Header Ads

Đại Thi Hào Homer Và Sử Thi "Iliad" (thế kỷ thứ 8 trước Dương Lịch)


Phạm Văn Tuấn

1/ Thời đại trước Homer.

Xứ Hy Lạp Cổ là nơi sinh trưởng ra nền Dân Chủ, lúc đầu gồm sắc dân sống rải rác thành các cộng đồng không những trên bán đảo nhiều đồi núi mà ngày nay được gọi là nước Hy Lạp, mà còn trên bờ biển phía tây của miền Tiểu Á (Asia Minor) và trên nhiều hòn đảo nằm rải rác trong vùng biển Aegean. Đối với người thời cổ xưa, biển cả là nơi bao trùm nhiều bí ẩn và nguy hiểm. Người thời đó dùng các con thuyền nhỏ đi dọc theo bờ biển vào ban ngày và trú ẩn trong các bến cảng vào ban đêm. Dần dần, con người quen với biển khơi, họ không còn sợ hãi biển rộng nữa và trên mặt biển đã có các thủy lộ dùng vào việc trao đổi các hàng hóa, các hiểu biết.

Các sử gia tin rằng trên hòn đảo Crete nằm tại phía đông nam của xứ Hy Lạp và trong Địa Trung Hải, đã có các người định cư vào khoảng 6,000 năm trước Công Nguyên (CN). Trong các năm từ 2,000 tới 1,400 trước CN, đảo Crete phát triển thành một nơi giàu có và hùng mạnh bởi vì nơi đây là trạm ngừng nghỉ của các hải trình mậu dịch giữa châu Âu và châu Phi, giữa châu Phi và châu Á.

Hòn đảo Crete có nền văn minh Minoan, đặt tên theo truyền thuyết về Vua Minos. Chuyện kể rằng trên đảo có con quỷ ăn thịt Minotaur, đầu bò rừng mình người, và các vị thần địa phương đã cấm Vua Minos không được giết con quỷ này nếu không muốn hòn đảo Crete bị tàn phá. Vua Minos bèn nhờ tới kiến trúc sư tài giỏi người Hy Lạp tên là Daedalus nghĩ ra một mê cung (labyrinth) để nhốt con quỷ Minotaur. Vì người con của Vua Minos bị giết tại thành phố Athens, Hy Lạp, và để trừng phạt thành phố này, Vua Minos công bố rằng mỗi 9 năm, 7 người con gái và 7 người con trai của thành phố Athens phải bị gửi tới cho con quỷ Minotaur ăn thịt.

Theseus
Do thương xót các đứa trẻ vô tội, một anh hùng của xứ Hy Lạp tên là Theseus tự nguyện làm một nạn nhân. Khi tới đảo Crete, Theseus và cô con gái Ariadne của Vua Minos lại thương yêu nhau. Công chúa Ariadne hứa với Theseus sẽ giúp chàng giết con quỷ Minotaur, như vậy là phản bội vua cha, với điều kiện Theseus phải đưa nàng về Athens làm vợ. Theseus ưng thuận và giết được con quỷ nhờ dùng một cuộn chỉ dài và bản đồ của mê cung mà khi trước Daedalus đã giao cho công chúa Ariadne.

Cho tới thế kỷ 19 sau Công Nguyên, nền văn minh Minoan chỉ được biết qua truyền thuyết. Chưa có các di vật hay bằng chứng nào chứng minh về nền văn minh này. Tuy nhiên, vào năm 1894, nhà khảo cổ người Anh là Sir Arthur Evans bắt đầu đào bới trên hòn đảo Crete. Các khám phá tìm thấy là những tàn tích của một lâu đài hoàng gia tại Knossos nằm trên một diện tích 6 mẫu (acres) xây dựng giống như một mê cung với nhiều phòng và các hành lang và ở dưới nền cung điện có một hệ thống dẫn nước.

Các tấm bản viết bằng đất, khai quật được cho thấy rằng nền văn minh Minoan đã hiện hữu. Những người thuộc nền văn minh này đã biết làm các dụng cụ và vũ khí bằng đồng. Các người Minoans là dân tộc đầu tiên trong lịch sử đã biết dương buồm đi xa trên biển khơi. Nhờ nền mậu dịch với các sản phẩm như dầu olive, rượu, đồ gốm và đồ sắt, đảo Crete trở nên giàu có và người dân đã chịu ảnh hưởng của các xứ sở bên ngoài đồng thời bên trong nước  làm phát triển về hội họa, điêu khắc và kiến trúc.

Nghệ thuật của người Minoan thể hiện qua các bức vẽ cho thấy cộng đồng này yêu thích thể thao và thiên nhiên và tại xứ sở này, người đàn bà có quyền hưởng tự do và trình độ xã hội ngang với đàn ông. Sir Arthur Evans còn tìm thấy các bức tranh tường vẽ các cảnh nhẩy bò rừng (bull dancing) và có lẽ đây là một thứ lễ tôn giáo của địa phương và địa điểm là một hí viện ngoài trời.

Vào khoảng năm 1900 trước Công Nguyên (CN), dân tộc Mycenaeans sống tại Biển Caspian đã xâm lăng bán đảo Hy Lạp. Họ dựng nên các thành phố có thành lũy, chẳng hạn như thành phố Mycenae và chung quanh thành là các làng mạc với dân làng trồng trọt cho các vua chúa. Dân tộc Mycenaeans đã học hỏi từ dân tộc Minoans phương cách mậu dịch rồi tới năm 1450 trước CN, họ chiếm được thành phố Knossos và tàn phá các thành phố khác trên đảo Crete vào các thế kỷ sau. Tuy nhiên người Minoans đã đánh bại được người Mycenaeans vào năm 1400 trước CN dù rằng nền thương mại trong vùng biển Aegean vẫn còn nằm trong tay người dân của thành phố Mycenae.

Trong hai thế kỷ từ 1400 tới 1200 trước CN, thành phố Mycenae là trung tâm văn hóa và chính trị của xứ Hy Lạp và của các hòn đảo trong vùng biển Aegean. Nhiều sắc dân tại Hy Lạp đã dùng chung một ngôn ngữ, thờ phượng chung các loại thần linh trong đó Thần Zeus là chúa tể. Người dân tin tưởng rằng các thần linh cư ngụ trên ngọn núi Olympus nằm về phía đông bắc của xứ Hy Lạp.

