Header Ads

Những Lằn Ranh Nghiệt Ngã


Tháng bảy năm năm mươi tư, một số thành phố và vùng quê miền Bắc được tiếp thu, người ta lũ lượt kéo về cảng Hải Phòng xuống tàu vào Nam, những người giàu có và công chức của chính phủ thì đi bằng máy bay, từ Hà Nội bay thẳng vào Sài Gòn. Dù đi bằng cách nào, thì lịch sử đã đánh dấu ngày chia đôi đất nước, đời sống dân chúng miền Bắc như khoác lên chiếc áo mới màu đen ảm đạm.

Giữa lúc ấy thầy tôi bỗng dưng trở bệnh, chứng đau bao tử của ông lần này nặng hơn, hết thuốc chữa. Biết khó qua khỏi, trước khi chết, thầy tôi dặn dò mẹ tôi hễ ma chay xong phải tìm đường đưa các con vào Nam, đó là quyết định cuối cùng của ông, dù trước đó thầy tôi không hề có ý định bỏ tất cả cơ nghiệp để ra đi.

Thầy tôi qua đời giữa cơn hỗn loạn của ngày đất nước chia hai. Còn một chút sức tàn và minh mẫn, thoi thóp như ngọn đèn lù mù sắp hết dầu, lóe lên một lần chót rồi tắt, thầy tôi đã hiểu thế nào là sự thay đổi của thời cuộc. Lý do thầy tôi bảo vợ đưa các con đi Nam, có lẽ chỉ thầy mẹ tôi hiểu với nhau, cả một sự nghiệp gầy dựng gần hai mươi năm đã vững vàng lắm, vậy mà thầy tôi không tiếc.

Chỉ ba hôm sau đám ma thầy tôi, một buổi sáng gần cuối năm, trời mùa Đông có mưa phùn và gió bấc, mẹ tôi dặn dò người bõ già, rồi gần như lén lút, dẫn ba đứa con nhỏ đi trước, để anh tôi ở lại đi sau với người bõ già, vì mọi người không dám đi cùng một lúc. Anh tôi khi ấy mới mười lăm tuổi, còn người anh lớn đã đi theo người bác vào Nam trong chuyến tàu trước.

Mẹ con dẫn nhau ra Hải Dương trú ngụ ở nhà người chị họ, mẹ tôi định quay về đón anh tôi thì một người cháu họ cũng vừa thoát được, gặp mẹ tôi với lời nhắn của anh: "Mẹ đừng về nữa, con sẽ tìm cách đi sau." Nếu ở lại chừng vài hôm, chắc mẹ tôi chẳng bao giờ còn đi đâu nữa.

Chờ đợi mãi mà không thấy anh tôi đến, chỉ còn chuyến tàu chót vào Nam, không còn cách nào hơn, mẹ tôi không thể quay về mà cũng không chờ đợi thêm được, đành gạt nước mắt ra đi. Cuối cùng thì anh tôi ở lại, chỉ bên này với bên kia dòng Bến Hải mà tưởng chừng vạn dặm, mẹ tôi vào Nam mang theo trong lòng bao đau đớn, khắc khoải vì bỏ lại một đứa con. Nỗi đau của người mẹ có một đứa con đã chết, có đau đớn nhưng cũng có nguôi ngoai, nhưng nỗi đau của một người mẹ phải chia lìa một đứa con còn sống, mà bất lực không biết con mình sống ra sao, lưu lạc phương nào, ở với ai khi không còn cha mẹ, sướng hay khổ, nó cứ ám ảnh mẹ tôi suốt một đời, mãi cho đến hơn hai mươi sau chiến tranh, mẹ con gặp lại nhau mừng mừng tủi tủi.

Lúc ấy tôi còn bé, chỉ biết là trên mảnh đất miền quê những ngày mới vào Nam, mỗi buổi chiều, khi đợt khói lam chiều tỏa từ mái nhà tranh bốc lên trời, theo gió chiều bay về một phương trời xa. Mẹ tôi nhìn lũ con bé dại mà rơi nước mắt, rồi lại xót xa nhắc tới anh tôi còn ở lại ngoài kia.

Nỗi buồn của mẹ tôi hình như cũng ảnh hưởng đến đám con côi. Chị em tôi tha thẩn chơi với nhau, lùi mấy củ khoai trong bếp lửa, hình dung đến người anh còn ở lại ngoài Bắc, đứa nào cũng ngậm ngùi. Ít lâu sau, người ta tìm cách liên lạc với người nhà còn kẹt lại miền Bắc. Qua ngả Cao Miên, mẹ tôi nhận được tấm bưu thiếp của anh tôi gửi vào, có một đoạn viết cho mẹ tôi: " Mẹ đi rồi, gia đình vẫn vui vẻ, bình an. Hai ông cháu vẫn tăng gia sản xuất, đời sống no đủ như xưa. Ai cũng mong ngày gia đình đoàn tụ...". Lá thư viết bằng mực tím, ngắn ngủi chỉ mấy hàng đã làm mẹ tôi khóc ròng rã. Làm sao mà vui vẻ, bình an khi gia đình tan tác, một ông già với một đứa trẻ con mười lăm tuổi làm gì có sức lao động mà tăng gia sản xuất? Không phải chỉ mình gia đình tôi mới tan tác như thế, thỉnh thoảng lại có người nhận tin từ miền Bắc, đưa cho nhau xem rồi mắt ai nấy đỏ hoe.

