Header Ads

Sơ Lược Văn Học Bị Đàn Áp Của Nga, Sau Cách Mạng Tháng 10, và Văn Hào Boris Pasternak, Nobel Văn Chương 1958


Văn Hào Nga BORIS L. PASTERNAK (1890 – 1960)
Giải Thưởng Nobel Văn Chương 1958 và Tác phẩm “Bác Sĩ Zhivago”

Phạm Văn Tuấn (Biên Khảo)

I/ Sơ lược về Lịch Sử Văn Chương Liên Xô từ Cuộc Cách Mạng 1917.

Nền Văn Chương Nga chịu ảnh hưởng lớn của các biến cố lịch sử. Vào khoảng cuối thế kỷ thứ 10, đạo Thiên Chúa đã được truyền sang đất Nga và các tác phẩm văn học đều mang dấu vết tôn giáo. Tới khi quân Mông Cổ tràn vào chinh phục đất Nga thì nền Văn Chương Nga trong thế kỷ 13 tới 15 đã chứa đựng các đề tài về Rợ Thát Đát (Tartar). Nước Nga bị cô lập với thế giới Tây Phương trong hơn 200 năm, cho tới cuối thế kỷ 17 các bản dịch nhiều tác phẩm của Tây Phương mới bắt đầu xuất hiện trên đất Nga rồi từ cuối thế kỷ 18, bắt đầu phổ biến các hình thức văn chương phản kháng các tham nhũng chính trị, suy đồi đạo đức, chống đối Sa Hoàng và chế độ nông nô.

Trong thế kỷ 19, nền Văn Chương Nga, kể cả thơ và kịch, đã phát triển rực rỡ và nền văn học này bước vào giai đoạn hiện thực (realism) vào giữa thế kỷ. Tới đầu thập niên 1890, các nhà văn Nga chịu ảnh hưởng của các đường lối nghệ thuật và thơ phú của nước Pháp và các tư tưởng của nhà triết học người Đức Friedrich Nietzsche. Họ đã dùng các tư tưởng du nhập phối hợp với nền triết học tôn giáo địa phương để viết ra các tác phẩm mang các nét đặc thù với sự xuất hiện của các nhà thơ lớn của nước Nga và giai đoạn sáng tác này đã chấm dứt khi xẩy ra Cuộc Cách Mạng Tháng 10.

Vào giai đoạn từ 1890 tới 1920, tinh thần cách mạng đã lan tràn trên toàn đất Nga. Văn chương Nga được canh tân và mang nhiều sinh động và đây là Thời Kỳ Bạc (the Silver Age). Đời sống hàng ngày và các vấn đề xã hội đã được các nhà văn biểu tượng (symbolists) thể hiện qua các tác phẩm thơ phú và tiểu thuyết, đặc biệt là các tác giả như Tyutchev, Lermontov, Dostoevsky. Nhà thơ biểu tượng như Alexander Blok đã diễn tả các lý tưởng tôn giáo trong các tác phẩm thơ phú đầu tiên rồi về sau lại mô tả các xấu xa của thế giới. Tác phẩm nổi tiếng nhất của nhà thơ Blok là cuốn "Mười Hai" (The Twelve, 1918) đã ca ngợi cuộc Cách Mạng Bolshevik năm 1917 là cách thanh lọc tinh thần của nước Nga.

Andrei Bely cũng là một nhà thơ nổi tiếng và nhà viết tiểu thuyết xuất sắc. Trong tác phẩm Peterburg (1913) của ông, thủ đô của nước Nga đã được mô tả là nơi mà các nền triết học Đông và Tây đã gặp nhau và xung đột nhau dữ dội. Leonid Andreyev là người viết nhiều truyện ngắn giật gân với các đề tài như sự điên khùng, tính dục hay sự khủng bố, ông đã phối hợp các yếu tố của biểu tượng và hiện thực trong các sáng tác và hai tác phẩm của ông là truyện ngắn "Nụ Cười Đỏ" (the Red Laugh, 1904) và vở kịch "Người bị đánh" (He Who Gets Slapped, 1914).

