Header Ads

Galileo Galilei (1564 - 1642) Ông Tổ của Phương Pháp Thực Nghiệm


Phạm Văn Tuấn

Từ thời Archimedes tới thế kỷ 16, Khoa Học chỉ tiến triển một cách chậm chạp, thiếu hẳn nền móng và phương pháp. Một thiên tài đã mở thêm đường, khai thêm lối cho khoa Vật Lý bằng cách đặc biệt chú ý đến các thí nghiệm, khiến cho từ đó Khoa Học có một căn bản vững vàng. Chính phương pháp thực nghiệm này, lấy thí nghiệm làm gốc, đã đưa Khoa Học đi được các bước thật xa. Ông tổ của phương pháp thực nghiệm là Galileo Galilei.

1/ Thuở thiếu thời.

Ra đời ngày 18 - 2 - 1564 tại Pisa, nước Ý, Galileo Galilei là con của ông Vincenzo Galilei, một nhà quý tộc bị phá sản. Cậu Galilei được mẹ truyền cho tính nóng nẩy, châm biếm và thừa hưởng từ cha óc thiên tài toán học. Ông Vincenzo rất ưa thích Toán Học và Âm Nhạc nhưng ông đã nhận thấy các con số không giúp ích gì cho ông cả, nên ông cấm con không được theo đuổi môn “khoa học vô ích” này. Trái lại, ông dạy cho con chơi đàn đại phong cầm và thụ cầm (luthe). Khi đã đọc thông viết thạo, Galilei được cha cho theo học trường tiểu học tại miền Florence. Năm 13 tuổi, cậu có ý định đi tu nhưng cha không cho phép. Ông gọi con về nhà trông coi cửa hàng tạp hóa.

Ngay từ thuở nhỏ, Galilei đã tỏ ra có tài quan sát và suy luận. Người ta thường kể lại câu chuyện một ngọn đèn đã gợi cảm hứng cho cậu: vào một buổi chiều năm 1581, một người bõ nhà thờ kéo chiếc đèn về phía mình, thắp sáng lên rồi thả cho đèn giao động trong không gian. Ngọn đèn đu đưa thì có gì đặc biệt? Tuy nhiên trong đám con chiên đang yên lặng cầu nguyện, có một thanh niên 17 tuổi đã quên cả việc đọc kinh mà quan sát hiện tượng. Trước sự kiện ngọn đèn giao động, ai chẳng nghĩ rằng càng về sau, thời gian giao động của ngọn đèn càng giảm dần? Nhưng cậu Galilei lại nghĩ khác. Khi trở về nhà, cậu suy luận về thứ giao động đó rồi làm các thí nghiệm với rất nhiều con lắc dài, ngắn, nặng, nhẹ khác nhau. Cậu dùng nhịp đập của mạch máu mà so sánh với thời gian giao động của con lắc. Cậu đã tìm ra được một định luật vật lý: thời gian giao động của con lắc không phụ thuộc vào biên độ ban đầu.

Năm 18 tuổi, Galilei được theo học trường Đại Học Y Khoa tại Pisa. Vào thời bấy giờ, tuy theo ngành thuốc nhưng các sinh viên còn phải học thêm môn Triết Học của Aristotle. Mặc dù đã cổ xưa gần 2,000 năm, mọi người vẫn coi lý thuyết của Aristotle là khuôn vàng thước ngọc và nếu có ai nghi ngờ lý thuyết này thì chỉ vì người đó đã tin ở “tà thuyết”

Về Thiên Văn Học, Giáo Hội Thiên Chúa đã dùng các nguyên tắc của Ptolemy, cho rằng trái đất là trung tâm của Vũ Trụ, còn mặt trời, mặt trăng và các vì sao đều quay chung quanh trái đất. Các điều giảng dạy của thời đại đó đã khiến cho Galilei nghi ngờ. Chàng thường tranh luận với các bạn bè về Aristotle, Plato và Ptolemy, nên bị mang tiếng là bướng bỉnh, mặc dù đôi khi chàng có lý.