Chỉ vài năm sau, đất nước đã chia hai lại tiếp tục chiến tranh, những người tập kết vào mùa thu ra Bắc không có ngày trở về, những người di cư vào Nam chờ ngày xum họp cũng chẳng hy vọng đoàn tụ. Người ta không hình dung nổi vận mệnh của đất nước lại chỉ là một chuỗi chia lìa đằng đẵng, như khi xưa năm mươi con theo mẹ lên non, năm mươi con theo cha xuống biển, như một định mệnh oan nghiệt cho lũ cháu con, đeo đẳng lên số phận nghiệt ngã của một dân tộc, cứ mãi mãi phân ly.

oOo

Hơn hai mươi năm sau, ngày chiến tranh chấm dứt, may mắn là bom đạn không cướp đi của mẹ tôi đứa con nào, nhà nhà hai miền Nam Bắc đổ xô đi tìm nhau, qua những thông tin liên lạc về địa chỉ cũ. Mẹ tôi bảo người anh lớn viết thư về tìm em, chỉ ít lâu sau thì nhận được thư anh tôi gửi vào, kèm theo một tấm hình chụp cả nhà đứng dưới cây bàng trước cửa. Anh đã có thêm bốn đứa con, cháu lớn độ mười hai tuổi, mặt mũi đứa nào cũng buồn tẻ và gầy guộc, đứa bé nhất anh bồng trên tay, bẽn lẽn nép đầu vào ngực bố.

Cả nhà mừng, thở phào. Thế là còn sống cả, chỉ trừ chị tôi đi nước ngoài vào những ngày cuối khi miền Nam thất trận. Vậy là thoát, vì trong nhà đã có người làm việc cho chế độ trước phải khăn gói đi tù, chị tôi thật là may mắn.

Nhận lá thư với tấm hình anh tôi gửi vào Nam cho gia đình, đôi mắt mẹ tôi đã lờ mờ, ngắm nghía mãi hình ảnh đứa con trai hai mươi năm xa cách, với lũ cháu nhỏ mà cứ chảy nước mắt. Thế nào rồi mẹ con cũng gặp nhau, tôi hiểu nỗi vui trong lòng mẹ tôi, rồi khi nhìn mẹ ngồi trầm ngâm nhai trầu trong bóng tối ngoài hiên, tôi hiểu mẹ tôi đang nghĩ đến chị tôi, nỗi buồn trong lòng bà mẹ Việt Nam, tìm lại được một đứa con sau hai mươi năm đất nước chiến tranh, rồi đến lúc hòa bình, lại thêm một đứa con ra đi, mà trong thời buổi ấy, không ai nghĩ có ngày còn gặp lại.

Mãi năm sau anh tôi mới thu xếp vào Nam gặp mẹ và gia đình, kèm theo những món quà đơn sơ của miền Bắc. Khúc lụa đen Nam Định để mẹ may quần, anh nghe nói miền Nam không đủ vải vóc, cân bột sắn để mẹ uống cho mát, trà mạn Phú Thọ, vài quả hồng giòn xứ Lạng, khi vào đến miền Nam đã chín nhũn.

Bữa cơm xum họp trong nhà thật cảm động, chúng tôi nhắc những chuyện ngày thơ ấu, dù bây giờ không ai còn bé dại. Có bao nhiêu chuyện để hỏi để nghe, mẹ con bà cháu quây quần trên chiếc chiếu trải trên nền gạch bông, mẹ tôi bõm bẽm nhai trầu, nhìn đứa con trai nay đã trưởng thành trong đau khổ, sau bao năm ở lại một mình nơi quê nhà, đang kể lại cho gia đình nghe nỗi đoạn trường của anh. Họ hàng ai còn ai mất, hàng xóm láng giềng năm xưa, những năm lũ lụt đói kém, những trận mưa bom, gia đình bồng bế nhau di tản lên mạn ngược. Chiến tranh là vậy, nhờ phúc đức tổ tiên mà gia đình còn đầy đủ, dẫu chưa trọn vẹn niềm vui xum họp.

Hình như tất cả anh em chúng tôi, dù lớn hay bé, đều mơ hồ nhớ lại căn nhà xưa của thầy mẹ tôi với không khí đầm ấm trong những ngày thơ ấu. Căn nhà nằm bên ngoài bờ thành Sơn, một thành cổ nổi tiếng được xây từ đời vua Minh Mạng. Sơn Tây có hai cửa chính, cửa Tiền và cửa Hậu. Phố cửa Hậu có phố nhà thờ, đi thẳng ra bờ sông Hồng, còn nhà tôi ở phố cửa Tiền đi về hướng núi Tản, từ nhà, có thể nhìn thấy dãy núi Ba Vì mờ mờ trong màn sương, đường vào trong đã nhấp nhô những ngọn đồi thấp.