Xã hội Hy Lạp phát triển đồng thời đã có nhiều câu truyện thần thoại cắt nghĩa sự liên lạc giữa các thần linh, giữa thần linh với người dân. Các thần thoại này cũng giải thích thế giới được thành hình ra sao, vì sao mặt trời mọc và lặn … Khi nền văn minh của các sắc dân sống trong vùng biển Aegean phát triển, đã có một thành phố trở nên rất thịnh vượng nhờ địa điểm đặc biệt quan trọng: thành phố Troy nằm trên eo biển Hellespont mà ngày nay được gọi là eo biển Dardanelles. Thành phố Troy đã kiểm soát nền mậu dịch của hai vùng biển Aegean và biển Đen (the Black Sea) và chung quanh biển Đen là các miền đồng bằng sản xuất ra rất nhiều lương thực.

Homer
Sau năm 1300 trước CN, nền mậu dịch của xứ Hy Lạp với phần phía đông của Địa Trung Hải suy tàn, một phần do chiến tranh giữa các lãnh chúa Hy Lạp. Thời gian khủng hoảng này được kể lại qua hai tập thơ anh hùng ca là "Iliad" (Trận Chiến Thành Troy) và "Odyssey" (Hành Trình Hồi Hương), sáng tác do một nhà thơ mù người Hy Lạp tên là Homer. "Iliad" là câu chuyện chiến tranh giữa người Mycenaeans và người dân thành Troy cùng các hậu quả bi thương, còn tập thơ "Odyssey" mô tả nhiều chuyến đi mạo hiểm trong 10 năm trường để trở về nhà của người anh hùng Odysseus sau khi trận chiến tranh Trojan kết thúc.

Hơn 700 năm sau thời đại của Homer tức là giữa các năm 30 và năm 19 trước Tây Lịch, nhà thơ La Mã Vergil cũng kể lại về sự tàn phá của Thành Troy trong tập thơ anh hùng ca "Aeneid". Câu chuyện này mô tả rằng các người lính chiến Mycenaeans đã chiếm được Thành Troy nhờ con ngựa gỗ thật lớn có binh lính phục sẵn bên trong.

2/ Trận Chiến Thành Troy (Sử Thi Iliad).

Người ta cho rằng đại thi hào Homer đã sáng tác ra hai tập thơ anh hùng ca Iliad và Odyssey. Iliad là câu truyện kể về phần cuối của cuộc chiến tranh Trojan. Đây là trận chiến tranh giữa người Hy Lạp và người dân của thành phố Troy, còn Odyssey là câu truyện trở về quê hương của các chiến sĩ Hy Lạp sau chiến thắng.

Aphrodite
Theo thần thoại Hy Lạp, trận chiến tranh Trojan xẩy ra vì một biến cố trong bữa tiệc cưới của Peleus, Vua xứ Phthia, với nàng Thetis, một nữ thần biển khơi. Tất cả các thần linh nam nữ đều được mời tới dự tiệc ngoại trừ Eris, nữ thần của sự bất hòa (discord). Do giận dữ, Eris tìm cách gây rắc rối, nên đã gửi tới bữa tiệc một trái táo bằng vàng có ghi rõ "dành cho người đàn bà đẹp nhất".

Ba nữ thần là Hera, Athena và Aphrodite đều tranh giành nhau trái táo vàng và đã xẩy ra cuộc cãi cọ. Người xét xử vụ rắc rối này là Hoàng Tử Paris, con trai của Vua Priam của kinh thành Troy. Paris trao trái táo vàng cho nàng Aphrodite bởi vì nữ thần này hứa hẹn với Paris rằng sẽ dành cho chàng cô nàng Helen, người phụ nữ đẹp nhất thế gian. Thế nhưng Helen đã là vợ của Menelaus, Vua của xứ Sparta thuộc Hy Lạp. Khi Paris đến thăm xứ Sparta, Helen đã bị quyến rũ và theo Paris về Thành Troy. Vua Menelaus bèn cùng người em là Agamemnon tổ chức một đạo quân viễn chinh lớn để đánh Thành Troy, đòi lại nàng Helen.

Đạo quân Hy Lạp gồm các anh hùng như Achilles, Ajax, Nestor và Odysseus (tiếng La Tinh gọi là Ulysses). Cuộc vây hãm Thành Troy kéo dài trong 10 năm mà không có kết quả. Trong năm cuối, danh tướng của đạo quân Hy Lạp là Achilles đã từ chối ra trận bởi vì bị Agamemnon xỉ nhục. Rồi quân Hy Lạp bị tướng Hector đánh đuổi tới tận các chiến thuyền. Sau khi người bạn là Patroclus bị Hector giết chết, Achilles đành phải xung trận và đã giết được Hector. Thi phẩm Iliad chấm dứt với đám tang của Hector.

Sự sụp đổ của kinh thành Troy được mô tả qua thi phẩm Aeneid theo đó người Hy Lạp đã làm ra một con ngựa gỗ thật lớn bên trong có Odysseus và vài chiến binh phục sẵn. Con ngựa gỗ được bỏ lại bên ngoài Thành Troy sau khi các chiến thuyền Hy Lạp rút đi. Trước chiến lợi phẩm bị bỏ lại, người dân Thành Troy muốn kéo con ngựa gỗ vào trong thành nhưng nhà tiên tri nữ Cassandra và tu sĩ Laocoon đã ngăn cản việc này.

Một tù nhân người Hy Lạp là Sinon lại thuyết phục dân chúng Thành Troy rằng con ngựa gỗ thì linh thiêng và chiếm được nó sẽ mang lại sự bảo vệ của các thần linh. Dân chúng Thành Troy bèn kéo con ngựa gỗ vào trong thành. Tới nửa đêm, khi các chiến thuyền Hy Lạp trở lại và binh lính Hy Lạp đổ bộ lên bờ, trong khi dân chúng còn đang ngủ say vì tiệc rượu chiến thắng, Odysseus và các chiến sĩ Hy Lạp chui ra khỏi con ngựa gỗ, mở các cổng Thành Troy để các chiến binh bạn tràn vào. Đạo quân Hy Lạp đã tàn sát dân chúng và đốt Thành Troy, chiếm lại nàng Helen. Theo tập thơ Aeneid, một vài chiến sĩ của Thành Troy đã sống sót trong đó có Aeneas và con cháu của viên tướng này về sau tạo dựng nên Kinh Thành Rome.

3/ Ngành Khảo Cổ và Trận Chiến Thành Troy.

Thực sự, đã có cuộc chiến tranh Trojan như đã được kể lại hay không? Có người không tin rằng thực sự có kinh thành Troy và cuộc chiến tranh Trojan chỉ do trí tưởng tượng, nhưng người Hy Lạp tin chắc đã xẩy ra cuộc chiến kể trên.

