Header Ads

Văn Hào Pháp Gustave Flaubert (1821-1880) Và Tác Phẩm BÀ BOVARY


Phạm Văn Tuấn

1/ Cuộc đời của Nhà Văn Gustave Flaubert.

Gustave Flaubert là nhà văn danh tiếng người Pháp, được nhiều người biết tới vì các cuốn tiểu thuyết của ông viết theo trường phái hiện thực (realism), mang đặc tính là sự chú ý từng chi tiết, cách quan sát chính xác, sự quan tâm rất nhiều vào ngôn ngữ và hình thức của cách hành văn và tác giả này đã khổ công theo đuổi cách toàn hảo trong văn chương. Cuốn tiểu thuyết nổi danh nhất của Gustave Flaubert là cuốn “Bà Bovary” (1857), được coi là một trong các tác phẩm quan trọng nhất của nền Văn Chương Pháp.

Gustave Flaubert sinh tại Rouen, thuộc miền Normandy nước Pháp, là con trai của một bác sĩ giàu có, ông Achille Cléophas Flaubert và bà Anne Justine Caroline (khuê danh Fleuriot). Ông Achille Flaubert là bác sĩ giải phẫu chính thuộc bệnh viện của thành phố Rouen, ông ta đã dùng tiền bạc kiếm được để đầu tư vào đất đai, còn bà Anne Caroline là con gái của một vị y sĩ và là nhân vật quan trọng nhất đã ảnh hưởng tới nhà văn Gustave Flaubert. Bà Anne qua đời năm 1872.

Gustave Flaubert đã trải qua nhiều năm của tuổi thiếu niên tại một căn nhà nằm bên trong bệnh viện, vì vậy tác giả đã từng trông thấy nhiều cảnh đau đớn và chết chóc, các kinh nghiệm này đã khiến cho tác giả bi quan trước cảnh đời. Flaubert đã theo học trường trung học Collège Royal tại Rouen, được huấn luyện kỹ càng về văn chương cổ điển Hy Lạp và La Mã. Vào thời niên thiếu, Flaubert đã đọc nhiều tác phẩm của Johann W. von Goethe người Đức, Lord Byron người Anh, Chateaubriand và Victor Hugo người Pháp... đây là các tác giả theo trường phái lãng mạn (romanticism) với các nét đặc thù về cảm xúc, trí tưởng tượng và chủ nghĩa cá nhân.

Tới tuổi 14, Flaubert đã gặp bà Elisa Schlésinger, một phụ nữ 26 tuổi đã có chồng, là người đã mê hoặc và trở nên một mối tình sâu đậm với nhà văn sau này. Bà Schlésinger đã là mẫu người của nhân vật Emma Bovary, là bà Renaude cũng như bà Arnoux trong tác phẩm “Giáo Dục Tình Cảm” (L’éducation sentimentale, 1869).

Gustave Flaubert bắt đầu tập viết văn khi còn theo bậc trung học. Vào tuổi 15, cậu Gustave này đã đoạt một giải thưởng khi viết ra một tiểu luận về các loại nấm rơm. Gustave không ưa thích thứ quá khứ gia đình thuộc loại trưởng giả (bourgeois), cậu coi đó là một thứ gánh nặng và tính cách chống đối lối sống trưởng giả này khiến cho cậu Gustave bị loại ra khỏi trường trung học. Sau đó, Gustave Flaubert theo học trường tư thục tại thành phố Paris.

Vào năm 1840, Gustave Flaubert theo học Luật Khoa tại Paris nhưng sau khi bị thi trượt vào cuối năm thứ hai, đã du lịch bằng xe ngựa, bị cướp bóc dọc đường và có thể bị động kinh vào năm 1844. Do bệnh tật này, Flaubert đã trở nên yếm thế trong cuộc sống. Ông đã từng viết thư cho George Sand như sau: “Vào thời tuổi trẻ của tôi, tôi đã hèn nhát, tôi đã e sợ cuộc sống”. Ông cho rằng mình đã mắc chứng bệnh động kinh (epilepsy) rồi sau khi bị thi trượt trong kỳ thi Luật Khoa, Gustave Flaubert quyết định dành cuộc đời của mình cho Văn Chương.