Thầy tôi xây một cái bể chứa nước mưa ở góc sân sau, cạnh bể nước có trồng cây hoa ngâu để ướp trà, phía sau nhà bếp là mảnh vườn có cái ao vuông, xung quanh trồng rất nhiều tre trúc và chuối ngự, thuở ấy mẹ tôi còn trồng thêm rau cải hay rau muống. Anh tôi kể rằng sau ngày bố chết, mẹ và các em đi Nam, anh sống với người bõ già trong căn nhà gạch hai gian vắng lặng, tất cả tài sản của thầy tôi đã bị tịch biên, chỉ còn căn nhà trống trải làm chỗ ở cho hai ông cháu.

Những buổi chiều mùa Đông cô quạnh, thui thủi hai người trong căn nhà thiếu bếp lửa hồng và tiếng cười đùa của lũ em, anh tôi rống lên khóc trong khi ông bõ già ngồi rì rầm đọc kinh. Rồi chừng như cám cảnh nỗi tan tác phân ly, một già một trẻ nhìn nhau rồi cùng òa lên khóc.

Sau đó ít lâu, anh tôi nhặt nhạnh tất cả những gì của cha mẹ để lại rồi một hôm bỏ nhà ra đi, chưa đầy mười sáu tuổi. Anh chỉ nung nấu một điều, vượt qua sông Bến Hải là còn hy vọng gặp lại gia đình. Chuyến đi không thành công, cầu Hiền Lương không dài bao nhiêu nhịp mà khoảng cách khó lòng vượt qua nổi, những họng súng đen ngòm chỉ chực nhả đạn vào bất cứ người dân hai miền Nam Bắc, khi điên rồ vì nhớ thương mà đi qua phía bên này hoặc phía bên kia.

Anh tôi không đi đến đâu thì bị bắt, không có tội gì, chỉ là tội một đứa trẻ con đi tìm mẹ và anh em. Anh bị hai năm tù, lúc được thả anh vừa mười tám tuổi, hai năm tù đã khiến anh thành người lớn để chịu đựng được nỗi cô đơn dằng dặc suốt hai mươi năm sau. Lúc ấy ở miền Nam, mẹ tôi cũng vất vả ngược xuôi để nuôi lũ con thơ ăn học, lòng vẫn ngổn ngang, nghĩ ngợi thương đứa con côi cút chốn quê nhà, chẳng còn hy vọng gì còn nhìn lại con, vì chiến tranh giữa hai miền hình như không có dấu hiệu chấm dứt.

Anh tôi tuy chưa đủ lớn, nhưng đã sớm trưởng thành để tìm cách tự lực cánh sinh. Anh làm đủ mọi nghề. Hai cái lò gạch ngày xưa thầy tôi làm chủ, nay anh tôi vào làm công cho nhà nước như bao nhiêu người khác. Rồi làm thợ thổi thủy tinh, để sản xuất bóng đèn và chai lọ, đất nước lạc hậu, máy móc thô sơ, con người phải dùng chính sức người để sản xuất. Cơm gạo thiếu, may thì được ngày một bữa cơm, còn ăn độn thêm khoai luộc và ngô bung.

Được ít lâu, người bõ già cũng lăn ra chết, anh bơ vơ có một mình, chỉ còn vài người hàng xóm thân tình chạy qua chạy lại. Cậu Hoạt thợ may là người hàng xóm tốt bụng, không vợ không con, sống khắc khổ như nhà tu, dạy cho anh nghề thợ may, vì nghề thổi ống thủy tinh vừa vất vả lại ăn uống thiếu thốn, dễ bị lao phổi. Hơn hai mươi tuổi anh đã lấy vợ, vì không chịu nổi nỗi đơn độc, đám cưới chỉ đơn sơ như một bữa cơm trong nhà, gồm vài người hàng xóm với mấy người thân bên vợ, cô dâu chỉ duy nhất có một chiếc áo dài để mặc trong ngày cưới, không có được chiếc nhẫn kỷ niệm.

Hai người hàng xóm của gia đình tôi ở ngoài Bắc là những nhân vật đặc biệt còn rơi rớt lại từ thành phần tiểu tư sản. Cậu Hoạt sống một mình, ẩn dật với mớ kinh kệ và cô đơn, suốt ngày chỉ nghĩ đến chuyện tu thân lên trời làm thánh. Cậu chán đời, sinh yếm thế, một lần đổ vỡ cậu nhìn đàn bà như tà ma, dạo trước có người rủ cậu đi Nam, nhưng với cậu hễ đã buồn thì ở đâu cũng vậy. Cô Hạ có cửa hàng đan len và hàng xén, bán đầy kim chỉ và que đan, cô còn nhận đan áo cho khách, lúc rảnh rỗi vẫn hay đọc tiểu thuyết và ngâm thơ. Cô Hạ thuộc gia đình trí thức tiểu tư sản, thích văn chương, gần ba mươi tuổi mà chưa chồng, cô chờ người yêu là một sinh viên Hà Nội, đi theo nhóm Cách Mạng chống Pháp mãi chẳng thấy về. Thỉnh thoảng, trong ký ức của chị tôi khi nhớ về cô hàng xóm, cô vừa đan áo vừa ngâm thơ, có hai câu hay lắm mà chị tôi còn nhớ:

"Chết đi là hết nợ đời,
Chết đi là hết mọi mùi đắng cay."