Vào cuối thế kỷ 19, có một người say mê đọc hai thi phẩm của Homer, lúc còn nhỏ tuổi và hoàn toàn tin tưởng rằng đã có Thành Troy, đó là ông Heinrich Schliemann, người Đức. Năm 1870, ông Schliemann bắt đầu đào bới tại tỉnh Hissarlik, thuộc nước Thổ Nhĩ Kỳ, nơi mà ông tin rằng Thành Troy đã bị chôn vùi. Ông Schliemann cũng khai quật tại Pylos là thành phố của Nestor và tại Mycenae là thành phố cai trị do Agamemnon, nhà lãnh đạo đoàn quân viễn chinh Hy Lạp kể trong truyện Iliad.

Các khám phá của nhà khảo cổ người Đức này đã làm cho nhiều người phải ngạc nhiên, phải công nhận giá trị của bộ môn Khảo Cổ và khiến cho nhiều học giả phải công nhận sự hiện hữu của Thành Troy mà 2,500 năm về trước, Homer đã mô tả. Các nhà khảo cổ cũng cho biết địa điểm của nhiều thành phố và các di vật cũng gồm nhiều thứ như áo giáp, cung tên…

Thế nhưng đại thi hào Homer lại không nói rõ câu chuyện ở vào thời đại nào trong lịch sử bởi vì người chiến sĩ kể trong thi phẩm Iliad có thể dùng các giáo mác của thế kỷ thứ 12 trước CN, dùng xe trận của thế kỷ thứ 9, theo đội hình hành quân của thế kỷ thứ 8 trước CN và sự thiếu chính xác khiến cho người ta nghi ngờ rằng mỗi thi phẩm có thể do vài người sáng tác.

Nhà khảo cổ Heinrich Schliemann khi đào bới địa điểm của Thành Troy đã thấy rằng không phải chỉ có một thành phố mà đã có 9 lớp đất chứng tỏ 9 thành phố xếp chồng lên nhau và như vậy lớp đất nào thuộc về cuộc Chiến Tranh Trojan? Theo các nhà khoa học khảo cổ, thành phố Troy thứ nhất là một loại định cư nhỏ, vào thời đại đồ đồng ban đầu, đã bị tàn phá vì hỏa hoạn. Sau đó là thành phố Troy thứ hai thịnh vượng hơn, rồi thứ 3, 4, 5, mỗi thời kỳ dài khoảng 100 năm và cư ngụ do cùng một giống người. Thành phố Troy thứ 6 được xây dựng vào khoảng năm 1900 trước CN, cư ngụ do một lớp người mới, điều này chứng tỏ bằng cách xây nhà ở và các đồ gốm khác với loại của các lớp đất trước.

Điều đặc biệt là những người dân Thành Troy này liên hệ khá gần với người Hy Lạp, có vẻ như họ thuộc vào cùng một thời kỳ phát triển và bành trướng tới tận Ái Nhĩ Lan và Ấn Độ. Các đồ gốm khai quật được của thành phố Troy-6 có kỹ thuật cùng loại với của thành phố Mycenae, chứng tỏ người dân Troy có cùng tổ tiên hay đã có cùng một dân tộc sống tại Troy và xứ Hy Lạp. Điều đặc biệt khác liên kết hai địa điểm là con ngựa. Đã không có dấu tích của con ngựa trong các lớp đất của thành phố Troy-5 trở về trước.

Thành phố Troy-6 bị tàn phá do động đất vào năm 1275 trước CN, kế tiếp là Troy 7-a với các đặc điểm sau: thứ nhất, nhiều gia đình của thành phố này có các bình, các vại lớn chứa nhiều lương thực khi bị bao vây; thứ hai, thành phố bị tàn phá vì hỏa hoạn, đây là số phận thường thấy khi một nơi bị thua trận; thứ ba hai bộ xương người được tìm thấy nằm bên ngoài trời, có vẻ như của người bị giết do một thứ võ khí; thứ tư, thời điểm của thành phố Troy 7-a có thể là năm 1250 trước CN, một niên biểu đề cập bởi Sử Gia Herodotus người Hy Lạp của thế kỷ thứ 5 trước CN. Vì vậy rất có thể đây là nơi và thời điểm của cuộc Chiến Tranh Trojan.


Trận chiến Trojan diễn ra một thế kỷ trước cuộc xâm lăng của người Dorians, với nhiều thành phố Hy Lạp bị tàn phá. Trong khoảng thời gian 400 năm, từ năm 1150 tới năm 750 trước CN, chưa có chữ viết tại Hy Lạp nhưng thơ phú đã được sáng tác và đọc truyền khẩu. Tùy theo loại xã hội mà có các loại thơ khác nhau. Các người Dorians là dân tộc có tính cộng đồng (a communal people). Họ sống và làm việc cùng với nhau, và tinh thần cộng đồng này đã sinh ra xã hội Spartans của thế kỷ thứ 5 và thứ 4 trước CN. Thơ phú phát triển trong xã hội cộng đồng này biểu hiện các cảm xúc tập thể của các nhóm người rồi sau trở thành loại bài hát đồng ca.

Trái với tinh thần tập thể phát triển tại vùng đất phía tây là bán đảo Hy Lạp, tại vùng Ionia gồm các hòn đảo nằm trong biển Aegean và bờ biển của miền Tiểu Á, đã có tinh thần cá nhân và loại thơ phú của miền đất này đọc lên do một người, ca tụng tinh thần của từng cá nhân. Hai tập thơ dài Iliad và Odyssey là loại thơ phú ca ngợi các thành quả cá nhân. Câu hỏi đầu tiên đặt ra là làm sao một người có thể nhớ nổi một tập thơ dài vào khoảng 350 trang viết? Người ta đã thấy rằng trong một xã hội mù chữ, trí nhớ của con người trở thành tốt hơn và ngay cả tại xứ Nam Tư ngày nay, đã có các thi sĩ đọc thuộc lòng được các tập thơ dài giống như thi phẩm Iliad.

Homer, tác giả của hai thi phẩm Iliad và Odyssey, sống vào khoảng các năm từ 800 tới 750 trước Công Nguyên. Đây là thời kỳ mà các mẫu tự (the alphabet) của các thương nhân Phoenicians được dùng với ngôn ngữ Hy Lạp và nhờ vậy thơ phú của Homer được viết ra chữ, khác hẳn với các thời đại trước đó. Việc dùng chữ viết được truyền bá, các lời thơ của Homer cũng vậy. Vào thời xa xưa đó, trẻ em Hy Lạp học thơ Homer giống như trẻ em ngày nay đọc Thánh Kinh hay đọc thơ của  Shakespeare, nhưng thơ của Homer đã bị chép tay một cách sai lạc trên loại giấy papyrus dễ bị hư hỏng tại xứ Hy Lạp ẩm thấp.