Gustave Flaubert gặp nhà văn nữ tên là Louise Colet vào năm 1846, nàng trở nên người tình của ông, họ thường xuyên trao đổi thư từ với nhau. Sau khi cả hai người cha và người chị đã lập gia đình qua đời, Gustave Flaubert di chuyển về Croisset và sinh sống như một người ở ẩn, cho nên được nhiều người quen biết đã gọi ông là “ẩn sĩ miền Croisset” (hermit of Croisset). Đây là một mảnh đất trên bờ sông Seine do người cha đã mua cho gia đình và Flaubert đã sống tại nơi đây với mẹ và một người cháu gái từ năm 1846. 

Dù cho có một lần, Gustave Flaubert xác nhận: “Tôi là một con gấu và tôi muốn sống trong hang của tôi”, ông vẫn tiếp xúc với các bạn bè tại thành phố Paris bằng thư từ và đã chứng kiến cuộc Cách Mạng năm 1848.

Từ tháng 11 năm 1849 tới tháng 4 năm 1851, Gustave Flaubert đã đi du lịch với nhà văn Maxime du Camp, qua các miền Bắc Phi, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp và Ý Đại Lợi. Khi viếng thăm xứ Ai Cập và muốn đi lên ngọn Kim Tự Tháp Lớn, Gustave Flaubert đã phải nhờ nhiều người giúp đỡ bởi vì ông cao 6 feet và khá mập mạp, nặng nề.

Gustave Flaubert ít khi tới thăm thành phố Paris, ông đã sống cô đơn tại Croisset, dành hết thời giờ cho văn chương. Nhà văn này rất ghét chủ nghĩa duy vật (materialism), rất trân trọng vẻ đẹp nghệ thuật (artistic beauty), đã viết ra các tác phẩm nặng về bản chất con người. Ông có khuynh hướng bi quan trước cảnh đời nhưng lại là một nhà văn hiện thực (realist) bởi vì tác giả này chú ý tới từng chi tiết, đã mô tả một cách khách quan các nhân vật và các sự kiện xẩy ra trong xã hội đương thời. 

Các câu văn của Gustave Flaubert đã được tác giả viết đi, sửa lại nhiều lần và nhà văn này đã lớn tiếng đọc từng câu trong vườn cho chính mình nghe, để chải chuốt các đoạn văn. Ông tin rằng nhà văn phải theo kỷ luật để tìm ra các chữ, các danh từ một cách thật chính xác khi mô tả các cảm giác, phải loại bỏ các chữ lặp lại và các chỗ vụng về, phải tìm ra các âm điệu và sự nhịp nhàng của lời văn khi làm công việc truyền thông với các người khác. Cũng vì thế, với mỗi tác phẩm, tác giả Flaubert cần tới nhiều năm để viết và sửa chữa.

Khi trở về sau cuộc du lịch xa, Gustave Flaubert bắt đầu viết tác phẩm “Bà Bovary” và tác giả đã phải mất 5 năm mới hoàn thành. Tác phẩm “Bà Bovary” xuất hiện đầu tiên trên Tạp Chí Revue de Paris vào năm 1856 rồi qua năm sau, được xuất bản thành sách, 2 tập (2 volumes).

“Bà Bovary” (Madame Bovary, 1856) là cuốn tiểu thuyết cỡ lớn, mô tả các nhân vật tầm thường mà độc giả không thể quên được, đây là một trường hợp ngoại tình trong một ngôi làng thuộc miền Normandy. Charles Bovary là một bác sĩ miền quê, đã kết hôn với Emma là người được giáo dục trong một tu viện nên có một tâm hồn mơ hồ, bí ẩn, chờ đợi thứ tình yêu lớn lao khác để đền bù cho sự buồn chán của thực tế.

Bà Emma này đã ngoại tình với hai người đàn ông là luật sư Léon Dupuis và sau này với Rodolphe Boulanger. Sau khi từ bỏ Rodolphe, nàng Emma trở lại với Léon vào thời gian này đang làm việc tại Rouen. Họ thường gặp nhau tại một khách sạn. Emma bị mắc nợ rất nhiều vì lối sống phóng đãng và sự suy sụp tài chính khiến cho bà ta bị tuyệt vọng, đưa đến cảnh tự sát bằng chất thạch tín (arsenic). 