Cô Hạ mang một mối sầu lãng mạn, tay đan nhanh thoăn thoắt mà thỉnh thoảng lại mơ màng nhìn cụm mây bay về một phương trời xa. Có lẽ nỗi sầu ấy nó vận vào đời cô, cho nên nghe anh tôi nói, cô sống thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần, sau bị lao phổi rồi chết. Cậu Hoạt sau cũng lẩn thẩn, đâm mắc bệnh dở hơi, gàn gàn, dở dở...

Toàn những chuyện buồn khiến nghe xong ai cũng chảy nước mắt...
                                                   
oOo

Anh tôi còn kể nhiều chuyện nữa, rồi thở dài kết luận, thầy tôi chết đi là một điều may mắn cho ông, nếu sống, nhìn thấy sự nghiệp và của cải của mình tạo dựng bằng mồ hôi nước mắt, bỗng một sáng một chiều bị cướp giật đi một cách tức tưởi như thế, chắc ông cũng điên lên mà chết. Lúc anh tôi kể đến cơ nguồn chạy lụt và chạy bom, cả nhà đều đỏ hoe đôi mắt. Riêng anh, đôi mắt ráo hoảnh, cứ mở to không chớp, nhìn đau đáu vào khoảng không như nhìn vào thăm thẳm của dĩ vãng, có những nỗi khổ tột cùng mà người lớn còn không chịu nổi, huống gì với một đứa trẻ chưa thành niên.

Có lần lụt lớn, nước dâng lên nửa nhà, vợ chồng con cái bồng bế nhau chạy lụt, hành trang chỉ là mấy cái tay nải đựng ít quần áo và lương khô. Khi về, nhà cửa còn mốc meo, ẩm ướt, mấy tấm ảnh của thầy mẹ và các em bị loang lổ không còn hình dạng. Anh đau khổ nhìn tấm ảnh cuối cùng, một lần nữa, những trận lụt lớn, những cơn mưa bom, đánh bạt luôn trong anh chút kỷ niệm của người thân.

Bom đạn giăng giăng trên quê hương, tạo nên những vết sẹo lồi lõm trên thân thể một tổ quốc bị đậu mùa. Lúc miền Bắc toàn dân bị đẩy vào cuộc chiến tranh, thanh niên, thanh nữ hồ hởi lên đường đi giải phóng miền Nam, anh tôi cũng tình nguyện đi B, nhưng không được chấp thuận, vì lý lịch có gia đình ở miền Nam. Vậy mà ở miền Nam, những gia đình có cha, anh tập kết ra Bắc, con em vẫn được đi học và nhận vào quân đội, có những người còn được học hành để trở thành những nhân tài cho đất nước.

Cuộc chiến tranh ở Việt Nam rất ngộ nghĩnh. Người Việt ở miền Bắc được nhồi nhét lòng căm thù cao độ, lại thiếu thốn về đời sống vật chất, cho nên họ cương quyết chiến đấu với miền Nam để đoạt được Thiên Đàng tại thế. Người Việt miền Nam vừa chống giặc, vừa tò mò nhìn xem kẻ thù là ai, rồi khi biết "giặc" cũng chỉ là người Việt như mình, họ rất bao dung để đơn giản nghĩ rằng: "Khôn ngoan đối đáp người ngoài, gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau."

Đó có phải là nguyên nhân mà miền Nam thua, khi một nửa bên kia cố tình chiếm đoạt, một nửa bên này chỉ hòa hoãn chống đỡ để duy trì hòa bình, sự tương tàn chỉ vì hoàn cảnh bất đắc dĩ mà bắn giết nhau, chứ ai lại muốn gạch những vết mực đen lên bức tranh quê hương đẹp đẽ.

Anh tôi vẫn nung nấu ý định đi vào Nam tìm gia đình bằng con đường đi B, nhưng vẫn không toại nguyện, nếu đi lọt, lại thêm một tiểu gia đình tan nát vì chiến tranh. Dấn thân bằng con đường chết để mong gặp lại mẹ và anh em, nhưng nếu chẳng may anh được chấp nhận, có thể bỏ xác trên đường Trường Sơn, hay trên một chiến trường miền Nam, thì liệu rằng có nên đếm xác anh vào số những kẻ thù bị tiêu diệt?

