Header Ads

ISAAC NEWTON (1642 - 1727) Vĩ Nhân Thứ Bảy Của Nhân Loại


Phạm Văn Tuấn

1/ Thời niên thiếu.

Isaac Newton chào đời vào buổi chiều Giáng Sinh năm 1642 tại Woolsthorpe, một làng nhỏ cách Grantham 7 dặm, thuộc địa hạt Lincoln trong nước Anh. Cha của Newton là một nông dân nghèo, đã từ trần khi cưới vợ được vài tháng và trước khi Newton ra chào đời. Mẹ của Newton tên là Hannah, người miền Ruthland.

Người ta không thể tìm thấy ở tổ tiên của cha và mẹ của Isaac Newton những dấu hiệu gì báo trước một thiên tài và ngay cả khi Newton chào đời, ít ai dám tin rằng đứa bé sinh thiếu tháng này có thể sống tới 85 tuổi.

Khi Isaac Newton lên 2 tuổi, bà Hannah tái gía với vị Tổng Mục Sư Barnabas Smith vì thế Newton được trao cho bà nội chăm sóc. Newton là một đứa trẻ yếu đuối, cậu thường phải mang quanh cổ một vòng da đặc biệt để giữ vững cái đầu quá nặng đối với bắp thịt cổ. Newton cũng chẳng tỏ ra thông minh hay có tài cán gì, cậu không biết ứng đối mau lẹ hay pha trò hóm hỉnh. Tai cậu lại chẳng biết thưởng thức âm nhạc ngay cả khi ban hợp điệu hát bản thánh ca trong nhà thờ vào ngày chủ nhật.

Sống lẻ loi cô đơn, Newton thường buồn tủi vì thiếu tình thương, vì thân thể yếu đuối. Cậu không ưa chạy nhảy hay tham dự những trò chơi mạnh bạo mà thường lảng xa bạn bè, ưa thích đứng tại nơi vắng vẻ, yên tĩnh mà suy tư. Nhiều khi Newton sống cả ngày trong vựa lúa để làm lăng nhăng mấy cái đèn, vài con diều, những cái đồng hồ mặt trời và đồng hồ nước. Trong tất cả những thứ đồ chơi do cậu làm ra, Newton ưa thích nhất chiếc máy xay lúa không phải chuyển động bằng nước hay gió, mà do một con chuột nhắt và chú chuột này lại sống bằng chính bột do nó xay ra. Những trò chơi đơn giản này làm Newton quên hết mọi ưu phiền và khi đó, chẳng ai thèm để ý đến các trò trẻ này, biết đâu rằng bao nhiêu thiên tài đã thực hiện được các phát minh lớn lao đều bắt đầu từ các trò chơi đơn sơ, trò trẻ đó.

Khi sống với bà nội, Isaac Newton được bà cho theo học trường làng rồi khi lên 12 tuổi, theo học King 's School tại Grantham. Vì trường cách nhà chừng 7 dậm nên Newton ở trọ tại nhà ông Clark làm nghề bào chế vì bà vợ của ông ta là bạn thân với mẹ của Newton.

Tại nhà ông Clark, Newton tìm thấy được hương vị đầm ấm của gia đình và cậu có một người bạn gái thân yêu là cô Storey mà mãi về sau, Newton còn giữ được những cảm tình sâu đậm. Do ông chủ nhà có nhiều chai lọ và các hóa chất, Newton bị ám ảnh về thuật giả kim (alchemy) là môn học tìm cách chế kim loại thành vàng cũng như tinh luyện thuốc trường sinh (elixir of life). Newton đã quan tâm tới thuật giả kim hơn là tới toán học, thiên văn và vật lý học.

Tại King 's School, Newton được dạy về Thánh Kinh và Số Học và cậu cũng bắt đầu học tiếng La Tinh, Lịch Sử và Hình Học sơ đẳng. Trong thời gian này, Newton vẫn chỉ là một học trò tầm thường cho đến một ngày kia một đứa bạn giỏi hơn và khỏe hơn đã chế diễu và đá vào bụng cậu. Không thể nhẫn nhục được nữa, Newton liền thách thức đứa bạn đánh nhau tay đôi và cậu đánh lộn hăng đến nỗi địch thủ lớn hơn này bị đo ván. Rồi vì lòng tự ái, Newton quyết định vượt lên trong phạm vi học đường. Chẳng bao lâu, Newton đã trở thành học sinh đứng đầu lớp rồi cuối cùng lại là học sinh giỏi nhất trường.