Vào khoảng thế kỷ thứ 3 trước CN, thành phố Alexandria được Đại Đế Alexander thành lập tại Bắc Phi rồi dưới triều đại của Vua Ptolemy I, một thư viện được lệnh xây dựng để sưu tập các tác phẩm Hy Lạp. Khi xét các bản chép tay hai thi phẩm Iliad và Odyssey, người ta đã thấy rằng chúng khác nhau, có cả các tập chép thiếu nhiều câu thơ. Ba học giả làm việc tại Thư Viện Alexandria là Zenedotus, Aristarchus và Aristophanes (khác với nhà viết kịch cùng tên của thế kỳ thứ 5 trước CN) đã làm việc cùng nhau để hiệu đính thành hai tác phẩm nguyên bản với các ghi chú và bình luận về Homer tại nhiều nơi trong hai tập thơ.

Trong thời Trung Cổ, các thi phẩm của Homer cũng như của các tác giả Hy Lạp danh tiếng khác được chép tay trên loại giấy bền hơn và bản ấn loát đầu tiên của hai thi phẩm Iliad và Odyssey là do Demetrius Damilas thực hiện vào năm 1488 tại thành phố Florence, nước Ý.

4/ Tác giả Homer.

Homer (850 trước CN) là tác giả huyền thoại của hai sử thi Iliad (Trận Chiến Thành Troy) và Odyssey (Hành Trình Hồi Hương). Các học giả đã tin tưởng rằng Homer là một thi sĩ kiêm ca sĩ mù hát rong, đã ra đời tại Chios và là người đã chứng kiến Cuộc Chiến Tranh tại Kinh Thành Troy (the Trojan War).

Homer đã đi hát dạo tại nhiều nơi trong xứ Hy Lạp. Homer còn có thể là tên huyền thoại của nhiều thi sĩ kiêm ca sĩ hát rong người Hy Lạp và họ là tác giả tập thể của hai cuốn sử thi đã được sáng tác trong hơn 100 năm. Mặc dù đã không có sự chắc chắn về tác giả, nhiều người vẫn tin tưởng rằng quả thực là đã có nhà thơ Homer là người đã viết ra hai sử thi và đã sinh sống trong thời gian từ thế kỷ thứ 9 tới thế kỷ thứ 8 trước Công Nguyên.

Theo học giả Barry B. Powell, hai sử thi Iliad và Odyssey đã được Homer sáng tác trong thời gian từ năm 800 tới năm 750 trước CN và căn cứ vào sự xác nhận của sử gia Herodotus là người đã sinh sống vào phần sau của thế kỷ thứ 5 trước CN, thì Homer đã sinh sống vào khoảng 400 năm trước Herodotus.

5/ Các chi tiết về Sử Thi Iliad.


  • Thời gian và địa điểm của thi phẩm: không rõ, có lẽ vào khoảng năm 750 trước Công Nguyên tại phần đất chính của xứ Hy Lạp.
  • Lần đầu tiên phổ biến: 750 – 675 năm trước Công Nguyên (CN).
  • Nhà xuất bản: không rõ.
  • Loại tác phẩm: thơ anh hùng ca với các chuyện thần thoại dân gian.
  • Ngôn ngữ: tiếng Hy Lạp thời cổ xưa.
  • Thời gian của thi phẩm: thời đồ đồng (vào khoảng TK 13 hay TK 12 trước CN).
  • Địa điểm: kinh thành Troy
  • Người kể chuyện: một nhà thơ biết rõ mọi chuyện trong vai người thứ ba.

Tác giả: Nhà Thơ Homer (thế kỷ thứ 9 hay thứ 8 trước CN) cũng là tác giả của Thi Phẩm Odyssey (Hành Trình Hồi Hương). Nhà Thơ Homer này  đã từng đi chu du và ca hát khắp nước Hy Lạp vào thời cổ xưa. Homer cũng có thể là tên theo truyền thuyết của nhiều nhà thơ và ca sĩ Hy Lạp và họ là tác giả tập thể trong hơn 100 năm của 2 tác phẩm Iliad (Trận Chiến Thành Troy) và Odyssey (Hành Trình Hồi Hương).

Mặc dù ngày nay người ta không tin chắc là thực sự đã có Thi Sĩ Homer nhưng nhiều người vẫn còn đồng ý tin tưởng rằng Nhà Thơ Homer là đã hiện hữu và đã viết ra 2 thi phẩm kể trên.

Địa điểm của Tác Phẩm: các cánh đồng của miền Troy (còn được gọi là Ilium) ở bờ biển phía bắc của nước Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey). Trận chiến trải dài từ trại đóng quân Hy Lạp trên cánh đồng gần bờ biển tới các bức tường thành cao của Kinh Thành Troy, với nhiều hình ảnh chiến tranh bên trong Thành Troy và trên các cánh đồng. Các nơi chiến trận của các thần linh thì thường diễn ra trên núi Olympus, là khu vực cư ngụ của các thần linh.

Thời gian của Sử Thi Iliad: Thi phẩm này mô tả 53 ngày trong năm thứ 10 của Trận Chiến Thành Troy (the Trojan War) với 12 ngày được kể đầy đủ chi tiết.

6/ Các nhân vật chính trong Tác Phẩm.

A/ Các Thần Linh.

  • Zeus: Vua của các thần linh, oai vệ, nhiều quyền lực, thường có các cảm xúc mãnh liệt, thiên về phe Thành Troy.
  • Poseidon: thần linh của biển khơi, em của Thần Zeus, thiên về phe Hy Lạp.
  • Athena: con gái cưng của Thần Zeus, là nữ thần của chiến tranh, ưa thích Achilles, thiên về phe Hy Lạp.
  • Hera: Nữ Hoàng của các thần linh, có thể bị quyền rũ, thiên về phe Hy Lạp.
  • Apollo: thần linh của sự tiên tri, của thơ phú, âm nhạc và nghệ thuật bắn cung, là thần linh gây ra bệnh dịch, ưa thích Hector, thiên về phe Thành Troy.
  • Aphrodite: nữ thần của tình yêu, đẹp, hấp dẫn, ưa thích Helen và Paris, thiên về phe Thành Troy.

B/ Phe Hy Lạp.