Chắc chắn là không thể, nếu nhìn vào sâu thẳm tấm lòng người dân miền Nam cũng như miền Bắc, những con người chân chất, mộc mạc, không ai lại muốn đất nước chiến tranh, sẽ tội nghiệp vô cùng người dân quê tôi, để hiểu rõ cái áp lực chính trị áp đặt lên thân phận người dân đôi miền thật nghiệt ngã. Sau này, khi hai miền thống nhất, bên thắng đàn áp bên thua trong hậm hực, bên thua cũng khuất phục trong hậm hực, hứa hẹn một màn đấu đá cẩn thận trong tương lai nếu có dịp, những lằn ranh nghiệt ngã không bao giờ mất. Cũng chỉ vì e ngại lằn ranh nghiệt ngã ấy, mà mẹ tôi chưa dám thực hiên một lần trở về thì đã vội vã lìa đời. Rồi mỉa mai sao, không khí chính trị làm miền Nam nghẹt thở, sự có mặt của anh tôi trong gia đình, lại vẫn là hiện thân cho một tai ương của dân tộc, khiến anh em tôi có lúc không hiểu nhau, như một câu hát nghe rất buồn cười nếu được suy diễn theo lối châm biếm của người nghe: "Vui sao, nước mắt lại trào..."

Miền Nam vốn từ trước đến giờ, trời thương ban cho một mảnh đất gió thuận mưa hòa, kiếm miếng ăn không khó. Nay hòa bình, người dân được quản lý chặt chẽ bao tử như thời kỳ chiến tranh chống Mỹ của miền Bắc, phân phối từng hạt gạo, lít nước mắm, thước vải để may quần áo. Ngay cả vấn đề tư tưởng, dẫu rằng chưa hẳn đã được thực sự tôn trọng trong thời kỳ chiến tranh, nhưng cũng không đến nỗi bị bóp nghẹt kiểu "trên đe, dưới búa, đít ngồi bàn chông" như lúc này. Anh em tôi đã bắt đầu có những lấn cấn, vì ít nhiều gì mỗi bên đều bị ảnh hưởng cuộc sống xã hội nơi mình lớn lên, bởi vậy mà đôi khi vẫn có những bất đồng tư tưởng không thể tránh. Kinh tế tụt dốc, người ta đổ sô ra chợ trời bán buôn những thứ mà ngoài kia gọi là: "phồn vinh giả tạo".

Giả hay thật thì ai biết cho ai, chỉ thấy là miền Bắc đổ xô vào vơ vét những thứ "giả tạo" đó đem về, người miền Nam cũng vội vàng tống khứ những thứ "giả tạo", để hòa mình mau chóng và khắc phục sự thiếu thốn của đất nước trong thời kỳ hậu chiến.

Mừng vui trong một nền hòa bình bi thảm như thế, cuộc tái ngộ thật ngậm ngùi. Nếu như người ta hiểu được cái giá quá đắt phải trả cho cuộc tương tàn, mà bỏ đi hai chữ hận thù, cùng bắt tay vào xây dựng đất nước thì giờ đây tổ quốc đã đẹp đẽ biết bao. Sự bực dọc khiến người miền Nam nhìn anh em mình ở ngoài Bắc với cái nhìn chung chung trong một nỗi thống hận, bất kể là ai, năm mươi con theo mẹ về trời, năm mươi con theo cha xuống núi, rõ ràng thì khó mà hòa hợp với nhau từ cách sống cho tới tư tưởng.

Cả nhà nghĩ đến chuyện về thăm quê. Đường bộ sau chiến tranh còn gập ghềnh, đầy hang ổ bom đạn, đường thủy thì lâu lắc, xa xôi, chỉ chờ đường tàu Thống Nhất làm xong là thế nào cũng có nhiều người hai miền về thăm nhau. Riêng điều ấy, với mẹ tôi thì tôi hiểu đó là điều bà ray rứt hằng đêm, nỗi sầu xa quê bao năm trường tưởng sẽ về ngay được, nhưng mẹ tôi vẫn không về, lý do vì có người con bỏ nước ra đi, vẫn có thể bị họ hàng ngoài kia đàm tiếu theo quan điểm chính trị thuở đó.

Trong đêm khuya, mẹ tôi bõm bẽm ngồi nhai trầu hàng giờ ngoài mái hiên không ngủ. Về. Không về. Mẹ tôi quay quắt trong ý tưởng được một lần về thăm mái nhà xưa, nơi chốn cũ, thành phố nhỏ mà quanh đi quẩn lại chỉ những người quen biết. Con đường về làng cũ, có mồ mả ông bà, có ngôi mộ của thầy tôi nằm trong một nghĩa trang cạnh ven đê sông Hồng, nhìn xuống con đường ra Hà Nội hai bên râm mát bóng cây bạch đàn. Những hình ảnh năm cũ, nay như cuộn phim lần lượt trở về trong trí nhớ. Ít ra thì mẹ tôi vẫn ước ao về xây lại nấm mồ của thầy tôi cho tử tế, được trở về làng quê cũ, nói lại ngôn ngữ quê mùa với anh em, họ hàng trên mảnh đất quê nhà.

