Header Ads

Cây Dừa


Nguyễn Ngọc Duy Hân

Hình ảnh hàng dừa xanh tỏa bóng mát trên khu vườn quê Việt Nam, hoặc cây dừa xinh đẹp trồng trên những khu nhà nghỉ mát du lịch khắp thế giới có lẽ đã rất quen thuộc với chúng ta. Cây dừa đã gắn bó với đời sống từ bao đời nay. Các món ăn làm từ trái dừa cũng rất hấp dẫn, ca dao thơ nhạc cũng nhắc tới cây dừa rất nhiều, nói lên tâm tình giản dị yêu hòa bình của dân Việt. Dừa là một loài cây xứng đáng được yêu quý và trân trọng vì những lợi ích vật chất và tinh thần. Hôm nay mời bạn thong thả uống ly nước dừa, cùng tôi tản mạn đôi chút về loại cây hết sức hữu ích này nhé.

Đầu tiên là cây dừa trong ca dao. Bạn có từng nghe qua những câu này chưa: "Trồng dừa ra đọt chặt tàu, Sợ em đổi dạ tham giàu bỏ anh."

Hoặc câu trách móc: "Ngọn dừa bóng ngả mái tranh, trăng tà em mới hỏi anh đôi lời".

Muốn uống nước dừa thì phải ra tay chặt chém, nên ông bà ta đã gởi gắm cái xót xa trong cây: "Thương thay thân phận trái dừa, Non thời khoét mắt, già cưa lấy đầu".

Thế nên ông bà ta cũng rất biết ơn cây dừa:
"Giã ơn ai có cây dừa, Cho tôi nghỉ mát đợi chờ người thương."

Rồi ông bà cũng răn dạy con gái:
"Trăng lên khuất bóng cây dừa, Làm thân con gái phải chừa đi đêm!"

Hồi xưa tránh đi đêm thì tránh được "dịp tội", ngày nay văn minh thì trai gái muốn phạm tội rất dễ dàng, đâu cần chờ tới ban đêm!

Ông bà ta cũng ra câu đố: "Nước sông không đến, Nước bến không vào, Vậy mà có nước" - Là trái gì? Chắc chắn bạn trả lời được phải không.

Còn trong âm nhạc, tác giả Thanh Sơn trong bài Sương Thu đã viết: "Nhớ dòng sông cây dừa xanh soi bóng. Biết người xưa ngày đêm vẫn thương mong..."

Trong tiểu khúc Tiếng Sông Cửu Long của bài trường ca Hội Trùng Dương do nhạc sĩ Phạm Đình Chương sáng tác, khi tới miền Nam, ông đã reo lên: "Đây Miền Nam, Nước sông dâng cao cá lội ngù ngờ, Nước xanh xanh lơ bóng in cây dừa ..." thật là hình ảnh một miền Nam trù phú, an bình.

Mộng Dưới Hoa thơ Đinh Hùng, nhạc Phạm Đình Chương cũng đã nổi tiếng với câu: “Mắt xanh lả bóng dừa hoang dại…”

Rồi phải nhắc tới bài hát Những ngày xưa thân ái của ca nhạc sĩ Duy Khánh với câu "uống nước dừa hay nước mắt quê hương" nghe rất tâm tình.

Chắc chắn còn khá nhiều bài hát có cây dừa trong đó, nhưng trí nhớ nay đã kém cỏi, bạn nhớ thêm được bài nào thì nhắc dùm nhé.

Trong mâm ngũ quả ngày Tết, thế nào cũng phải có chưng trái dừa vì người miền Nam phát âm vừa là "dừa", 4 thứ cầu dừa đủ xài là chính, thêm trái thứ 5 thì chuối, khóm, thanh long hay trái gì cũng được.