Vào đầu thế kỷ 20, còn có một nhà văn danh tiếng là Ivan Bunin với các tác phẩm có đề tài là tình yêu và cõi chết, và các văn phẩm của ông giống như của trường phái biểu tượng (symbolism). Một trong các tác phẩm của Bunin là "Kẻ sang trọng từ San Francisco" (the Gentleman from San Francisco, 1915), đề cập tới một nhà triệu phú người Mỹ, đã làm việc quá cực nhọc và về sau không được hưởng thụ cuộc đời.

Tới khoảng năm 1910 tại nước Nga, đã xuất hiện trường phái văn học hậu biểu tượng (Post-symbolism). Các nhà văn này đã dùng các hình ảnh rõ ràng của xã hội, dùng tới một thứ ngôn ngữ cụ thể hơn để diễn tả và họ đã phản kháng các tác phẩm mơ hồ, mang tính triết học của trường phái biểu tượng. Các nhà văn hàng đầu của trường phái mới này là Nikolai Gumilev, Osip Mandelshtam và Anna Akhmatova.

Trong các nhà văn hậu biểu tượng, lại có một nhóm cấp tiến khác được gọi là Nhóm Tương Lai (the futurists) với đường lối thể hiện khác trước, và đại biểu của nhóm này là nhà văn Vladimir Mayakovsky, với đặc điểm ngôn ngữ mạnh và hình ảnh mô tả khác thường. Về bộ môn thơ, có Boris Pasternak là một nhà thơ lớn mô tả đời sống và thiên nhiên. Các âm thanh và từ vựng của ngôn ngữ Nga được một nhà thơ khác thử nghiệm, đó là Marina Tsvetaeva.

Tháng 11 năm 1917, đảng Cộng Sản Bolshevik lên nắm chính quyền và đã kiểm soát mọi hoạt động văn hóa, nối tiếp chính sách kiểm duyệt chặt chẽ các tác phẩm văn chương của chế độ Sa Hoàng khi trước và vì vậy, kể từ năm 1917 mọi nhật báo, tạp chí và văn hóa phẩm tại nước Nga đã trở nên các dụng cụ chính trị của đảng Cộng Sản. Nhà Nước đã kiểm tra chặt chẽ việc ấn loát, nhiều nhà in bị đóng cửa, số lượng sách báo giảm hẳn đi đồng thời chính quyền Cộng Sản đã khuyến khích các nhà văn, nhà thơ phải làm phát triển một thứ văn chương của giai cấp vô sản, và các tác phẩm văn học phải phục vụ quyền lợi của giới công nhân và nông dân.

Sự kiểm duyệt và chỉ đạo của chính quyền Cộng Sản đã bóp nghẹt các sáng tác văn học khiến cho trong giai đoạn 1917-20, đã không có nhiều tác phẩm được viết ra. Tới thập niên 1920, chính quyền Cộng Sản đã nới lỏng một đôi phần tự do, các phê bình văn học được cho phép nhờ đó đã xuất hiện một số nhà thơ, nhà văn mới. Isaak Babel với tác phẩm "Kỵ Binh Đỏ" (Red Cavalry, 1926) mô tả các hoàn cảnh khủng khiếp của chiến tranh. Leonid Leonov nói về các hệ quả tâm lý của cuộc Cách Mạng đối với người dân Nga bằng hai cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất là "Người bán rong" (The Badger, 1924) và "Kẻ cắp" (The Thief, 1927). Aleksey N. Tolstoy viết hai tác phẩm "Chị Em" (Sisters, 1922) và "Buổi sáng lạnh lẽo" (Bleak Morning, 1941). Các tiểu thuyết vào giai đoạn này mô tả đời sống trung lưu của người dân Nga trong thời gian từ 1914 tới 1920.