Sự mô tả cách ngoại tình theo “hiện thực” của nhà văn Gustave Flaubert đã bị nhiều người kết án là xúc phạm vào nền luân lý công cộng và tôn giáo và cuốn tiểu thuyết “Bà Bovary” đã tạo nên một cuộc nổi giận của quần chúng. Tác giả Flaubert đã bị đưa ra tòa vì các lời buộc tội “vô luân” (immorality) nhưng về sau được tha bổng.

Qua tác phẩm này, người đọc có thể nhận ra tại nơi các nhân vật các đặc tính tầm thường, đôi khi ngu xuẩn (stupidity) và tác giả hầu như muốn nói rằng Thượng Đế không ở trên thế gian. Tác giả đã dùng thể văn gián tiếp tự do (free indirect style) qua đó các tư tưởng của nhân vật được thuật lại bằng người kể chuyện rành mạch và khách quan. 

Đối với tác giả Flaubert, nhân vật Emma rất quan trọng và theo ông, xã hội đã không cho nàng Emma một con đường thoát ra. Gustave Flaubert có lần đã nói: “Emma, chính là tôi”. Có người còn cho rằng nàng Delphine Demalare, qua đời năm 1840, là hình ảnh của Emma Bovary.

Vào thập niên 1860, Gustave Flaubert là một trong các nhà văn và nhà trí thức thành công, được danh vọng tại triều đình của Vua Napoléon III. Trong số các bạn của ông, người ta thấy Emile Zola, George Sand, Hippolyte Taine và Ivan Sergeevich Turgenev. Đây là nhà văn người Nga và cũng là người có cùng các lý tưởng và thẩm mỹ với Gustave Flaubert, cùng các quan điểm về hiện thực cũng như cho rằng nhà văn nên trình bày cuộc đời mà không xét đoán.

Theo bản chất, Gustave Flaubert là một người yếm thế. Trong đời sống riêng tư, ông ưa thích giao tiếp với các gái mại dâm, sự việc này đã khiến cho ông mắc bệnh hoa liễu. Vào các năm cuối đời, ông gặp khó khăn tài chính, một phần cũng vì ông đã giúp đỡ cho gia đình của một người cháu gái bị phá sản. Gustave Flaubert qua đời vào ngày 8 tháng 5 năm 1880 vì bị xuất huyết não.

Gustave Flaubert được nhiều người coi là nhà văn hiện thực rất danh tiếng nhưng trong vài tác phẩm khác, vẫn còn vài nét của trường phái lãng mạn (romantic). Tác phẩm “Salambo” (1862) là một tiểu thuyết lịch sử của thành Carthage cổ, bị quân lính đánh thuê vây hãm vào các năm từ 240 tới 237 trước Tây Lịch. Dựa vào cuốn truyện này, Philippe de Fénélon đã tạo nên vở kịch opéra vào năm 1998, với lời hát do Jean Yves Masson.

Tác phẩm “Giáo Dục Tình Cảm” là toàn cảnh của nước Pháp vào thời điểm của cuộc Cách Mạng năm 1848, trong đó có kể lại sự thất bại và vỡ mộng của nhân vật Frédéric Moreau trong các quãng đời, kể cả tình yêu lý tưởng với bà Arnoux. Tác giả đã nhìn thấy và mô tả tính tầm thường của xã hội Pháp đương thời qua các đặc tính và đời sống của nhân vật Moreau kể trên và qua các chi tiết rõ ràng của cuốn tiểu thuyết, độc giả có thể nhìn, nghe, nếm và cảm giác thấy các cảnh đường phố của thành phố Paris.

Tác phẩm “Sự Cám Dỗ của Thánh Antoine” (La tentation de Saint Antoine, 1874) là một chuyện gỉa tưởng (fiction) đặc sắc, đã ảnh hưởng tới Sigmund Freud, khi đó còn trẻ. Câu chuyện liên quan tới một ẩn sĩ theo đạo Thiên Chúa, sống vào thế kỷ thứ 4 tại miền sa mạc của xứ Ai Cập và đã kinh qua các cám dỗ vật lý cũng như triết học.    

