần Hữu Quảng, đã chỉ cho tôi cách vẽ bản đồ. Tại sao phải làm một bản thống kê bằng ngoại ngữ lòng thòng trong khi vốn Anh văn chưa đủ để sỉa răng… Thế là tôi lấy tờ giấy đánh máy, kẻ ô bằng số ô trên tấm Hải đồ, rồi copy lại bản đồ Đông Nam Á, từ khổ 1 thước bây giờ thu nhỏ lại thành trang giấy học trò. Vừa vẽ xong thì viên Sỹ quan trưởng ban An ninh trại đi ngang qua, nhìn thấy tấm bản đồ, lại gần cầm lên xem. Hắn nhướng mắt nhìn tôi : "Làm sao anh làm được cái này?" Tôi nhún vai : "Vì tôi đã từng là Sỹ quan". Nghe vậy hắn tự động bỏ đi một nước.

Vẽ xong tấm bản đồ, tôi bắt đầu lục các hồ sơ thuyền nhân năm 1986, phân ra từng nơi xuất phát (Rạch Giá, Phú Quốc, Vũng Tàu.v..v…) để qua đến Songkla hay Panatnikhom… Tính ra số liệu tổng quát, số liệu từng lộ trình, tỷ lệ phần trăm, rồi chỉ việc kẻ những đường lộ trình, lấy bút màu Highlight và ghi những số liệu cùng tỷ lệ bên mỗi lộ trình rồi "giao hàng".

Sau khi ông Bộ trưởng về lại Bangkok, ông Phó Cao Uỷ mời tôi đi ăn và tỏ ý cám ơn những gì tôi đã giúp ông. Ăn xong, đang ngồi nhâm nhi thì ông phán cho một câu :

- Can you do me one more favor? (Anh có thể giúp tôi một việc nữa không?)

Nghe tới đây là đã thấy tá hoả tam tinh rồi:

- Vâng, ông cứ nói.

- Khi nào qua Mỹ, anh có thể gửi về cho tôi một mớ sách Playboy được không?

Nghe tới đây tôi nhẹ cả người :

- Chuyện nhỏ.

* * *

Làn sóng người đến rồi đi vẫn tiếp tục. Một hôm đang nghỉ xả hơi, những người mới tới đang chờ ở ngoài đợi kêu tên vào làm giấy tờ, thấy một người đang ngồi ủ rũ "suy tư", nhìn là biết ai rổi, tôi lẳng lặng đến gần giả giọng Cán bộ Tân Khoá Sinh :

- Anh tên gì?

Người đó giật mình ngửng lên

- Tôi tên Loan

- Gì Loan?

- Ơ, Trần Văn Loan

- Phải Loan Khoá 23 không?

Người ấy trố mắt nhìn kỹ lại :

- Mày hả Trung? 

Bèn dẫn ông anh vào làm thủ tục cho lẹ. 

Cũng một lần ở Bataan, đang làm ở JVA, lù lù một ông Tù Trưởng đi vào, hóa ra Hung thần TĐT/TKS Đợt 1 Trần Vĩnh Thuấn K23.

- Ủa NT tới hồi nào vậy?

- Mới hôm qua, tôi ở Vùng 2

- Hèn gì tôi còn một cái hồ sơ ở đây ai dè của Niên Trưởng.

Làm thủ tục lý lịch có bà xã đứng cạnh,tôi hỏi :

- Anh chị có mấy cháu?

- 6 đứa ...

Vừa nghe xong tôi ngửng lên, trố mắt:

- Trời... đẻ gì đẻ dzữ dzậy?

Hai ông bà nhìn nhau bẽn lẽn cười.

* * *

Thời gian trôi mau, lần lượt người đi, người đợi, đối với những Cựu Quân Nhân có diện đi Mỹ, khi lên làm việc với phái đoàn Mỹ phải qua 3 Cơ quan : JVA, EAO và INS; JVA chỉ phụ trách về thủ tục giấy tờ, lý lịch rồi chuyển qua EAO là cơ quan quan trọng nhất phụ trách về Nhân Chủng Học, kiểm chứng xem mình là thứ thiệt hay "dzởm", đi hay bị "đá" là do nơi đây. Có những trường hợp tưởng chắc ăn, cuối cùng lại thua, như trường hợp một vị Thiếu Tá có đầy đủ giấy tờ, ngoài ra bên mình lúc nào cũng kè kè một folder gồm giấy tờ về huy chương, giấy ban khen của Tướng lãnh, bằng tốt nghiệp...v...v...  ai thấy cũng phát thèm. Hôm lên gặp phái đoàn gồm một nhân viên Hoa Kỳ và một Nữ Quân Nhân Việt Nam rất giỏi và có uy tín, người ta vẫn gọi là Bà Thuận. Khi được gọi tên, vị Thiếu Tá này bước vào, không thèm chào một câu, vất cái folder lên bàn cái "bịch", tự động kéo ghế ngồi. Bà Thuận ngồi im không nói, đợi ông ta ngồi xuống bà mới cất tiếng :

