Header Ads

NATO Và Nỗi Ám Ảnh Bởi Donald Trump


Tổng Thư Ký NATO Jens Stoltenberg và Tổng Thống Donald Trump tại tổng hành dình của NATO tại Brussels, ngày 25/5/2017 (Matt Dunham/AFP/Getty Images)

Dù không còn là siêu cường, Nga vẫn còn đủ mạnh để là một mối đe dọa cho khối NATO tại Âu Châu. Trong khi NATO vẫn có những nghi ngại đối với Hoa Kỳ kể từ khi ông Trump nhậm chức Tổng Thống.  Xin mời quý độc giả theo dõi phần Việt ngữ của bản tường trình Trump’s Shadow Hangs Over NATO (1) đăng trên Foreign Policy ngày 29 tháng 01, 2018.

Tác giả của bài báo:
- Dan De Luce: thông tín viên trưởng về an ninh quốc gia  tại Foreign Policy .
- Robbie Gramer: phóng viên về ngoại giao và an ninh quốc gia tại Foreign Policy.
- Emily Tamkin: bỉnh bút tại Foreign Policy chuyên về đại sứ quán và ngoại giao.

Huỳnh Thạnh chuyển ngữ

Đã một năm kể từ khi Trump buớc vào Toà Bạch Ốc, các đồng minh Âu Châu đã được nhẹ nhõm vì liên minh vẫn còn đứng vững, nhưng mối nghi ngại trước sự lãnh đạo của Hoa Kỳ vẫn còn đó.

Khi các tướng lãnh và các nhà ngoại giao tham dự hội nghị an ninh quan trọng nhất của Âu Châu họp tại Munich vào tháng tới, Tổng Thống Donald Trump sẽ không có mặt trong phòng họp. Tuy nhiên, hình ảnh của Tổng Thống Hoa Kỳ vẫn như một cái bóng đen phủ lên hội nghị hàng năm này vì những nhận xét đầy khiêu khích của ông về liên minh NATO đã làm lung lay sự tự tin của các quốc gia thân hữu của Mỹ trong vùng Đại Tây Dương.

Những nghi ngờ về sự lãnh đạo NATO của Washington được dự kiến là sẽ trội hẳn (dominate) trong Hội Nghị An Ninh Munich (Munich Security Conference) vào ngày 16 đến 18 tháng Hai, với các chiến lược gia của Âu Châu phải cân nhắc kỹ để tìm ra thâm ý thực sự muốn truyền đạt qua những thông điệp có nội dung mâu thuẫn với nhau phát ra từ Tòa Bạch Ốc.

Lập tức ngay sau khi ông Trump đắc cử vào tháng Mười Một năm 2016, các chính quyền Âu Châu đã chuẩn bị cho cơn ác mộng, họ sợ rằng vị tổng thống với phương châm “America First” (“Nước Mỹ Trước Nhất”) sẽ làm đúng như điều ông ta đã nói về việc làm thân với Nga và từ bỏ nguyên lý chính yếu của NATO về việc phòng thủ chung (collective defense). Nhưng hơn một năm sau đó, những điều sợ hãi tệ hại nhất của họ vẫn chưa xảy đến.

Ngay cả những lúc lời nói của Trump khuấy động mặt nước, thì liên minh NATO vẫn đứng vững. Tuy vậy, bên trong, các giới sĩ quan cao cấp của quân đội Hoa Kỳ và các phụ tá của Trump đang làm việc với các đối tác Âu Châu của họ để cố gắng ngăn cản Nga, theo như các giới chức, cựu hay đang làm việc, của Mỹ và Âu Châu cho biết.

Mặc dù những tuyên bố gây ra lo ngại của Trump, chính quyền của ông đã có những bước đi cụ thể để củng cố liên minh và chống lại Moscow, chấp thuận việc bán vũ khí để giúp Ukraine đối phó với những phần tử ly khai thân Nga và dàn thêm nhiều xe tăng của Mỹ tới cạnh sườn phía đông NATO.