  • Achilles: anh hùng quan trọng nhất của phe Hy Lạp, là lãnh tụ của đội quân Myrmidon, trẻ vào khoảng trên 20 tuổi, con trai của nữ thần Thetis và người thường Peleus. Achilles là chiến sĩ can đảm, thông minh, thẳng thắn, hãnh diện, tính tình nóng nảy và nhậy cảm.
  • Patroclus: bạn của Achilles, là chiến sĩ dũng mãnh, tử tế và có lòng thương mến người khác.
  • Agamemnon: Vua của xứ Mycenae, lãnh tụ của cuộc viễn chinh tới Thành Troy, tuổi trung niên, là nhà lãnh tụ và chiến sĩ quan tâm tới địa vị và quyền lực, thường không quyết định vì gánh nặng trách nhiệm.
  • Menelaus: Vua của xứ Sparta, em của Vua Agamemnon, chồng của Helen, cam đảm, dễ chịu.
  • Odysseus: Vua của xứ Ithaca, khôn khéo, cam đảm, biến báo.
  • Diomedes: Vua của xứ Argos, trẻ trung, tuổi vào khoảng trên 20, dẫn đầu toán quân Hy Lạp được kể trong các sách từ số 5 tới số 7.

C/ Phe Kinh Thành Troy.

  • Hector: là chiến sĩ bậc nhất của phe Thành Troy, có lẽ tuổi vào khoảng trên 30, là người chồng biết quan tâm tới vợ và con, cam đảm, có lòng nhân từ và tình cảm, tận tụy để bảo vệ quê hương dù cho rằng phe Thành Troy sẽ bị thua trận.
  • Andromache: giàu tình cảm, yêu quý vợ của Hector và bé Astyanax.
  • Paris: hoàng tử của Kinh Thành Troy, là em của Hector, đã dụ dỗ Helen ra khỏi xứ Sparta nên đã khiến cho xẩy ra cuộc chiến tranh, là người ưa thích đời sống thanh bình hơn là chiến tranh.
  • Priam: Vua cũ của Kinh Thành Troy, là người can đảm, đau buồn vì chiến tranh và vì các con cháu, các người dưới quyền đã bị tử trận.
  • Helen: vợ cũ của Menelaus, vợ mới của Paris, là phụ nữ đẹp nhất trên thế gian, ưa thích Priam và Hector, không vui sướng khi là nguyên nhân của Trận Chiến Thành Troy.

7/ Cốt truyện của Sử Thi Iliad (Trận Chiến Thành Troy).

Cuốn truyện Iliad chỉ đề cập tới một phần của trận chiến tranh Trojan tức là vài tháng trong 10 năm vây Thành Troy. Theo truyền thuyết, kinh thành Troy là một nơi rất thịnh vượng, được sự bảo vệ từ các người con của Thần Zeus. Đây là vị thần tối cao ngự trị trên đỉnh núi Olympus. Vua của kinh thành Troy là Laomedon quyết định xây dựng một bức tường thành rất lớn để bảo vệ thành phố nhờ đó binh linh Hy Lạp không thể xâm phạm. Muốn thành công khi xây thành, cần phải cầu khẩn các thần linh giúp đỡ và vị thần của biển khơi là Poseidon tình nguyện trợ giúp với điều kiện được đền bù các công sức, nhưng khi bức tường thành đã được xây xong rồi, người Trojans từ chối tạ ơn thần Poseidon. Thành lũy vì vậy không được các thần linh bảo vệ nữa, nên có thể bị tổn thương.

Khi cuộc chiến tranh Trojan xẩy ra, Vua của kinh thành Troy tên là Priam, có Hoàng Hậu là Hecuba và theo truyền thuyết, nhà vua có 49 người con trong đó có Hector, nhà tiên tri nữ Cassandra, Paris... Khi mang thai Paris, Hoàng Hậu Hecuba được báo trong một giấc mộng rằng Paris sẽ là nguyên do khiến cho kinh thành Troy bị tàn phá. Vài nhà bói toán cũng xác nhận lời báo mộng này nên vì sự an toàn của kinh thành, Hoàng Hậu Hecuba đồng ý đem bỏ đứa trẻ sơ sinh Paris trên núi Ida cho tới chết, thế nhưng Paris đã được các người chăn cừu cứu sống và lớn lên thành một anh chăn cừu, không biết tới nguồn gốc hoàng gia của mình.

Trước khi cuộc chiến tranh xẩy ra, Thần Zeus đã xếp đặt để nữ thần Thetis kết hôn với Vua Peleus là một người thường và cặp vợ chồng này sẽ sinh ra Achilles. Vào buổi tiệc cưới, tất cả các thần linh nam nữ đều được mời ngoại trừ nữ thần của sự bất hòa tên là Eris. Để gây ra rắc rối, Eris đã tặng cho đám khách mời một trái táo bằng vàng trên đó có khắc câu "giành cho người đàn bà đẹp nhất". Có ba nữ thần tranh giành nhau trái táo vàng và họ xin Thần Zeus xét xử. Thần Zeus từ chối khéo và chỉ định anh chăn cừu Paris đang chăn đàn cừu gần đó, xét xử vụ tranh chấp.

Ba nữ thần bèn tới gặp Paris và mỗi vị nữ thần đều tìm cách hối lộ anh chàng chăn cừu:

  • Hera đề nghị tặng quyền lực và một vương quốc giàu có, 
  • Athena hứa hẹn sự khôn ngoan và các thành công quân sự
  • Aphrodite hứa trao đổi "tình yêu", một mối tình với người đàn bà đẹp nhất trên thế gian tên là Helen. Vì thế Paris đã chọn Aphrodite và trở thành kẻ thù của Hera và Athena. Hai nữ thần này thề nguyền sẽ làm hại Paris và tàn phá kinh thành Troy.

Sau đó Paris trở về kinh thành Troy và phục hồi được địa vị của mình là người con chính thức của Vua Priam và Hoàng Hậu Hecuba. Trong chuyến đi qua xứ Sparta, Paris tới thăm triều đình của Vua Menelaus, quyến rũ được người đẹp Helen và mang nàng qua kinh thành Troy. Sau chuyến đi xa về, Vua Menelaus thấy bị mất vợ nên đã tập hợp một số tướng lãnh để đánh chiếm Thành Troy, đòi lại nàng Helen. Các tướng tá Hy Lạp đều đồng ý chiến đấu vì sự mất danh dự này và như vậy Paris là người đã gây ra cuộc chiến tranh Trojan và lời báo mộng khi trước dần dần trở thành sự thực.