Năm 16 tuổi, Newton bị mẹ gọi về giúp việc nhà sau khi đã theo học được bốn năm tại Grantham. Bà Hannah lúc này trở về sống tại Woolsthorpe sau khi người chồng thứ hai qua đời, để lại cho bà một người con trai và hai người con gái với một số tiền khá lớn. Trở lại nông trại, Newton không thấy ưa thích chăn nuôi gia súc, cậu thường lẻn ra ngoài hàng rào ngồi đọc sách và vào ngày phiên chợ, khi theo các người dân làng lên Grantham, Newton thường tới nhà ông Clark, vùi đầu vào các cuốn sách Hóa Học.

Tại Woolsthorpe, Newton có một căn phòng riêng. Cậu tập vẽ và các tác phẩm chân phương do cậu sáng tác đều được treo trên bốn bức tường. Thấy con không ưa thích nông nghiệp, bà Hannah đành hỏi ý kiến bạn bè và các người trong gia đình về nghề nghiệp tương lai của đứa con trai. Ông Stokes, hiệu trưởng của Newton, khuyên nên để cậu trở lại King's School tiếp tục học nốt rồi lên đại học, trong khi Tổng Mục Sư Willam Ayscough, anh của bà Hannah và cũng là Viện Trưởng, lại khuyên nên để Newton vào trường của ông ta, trường Trinity thuộc Đại Học Đường Cambridge, để sau khi đậu xong, sẽ học thành tu sĩ.

Để chuẩn  bị vào Đại Học Cambridge, Newton được giảng dạy về nhiều môn học: Thánh Kinh, các tiếng La Tinh và Hy Lạp, Lịch Sử cổ điển, Luận Lý Học (logic) và Hình Học của Euclide. Newton được Tiến Sĩ Clark dạy cho về Toán Học. Vị Giáo Sư này là người anh em với ông Clark, chủ trọ của Newton tại Grantham.

Tháng 6 năm 1661, Newton vào trường Trinity. Năm đầu, Newton chưa tỏ ra có gì xuất sắc. Sang năm 1663, Newton được thụ giáo ông Isaac Barrow. Thật là may mắn cho chàng thanh niên này được theo học vị đại giáo sư bởi vì ông Barrow vốn là một học giả danh tiếng về Cổ Hy Lạp và đồng thời cũng là một nhà toán học, nhà vật lý có hạng của châu Âu vào thời kỳ đó.

2/ Thời kỳ khảo cứu Khoa Học.

Trong thời gian theo học tại Trinity College, Newton học hỏi về các lý thuyết của Copernicus, Descartes, Wallis cùng các nhà khoa học khác. Newton cũng hấp thụ được kiến thức về môn Quang Học của ông Barrow và môn học này đã hấp dẫn chàng rất nhiều.

Trước khi ra trường vào tháng 1 năm 1665, Newton lại được ông Barrow hướng dẫn về lý thuyết cũng như các thí nghiệm khúc xạ ánh sáng và cả cách mài thấu kính. Newton được làm quen với tác phẩm "Quang Học" (Optics) của Kepler và kiến thức này về sau sẽ giúp chàng thực hiện được chiếc viễn vọng kính.

Vào năm 1664, có một thiên tai ghê gớm trong lịch sử: đó là bệnh dịch hạch đã tàn phá thành phố London. Gần 100 ngàn người dân London sưng hạch ở nách mà chết và các đoàn linh cữu dài dằng dặc đi dưới ánh đuốc trong đêm tối trước mắt của số dân khiếp sợ. Trong vòng ba tháng, Tử Thần đã hái đi một phần mười dân thành phố. Tất cả các Đại Học Đường đều đóng cửa trong hai năm và thời kỳ ghê sợ này chỉ chấm dứt vào ngày mà một hiệu bánh mì ở Pudding Lane gây ngòi lửa thiêu hủy tất cả thành phố London với 400 ngõ hẻm bẩn thỉu.

Bệnh dịch hạch lan tới Cambridge vào năm 1665. Trường Trinity phải đóng cửa. Giáo sư và các sinh viên đều di tản về các vùng quê. Newton trở lại Woolsthorpe vào đầu tháng 8 năm 1665 và ở đó mãi tới cuối tháng 3 năm 1667.