Nói về khoa học, thì dừa là một loài thực vật thân gỗ, thành viên của họ Cau, sống ở vùng nhiệt đới. Cây dừa rất đặc biệt vì có hoa đực, hoa cái và cả hoa lưỡng tính hầm bà lằng! Dừa dùng làm thực phẩm, nhiên liệu, vật liệu xây dựng, làm thành mỹ phẩm, có khi dùng trong các bài thuốc dân gian và rất nhiều công dụng khác. Trái dừa dùng làm thức ăn, hoặc chế biến lấy dầu dừa để chiên xào hay gội đầu làm tóc rất mướt. Ngày xưa khi chưa nấu ăn bằng ga hoặc điện được, than củi từ vỏ gáo cứng và xơ dừa được dùng làm chất đốt rất thông dụng. Lá dừa, thân dừa dùng chế tạo nhiều loại sản phẩm trang trí. Ngày xưa lá dừa khô được dùng để lợp mái nhà, trong đám cưới mà có lá dừa uốn cong trang trí thì đẹp và rất đậm nét quê hương, ngày nay ai "sang chảnh" mới trang trí được theo cách này. Gỗ dừa cũng được làm thành nhạc cụ như đàn cò, kìm, gáo, tranh, guitar… khá nổi tiếng. Ngoài ra các đồ trang trí, mỹ nghệ làm từ gáo dừa, lá dừa, rễ dừa cũng được chế biến một cách sáng tạo và nghệ thuật. Nếu bạn nhớ được vỏ trái dừa chế thành cái bình để giữ nhiệt cho chiếc ấm trà khi xưa, thì bạn đã ... già giống tôi rồi đó! Ba tôi hồi xưa có cái vỏ dừa này, công dụng giữ nhiệt tốt lắm vì ngày ấy làm gì có thermos.

Trong tiếng Anh, dừa là coconut, bắt nguồn từ tiếng Bồ Đào Nha là coco, có nghĩa là đầu lâu, do ba vết lõm trên vỏ gáo dừa giống với xương mặt người. Tại Mỹ, chữ “Coconut” có khi bị dùng để chỉ những người gốc châu Mỹ La tinh hay Ấn Độ. “Coconut” cũng là từ lóng tại Úc để chỉ người gốc Tonga hay Polynesia, bạn nên cẩn thận khi nói chữ này. Được biết ngay tại Việt Nam, chữ “làng dừa” cũng bị dùng để chỉ những người kém hiểu biết về lĩnh vực nào đó. Tội nghiệp cây dừa chưa, công dụng từ ngọn tới rễ mà bị dùng như thế!

Nguồn gốc của loài thực vật này còn đang được tranh cãi, có người cho là dừa xuất phát từ khu vực đông nam châu Á, nhưng cũng có người nói dừa bắt đầu từ tây bắc Nam Mỹ. Các mẫu hóa thạch tìm thấy ở New Zealand chứng minh cây thuộc họ dừa đã có từ khoảng 15 triệu năm trước.

Người ta còn có phong tục đập dừa ra thành nhiều mảnh trong lễ khánh thành công trình xây dựng, nhà cửa, tàu bè nào đó. Người dân Kerala ở miền nam Ấn Độ đặt tên cho khu vực này của họ là “Quê hương của Dừa”. Tại một số nước, trái dừa là vật phẩm dâng lên các vị thần trong những ngày lễ quan trọng, chẳng hạn dừa được dâng lên các vị thần trong các nghi lễ tôn giáo của đạo Hindu.

Người đạo Công Giáo cũng đã có lời ca tụng thánh Giuse, tức là cha nuôi của Chúa Giêsu như câu: "Người công chính tươi tốt như cây dừa, lớn lên như cây hương nam núi Liban nơi nhà Chúa trong đền thánh Người".

Tại Việt Nam, nổi tiếng một thời là Đạo Dừa - một tôn giáo do ông Nguyễn Thành Nam (1910-1990) sáng lập tại Bến Tre. Đạo Dừa chủ trương hòa đồng, tổng hợp nhiều tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo và Kitô giáo.

Một địa danh tại Việt Nam đã được đặt là Làng Cây Dừa. Đó là vùng đất nằm ở thung lũng thượng lưu sông Côn, tiếp giáp dãy Trường Sơn, ngày nay thuộc địa phận huyện miền núi Vĩnh Thạnh.

Có nhiều giống dừa khác nhau, người ta phân loại thành dừa xiêm, dừa bị, dừa nếp, dừa lửa. dừa dâu, dừa dứa, dừa sáp ... Riêng loại dừa cảnh theo phong thủy thì có thể làm tăng dương khí, giúp công việc làm ăn thuận lợi hơn, xua đuổi những điều không may mắn. Nếu không tin phong thủy thì ít nhất trồng các cây dừa cảnh trong công ty, trong nhà thì cây có tác dụng lọc không khí, mang tới không gian màu xanh tươi mát.