Khi tới tuổi 20, Galilei chưa hiểu rõ về Toán Học nhưng do một người bạn hướng dẫn, chàng được học hỏi thêm về môn khoa học chính xác này, rồi do lòng say mê môn học mới, các điều hiểu biết mới, Galilei đã xao lãng việc theo đuổi hai ngành Y Khoa và Triết Học. Thấy con quá say mê khảo cứu Khoa Học, ông Vincenzo đành phải chiều con. Từ nay, Galilei được tự do suy nghĩ về các định luật của các nhà khoa học Hy Lạp. Các ý tưởng của Archimedes về vật nổi đã làm Galilei thán phục. Rồi lòng hâm mộ đã khiến chàng phát minh ra “cân thủy tĩnh” cho biết sự nguyên chất của kim loại căn cứ vào trọng lượng. Chàng cũng khởi thảo một phương pháp giản dị nhờ đó xác định được trọng tâm của các đồ vật.

2/ Giảng dạy Khoa Học.

Do các khảo cứu và khám phá khoa học, danh tiếng của Galilei vang lừng. Galilei làm quen được với Hầu Tước Guido Ubaldi. Ông này cũng là một nhà hình học và rất yêu thích Khoa Học. Thấy Galilei có tài, Hầu Tước Ubaldi liền giới thiệu chàng với Bá Tước Jean de Medicis và Công Tước Ferdinand là những người có thế lực thời bấy giờ. Galilei được đề cử nhận một chân giáo sư toán học tại Đại Học Pisa, lúc đó chàng mới 25 tuổi.    

Khi bước chân vào môi trường khoa học, vị giáo sư trẻ tuổi này đã bài bác lý thuyết của Aristotle. Galilei thấy rằng sự hiểu biết về định luật chuyển động của mọi vật là căn bản của các công cuộc khảo sát vật chất. Trái hẳn với Aristotle hay dùng lý luận mà không có thí nghiệm, Galilei chỉ công nhận các câu kết luận khi đã kiểm chứng bằng các thí nghiệm đầy đủ. 

Theo Aristotle, các vật rơi nhanh hay chậm tùy theo trọng lượng của nó lớn hay nhỏ. Còn Galilei lại cho rằng các vật rơi bằng nhau nếu không có sức cản của không khí. Galilei liền mời các giáo sư khác tới chân chiếc tháp cao của thành phố Pisa rồi từ đỉnh tháp, ông thả hai vật có cùng hình dáng nhưng trọng lượng khác nhau, vật nọ nặng gấp mười vật kia: cả hai vật cùng chạm đất một lúc. Thí nghiệm này thật là minh bạch, nhưng các vị giáo sư kia ưa thích tin vào sách vở cổ điển hơn là vào chính con mắt của mình.

Galilei lại làm nhiều thí nghiệm khác về sự rơi tự do và sự lăn trên các mặt phẳng nghiêng. Ông chứng minh rằng đối với các vật rơi, gia tốc không đổi và đều. Ngày nay người ta dùng nguyên tắc này vào việc ném bom nhưng không phải là không có các áp dụng thực tế vào thời đại đó. Từ lâu, mọi xạ thủ đều biết bắn súng nhưng họ chỉ làm theo kinh nghiệm mà không biết tính toán chính xác. Galilei là người đầu tiên nói rằng đạn đạo là một đường Parabôl và ông lập ra bảng tính cho biết góc độ phải nhắm súng khi biết khoảng cách bắn là bao nhiêu. Môn Động Học, một ngành quan trọng của Cơ Học, đã được ông sáng lập ra từ đó. Ông cũng là người đầu tiên khảo sát hoạt năng mà về sau Newton cho biết rõ ràng bằng phép tính.

