Header Ads

Thâm Nho


Bùi Phạm Thành

Mấy tháng gần đây một số bạn hữu có những bàn tán xôi nổi về sự việc liên quan đến văn chương chữ Hán-Nôm. Cuộc bàn luận có lúc đã trở nên nóng bỏng, dễ làm thương tổn người đối thoại và có thể đưa đến chuyện không hay. Nhất là trong thời buổi dịch Vũ Hán đang tàn phá nhân loại.

Bài này được dựa theo cái "thời thế" đó để bàn tán cho vui, mà cũng chỉ xin bàn đến khía cạnh văn chương và những cái thâm thuý của người thâm nho, còn chuyện mấy trăm, hay cả ngàn năm cũ thì xin được miễn.

Trước tiên, ngay cả chữ thâm nho nghĩ ra đã thấy hay rồi. Này nhé, thâm là màu nâu đậm hay đỏ thẫm. Vậy thì "thâm nho" là nho đỏ, thảo nào có chữ "thanh nho" để chỉ nho xanh. Chữ nghĩa quả là tài tình.

Có bạn đã đưa ra một lý luận rất trung dung và có dẫn chứng câu

Thị tại môn tiền, náo
Nguyệt lai môn hạ, nhàn.

Hai câu này vẫn được giải thích là "Chợ họp trước cửa thì ồn ào, náo động. Trăng rọi xuống cửa thì nhàn hạ, thảnh thơi". 

Hán văn có những quy luật rất khắt khe và chữ dùng phải thật cô đọng và chính xác. Theo thế mà suy thì lời giải thích trên có vẻ không chính xác lắm. Chúng ta đã nghe nói rất nhiều về các vị nho đỏ (thâm nho) thường nói ra những câu rất thâm thuý, lắt léo có khi cả bao nhiêu năm sau mới có người tìm ra ý nghĩa đích thực của nó. Hai câu này có thể là một trong những trường hợp lắt léo của nhà nho. Bây giờ là lúc trà dư, tửu hậu, chuyện bàn thảo đã lắng. Chúng ta thử ngồi xuống để phân tích và tìm hiểu xem ý nghĩa thực sự của hai câu trên.

Hán thi rất chú trọng đến luật đối, phải đối cả ý lẫn văn phạm (danh từ, động từ, ...).
Hán tự cũng có rất nhiều chữ cùng một âm nhưng lại rất nhiều nghĩa, thế nên:

"Thị" có nghĩa là "chợ", nhưng lại có nghĩa là "đàn bà" như Thị Kính, Thị Mầu chẳng hạn.
"Nguyệt" là "trăng" hoặc chỉ người đẹp như Nguyệt Nga.

Xem thế ta có thể hiểu chữ "Thị" ở đây là Thị Mầu, người xấu và dữ và "Nguyệt" là "Nguyệt Nga", người đẹp và hiền thì đối rất chỉnh!

Còn chữ "tiền" (trước) mà đối với "hạ" (dưới) thì hơi trúc trắc, phải là "hậu" (sau) thì đúng hơn, vì cửa trước phải đối với cửa sau mới chỉnh. Hai chữ này tiếng Nôm (cửa trước, cửa sau) nghe thanh hơn Tiếng Hán-Việt (tiền môn, ... môn -- tác giả tự kiểm duyệt để tránh hiểu lầm).

Từ những phân tích trên, ta có thể hiểu hai câu trên như sau:

Người dữ như Thị Mầu đến trước cửa thì ồn ào, lắm chuyện.
Người đẹp như Nguyệt Nga vào cửa sau thì quả là nhàn.

Ấy, ấy quý vị đừng tưởng tôi nói bậy. Nói có sách, mách có chứng. Cụ Nguyễn Công Trứ khi về hưu, hưởng nhàn đã có câu:

Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi
Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì

Một "dì" đã nhàn, cụ lại có tới "đôi dì" thì, lạy cụ ạ, quả là Tri Nhàn, Hữu Nhàn, Tất Nhàn!

Nhân đây xin kể một chuyện xảy ra tại phố Bolsa, thủ đô của người Việt tị nạn cộng sản, ở miền nam California này. Đây là chuyện có thật, 100 phần dầu không pha nhớt, nhưng nếu quý vị đọc hết mà vẫn không tin thì cũng chẳng sao. 

Thực ra thì bài này được viết từ khá lâu để chung vui với bạn hữu, nay chỉnh sửa lại đôi chút để phổ biến cho hợp thời (*). Hy vọng rằng sẽ đem lại cho quý vị một nụ cười trong những ngày cuối năm. Cho dù nụ cười có bị che khuất bên trong cái mặt nạ chống dịch Vũ Hán.

oOo

Chuyện kể rằng có một ông ăn nên làm ra nhờ mở tiệm uốn tóc, sửa móng tay (Hair-Nail Salon). Thuở hàn vi còn ở quê nhà thì ông chỉ qua được lớp ba trường làng nên lúc nào cũng phải dấu diếm cái quá khứ ấy và tìm đủ mọi cách để được quen biết với các bậc văn hay chữ tốt. Phú quý sinh lễ nghĩa nên đến ngày chuẩn bị khai trương cửa tiệm thứ ba ông nhất định phải tìm được một cụ đồ hay thày đồ nào đó để tìm một tên thật hay cho cái tiệm mới này. Thật đúng là

Vợ nhà đích thị đồ ta,
Áo quần ông mặc phải là đồ tây.
Khai trương tiệm thứ ba này,
Đặt tên nhất định dùng ngay đồ tầu.
Tìm người Hán Tự lầu lầu,
Đồ già, đồ trẻ ông đâu ngại gì.
Bạc tiền ông chẳng thiếu chi,
Chỉ mong đồ tốt thì gì cũng xong.