Cuối thập niên 1920 là thời kỳ đàn áp của chế độ cộng sản, tất cả nông dân bị dồn vào các "nông trường tập thể". Công cuộc cải tạo ruộng đất này đã làm thiệt hại 10 triệu mạng sống trong số đó một nửa bị chết đói. Các nhà văn không được nhà nước Liên Xô chấp nhận cũng bị thanh trừng, như Kharms, Pilnyak, Mandelshtam, nhà thơ nông dân Nikolai Klyuev. Rồi từ năm 1928, bắt đầu chương trình kinh tế 5 năm tại Liên Bang Xô Viết với chủ trương xây dựng nền kỹ nghệ. Các nhà văn Nga được yêu cầu viết về các vấn đề kinh tế, mô tả các nông trường tập thể, các công tác xây dựng nhà máy vì vậy chất lượng văn chương của giai đoạn này rất kém ngoại trừ một vài tác phẩm như cuốn "Thời gian, hãy tiến về phía trước" (Time, Forward!, 1932) của Valentin Kataev.

Qua đầu thập niên 1930, chính quyền Stalin đã ra lệnh cấm hẳn mọi hoạt động văn học tư nhân và thiết lập nên Hội Nhà Văn Xô Viết (the Union of Soviet Writers). Hội này là một công cụ của chính quyền Cộng Sản, có chủ đích kiểm soát và chỉ đạo tất cả các nhà văn chuyên nghiệp vào việc mô tả cách xây dựng Xã Hội Chủ Nghĩa. Các nhà văn được lệnh phải viết ra các tác phẩm lạc quan, phải có "tính đảng", có tính đấu tranh giai cấp, dễ hiểu và có thể văn tương tự như thể văn của Tolstoy hay Gorky. Các tài liệu văn học nào không đi đúng đường lối của đảng Cộng Sản đều bị kiểm duyệt và các nhà văn "khó bảo" bị loại ra khỏi Hội Nhà Văn, bị cầm tù và cuộc đời văn nghệ của họ coi như bị chấm dứt.

Vào giai đoạn chuyên chính này, tác phẩm văn học khá phổ biến và tượng trưng cho công cuộc đấu tranh là cuốn tự thuật giả tưởng (fictionalized autobiography) có tên là "Thép đã tôi thế đấy" (How the Steel Was Tempered, 1932-34) của Nikolai Ostrovsky. Aleksey Tolstoy là một trong các nhà văn được Stalin ưa chuộng nhất, đã khen ngợi các Sa Hoàng dùng bạo quyền tức là những người Nga được Stalin ngưỡng mộ, trong cuốn tiểu thuyết dang dở "Đại Đế Peter" (Peter the Great, 1929-45) và trong vở kịch "Ivan khủng khiếp" (Ivan the Terrible, 1941-43). Đồng thời Gorky và 34 nhà văn khác, như Katayev, Shklovsky, Aleksey Tolstoy và Zoshchenko, đã ca tụng các công trường lập nên do các người tù cải tạo mà thực ra, mỗi công trường, nông trường đã dùng tới xương máu của hàng chục ngàn sinh mạng. Trong các năm đen tối này, tiểu thuyết được coi là giá trị nhất là cuốn "Bậc Thầy và Margarita" (The Master and Margarita) của Mikhail Bulgakov, viết ra để "cất kín" trong các năm 1928-40 và chỉ được phép xuất hiện vào năm 1973.

Tác phẩm văn chương nổi danh nhất của giai đoạn Stalin là cuốn tiểu thuyết "Dòng Sông Đôn Êm Đềm" (The Quiet Don, 1928-40) của Mikhail A. Sholokhov, mô tả về cuộc Cách Mạng và nội chiến, về câu chuyện của một người Cossack trẻ có hạnh phúc bị tàn phá bởi thảm cảnh chiến tranh. Sholokhov nhận Giải Thưởng Nobel về Văn Chương năm 1965.