Tác phẩm “Bouvard và Pécuchet” (Bouvard et Pécuchet, 1881) bị viết dang dở khi tác giả qua đời và được phổ biến lần đầu tiên trên tạp chí La Nouvelle Revue (1880-1881). Nhân vật chính trong truyện là hai người thư ký dọn nhà ra miền quê với các đặc tính mà sau này ảnh hưởng tới nhà soạn kịch Samuel Beckett.

Nhà văn viết tiểu thuyết không nên xét đoán, giảng dạy hay cắt nghĩa gì trong tác phẩm của mình mà phải hoàn toàn đứng giữa.
- Gustave Flaubert
Các đặc điểm trong các tác phẩm của Gustave Flaubert là thể văn sáng sủa, cách kể truyện đổi mới, hình thức hoàn chỉnh, mang tính văn chương hiện thực. Các tác phẩm của Gustave Flaubert được các nhà văn thuộc trường phái tự nhiên mới ca ngợi. Theo tác giả Gustave Flaubert, trong cách diễn đạt bằng kể chuyện, nhà văn viết tiểu thuyết không nên xét đoán, giảng dạy hay cắt nghĩa gì trong tác phẩm của mình mà phải hoàn toàn đứng giữa.

Nhiều nhà văn như Marcel Proust, Henry James, James Joyce... cũng như các tiểu thuyết gia loại mới đều mắc nợ “vị ẩn sĩ miền Croisset” này, rồi qua hai thập niên 1940 và 1950, hai nhóm nhà văn tiền phong (avant-garde) là nhóm “Tân Tiểu Thuyết” (new novelists) và nhóm “Phi Lý” (absurdists) đều công nhận các đặc điểm của Gustave Flaubert trong cách nhìn xuyên thấu vào xã hội, ngôn ngữ và văn chương.

2/ Các chi tiết liên quan tới Tác Phẩm “Bà Bovary”.

Thời gian và nơi viết ra tác phẩm: miền Croisset nước Pháp, năm 1851 - 57.
Năm xuất bản lần đầu tiên: 1857.
Nhà xuất bản: Revue de Paris.
Loại tác phẩm: tiểu thuyết.
Thể loại: giả tưởng và hiện thực (realist fiction).
Ngôn ngữ: tiếng Pháp.
Thời gian của câu chuyện: các năm 1850.
Nơi chốn: nước Pháp, kể cả các thị trấn Tostes, Yonville và Rouen.
Thời trong thể văn (tense): quá khứ.
Giọng văn: có thiện cảm, khinh khi, coi thường.
Người kể chuyện: nhân vật thứ ba thông hiểu mọi sự việc.
Quan điểm: của ông Charles Bovary, của bà Emma Bovay và của các bạn học của ông Charles.
Nhân vật chính trong truyện: bà Emma Bovary.
Phản đề: lòng tham muốn, dục vọng.

3/ Các nhân vật trong Tác Phẩm “Bà Bovary”.

