Header Ads

Vui Xuân, Vua Đem Sân Khấu Và Sòng Bài Vào Cung Điện


Bùi Quý Chiến

Triều đại Trần có lệ vua ở ngôi được ít lâu thì nhường ngôi cho con hoặc em, cháu để lên làm Thái Thượng Hoàng.

Nếu vua nối ngôi còn nhỏ tuổi, Thượng hoàng vẫn nắm triều chính cho tới khi vua khôn lớn.

Thể lệ này tránh được nạn hoàng tộc tranh nhau nối ngôi sau khi vua chết. Mặt khác, Thượng hoàng dùng thời kỳ còn nắm quyền để giáo huấn và giám sát vua nối ngôi.

Năm 1329 vua Trần Minh Tông nhường ngôi cho con là Vượng mới 10 tuổi để lên làm Thái Thượng Hoàng. Vua xưng đế hiệu là Hiến Tông, nhưng việc triều chính vẫn trong tay Thượng hoàng.

Hiến Tông thật sự cầm quyền không được bao lâu thì bị bệnh chết, thọ 23 tuổi.

Thượng hoàng cho người con khác là Hạo mới 6 tuổi lên nối ngôi, đế hiệu là Dụ Tông.

Năm 1358 Thượng hoàng mất, các đại thần giúp Thượng hoàng việc triều chính như Trương Hán Siêu và Nguyễn Trung Ngạn cũng mất.

Từ đó triều đình bị bọn gian thần thao túng. Nhà Trần bắt đầu suy.

Bấy giờ Chu Văn An dâng sớ xin chém 7 quyền thần khuynh loát triều đình nhưng không được Dụ Tông nghe theo. Chu Văn An bèn từ quan về Chí Linh mở trường dạy học.

Thời kỳ Dụ Tông chấp chính, thiên tai liên tiếp xảy ra: bão lụt, hạn hán, côn trùng phá hại mùa màng... khiến dân đói khổ, giặc nổi lên cướp phá khắp nơi. Trong khi ấy vua tôi chỉ lo mua quan bán tước và tranh giành danh lợi. Các vương, hầu và công chúa mỗi người một phủ chỉ lo cho quyền lợi của riêng mình (vương và công chúa là tước phong cho người thuộc hoàng tộc, hầu là tước phong cho các quan trong triều).

Năm 1362 nhân dịp đầu xuân, Dụ Tông truyền cho các vương, hầu và công chúa đem ban hát tuồng (hát bộ) của phủ vào cung diễn cho vua xem, vua sẽ chấm điểm và ban thưởng.

Nguyên thời kỳ kháng chiến chống Mông Cổ, quân ta bắt được một tù binh tên là Lý Nguyên Cát vốn là kép hát. Cát xin được ở lại nước ta.

Cát truyền bá cách hát tuồng theo các tích của Tàu. Nghệ thuật sân khấu này mới lạ và hấp dẫn. Khán giả bị lôi cuốn bởi cách trang điểm, y phục, nhất là kèn trống ăn nhịp với điệu bộ của các diễn viên biểu lộ khi vui, khi buồn, khi giận...

Trước đó, nghệ thuật sân khấu của nước ta chỉ có hát chèo, chú trọng về giọng ca hơn là điệu bộ.

Hát Chèo

Hát Bộ

Giai cấp vương giả cho nô tỳ học cách hát tuồng để lập ban hát trình diễn riêng cho vương phủ.

Đem ban hát của các vương phủ vào cung, vua Dụ Tông đã biến nơi triều chính trang nghiêm thành sân khấu náo nhiệt.

Dụ Tông còn có máu mê cờ bạc. Vua thường cho gọi các phú hộ ngoài kinh thành vào cung đánh bạc với vua, mỗi canh bạc ăn thua tới 300 quan tiền (1). Vua không chỉ biến cung đình thành nơi sát phạt đỏ đen mà còn tự hạ mình ngang hàng với các con bạc ngoài kinh thành.

Dụ Tông nghiện rượu, thích rủ các quan cùng uống thi. Ai uống thắng được ông thăng chức. Chính chưởng phụng ngự cung Vĩnh An là Bùi Khoan dùng mẹo uống dối được trăm thăng (2), Dụ Tông tin là thật, thưởng tước hai tư để dự thăng trật. Lấy say làm vui, vua tôi sao tránh khỏi ngôn ngữ và cử chỉ thất lễ?

