Header Ads

Jack London - Nhà Văn Hoa Kỳ (1876-1916) và Tác Phẩm "Tiếng Gọi Hoang Vu"


Phạm Văn Tuấn

1/ Tác phẩm "Tiếng Gọi Hoang Vu".

Buck là một con chó bốn tuổi, lai giống chó Saint Bernard và giống chó chăn cừu Ái Nhĩ Lan, hiện đang sống một cuộc đời dễ chịu tại thung lũng Santa Clara thuộc tiểu bang California trong căn nhà của ông tòa Miller. Trong số các con thú vật, ông Miller yêu quý con chó Buck này nhất. Vào khoảng thời gian này, vàng được tìm thấy trong lòng đất miền Klondike phía bắc, thuộc xứ Canada, nên các con chó to lớn, mạnh khỏe trở nên có giá cao vì chúng được dùng để kéo xe trượt tuyết trên những cánh đồng ngập tuyết trắng.

Trong khi cuộc sống thoải mái đang diễn ra, con chó Buck đã gặp một thảm cảnh. Một trong các người làm công của ông tòa Miller tên là Manuel, một tên đánh bài và nghiện hút, đã ăn trộm con chó Buck này và bán cho một băng đảng tìm mua chó kéo xe trượt tuyết. Từ nay, Buck bị đánh đập bởi ông chủ mới tàn nhẫn, bị xiềng xích… và tinh thần của Buck chưa thích nghi, giống như các con chó dễ bảo khác. Tuy nhiên, sau các lần tìm cách vượt trốn thất bại, Buck đã tìm ra một quy luật, đó là một con người với một cây roi lớn trở thành ông chủ, bắt buộc các con vật khác phải vâng lời.

Sau nhiều ngày di chuyển trên xe lửa và trên thuyền, Buck thấy mình bị đưa tới miền đất hoang vu phía bắc và nó phải học tập lối sống sơ khai, gặp phải các vấn đề khó khăn mới, chẳng hạn như phải cùng các con chó khác kéo xe nặng nề, phải đào một lỗ trong tuyết để ngủ, phải chịu đói khát triền miên và phải dùng tới trí thông minh bẩm sinh cùng các thú tính căn bản. Các thú tính này trở về với Buck rất nhanh và nó đã tìm thấy quy luật để thích nghi với cuộc sống mới, đó là khi bị tấn công, nó phải phản công dữ dội ngay lập tức để có thể sống còn. 

Ngoài ra, nó phải luôn luôn chịu đựng nỗi đau đớn, sự thiếu tiện nghị, phải cảnh giác liên tục… và nó có một ưu điểm, đó là vóc dáng to lớn của nó đã khiến cho các con chó khác phải e dè. Một khuyết điểm mà Buck phải dấu kín cùng chịu đựng, là tuyết lạnh và đá cứng của miền Bắc Mỹ đã làm móng vuốt của nó bị trầy sước và sưng phồng, đau đớn.

Do bị đói thường xuyên trong nhiều ngày, Buck phải giết các con vật khác, phải ăn thịt sống và uống máu tươi, phải cạnh tranh với con chó đầu đàn Spitz và sau lần cắn lộn dữ dội nhất, Buck đã thắng, đã được các con chó khác trong đàn trọng nể và được các ông chủ quý mến.

Cuộc đời chó má này vẫn trôi đi với nhiều thảm cảnh, với ông chủ mới người Tô Cách Lan và các nghịch cảnh ngoài sức chịu đựng khiến cho nhiều con chó khác không sống nổi, gục chết trên miền đất hoang vu. Sau khi bị mất cân, mất sức, Buck bị bán cho ba nhà thám hiểm tài tử tên là Charles, Hal và Mercedes. Những người này không biết cách điều khiển chó, không biết làm sao đưa được chiếc xe qua miền tuyết trắng. Sự thiếu khả năng, kém tiên liệu của nhóm người tài tử này đã khiến cho phần đồ ăn của chó bị cạn hết khi hành trình mới tới nửa đường. 

