Header Ads

Loạn Thái Bình Thiên Quốc Tại Trung Hoa


1/ Nguyên nhân thành lập Thái Bình Thiên Quốc.
Vào mùa xuân của năm 1836, một thầy giáo 22 tuổi tên là Hồng Tú Toàn (Hong Xiuquan) từ nơi làng quê của mình là Hoa Huyện, đi tới thành phố Quảng Đông cách làng vào khoảng 22 dặm để tham dự kỳ thi địa phương. Tám năm về trước, 1828, Hồng Tú Toàn, sinh năm 1814 và là người con thứ tư trong gia đình, đã bị thi trượt nhưng sau các năm học hành, được gia đình thuộc về giai cấp nông dân giàu có giúp đỡ, Hồng Tú Toàn lần này cố gắng đi thi nhưng tiếc thay, ông ta vẫn không đậu.

Vài ngày sau đó, khi đi bộ trên đường phố đông người của thành phố Quảng Đông, Hồng Tú Toàn đã gặp hai nhà truyền giáo thuộc đạo Tin Lành, một người Mỹ lớn tuổi tên là Edwin Stevens và người thứ hai, có lẽ là người Trung Hoa đã cải theo đạo mới, tên là Lương A Pháp (Liang A-fa), ông này là người phụ tá cho Tiến Sĩ Robert Morrison thuộc Hội Truyền Giáo Luân Đôn (the London Missionary Society) tới Quảng Đông để dịch Thánh Kinh (the Bible) sang tiếng Hoa.

Vào ngày gặp gỡ đó, ông Stevens là người có bộ râu dài lại mặc một áo dài đen. Người thứ hai thuộc tuổi trung niên, đã đưa cho Hồng Tú Toàn một bộ 9 tờ giấy quảng cáo, trong đó có phần dịch thuật Thánh Kinh do Lương A Pháp, nói về Sách Sáng Thế Ký (the Book of Genesis), các nhà tiên tri của Kinh Cựu Ước (Old Testament Prophets)... Tập giấy quảng cáo này trình bày các tín điều cơ bản của đạo Thiên Chúa, nhấn mạnh về Mười Điều Răn, quyền hành tuyệt đối của Thượng Đế, sự ghê sợ khi mắc tội và cách chọn lựa không thể thỏa hiệp giữa cứu rỗi và bị đầy đọa, giữa thiên đường và địa ngục...

Hồng Tú Toàn trở về nhà, buồn phiền vì bị thi hỏng nên không hề quan tâm tới các tờ giấy giảng đạo kể trên. Ông ta cố công học tập trong một năm nữa rồi qua năm 1837, lại đi thi kỳ thứ ba. Vào kỳ thi này, Hồng Tú Toàn lại bị thi trượt, bị mê hoảng tinh thần, phải nhờ người dùng cáng đưa về nhà.

Một hôm, một người bà con của Hồng Tú Toàn tên là Hồng Nhân Can (Hong Rengan) đã kiếm ra trên kệ sách các tờ giấy quảng cáo giảng đạo Thiên Chúa, đã đọc tài liệu này và đã đưa cho Hồng Tú Toàn coi. Hồng Tú Toàn sau đó đã suy nghĩ và tưởng tượng về các lời rao giảng, về lúc gặp mặt hai nhà truyền giáo, người già hơn với bộ râu dài mang hình ảnh của Thượng Đế và người trẻ là biểu tượng của Chúa Jesus. Hồng Tú Toàn đã diễn tả các ảo giác của mình và cho rằng mình được dẫn lên Thiên Đường và rồi chính mình là con trai của Thượng Đế và là em trai của Chúa Jesus, vào lúc này có nhiệm vụ phải tiêu trừ hết ma quỷ trên thế gian và khiến cho mọi người biết tôn thờ Thượng Đế. Ở nhà, ông ta nói lớn và nói lảm nhảm, đã kể cho người chị rằng mình là “Hoàng Đế của Thiên Quốc Thái Bình” với mặt trời nằm ở trong bàn tay phải và mặt trăng nằm ở trong bàn tay trái. Từ nay, dân làng cho rằng ông thầy giáo này bị mất trí.