Tôi đã nhìn thấy bao điều nghịch lý sau những ngày hòa bình, có xum họp rồi vẫn thấy phân ly, có thương yêu rồi vẫn có hận thù. Người mẹ miền Nam vội vã hạ tấm hình đứa con đi lính đã tử trận xuống, chỉ vì anh mặc bộ quân phục lính miền Nam, có gắn chiếc huy chương trên ngực áo. Sự mất đi của người con đã là một đau xót cho người mẹ, ngay cả sau khi chết, tấm hình kia cũng không được một chỗ đứng danh dự trên bàn thờ. Mẹ tôi cũng thế, dẫu hai mươi năm trước bỏ lại một đứa con, chỉ là cái oái oăm của định mệnh, hai mươi năm sau, một đứa con lại ra đi, há không phải là điều đau xót. Thật vậy, cho đến cuối đời, lúc thoi thóp trên giường bệnh, dường như mẹ tôi vẫn bị ám ảnh về sự mất mát này. Ngày mẹ chết, anh tôi từ Bắc không vào được đúng ngày chôn cất, chị tôi cũng không về được vì người ta vẫn cấm chợ ngăn sông, những lằn ranh vẫn còn, tiếp nối từ thời kỳ này sang thời kỳ khác.

Có nhìn vào cái dáng buồn rầu của người mẹ xa con, mới thấy nỗi u uẩn trong lòng người mẹ. Buổi trưa hè, mẹ tôi ngồi nhặt gạo nấu bữa cơm chiều, thỉnh thoảng lại buột miệng gọi tên một người con bà nhớ, khi thì anh tôi, lúc lại chị tôi. Dường như lúc ấy trong lòng mẹ tôi vẫn là hình ảnh căn nhà lợp ngói hai gian ở phố Cửa Tiền năm xưa, anh tôi độ ấy hơn mười tuổi, cõng em chạy long nhong ngoài hè đường, hay là hình ảnh chị tôi, lũn cũn đi nhổ hết những cây cải non trong vườn sau của mẹ.

Hai đứa con mà cuộc chiến Việt Nam đã thay nhau đẩy ra khỏi trái tim người mẹ, để mẹ tôi suốt đời nặng trĩu những nhớ thương, đau khổ.
                                                 
oOo

Anh tôi tính hơi bất thường, con người đầy tình cảm tha thiết như thế, bỗng dưng nhiều khi lạnh lùng, hoài nghi tất cả. Sự mâu thuẫn nội tâm này là kết quả của những tháng ngày anh cô đơn chống chỏi với đủ mọi thứ bất trắc trong cuộc sống, nó ảnh hưởng lên tâm hồn anh khiến anh ngờ vực ngay cả lòng thành thật của người khác.

Càng suy nghĩ, tôi thấy anh tôi đáng thương hơn đáng trách, chính chế độ đã nhào nặn anh thành kẻ đa nghi và đánh mất niềm tin nơi con người, bị lừa dối, bị hắt hủi, bị cái đói cái khổ dằn vật khiến người ta lúc nào cũng thắc thỏm lo âu. Không tin cả Trời, không tin cả Người, không còn niềm tin thì đời sống làm gì còn ý nghĩa. Chẳng phải mình anh tôi, sau này có dịp về lại miền Bắc, tôi mới xót xa nhận ra rằng, ngay cả lòng nhân ái cũng không được tự do bày tỏ, thật gớm ghê cho cái tàn nhẫn của chính trị.

Năm một chín tám mươi, tôi ra Bắc thăm chồng trong trại cải tạo, sẵn dịp về thăm anh chị và các cháu. Chuyến xe từ miền Nam đổ chúng tôi xuống vỉa hè một con đường của thị xã Thanh Hóa, lúc ấy tuy ban ngày mà phố xá thật vắng vẻ, không nhìn thấy một chiếc xích lô nào làm phương tiện di chuyển như ở miền Nam.

Đang ngơ ngác tìm người để hỏi thăm đường ra bến xe đi Bãi Trành, như địa chỉ trong thư dặn dò. Một đống hành lý ngổn ngang toàn những thực phẩm tiếp tế, chúng tôi lúng túng chưa biết làm sao để chuyển được ngần ấy thứ ra bến xe, đúng lúc ấy chủ nhân của căn nhà chỗ chúng tôi đứng tạm đi làm về, đằng sau chiếc xe đạp còn chở theo một bó rau muống thật to, có lẽ anh mới ghé qua chợ.

Nhìn bộ điệu ngơ ngác của chị em tôi, anh đoán ngay là dân miền Nam ra thăm tù ở miền Bắc. Thành phố nhỏ, người qua kẻ lại nhìn chằm chằm vào những người lạ dọ dẫm khiến chúng tôi thật khó chịu. May quá, đúng lúc ấy, người chủ nhà chạy ra, anh nói:

"Các em cứ mang hết hành lý vào trong này, đứng mãi ngoài đường người ta dòm ngó. Vào đây rồi tính sau, đi thăm người nhà cải tạo phải không?"