Do hiểu rõ không thể tiếp tục ra đi, Buck đã từ chối dù cho bị đánh dập tàn nhẫn. Rồi một người tên là John Thornton đã can thiệp, không cho ba người kia hành hạ Buck nữa. Sau đó, linh tính của Buck đã cho thấy sự thực: đoàn người và chó tiếp tục ra đi và tất cả đã bị chết đuối trên dòng sông tan đá. Trong khi đó, ông John Thornton chăm sóc cho Buck phục hồi được sức khỏe và Buck cảm thấy biết ơn và trung thành với ông chủ này. Tuy sống trong cách đối xử tử tế của ông John, Buck đã có lần nằm trong rừng sâu với ông chủ, nghe được "Tiếng Gọi Hoang Vu", một thứ nhắc nhở, đánh thức các bản năng tiềm ẩn bấy lâu.

Vào một dịp khác, ông chủ Thornton đã khoác lác nói rằng con chó của ông ta có thể kéo được chiếc xe chở nặng một ngàn cân Anh. Vì thương mến ông chủ, Buck đã cố gắng kéo được khối nặng đi được 100 yards. Từ lần thắng cuộc ăn tiền 600 đô la này, ông Thornton đã đi sâu vào nơi tìm vàng hoang vắng. Đây cũng là cơ hội để Buck săn đuổi các con thú khác, tìm bắt cá hồi trên dòng suối… và đã có lần, Buck đuổi theo một con hươu lớn trong 4 ngày liền.

Khi trở về xóm chòi tuyết, Buck thấy rằng ông chủ Thornton và các bạn đi tìm vàng đã bị bọn mọi da đỏ Yeehat giết chết hết. Không hề sợ hãi, Buck đã xông tới, tấn công bọn da đỏ, giết chết nhiều tên và đã khiến cho bọn chúng phải bỏ chạy. Sau cuộc báo thù, bọn da đỏ đã tin tưởng rằng nơi chốn này có ma quỷ.

Từ khi không còn ông chủ Thornton, Buck hết bị giàng buộc vào cảnh sống văn minh, nó tham gia vào đám chó sói hoang dã và theo truyện kể lại, nó là cha của một bầy chó hoang hiện đang sống lưu lạc trên miền Bắc Cực băng giá.

2/ Ý nghĩa của tác phẩm.

Khi viết ra tác phẩm "Tiếng Gọi Hoang Vu" (the Call of the Wild), Jack London bị ảnh hưởng của nền triết học văn chương có tên là "chủ nghĩa tự nhiên" (Naturalism), theo đó trong mỗi con người chúng ta có một thứ "con thú sơ khởi", vì vậy vào những lúc bị căng thẳng cao độ, thú tính của con người đã bộc lộ ra. 

Jack London đã cho con chó Buck rất to lớn, hùng mạnh, các đặc tính giống như của con người, chẳng hạn như tính trung thành, tình yêu, tham vọng, biết báo thù cùng các đặc tính khác, tất cả đã diễn ra dần dần theo cuốn truyện.

Vào thời gian Jack London đang phác thảo cuốn truyện kể trên, học thuyết của Darwin đang được tranh luận. Con người có phải là một chủng loại tiến hóa từ loài vượn qua nhiều thế kỷ không? Nhà văn Jack London đã dùng tới lý thuyết "kẻ sống còn là kẻ biết thích nghi nhất". Trong các điều kiện sống khắc nghiệt nhất, con chó Buck phải đối đầu với các hoàn cảnh mới và Jack London đề cập tới luật đào thải tự nhiên (natural selection) theo đó chỉ có chủng loại nào thích nghi nhất với môi trường sống mới có thể sống còn và bản năng sống còn là thứ mạnh mẽ nhất trong con người và con vật.

Buck là một con chó được sinh ra trong xã hội văn minh, có luật pháp, có truyền thống, trong gia đình của ông tòa Miller với đồ ăn đầy đủ, được cung cấp tới tận miệng. Thế nhưng, vóc dáng to lớn và thể lực vượt trội của nó đã khiến cho nó gặp nạn. Buck bị bắt cóc, bị các người lạ buộc dây vào cổ, bị đánh đập tàn nhẫn, bị nhốt vô chuồng và trong hai ngày, nó không ăn, không uống, mắt đỏ ngầu rồi được chở tới thành phố Seattle. Sau đó, Buck bị một tên mặc áo đỏ cầm cây gậy lớn, dạy cho "bài học của cây gậy", một thứ luật của xã hội bán khai, đó là phải vâng lời theo sức mạnh của kẻ áp chế và màu áo đỏ của tên vũ phu là biểu tượng của sự man rợ.