40 ngày sau, Hồng Tú Toàn trở thành một con người bình thường nhưng nhắc lại cho vài người biết rằng mình đã được một phụ nữ già tử tế, là Bà Mẹ trên Nước Thiên Đường (the Heavenly Mother) tới thăm. Bà cụ này nói với Hồng Tú Toàn: “Con trai của ta ơi, con đã bị dơ bẩn khi xuống trần gian. Hãy để ta rửa sạch con trước khi con được giáp mặt với Cha của con”. Hồng Tú Toàn kể rằng mình đã được dẫn đi gặp Cha, một nhân vật đáng kính, có bộ râu dài, mặc áo đen, khi đó có người anh của Hồng Tú Toàn tham dự. Vị Cha trên Trời này đã cho Hồng Tú Toàn một thanh gươm và ra lệnh phải đi tiêu diệt hết các quỷ dữ.

Hồng Tú Toàn thuộc giống người Khách Gia (Hakka), còn được gọi là “người khách” (the Guest People) từ miền bắc nước Trung Hoa di cư xuống miền trung do bị các giống dân khác đánh đuổi vào thế kỷ thứ 13. Giống người Khách Gia này có gốc Hán tộc nhưng lại dùng các y phục, tập quán, thổ ngữ riêng, họ biết cách sinh sống hợp tác với nhau để bảo vệ lẫn nhau khỏi bị các chủng tộc khác đàn áp.

Vào thời gian đầu, Hồng Tú Toàn được Hồng Nhân Can giúp đỡ cùng với gia đình và vài người bạn khác. Ông ta đi giảng đạo tại các miền quê có đông người Khách Gia cư ngụ, vừa phổ biến Thánh Kinh, vừa cổ động tinh thần chống thuốc phiện và cờ bạc, chống uống rượu và đĩ điếm, chủ trương nam nữ bình đẳng, chống Nhà Thanh để khiến cho đất nước Trung Hoa không còn bị các nước ngoài chèn ép. Hồng Tú Toàn đã giảng dạy cho người dân trong vùng rằng “mỗi năm, người Mãn Châu đã đem hàng chục triệu đồng bạc và vàng để đổi lấy thuốc phiện, đã rút ra hàng triệu tiền bạc từ xương tủy của người dân Trung Hoa”. Ông ta kêu gọi mọi người phải diệt trừ Diêm La Yêu, ám chỉ bọn quý tộc Mãn Thanh, phải tiêu diệt “con chó Hàm Phong”, tức là Vua Nhà Thanh đương thời, bởi vì Hồng Tú Toàn đã mô tả ông vua này đã tàn phá phụ nữ Trung Hoa và áp đặt các tục lệ Mãn Thanh tầm thường.

Hồng Tú Toàn đã chuyển Mười Điều Răn thành bài thơ, biến các tín đồ thành “anh chị em”, kêu gọi họ sinh sống trong tiết dục cho tới khi nào trật tự của Thiên Đường được thiết lập. Các người đi rao giảng thứ đạo mới này của Hồng Tú Toàn đã không cần đến giáo đường để làm lễ, họ chỉ cần viết tên của Đức Jehovah lên trên một tấm giấy lớn, quỳ xuống đất và cầu nguyện.

Phong trào rao giảng mới này của Hồng Tú Toàn vừa có tính chất tôn giáo, vừa mang tinh thần ái quốc, lại được tổ chức theo quân đội nên đã phát triển rất nhanh, lan ra khắp miền nam của nước Trung Hoa. Vào năm 1850, Hồng Tú Toàn đã tuyển mộ được hơn 20 ngàn người, đủ đông để thành lập một đạo quân, chế tạo vũ khí và tổ chức thành một lực lượng nổi dậy chống lại chính quyền Nhà Thanh.

Hồng Tú Toàn cùng với Phùng Vân Sơn (Feng Yunshang), Dương Tú Thanh (Yang Xiuqing), Vi Xương Huy (Wei Changhui), Tiêu Triều Quý (Xiao Chaogui) và Thạch Đạt Khai (Shi Dakai) tổ chức thành bộ chỉ huy khởi nghĩa tại thôn Kim Điền, huyện Quế Bình, tỉnh Quảng Đông.