Bệnh dịch hạch tuy làm gián đoạn sự học vấn của chàng thanh niên 23 tuổi này nhưng cũng làm cho chàng tạo được ảnh hưởng sâu xa tới chức phận. Đây là thời kỳ quay về quá khứ và cũng là thời gian cho phép Newton suy tưởng. Khi mà tại thành phố London, những người mặc quần áo màu đen đi vạch các chữ thập vôi trắng trước cửa các căn nhà mắc bệnh dịch hạch, thì Newton hướng trí óc của mình lên tầng cao, lập được căn bản cho sự khảo cứu sau này và viết đầy các ký hiệu toán học hết tờ giấy này sang tờ giấy khác.

Thuở trẻ Newton đã được coi là hay suy tưởng thì đến ngày nay, tính cách đó càng hiện rõ khi chàng thanh niên này sống tại nơi thôn dã. Trong 18 tháng cư ngụ trong nông trại, Newton thường hay lang thang ngoài cánh đồng mà suy nghĩ về lý lẽ của vạn vật. Có lần, Newton đã nói: "Tôi chẳng có sự sáng suốt đặc biệt nào mà chỉ có một mãnh lực về suy nghĩ". Thực vậy, chàng có thể tập trung tư tưởng tới trình độ đáng phục vào các bài toán rất phực tạp trong hàng giờ mà không nghỉ. Ngoài ra, chàng còn có một thiên bẩm rất quý giá đã bổ túc cho điều trên, đó là óc trực giác của chàng. Chính nhờ đặc tính này mà chàng có thể đi thẳng vào trung tâm bài toán mà không hề bị lạc lối vì các đường chung quanh.

Tại Woolsthorpe, Newton đã suy nghĩ về các khảo sát của Galileo đối với các vật chuyển động và về môn Hình Học Giải Tích của Descartes rồi do đó, tìm ra một phép toán học mới vào tháng 11 năm 1665: phép tính Vi Tích và Vi Phân (the Differential and Integral Calculus). Cũng vì muốn bổ khuyết một chương của môn toán học cao cấp, chàng còn tìm ra một công thức gọi là "Nhị Thức". Ngày nay, công thức này còn được gọi là "Nhị Thức Newton" và nhờ nó mà các nhà thông thái đã giải được biết bao bài toán khó khăn.

Newton cũng quan tâm tới các định luật chi phối các thiên thể. Chàng đã được nghe giảng về các quan niệm của Copernicus đối với vũ trụ và các định luật của Kepler theo đó, các thiên thể quay chung quanh mặt trời theo hình ellipse. Newton cũng biết đến các định luật về chuyển động của Galileo. Chính trong những ngày tháng sống tại Woolsthorpe, khi ngồi ngoài vườn suy tưởng về các ý tưởng của các nhà khoa học tiền phong, Newton đã cố gắng tìm hiểu lý do chuyển động của các hành tinh và các thiên thể khác.

Phương trình: Vạn vật hấp dẫn
Vào một buổi chiều nóng nực, Newton ngồi uống trà dưới gốc cây. Chàng thấy một quả táo rơi xuống đất rồi ngay lập tức, khám phá được định luật tối cao của vũ trụ: Định Luật Vạn Vật Hấp Dẫn. (*) Việc này do tất cả những gì chàng đã nghĩ từ bao năm kết tinh lại và trong phút chốc, phát hiện ra một cách rõ ràng. Chàng tự hỏi tại sao quả táo lại rơi thẳng góc với mặt đất, hướng vào trung tâm trái đất? Chắc vì trái đất đã hút quả táo cũng như quả táo hút trái đất và sức hút này được gọi là lực hấp dẫn, có ở khắp nơi trong vũ trụ. Newton tự hỏi phải chăng lực này làm quả táo hướng về trái đất cũng như mặt trăng hướng về địa cầu? Và chàng đã áp dụng định luật này vào sự chuyển động của các thiên thể. Newton đã suy ra rằng lực hấp dẫn tỉ lệ nghịch với bình phương khoảng cách và lực này khiến cho các hành tinh quay trên quỹ đạo.

Ý tưởng của Newton về lực hấp dẫn xác thực hơn lý thuyết đương thời của Descartes. Lý thuyết này chủ trương rằng mặt trăng và các hành tinh bị lôi cuốn trên quỹ đạo của chúng bởi các cơn lốc giữa một chất không thể nhìn thấy được, sờ thấy được mà người ta gọi là "ê-te" (ether).