Trước Galilei hầu như không có nhà khoa học nào biết tới phương pháp thực nghiệm. Galilei đã dùng quan sát và thí nghiệm làm căn bản cho phương pháp khảo cứu của mình và đánh đổ mọi lý thuyết lỗi thời của các nhà triết học cổ điển. Các người theo học lý thuyết cổ điển này lại quá câu nệ, họ không chịu suy xét và đem lòng thù oán ông. Họ bài bác các quan niệm mới của Galilei và lôi cuốn các người có thế lực thời bấy giờ. Không may hơn nữa, Galilei thường chỉ trích các phát minh kỳ quặc của các công tước quyền thế. Vì vậy ông bị các giáo sư đại học khác lạnh nhạt. Bất mãn, Galilei từ chức vào năm 1592 và quay lại nghề bán tạp hóa.

Trong thời gian chờ việc này, Galilei được phú gia Salviati của miền Florence giúp đỡ. Salviati lại giới thiệu ông với vị Tổng Giám Mục miền Venice và vị này mời Galilei nhận chân Giáo Sư Toán Học tại Đại Học Đường Padua vào tháng 12 năm 1592.

Bước chân vào ngôi trường mới này, Galilei thấy khác hẳn với nơi làm việc cũ. Tại nơi đây, tự do tinh thần được tôn trọng và mọi người đối đãi với nhau trong tình chân thật. Chính trong bầu không khí tự do tư tưởng này mà nhà bác học Galilei đã thành công trong nhiều thí nghiệm vật lý và đã phát minh ra được nhiều máy móc tân kỳ. Ông là người đầu tiên chế tạo ra chiếc thước tính cho phép rút được căn số bậc hai, bậc ba và tính tiền lời. Ông làm các dụng cụ thiên văn thêm hoàn hảo, vẽ các pháo đài, các cầu cống và viết sách về Cơ Học, Thiên Văn.

Danh tiếng của Galilei vượt khỏi miền Padua. Học trò bốn phương đổ tới theo học, có người từ xứ Thụy Điển, có kẻ ở nước Anh sang. Galilei có nhiều môn đệ đến nỗi phòng học không đủ chỗ ngồi và ông phải giảng bài ở ngoài trời. Trong 18 năm trường dạy học, ông đã đào luyện được rất nhiều học viên xuất sắc như Torricelli, Viviani . . . Nhiều người đã mang Khoa Học của Thầy gieo rắc tận chân trời góc biển, cũng có kẻ trở nên những nhà bảo vệ Khoa Học.

Vẫn phủ nhận lý thuyết của Aristotle, Galilei tin tưởng rằng mọi vật đều có chuyển động riêng. Ông giảng dạy lý thuyết của Pythagoras theo đó trái đất chỉ là một vì sao trong vũ trụ vô biên chứ không phải là trung tâm của vũ trụ và đứng yên như người đương thời hằng tin tưởng. Galilei đã đặt ra nhiều lý thuyết mới căn cứ vào các quan sát thực tế, nhưng ông còn do dự vì thiếu cách kiểm chứng. Việc phát minh ra kính viễn vọng đã khiến ông biện hộ được lý thuyết của mình.

3/ Chế tạo kính viễn vọng.

Vào năm 1609, một nhà làm kính đeo mắt người Hòa Lan tên là Hans Lippershey tình cờ nhìn qua 2 thấu kính đặt cách nhau khoảng 30 cm và đã thấy các đồ vật được phóng lớn lên. Galilei được nghe tả lại tính chất này. Đối với người thường, có lẽ chẳng ai quan tâm tới câu chuyện đó, nhưng Galilei lại khác hẳn, ông xét lại tính chất kể trên rồi chế tạo ra được một kính viễn vọng và đặt kính đó trên thượng tầng của tòa nhà Campanile tại Venice. Các hầu tước đã theo ông lên sân thượng và nhìn thử kính, quả nhiên họ thấy các cảnh vật trở thành rất gần và họ phân biệt được khách bộ hành đi trên đường phố. Nhờ viễn kính, các vật xa hầu như được đưa gần lại 10 lần. Loại kính này được nhiều người đòi hỏi và Galilei phải chế tạo thêm nhiều viễn kính khác.