Đối với các đồng minh NATO, tiền bạc, võ khí, quân dụng và các cuộc tập trận đều là những thứ làm cho họ được yên tâm. Nhưng một liên minh không phải đơn thuần chỉ là để lo về vũ khí và ngân sách. Giọng điệu (tone) và chữ dùng của vị tổng thống đã gây ra những nghi ngờ nghiêm trọng về việc liệu Hoa Kỳ có đến giúp trong một cuộc khủng hoảng hay không, các giới chức Tây phương nói.

"Chúng tôi vẫn làm việc tốt đẹp với các đối tác người Mỹ bên trong NATO," một sĩ quan cao cấp Âu Châu nói với tờ Foreign Policy.  “Nhưng khi những điều này được nói lên, thì đó đã là một vấn đề. Điều đó đã tạo ra sự bất ổn (uncertainty)."

Đối với đồng minh Âu Châu, quan điểm của họ là "điều đó không đến nỗi xấu như chúng tôi nghĩ," Julianne Smith, từng là phó cố vấn an ninh quốc gia của cựu Phó Tổng Thống Joe Biden nói.

Nhưng bà tiếp lời: "Trong khi một vài đồng minh đang nhẹ nhõm thở ra, thì vẫn còn có một số đau ngực, hoặc, ít nhất, cũng là một trạng thái lưỡng lự không biết chắc chắn chúng ta đang đi về hướng nào."

Người Âu Châu đang ghim cứng hy vọng (pinning their hopes) của họ vào hơn sáu thập niên của mối quan hệ chặt chẽ về mặt quân sự. Và họ đang nhìn đến các thành phần làm việc cho ông Trump, gồm có cả Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng James Mattis và Tổng Tham Mưu Trưởng Liên Quân, Tướng Joseph Dunford, sẽ hành xử như những người giám hộ của liên minh.

Tại buổi lễ ngày 15 tháng 1 tại Brussels, khi các giới chức của Đức trao tặng huy chương cho Tướng Dunford, thì đó chính là một thông điệp mạnh mẽ và rõ ràng đã được truyền ra, mặc dù không ai nhắc đến tên Trump.

Tướng Dunford đã khéo léo gợi ý rằng các mối quan hệ quân sự lâu dài có thể cung cấp một sự đối trọng với sự cọ sát chính trị giữa Washington và Âu Châu: "Tôi nghĩ rằng mối quan hệ giữa giới quân sự với quân sự sẽ giữ chúng ta ngay thẳng và gần lại nhau ngay khi đôi lúc chúng ta có những bất đồng ý kiến".

Trong một chuyển dịch đã tái trấn an các chính quyền Âu Châu, chính quyền của Trump quyết định gia tăng nguồn tài trợ cho nhiều đơn vị quân đội Mỹ và vũ khí, quân dụng ở Đông Âu và tăng cường việc huấn luyện và tập trận với các cộng sự trong NATO. Là một phần của chương trình European Deterrence Initiative (Sáng Kiến Phòng Thủ Âu Châu), Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ dự chi 4,8 tỷ Mỹ kim vào năm 2018, một sự gia tăng lên đến 1,4 tỷ Mỹ kim trong tài khoá của năm 2017.

Và mặc dù ông Trump đã miễn cưỡng trong việc chỉ trích Tổng Thống Nga Vladimir Putin hoặc nêu đích danh Moscow trong việc can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ năm 2016, chính phủ của ông ta cũng đã đóng cửa các cơ quan lãnh sự Nga bị nghi ngờ hoạt động gián điệp, gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Nga (dưới áp lực đáng kể của quốc hội), và bật đèn xanh trong việc cung cấp cho chính quyền Ukraine các loại vũ khí chống chiến xa – là điều mà người tiền nhiệm của ông Trump đã bác bỏ vì cho là quá rủi ro.

Nhưng thực sự đã khá rõ ràng là kể từ ngày toàn bộ chính quyền (của Trump) lên nắm quyền thì sự cam kết đối với NATO ở một ước định nào đó gần như gia tăng.

"Sẽ là một điều kỳ quái khi phủ nhận một vài điều mà ứng cử viên Trump nói ra trước đây và đã làm người khác phải nhướng mắt,” một nhân viên ngoại giao Âu Châu cho biết. "Nhưng thực sự đã khá rõ ràng là kể từ ngày toàn bộ chính quyền (của Trump) lên nắm quyền thì sự cam kết đối với NATO ở một ước định nào đó gần như gia tăng."