Trong 18 tháng sống trong nông trại, Newton đã nghiên cứu môn Vật Lý Học theo các phương diện khác nhau. Chàng làm việc không ngừng, có lúc đứng hàng giờ liền rồi quay về bàn giấy, viết trong hàng tiếng đồng hồ mà không nghĩ đến việc lấy ghế ngồi. Ít khi chàng đi ngủ trước hai giờ sáng và có khi lại quên cả ăn. Chàng đã làm rất nhiều thí nghiệm xuất sắc về các lăng kính mua với giá vài xu tại một hội chợ và đã khám phá ra rằng ánh sáng mặt trời do các màu sắc của cầu vồng hợp thành và khi đi qua lăng kính, ánh sáng bị lệch đi và bị phân tích.

Khúc xạ ánh sáng
Thật là khác nhau giữa một cậu bé chẳng có vẻ gì là thiên tài, ngày xưa ẩn mình làm các đồng hồ mặt trời và một sinh viên trẻ tuổi, từ Đại Học Cambridge, chơi một lăng kính để phân tích ánh sáng rồi cấu tạo lại ánh sáng và cắt nghĩa cầu vồng bằng sự khúc xạ ánh sáng khi đi qua các giọt nước mưa, tất cả các điều trên khi đó chưa ai được biết.

Do thí nghiệm về lăng kính, Newton kết luận rằng các kính viễn vọng dùng thấu kính không thể nào tránh khỏi sự tán sắc (chromatic aberration). Newton được nghe nói về công trình khảo cứu của James Gregory. Ông này đề nghị dùng một gương lõm thay thế chiếc kính hội tụ. Newton liền tự tay làm lấy một viễn kính dùng gương lõm, dài 6 inches (15 cm) và đường kính chừng hơn 1 inch (2.5 cm). Với một hình thức thật là thô sơ, nhưng ở vào thời kỳ bấy giờ, kính thiên văn của Newton là loại tối tân nhất và nguyên tắc này ngày nay còn được dùng để chế tạo chiếc kính viễn vọng khổng lồ đặt tại đài thiên văn Palomar.

Gần hai năm sống tại miền quê, Newton đã thực hiện được ba phát minh khoa học vĩ đại, tuy nhiên những khám phá này không được Newton phổ biến ngay sau đó, vì tuy Newton tìm thấy những định luật Vật Lý, nhưng chàng luôn luôn giữ kín câu kết luận do tính khiêm nhường và vì lòng sợ hãi mọi sự vật. Khi trí khôn của chàng đã hiểu rõ Vũ Trụ, chàng càng thấy đắn đo về sự bất chắc của Khoa Học và sau cùng, dường như chàng e sợ sự thiếu sót về quan sát và sự bất cẩn khi cắt nghĩa vội vàng.

Isaac Newton đã viết về sự tìm kiếm của mình như sau: "Tôi không biết đã giúp ích gì cho Thế Giới, song riêng cá nhân tôi, tôi chỉ là một đứa trẻ chạy nhẩy trên bãi cát và chơi đùa bằng cách thỉnh thoảng nhặt được một hòn sỏi nhẵn hơn hay một con hến đẹp hơn thứ mà người khác thường tìm thấy, trong khi ở trước mặt, đại dương của Chân Lý còn giữ nguyên các bí ẩn sâu xa".

Năm 1667, Newton trở lại Đại Học Cambridge và vào cuối năm, được bầu làm Giáo Sư tại Trinity College. Hai năm sau, Isasc Barrow gửi cho John Collins một bài viết của Newton về phép tính Vi Phân và Tích Phân. Barrow đã nói rõ Newton là một người trẻ tuổi "với thiên khiếu không ai sánh kịp, đã tiến bộ rất nhiều về ngành Toán Học này". Vào năm 1669, Barrow đã nhường chức Giáo Sư Toán Học cho Newton để trở về nghiên cứu Thần Học.