Galilei chế riêng cho mình một kính viễn vọng nhìn gần các cảnh vật được 30 lần. Ông đặt tên cho chiếc kính này là kính “Khám Phá”. Vào một đêm đầy trăng sao, Galilei hướng kính “Khám Phá” lên từng không và quan sát bầu trời: một cảnh hùng vĩ chưa từng thấy bao giờ hiện ra trước mắt ông. Trong khoảng đen tối của vũ trụ, các vì sao lớn nhỏ khác nhau, chi chít, xếp lộn xộn, làm cho người ta tưởng rằng vũ trụ không được xếp đặt gì cả. Với mắt thường, con người chỉ nhìn được một số vì sao sáng ở gần nhưng với ống viễn kính, con người có thể phóng tầm mắt tới các biên giới xa xôi gấp bội.

Nhờ viễn kính, Galilei đã nhìn thấy Giải Ngân Hà mờ đục đối với mắt thường, thực ra đã chứa hằng hà sa số các vì sao lấp lánh. Chính đêm hôm đó đã đánh dấu một bước tiến của nền Thiên Văn: con người đã dùng viễn kính để quan sát bầu trời. Mặt trăng là nguồn cảm hứng của các thi sĩ nhưng qua kính thiên văn, Galilei lại thấy có một lớp vỏ xù xì, gồm nhiều chỗ nổi cao, lắm chỗ trũng sâu như mặt đất gồ ghề vậy. Qua nhiều tháng quan sát, Galilei kết luận rằng mặt trăng luôn luôn quay một mặt về trái đất.

Bốn vệ tinh (mặt trăng) của Jupiter

Vào gần sáng ngày 7 tháng 1 năm 1610, Galilei hướng viễn kính vào vì sao Jupiter. Bỗng nhiên ông kêu lên vì kinh ngạc. Ông thấy 3 chấm sáng gần vì sao Jupiter. Bằng mắt thường, chẳng ai có thể thấy được các đặc điểm này nhưng với viễn kính, Galilei linh cảm thấy một điều gì đặc biệt. Ông ghi vị trí của các chấm sáng đó. Trong cả tuần lễ, ông quan sát các chấm sáng và nhận thấy rằng có đêm, chấm sáng thứ ba biến mất rồi sau lại hiện ra ở một vị trí khác. Vào một tối, Galilei nhận thấy 4 chấm sáng rồi sau hàng tháng trường quan sát, ông kết luận đó là các vệ tinh quay chung quanh vì sao Jupiter. Galilei là người đầu tiên đã tìm thấy 4 vệ tinh của hành tinh Jupiter trong số 11 vệ tinh mà ngày nay chúng ta được biết. Để ca tụng các vị hoàng tử đương thời, Galilei đã gọi các vệ tinh này là “các vì sao Medicis”.

Năm 1610, Galilei cho xuất bản  cuốn sách có tên là “Sidereus Nuncius” (Starry Messenger = người đưa tin về các vì sao) trong đó có ghi lại các công trình của ông về kính viễn vọng, các quan sát về mặt trăng, các vì sao, các hành tinh và đặc biệt là 4 mặt trăng của hành tinh Jupiter. Sự khám phá ra 4 vệ tinh này đã gây ra điều ngạc nhiên nhất và làm cho nhiều người liên tưởng tới trái đất với mặt trăng và nhiều hành tinh khác quay chung quanh mặt trời. Cuối năm kể trên, Galilei lại khám phá ra rằng hành tinh Venus cũng có các biến tướng giống như mặt trăng. Sau đó ông tìm hiểu được tính chất của Giải Ngân Hà và suýt nhận ra chiếc vòng của hành tinh Saturn.

Nhờ kính viễn vọng, Galilei có thể nhìn xa hơn, thấy được nhiều thiên thể hơn. Nếu chỉ dùng mắt thường, ông đếm được trong chùm sao Pleiades có 6 ngôi sao cố định trong khi với viễn kính, ông đã nhận thấy 40 ngôi sao.