Cây dừa là loại cây cống hiến rất nhiều. Đây là liệt kê một số công dụng từ dừa:
  • Nước dừa thường được dùng làm nước uống, kho thịt cá, làm nước chấm. 
  • Cơm của trái dừa dùng làm kẹo, mứt hay làm nước cốt dừa. 
  • Dầu dừa sử dụng để nấu ăn, dưỡng tóc, dưỡng da. 
  • Xơ dừa dùng làm dây thừng. 
  • Thân dừa làm cột nhà, làm cầu bắt qua sông. 
  • Hoa dừa tươi được hái xuống để cắm trang trí, rất thanh nhã và lạ mắt. Người ta còn có sáng kiến dùng hoa dừa già cắt khúc kết lại với nhau làm thành giỏ hoa, chụp đèn treo tường rất thẫm mỹ.
  • Lá dừa dùng để lợp nhà, gói bánh, tàu dừa chặt ngắn lá dùng để trang trí nhà rạp, cổng hoa trong những tiệc cưới. Lá dừa khô được bó lại thành cây làm đuốc soi đường. Lá cũng dùng để đan những giỏ hoa, giỏ đựng trái cây trông rất nghệ thuật. 
  • Đọt dừa non, còn gọi là củ hủ dừa là một món ăn độc đáo. 
  • Ngay cả con sâu sống trên cây dừa, tức là đuông dừa cũng là một món ăn ngon. 
  • Nước dừa là thức uống thơm ngon, có khi còn dùng để thắng nước màu, gọi là nước màu dừa. Lạ chưa, thứ nước trong như "nước mắt quê hương" mà khi nấu kẹo lại có thể trở thành kẹo đắng làm màu cho thức ăn. Nước dừa còn dùng để kho cá, kho thịt. 
  • Cơm dừa rám tức là chưa già lắm dùng để làm mứt. 
  • Cơm dừa già được xay nhuyễn vắt nước cốt làm kẹo dừa, nấu dầu dừa, làm xà phòng. 
  • Bã dừa dùng làm bánh dầu, để bón phân hoặc làm thức ăn cho gia súc. 
  • Xơ dừa được đánh tơi ra dùng làm thảm, làm nệm, làm dép đặc trị cho những người bệnh thấp khớp hoặc bện làm dây thừng, lưới bọc chống sạt lở ven sông.  
  • Gáo dừa dùng để nấu ăn hay vật dụng trong gia đình, làm đồ thủ công mỹ nghệ, làm chén đũa.…. rất được ưa chuộng ở các nước phương Tây. 
  • Rễ dừa có thể dùng làm chất đốt, thuốc nhuộm, thuốc sát trùng để súc miệng hay chữa trị bệnh kiết lỵ, khản tiếng, giải độc…. Không biết người ta đếm cách nào, nhưng sách vở đã ghi cây dừa 5 năm tuổi có hơn 500 chiếc rễ. Đến năm 13 tuổi, số rễ lên tới hơn 5000.
  • Mặt nạ làm từ dừa, sản xuất theo công nghệ lên men vi sinh từ nước dừa tự nhiên đã trở thành sản phẩm đặc biệt của Việt Nam bán trên thị trường nhiều nơi để các bà các cô dưỡng da làm đẹp.
Trên thế giới, dừa thường trồng nhiều ở vùng châu Á, Thái Bình Dương. Ở Việt Nam, dừa thường tập trung từ Quảng Ngãi đến Cà Mau nhưng nhiều nhất là ở Bình Định và Bến Tre. Kẹo dừa Mỏ Cày nổi tiếng khắp nơi.

đuông dừa
Các món ăn từ dừa thì cả mấy trăm món, nào là thạch dừa, mứt dừa, kem dừa, rau câu dừa, chè chuối nước cốt dừa - mà món chè nào cũng cần có nước cốt dừa mới ngon, béo, thơm. Món cháo dừa có vẻ hơi lạ, nhưng lại khá quen thuộc ở miền Tây. Vị bùi béo của cùi dừa và nước cốt dừa lẫn trong hương thơm lừng của gạo, tạo nên một loại cháo rất hấp dẫn. Bạn đã từng kho thịt heo với cùi dừa cắt mỏng chưa? Vừa ngon vừa béo vừa dòn, ăn bắt cơm lắm đấy!

Về thức uống thì nước cốt dừa là thành phần quan trọng trong món cocktail pinacolada. Người miền Nam nhất là ở Bến Tre có nhiều dừa, nên khi kho thịt, kho tôm, xào rau họ cũng bỏ nước cốt dừa vào, ăn rất ngon nhưng cũng coi chừng lượng cholesterol trong người nhé.

Những người từng đi qua cây cầu ở huyện Giồng Trôm, Bến Tre đã phải kinh ngạc khi thấy một cây dừa lẻ loi vươn cao giữa lòng sông. Làm sao mà nó mọc và sống được, chắc phải hỏi ông Trời thôi! Ngoài ra làng net cũng thấy được hình ảnh cây dừa lạ có đến gần 40 đọt, chủ nhân bảo nếu không tỉa bớt, nó có thể ra hằng trăm đọt, ngộ ghê chưa!