Trong thời gian chiến tranh với Đức Quốc Xã từ 1941 tới 1945, chính quyền Cộng Sản đã cho các nhà văn đôi phần tự do trong việc sáng tác bởi vì họ quan tâm tới việc kháng chiến chống Đức hơn là xây dựng xã hội chủ nghĩa. Các tác phẩm quan trọng trong giai đoạn này thường mô tả những đau khổ và cõi chết. Konstantin Simonov viết cuốn "Ngày và Đêm" (Days and Nights, 1943-44), nói tới cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc.

Sau khi Thế Chiến II chấm dứt, chính quyền Cộng Sản lại xiết chặt việc kiểm duyệt. Một số tiểu thuyết gia bị khai trừ khỏi Hội Nhà Văn như Anna Akhmatova và Mikhail Zoshchenko, một nhà châm biếm xuất sắc.

Năm 1953, Stalin qua đời, bắt đầu một thời kỳ dễ thở trong đời sống Xô Viết và trong nền văn học. Sự thay đổi này được đánh dấu bằng cuốn tiểu thuyết ngắn "Tan Băng" (The Thaw) xuất bản năm 1954 của nhà văn Ilya Ehrenburg. Trái với chỉ đạo của chính quyền Cộng Sản là phải mô tả đời sống Xã Hội Chủ Nghĩa tràn đầy hạnh phúc và lạc quan yêu đời, Ehrenburg đã trình bày những cô đơn, những thất vọng…

Sau đó bạo quyền của Stalin lại được nhà văn Alexander Solzhenitsyn phơi bày qua cuốn "Một Ngày trong Đời của Ivan Denisovich" (One Day in the Life of Ivan Denisovich) và cuốn tiểu thuyết này mô tả các trại tù lao động Xô Viết. Tới năm 1956, Nikita Khrushchev đọc một bài diễn văn tố cáo các tội ác to lớn của Stalin và từ nay, các nhà văn Cộng Sản chính thống bị người dân Nga coi như lỗi thời và các nhà văn bất đồng chính kiến được coi là những người cấp tiến.

Trong thập niên 1960, đã có một số nhà văn trẻ, cấp tiến hơn, cổ động cho tự do và tính sáng tạo trong đời sống văn nghệ, chẳng hạn như hai nhà thơ trẻ Yevgeny Yevtushenko và Andrei Voznesensky. Các khuyết điểm trong cuộc sống Xô Viết còn được Vasily Aksyonov đề cập, còn Vasily Shukshin trình bày các cực khổ của lối sống nông thôn và cảnh nghèo khó của các nông dân trong các nông trường tập thể.

Chế độ kiểm duyệt văn hóa gắt gao của chính quyền Cộng Sản đã khiến cho nhiều tác phẩm văn học không được xuất bản trong xứ, một số nhà văn đã lén lút đưa bản thảo ra nước ngoài. Năm 1957, cuốn tiểu thuyết "Bác Sĩ Zhivago" của Boris Pasternak xuất hiện bên nước Ý rồi năm sau, được phổ biến tại các quốc gia Tây Âu và Hoa Kỳ. Ông Pasternak được trao Giải Thưởng Nobel về Văn Học năm 1958, nhưng ông đã từ chối nhận giải vì áp lực của chính quyền Cộng Sản.

Vào năm 1964, Leonid Brezhnev đã thay thế Nikita Khrushchev làm Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Liên Xô, nên kể từ nay, các nhà văn tự do lại bị bắt bớ, xét xử và cầm tù. Yuli Daniel, với bút hiệu là Nikolay Arzhak, đã bị bắt giam vì phổ biến "các tài liệu tuyên truyền chống Xô Viết" tại ngoại quốc. Tuy thế, các tác phẩm văn học Nga vẫn được đưa lén và phổ biến bên ngoài Liên Xô. Cuốn truyện "Cuộc Xét Xử Bắt Đầu" (The Trial Begins) của Andrei Sinyavsky, với bút hiệu Abram Tertz, mô tả các khủng bố tại một quốc gia sống dưới chế độ Công An trị. Sinyavsky bị bắt giam năm 1965 và bị đưa đi cải tạo tới năm 1971 rồi sau đó được chính quyền Cộng Sản cho phép di cư qua Pháp vào năm 1973, mở đầu làn sóng thứ ba của các nhà văn Nga tị nạn với các nhân vật như Solzhenitsyn, Brodsky, Vasily Aksyonov, Georgi Vladimov, Vladimir Voynovich và Alexander Zinoviev.