Achilles
Trong số các tướng lãnh Hy Lạp, vài người đã lo lắng khi gặp chiến trận. Odysseus được lời tiên tri báo cho biết anh ta sẽ phải xa nhà trong 20 năm, vì vậy Odysseus đã giả điên nhưng không thành và phải tham gia cuộc viễn chinh. Còn Achilles bị cảnh cáo rằng sẽ chết trẻ. Vì vậy mẹ của Achilles đã thay đổi hình dạng của Achilles bằng y phục phụ nữ nhưng vẫn bị Odysseus khám phá ra và phải đồng ý ra đi. Các người Hy Lạp đều biết rằng không thể hạ nổi Thành Troy nếu không có Achilles giúp sức bởi vì đây là viên tướng dũng mãnh nhất trên đời, khi xung trận không thể bị thương tích do lúc sơ sinh được người mẹ nhúng thân thể vào trong dòng sông Styx, ngoại trừ gót chân là chỗ tay cầm của bà mẹ.

Đoàn quân viễn chinh đánh Thành Troy được thành lập. Người em của Vua Menelaus là Vua Agamemnon được chọn làm tư lệnh. Một ngàn chiến thuyền đã được tập trung, chờ ra khơi nhưng gió không nổi lên. Sau khi cầu khẩn và tìm hiểu nguyên do, các thầy bói toán đã cho biết sở dĩ không có gió mạnh bởi vì vua Agamemnon đã giết con hươu linh thiêng của thần Artemis, nữ thần chủ về săn bắn. Không có cách nào làm nguôi giận nữ thần này ngoại trừ phải hy sinh Iphigenia là người con gái của Vua Agamemnon.

Trong nỗi đau lòng này, Vua Agamemnon đành phải gọi người con gái tới, lấy cớ là sẽ kết hôn với Achilles nhưng rồi sau khi Iphigenia bị hy sinh, gió mạnh bắt đầu thổi và đoàn thuyền viễn chinh ra đi. Đoàn quân Hy Lạp đã tới và bao vây Thành Troy với Achilles trấn giữ một đầu, đầu kia do Tướng Aias (Ajax). Sau 9 năm bị công phá, kinh thành Troy vẫn đứng vững dù rằng đạo quân Hy Lạp đã cướp phá các làng mạc chung quanh thành và vào năm thứ 8, đã bắt được hai người đàn bà rất đẹp, là Chryseis, được trao cho Vua Agamemnon và Briseis, được thưởng cho Achilles. Từ lúc này bắt đầu câu chuyện "Iliad".

Đoàn quân viễn chinh Hy Lạp không thể hạ nổi Thành Troy và đội quân Trojans vẫn không bị đánh bại trong khi đó hàng trăm quân lính Hy Lạp bị chết vì một thứ bệnh dịch bí mật. Cuối cùng, Achilles là viên tướng có uy tín nhất đành phải triệu tập một buổi họp để tìm ra nguyên do của tai họa. Các nhà bói toán suy đoán rằng sự kiêu căng của Vua Agamemnon đã là lý do gây ra tai họa và để chuộc lỗi, Vua Agamemnon phải trả người đẹp Chryseis, không được nhận như là một phần thưởng chiến tranh. Bất đắc dĩ phải đồng ý nhưng nhà Vua lại đòi người đẹp Briseis của Achilles là viên tướng tài giỏi nhất. Đây là lý do Achilles từ chối ra trận và rút quân dưới quyền về đóng trên bờ biển, gần đội chiến thuyền của mình. Achilles còn xin mẹ là một nữ thần, cầu xin với Thần Zeus giúp quân Thành Troy đánh thắng quân Hy Lạp. Thần Zeus đồng ý.

Trong một cuộc giao chiến giữa hai đạo quân Trojans và Hy Lạp, Hoàng Tử Paris là người đã quyến rũ vợ của Vua Menelaus khi trước, đã thách thức tướng tá Hy Lạp song đấu. Vua Menelaus xông ra, sắp sửa giết chết Paris thì nữ thần Aphrodite đưa Paris về một căn phòng bên trong kinh thành Troy. Sau một khoảng thời gian ngưng chiến ngắn, trận chiến lại tiếp diễn và Vua Menelaus bị thương. Viên tướng Hy Lạp Diomedes liền xông trận, giết được nhiều binh lính Thành Troy, làm bị thương cả nữ thần Aphrodite.

Trước cảnh quân thành Troy bị thua, Hector trở về nhà và xin mẹ cúng phẩm vật cho nữ thần Athena nhưng bị nữ thần từ chối giúp đỡ. Hector cũng tìm ra Paris lẩn trốn nên đã xỉ mắng người em này, bắt phải trở lại trận tuyến rồi Hector cũng thăm viếng người vợ và đứa con trai còn thơ, nhận ra trách nhiệm rất nặng nề vừa đối với gia đình, vừa đối với nhiệm vụ là tư lệnh quân đội.

Trận chiến càng tiếp diễn, quân đội Hy Lạp càng suy tàn. Do e ngại toàn thể quân Hy Lạp có thể bị giết chết, nữ thần Athena cùng với thần Apollo đề nghị Hector song đấu để giải quyết cuộc tranh chấp. Tướng Telamonian Aias (Ajax) đã xông ra, đánh nhau rất anh dũng với Hector không phân thắng bại. Sau cuộc đình chiến, trận đánh lại tiếp diễn và binh lính Hy Lạp bị giết rất nhiều. Vua Agamemnon muốn rút quân nhưng không được, nên đã yêu cầu Achilles ra trận, viên tướng này vẫn từ chối và án binh bất động. Tới khi Vua Agamemnon, các tướng Diomedes, Odysseus và Nestor đều đã bị thương nặng, Achilles mới cho viên tùy tướng Patroclus đi tìm hiểu sự thực.

Nestor là viên tướng già, người khôn ngoan nhất, đã khuyên Patroclus nên mượn bộ áo giáp của Achilles để ra trận, và cách này sẽ làm gia tăng tinh thần chiến đấu của quân Hy Lạp đồng thời hình ảnh đó sẽ gây ra sợ hãi cho quân Trojans. Viên tướng Patroclus vì vậy đã xin phép Achilles được giả trang trong bộ áo giáp đó và sau đó đã chém giết quân địch rất tàn bạo. Nhưng nhờ thần Apollo trợ giúp, Hector đã giết được Patroclus, lấy được bộ áo giáp nhưng xác của Patroclus được quân Hy Lạp mang về. Achilles rất buồn rầu khi hay tin người bạn của mình tử thương, đồng thời mẹ của Achilles là Thetis cũng báo cho con trai biết sự nguy hiểm sẽ tới nếu người con tìm cách báo thù cho Patroclus. Dù sao, nếu Achilles còn quyết định ra trận thì bà mẹ sẽ tặng cho con một bộ áo giáp mới do một vị thần làm ra.