Đằng sau những quyết định này, với sự hậu thuẫn của Mattis và Dunford, là một team làm việc gồm toàn "dân Atlanticist” (để chỉ các thành phần ủng hộ sự cộng tác mật thiết giữa Tây Âu và người Mỹ gốc ở vùng Đại Tây Dương - HT), và các thành phần diều hâu bài Nga: Wess Mitchell, phụ tá ngoại trưởng về Âu Châu và Âu Á sự vụ (Eurasian affairs); Kurt Volker, đặc sứ ngoại giao tại Ukraine; Thomas Goffus, phó phụ tá bộ trưởng bộ quốc phòng về chính sách Âu Châu và NATO; và các nhân viên cao cấp của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia gồm có cả Richard Hooker và Fiona Hill.

"Nhân viên của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia dành rất nhiều thời giờ để chống lại những tồn đọng còn sót lại của các thành phần 'alt-right' (alternate right: một khuynh hướng cực hữu mới - HT) trong chính sách của Trump ở Âu Châu,” một cựu nhân viên cao cấp của Ngũ Giác Đài trước đây đã phục vụ trong chính phủ của George W. Bush cho biết.

Nhưng không ai trong các giới chức này có thể ngăn NATO khỏi Trump.

Trump đã nhiều lần gọi NATO là "lỗi thời" (obsolete) khi còn là một ứng cử viên tổng thống và ông ta đã từ chối việc hoàn toàn ủng hộ Điều 5, có nội dung xác định nguyên tắc bảo vệ lẫn nhau của liên minh, mãi cho đến chuyến công du lần thứ hai của ông đến Âu Châu vào tháng Bảy (mới nói đến việc ủng hộ).
Trump đã nhiều lần gọi NATO là "lỗi thời" (obsolete) khi còn là một ứng cử viên tổng thống và ông ta đã từ chối việc hoàn toàn ủng hộ Điều 5, có nội dung xác định nguyên tắc bảo vệ lẫn nhau của liên minh, mãi cho đến chuyến công du lần thứ hai của ông đến Âu Châu vào tháng Bảy (mới nói đến việc ủng hộ). Theo các giới chức Âu Châu, thì điểm tệ hại là trong chuyến viếng thăm Brussels vào tháng Năm, ông đã công khai phiền trách các đồng minh về việc ngồi không hưởng lợi (freeloading) và rồi sau đó trong bữa ăn tối đóng kín cửa, được mô tả giống như là “vụ lật xe lửa” (train wreck), ông đã cho khách trong phòng ăn những lời quở trách không theo đúng sách vở (off-script tongue-lashing), không phù hợp với ngôn ngữ ngoại giao.

Trump đã hầu như chú trọng tuyệt đối vào sự thất bại của hầu hết các quốc gia thành viên trong việc thực hiện được mục tiêu mà NATO đã đề ra là ngân sách chi tiêu quốc phòng của mỗi quốc gia phải ở mức 2% GDP (tổng sản lượng quốc gia). Chỉ có 5 trong số 29 thành viên của NATO - Hoa Kỳ, Anh, Estonia, Hy Lạp, và Ba Lan - là đáp ứng được mức ấn định đó, nhưng các chuyên gia nhấn mạnh rằng tầm quan trọng của con số này đã bị đánh giá quá mức.

Phương cách giao dịch của Trump đã khiến cho các đồng minh NATO cảm thấy bất ổn, đã làm tăng thêm sự lo ngại qua các câu hỏi về việc liệu vị tổng thống này có ủng hộ NATO một khi liên minh này cần đến hay không.

Ivo Daalder, cựu đại sứ Mỹ tại NATO, và hiện đang là chủ tịch của Chicago Council on Global Affairs nói: "Càng ngày tôi càng nghe được nhiều người Âu Châu làm việc ở cấp bực cao nhất nói rằng bất kỳ thảo luận nào ở NATO về bất cứ vấn đề gì cũng đều lập tức quay sang thảo luận về 2%.”