- Tôi đã biết tất cả về anh ... nhưng nếu mà ngày xưa một người thuộc cấp vào trình diện mà không chào rồi tự động kéo ghế ngồi thì không biết anh có cho họ ăn một cái đá từ dưới lên trên không? Tôi nghĩ rằng đó không phải cung cách của một Sỹ Quan nhất là cấp tá, mời anh ra ngoài đợi.

Mọi người đang xếp hàng đợi đều "teo" hết, gặp bà chằng rồi… Nhưng sau đó bà Thuận đã ra trấn an mọi người. Ngày hôm đó mọi người đều được nhận, kể cả những người bị đá lúc đầu cũng được nhận lại, chỉ trừ có mình vị Thiếu Tá kia là rớt đài, kể cũng là bài học về nhân cách.

Giai đoạn cuối cùng là cơ quan di trú INS, qua khỏi EAO là đã được 8, 9 chục phần trăm rồi, nhưng cũng phải coi chừng ngựa về ngược. Bàn làm việc gồm một nhân viên Mỹ và một thông dịch viên. Người Mỹ đều nói được tiếng Việt nhưng chỉ khi nào cần họ mới nói. Câu hỏi đầu tiên luôn luôn được đặt ra là : "Nguyên nhân nào khiến ông/bà bỏ nước ra đi?"

Có những trường hợp "ngoại lệ" xảy ra cũng vui, như có một cựu Quân Nhân khi vào, với câu hỏi đầu tiên, muốn chứng tỏ cho người Mỹ biết mình cũng nói được tiếng Anh :

- I’m very poor Sir, my life is… 3 DOWN, 7 UP, 9 UP and DOWN  (Tôi khổ lắm ông ạ,cuộc đời của tôi nó… 3 CHÌM, 7 NỔI, 9 cái LÊNH ĐÊNH)

Vừa nói tay ông vừa chỉ xuống, chỉ lên và uốn lượn, thế mà Mỹ cũng hiểu và cho ông pass.

Còn lần tôi lên INS sau khi qua khỏi EAO (cũng nhờ còn giữ lại căn cước Thiếu Úy lúc mới ra trường) và thấy chắc ăn rồi, khi cô thông dịch hỏi:

- Nguyên nhân nào khiến anh bỏ Nước ra đi?

- Tôi đâu có bỏ Nước ra đi, tôi theo nước qua đây mà…

Ông Mỹ trợn mắt, hỏi ngay tiếng Việt:

- Nước nào?

- Nước Biển…

Ông phì cười, lấy ngay con mộc đóng vào tờ giấy :

- Thôi đi đi cha nội…

* * *
Phải công nhận thời gian tỵ nạn là thời gian vàng son, chưa phải lo sinh kế, chỉ lo học và chuẩn bị để thích nghi với cuộc sống mới sau này. Cũng ở đây không khí sinh hoạt trong tình Võ Bị, Chiến hữu thật là hài hòa và ấm cúng, với các NT và NĐ như K19 (Ng. Nho , Ng. Phùng Trọng), K20 (Trần Kim Bảng, Ng. V. Huân, Lê V. Phương, Ngọc), K23 (T. V. Loan, T. V. Thuấn), K27 (Ng. V. Xuyên, Ng. V. Gương), K28 (Ng. M. Thu, Trương Thành Minh), K29 (Trịnh Xuân Ngọc), K31 (Ng. Xuân Quý). Cùng khóa thì có Hà Quốc Hùng, tên này chỉ vì cái tội vô tình ở cùng trại nên sau này qua Mỹ tôi đã lôi đầu ra bắt làm phù rể.

Bùi Đạt Trung
Cựu SVSQ Khoá 25 TVBQGVN

Powered by Blogger.