Dương Tú Thanh trước kia là một người bán củi trong tỉnh Quảng Tây nhưng về sau trở nên một nhà chiến lược có tài, và Thạch Đạt Khai, thời đó 19 tuổi, thuộc một gia đình địa chủ giàu có, đã khuyên gia đình của mình giúp cho Hồng Tú Toàn một số tiền lớn, vào khoảng 100 ngàn đồng taels. Những người ủng hộ khác thuộc phong trào khởi nghĩa gồm các thợ mỏ địa phương, họ rất giỏi về cách đặt chất nổ và phá đường hầm nên về sau họ được sử dụng trong việc công phá các thành trì. Ngoài ra còn có các hạng người khác như các chủ tiệm cầm đồ, các thư lại, các cựu binh lính Nhà Thanh cùng các tên tướng cướp địa phương, rất giỏi khi cần đánh cướp trên bộ cũng như trên sông hồ.

Hồng Tú Toàn đã ra các mệnh lệnh nghiêm ngặt chống tham nhũng, hút thuốc phiện, khuyên mọi người phải tiết dục... Khi Vua Đạo Quang (Daoguang) qua đời vào năm 1850, Vua Hàm Phong (Xianfeng) lên nối ngôi, đã chỉ định Lâm Tắc Từ (Lin Zexu) đi đánh dẹp quân nổi loạn của Hồng Tú Toàn nhưng Lâm Tắc Từ đã qua đời trước khi chuyển quân tới gần tỉnh Quảng Đông. Vào tháng 12 năm 1850, quân lính Nhà Thanh khi tiến tới đánh dẹp, đã bị thua trận nặng nề, viên tướng chỉ huy bị giết.

Hồng Tú Toàn
Vào tháng 1/1851, Hồng Tú Toàn tự xưng là Thiên Vương, lập ra đế hiệu gọi là Thái Bình Thiên Quốc (the Taiping Heavenly Kingdom). Các thành viên của thiên quốc này là những người lính gương mẫu, đã chiến đấu với lòng dũng cảm rất cao. Các trận chiến đã diễn ra rất tàn nhẫn và đẫm máu, với quân lính dùng nhiều vũ khí nhỏ.  Cũng có các đạo quân gồm toàn phụ nữ với quân số hàng trăm ngàn người, đóng trong các doanh trại riêng biệt với nam giới. Các quân nhân của Thái Bình Thiên Quốc đã cắt bỏ chiếc đuôi sam bởi vì đây là điều bắt buộc của chính quyền Nhà Thanh, họ để tóc mọc tự do giống như kiểu tóc hippie thời sau này.

Đạo quân Thái Bình Thiên Quốc bắt đầu tiến về phía đông, theo hướng biên giới hai tỉnh Quảng Tây và Quảng Đông rồi sang mùa thu năm 1851, đổi hướng, chiếm được tỉnh Vĩnh An (Yongan) là nơi chứa đựng rất nhiều tiền bạc, thực phẩm và lại có thêm nhiều lính mới khiến cho quân số lên tới trên 60 ngàn người.

2/ Các cải cách của Thái Bình Thiên Quốc.
Vào ngày 11/1/1851, Hồng Tú Toàn khi đó 37 tuổi, tự xưng là Thiên Vương (the King of Heaven) và phong chức cho các tướng lãnh, thân thuộc như sau: Nam Vương là Phùng Vân Sơn, Đông Vương là Dương Tú Thanh, Tây Vương là Tiêu Triều Quý, Bắc Vương là Vi Xương Huy và Dực Vương là Thạch Đạt Khai. Các lãnh tụ khác cũng được phong tước vị vương hầu như: Lý Tự Thành (Li Xiucheng) là Trung Vương, Trần Ngọc Thành (Chen Yucheng) là Anh Vương, Hồng Nhân Can là Can Vương, Hồng Nhân Đạt (Hong Renda) là Phúc Vương, Hồng Nhân Phát (Hong Renfa, người anh lớn nhất) là An Vương, Hồng Nhân Quý (Hong Rengui) là Dũng Vương, Hồng Nhân Phú (Hong Renfu) là Phúc Vương... Vào thời gian này, quân Thái Bình Thiên Quốc khoe rằng đã chiếm đoạt được các kho tàng lớn gấp 6 lần số vàng bạc của Nhà Thanh tại Bắc Kinh, và họ có từ 2 tới 4 triệu người ủng hộ, với đạo quân rất kỷ luật, từ 1 triệu tới 3 triệu lính.