Hậu quả của cuộc sống trác táng là Dụ Tông bị bệnh ngày càng nguy kịch.

Các sự kiện tiếp theo khiến cơ nghiệp nhà Trần suýt về tay người khác (3).

Thượng hoàng Minh Tông có 7 con trai. Khi còn sinh tiền ngài đã cho 2 con nối tiếp làm vua là Hiến Tông và Dụ Tông. Người con trưởng là Cung Túc Vương không được Thượng hoàng cho nối ngôi vì ham ăn chơi.

Cung Túc Vương ưa coi hát tuồng. Trong vở tuồng "Tây Vương Mẫu dâng đào tiên", Cung Túc Vương thấy nữ diễn viên thủ vai Tây Vương Mẫu đẹp quá liền cưới làm vợ. Nàng đã có chồng là kép hát Dương Khương. Khi về làm vợ Cung Túc Vương nàng đã có thai 2 tháng.
 
Mãn nguyệt khai hoa, nàng sinh con trai đặt tên là Dương Nhật Lễ (họ của chồng cũ). Cung Túc vương nhận làm con nuôi.

Năm 1357 Thượng hoàng mất, ít lâu sau Cung Túc Vương cũng mất.

Vì Dụ Tông không có con nên khi chết để lại di chiếu cho con nuôi của Cung Túc Vương là Nhật Lễ nối ngôi.

Đình thần không muốn cơ nghiệp nhà Trần về tay người khác. Trong số 4 người con còn lại của Thượng hoàng chỉ có Cung Định Vương tên là Phủ là người hiền. Đình thần bàn nhau đưa Cung Định Vương lên nối ngôi. Nhưng khi được đình thần thăm dò ý kiến, Cung Định Vương từ chối.
 
Mặt khác, Từ Huệ thái hậu (vợ của Thượng hoàng) bênh vực di chiếu của Dụ Tông, viện lẽ Cung Túc Vương là con trưởng của nguyên phi nên Nhật Lễ dù là con nuôi cũng được coi như đích tôn của Thượng hoàng.
 
Phục tùng thái hậu, đình thần đưa Nhật Lễ lên làm vua.

Lên ngôi vua nhưng chưa xưng đế hiệu, Nhật Lễ ngày ngày rượu chè, cờ bạc, dâm dật. Các vương, hầu và công chúa thất vọng. Thái hậu Từ Huệ cũng hối hận đã hậu thuẫn cho Nhật Lễ.
 
Trong gần 2 năm nắm quyền chính, Nhật Lễ tuy chơi bời suồng sã với bọn xu nịnh nhưng vẫn cảnh giác, ngầm giết Thái Hậu và Cung Tĩnh Vương là 2 người ra mặt tỏ thái độ chống đối. Các trung thần của nhà Trần cũng bị loại, Nhật Lễ chỉ tin dùng Thiếu Úy Trần Ngô Lang. Nhưng Nhật Lễ đã lầm, Ngô Lang ngoài mặt là cận thần tin cậy của Nhật Lễ nhưng trong thâm tâm vẫn trung thành với nhà Trần.

Cung Định Vương tuy đã từ chối nối ngôi Dụ Tông nhưng vẫn bị Nhật Lễ ngờ vực mặc dù Nhật Lễ là con rể của Cung Định Vương.

Quan Chi Hậu Nội Nhân là Nguyễn Nhiên biết Nhật Lễ muốn giết Cung Định Vương nên khuyên vương đi trốn. Vương phân vân hỏi ý kiến Trần Ngô Lang. Xác nhận tin tức của Nguyễn Nhiên là đúng, Ngô Lang cũng khuyên vương mau trốn khỏi kinh thành để được an toàn.
 
Vương vẫn lưỡng lự. Để thúc đẩy vương lên đường dựng lại cơ nghiệp nhà Trần, em gái vương là công chúa Ngọc Tha khẩn khoản: "Thiên hạ này là của ông cha chúng ta, lẽ nào vứt bỏ cho người khác? Anh cứ đi đi, em sẽ đem gia nô dẹp bọn nó."