Bước vào ngành giảng huấn, Isaac Newton cảm thấy nhàn nhã và tự do. Ông dùng thời giờ dư vào việc học, nhất là việc khảo cứu hai môn giả kim và thần học (theology). Về thể chất, Newton có khổ người hơi thấp và gầy, cằm vuông, lông mày dài và đôi mắt màu nâu hơi lồi ra những rất tinh nhanh. Ông có chiếc mũi dài và khi chưa tới tuổi 30, tóc của ông đã bạc trắng. Newton không lập gia đình, ông thường điều hòa các thói quen của mình và khi người ta hỏi tại sao ông không hút thuốc, thì Newton trả lời: "chính vì tôi không muốn có các nhu cầu mới"

Trong buổi diễn giảng đầu tiên vào năm 1669, Newton đã nói về Quang Học. Những kiến thức mới lạ của ông được truyền kể tới Viện Khoa Học Hoàng Gia (The Royal Society). Viện liền xin Newton các bài phúc trình và nhân lúc này, Newton đã gửi cho Viện chiếc viễn kính thứ hai. Phát minh này của Newton đã được nhiều người xem xét, kể cả Vua Charles II, các nhà bác học Christopher Wren, Robert Hooke... Chiếc viễn kính độc đáo khiến nhiều người nói tới Newton. Viện Khoa Học Hoàng Gia liền nhận nhà thông thái mới 29 tuổi này làm hội viên.

Vào năm 1671, Newton đã gửi cho Viện Khoa Học Hoàng Gia các tài liệu mới về sự khám phá ra quang phổ. Ông cũng trình bày các phương pháp khoa học phải áp dụng để có thể rút ra được các lý thuyết mới từ những chân lý vừa khám phá. Bản phúc trình của Newton đã làm chấn động giới khoa học, vì những khám phá của ông đã ra ngoài khuôn khổ của các lý thuyết đương thịnh hành. Như vậy Newton từ bóng tối, đã bước lên hàng các nhà khoa học có tầm quan trọng quốc tế.

Trong phạm vi Quang Học, ngoài Newton còn có nhiều nhà bác học khác cũng khảo sát, đáng kể nhất là Robert Hooke thuộc Viện Khoa Học Hoàng Gia. Vào năm 1665, Hooke đã phổ biến một tác phẩm dầy, nhan đề là Micrographia trong đó ông ta mô tả các điều quan sát mới mẻ thuộc về ngành Quang Học. Mặc dù các khảo sát của Hooke rất dồi dào, nhưng ông ta không dùng các phương pháp khoa học cũng như căn bản toán học để có thể tìm thấy từ các lý thuyết mô tả, những điều suy diễn mới lạ. Robert Hooke đã thí nghiệm về mọi thứ nhưng lại không nắm chắc được lời giải đáp hợp lý. Cũng vì thế nên khi có một khám phá nào ra đời, ông Hooke đều tin tưởng mình là người đã đề cập tới trước tiên.

Trước những khám phá của Newton về Quang Phổ, Robert Hooke cũng phàn nàn là Newton đã mượn những ý tưởng dẫn khởi của ông ta về ánh sáng. Đối với lời chỉ trích, Newton chẳng muốn phản đối, ông chỉ thu mình vào trong tháp ngà và đòi từ chức hội viên của Hội Khoa Học Hoàng Gia, vì vào thời bấy giờ, Newton muốn chuyên tâm về thuật giả kim và môn thần học. Do sự khuyên can của nhiều người, Newton mới chịu rút lại đơn xin từ chức và Viện Khoa Học Hoàng Gia tìm cách khéo léo rút dần các khám phá khoa học của Newton.

Năm 1679, Robert Hooke trở nên Thư Ký của Viện. Hooke đã nhún mình, viết một bức thư rất nhã nhặn, hỏi Newton về các kiến thức khoa học mới và nhất là về ý kiến của Newton đối với lực hấp dẫn là thứ đã chi phối chuyển động của các thiên thể. Nhưng Newton vẫn giữ nguyên các công trình đó cho riêng mình và ông đã bỏ xó các tài liệu trong ngăn kéo.

Vào một ngày trong năm 1684, Robert Hooke, Christopher Wren và Edmond Halley bàn bạc với nhau về trọng lực. Hooke khoe rằng mình đã nắm vững các chuyển động của thiên thể, nhưng Hooke lại từ chối việc chứng minh. Để khuyến khích, Christopher Wren liền hứa trao tặng một cuốn sách đáng giá 40 bảng Anh cho ai thực hiện được công trình chứng minh đó.