Achilles đã coi thường cõi chết, muốn trừng phạt quân Trojans. Trong bộ áo giáp mới, Achilles và đội quân Hy Lạp đã đánh đuổi quân Trojans, giết chết Hector là viên tướng dũng mãnh nhất. Do cơn giận dữ chưa nguôi, Achilles còn buộc xác Hector vào chiến xa và kéo cái xác này chung quanh nấm mồ của Patroclus trong 9 ngày liền. Cha mẹ của Hector rất đau khổ trước cảnh trả thù tàn ác, nên Vua Priam đã đích thân xin Achilles được mang xác Hector về. Do nhớ lại người cha của chính mình khi xưa, Achilles đồng ý trả xác và người dân Thành Troy đã đặt thi thể Hector trong một quan tài bằng vàng trong lễ hỏa táng.

Sau đám tang của Hector, người Trojans kêu gọi vài đạo quân khác tới giúp sức và quân Hy Lạp lại bị thiệt hại nặng nề. Rồi trong một trận đánh, Achilles gặp Paris. Nhờ sự giúp đỡ của thần Apollo, Paris đã dùng một mũi tên bắn trúng gót chân bên phải của Achilles và đây là yếu điểm duy nhất của viên tướng này. Odysseus và Aias (Ajax) đã phải tận tình chiến đấu mới cướp về được xác của Achilles nhưng rồi một cuộc tranh giành đã xẩy ra, vì bộ áo giáp rực rỡ của Achilles. Khi Odysseus được xử lãnh bộ áo giáp đó thì Aias nổi giận, đe dọa sẽ giết hết các tướng tá Hy Lạp. Sau đó, do nhận ra việc làm sai trái, Aias đã hối hận và tự sát.

Từ cái chết của nhiều binh lính và hai dũng tướng là Achilles và Aias, đội quân Hy Lạp rất lo âu trước việc đánh Thành Troy. Khi đó các nhà bói toán cho biết rằng cần tới bộ cung tên của Heracles (Hercules) hiện đang ở trong tay của Hoàng Tử Philoctetes là người Hy Lạp đã bỏ về nước vì vết thương không lành. Odysseus và Diomedes được cử đi và thuyết phục được Philoctetes cho mượn cung tên, nên trong lần đụng trận đầu tiên, quân Hy Lạp đã giết được Paris, nhưng cái chết này đã không ảnh hưởng tới cuộc chiến.

Sau đó, quân Hy Lạp muốn chiến thắng phải làm một số công việc gồm:

  1. Mang xương của Pelops từ châu Á trở về Hy Lạp,
  2. Mang con trai của Achilles tới trận tuyến,
  3. Ăn cắp hình ảnh linh thiêng của nữ thần Athena trong thánh đường.

Tất cả các công việc này đã được thi hành mà vẫn không có kết quả trong việc đánh hạ Thành Troy.

Về sau, Odysseus nghĩ ra một kế hoạch nhờ đó quân Hy Lạp có thể đột nhập vào bên trong Thành Troy: làm một con ngựa gỗ rất lớn rồi chờ đêm tối, vài chiến binh Hy Lạp chui vào bên trong con ngựa. Tiếp theo, các binh lính Hy Lạp đốt lều trại, dương buồm ra khơi và chờ đợi tại một hòn đảo gần đó.

Sáng ngày hôm sau, người dân Trojans thấy rằng quân Hy Lạp đã rút đi hết và bỏ lại một con ngựa gỗ khổng lồ. Một người dân Hy Lạp tên là Sinon cũng bị bắt làm tù binh. Anh chàng này đã được Odysseus dạy cho các câu chuyện đáng tin cậy về việc quân lính Hy Lạp rút đi, về con ngựa gỗ và sự ở lại của anh ta. Sinon cho Vua Priam và các người Trojans biết rằng thần Athena không còn bảo vệ người Hy Lạp nữa vì hình ảnh của nữ thần trong thánh đường bị ăn cắp. Do không được nữ thần giúp đỡ, quân Hy Lạp đã bị thua và vì vậy họ phải rút đi.

Để trở về xứ sở an toàn, quân Hy Lạp phải hy sinh mạng người sống và Sinon bị chọn làm con vật hy sinh, và anh ta đã bỏ trốn được. Con ngựa gỗ rất lớn được bỏ lại để làm nguôi giận nữ thần Athena và người Hy Lạp mong rằng người Trojan sẽ xúc phạm con ngựa này để bị nữ thần Athena căm giận. Các lời nói dối này đã làm cho Vua Priam và nhiều người Trojan tin tưởng vì vậy họ cho kéo con ngựa gỗ vào bên trong tường thành Troy để vinh danh thần Athena.

Đêm hôm đó, vài chiến binh bên trong con ngựa gỗ đã chui ra, giết chết các lính gác và mở cổng thành cho đạo quân Hy Lạp tiến vào. Quân Trojan không kháng cự nổi sau một đêm liên hoan vì chiến thắng. Khắp nơi trong kinh thành Troy bị phóng hỏa, dân chúng bị tàn sát, Vua Priam bị giết. Chỉ có Aeneas với người cha già, em trai và một nhóm nhỏ người Trojan chạy thoát. Đứa con nhỏ của Hector bị ném từ trên thành cao xuống, các đàn bà Trojan bị bắt làm nô lệ. Thành Troy bị tàn phá. Hera và Athena đã trả thù Paris xong.

8/ Các nhận xét về Sử Thi “Trận Chiến Thành Troy”.

a/ Các Thần Linh: Các người Hy Lạp cổ xưa đã tin tưởng vào các vị thần linh với 12 vị thần chính ở trên Núi Olympia. Các thần linh này có các cá tính của con người và cũng bị các khuyết điểm như lòng tham, sự dâm dật, sự ganh ghét và nỗi u buồn nhưng họ lại có quyền lực và bất tử, vì thế người Hy Lạp kính trọng các thần linh vì quyền lực và danh tiếng.

Trong truyện Iliad, các thần linh có thể là khôi hài, như Hera tìm cách quyến rũ Thần Zeus (sách 4). Các thần linh đòi hỏi người dân Hy Lạp phải tôn thờ họ và hy sinh vì họ và đôi khi các thần linh cũng tàn nhẫn, chẳng hạn như Thần Apollo tạo nên bệnh dịch trong trại quân Hy Lạp (sách 1).