Sau khi bị bán với giá $300, cùng với một con chó khác cho ông chủ mới Perrault, người Pháp, Buck nhận ra rằng ông Perrault và ông bạn Francois là những người công bằng, trầm tĩnh và biết lẽ phải, và nó không bao giờ căm phẫn nếu không bị đối xử một cách bất công. 

Sau "luật của cây gậy" là "luật của răng nanh" (law of the fang): Buck luôn luôn phải đề cao cảnh giác bởi vì các con chó khác đều hoang dại và trong thứ xã hội sơ khai này, chỉ có kẻ mạnh nhất có thể sống còn. Thí dụ về sự việc này là con chó Curly tốt lành, đã bị đàn chó khác cắn chết. 

Một bài học khác là phải biết ăn cắp thực phẩm một cách kín đáo và khéo léo bởi vì trong hoàn cảnh sống hoang dã, tính đạo đức làm cản trở sự sống còn. Như vậy trái mới miền Nam ấm áp, nơi có các luật của "tình yêu" và "tình bạn", tại miền Bắc băng tuyết, sinh vật sống theo luật của "cây gậy" và luật của "răng nanh", đồng thời các giác quan của Buck cũng trở nên nhạy bén hơn: mắt tinh hơn, tai thính hơn, biết cảm nhận luồng gió, biết đoán trước thời tiết về ban đêm và nhờ kinh nghiệm, các bản năng đã từng mai một nay trở lại.

Trong nhiều lần tranh giành quyền lực với Spitz là con chó đầu đàn, dẫn đầu đoàn chó kéo xe, Buck là một con chó đã từng sống tại một nơi văn minh, nên biết dùng tới trí tưởng tượng và trí hiểu biết để đánh thắng kẻ thù, giết chết con Spitz. Từ nay Buck trở nên con chó chỉ huy, hơn hẳn các con chó đầu đàn trước kia. Đoàn chó kéo xe dần dần bị xử dụng quá sức chịu đựng, từng con chó bị chết dần, do những người chủ ngu dốt và tham lam. Tới khi sống với ông chủ John Thornton, là người đã kiên nhẫn nuôi dưỡng Buck thoát chết và phục hồi sức khỏe. Buck kính trọng, yêu quý ông chủ mới và không muốn rời xa ông chủ này.

Tại nơi đời sống của con người bị chi phối bởi các áp lực của môi trường, của di truyền và các bản năng sinh lý thì vào một lúc nào đó, con người cũng thể hiện loại bản năng thú vật, loại hành xử sơ khai. 
Trong một đêm tối, Buck đã nghe thấy tiếng hú dài từ trong rừng sâu lạnh giá, nó đã cảm nhận được "Tiếng Gọi Hoang Vu", một thứ gợi lên các cảm giác xa lạ, chưa được biết tới mà không thể kiềm chế nổi. Nó đã chạy đến một hang động và thấy một đàn chó sói đang hú lên trời cao. Buck đã đi theo đàn chó sói, đi theo "tiếng gọi", một thứ gì xa xôi trong tâm trí nhớ mờ nhạt. Buck đã thay đổi từ một cuộc sống văn minh, về với cuộc sống hoang dã, và tác giả Jack London kết thúc cuốn truyện bằng cách kể lại truyền thuyết bí ẩn của thung lũng Ma Quỷ.

Qua cuốn truyện "Tiếng Gọi Hoang Vu", con chó Buck từ lúc đầu được hình thành trong môi trường văn minh, nhưng đã thay đổi để sinh tồn trong một môi trường mới, khác lạ. Jack London đã mô tả các cảnh vật của miền Cực Bắc với tất cả các thách đố trong cuộc sống. Tại nơi này, đời sống của con người bị chi phối bởi các áp lực của môi trường, của di truyền và các bản năng sinh lý vì vậy vào một lúc nào đó, con người cũng thể hiện loại bản năng thú vật, loại hành xử sơ khai. 

Bằng tác phẩm "Tiếng Gọi Hoang Vu", Jack London muốn gợi lên trong lòng người đọc tấm lòng ước mong, tâm hồn lãng mạn, muốn thoát ra khỏi nền văn minh để trở về với Thiên Nhiên.