Dịp may có người giới thiệu cho ông một thầy đồ Mỹ (thầy đồ này ở Mỹ nhưng chính gốc đồ ta). Giá cả xong xuôi, thầy lấy giấy bút viết hai chữ "Như Thuỷ".

Ông chủ tiệm rất ngạc nhiên:

- Thưa thầy Như Thuỷ chỉ là cái tên đàn bà tuy có hay nhưng ý nghĩa dường như chẳng có chi ...

Ông chưa dứt lời thì thầy đồ đã quắc mắt:

- À thì ra ông không hiểu được cái hay của hai chữ Như Thuỷ này. Thế thì ông hãy nghe tôi giải thích đây:

Cụ Nguyễn Du tên chữ là Tố Như viết quyển truyện Kiều là một đại thi phẩm của văn hoá ta. Trong truyện Kiều có tả hai chị em Thúy Kiều và Thuý Vân rất đẹp, còn tài văn chương của cụ thì quả là "Văn Tố Như Tựa Lưu Thuỷ Hành Vân", có nghĩa là thơ văn của cụ Tố Như lưu loát, đẹp đẽ như nước chảy, mây bay. Vì tiệm của ông là nơi làm đẹp cho phụ nữ nên tôi chọn hai chữ Như Thuỷ trong câu đó nghe như tên của phụ nữ mà lại có ý nghĩa cao thâm để đặt tên tiệm là đúng lắm rồi.

Ông chủ tiệm nghe xong mừng chảy nước mắt, cung kính đãi thầy một bữa thật thịnh soạn. Trước khi từ giã lại còn tặng thầy thêm một mớ tiền gọi là để tiêu vặt dọc đường. Thầy đồ lẳng lặng nhận tiền, còn ông chủ thì hí hửng nghĩ bụng từ nay sẽ có một câu chuyện thật thông thái để giải thích cái tên tiệm cho mọi người lác mắt chơi.

Mấy tháng sau ngày khai trương, tất cả khách hàng đã ghé qua tiệm đều phải vểnh tai mà nghe lời giải thích cái tên Như Thuỷ của cái tiệm uốn tóc, sửa móng tay này của ông. Có lẽ nhờ thế mà vài người cũng biết cụ Nguyễn Du có tên chữ là Tố Như.

Ngày nọ, có một vị khách đưa vợ đến uốn tóc, làm móng tay. Thấy ông khách dáng người trí thức, ông chủ tiệm liền lân la làm quen và rồi lại giải thích cái tên Như Thuỷ cho ông khách nghe. Ông vừa dứt lời thì ông khách bật cười:

- Hay ho gì cái tên ấy. Ông bị họ chơi xỏ rồi đấy.

Ông chủ còn đang ngẩn người thì ông khách giải thích:

- Tên tiệm thì treo trước cửa, cho nên trước là điều đáng để ta chú ý. Thế cho nên, trong câu "Văn Tố Như Tựa Lưu Thuỷ Hành Vân" thì trước chữ Như là chữ Tố, trước chữ Thuỷ là chữ Lưu. Anh đồ ấy ngụ ý tên tiệm là Tố Lưu chứ không phải là Như Thuỷ đâu ông ạ.

Ông chủ vẫn chưa hiểu ông khách nói gì, nên khẩn khoản:

- Ông bảo họ xỏ tôi ra sao thì tôi vẫn chưa hiểu. Thôi thì như thế này nhé, ông giải thích rõ cho tôi thì tôi xin không tính tiền làm tóc, làm móng tay cho bà nhà.

Ông khách mỉm cười chấp thuận:

- Thế thì ông nghe đây. Lưu có nghĩa là chẩy, thế cho nên Tố Lưu có nghĩa là Tố Chẩy. Ông phải biết rằng văn phạm Hán thì ngược với văn phạm ta nên phải đọc là Chẩy Tố. Mà Chẩy Tố nói lái là Tổ Chấy. Tiệm uốn tóc mà có tên là Tổ Chấy thì có chết không đấy chứ. Thế cho nên tôi nói rằng ông bị cái anh đồ nào đó chơi xỏ là như thế!

Ông chủ tiệm nghe qua mặt đỏ như gấc chín, tí nữa thì đã cho ra cả tràng văn chương lớp ba. Sáng hôm sau ông ra toà thị chính thành phố làm đơn xin đặt tên khác cho cửa tiệm, và thề rằng từ nay chỉ giao du với đám bạn cùng lớp ngày xưa mà thôi.

Bùi Phạm Thành


Viết xong ngày ngày 17 tháng 3 năm 2006, chỉnh sửa ngày 30 tháng 12 năm 2021 để đăng trên ĐSLV khi được tin bạn Đặng Thế Kiệt, đồng niên Chu Văn An, hiện đang cư ngụ tại Pháp khai trương trang web, ngày 30 tháng 12 năm 2021, với cái tên khiêm nhượng "Giúp đọc Truyện Kiều" nhưng lại là cả một công trình to lớn, đáng ca ngợi và phổ biến. Cụ Nguyễn Du mà biết thì hẳn cũng mỉm cười. Thiên hạ hữu nhân tri Tố Như. Trân trọng mời quý vị thưởng lãm: 
Giúp Đọc Truyện Kiều  http://www.vanlangsj.org/TruyenKieu/


No comments

Powered by Blogger.