Báo chí cũng từng ghi lại việc có lần nước mặn đã làm hầu hết vườn dừa xiêm ở tỉnh Bến Tre bị ảnh hưởng, trái không đạt chất lượng vì vừa nhỏ vừa mặn, nên phải bán với giá rẻ mạt. Người trồng đã phải lấy nước để thắng nước màu, không làm các món khác được. Nói tới đây mới nhớ năm 2005, lần đầu tiên tôi về thăm Việt Nam với 2 con trai. Khi lên một ngôi chùa ở miền Trung viếng cảnh, trời quá nóng và khát nên chúng tôi mua mấy trái dừa tươi để uống. Cô bé bán hàng hỏi muốn trái to hay trái nhỏ, vì giá bằng nhau nên chúng tôi hớn hở chọn trái to. Chèn ơn, sao mà nó mặn và khó uống, chúng tôi dù khát cũng chịu thua bỏ dở trái dừa. Ai biểu ham nhiều, ham rẻ! Mà cũng lạ, họ biết dừa nhiễm mặn khó uống, mà sao vẫn bán mà không có "warning" gì cả.


Người ta còn chế biến ra cơm dừa sấy khô để làm bánh, làm sữa dừa và bột của cốt dừa. Phô mai dừa và yaourt dừa là những sản phẩm lên men tương ứng của nước cốt dừa bán khá chạy. Dầu dừa tinh khiết là dầu được ép từ cơm dừa tươi, ướt, giá thành cao gấp 3, 4 lần so với dầu dừa làm theo phương pháp ép khô. Dầu dừa tinh khiết chủ yếu được dùng làm mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm cao cấp. Người ta quảng cáo uống hai muỗng nhỏ dầu dừa tinh khiết mỗi ngày sẽ ngừa được bệnh tim mạch, béo phì, ngăn ngừa cholesterol, SARS, thậm chí còn kìm hãm và hạn chế được bệnh HIV/AIDS.

Kẹo dừa là sản phẩm hỗn hợp cô đặc của đường, mạch nha và nước dừa, có loại kẹo dừa cứng, nhưng kẹo dừa mềm là đặc sản rất đặc trưng của Việt Nam.

Người ta còn làm ra đường dừa và rượu dừa, Rượu dừa là đặc sản của Philippines, Sri Lanka, Indonesia. Rượu dừa được cất từ mật hoa dừa lên men. Ngoài ra mật hoa dừa còn có thể dùng để chế biến giấm ăn.

Quả Coco de Mer đã đạt kỷ lục là quả to và nặng nhất thế giới. Trung bình 1 quả dừa nặng khoảng 23 đến 30kg, có đường kính từ 30-40cm. Quả dừa này cũng có thể ăn và uống được, cùi dừa và nước dừa của nó đều có vị ngon ngọt. Loại dừa này có ở quần đảo Seychelles, phía Bắc Madagascar, châu Phi. Trái có hình dạng lạ, không tròn như dừa thường nhưng chúng vẫn được sắp vào dòng họ dừa.

Được biết tại đảo Nam Yết, tức là khu vực đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, có mọc rất nhiều dừa và mang nhiều ích lợi. Nói tới Hoàng Sa Trường Sa thì buồn vì cộng sản đã bán cho Tàu cộng rồi. Riêng tôi đã từng ở trại tị nạn Galang, Nam Dương, thì khu vực các hòn đảo này có rất nhiều dừa, bờ biển rất đẹp. Nghe nói có những thuyền nhân bị trôi dạt trên các hòn đảo, may nhờ có dừa nên đã có nước dừa uống, có cơm dừa ăn nên đã thoát được nạn chết đói chết khát.

Các quốc gia nổi tiếng sản xuất và có nhiều dừa đứng đầu là Indonesia, rồi tới Philippines, Ấn Độ, Ba Tây, Sri Lanka rồi mới tới Việt Nam. Đứng sau nước Việt là Papua New Guinea, Mexico, Thailand và Malaysia.