Chẳng cần anh phải nói thêm, chúng tôi vội vã khuân hành lý vào nhà ngay, lúc này tôi mới chú ý đến anh, chiếc nón cối đội đầu, áo sơ mi trắng, hình ảnh công nhân viên hay cán bộ nhà nước. Tôi cũng không hiểu sao anh lại có vẻ tử tế với chúng tôi như vậy, sau anh mới kể, đã có hai lần vào miền Nam, anh có người anh làm nhà giáo ở trong ấy, bảo anh đưa vợ con gia đình vào có nhà cửa và cơ sở làm ăn, nhưng anh không vào, vì vợ anh vốn chân quê, gia đình chị lại ở cả Thanh Hóa, chị sợ đi xa không gần gũi cha mẹ anh em, nên dù thấy miền Nam phồn thịnh và đông đảo, vẫn không đi.

Nhà anh tuy ở phố nhưng vẫn theo kiểu nhà quê, phía sau có chuồng nuôi lợn và cái giếng nước. Sau khi nghỉ ngơi, tắm giặt sạch sẽ, đúng vào giờ tan tầm buổi trưa, chị cũng về nhà nấu cơm, các cháu gửi ở nhà trẻ. Chị ngạc nhiên nhìn chúng tôi, anh vui vẻ vắn tắt vài câu giới thiệu chúng tôi là người nhà của ông anh từ miền Nam ra. Sau đó vợ chồng rù rì to nhỏ, chị cũng không hỏi thêm, sẵn có túi gạo ngon từ miền Nam đem ra, tôi tế nhị thổi nồi cơm trắng để cả nhà cùng ăn, chị bảo chiều sẽ dẫn tôi đi chợ.

Hai chiếc bếp củi được đặt trên nền đất, căn bếp bé tí và tối om om. Trong buồng ngủ của anh chị, thấy có chiếc máy may, một máy truyền hình và chiếc máy hát đã cũ, chắc của người anh trong Nam tặng. Còn phòng khách lại trống trơn, chỉ có chiếc phản gỗ và bộ bàn ghế cũ làm nơi tiếp khách.

Cơm vừa chín tới thì một người đàn bà, chắc là hàng xóm của anh chị, thấy có người lạ chạy sang , xồng xộc đi vào nhà, anh vội giới thiệu "mấy cô em bất đắc dĩ" từ miền Nam ra. Với vẻ xông xáo rất tự nhiên, bà ta đi vào bếp, tự tiện nhấc nắp vung nồi cơm vừa chín tới ở trên bếp, hít hít mấy hơi rồi nói với một vẻ đầy châm biếm:

"Hôm nay ăn sang nhỉ, nguyên một nồi cơm trắng."

Rồi bà nhìn lom lom vào chúng tôi như dò xét, vì lúc nãy bà đã quan sát chúng tôi đứng ở lề đường khá lâu nên sinh nghi trong bụng. Bà hàng xóm ra về, chúng tôi quả thật lo ngại và buồn nôn cho cái kiểu nhảy xổm vào cuộc sống của người khác như thế. Bữa cơm ăn không biết ngon, phần mệt, phần lo, tôi thấy anh thở dài, còn chị thì đăm chiêu, tư lự. Sau bữa ăn trưa, anh phải đi làm, chị cáo ốm ở nhà đưa tôi đi chợ, và sau bữa cơm tối, anh chuẩn bị đưa chị em tôi ra bến xe. Anh nói, giọng buồn buồn:

"Anh phải đưa các cô ra bến xe ngay tối nay, vì mỗi ngày chỉ có một chuyến xe đi Bãi Trành, sợ sáng mai không kịp."

Thật ra nhìn vẻ khổ sở trên nét mặt anh, tôi có thể hiểu là anh không dám cho chúng tôi ngụ lại nhà anh đêm đó, vì những rắc rối có thể xảy đến cho gia đình anh. Chúng tôi thông cảm ngay nỗi khổ tâm của anh, một người xa lạ không chút máu mủ ruột rà, vậy là anh quá tốt, không dám đòi hỏi gì hơn.

Gửi gấm chúng tôi ngồi bên hàng hiên một quán nước, lù mù ngọn đèn dầu trên chiếc bàn thấp có bày vài nải chuối, mấy cái bánh in nhân đậu xanh, mấy chai nước chanh pha sẵn và nồi nước chè tươi. Suốt đêm hôm đó chúng tôi nằm trên tấm ny lông trải dưới đất, gối đầu lên đống hành lý sợ mất trộm. Bến xe càng về khuya càng vắng người, chỉ một vài người lỡ đường chờ chuyến xe sáng ngồi uống nước và hút thuốc vặt. Lòng tôi nao nao buồn, nhìn quanh thì chỉ những mảnh đời khốn khổ, đói nghèo, đầy bất trắc, càng nghĩ tôi càng muốn chảy nước mắt.