Cung Định Vương chạy lên động Mán ở Đà Giang, Nhật Lễ cho người săn tin nơi ẩn náu của vương để sai người tới giết. Mỗi lần Nhật Lễ được tin và sai người đi giết thì Trần Ngô Lang cho người mật báo vương để vương đổi nơi trú ẩn.

Từ Đà Giang vương hẹn các vương tên Cảnh và Đán cùng công chúa Ngọc Tha đem quân lên gặp nhau ở Đại Lại Giang để khởi binh. Các tôn thất khác và các trung thần của nhà Trần cùng hưởng ứng đem bộ hạ về phò tá.

Khi vương đem quân về tới phủ Kiến hưng, dân chúng xa gần kéo tới xin vương lên ngôi và diệt trừ phản loạn Dương Nhật Lễ.
 
Dù không muốn nhưng tình thế không thể khước từ, vương lên ngôi xưng là Nghệ Tông.

Lo sợ thanh thế của vua Nghệ Tông, Nhật Lễ vấn kế Ngô Lang. Nghe lời khuyên của Ngô Lang, Nhật Lễ viết thư gửi tới Nghệ Tông đang đóng quân ở Đông Bộ Đầu xin từ ngôi và xin được tha tội.

Khi Nghệ Tông về tới kinh thành, Nhật Lễ ra ngoài hoàng thành phục đầu xuống đất tạ tội. Cung Tuyên Vương tên Cảnh tuốt kiếm ra toan chém Nhật Lễ nhưng Nghệ Tông can ngăn. Nể lời anh, vương Cảnh truyền lệnh tống giam Nhật Lễ vào ngục.
 
Từ trong ngục, Nhật Lễ suy ngẫm ra sự thật là mình bị Ngô Lang nội phản. Nhằm trả thù, Nhật Lễ lập kế gọi Ngô Lang vào ngục bàn việc riêng. Ngô Lang không ngờ vào ngục bị Nhật Lễ bóp cổ chết. Vua Nghệ Tông nổi giận truyền lệnh đánh chết Nhật Lễ và con là Liễn.

Tuy Nghệ Tông khôi phục được cơ nghiệp nhà Trần nhưng vì tin dùng Hồ Quý Ly nên 30 năm sau ngôi vua họ Trần về tay họ Hồ.

Bùi Quý Chiến



Tham khảo:
- Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên .
- Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục của Quốc Sử Quán triều Nguyễn .

Phụ chú của ĐSLV:

(1) Đơn vị tiền tệ thời phong kiến (trước năm 1945) đã đi vào văn chương và ca dao (1 quan = 10 tiền, 1 tiền = 60 đồng).

Một quan là sáu trăm đồng
Chắt chiu tháng tháng cho chồng đi thi.
(Thời Trước - thơ Nguyễn Bính)

Một quan tiền tốt mang đi,
Nàng mua những gì, mà tính chẳng ra?
Thoạt tiên mua ba tiền gà,
Tiền rưỡi gạo nếp với ba đồng trầu.
Trở lại mua sáu đồng cau,
Tiền rưỡi miếng thịt, giá rau mười đồng.
Có gì mà tính chẳng thông?
Tiền rưỡi gạo tẻ, sáu đồng chè tươi.
Ba mươi đồng rượu, chàng ơi,
Ba mươi đồng mật, hai mươi đồng vàng
Hai chén nước mắm rõ ràng,
Hai bảy mười bốn, kẻo chàng hồ nghi.
Hai mươi mốt đồng nấu chè,
Mười đồng nải chuối, chẵn thì một trăm.
(Quốc văn giáo khoa thư lớp Sơ đẳng, Nha Học chánh Đông Pháp xuất bản, 1935)

(2) Một thăng (thưng) tương đương với một lít. Như thế 100 thăng rượu là 100 lít rượu. Không hiểu ông quan Bùi Khoan dùng thủ thuật uống rượu như thế nào khiến Dụ Tông tin là thực?