Quân Thái Bình Thiên Quốc lại tiến đánh tỉnh Quế Lâm (Guilin) vào mùa xuân năm 1852 rồi qua mùa hè năm đó, chiếm được tỉnh Hồ Nam (Hunan). Qua đầu tháng 12 năm 1852, hầu như không gặp sức chống cự nào, quân Thái Bình Thiên Quốc tiến vào Việt Châu (Yuezhou), phía đông của Hồ Động Đình (Dongting Lake), tại nơi đây họ đã đoạt được rất nhiều chiến lợi phẩm, hơn 5,000 tầu thuyền cùng các kho súng ống và đạn dược. Tiếp theo, thành Hán Khẩu (Hankou) sụp đổ vào tháng 12/1852 rồi tới lượt thành Vũ Xương (Wuchang) vào tháng 1/1853, nhờ vậy Hồng Tú Toàn đã có thêm 1.6 triệu đồng taels trong ngân khố địa phương và một số lớn tầu thuyền. Sau đó thành An Thanh (Anqing) đầu hàng vào tháng 2/1853, mang lại cho quân Thái Bình Thiên Quốc hơn 300 ngàn đồng taels, 100 khẩu đại bác lớn và các kho thực phẩm. Vào tháng 3 năm đó, tới lượt thành phố Nam Kinh sụp đổ.

Vào thời gian đó, dân số người Mãn Châu tại Nam Kinh là 40 ngàn người trong đó có gần 5 ngàn quân lính, họ rút lui vào trong nội thành nhưng đã bị quân Thái Bình Thiên Quốc tràn đánh. Tất cả các người gốc Mãn Châu, kể cả đàn ông, đàn bà và trẻ em, đều bị tập trung lại một nơi, bị đâm chém hay đốt cháy chết hết.

Vào cuối tháng 3/1853, Hồng Tú Toàn mặc áo hoàng bào, đội vương niệm, được 16 người khênh trên kiệu và rước vào cung điện của Nhà Minh.

Trong vùng kiểm soát, Thái Bình Thiên Quốc đã thiết lập một chế độ vừa mang tinh thần tôn giáo, vừa mang tính cách quân sự, với các cải tổ như sau:
  1. trong các kỳ thi tuyển dụng nhân tài, các bài thi chuyển từ môn Khổng học cổ điển qua Thánh Kinh, 
  2. quyền tư hữu đất đai bị xóa bỏ, quốc gia hay nhà nước phân phối lại mọi đất đai, họ chủ trương chia xẻ ruộng đất bởi vì họ tin rằng đất đai thuộc về Thượng Đế, 
  3. âm lịch bị loại bỏ, thay bằng dương lịch, 
  4. tục lệ bó chân (foot binding) bị cấm chỉ, 
  5. xã hội được coi như không có giai cấp (classless) và hai giới nam nữ được coi như bình đẳng, phụ nữ được chấp nhận vào các kỳ thi tuyển, 
  6. hai giới nam nữ phải sống xa cách nhau và có các đơn vị quân lính gồm toàn phụ nữ, 
  7. tục lệ mang đuôi sam (queue hairstyle) bị bãi bỏ, mọi người được để tóc dài tự do, 
  8. cấm các thói xấu như hút thuốc phiện, cờ bạc, thuốc lá, đa thê, nô lệ và đĩ điếm...  
  9. Tuy nhiên, các quy luật này đã được áp dụng tùy tiện, cách trừng phạt đều là bất thường và tàn nhẫn, nền quản trị hành chánh không có, các luật lệ được áp dụng tại các thành phố lớn hơn là tại miền quê và mặc dù nghiêm cấm tục lệ đa thê, Hồng Tú Toàn vẫn có nhiều cung nữ và các nhân viên cao cấp đã có nhiều vợ nhỏ và sinh sống giống như các ông hoàng thời phong kiến.
Vùng kiểm soát của Thái Bình Thiên Quốc (màu đỏ)
Vào thời điểm cao nhất, quân Thái Bình Thiên Quốc đã chiếm được miền nam và miền trung của nước Trung Hoa, đã hạ được hơn 600 thành trì, tàn phá 16 tỉnh của nước Trung Hoa, kiểm soát được vùng thung lũng sông Dương Tử (Yangtze). Sau đó, hai đạo quân được phái đi đánh kinh đô Bắc Kinh nhưng chiến dịch sau này đã không thành công. Tổn thất nhân mạng trong suốt thời kỳ này được ước tính lên đến hơn 20 triệu người.