3/ Tác Giả Jack London.

Jack London chào đời vào ngày 12 tháng 1 năm 1876 trong khu vực nghèo nàn của miền Oakland, thuộc tiểu bang California. Cha của Jack là ông William Henry Chaney đã bỏ bà mẹ Flora Wellman trước khi Jack ra đời. Bà Flora kết hôn với ông John London nên Jack mang họ của người cha nuôi này.
Tới tuổi lên 10, Jack London theo học trường Garfield rồi khám phá ra một thế giới phong phú hơn lớp học, chứa đựng nhiều sự thực hơn, nhiều kiến thức hơn, đó là thư viện công cộng Oakland. Nhờ đắm mình trong các trang sách, Jack London đã vượt ra khỏi thế giới nghèo khó và cậu bé rất ưa thích các truyện kể về biển cả, chẳng hạn như hai cuốn truyện "Typee" và "White Jacket" của Herman Melville.

Khi tới tuổi 14, Jack London không đủ tiền theo bậc trung học, phải làm việc trong một xưởng đóng đồ hộp. Đây là thứ lao động cực khổ đầu tiên mà Jack không bao giờ quên nổi. Tại nơi này, các công nhân gắng sức từ 7 giờ sáng tới 6 giờ chiều với tiền công là 10 xu một giờ, nhiều thiếu niên cũng phải lao động từ 15 tới 18 giờ một ngày và đã có lần Jack làm việc liên tục trong 36 tiếng đồng hồ. Sau vài năm vất vả như vậy, Jack London nhận ra rằng người công nhân đã trở nên một loại thú vật chỉ biết làm việc, không có hy vọng, không có tham vọng, không có tương lai.

Do sinh sống trong vùng Vịnh San Francisco, Jack London được nghe chuyện kể từ các kẻ ăn trộm sò (oyster pirates) nên đã mượn $300 của bà vú nuôi để mua một con thuyền nhỏ, tập tành cách làm giàu nhanh chóng nhưng bất lương. Đây là cơ hội để Jack nếm thử các cảm giác mạo hiểm, lãng mạn và bất khuất. Muốn thành công trong nghề ăn trộm này, cần tới  hai đặc tính  là nhanh nhẹn và can đảm và chàng Jack đã có đủ hai thứ này. 

Nhờ nghề ăn trộm sò, một đêm Jack London có thể kiếm được $25, số tiền công của ba tuần lễ lao động trong xưởng đóng đồ hộp. Thế nhưng Jack đã bỏ nghề ăn trộm vì lo sợ bị bắt giam, e ngại bị lôi cuốn vào thói quen say sưa trong các quán rượu. Jack London đã tiểu thuyết hóa thời kỳ này qua hai cuốn tiểu thuyết "Con Tầu cận duyên Dazzler" (The Cruise of the Dazzler, 1902) và "John Barleycorn" (1913).

Một hôm, Jack London gặp một thủy thủ tên là Pete Holt, được nghe kể lại các câu chuyện săn hải cẩu tại vùng Bắc Cực băng giá. Không suy nghĩ kỹ, Jack ghi tên, xin làm công trên con tầu biển Sophia Sutherland có ba cột buồm rồi sau ngày sinh thứ 17, đã theo con tầu này dương buồm đi Nhật Bản. 

Trong ba tháng trường, con tầu Sutherland men theo các hòn đảo phía bắc của Nhật Bản, dừng lại nơi bờ biển có nhiều hải cẩu và công việc của các thủy thủ là dùng gậy lớn, đập đầu các con hải cẩu, lột da ướp muối, còn thịt thì quẳng xuống biển cho cá mập. Sàn tầu vì vậy nhơ nhớp toàn máu và mỡ hải cẩu, cùng với mùi hôi thối, tanh tưởi. Cách giết thú vật tàn nhẫn và hoàn cảnh sinh sống trên tầu đã không hấp dẫn Jack London nên sau 7 tháng trường khi con tầu trở về bến, Jack từ chối chuyến đi kế tiếp.