  • Berthe: con gái của ông Charles và bà Emma.
  • Rodolphe Boulanger: một người chủ đất giàu có, khôn ngoan, ích kỷ, có khả năng lôi cuốn.
  • Tu sĩ Bournissien: là thầy tu của thị trấn Yonville. Ông này đã đề cập tới các vấn đề của thế gian mặc dù ông ta thường tranh luận với Homais về giá trị của tôn giáo. Có vẻ như ông ta không hiểu rõ các vấn đề tâm linh sâu kín.
  • Charles Bovary: là một bác sĩ miền quê. Charles thì tử tế, không sắc xảo và tầm thường trong nghề nghiệp. Ông ta say mê bà vợ Emma và cho rằng bà ta là người không làm điều gì sai trái mà thực ra, ông ta không hiểu rõ bà vợ của mình. Tình yêu ngây thơ dành cho bà vợ đã khiến cho ông ta bị suy sụp tài chính.
  • Emma Bovary: là nhân vật chính trong truyện. Emma đã nuôi các ảo tưởng lãng mạn và theo đuổi đam mê. Cuộc sống trung lưu đã làm cho bà ta thất vọng và đứa con gái đã làm phiền lòng bà ta. Đôi khi các hổi tưởng đơn giản về thời còn trẻ đã làm cho bà ta hổi hận và trong một thời gian ngắn, bà ta đã suy nghĩ về tôn giáo và muốn tận tụy với gia đình.
  • Bà Mẹ của Charles: là người đàn bà bảo thủ, đã làm hư hỏng đứa con trai và đã không chấp thuận Emma. Bà cụ này chỉ thấy Emma nói dối và muốn cho Charles kiềm chế cách chi tiêu quá đáng của người vợ của mình.
  • Ông Homais: là dược sĩ, là con người hào nhoáng, nông cạn, ông ta ưa thích nói và tin tưởng rằng tôn giáo và sự cầu nguyện thì vô ích. Ông Homais tượng trưng cho các già trị và đặc tính tư sản là các thứ mà Charles không ưa và cũng làm cho Emma buồn chán.
  • Ông Lheureux: một nhà buôn giao xảo và cũng là một chủ nợ. Lheureux đã khiến cho Emma mắc nợ, bị phá sản rồi cuối cùng đi tới tự tử vì sự yếu đuối khi đam mê các cảnh sa hoa và thái quá.

4/ Cốt truyện của Tác Phẩm “Bà Bovary”.

Cậu thiếu niên Charles Bovary 15 tuổi sắp sửa theo học một ngôi trường mới tại thị xã Rouen của nước Pháp, đó là vào năm 1830. Cậu này là con của một người cha nghiêm khắc và một bà mẹ nhiều tình cảm, bà đã thúc dục con trai nên theo học ngành bác sĩ, vì thế sau một lần thi trượt, Charles đã theo được ngành Y và mở một phòng khám bệnh trong tỉnh nhỏ Tostes. Sau đó, Charles được bà mẹ xếp đặt kết hôn với bà Heloise Dubuc, một góa phụ xấu nhưng có một món tiền hồi môn nhỏ.

Charles là một bác sĩ chăm chỉ, gây được danh tiếng trong tỉnh Tostes. Vào một đêm, Charles được mời tới một nông trại gần nhà để chữa trị cho ông Rouault bị gẫy chân nên đã gặp Emma Rouault là con gái của ông chủ trại và đã say mê cô Emma. Trước mối tình này, bà vợ Héloise đã ghen tuông, nhưng sau khi bà ta qua đời vì bị tai biến mạch máu não, Charles đã hỏi cưới Emma. Sau đám cưới linh đình, cặp vợ chồng này trở về thị trấn Tostes. Tại nơi này, Charles vẫn say mê cô vợ trẻ trong khi Emma lại mang hoài vọng về một cuộc sống lý tưởng hơn, theo như thứ tiểu thuyết lãng mạn mà cô nàng đã đọc trong thời gian theo học trong một tu viện.

Sau đó, Charles và Emma được mời tham dự một đêm dạ vũ tại La Vaubyessard, đây là miền đất của một hầu tước, nàng Emma đã khiêu vũ với một bá tước, góp chuyện với các người thuộc giới thượng lưu. Chính trong cơ hội này mà Emma có được kinh nghiệm về một cuộc sống cao sang, nàng mơ mộng và bất mãn trước đời sống tầm thường tại Tostes. Niềm bất hạnh này đã khiến cho Emma mắc bệnh và vì vậy Charles đã dời nhà tới Yonville để bắt đầu một cuộc đời mới. Vào lúc này, Emma nhận ra rằng mình đã mang thai.

Yonville là một thị xã nhỏ, chẳng khác gì Tostes. Emma không có nhiều giải trí ngoài sự quen biết Leon Dupuis, người thư ký của văn phòng chưởng khế, cả hai cùng có chung sở thích về văn chương và nghệ thuật.

Việc sinh ra cô con gái đặt tên là Berthe là một bất mãn đối với Emma bởi vì nàng trông mong một cậu con trai. Muốn tránh cuộc sống buồn tẻ tại Yonville, Emma đã mua sắm nhiều món đồ xa xỉ do vay mượn tiền của ông Lheureux, một nhà buôn quần áo và nàng Emma cho rằng mình xứng đáng được hưởng những vật dụng đắt tiền này.