Galileo trình bày công dụng của viễn vọng kính trong việc khảo cứu không gian

Một khám phá quan trọng khác của Galilei là việc nhận biết các đốm đen trên mặt trời. Tuy rằng ông thực hiện điều quan sát này vào tháng 10 năm 1610, nhưng danh dự của khám phá này đáng được kể chung với 3 nhà thiên văn khác đồng thời với ông. Képler, dù không dùng tới kính viễn vọng, đã biết rằng có các đốm đem trên mặt trời và Fabricius đã kể lại điều quan sát về đốm đen trong tác phẩm “De maculis in sole observatis” xuất bản vào năm 1611. Người thứ ba đã quan sát mặt trời vào tháng 4 năm 1611 là tu sĩ Dòng Tên Scheiner.

Khi nghiên cứu mặt trời, lúc đầu Galilei tưởng rằng các đốm đen là các ảo ảnh quang học do chiếc viễn kính của ông gây ra nhưng sau khi dùng tất cả 8 chiếc viễn kính, ông không còn nghi ngờ gì về sự khả hữu của các đốm đen đó nữa mà tự hỏi liệu các đốm đen đó ở ngay trên mặt trời hay chỉ ở gần mặt trời? Sau cùng, Galilei đi đến kết luận rằng các đốm đen ở ngay trên mặt trời vì tốc độ di chuyển của chúng nhanh tại bờ mép hơn là tại phần giữa mặt trời. Chính nhờ căn cứ vào chuyển động của các đốm đen này mà về sau các nhà khoa học có thể tính được chu kỳ cũng như xích đạo của mặt trời.

Do việc nghiên cứu mặt trời, Galilei đã suy ra rằng mặt trời cũng như trái đất đều quanh chung quanh trục của nó. Các ý tưởng về vũ trụ của Galilei đều khác hẳn với lý thuyết của Ptolemy và quan niệm của ông về Thái Dương Hệ càng làm ông tin rằng lý thuyết của Copernicus là đúng.

Trước đây Nicolas Copernicus, nhà thiên văn người Ba Lan, đã cho xuất bản vào năm 1543 một cuốn sách nói về vũ trụ. Hệ thống thiên văn của Ptolemy quá phức tạp, lại không giải thích được nhiều điều khúc mắc. Trái lại, lý thuyết của Copernicus rất đơn giản và chính xác hơn nhiều. Theo Copernicus, trái đất không còn là trung tâm của vũ trụ nữa mà xoay chung quanh mình nó một vòng trong một ngày vũ trụ. Các vì sao và mặt trời đều cố định, các hành tinh quay chung quanh mặt trời theo đường tròn còn các vệ tinh lại chuyển động chung quanh các hành tinh.

Các ý tưởng của Copernicus đều không thể bài bác được nhưng vào thời bấy giờ, lý thuyết của Ptolemy đã in sâu vào tâm khảm của các nhà khoa học và cũng vì vậy mà nhà thiên văn Giordano Bruno, khi khai triển lý thuyết của Copernicus, đã bị thiêu sống tại Rome! Nhờ có các điều quan sát bằng kính viễn vọng của Galilei, hệ thống thiên văn Copernicus được công nhận là đúng.

Vào thời kỳ Phục Hưng, điều mong muốn tự nhiên của các nhà khoa học là chia xẻ các khám phá và phương pháp với các học giả của thời đại, khi đó là những bác học thuộc triều đại của Giáo Hoàng tại Rome. Vì vậy vào năm 1611, Galilei đã tới Rome và đã trình bày các khám phá về chuyển động của các hành tinh chung quanh mặt trời, và khi Galilei cho phổ biến “Các bức thư nói về các đốm đen trên mặt trời”, ông đã bị tố cáo là theo “tà giáo” vì đã không nghi ngờ lý thuyết của Copernicus. Ông đã biện minh rằng không những Thánh Kinh không phủ nhận lý thuyết “nhật tâm” mà còn tán trợ là khác.

