Header Ads

Vẫn Là Nỗi Nhớ Khôn Nguôi


Mùa tựu trường bắt đầu vào cuối tháng Tám, thời tiết như dịu đi chút oi bức của mùa hè, buổi sáng đã có gió mát thổi về rặng cây sồi cổ thụ quanh khu công viên. Trên các nẻo đường vào buổi sáng, đã xuất hiện những chiếc xe school-bus màu vàng đưa đón các em học sinh.
       
Năm nay, lớp học tôi phụ trách có vài em học sinh người Á châu, có lẽ chúng nó ở trong những chung cư phía bên kia đường đối  diện với ngôi trường Tiểu Học.Thỉnh thoảng lái xe ngang đấy, tôi bắt gặp những khuôn mặt lạ lẫm, ngộ nghĩnh của mấy người Á Ðông, vài phụ nữ lớn tuổi vẫn còn mặc y phục của xứ họ, trên đầu đội thêm chiếc nón lá.
       
Ðó là hai đứa bé trai và đứa bé gái, chúng như đôi  nét chấm phá đậm nét trong lớp học giữa các học sinh bản xứ, với mái tóc đen mượt và đôi mắt cũng màu đen long lanh, hơi dài ra như một chiếc lá, nhìn chúng rất ngộ nghĩnh và dễ thương. Vì khác biệt ngôn ngữ nên chúng có vẻ e dè, tôi thấy cô bé gái vẫn đứng khoanh tay nhìn tôi bằng đôi mắt ướt, có lẽ bé vừa khóc xong vì lần đầu tiên phải xa mẹ đến trường.
       
Tôi đọc hồ sơ của học sinh, mấy đứa nhỏ này người Việt Nam có những cái tên phát âm thật khó, nhưng chính  nơi xuất xứ của chúng  đã gợi lại trong tôi biết bao kỷ niệm đằm thắm của ngày trẻ tuổi, với mối tình đầu hình như vẫn bàng bạc những hình ảnh đẹp đẽ trong lòng . Davis đã viết cho tôi bao nhiêu lá thư từ miền đất xa xăm đó, ngày chàng  ra đi, chúng tôi đã đắm chìm trong những giọt nước mắt chia ly, những nụ hôn cuống quýt trong phút giây gần gũi của hai kẻ yêu nhau. Vậy mà đã hơn ba mươi năm trôi qua, những dòng chữ của Davis vẫn còn in trong lòng tôi:
                                                               
         "Jane yêu quý của anh,
         
 Lá thư đầu tiên anh viết cho em từ miền nhiệt đới, trên bản đồ có lẽ em chỉ nhìn thấy một dải đất dài và hẹp nằm ven bờ Thái Bình Dương. Tuy mới bước vào mùa Xuân, nhưng  khí hậu nóng và ẩm làm anh muốn ngộp thở. Lúc nào người anh cũng nhơm nhớp mồ hôi, thời tiết  quả rất là khó chịu. Anh nhớ em vô cùng, nhớ em và nhớ cả những mùa xuân của quê nhà, bây giờ chắc cánh đồng cỏ hoa đã rộ lên những bông hoa "blue bonnet" màu xanh tím thật đẹp, những rừng thông bạt ngàn chắc cũng xanh biêng biếc.

Mùa xuân ở bên này khác hẳn mùa xuân ở xứ mình, đường phố nhộn nhịp người qua lại, không vắng vẻ, yên tĩnh như thành phố của chúng mình.  Từ Philippines chuyển tiếp sang Việt Nam, mỗi một đường bay như dài thêm nỗi xa cách giữa anh và em. Anh nhớ em vô cùng, Jane, anh mong đợi thời gian qua nhanh để trở về với em..."
                                                               
Năm 1968, sau khi tốt nghiệp Trung học, tôi bắt đầu theo học một trường Ðại học lớn ở Houston. Vốn yêu thích trẻ em từ khi còn sinh hoạt trong một tổ chức hướng đạo của nhà thờ, tôi chọn ngành sư phạm. Cha mẹ tôi cũng đồng ý với sự chọn lựa ấy, tôi sống với cha mẹ trong căn nhà cũ kỹ ở vùng ngoại, thành phố đất rộng, người thưa có rất nhiều di dân từ Mễ Tây Cơ tới.
       
Davis là bạn trai của tôi từ thuở Trung học, chàng gia nhập Không quân Hoa Kỳ để làm đúng nỗi ước ao được trở thành một phi công. Ðất nước tôi không có chiến tranh, nhưng nhu cầu quân đội và chiến trường lại nằm ở những quốc gia khác. Tôi thật sự lo lắng cho Davis, nhưng người Mỹ vốn vậy, thích là làm, dù yêu tôi Davis vẫn theo đuổi ý muốn được bay bổng trên không trung, dù chàng biết sẽ rất nhiều gian nan.