Tại Phương Tây vào năm 1968 đã xuất hiện tác phẩm "Vòng Tròn Thứ Nhất" (The First Circle) của Alexander Solzhenitsyn. Cuốn tiểu thuyết này mô tả đời sống của các tù nhân chính trị trong thời đại Stalin. Solzhenitsyn được trao Giải Thưởng Nobel 1970 về Văn Chương nhưng rồi bị trục xuất khỏi Liên Xô vào năm 1974.

Trong các năm từ 1970 tới 1980, các hạn chế văn học đã làm khó khăn thêm việc sáng tác và xuất bản tại Liên Xô nhưng vẫn có một số nhà văn chỉ trích Xã Hội Chủ Nghĩa bằng cách mô tả những kiểu sống ích kỷ và đạo đức giả mà họ là nhân chứng. Các suy đồi luân lý và sụt giảm tiêu chuẩn tại các vùng nông thôn đã được Valentin Rasputin trình bày, còn Vladimir Voinovich châm biếm đời sống Xô Viết trong tác phẩm "Đời sống và các cuộc phiêu lưu lạ lùng của anh binh nhì Ivan Chonkin" (The Life and Extraordinary Adventures of Private Ivan Chonkin, 1975). Yuri Trifonov đề cập tới các nan giải đạo đức của giới trí thức Xô Viết qua tác phẩm "Một Đời Khác" (Another Life, 1975) và "Ông Già" (Old Man, 1978).

Giữa thập niên 1980, nhà lãnh đạo Mikhail Gorbachev đã đưa ra chính sách "Cởi Mở" (glasnost) nhờ đó các tin tức và tư tưởng được nới lỏng và vì vậy, các tác phẩm của Pasternak và của Akhmatova lần đầu tiên xuất hiện tại Liên Xô.

Vào thời đại Gorbachev, người dân nước Nga được tiếp xúc với các tác phẩm của các nhà văn bị cấm đoán trước kia như Solzhenitsyn, Mandelshtam và Tsvetaeva. Các tác phẩm mang tư tưởng tôn giáo cũng được phổ biến như của Vasily Rozanov và Nikolai Berdyaev. Các nữ văn sĩ có tài cũng xuất hiện, chẳng hạn như Alexandra Tolstaya và Liudmila Petrushevskaia. Cuốn tiểu thuyết ngắn với tên dịch là "Moscow tới cuối Đường Hầm" (Moscow to the End of the Line, 1969) của Venedikt Erofeev được tầng lớp dân chúng mới ưa chuộng. Hình ảnh về "thiên đường sụp đổ" qua các tệ nạn như nghiện rượu, ma túy, tham nhũng, băng đảng… cũng được mô tả trong các tác phẩm văn học cho đến khi Đế Quốc Cộng Sản Liên Xô tan rã vào cuối năm 1991.

II/ Nhà Thơ kiêm Nhà Văn Boris L. Pasternak.

Boris Leonidovich Pasternak là nhà thơ, tiểu thuyết gia và dịch giả người Nga. Tại nước Nga, cuốn Hợp Tuyển “Chị Tôi, Đời Sống” (My Sister, Life) là một trong các tuyển tập thơ văn có ảnh hưởng lớn trong số các tác phẩm viết bằng tiếng Nga đã từng được xuất bản. Ngoài ra, các  bản dịch sang tiếng Nga của Boris Pasternak về các vở kịch của Johann Wolfgang von Goethe, Friedrich Schiller, Pedro Calderon de la Barca và William Shakespeare vẫn còn được nhiều độc giả người Nga ưa thích.