Tháng 8 năm 1684, Halley tới Cambridge để hỏi ý kiến của Newton thì được biết rằng nhà đại bác học đã giải xong bài toán đó nhiều năm về trước. Newton tìm lại các tài liệu cũ nhưng tất cả đã bị thất lạc. Mùa hè năm sau, Newton nghiên cứu lại vấn đề và diễn giảng tại trường đại học về Luật Vạn Vật Hấp Dẫn vào mùa thu. Newton cũng gửi cho Halley một bản sao. Khi nhìn thấy khám phá vô cùng quan trọng này, Halley liền thúc dục Newton cho phố biến tác phẩm. Sau 15 tháng làm việc với sự trợ giúp của Halley, Isaac Newton đã cho in cuốn "Nguyên Lý" (Principia Mathematica Philosophia Naturalis).

3/ Tác phẩm Nguyên Lý.

Quyển "Nguyên Lý" ra đời năm 1687, được mọi người coi là cuốn sách khoa học có giá trị chưa hề thấy bao giờ. Ngay cả vào thời kỳ hiện đại này, với sự ào ạt của Khoa Học do Thuyết Tương Đối của Albert Einstein gây nên, cũng chưa có một cách phân tích khoa học nào mà ảnh hưởng tới sự phát triển tinh thần của con người như quyển Nguyên Lý.

Trong quyển Nguyên Lý, Newton đã mô tả rõ ràng từng chi tiết nền Cơ Học của Vũ Trụ. Nhưng chính các nhà toán học cũng thấy cuốn sách này khó hiểu, không những chỉ vì các bài toán rất phức tạp mà cũng vì, theo lời của Newton, "để không bị quấy rầy bởi các nhà toán học hạ đẳng". Quyển Nguyên Lý được viết bằng tiếng La Tinh là loại ngôn ngữ khoa học đương thời, nó gồm có rất nhiều công thức toán học và phương trình. Trong hai thế kỷ, cuốn sách này đã là đường lối chính của các tư tưởng khoa học.

Trước Newton, các nhà bác học đều chỉ cắt nghĩa sự xoay tròn của các hành tinh bằng sự hiện hữu của vài lực. Trong cuốn Nguyên Lý, Newton nói rằng các hành tinh sở dĩ chạy theo quỹ đạo cong bởi vì hấp lực của mặt trời đã thay thế lực ly tâm của hành tinh khi hành tinh chuyển động trong không gian. Newton chỉ rõ định luật vạn vật hấp dẫn như sau: "Hai vật hút nhau tỉ lệ thuận với trọng khối của chúng và tỉ lệ nghịch với bình phương khoảng cách". Newton cho biết cách tính trọng lượng của mặt trời và của các hành tinh. Ông đặt ra các định luật cho phép tính được các quỹ đạo của các sao chổi. Ông chứng minh rằng lực hấp dẫn của mặt trời và mặt trăng đã sinh ra sự lên xuống của nước thủy triều.

Có một sự kiện vẻ vang nhất xẩy ra vào hơn một thế kỷ sau khi Newton qua đời, đó là câu chuyện sau đây. 

Luật Vạn Vật Hấp Dẫn đúng hoàn toàn đến nỗi rằng các nhà thiên văn, sau khi cứu xét có sự khác nhau chút ít giữa các vị trí tính được của ngôi sao Uranus, đã không ngờ vực lý thuyết có chỗ trống, mà lại cho rằng Uranus bị ảnh hưởng bởi một vì sao chưa tìm ra. Theo đúng lý thuyết của Newton, Le Verrier bên nước Pháp và Adams bên nước Anh, tính một cách độc lập vị trí của vì sao chưa biết kể trên. Le Verrier gửi các con số tới ông Galle, nhà thiên văn người Đức vào ngày 23 tháng 9 năm 1846. Ngay buổi chiều hôm đó, nhà thiên văn Đức nhìn vào viễn kính: quả thật có một vì sao tại đó. Người ta đã đặt tên cho vì sao này là Neptune.

Sau khi tác phẩm "Nguyên Lý" được xuất bản, trường Đại Học Cambridge cử Isaac Newton làm đại diện tại Quốc Hội. Trước kia, Newton có một người bạn thân tên là Charles Montague. Montague trở nên Giám Đốc Viện Hối Đoái vào năm 1694 rồi lại lãnh nhiệm vụ thiết lập ngân hàng và cải tổ nền tài chính của nước Anh. Montague cần một nhân vật có uy tín và thật trong sạch để làm Giám Đốc Sở Đúc Tiền, vì vậy Newton được mời giữ chức vụ này. Nhờ nhiệm vụ mới, Newton trở nên giàu có. Ông có dư tiền dùng vào việc giúp dỡ các người cháu nghèo khó.