Trong truyện kiếm hiệp "Thiên Long Bát Bộ" của Kim Dung thì Kiều Phong (sau đổi lại là Tiêu Phong) có tài uống rượu không ai sánh bằng (tửu lượng vô song), thế nhưng khi "đối tửu" với Đoàn Dự cũng chỉ gọi 30 cân rượu (khoảng 19 lít). Đoàn Dự tửu lượng thấp nhưng nhờ biết Lục Mạch Thần Kiếm nên đã để tay ra ngoài cửa sổ (không nhớ là vô tình hay cố ý) và rượu theo ngón út mà chảy ra ngoài, nên uống mãi không say. Không hiểu ông quan Bùi Khoan có biết môn võ công này không mà có thể uống cả trăm lít rượu?

Cách tính:

1 lít (nước) nặng 780g
1 cân = 500g
như thế: 30 cân = 15,000g 
suy ra: 15,000/780 = 19.23 lít

(3) Trong sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, sử gia Ngô Sĩ Liên bàn về Trần Dụ Tông như sau:

“Vua tính rất thông tuệ, học vấn cao minh, chăm lo việc võ, sửa sang việc văn, các di thần đều phục. Đời Thiệu Phong, chính sự tốt đẹp; từ năm Đại Trị về sau, chơi bời quá độ, cơ nghiệp nhà Trần suy yếu từ đó."

Đây là bài học cho hậu thế, đam mê rượu chè, cờ bạc, sắc dục, ma tuý là hiểm hoạ cho cá nhân, gia đình, xã hội, quốc gia, dân tộc. Người Tàu có câu "Tửu sắc tài khí tứ đổ tường", trong đó:

Tửu = rượu (nghiện rượu)
Sắc = tình dục (say mê sắc dục)
Tài = tiền tài (tham tiền, mê cờ bạc)
Khí = ma tuý (nghiện ngập ma tuý)

Say mê bốn thứ này thì như là bị giam giữ (vây kín) trong bốn bức tường, không lối thoát.

"Tứ Đổ Tường" là câu nói vắn tắt của "Tửu sắc tài khí tứ đổ tường". Nguồn gốc câu này bắt nguồn từ một giai thoại văn chương giữa Tô Đông Pha, đại văn hào đời Tống, và thiền sư Phật Ấn, trụ trì chùa Đại Tướng Quốc.

Một hôm Tô Đông Pha đến thăm thiền sư Phật Ấn, ông thấy trên tường có bài thơ:

酒色財氣四堵牆,
人人都在裏面藏.
誰能跳出圈外頭,
不活百歲壽也長.

Tửu sắc tài khí tứ đổ tường,
Nhân nhân đô tại lý diện tàng.
Thùy năng khiêu xuất khuyên ngoại đầu,
Bất hoạt bách tuế thọ dã trường.

Dịch nghĩa:

Rượu, sắc dục, bài bạc, nghiện ngập (là) bốn bức tường vây kín
Người người (đều) bị giam giữ ở bên trong
Ai (là) người thoát ra khỏi cái vòng đó
(Dẫu) không sống trăm tuổi thì cũng đã là sống lâu (trường thọ) rồi.

Bùi Phạm Thành - dịch thơ:

Rượu Tình Bài Nghiện bốn bức tường
Người người bị giữ ở trung ương
Ai mà thoát khỏi vòng giam đó
Chẳng sống trăm năm cũng thọ trường.

Tô Đông Pha xem xong viết một bài thơ bên cạnh rằng:

飲酒不醉是英豪, 
戀色不迷最為高. 
不義之財不可取, 
有氣不生氣自消.

Ẩm tửu bất túy thị anh hào,
Luyến sắc bất mê tối vi cao;
Bất nghĩa chi tài bất khả thủ,
Hữu khí bất sinh khí tự tiêu.

Dịch nghĩa:

Uống rượu không say mới là người anh hào
Thấy sắc đẹp (mà) không mê thì mới là tay cao
(Thấy) tiền tài bất nghĩa (thì) không lấy (không nhận)
Có sẵn tính nghiện ngập nhưng không vướng vào (thì nó) tự mất đi.

Bùi Phạm Thành - dịch thơ:

Rượu uống không say mới anh hào
Sắc dục không mê ấy mới cao
Tiền tài bất nghĩa không thèm nhận
Nghiện ngập không vương ắt tự tiêu.



No comments

Powered by Blogger.