Header Ads

Vũ Trụ Qua Kính Thiên Văn Không Gian James Webb


Lâm Viên

Lược qua tin tức trong tuần qua, chúng tôi thấy không có mấy điều đáng ghi lại. Dĩ nhiên là chiến tranh và thiên tai vẫn còn tiếp tục; đồng thời các cuộc vui chơi và tranh đua thể thao của mùa hè cũng dần kết thúc. Bởi không có chuyện dưới đất để nói, thì nói chuyện ... trên trời.

Bức hình ở trên là hình chụp của viễn vọng kính không gian James Webb, cho thấy hình của vòng Tinh Vân (Ring Nebula), hoặc với trí tưởng tượng phong phú, trông cũng giống như con mắt của ông trời; thảo nào ông bà ta vẫn nói "Trời cao có mắt." (ESA/Webb/NASA/CSA) 

Sau khi công bố những hình ảnh có độ phân giải cao đầu tiên vào tháng 7 năm 2022, Kính viễn vọng Không gian James Webb tiếp tục chia sẻ những hình ảnh mới, cung cấp những góc nhìn chưa từng có về vũ trụ.

Kính viễn vọng này được kỳ vọng sẽ cho chúng ta biết rõ thêm về sự cấu tạo và đời sống của các hành tinh, ngôi sao và thiên hà, đồng thời khám phá những bí ẩn của vũ trụ.

Nó có đủ nhiên liệu để hoạt động trong 20 năm tới và sẽ thay đổi sự hiểu biết của con người về vũ trụ.


Trong hình trên, Earendel, ngôi sao xa nhất, lần đầu tiên được phát hiện, cùng với thiên hà Sunrise Arc. (NASA/ESA/CSA)


Vòng Tinh Vân (Ring Nebula) với mức độ rõ ràng đáng kinh ngạc, được công bố ngày 4 tháng 8 
Vòng Tinh Vân còn có tên là M57, và cách trái đất của chúng ta 2,500 năm ánh sáng. ( NASA/ESA/CSA/JWST Ring Nebula Team)

Vòng Tinh Vân là hiện tượng xảy ra bởi những ngôi sao sắp chết, đang bong ra các lớp bên ngoài khi hết nhiên liệu, và đang ở trong tình trạng "tiêu thụ" các hành tinh lân cận. Đây cũng là viễn ảnh của hệ thống mặt trời của chúng ta, bởi vì không có gì tồn tại mãi mãi, người Mỹ có câu "All good things must come to an end, even stars." Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên lo ngại gì nhiều, vì các khoa học gia đã ước tính rằng mặt trời của chúng ta còn đủ nhiên liệu để cháy sáng khoảng hơn 5 tỉ năm nữa. Từ nay đến khi mặt trời hết nhiên liệu thì loài người, nếu không tiêu diệt nhau bằng bom nguyên tử, có lẽ cũng đã "di tản" hết qua những hành tinh khác, ngoài hệ thống mặt trời, từ lâu lắm rồi. Khi đó chắc sẽ bình yên rung đùi ngồi trước TV, uống beer, xem mặt trời từ từ "nuốt chửng" Thuỷ Tinh (Mercury), Kim Tinh (Venus), rồi đến trái đất...


Hình chụp với độ phân giải cao, cho thấy sự hình thành của hai ngôi sao mới có tên Herbig-Haro 46/47. Hai ngôi sao này mới chỉ được vài nghìn năm tuổi, nằm ở trung tâm của các vùng tia nhiễu xạ màu đỏ. (J. DePasquale/CSA/ESA/NASA)


Hình chụp cận cảnh cho thấy chi tiết về sự ra đời của các ngôi sao, tương tự như mặt trời của chúng ta, trong đám mây Rho Ophiuchi, khu vực hình thành sao gần nhất, chỉ cách Trái đất 390 năm ánh sáng. Các ngôi sao trẻ phóng ra các tia khiến vùng khí xung quanh phát sáng. Bức hình này đánh dấu kỷ niệm năm đầu tiên về những quan sát của Viễn vọng kính không gian James Webb về vũ trụ. (NASA/ESA/CSA/Klaus Pontoppidan, STScI)


Thổ tinh (Saturn) và các mặt trăng của nó (ba chấm nhỏ bên trái) đã được Kính viễn vọng Không gian James Webb của NASA chụp vào ngày 25 tháng 6. Hình ảnh cho thấy chi tiết về bầu khí quyển và hệ thống vành đai của hành tinh này. (NASA)