Nãy giờ nói chuyện dừa, mà không nói tới bà con của cây dừa thì cũng thật là thiếu sót. Đó là cây cau, cũng được trồng ở các khu vực ấm áp nhiệt đới. Trái cau màu xanh lá có kích thước cỡ quả trứng gà, có chứa hạt màu nâu nhạt, bên trong lốm đốm như hạt nhục đậu khấu. Là trầu là đầu câu chuyện, mà có trầu thì không thể thiếu cau, được dùng trong tục lệ cưới hỏi. Ngay ở Cali, các đám cưới cũng có lá trầu tươi, được trồng nhiều ở Florida rồi mang đi bán khắp nơi. Ngay tại các chợ ở Toronto cũng có bán lá trầu. Có lần tôi vội vàng nên chụp ngay một vĩ, tưởng là lá lốt để cuốn thịt bò, đem về nhà mới hỡi ôi! Quả cau có vị thơm và hăng, có thể gây say khi lần đầu tiên ăn. Người Đài Loan là những người buôn bán và ăn trầu cau nổi tiếng thế giới. Mo cau có thể dùng làm quạt. Lá cau khô được dùng làm chổi.

Chắc bạn cũng nhớ sự tích trầu cau, không cần phải nhắc lại. Câu chuyện xoay quanh hai anh em sanh đôi giống nhau như đúc, nên người vợ bị lầm. Sau đó ba người chết rồi biến thành cau, trầu và tảng đá vôi, luôn có nhau, quấn quít bên nhau để minh chứng cho sự trong sáng, trọng tình nghĩa anh em, vợ chồng của họ.

Ca dao ta cũng có nhiều câu nhắc tới cau: "Thương nhau cau sáu bổ ba, Ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười".

Bạn chắc cũng thuộc bài đồng dao: "Quả cau nho nhỏ, Cái vỏ vân vân. Nay anh học gần, Mai anh học xa, lấy anh từ thuở mười ba, Đến năm mười tám thiếp đà năm con. Ra đường thiếp hãy còn son, Về nhà thiếp đã năm con cùng chàng".

Hoặc bài "Con mèo mà trèo cây cau, Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà. Chú chuột đi chợ đàng xa. Mua mắm mua muối giỗ cha con mèo!”

Bài thơ Mời Trầu của nữ sĩ Hồ Xuân Hương cũng đã diễn tả: "Quả cau nho nhỏ, miếng trầu hôi, Này của Xuân Hương đã quệt rồi. Có phải duyên nhau thì thắm lại, Đừng xanh như lá bạc như vôi".

Cây cau cũng có khả năng thanh lọc không khí trong lành nên rất ưa chuộng để trồng làm cây cảnh trong sân vườn và làm đẹp khung cảnh trong thành phố.

Quả vậy, cây dừa và cây cau đã gắn bó với tuổi thơ, với làng quê, với kỷ niệm. Các hình chụp, tranh vẽ ngôi nhà xưa với hàng dừa, hàng cau đều làm mình thấy lòng nao nao, nhớ gia đình, quê hương, nhớ tuổi thơ...  Dù đã từng đi chơi xem thắng cảnh nhiều nơi, hình ảnh hàng dừa xanh sẽ luôn là hình ảnh đẹp và nhiều kỷ niệm nhất. Cây dừa như một chiếc dù xanh to lớn, đem bóng mát. Ngồi dưới gốc cây hoặc căng võng nằm dưới hàng dừa đọc sách, nghe gió thổi tàu dừa phe phẩy, lơ mơ giấc ngủ trưa thì thật là thú vị. Bóng dừa in dưới dòng sông xanh trong là hình ảnh mà ngày nay có lẽ ít thấy khi công nghệ điện toán lên cao, trẻ em người lớn nhìn và sử dụng cái phôn, máy tính nhiều hơn.

Ước gì một ngày Việt Nam được thoát ách cộng sản, được tự do dân chủ thật sự, để mình được về sống hoặc ít nhất về thăm, ngắm hàng dừa hàng cau, hát bài đồng dao để nhớ về kỷ niệm của gia đình, quê hương, sống một đời bình an không phải lưu vong xứ người nữa. Cây dừa ở khu du dịch khác với cây dừa ở quê nhà, thức ăn Á Đông ở hải ngoại khác hẳn các món ăn thuần túy quê hương, bạn đồng ý không?

Nguyễn Ngọc Duy Hân


2 comments :

  1. phạm huỳnh ngânAugust 17, 2022 at 8:26 AM

    Bài viết thật là công phu.Tác giả đã chứng tỏ rõ ràng mình là người có hiểu biết cặn kẽ về cây dừa.
    Không chỉ riêng bài này mà cả những bài khác nữa.
    Xin cám ơn và chúc an lành.

    ReplyDelete
  2. Tác giả đả quên nói về cây dừa nước mọ theo ven rạch
    Dân miền Nam vô danh

    ReplyDelete

Powered by Blogger.