Hai đứa yêu nhau mải miết, thỉnh thoảng tôi đi quân trường thăm chàng, thỉnh thoảng chàng về thăm tôi. Gia đình hai bên đã tổ chức một lễ đính hôn nho nhỏ, cái nhẫn ấy cho đến bây giờ tôi vẫn còn giữ, như một kỷ vật khó quên trong  đời.
       
Sau khi ra trường, lúc chàng báo tin  được phân phối sang chiến trường Việt Nam, tôi buồn biết bao nhiêu. Nhìn trên bản đồ, tôi không hình dung nổi dải đất bé nhỏ cong cong hình chữ S, nằm ven bờ đại dương xa xăm đó lại là một vùng đất đầy máu lửa. Ðã nhiều lần tôi tự hỏi, chàng sang đấy làm gì, chiến đấu cho ai, Việt Nam đâu phải quê hương tôi. Mỗi lần nhìn chiếc nhẫn đính hôn trên tay, tôi lại không ngăn được những giọt lệ  nhớ nhung. Chiếc nhẫn ấy chưa đủ cột chặt đời chúng tôi bên nhau, cho nên tôi vẫn lủi thủi đếm bước trên hành lang của khu giảng đường rộng thênh thang, từng tiếng giày gõ nhịp trên nền đá hoa khô lạnh, như đếm được cả nỗi cô đơn trong lòng người con gái trẻ.
             
           "Jane yêu quý của anh,
          
Không biết đây là lá thư thứ mấy anh viết cho em, từ đất nước xa xăm có những người dân dáng bé nhỏ nhưng nhanh nhẹn, đôi mắt đen như giấu kín những tư tưởng khó hiểu khi họ nhìn anh, nhưng nụ cười của họ lại làm anh yên tâm.
           
Khí hậu ở đây thật là khác biệt với quê mình. Mưa chỉ bắt đầu vào mùa hè, những cơn mưa tầm tã đổ xuống đột ngột rồi ngưng để cái nóng lại trở về, đất trời có vẻ như dịu đi. Anh đang ở  căn cứ Không quân Biên Hòa, thuộc miền Ðông của thủ đô Sài Gòn, bay khoảng mười lăm phút. Nếu lái xe, anh có thể nhìn thấy nhiều thửa ruộng và vườn cây nằm chen lẫn nhau, vùng này lại có núi, tất cả đều có vẻ bình yên.
           
Bây giờ thì anh đã quen một phần nào với khí hậu ở đây, quanh năm giống như mùa hè ở Texas, nhưng dễ chịu hơn vì buổi tối trời lại trở nên mát mẻ. Anh có theo mấy người bạn ra phố, rất buồn cười khi có những đứa bé chạy theo anh và nói "OK. Salem", chúng nó là những đứa trẻ của vỉa hè, nhìn chúng đen đủi và gầy guộc, cái miệng toác ra cười mỗi khi bày tỏ sự thân thiện. Tuy nhiên, anh cũng thấy có nhiều trường học, trẻ con mặc đồng phục đến trường, chúng được cha mẹ chở trên những chiếc xe đạp hoặc xe gắn máy. Anh thấy có một cái gì đó khác biệt trong cuộc sống của những đứa trẻ trên đất nước này, có cái gì đó không bình thường giữa những cái bình thường, nhưng với anh đứa bé nào cũng có nét dễ thương. Anh lại nhớ đến em mai này khi thành cô giáo trẻ, với những đứa học trò mũm mĩm, hồng hào trong một trường Tiểu học."

Năm nay là mùa hè thứ hai tôi xa Davis, những lá thư vẫn đều đặn gửi về, có nhiều chuyện vui vui nhưng cũng có những chuyện khá buồn, nhất là khi bạn Davis có người vĩnh viễn nằm xuống. Davis vẫn thường an ủi tôi, và cho rằng con người sống hay chết là do sự an bài của Thượng Ðế, tôi cũng cố tin như vậy, và hy vọng chiến tranh ở đất nước xa xôi chóng đến ngày kết thúc.

Davis có gửi cho tôi vài xấp lụa dệt bằng tơ tằm, đó là thứ lụa quý dùng để may áo dài cho những người phụ nữ thanh lịch. Davis kể cho tôi nghe về y phục cổ truyền của những người đàn bà Việt Nam, khiến mỗi khi họ bước đi, hai tà áo như được bọc trong gió, bay phất phơ như hai cánh bướm. Cầm tấm lụa với đường vân óng ánh, mềm mại và mát dịu như tình yêu của chàng đã xoa dịu phần nào nỗi buồn của sự xa cách, mặc dù tôi chưa biết sẽ may kiểu áo nào với xấp lụa mềm mà Davis gửi cho tôi.