Thời gian trôi qua càng làm cho Emma đau khổ hơn trong khi nàng và Leon vẫn yêu nhau mà không tính thêm được cách giải quyết thì cuối cùng, Leon dọn nhà lên thành phố Paris. Xa người tình này, Emma càng cảm thấy đau khổ.

Charles có một bệnh nhân tên là Rodolphe Boulanger, người này đã bị Emma lôi cuốn nên anh ta tìm cách quyến rũ người đẹp mới này. Rodolphe thành công và là người yêu của Emma. Mỗi buổi sáng, Emma lẻn qua trang trại của Rodolphe và họ ân ái say đắm với nhau. Sau đó, Emma chán nản đối với Rodolphe nên tìm cách quay về với Léon. Trong khi đó, các món nợ của Emma do vay mượn của Lheureux càng ngày càng tăng thêm. 

Một hôm, ông Lheureux này đòi Emma phải trả 8,000 quan nếu không tất cả tài sản của nàng sẽ bị tịch thu. Emma tìm mọi cách xin tiền nhưng không ai giúp đỡ cô nàng cả. Emma nhờ người phụ tá dược sĩ và cũng là một người tình, cho nàng một liều thạch tín (arsenic) và rồi uống cả liều độc dược này, sau khi viết thư cắt nghĩa cho Charles biết sự việc. Sau đó ít lâu, Charles cũng qua đời vì thất vọng và cô con gái Berthe phải đi sống nhờ vào một bà cô và bà này đã gửi Berthe đi làm công nhân trong một xưởng dệt vải.

5/ Vài nhận xét về Tác Phẩm Bà Bovary.

Tác phẩm “Bà Bovary” là một tiểu thuyết hiện thực (realist novel), được tác giả Gustave Flaubert viết tại tỉnh Croisset, nước Pháp, vào các năm 1851- 1857, mô tả các nhân vật và hoàn cảnh tại các tỉnh Tostes, Yonville và Rouen, trong đó nhân vật chính là bà Emma Bovary đã ước mong các mối tình lãng mạn, sự giàu sang và một địa vị xã hội cao, nhưng bà ta không thể đạt được những điều mơ ước này bởi vì đã kết hôn với một bác sĩ thuộc giai cấp trung lưu.

Một mối hy vọng của bà Emma là có một đứa con trai bởi vì là một phụ nữ thì luôn luôn bị thua thiệt. Các người bạn trai của bà Emma có khả năng thay đổi cuộc đời, nhưng bởi vì là một phụ nữ, bà ta cảm thấy bất lực. Bà Emma không thể thoát khỏi đời sống tỉnh lẻ, đã bị trói buộc vào chồng, vào con. Trong khi người đàn ông kiếm được tài sản và tiền bạc thì bà Emma chỉ có thể ảnh hưởng tới người khác bằng thân thể của chính mình, một loại tài sản mà bà ta đã dùng để trao đổi. Khi cần có tiền để trả nợ, bà Emma phải trao đổi bàng các thỏa mãn tình dục và ngay cả khi muốn tự sát, cần có thuốc độc arsenic, bà Emma cũng phải trông cậy vào sức mạnh của tình dục để thuyết phục người phụ tá dược sĩ.

Các thất vọng của bà Emma Bovay bắt nguồn từ sự bất mãn đối với giới trưởng giả Pháp. Bà ta trông mong các sở thích, các niềm vui cao cấp hơn, hoàn hảo hơn trong khi giới trưởng giả vào thời đại này được tác giả Gustave Flaubert coi là “giới trung lưu” (the middle class), họ có các trình độ thẩm mỹ mang tính cách vật chất lòe loẹt, tầm thường. 

Tác giả Gustave Flaubert đã dùng cuốn truyện để chế giễu giới trưởng giả này vì họ yêu thích kiến thức và học vấn, tin tưởng vào khả năng của kỹ thuật mà thực ra, họ không hiểu rõ các phạm vi này. Tác giả cũng nói tới sự nguy hiểm khi các người trong gia đình của Charles không đủ khả năng quản trị tài chánh khéo léo.