Tại bên ngoài nước Nga, rất nhiều người trên thế giới biết tới danh tiếng của Văn Hào Pasternak bởi vì ông là tác giả của tác phẩm “Bác Sĩ Zhivago”, đây là cuốn tiểu thuyết mô tả các hoàn cảnh xẩy ra tại nước Nga trong khoảng thời gian từ cuộc Cách Mạng Nga 1905 (the Russian Revolution of 1905) tới Thế Chiến Thứ Hai. Do bởi tư tưởng độc lập đối với Xã Hội Chủ Nghĩa, tác phẩm Bác Sĩ Zhivago đã bị cấm xuất bản tại Liên Bang Xô Viết, rồi sau đó, do sự xúi giục của ông Giangiacomo Feltrinelli, tác phẩm Bác Sĩ Zhivago được đưa lén lút qua Milan, nước Ý, và được xuất bản vào năm 1957. Năm sau, Văn Hào Pasternak được trao tặng Giải Thưởng Nobel Văn Chương, sự việc này làm giảm uy tín của Đảng Cộng Sản Liên Xô và đã khiến cho Đảng này tức giận.

1/ Thời kỳ ban đầu của Boris L. Pasternak.

Boris L. Pasternak chào đời vào ngày 10 tháng 2 năm 1890 tại thành phố Moscow, trong một gia đình giàu có người Nga gốc Do Thái. Cha của Boris là ông Leonid Pasternak, là một họa sĩ “hậu ấn tượng” (Post-Impressionist painter) và cũng là Giáo Sư tại Trường Hội Họa, Điêu Khắc và Kiến Trúc của thành phố Moscow (the Moscow School of Painting, Sculpture, and Architecture). Bà mẹ của Boris tên là Rosa Kaufman, là một nhạc sĩ hòa tấu dương cầm (a concert pianist) và cũng là con gái của ông Isadore Kaufman, một nhà kỹ nghệ tại thành phố Odessa.

Không lâu sau khi Boris chào đời, ông bà Leonid tham gia vào phong trào Tolstoy (the Tolstoyan Movement) và vì vậy, Đại Văn Hào Leo Tolstoy đã là bạn thân của gia đình này, và ông Leonid rất kính trọng Đại Văn Hào, đã minh họa nhiều tác phẩm của Leo Tolstoy, và hầu như cả gia đình Pasternak đã tiếp thu tinh thần của Leo Tolstoy.

Ngoài Đại Văn Hào Leo Tolstoy, các nhân vật danh tiếng thường hay tới thăm gia đình Pasternak này, gồm có các nhạc sĩ danh tiếng Sergei Rachmaninoff, Alexander Scriabin, nhà triết học hiện sinh Lev Shestov, nhà thơ Rainer Maria Rilke. Do ảnh hưởng của nhạc sĩ Scriabin, Boris Pasternak đã có ước vọng trở nên một nhạc sĩ, nên đã ghi tên theo học Nhạc Viện Moscow (the Moscow Conservatory), đã dồn thời giờ theo học bộ môn sáng tác nhạc trong 6 năm. Tới năm 1910, Boris bỗng nhiên thôi học nhạc để sang nước Đức, theo học tại Đại Học Marburg, tại nơi này ông theo học các nhà triết học thuộc trường phái Kant-Mới (Neo-Kantian) là các Giáo Sư Hermann Cohen và Nicolai Hartman.