Không biết tôi có thể chờ chàng bao lâu vì tôi còn trẻ quá. Tôi thèm những đêm đắm đuối bên chàng, tôi thèm nụ hôn ngọt ngào và vòng tay của Davis vào những buổi chiều như buổi chiều nay. Ôi những chiều cuối tuần mùa hè cùng chàng tung tăng bên bờ biển Galveston, đùa rỡn với những đợt sóng đẩy vào bờ, nằm phơi nắng trên bãi cát, bây giờ chỉ còn là kỷ niệm. Bạn bè tôi thật hạnh phúc với người tình của chúng nó, còn tôi  sẽ đợi chàng đến bao giờ?

Chủ nhật tôi thích đi nhà thờ, sinh hoạt với nhóm Hướng đạo sinh ngoài trời vào những ngày trời đẹp. Tôi muốn gói nỗi nhớ chàng trong những sinh hoạt chung của xã hội, của gia đình, nhưng không giản dị thế, lúc nào tôi cũng cảm thấy thiếu vắng, lúc nào tôi cũng cảm thấy cô đơn.
       
Davis gởi cho tôi nhiều tấm hình cảnh Việt Nam, hầu hết là hình ảnh thành phố Sài Gòn đông vui, người qua lại như mắc cửi. Davis nói đó chỉ là mặt nổi của đô thị, còn trong ngõ hẻm hay ở vùng quê thì lại có bao nhiêu cảnh đời khốn khổ. Người ta đổ dồn về thành phố, chen chúc nhau trong những khu lao động, cuộc sống thật là tăm tối. Chiến tranh có mặt ở khắp mọi nơi, sống và chết kề cận bên nhau, hạnh phúc và đau khổ như lẫn lộn đến nỗi người ta không biết thế nào để chọn lựa hoặc lẩn tránh.Tuy vậy, tôi ao ước được đến đó, được gặp chàng, ôm lấy chàng, đắm đuối trong đôi mắt chàng. Chỉ thế thôi, để biết rằng đời không phải là mộng...

Phong trào chống chiến tranh nổi lên khắp nơi, sinh viên bỏ học xuống đường giương cao biểu ngữ "Make love, not War " đằng sau minh tinh màn bạc Jane Fonda ở Hoa Thịnh Ðốn. Chiến tranh phải chấm dứt, trả lại Việt Nam cho Việt Nam, trên màn ảnh truyền hình, mọi người nhìn thấy những chiếc quan tài của lính Mỹ được chở về quê hương trên mỗi chuyến bay, mỗi lần nhìn những hình ảnh đó, tim tôi muốn vỡ ra làm trăm mảnh. Tôi mong Davis trở về, chứ không thì tôi cũng đã mỏi mòn vì chờ đợi. Lũ bạn chế nhạo tôi thuộc loại phụ nữ cổ điển chỉ tôn thờ những mối tình vô vọng. Làm sao tôi có thể giải bày cho họ hiểu, tình yêu của tôi dành cho Davis, chính vì cảm phục lòng can đảm và chấp nhận tất cả khó khăn, nguy hiểm khi trở thành một người lính...
       
      "Jane yêu dấu của anh,

Như thư trước anh đã kể em nghe, Việt Nam dần dần đã trở thành một miền đất dễ thương trong tâm hồn anh, dù nó bị tàn phá bởi chiến tranh. Những người bạn phi công Việt Nam đã chiến đấu không mỏi mệt trong mọi điều kiện thiếu thốn, chắc hẳn phải có một lý do sâu xa nào đó, hẳn nhiên để bảo vệ một chính nghĩa. Ðất nước ấy như một bức tranh đẹp đẽ trong lòng dân tộc họ, có ai lại nghĩ đến chuyện gạch những nét ngang dọc lên tác phẩm quê hương, có ai lại muốn dội xuống quê hương mình hằng ngàn tấn bom đạn? Nó là khuôn mặt của mẹ, của cha, là sức sống mọc lên từ cây lúa, từ bờ tre, từng thân dừa để tô điểm vẻ đẹp, sức sống của cả một dân tộc

Chiến tranh tàn nhẫn quá em ạ. Anh phải làm nhiệm vụ và cả những người phi công Việt Nam cũng làm nhiệm vụ của họ, nhưng mỗi người mang một nỗi niềm đau sót khác nhau. Chỉ  vì ý nghĩ "chậm tay thì chết" mà con người phải giết lẫn nhau, kinh khủng quá phải không em? Muốn có thỏa hiệp hòa bình mà phải trả một giá quá đắt cho cả một dân tộc khốn khổ như thế, anh ngậm ngùi lắm.
           