Sáng hôm sau, trời tờ mờ sáng và chuyến xe duy nhất đã vào bến, tôi thấy anh đã lọc cọc đạp xe ra. Quần xắn cao, còn vác thêm một cây đòn gánh, anh nói suốt đêm cũng không ngủ được vì lo, anh chỉ mong trời sáng để ra bến xe giúp chị em tôi lên xe, đề phòng bị mất cắp hay bọn lơ xe, khuân vác bắt chẹt. Chờ chúng tôi lên xe xong xuôi, anh dặn dò mấy câu rồi mới về, tôi ngồi nghĩ ngợi về ân nhân mà muốn khóc, xúc động vì lòng nhân ái giữa con người với nhau. Những lúc cấp bách nguy nan, những lúc cô đơn trong dòng đời, những chia sẻ dù nhỏ nhoi vẫn làm trái tim ta thổn thức, cảm nhận thật sâu sắc về tình người quý báu đó.

Có một điều đau sót là những ràng buộc của chính trị đã khiến người ta không dám thể hiện lòng nhân ái, vì nỗi bất an cho cuộc sống và tương lai khiến phải hững hờ trước nỗi khổ của người khác. Đó có phải là cái lằn ranh nghiệt ngã mà chắc chỉ khi nhắm mắt, hai tay buông xuôi người ta mới thoát ra được.

Tôi viết những dòng chân thật này để cảm ơn anh, người tôi không hề quen ở thị xã Thanh Hóa êm đềm, buổi sớm mai còn phủ đầy sương núi, chập chùng những rừng cây ở phía xa. Ít ra thì tôi cũng một lần mở được chút suy nghĩ hẹp hòi cái lằn ranh vô hình, đã thắt chặt lấy tâm tư dân tộc sau bao nhiêu năm đầy thành kiến với nhau. Anh lại ngậm ngùi chia tay chị em tôi và chúng tôi đáp chuyến tàu đêm về Hà Nội. Tôi mua chiếc bánh mì mà nuốt không nổi, vì nó cứng như đá, những con rệp đánh hơi người bò lên lổm ngổm, bám chặt lấy da thịt chúng tôi chích nhoi nhói.

Tàu đi qua những sân ga buồn, leo lét ánh đèn đêm vàng vọt. Đến ga Nam Định, tàu ngừng, người ta chen chúc nhảy tàu ngã dúi dụi vào nhau, một chị phụ nữ nhà quê đi buôn còn dẫn theo đứa con gái khoảng sáu tuổi, đôi mắt con bé cứ dán chặt vào ổ bánh mì trên tay tôi thèm thuồng. Tôi đưa ổ bánh mì khô cứng cho con bé, nó mừng rỡ giương mắt ra nhìn trong khi người mẹ cảm ơn rối rít. Một ổ bánh mì cứng như đá chọi chó cũng u đầu, vậy mà nó đã mừng rỡ đến như vậy ư ? Qua đó, đủ hiểu cái đói, cái nghèo đã phủ lên đầu đồng bào tôi, tội nghiệp biết bao.

Sau này về miền Nam, một mùa Xuân tôi nhận lá thư của anh viết thăm, có thêm một câu thơ :

"Trước sau nào thấy bóng người,
Hoa đào năm ngoái còn cười gió Đông..."

Tôi hiểu, thêm một nét lãng mạn và mơ mộng nơi tâm hồn anh. Người ta có thể bóp chết tất cả, ngoại trừ tư tưởng.

oOo

Hai miền Nam Bắc thông thương được vài năm thì mẹ tôi qua đời, thế là cái ước vọng được về nằm bên cạnh ngôi mộ thầy tôi cũng không bao giờ thực hiện được. Ngay cả lúc chết, các con vẫn còn tứ tán mỗi người một nơi, anh tôi ở miền Bắc không vào kịp để chôn cất mẹ, chị tôi ở phương xa vẫn chưa có nẻo về, chỉ còn vài anh em gần gũi lo ma chay cho mẹ. Đám ma đơn sơ ở một làng quê miền Nam, có con sông nước đục ngầu phù sa và những giề lục bình hoa tím trôi lang thang, có hàng dừa xanh soi bóng nước, có tiếng chuông nhà thờ buông những âm thanh buồn buồn mỗi khi chiều xuống.

Trước khi đi xa, tôi về quê bốc mộ cho mẹ. Lần cuối cùng cầm trên tay nhúm tro cốt của mẹ, rồi nhìn những sợi khói mong manh bay lên trời trong một buổi chiều miền quê quạnh vắng, tôi đã vừa khóc vừa nói với mẹ tôi rằng: "Thôi nhé mẹ ơi! Bây giờ thì thầy mẹ đã được gặp nhau rồi. Dẫu đất nước chia lìa, dẫu lòng người có phân ly, nay trở về cát bụi, sẽ không còn lằn ranh nghiệt ngã nào bên kia thế giới. Mẹ đã hoàn toàn bình yên, bình yên mãi mãi."

Để tưởng nhớ hương hồn thầy mẹ, 
Riêng tặng các anh chị của tôi. 

Nguyên Nhung
(Đặc San Lâm Viên)

Powered by Blogger.