Hình ảnh tổng hợp này, được chụp từ các máy MIRI và NIRCam của Kính viễn vọng Không gian James Webb, cho thấy các cụm sao và bụi sáng từ thiên hà xoắn ốc NGC 5068. (NASA/ESA/CSA)


Webb đã chụp được một đợt hình thành sao được tạo nên bởi hai thiên hà xoắn ốc va chạm vào nhau, có tên là Arp 220. Hiện tượng này là sự hợp nhất thiên hà sáng nhất và gần nhất với Trái đất. (NASA/ESA/CSA/STScI)


Những vòng bụi bao quanh Fomalhaut, một ngôi sao trẻ bên ngoài hệ thống mặt trời của chúng ta, cách Trái đất 25 năm ánh sáng. (NASA/ESA/CSA/A. Pagan/A. Gáspár)


Sao Wolf-Rayet WR 124 là một trong những khám phá đầu tiên của Kính viễn vọng Không gian James Webb, được phát hiện vào tháng 6 năm 2022. (NASA/ESA/CSA/STScI/Webb ERO Production Team)


Hình ảnh sao Thiên Vương (Uranus), ngôi sao băng giá khổng lồ, cho thấy những vành đai đáng kinh ngạc của hành tinh và đám mây sáng bao phủ chỏm cực bắc của nó (phải). Một đám mây sáng nằm ở rìa và đám mây thứ hai được nhìn thấy ở bên trái. (Space Telescope Science Institut/STScI)
Thiên Vương tinh là hành tinh trong hệ thống mặt trời không có dung nham bên trong, thế cho nên lạnh như một khối băng khổng lồ. Thiên vương tinh lớn gấp 4 lần quả đất, và cách mặt trời 19 lần so với khoảng cách của quả đất đến mặt trời, có 13 vòng đai (ring) và 27 mặt trăng. Một ngày trên Thiên Vương tinh chỉ dài bằng 17 giờ trên trái đất, nhưng vì ở quá xa mặt trời với quỹ đạo lớn, nên một năm trên Thiên Vương lại dài tới 30,687 ngày so với trái đất.

 

Có lẽ đây là bức hìng nổi tiếng nhất của viễn vọng kính không gian James Webb, đã chụp được một bức ảnh rất chi tiết về cái gọi là Trụ cột của Sáng tạo (Pillars of Creation), một khung cảnh gồm ba tòa tháp thấp thoáng được làm từ bụi và khí giữa các chấm sáng lốm đốm của những ngôi sao mới hình thành. Khu vực nằm trong Tinh vân Đại bàng (Eagle Nebula) cách Trái đất khoảng 6.500 năm ánh sáng, trước đây đã được Kính viễn vọng Hubble chụp vào năm 1995. (NASA/ESA/CSA/STScI)


Đây là bức hình mới nhất của Thiên Hà Ma Quái (Phantom Galaxy), cách Trái đất 32 triệu năm ánh sáng, kết hợp dữ liệu từ Kính viễn vọng Không gian James Webb và Kính viễn vọng Không gian Hubble. (NASA/ESA)


Thiên hà vòng bánh xe (Cartwheel galaxy) cách chúng ta khoảng 500 triệu năm ánh sáng. Hình được NASA công bố ngày 2 tháng 8. (NASA/ESA/CSA/STScI)


Năm thiên hà được biết với tên Stephan's Quintet có thể được nhìn thấy ở đây dưới một góc nhìn mới. Các thiên hà dường như đang nhảy múa với nhau, cho thấy những tương tác này có thể thúc đẩy sự tiến hóa của thiên hà như thế nào. (NASA/ESA/CSA/STScI)

Và tấm hình sau cùng là hình tưởng niệm 9/11, ngày đại hoạ khủng bố ngay trên nước Mỹ.


Ngày này, 22 năm về trước, ngày 11 tháng 9 năm 2001, bốn chiếc máy bay dân sự bị quân khủng bố chiếm đoạt để đâm vào toà tháp đôi World Trade Center, Ngũ Giác Đài (Pentagon), và khu đồng trống ở Pennsylvania, giết hại gần ba ngàn công dân Mỹ.

 Lâm Viên

Xem thêm:

Webb Space Telescope



No comments

Powered by Blogger.