Từ năm 1853, Hồng Tú Toàn trị vì Thái Bình Thiên Quốc trong 11 năm, tới năm 1864, sau đó quyền lực của Hồng Tú Toàn bị suy giảm do Đông Vương Dương Tú Thanh. Đông Vương này đã tuyên bố trước quân lính rằng chính mình mới là “tiếng nói của Thượng Đế”, nên có nhiều uy tín hơn Hồng Tú Toàn, tức là người em của Chúa Jesus. Hồng Tú Toàn đã không nắm được quyền kiểm soát các chính sách và cách quản trị vương quốc, ông ta lui về hậu cung và ban bố các tuyên cáo có nội dung tôn giáo, đồng thời các nhà lãnh đạo Thái Bình Thiên Quốc bắt đầu hưởng thụ, lập ra nhiều cung cấm và sinh sống trong cảnh sa hoa.

Thiên Vương Hồng Tú Toàn lại bất đồng ý kiến với Đông Vương Dương Tú Thanh về các chính sách, nghi ngờ các tham vọng của Đông Vương này cùng các người nội gián. Vào ngày 1 và 2 tháng 9 năm 1856, theo lệnh của Hồng Tú Toàn, Bắc Vương Vi Xương Huy và Dực Vương Thạch Đạt Khai đã kéo quân trở về Nam Kinh. Vi Xương Huy đã ám sát Dương Tú Thanh đồng thời giết chết 20 ngàn người của Đông Vương này rồi sau đó, Hồng Tú Toàn đã giết Vi Xương Huy cùng với hơn 200 bộ hạ.

Trước tình thế nội loạn của nước Trung Hoa, các người châu Âu đã đứng giữa, không ủng hộ hẳn phe Nhà Thanh hay phe Thái Bình Thiên Quốc, trong khi đó phe nổi dậy này đã gặp phải sự chống đối của giới trung lưu cổ điển, của giới chủ đất giầu có, bởi vì quân lính Thái Bình Thiên Quốc đã phá hủy các truyền thống Khổng học, phân cách nam và nữ...

Vào năm 1859, Hồng Nhân Can, một người bà con của Hồng Tú Toàn đã tham gia vào đạo quân Thái Bình Thiên Quốc, được Hồng Tú Toàn giao phó chức vụ lớn. Hồng Nhân Can đã lập ra chương trình bành trướng các miền chiếm đóng. Vào tháng 8 năm 1860, quân Thái Bình Thiên Quốc đã chiếm được Hàng Châu (Hangzhou) và Thọ Châu (Suzhou) nhưng khi đánh chiếm Thượng Hải (Shanghai) thì bị thất bại, bởi quân lính Nhà Thanh và đạo quân đánh thuê ngoại quốc do Frederick T. Ward chỉ huy và đây là khởi đầu của thời kỳ suy thoái.

Frederick T. Ward là một kẻ mạo hiểm người Mỹ, quê ở Salem thuộc tiểu bang Massachusetts, đã tổ chức được một đạo quân gồm vài người Âu, 200 lính Phi Luật Tân và 500 hay 600 lính Trung Hoa. Mặc dù đạo quân này không hẳn hoàn toàn thắng lợi trong mọi trận chiến nhưng vẫn được Hoàng Đế Trung Hoa phong cho danh hiệu Vạn Thắng (the Ever Victorious Army). Khi F. T. Ward tử trận, một kẻ mạo hiểm khác người Anh đã lên thay thế, tên là Thiếu Tá Charles George Gordon, sau này được gọi là “Gordon người Hoa” (Chinese Gordon). Lực lượng đánh thuê ngoại quốc này cũng là một trong các thành phần đánh bại quân Thái Bình Thiên Quốc.

3/ Thái Bình Thiên Quốc gặp thất bại.
Quân lính Nhà Thanh sau đó đã được tổ chức lại, dưới quyền chỉ huy của Tăng Quốc Phiên (Zeng Guofan) và Lý Hồng Chương (Li Hongzhang). Vào đầu năm 1864, quân lính Nhà Thanh đã chiếm lại được phần lớn các vùng đất đã mất trước kia và đang tiến về Nam Kinh. Ngày 1 tháng 7 năm 1864, Hồng Tú Toàn chết sau 20 ngày nằm bệnh, có lẽ vì uống thuốc tự sát. Thân xác của Hồng Tú Toàn bị khai quật lên từ ngôi mộ chôn trong lâu đài của Nhà Minh để xác nghiệm rồi sau đó, đốt thành tro và cho vào súng đại bác bắn đi, tướng Nhà Thanh coi đây là một cách trừng phạt vĩnh viễn.

