Header Ads

Những Mùa Xuân Quá Vội...


Phạm Bá

Đã hơn một phần ba vòng quay thế kỷ, kể từ một chiều quê hương bặt im tiếng súng, mỗi khi nghiêng xuống cái dĩ vãng xa xăm của đời mình, thì chỉ thấy đời người là những Mùa Xuân quá vội…

Nhớ ngày nào đó khi mấy anh em đồng nghiệp chúng tôi lễ mễ khăn gói bước chân vào Trại Chí Linh Vũng Tầu để theo học Khóa Cách Mạng Hành Chánh VT, thì điều làm chúng tôi ngạc nhiên không ít là cái băng treo ngang ngay cổng trại: "Dã tràng se cát biển Đông..." chỉ một câu thôi... của Đại Tá Trại Trưởng Nguyễn Bé. Chúng tôi tự hỏi nhau, quái sao ông Đại Tá này lại cho treo câu đó? Câu đó hàm ý nghĩa gì, ai mà chẳng biết. Nhưng tại sao thế nhỉ...?

Thế rồi thời gian qua mau...

Cuộc đời lại thêm một lần trôi theo dòng lịch sử...

Hai mươi năm trường chinh lửa đạn, một thời gian quá dài so với một đời người, cho dù thời gian được hình dung là một đường thẳng gồm những vinh quang, những năm tháng kiêu hùng, những thăng trầm của Tổ Quốc; hay thời gian được hình dung là một vòng tử sinh theo độ tuần hoàn ba vạn sáu ngàn ngày, là tiếp nối những vinh hoa phú qúy, những ly biệt, trùng phùng qua những tháng năm dài như vô tận, thì chắc hẳn trong mỗi chúng ta vẫn còn mang vết hằn của một vùng trời quê hương lửa đạn.

Đã gần một nửa vòng quay thế kỷ, niềm đau mất nước luôn luôn là những dằn vặt khôn nguôi, đã phơi bày biết bao nhiêu hoài niệm đắng cay về những ngày hấp hối của Miền Nam, đã và còn đang dày vò đến tận xương tận tủy chúng ta đến tận bao giờ...

Chúng ta những mong được sống trong bình yên nhưng không thể sống như những người không có quá khứ. Người ta vẫn thường nhắc đến sự phản bội của Đồng Minh, sự thối nát của chánh quyền thủa ấy, những lỗi lầm chiến thuật, chiến lược của những nhà quân sự... cùng sự ngoan cố và qủy quyệt của kẻ thù kéo theo sự sụp đổ của Miền Nam, trong khi ta vẫn còn dựng cờ trên 80% lãnh thổ. Mười sáu ngàn lính Pháp phải đầu hàng Việt Minh sau 55 ngày bị công hãm ở Điện Biên Phủ. Hai mươi mốt năm sau, 1975, một triệu quân dưới cờ lại cũng phải đầu hàng địch sau trận đánh 55 ngày đêm...

Thiết nghĩ, người viết không dám làm cái công việc của người chép sử, mà chỉ những mong ghi lại một vài cảm nghĩ và nhận định lẻ loi của mình về những giờ phút kinh hoàng trên hành lang lửa Saigon-Hoa Thịnh Đốn vào giờ phút hấp hối của Saigon... Trong phạm vi hạn hẹp của bài viết, tác giả chỉ xin được nhắc đến những phản bội, lường gạt, dối lừa, khiếp nhược của những người cùng chung một mầu áo trận, một thời cùng phục vụ một mầu cờ và cuối cùng để Vinh Danh Người Lính Cộng Hòa trong những tháng năm dài trên các tuyến lửa của quê hương.

Tình hình biến chuyển từng phút từng giây...

Từ chiến trường Tây Nguyên đến các cuộc triệt thoái dây chuyền của QLVNCH kéo đến phần lãnh thổ phía Nam: Thủ Đô Sài Gòn đã bị Cộng quân công vây hãm bốn mặt. Mũi tấn công phía Đông xuất phát từ Biên Hoà hướng thẳng vào Dinh Độc Lập. Mũi tấn công phía Tây Bắc theo ngả Quang Trung-Hóc Môn. Mặt trận phía tây nam Sài Gòn chĩa mũi dùi thọc vào khu vực Chợ Lớn Phú Lâm. Mũi tấn công phía Bắc của Cộng quân có nhiệm vụ đánh thẳng vào Sư Đoàn 5 BB đồn trú tại Lai Khê - Bình Dương... Tất cả như đã buộc những người trong
cuộc vào một bối cảnh phải nghĩ đến thân phận và vai trò của mình.