Trong cuốn truyện, tác giả cũng thường nhắc nhở cho người đọc về các bệnh tật, sự suy tàn và cõi chết, các thứ này luôn luôn ẩn hiện trên mỗi bề mặt của cuộc sống. Bà Emma đã tìm cách lẩn trốn nhưng không thể thoát khỏi cảnh giam hãm, ngăn trở và trong cuốn truyện, tác giả đã dùng tới hình ảnh các cửa sổ để tượng trưng cho sự ngăn cản và vượt thoát. Bà Emma đã ở bên trong các cửa sổ, nhìn ra ngoài, mơ mộng về các tự do mà bà ta không thể nào đạt tới được. 

Trong tác phẩm, tác giả Gustave Flaubert cũng đề cập tới các bữa tiệc, các bữa ăn bởi vì đối với thời đại của tác giả, những gì mà người ta ăn uống và cách ăn uống như thế nào đã chứng tỏ giai cấp xã hội của các người trong truyện.

Ngoài ra tác giả Gustave Flaubert còn dùng cuốn truyện để chứng tỏ sự thiếu đầy dủ (inadequacy) của ngôn ngữ. Các từ ngữ có thể là hữu hiệu hơn khi có mục đích che dấu sự thật hơn là trình bày sự thật. Cuộc đời của bà Emma Bovary gồm nhiều lời nói dối. Bà ta đã nói dối để làm cho người chồng không biết về sự ngoại tình của người vợ. Rodolphe đã nói dối khi tỏ tình yêu với bà Emma và anh ta cũng cho rằng các lời nói của bà này là không thành thật.

Gustave Flaubert tin tưởng rằng đường lối hiện thực (realism) đã không cung cấp đủ các hình ảnh chính xác về cuộc sống và tác giả đã dùng cách mô tả lãng mạn và châm biếm (ironic romantic descriptions) để diễn tả các hoàn cảnh thực của đời người.

6/ Các tác phẩm chính của Nhà Văn Gustave Flaubert.

  1. Bà Bovary (Madame Bovary, 1857): được dựng thành phim năm 1917 (Life Number Two) do đạo diễn William Nigh, năm 1932 (Unholy Love) do đạo diễn Albert Ray, năm 1934 do Jean Renoir, năm 1949 do Vincente Minnelli, năm 1991 do Claude Chabrol, các tài tử Isabelle Huppert, Jean Francois Balmer, Christophe Malavoy, Jean Yanne; các loạt truyền hình BBC do Tim Fywell...
  2. Salambo (1862): được dựng thành phim năm 1924 do Pierre Marodon, năm 1959 do Sergio Grieco.
  3. Giáo Dục Tình Cảm (L’Education Sentimentale, 1869): dựng thành phim năm 1961 do Alexandre Astrue.
  4. Ba Truyện (Trois Contes, 1872).
  5. Thí Sinh (Le Candidat, 1874), dịch sang tiếng Anh là The Candidate.
  6. Sự Cám Dỗ của Thánh Antoine (La Tentation de Saint Antoine, 1874): dịch sang tiếng Anh do Lafcadio Hearn: The Temptation of Saint Anthony.
  7. Bouvard và Pécuchet (Bouvard et Pécuchet, 1881).
  8. Qua các cánh đồng và các bãi đá sỏi (Par les Champs et par les Gréves, 1886).
  9. Phái Yếu (Le Sexe Faible, 1910) (The Feeble Sex).
  10. Từ Điển các Ý Tưởng nhận được (Dictionnaire des Idées Recues, 1911) (Dictionary of Received Ideas).
  11. Thư Từ (Correspondance, 1926-33).
  12. Tác Phẩm Toàn Tập (Oeuvres Complètes, I – II, 1964).
  13. Flaubert và Turgenev (Flaubert et Turgenev), Tình Bạn qua các Bức Thư (A Friendship in Letters, 1985), biên tập và chuyển dịch do Barbara Beaumont.

Phạm Văn Tuấn

Tài liệu tham khảo: Wikipedia.org., Britannica Encyclopedia. Cliffsnotes, Sparknotes.



No comments

Powered by Blogger.