Vào năm 1615, Hồng Y Robert Bellarmino đã cảnh cáo Galilei phải tránh nói tới các lý thuyết trái ngược với những điều giảng dạy của Nhà Thờ Thiên Chúa, rồi qua năm sau, một hội đồng các chuyên viên thần học của Văn Phòng Giáo Hoàng đã cho phổ biến sắc lệnh sau đây: “Bảo mặt trời bất động và là trung tâm của vũ trụ là một ý tưởng vô lý, trái với Triết Học và rõ ràng là theo tà giáo vì điều đó trái với Thánh Kinh. Bảo rằng trái đất di chuyển và quay một vòng trong một ngày là một sự vô lý, trái với Triết Học và ít nhất cũng tỏ ra là đã có đức tin sai nhầm”. 

Sau đó vào năm 1616, tất cả các sách vở của Galilei nói về chuyển động của trái đất và các hành tinh đều bị cấm đoán và Giáo Hoàng Paul V đã cảnh cáo Galilei không được “tin tưởng, giảng dạy hay bào chữa” lý thuyết của Copernicus. Galilei đã giữ yên lặng trong 7 năm, ông chuyên tâm vào việc khảo cứu khoa học.

4/ Các khảo cứu khoa học.

Năm 1623, Galilei cho xuất bản cuốn sách Saggiatore và đã đề tặng tác phẩm này cho Giáo Hoàng Urban VIII, vị tân Giáo Hoàng quan tâm về thiên văn và cũng là người đã ca tụng sự khám phá của Galilei về các vệ tinh của Jupiter. Sau nhiều năm, nhà đại bác học người Ý này thấy rằng hoàn cảnh có vẻ thuận tiện cho công việc làm Giáo Hoàng đổi ý về lý thuyết nhật tâm, nên vào năm 1632, Galilei cho in cuốn sách nhan đề là “Đối thoại giữa hai hệ thống của thế giới” (Dialogue concerning the two world systems), tức là hệ thống Ptolemy và hệ thống Copernicus. Cuộc đối thoại diễn ra giữa Simplicio, người biện hộ cho chính quyền và thành kiến cũ một cách cuồng tín và Salviati với Sagredo, hai người bạn đồng thời cũng là ngưới theo lý thuyết của Galilei. Galilei đã dùng hính thức đối thoại áp dụng vào cuốn sách vì sự thận trọng và cũng vì ông không muốn nói về chính mình trong tác phẩm.

Bằng tác phẩm “Đối Thoại” và căn cứ vào những điều nhận xét qua viễn kính, Galilei đã tấn công học thuyết của Aristotle theo đó, các thiên thể khác hẳn trái đất về tính chất cũng như về cách cấu tạo. Ông bác bỏ luận cứ cho rằng bầu trời không thay đổi, cũng như điều mà nhà đại triết học Hy Lạp tin rằng mặt trăng là một quả cầu hoàn toàn tròn. Trong tác phẩm kể trên, khi Simplicio đưa ra luận cứ rằng vì Aristotle là người sáng lập ra môn Luận Lý nên không thể nhầm lẫn được, thì đã bị bài bác lại bằng thí dụ một người thợ làm đàn rất có tài, chưa chắc đã là một người sành âm nhạc.

Qua tác phẩm “Đối Thoại”, Galilei đã chỉ trích nhóm học giả kinh điển thời cổ (scholastics) và dồn họ vào sự phi lý. Cuốn “Đối Thoại” của Galilei là một trong 3 tác phẩm lừng danh về Thiên Văn Học, hai tác phẩm kia là các cuốn “Chuyển Động” (Revolutions) của Copernicus và cuốn “Nguyên Lý” (Principia) của Newton.

Khi tác phẩm “Đối Thoại” được xuất bản, nó đã làm rung động giới bác học và bão tố bắt đầu thổi tới. Tu sĩ Dòng Tên Scheiner, người trước kia đã hiềm khích với Galilei về vấn đề ai là người đầu tiên quan sát các đốm đen trên mặt trời, nay đã trình bày với Giáo Hoàng rằng ông ta bị ám chỉ trong tác phẩm “Đối Thoại” bằng nhân vật Simplicio, kẻ biện hộ vụng về cho học thuyết cũ. Ngoài ra, các kẻ thù cũ của Galilei đã hùa nhau lại công kích ông. Tác phẩm của Galilei bị cấm đoán và ông bị đòi về Rome. Ông cáo ốm nhưng cũng phải ra đi vào tháng 2 năm 1633, rồi bị hạ ngục. 