Zeus
Thần Zeus là chúa tể của các thần linh và có quyền lực hơn tất cả các thần linh cộng lại. Thần Zeus định đoạt số mệnh của con người, có thể làm cho các thần linh khác hay con người thắng hay thua trận, sống hay chết…

Các thần linh cũng thường hay yêu mến các con người dưới trần thế, chẳng hạn như Thần Apollo thương mến Hector. Ảnh hưởng có tính cách linh thiêng này đã cắt nghĩa các cảm xúc bất ngờ, chẳng hạn khiến cho các người thường có được các vận may tốt hay xấu, thí dụ Thần Athena đã tránh cho Menelaus bị thương nặng (sách 4) nhưng các người dưới trần thế phải chịu trách nhiệm về các hành vi của họ.

b/ Các lời tiên tri và các điềm báo trước: tiên tri tức là nói trước về tương lai. Achilles đã được báo trước rằng ông ta có thể sinh sống một cuộc đời dài, buồn tẻ, hay là chết trẻ nhưng được mang danh dự anh hùng.

Các điềm báo trước là các biểu hiện về ý muốn của các thần linh cho biết về các biến cố trong tương lại, thí dụ bệnh dịch trong trại quân Hy Lạp là biểu hiện của sự bất mãn của Thần Apollo (sách 1).

Các điềm báo trước và các lời tiên tri đã xác định các chủ đề chính trong truyện, thí dụ sự tử trận của Achilles là dấu hiệu của sự sụp đổ của kinh thành Troy, hay các trận sấm chớp đã báo cho quân Thành Troy là họ sẽ thắng trận (sách 8).

c/ Đặc tính anh hùng: Xứ Hy Lạp của thời đại Iliad là thứ xã hội của nam giới, thiên về quân sự với đặc tính tôn trọng sự anh hùng trong đó danh dự (honor) là thứ cần thiết nhất.

Các người nam của thời đại này có thể trở nên xuất sắc theo một trong ba cách: do thực hiện được các công trình thông minh, do khuyên bảo các điều tốt lành (dành cho các người cao tuổi), hay tỏ ra can đảm trong trận mạc (dành cho các người trẻ tuổi).

Nhiều người Hy Lạp thời cổ đã coi chiến tranh là điều xấu nhưng lại cần thiết cho các danh dự của nam giới. Xã hội này đã tôn trọng các bậc anh hùng. Một người là quý tộc nhưng còn cần phải có các hành động anh hùng. Đặc tính anh hùng nhấn mạnh về thành quả cá nhân nhưng danh dự đòi hỏi tới danh tiếng và địa vị trong xã hội.

Việc chiếm đoạt các chiến lợi phẩm được coi là một dấu hiệu của danh dự, cũng vì thế mà các chiến sĩ Hy Lạp thời cổ xưa đã nhận lấy các áo giáp (armor) của các người tử trận và đây cũng là lý do tại sao Agamemnon đã nhận người đẹp Briseis và đây cũng là điều làm nhục Achilles.

Vào thời xa xưa đó, thái độ của người Hy Lạp là làm tốt cho các người bạn và làm hại các kẻ thù và các nhân vật như Hector, Patroclus có vẻ như khát máu đối với chúng ta ngày nay.

d/ Số phận của Kinh Thành Troy: Số phận của Kinh Thành Troy và người anh hùng Hector đã được mô tả trong tác phẩm Iliad và biểu lộ rõ ảnh hưởng của chiến tranh đối với con người. Đời sống trong Kinh Thành Troy thì phong phú hơn đời sống của dân Hy Lạp và tác giả Homer đã cho thấy nhân vật Hector được yêu mến và ông ta cũng quý mến gia đình của mình. Mặc dù không ưa thích chiến tranh, Hector đã là một chiến sĩ quan trọng, đã tạo nên ảnh hưởng tới các chiến sĩ khác và Hector còn là hình ảnh đối nghịch với sự cô đơn của Achilles.

e/ Cơn giận dữ của Achilles: Achilles là vị anh hùng lý tưởng của người Hy Lạp, ông ta thì can đảm, thông minh, đẹp trai, hãnh diện và được kính trọng. Lời tiên tri nói rằng Achilles có thể sống lâu trong một cuộc đời yên lặng hay là chết một cách anh hùng nơi chiến trường, và Achilles đã chọn lựa danh dự dù cho sẽ bị chết sớm. Achilles đã hiểu rõ ý nghĩa của cuộc đời và đã chấp nhận cái chết để là một vị anh hùng.

9/ Vài nhận xét về lời văn và cấu trúc.

Iliad là tập sử thi với các lời thơ dài với âm điệu xuất sắc trong việc kể chuyện. Trong cuốn truyện này, có nhiều từ kép và từ cổ xưa, văn phạm thì đơn giản và trực tiếp. Tác phẩm được chia ra làm 24 quyển sách và được gọi là sử thi (epic poem) bởi vì tác phẩm đã chú trọng tới một vị anh hùng, đó là Achilles, với một loạt các thành quả và được kể lại bằng các lời thơ đề cao.

Do bởi hệ thống chữ cái của xứ Hy Lạp cổ xưa khác với các chữ cái trong tiếng Anh nên có vài thay đổi khi viết ra tên của các nhân vật trong truyện, chẳng hạn như Hector/Hektor, Ajax/Aias, Menelaus/Menelaos…

Về quan điểm, tác phẩm mang tính kể chuyện. Tác giả Homer không phê phán các hành động của các nhân vật trong truyện mà đã trình bày mọi khía cạnh một cách mở rộng đối với người Hy Lạp, người của Kinh Thành Troy và các thần linh.

Trong tác phẩm Iliad, một nửa là các lời nói trực tiếp, cốt truyện và các ý tưởng được khai triển qua các đối thoại. Đối với người Hy Lạp, thơ phú là một quà tặng của các thần linh. Tác phẩm Iliad bắt đầu bằng các lời cầu nguyện tới vị thần Muses, nữ thần của các lời ca.

Người Hy Lạp thời xa xưa đã không phân biệt rõ giữa huyền thoại (myth) và lịch sử (history). Họ đã coi tác phẩm Iliad như một sự kiện lịch sử (a historical fact), một thứ đáng tôn trọng như Thánh Kinh, bởi vì đây là kiểu mẫu của các hành động anh hùng trong trận mạc và trong cả đời sống thường ngày.

Sử Thi Iliad đã phản ảnh các hồi tưởng về chiến tranh và chỉ quan tâm tới chiến sự và các vị anh hùng, đã ít đề cập tới giới phụ nữ và các người dân bình thường.

Iliad là tác phẩm ca ngợi chiến tranh và các đặc tính anh hùng.

Phạm Văn Tuấn

Tài liệu tham khảo: Wikipedia. Org., Britannica Encyclopedia, Cliffsnotes, Sparknotes.

Iliad
https://en.wikipedia.org/wiki/Iliad



Powered by Blogger.