Ngày 21-4-75: Tổng Thống Đệ Nhị Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu "từ nhiệm nhưng không đào nhiệm” trao quyền cho Phó Tổng Thống Trần Văn Hương: "Tôi sẽ ở lại giúp người kế nhiệm
bảo vệ đất nước". Đồng thời Phái Bộ Mỹ cũng bắt đầu di tản nhân viên và gia đình sang căn cứ Subic Phi Luật Tân.

Ngày 26-4-75: Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và gia đình bay qua Đài Loan bằng 2 vận tải cơ của quân đội Hoa Kỳ.

Ngày 27-4-75: Đại Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH cũng bỏ ngũ rời
khỏi VN sau khi đệ nạp đơn từ nhiệm lên Tổng Thống Trần Văn Hương.

Ngày 28-4-75: Tổng Thống Trần Văn Hương trao quyền Tổng Thống VNCH cho Tướng Dương Văn Minh.

Ngày 29-4-75:

  • 4 giờ sáng: Cộng quân bắt đầu gây áp lực mạnh, pháo vào phi trường Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH, Bộ Tư Lệnh Hải Quân...
  • 5 giờ 45 sáng: Bộ Tư Lệnh Không Quân VNCH ra quân lệnh cuối cùng: "Chiếc máy bay nào còn bay được tức khắc phải rời khỏi lãnh thổ VN."
  • 9 giờ 30 sáng: Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Mỹ họp quyết định di tản người Mỹ ra khỏi Việt Nam trước bình minh ngày 30-4.
  • 9 giờ 40 sáng: TT Dương Văn Minh trao một công hàm Mật, Hoả Tốc cho Đại Sứ Mỹ Graham Martin:
    "Thưa ông Đại Sứ,
    Tôi trân trọng yêu cầu Ông Đại Sứ vui lòng ra chỉ thị cho các nhân viên của cơ quan Tùy Viên Quân Sự DAO rời khỏi Việt Nam trong 24 giờ đồng hồ kể từ ngày 29-4-1975 để vấn đề hoà bình Việt Nam sớm được giải quyết."

    Phúc đáp của Đại Sứ Graham Martin:
    "Kính thưa Ngài Tổng Thống, tôi đã nhận được bức công hàm của Ngài và tôi xin thông báo cho Ngài rõ là tôi đã ra lệnh cần thiết đúng theo nhu cầu của Ngài..."
  • 11 giờ 13 phút: Đài phát thanh quân đội Mỹ phát thanh nhạc phẩm "I am dreaming a White Christmas" là nhạc hiệu di tản.  (Bản tin của phóng viên Alan Dawson UPI)

Ngày 30-4-75:

  • 4 giờ sáng: Đại Sứ Graham Martin cùng đoàn tùy tùng hối hả bước lên chiếc trực thăng cuối cùng vừa hạ cánh xuống nóc Toà Đại Sứ Mỹ tại đại lộ Thống Nhất để ra khỏi Sài Gòn. Tuy vậy, đường Thống Nhất và Hồng Thập Tự, trước và sau Toà Đại Sứ Mỹ vẫn còn là tụ điểm di tản của rất đông cư dân Sài Gòn trong cơn hoảng hốt.
  • 9 giờ 30 sáng: Tổng Thống VNCH Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng.
    Tức thì Alan Dawson, phóng viên UPI đánh đi một điện tín cuối cùng về Tổng Hành Dinh UPI tại Nữu Ước, đồng thời gửi tới 7,500 máy tê-lê-típ trên khắp thế giới tin Sài Gòn thất thủ:
    "ZCZC VILAO 25 NXI
    Hỏa tốc ...
    Saigon - Chính Phủ Saigon đầu hàng.
    NTL 10.21 sáng."
    Trong nghề làm báo, một điện tín hỏa tốc luôn luôn được lập lại để tránh trường hợp nhầm lẫn hoặc giả mạo. Do đó, 60 giây sau, Alan Dawson lại gửi tiếp một bản tin với nội dung tương tự:
    "ZCZNNV
    Bản tin...
    Hòa Bình - 30-4
    của Alan Dawson.
    Saigon - 30-4 (UPI) - Tổng Thống Dương Văn Minh hôm nay ra thông báo Nam Việt Nam đầu hàng và ra lệnh cho binh sĩ thuộc quyền ngừng chiến đấu.
    NTL 10.22 sáng."

Thôi thế là hết...

Sài Gòn ơi!...

Theo một định mệnh lịch sử, thoát khỏi những ngày tắm máu... nhưng Hòn-Ngọc-Viễn-Đông-Đã-Một-Thời-Kiêu-Hãnh - nay phải đổi họ thay tên...