Vào mùa thu năm 1893 tại Hoa Kỳ, đồng Mỹ Kim bị mất giá, nhiều ngân hàng và cơ xưởng đóng cửa, năng suất nông nghiệp giảm, trình trạng suy thoái kinh tế đã làm hàng ngàn công nhân bị thất nghiệp. Jack London phải nhận việc trong một nhà máy sản xuất dây thừng với tiền công 10 xu một giờ, ngày làm việc 10 giờ. Do hiểu rõ cuộc sống của giới lao động, vì am tường hoàn cảnh của những người nghèo khó, Jack London tham gia vào nhóm các công nhân phản kháng đang tìm cách tiến về Thủ Đô Washington. 

Trên đường đi xa, Jack London đã bỏ cuộc, sống lang thang tại thị xã Hannibal, tiểu bang Missouri, rồi tại vùng Thác Nước Niagara. Sau khi bị bắt nhốt vào nhà giam của hạt Erie trong một tháng vì tội vô gia cư, Jack London trở về Oakland, tham gia đảng Lao Động Xã Hội (the Socialist Labor Party) vào tháng 4 năm 1896. 

Các tác phẩm mang tính xã hội được Jack London viết ra sau này gồm các cuốn truyện "Lớp Người của Đáy Vực" (the People of the Abyss, 1903), "Chiến Tranh của các Giai Cấp" (the War of the Classes, 1905), "Gót Sắt" (The Iron Heel, 1908) và "Cách Mạng và các bài Bình Luận" (Revolution and Other Essays, 1910). Jack London đã nói rằng ông ưa thích nhất tác phẩm "Lớp Người của Đáy Vực". Đây là một khảo sát xã hội tại vùng nghèo khó nhất thuộc phía đông của thành phố London, được viết ra căn cứ vào các kinh nghiệm của tác giả khi sinh sống tại nơi này.

Cũng vào năm 1896, Jack London ghi danh học tại Đại Học Berkeley với ý định tìm hiểu thêm về các học thuyết của Darwin, Nietzsche, Karl Marx và Friedrich Engels. Vào thời kỳ này, ngoài việc học Toán và Sinh Lý Học, Jack London đam mê đọc các cuốn truyện của Herman Melville, Nathaniel Hawthorne, Richard Henry Dana và Washington Irving và cũng gửi bài viết tới tờ tạp chí của trường học. Các bài được nhận đăng đã chứng tỏ Jack London có tài viết văn.

Vào các năm cuối của thế kỷ 19, tại San Francisco người dân xôn xao vì tin đã tìm thấy vàng trong lòng đất của miền Klondike, thuộc lãnh địa Yukon của nước Canada. Hàng ngàn người đã từ bỏ cuộc sống đô thành, đổ xô đi tìm vàng. 

Một trong những con tàu chở người đi tìm vàng

Ngày 25-7-1897, Jack London cùng với người bạn Shepard xuống con tầu SS. Umatilla với 500 người ham làm giàu nhanh chóng. Những người này sớm gặp nhiều trở ngại. Tại nhiều địa điểm đào vàng, số dân năm ngàn người đã làm cho thực phẩm khan hiếm, bầu trời thường xuyên tối đen vào mùa đông, mặt nước cứng lạnh đã giữ chặt bên trong lòng đất các mẩu vàng trong nhiều tháng. Trở ngại lớn nhất của các người đào vàng là sự lạnh giá, mọi người phải đi kiếm củi đốt và độ ấm là thứ cần thiết nhất tại Yukon vì không đủ ấm, đời sống ngừng lại.

Tại vùng Yukon băng giá, Jack London đã trải qua nhiều buổi tối ngồi thu mình trong góc chòi, nghe các kẻ tha phương kể lại những câu chuyện về đói ăn, mất của, về bão tuyết và về các con chó trung thành. Tất cả những mẩu chuyện này đã ám ảnh Jack London và nhiều năm về sau, nhà văn này đã viết thành các truyện ngắn, các tác phẩm danh tiếng như "Đứa con của Chó Sói" (The Son of the Wolf, 1900), "Tiếng Gọi Hoang Vu" (The Call of the Wild, 1903), "Răng Nanh Trắng" (White Fang, 1906) và "Ánh Sáng Ban Ngày Cháy Đỏ" (Burning Daylight, 1910).