Thời bấy giờ tại nước Đức, do cách suy diễn từ Tam Giác Pascal, Leibniz, nhà đại bác học, đã khám phá ra phép tính Vi Phân và Vi Tích một cách độc lập với Newton. Đầu tiên, Leibniz cũng công nhận rằng ông ta và Newton cùng tìm ra các hệ thống toán học giống nhau, nhưng khi cuộc tranh luận trở nên công khai, các người về phe của Newton lại cho rằng Leibniz đã ăn cắp ý tưởng của nhà bác học người Anh, trong khi đó tại lục địa, Huyghens và Leibniz hết sức dèm pha lý thuyết của Newton, vì các nhà đại trí thức thường có các yếu hèn, còn Maupertius và Voltaire, vì đề cao thiên tài của Newton, đều bị coi là những kẻ phản bội.

Để làm sáng tỏ vấn đề, John Bernouilli, nhà toán học lừng danh người Thụy Sĩ, liền đề nghị vào năm 1696 một bài toán tìm ra đường cong theo đó một vật sẽ rơi trong thời gian ngắn nhất từ một điểm này tới một điểm khác ở thấp hơn nhưng không cùng trên một đường thẳng đứng. Sau 6 tháng cố gắng, Leibniz tìm ra kết quả và đề nghị Newton giải đáp. Còn Newton, ông liền bắt tay vào việc và không đầy 12 giờ đồng hồ, ông đã phổ biến kết quả bằng một bài giải đáp nặc danh nhưng khi đọc bài đó, Bernouilli đã nhận ra ngay ai là tác giả và đã phải kêu lên: "người ta đã biết móng vuốt của con sư tử rồi".

Vào năm 1703, khi Robert Hooke từ trần, Isaac Newton nhận chức Chủ Tịch Viện Khoa Học Hoàng Gia Anh Quốc, đồng thời ông cũng cho phổ biến tác phẩm "Quang Học" (Optics) mà khoảng 30 năm về trước, nó vẫn còn là bản thảo.

Năm 1705, Newton được Nữ Hoàng Anne phong chức Hiệp Sĩ trong một buổi lễ đặc biệt tổ chức tại Trinity College. Ông là nhà khoa học đầu tiên nhận lãnh danh dự này.

Lúc về già, khi người ta khen ngợi Newton đã giúp ích rất nhiều trong việc tìm hiểu Vũ Trụ thì ông trả lời: "đối với các phát minh của tôi, tôi luôn luôn lập các câu hỏi trong đầu óc đến khi nào tôi có được các ý niệm lờ mờ và các ý niệm này đổi dần thành câu kết luận rực rỡ".

Isaac Newton đã dùng tất cả khả năng tư tưởng của mình trong những năm còn trẻ, vì vậy khi về già, ông không phát minh được gì nữa. Tuy nhiên, nguyên tắc Cơ Học của Newton đã là căn bản của nền Vật Lý trong suốt hai thế kỷ 18 và 19, cho đến khi Thuyết Tương Đối của Albert Einstein ra đời.

Isaac Newton mất vào ngày 20 tháng 3 năm 1727, thọ 85 tuổi. Đại tang lễ của ông được cử hành tại nghĩa địa Westminster. Linh cữu của nhà thiên tài bất hủ được khiêng bởi vị Bộ Trưởng Nghi Lễ, hai Công Tước và ba Bá Tước.

Từ xưa tới nay, trong số các nhà bác học uy tín của Viện Khoa Học Hoàng Gia Anh Quốc, Isaac Newton vẫn là nhà khoa học danh tiếng nhất và được ca ngợi là Vĩ Nhân Thứ Bảy của Nhân Loại. Thiên tài của ông đã giúp ích Con Người tiến được các bước rất dài trên con đường Khoa Học vô tận.
       
Phạm Văn Tuấn

Tài liệu tham khảo: Wikipedia.org., Britannica Encyclopedia.


(*) Giai thoại "quả táo rơi" được Voltaire viết trong cuốn Essay on Epic Poetry - Tiểu luận về sử thi (1727), "Ngài Isaac Newton đang đi dạo trong khu vườn, đã nẩy sinh ý nghĩ đầu tiên về lực hấp dẫn, khi nhìn thấy một quả táo rơi từ trên cây xuống."



No comments

Powered by Blogger.