Vào tháng 7 năm đó, ông già bác học 70 tuổi này bị thẩm vấn bởi một hội đồng điều tra gồm các hồng y. Vì e sợ bị hành hạ, Galilei đã phải đầu hàng bằng cách chối bỏ lý thuyết của mình. Người ta bắt ông cam đoan sẽ không bao giờ giảng dạy lý thuyết của Copernicus, ký nhận rằng lý thuyết đó hoàn toàn sai và thề trước Hội Đồng rằng: “Tôi là Galilei, 70 tuổi, quỳ trước Ngài Chánh Thẩm khả kính, tay đặt lên cuốn Thánh Kinh để tại trước mặt, tôi nguyện bỏ, tôi nguyền rủa và tôi khinh bỉ sự nhầm lẫn của tôi về cách chuyển động của trái đất...”. Chuyện còn kể rằng sau khi phải thề như vậy, ông già Galilei đã lẩm bẩn trong miệng: . . . nhưng trái đất vẫn quay!”.

Galilei bị kết án chung thâm và bị bắt buộc mỗi tuần lễ đọc một lần 7 cuốn kinh sám hối trong suốt 3 năm trường. Sau nhiều tháng bị giam cầm, Galilei được thả về sống ẩn dật tại Arceti, gần Florence, nhờ sự can thiệp của các nhà bác học danh tiếng và của Hầu Tước miền Toscany. Vào thời gian bị quản thúc này, ông nghiên cứu về Cơ Học và viết xong tác phẩm “Khảo Sát về Hai Khoa Học mới” vào năm 1636, nhưng chỉ cho xuất bản hai năm về sau tại Leiden, Hòa Lan, vì công cuộc nghiên cứu của ông bị cấm đoán tại Ý Đại Lợi.

Vào năm 1637, Galilei bị lòa hoàn toàn nhưng ông vẫn làm việc với sự trợ giúp của các môn đệ, nhất là Torricelli và Viviani. Các đóng góp về Cơ Học của Galilei gồm có các định luật về các vật rơi (the law of falling bodies), việc chứng minh các định luật cân bằng (the laws of equilibrium) và nguyên tắc nổi (the principal of flotation). Galilei cũng làm thay đổi tư tưởng khoa học căn bản bằng nguyên tắc quán tính (the principal of inertia). Về vấn đề này, các nhà khoa học theo lý thuyết của Aristotle đã cho rằng khi có một vật di chuyển, cần phải có một lực nào đó đặt vào vật khiến cho vật đó tiếp tục chuyển động trong khi Galilei lại bác bỏ ý tưởng này bằng lý thuyết theo đó cần có một lực nào đó để làm ngưng lại hay đổi hướng vật đó.

Các nghiên cứu thiên văn bằng viễn kính của Galilei đã cho thấy vai trò rất quan trọng của việc quan sát trong cách khảo cứu khoa học và việc cần tới các kính nhìn xa mạnh hơn, chính xác hơn. Galilei đã tiên đoán rằng bằng các dụng cụ khoa học này, người ta có thể đo lường chính xác độ lớn và vị trí của các hành tinh và các vì sao. Cuối cùng, Galilei còn tiên liệu rằng hai môn Vật Lý và Toán Học sẽ tiến lại gần nhau để cung cấp phương pháp cắt nghĩa thế giới của sự vật.

Galileo Galilei qua đời vào ngày 8-1-1642, thọ 78 tuổi. Cũng vào năm này, một thiên tài của Nhân Loại ra chào đời: Isaac Newton.
          
Phạm Văn Tuấn

Tài liệu tham khảo: Wikipedia.org.; Britannica Encyclopedia.
https://en.wikipedia.org/wiki/Galileo_Galilei



No comments

Powered by Blogger.