Sau khi biết mình lâm bệnh và khi được tin người cha nuôi chết, Jack London quyết định trở về San Francisco vào tháng 6-1898. Vấn đề tìm ra việc làm vào thời gian này không phải là dễ dàng trong khi cần phải nuôi dưỡng bà mẹ và bản thân, Jack London đành cầm bút, viết ra các truyện ngắn và gửi tới vài tờ báo địa phương. Truyện "Gửi Người trên Đường Mòn" (To the Man on Trail) được Nguyệt San Overland đăng tải. Đây là một trong các tạp chí văn học uy tín nhất của miền Tây Hoa Kỳ. Ngày nay, truyện ngắn này được coi là một trong các sáng tác thành công nhất của Jack London do cách nhìn sắc bén về chi tiết.

Vào thời kỳ này, Jack London thường ra thư viện công lập, dành nhiều thời giờ nghiền ngẫm các tạp chí văn học, tìm hiểu triết học của Spencer, lý thuyết sinh học của Darwin, đọc các tập thơ của Dante và Walt Whitman, học lịch sử của Đế Quốc La Mã… 

Vào ngày 7-4-1900, Jack London kết hôn với cô Bessie Maddern nhưng cô này không hòa hợp được với bà mẹ Flora. Cũng kể từ thời điểm này, Jack London trở nên một nhà văn chuyên nghiệp với tác phẩm "Người Con của Chó Sói" (the Son of the Wolf, 1900), nổi tiếng vì thể văn hiện thực (realistic style), khác lạ với các tiểu thuyết lãng mạn của Louisa May Alcott và F. Marion Crawford. Jack London được gọi là "Nhà Văn Kipling mới của Miền Bắc" (the new Kipling of the North) và các bài viết của ông xuất hiện đều đặn trên các tạp chí uy tín như McClure và Cosmopolitan.

Năm 1902, Jack London cho xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tiên tên là "Người Con Gái của Tuyết" (A Daughter of the Snows) cùng với tập truyện kể về người da đỏ "Các Người Con của Băng Giá" (Children of the Frost), cuốn truyện về mạo hiểm "Con Tầu cận duyên Dazzler" (the Cruise of the Dazzler). 

Theo phần lớn các nhà phê bình, "Người Con Gái của Tuyết" là tác phẩm kém nhất của Jack London, đây là một tiểu thuyết về ý tưởng, không phải về hành động. Vào thời kỳ này, Jack London sống xa bà vợ Bessie đang mang thai đứa con gái thứ hai, xuống tầu Majestic để qua nước Anh vào tháng 8. Nhà văn này đã sinh sống trong khu vực phía đông dơ bẩn của thành phố London rồi viết ra tác phẩm "Lớp Người của Đáy Vực" (The People of the Abyss) xuất bản vào mùa thu năm 1903 do nhà Macmillan. Tác phẩm này bị các nhà phê bình coi là quá bi quan.

Sau khi trở về Hoa Kỳ sống trên vùng đồi Piedmond, gần khu vực Oakland, Jack London bắt đầu cuốn tiểu thuyết thứ hai, nói về miền băng giá: "Tiếng Gọi Hoang Vu" (The Call of the Wild). Trong vòng 24 giờ sau khi phổ biến, ấn bản đầu tiên của tác phẩm đã bán hết. Trên toàn quốc Hoa Kỳ, người đọc coi đây là thành quả văn chương bậc nhất của Jack London, là "tác phẩm cổ điển, làm phong phú nền văn chương Mỹ" (a classic enriching American literature). Đại học California dùng tác phẩm này để giảng dạy văn học và Jack London, vào tuổi 27, được coi là một nhân vật quan trọng của Thế Giới Văn Chương.

Sự thành công của tác phẩm "Tiếng Gọi Hoang Vu" cũng là lúc bắt đầu cuộc tan rã hôn nhân của nhà văn với cô nàng Bessie: Jack London đam mê cô Charmian Kittredge, lớn hơn 5 tuổi, một cô tốc ký vui vẻ, giỏi về dương cầm, sành cưỡi ngựa, tự coi mình là một phụ nữ giải phóng.