Lực lượng quân sự của Nhà Thanh vào thời điểm này gồm có từ 2 triệu đến 5 triệu lính chính quy, hàng trăm ngàn lính địa phương và được yểm trợ bởi đạo quân đánh thuê người ngoại quốc. Phương pháp chỉ huy cũng được cải tiến nhờ các viên chức cao cấp người Trung Hoa đã tỏ rõ lòng trung thành, lòng cam đảm và táo bạo trong việc chống lại quân Thái Bình Thiên Quốc. Các nhà trí thức Khổng học này đã tức giận vì quân nổi loạn đã đe dọa các căn nhà của tổ tiên họ và đã dùng đạo Thiên Chúa để tấn công toàn thể cấu trúc của các giá trị cổ truyền. Nhà lãnh đạo danh tiếng nhất trong công cuộc dẹp tan Thái Bình Thiên Quốc là Tăng Quốc Phiên, người thuộc tỉnh Hồ Nam. Tăng Quốc Phiên đã tuyển mộ đạo quân địa phương để bảo vệ phần đất của gia đình mình rồi phối hợp với các dân quân địa phương khác để thành lập ra “đạo quân Sông Tương” (the Xiang Army), đặt tên theo con sông cắt ngang qua tỉnh Hồ Nam. Đạo quân này đã trở thành lực lượng xung kích chính, chiếm lại kinh thành Nam Kinh.

Tướng Tăng Quốc Phiên đã tâu lên Vua Nhà Thanh như sau: “Hiện nay, khi nghe nói tới loạn quân Thái Bình Thiên Quốc, người dân cảm thấy đau đớn trong trái tim, đàn ông cũng như đàn bà đã bỏ chạy, bếp lửa không còn cháy nữa. Người dân cày không còn một hạt lúa, người nọ theo người kia đã bỏ chạy. Khi loạn quân đi qua một vùng đất không có người, họ giống như các con cá bơi tại một chỗ mà không có nước”.

Bốn tháng trước khi thành Nam Kinh sụp đổ, Hồng Tú Toàn đã thoái vị, nhường ngôi cho người con trai lớn 15 tuổi tên là Hồng Thiên Quý Phú (Hong Tienguifu) nhưng người con này đã không thể phục hồi được vương quốc, vì vậy thành trì Nam Kinh dễ dàng bị quân lính Mãn Thanh đánh chiếm vào tháng 7 năm 1864. Phần lớn các vương hầu của Thái Bình Thiên Quốc bị quân Nhà Thanh hành quyết tại thành Kim Lăng (Jinling town) thuộc Nam Kinh.

Khi kinh thành Nam Kinh bị chiếm, cảnh chém giết đã diễn ra trong suốt ba ngày và con sông Tần Hoài đã tràn ngập xác người. Tướng Tăng Quốc Phiên đã báo cáo về triều đình như sau: “Ngọn lửa đã tàn phá kinh thành trong 3 ngày đêm. Không một ai trong 100 ngàn quân nổi loạn chịu đầu hàng khi kinh thành bị chiếm và trong một số trường hợp, các loạn quân tụ họp lại với nhau và tự thiêu mà không hối hận. Những kẻ nổi loạn đáng sợ này chưa được thấy từ thời cổ xưa cho tới ngày nay”.

Thành trì Nam Kinh sụp đổ, đánh dấu lúc suy tàn của Thái Bình Thiên Quốc nhưng còn nhiều trăm ngàn loạn quân tiếp tục chiến đấu tại các miền biên giới của các tỉnh Giang Tây (Jiangxi) và Phúc Kiến (Fujian) và quân lính Nhà Thanh phải mất thêm 5 năm nữa để quét sạch tàn dư của tướng Lý Phúc Trung (Li Fuzhong), tư lệnh của Dực Vương Thạch Đạt Khai, tại các tỉnh Hồ Nam, Quý Châu (Guizhou) và Quảng Tây (Guangxi).