Hôm nay, ngồi đây... nhìn lại đời mình...

Trong suốt hơn hai mươi năm trường chinh lửa đạn, người thanh niên chúng ta vai chen vai, phong kín tuổi đầu đời để viết lên những trang sử hào hùng của dân tộc. Trên những đoạn đường chiến binh ngày ấy, chúng ta không tránh khỏi những cảnh đời nghiệt ngã đắng cay, những cuộc tình lãng mạn thoảng qua những tháng năm dài như vô tận của cuộc chiến nay còn mai mất. Người thanh niên chúng ta đã biết gác bỏ những tình cảm riêng tư của mình để cùng hướng về một mầu cờ sắc áo. Có biết bao buổi chiều ghìm súng đứng bên này bờ
ngóng địch, đã biết bao đêm dài trực diện với kẻ thù và tự hỏi, "đã có được bao lần hò hẹn với người yêu."

Chao ôi! sao ngắn ngủi... Hai mươi bốn giờ phép, nói sao cho trọn vẹn ân tình!


"Lời nói yêu ngập ngừng chưa dám tỏ... 
Bàn tay ngại ngùng chưa dám nắm bàn tay."
(thơ ...),

để rồi ngày mai anh lại lên đường tiếp bước chinh nhân dấn thân vào nơi gió cát.

Cuối cùng chiến tranh quả chỉ còn để lại cho nhau một chút tình giá lạnh:

"Rồi một hôm pháo nhà ai rộn rã, 
áo vu quy em đã bước theo chồng..." 
(thơ ...).

Còn đâu những tà áo trắng đài trang thướt tha dưới bóng sân trường ngập tràn mầu hồng phượng vĩ? Tìm đâu những đường chiều rợp lá me bay? Đời quân ngũ chúng ta đã chứng kiến biết bao cuộc tình dở dang, ngắn ngủi. Biết bao đêm tân hôn chưa trọn một canh gà để rồi mờ sáng hôm sau, anh lại phải lên đường theo chiến dịch... Để rồi... ngày lại ngày…ngẫm thương tuổi đời ngào ngạt hương yêu ...

Đời lính... một đời phù trầm bất hạnh luôn luôn đón nhận những buồn vui, tan hợp. Chiến tranh quả đã tàn phá biết bao nhiêu hạnh phúc gia đình. Một ngày kia anh trở về "hàng cây nghiêng ngả, anh trở về dang dở đời em..." (nhạc PD).

Đớn đau thay!... cho người vợ hiền, cho đàn con nhỏ, cho người mẹ già mòn mỏi chờ con...

Ôi! đời người chiến binh sao quá phũ phàng nghiệt ngã: thương bao cuộc đời chợt có chợt không, khóc bao cuộc tình chợt đi chợt đến. Cuối cùng chỉ còn để lại cho nhau những suy tư day dứt, những nuối tiếc khôn nguôi, những hoài niệm một cuộc tình chưa bao giờ có thật cùng một quê hương tủi phận cho đến tận bao giờ...!

Hôm nay, xin một lần kính cẩn nghiêng mình đặt một vòng hoa muộn, thắp một nén nhang thầm để Vinh Danh Những-Người-Nằm-Xuống mà cuộc đời của họ như đã tự gắn liền vào vận mệnh nổi trôi của Tổ Quốc. Và cũng xin trang trọng trao tặng Những-Người-Còn-Lại một Đóa Hồng Nhung sau hơn hai mươi năm trường chinh lửa đạn với hơn bốn mươi năm giã từ đội ngũ... Cho dù đường anh đi không bao giờ đến... nhưng các anh đã thực hiện được di chúc của tiền nhân: "Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu, cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi."

Nhưng thời gian ơi!... Dù đã hơn một phần ba thế kỷ trôi qua, có cuộc thay da đổi thịt nào mà không nhức nhối chân thân? Thiết nghĩ không cần phải dối lừa ký ức, thời gian vẫn chưa đủ để những vết thương không còn mưng mủ...

Đó chính là Tình Yêu và Thân Phận của Người Chiến Binh Cộng Hòa sau mùa binh lửa.

Chỉ những mong những ngày chinh chiến đi qua đời mình, chập chờn như một cơn ác mộng và cũng ước mong những ngày còn lại trong đời không còn những bất bình như Giấc Nam Kha...

Ôi!... những Mùa Xuân vô thường...

Ôi!... một quê hương bất hạnh…

Phạm Bá




Powered by Blogger.