Vào ngày 7-1-1904, Jack London xuống tầu đi Nhật Bản với ý định tường thuật Cuộc Chiến Tranh Nga-Nhật cho Hãng Tin Hearst. Gặp thất bại, Jack London trở về Hoa Kỳ vào tháng 6 và ba tháng sau, cho phổ biến tác phẩm "Con Sói Biển" (The Sea-Wolf, 1904). Cuốn truyện này cũng trở thành loại bán chạy nhất (a best-seller) vì đã phối hợp được các yếu tố thiên nhiên với cuộc mạo hiểm lãng mạn. 

Năm 1905, Jack London kết hôn với cô Charmian, mua một nông trại tại Glen Ellen thuộc tiểu bang California, tham dự kỳ tranh cử thị trưởng nhưng thất bại. Vào năm này, xuất hiện một tác phẩm khác của Jack London là cuốn "Ván Bài" (The Game) rồi năm sau tới cuốn truyện "Răng Nanh Trắng" (White Fang, 1906) qua đó tác giả muốn đưa ra một phản đề (antithesis) với cuốn truyện "Tiếng Gọi Hoang Vu".

Từ năm 1906, Jack London bỏ tiền ra đóng con tầu biển "Snark" để thăm viếng các hải đảo Samoa, Figi, New Hebrides và Salomons. Nhà văn này khởi sự cuốn truyện giả tưởng (fiction) có tên là "Gót Sắt" (The Iron Heel) xuất bản vào năm 1908 qua đó mô tả sự sụp đổ của Hoa Kỳ do một nhóm người độc tài tàn ác. 

Jack London viết ra các điều tiên liệu về chế độ phát xít, về nội chiến, về sự đàn áp của chính quyền trong nửa đầu thế kỷ 20. Tác phẩm "Kẻ Thù của Cả Thế Giới" (The Enemy of All the World, 1908) của Jack London kể chuyện một nhà khoa học điên khùng, đã phát minh ra một thứ võ khí khủng khiếp để khủng bố thế giới. 

Phần lớn các chuyện giả tưởng của Jack London cho thấy niềm tin của tác giả vào sự ưu việt của sắc dân da trắng và kể từ khi từ Nhật Bản trở về, các bài viết của nhà văn này cũng che dấu bên trong các thái độ kỳ thị lớn lao đối với người châu Á. Trong cuốn truyện khoa học giả tưởng "Cuộc Xâm Lăng không ngang sức" (The Unparalleled Invasion, 1910), Jack London mô tả Phương Tây (the West) tiêu diệt nước Trung Hoa bằng một thứ bom vi trùng.

Năm 1913, Jack London cho xuất bản cuốn truyện "John Barleycorn" nói về tật nghiện rượu của mình. Do các nỗi cơ cực của thời thiếu niên, do cuộc sống buông thả, sức khỏe của Jack London suy kém dần. Vào năm 1915, hầu như nhà văn này không đi đứng nổi và các đau đớn khiến ông phải dùng tới thuốc phiện và morphine. Kết quả của sự lạm dụng thuốc là gan thận bị hư hỏng và bệnh ung thư cổ bắt đầu phát triển do nhà văn hút nhiều thuốc lá. Ngày 21-11-1916, Jack London đã tự chích một liều ma túy để làm giảm đau rồi sau đó qua đời vào tuổi 40, khiến cho có nghi ngờ về cách cố tình tự sát.

Jack London chỉ cầm bút trong 16 năm nhưng các tác phẩm của ông rất nhiều: 19 tiểu thuyết, 18 cuốn bình luận và truyện ngắn, rất nhiều cuốn sách liên quan đến tự thuật và xã hội học. Tác phẩm danh tiếng nhất "Tiếng Gọi Hoang Vu" đã được in hàng triệu ấn bản, được dịch ra hơn 30 ngôn ngữ chính. 

Các tiểu thuyết khác được nhiều độc giả biết tới của Jack London là cuốn "Martin Eden" (1909), "Thung Lũng của Mặt Trăng" (The Valley of the Moon, 1913) và một đại tác phẩm khác mà các nhà phê bình coi là một tiểu thuyết cỡ lớn của Hoa Kỳ (a Great American Novel), đó là cuốn "Con Sói Biển" (The Sea-Wolf, 1904).

Phạm Văn Tuấn

Tài liệu tham khảo: Wikipedia.org.; Britannica Encyclopedia.


No comments

Powered by Blogger.