Các đạo quân rất lớn của Thái Bình Thiên Quốc đã không lật đổ được Nhà Thanh mà về sau còn bị tiêu diệt tàn bạo. Lý do chính của sự thất bại này là cách lãnh đạo tập thể không hữu hiệu. Hồng Tú Toàn đã phong vương cho các tướng lãnh theo mình và cai trị đất đai với sự giám sát chính của Hồng Tú Toàn, nhưng hai trong số các nhà lãnh đạo tài giỏi nhất đã tử trận trong các chiến dịch năm 1852, còn Dương Tú Thanh và Thạch Đạt Khai trở nên không tin tưởng vào Thiên Vương Hồng Tú Toàn. Vì thiếu các người có tài giúp việc, Hồng Tú Toàn trở nên nản lòng, đã bỏ lỡ cơ hội tiến quân đánh chiếm Bắc Kinh, thay vào đó, ông ta lại lui về sống trong hậu cung với các cung tần và tìm đọc sách Thánh Kinh.

Sự thất bại của Thái Bình Thiên Quốc cũng do Hồng Tú Toàn đã không liên tục kêu gọi dân chúng nổi lên chống lại người Mãn Châu trong khi đó dân chúng Trung Hoa uất hận vì chính quyền Thái Bình Thiên Quốc đã thay đổi đời sống kinh tế, đã muốn thiết lập một thứ ngân quỹ chung, đã cách biệt nam nữ và bắt người dân vào các kỷ luật mới. Ngoài ra, các chính sách của Thái Bình Thiên Quốc cũng thất bại tại các miền nông thôn.

Thái Bình Thiên Quốc cũng thất bại do đã không phối hợp với các cuộc nổi loạn khác: Niệm Quân (the Nian Jun) ở phương bắc và loạn quân “khăn đỏ” (the Red Turbans) ở phương nam. Lối sống khắc khổ và đường hướng tôn giáo đã làm cho các địa phương nổi loạn khác khó lòng hợp tác với nhau.

Thái Bình Thiên Quốc đã không biết gây cảm tình với các người phương Tây. Các người ngoại quốc, nhất là các nhà truyền giáo, lúc đầu cũng hy vọng rằng thế lực mới này sẽ cải tiến xã hội Trung Hoa và đánh bại Nhà Thanh hủ lậu. Nhưng các hành động thái quá về tôn giáo của Hồng Tú Toàn đã khiến cho họ lo ngại, nhất là những nhà buôn thuốc phiện. Vì vậy cuối cùng, các người phương Tây đã ủng hộ Nhà Thanh để tránh cho quân lính Thái Bình Thiên Quốc không đánh chiếm được thành phố Thượng Hải, gây nguy hại tới các hòa ước đã được ký kết.

Thái Bình Thiên Quốc đã dùng bạo lực để thay đổi nền văn hóa cổ kính, truyền thống của dân tộc Trung Hoa, điều này chứng tỏ các nhà lãnh đạo của Thái Bình Thiên Quốc không hiểu biết chính trị. Thành phố Nam Kinh ở dưới quyền lực của họ trong hơn 10 năm mà họ không biết cách thiết lập một định chế chính quyền (any governmental institution). Họ là những người ít học vấn, tư tưởng còn nông cạn và ấu trĩ, không biết cách quản trị một đất nước mới.

Cuộc nổi loạn Thái Bình Thiên Quốc đã bị dẹp tan. Ngai vàng của Triều Đình Nhà Thanh đã được cứu vãn, các người ngoại quốc buôn bán tại Trung Hoa đã nhận ra rằng quyền lợi của họ được phục vụ tốt đẹp hơn bởi một chính quyền yếu hèn. Từ nay, nước Trung Hoa lại đi vào một thời kỳ có các hiệp ước bất bình đẳng, với các nhượng bộ và thuê mướn đất đai không đếm xỉa gì tới quyền lợi quốc gia. Nước Trung Hoa và chính quyền Mãn Thanh lại lún sâu vào thế kỷ tủi nhục.

Thái Bình Thiên Quốc là một biến cố chính trị quan trọng, ảnh hưởng lớn tới các người cai trị và các kẻ bị trị, với cách sử dụng tài sản công cộng, cách bình đẳng giữa hai giới nam và nữ, báo trước bối cảnh kết thúc của nước Trung Hoa theo Khổng Học, cũng như sẽ đưa nước Trung Hoa tới các thay đổi mới để thích hợp với nền văn hóa và kỹ thuật của Phương Tây.

Phạm Văn Tuấn

Đọc thêm:

Taiping Rebellion
https://en.wikipedia.org/wiki/Taiping_Rebellion

Powered by Blogger.