Chúng ta đã có bốn năm lầm lẫn cho cuộc nội chiến ngu xuẩn trong lịch sử Hoa Kỳ, Việt Nam cũng lại tương tàn trong một cuộc chiến tranh dai dẳng cũng chỉ bởi tham vọng kỳ cục, khi muốn đem về cho đất nước họ một triết thuyết không tưởng và một thiên đàng không làm sao có được trên mặt địa cầu."
       
Năm 1972, xong bốn năm Ðại Học, tôi ra trường, Davis báo tin sắp trở về sau bốn năm phục vụ tại Việt Nam. Bao nhiêu đợt lính Mỹ hồi hương được chiếu trên truyền hình mỗi buổi tối, nhìn nét mặt hân hoan của họ, tôi nôn nao chờ ngày vui của đời mình. Hòa bình đã được ký kết, chiến tranh Việt Nam sắp kết thúc, chàng sẽ trở về và chúng tôi sẽ có một đám cưới, sau đó là những ngày trăng mật. Tôi mừng cho hạnh phúc của mình, cho hạnh phúc của cả một dân tộc khi hai miền Nam Bắc của họ được phân định rõ rệt, không còn chiến tranh, bức tranh đẹp đẽ của đất nước xa xăm kia sẽ chỉ là một màu xanh, màu xanh của hy vọng và vươn lên, để người dân Việt Nam có một cuộc sống dễ chịu hơn.

Vậy mà có một ngày, một ngày bi thảm và tàn khốc nhất đã đến với Davis, với tôi  khi cả hai cùng ngây thơ tin rằng có một ngày người ta thôi không còn  giết lẫn nhau. Chuyến bay đưa Davis về Sài Gòn để lên đường trở về quê hương đã bị bắn rơi bởi những người phía bên kia, chắc ngay cả những giây phút cuối cùng của đời mình, Davis vẫn chưa hiểu tại sao lại có một kết thúc bi thảm như vậy?
           
Bên này bờ đại dương, người ta đang hoan hỉ vì đã tìm ra được giải pháp cho cuộc chiến ở Việt Nam, họ được ban tặng giải thưởng hòa bình. Nào ai nghĩ nổi, trong khi ấy có cả một dân tộc vẫn đang quằn quại  vì những vết thương chiến tranh, có cả những người như Davis đã chết vì sự bịp bợm ấy.

Thời gian qua đi rất nhanh, mới đó mà tôi đã trở thành người mẹ của ba đứa con nay cũng đã lớn khôn. Không còn sống chung với cha mẹ, nhưng không hiểu sao tôi vẫn nhờ mẹ tôi giữ những kỷ niệm của tôi và Davis, tôi không có can đảm tiêu hủy nó bởi vì nó đẹp và trong sáng quá. Trong đời tôi, ít nhất đã có vài lần tìm vào căn phòng nhỏ, lật từng lá thư và những tấm ảnh đã ố vàng với thời gian, để lòng vẫn ngậm ngùi và thổn thức với những kỷ niệm của dĩ vãng.
           
Cách đây vài năm, tôi có dịp lên Washington D.C. Tôi đã đi tìm đến bức tường đá đen, đài tưởng niệm những người lính Mỹ chết ở Việt Nam, tôi đã tìm thấy tên chàng.William Davis, tôi đã khóc khi đặt những đóa hồng dưới chân tường, ngậm ngùi đọc tên chàng như có lần tôi đã thì thầm những lời vĩnh biệt trước nấm mộ của chàng trong nghĩa trang. Phản chiếu từ bức tường đá đen ấy, những bóng người buồn bã đi lại trên con đường xào xạc lá khô. Một ngày cuối thu có hơi gió heo may se lạnh, tôi cứ ngỡ linh hồn của Davis và của bao nhiêu người chiến binh năm xưa đang dật dờ trở về từ cõi chết.

Năm nay tôi đã năm mươi tuổi, cái tuổi có thể là hơn nửa đời người mà cũng có thể là cả một đời người, như Davis thì cuộc đời chàng chỉ vỏn vẹn hai mươi mấy năm. Con người vẫn không quyết định được cuộc đời mình, Thượng đế muốn lấy đi lúc nào chẳng được.
             
Mười năm rồi tôi dạy ở ngôi trường này, lớp học có thêm những đứa học trò Việt Nam ở khu chung cư bên kia đường. Tôi có dịp tiếp xúc với những phụ huynh Việt Nam, họ đã làm tôi cảm phục vì họ vẫn cố gắng bảo tồn nền văn hóa của họ qua sự dạy dỗ những đứa trẻ, biết trân trọng và biết ơn những người mang trách nhiệm giáo dục và khai sáng con người. Mỗi lần nghĩ đến đây, tôi đã hiểu phần nào tại sao tôi lại thông cảm với nỗi đau của những người Việt Nam lưu vong, mỗi lần nhớ đến quê hương yêu dấu của họ bên kia bờ đại dương.

Nguyên Nhung

Powered by Blogger.