Kết quả là, trong nhiệm kỳ của Trump, cho đến nay Hoa Kỳ đã thất bại không giữ được vai trò lãnh đạo của mình như trước đây tại trụ sở của liên minh tại Brussels, một số cựu giới chức nói. Ngoài việc tiếp tục sự hỗ trợ các sáng kiến được đưa ra dưới thời của ông Barack Obama, chính quyền của Trump chưa tạo ra được những ý tưởng mới cho liên minh hoặc sắp đặt được các thảo luận (shape discussions) giữa các đặc sứ chính trị tại Hội Đồng Bắc Đại Tây Dương, cơ quan ra quyết định của NATO.

Jim Townsend, cựu giới chức cao cấp của Bộ Quốc Phòng, đã từng làm việc về chính sách của Âu Châu và NATO, nói rằng sự lãnh đạo của Hoa Kỳ [nơi Hội Đồng Bắc Đại Tây Dương] hầu như không tồn tại. "Động cơ bình thường để lo việc phát triển chính sách của NATO đã không chạy."

Trong khi liên minh NATO vẫn tìm cách tăng cường sự hiện diện của họ tại Đông Âu và lập kế hoạch để tạo ra các bộ chỉ huy mới về tiếp vận (logistics) và hàng hải, thì các thành viên của NATO vẫn đang bị rớt lại phía sau một khi cần phải tức thời bố trí các lực lượng và trang thiết bị đã sẵn sàng ngay vào lúc có lệnh báo.

"Ngay bây giờ, chúng ta đang ngăn chặn qua hơi khói (we’re deterring on fumes)."

Sự thiếu vắng nhiệt tâm của Trump đối với liên minh này đã nạp thêm đạn cho những thành phần hoài nghi về NATO trên toàn Đại Tây Dương, vốn là những người đã kêu gọi Âu Châu đảm nhận công việc phòng thủ của họ mà không để hoàn toàn bị lệ thuộc vào Hoa Kỳ.
Sự thiếu vắng nhiệt tâm của Trump đối với liên minh này đã nạp thêm đạn cho những thành phần hoài nghi về NATO trên toàn Đại Tây Dương, vốn là những người đã kêu gọi Âu Châu đảm nhận công việc phòng thủ của họ mà không để hoàn toàn bị lệ thuộc vào Hoa Kỳ. Và các câu hỏi về sự cam kết của Hoa Kỳ cũng khuyến khích một ý tưởng mà theo đó các quốc gia Âu Châu nên tìm kiếm một thế đứng thích nghi hơn đối với Nga.

"Một khi bạn bắt đầu đặt nghi vấn về sự đáng tin cậy của sự bảo đảm an ninh của người bạn đồng minh quan trọng nhất, thì bạn sẽ bắt đầu phải lo dựng lên hàng rào bảo vệ,” Daalder nói.

Không kể đến quan điểm của ông về NATO, Trump còn gây ra những nghi ngại rộng lớn hơn về mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương qua những lời phát biểu đầy hiềm thù (hostile) chống lại EU và các chính sách bảo hộ mậu dịch của ông. Liên Minh Âu Châu hiện nay đang theo đuổi một chương trình mậu dịch toàn cầu của mình, bao gồm một thỏa thuận mới với Nhật Bản - khi Hoa Kỳ có vẻ như sẵn sàng từ bỏ vai trò truyền thống của họ như người bảo hộ chính của một hệ thống thị trường mở rộng.

Dù là Mattis và các cấp chỉ huy quân đội ra sức kiếm cách để hỗ trợ mối liên kết gắn bó xuyên Đại Tây Dương, Trump vẫn có thể gây ra thiệt hại lâu dài cho liên minh, làm ruỗng nát sự tin tưởng được xây dựng trong nhiều thập niên, theo một số các giới chức phương Tây, cựu cũng như đang còn làm việc cho biết.

Alexander Vershbow, cựu phó tổng thư ký NATO và một nhà ngoại giao thâm niên công vụ của Hoa Kỳ, nói: "Mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương có thể sẽ bị mang sẹo trong một thời gian dài.”

“Đối với Âu Châu,” ông nói, “hiện giờ Mỹ sẽ luôn luôn là quốc gia đã bầu lên Donald Trump.”

Huỳnh Thạnh chuyển ngữ

Chú thích:
Powered by Blogger.