Tại Marburg, Pasternak đã thương yêu cô Ida Vysotskaya, là thiếu nữ từ một gia đình danh giá với nghề buôn trà tại thành phố Moscow. Pasternak đã dạy kèm cho thiếu nữ này vào năm cuối của bậc trung học rồi sau này, ông đã kể lại mối tình này trong tập thơ “Marburg” (1917). Boris Pasternak đã trở lại Moscow trước khi Thế Chiến Thứ Nhất xẩy ra, mặc dù Giáo Sư Cohen đã khuyên ông nên ở lại nước Đức để theo đuổi chương trình Tiến Sĩ Triết Học. Tại Moscow, Pasternak đã xin kết hôn với cô Ida Vysotskaya nhưng gia đình Vysotskaya này đã khuyên cô gái từ chối bởi vì Pasternak lúc đó không có tương lai sáng sủa.

Tại Moscow, Boris Pasternak đã thán phục các nhà văn biểu tượng A. Blok và A. Bely nên vào năm 1913, đã tham gia vào nhóm thi sĩ thuộc trường phái “Tương Lai” (futurism) có tên là “Ly Tâm” (Tsentrifuga) và do ở trong nhóm thi sĩ này, Pasternak đã cho ra đời tập thơ đầu tay có tên là “Người sinh đôi ở trong Mây” (The Twin in the Clouds, 1914). Các vần thơ của Pasternak rất đặc sắc nhờ ngữ vựng phong phú, âm điệu mới mẻ, tiết điệu thay đổi, nhiều lặp âm (alliterations) và cách diễn tả các hình ảnh giống như của Mayakovsky là thi sĩ mà Pasternak rất thán phục và chịu ảnh hưởng.
Sau cuộc tình thứ hai thất bại vào năm 1917, Pasternak đã làm một số bài thơ in trong tuyển tập “Chị Tôi, Cuộc Đời” (My Sister, Life) trong đó có đôi phần phản ảnh triết học của Immanuel Kant, cũng như các nét ảnh hưởng của các nhà thơ mà Pasternak ưa thích, chẳng hạn như Rilke, Lermontov, Pushkin và các nhà thơ lãng mạn Đức.

Trong thời kỳ Thế Chiến Thứ Nhất, Pasternak dạy học và làm việc tại một xưởng hóa chất tại Vsevolodovo-Vilve, gần thành phố Perm, chính nơi này đã giúp cho Pasternak có được các tài liệu để viết ra cuốn tiểu thuyết Bác Sĩ Zhivago vài năm về sau.

Không giống như các người trong gia đình và các bạn bè khác, Pasternak không muốn rời khỏi đất nước Nga sau cuộc Cách Mạng Tháng 10 năm 1917 (the October Revolution of 1917). Ông không muốn trốn đi nước ngoài hay đi về miền nam để tới vùng đất do phe Bạch Nga kiểm soát, giống như một số nhà văn khác. Chắc hẳn Boris Pasternak đã bị ấn tượng khi các người Bolsheviks lên cầm quyền vào năm 1917. Pasternak đã kính phục Vladimir Lenin, đã nhìn thấy vị lãnh tụ này trong kỳ Đại Hội Xô Viết lần thứ 9 (the 9th Congress of Soviets) vào năm 1921, nhưng rồi chẳng lâu, ông đã nghi ngờ các thành quả của chế độ mới, không kể đến cách cai trị tàn nhẫn.

Boris Pasternak đã cho xuất bản các thi tập tiếp theo: “Vượt qua các trở ngại” (Over the Barriers, 1917), “Chị tôi, Cuộc Đời” (My sister, Life, 1922), và “Sinh lần thứ Hai” (Second Birth, 1932) qua đó thể hiện các ảnh hưởng của trường phái biểu tượng (symbolism) của thế kỷ 19 với cách chú trọng vào các tính bí ẩn, ấn tượng và thẩm mỹ, tuy nhiên cũng mang các đặc tính canh tân với cách phối hợp các hình ảnh và cách tới gần lịch sử và thiên nhiên.

Sau cuộc Cách Mạng Nga, dân chúng Nga đã bị thiếu thốn thực phẩm và chất đốt một cách trầm trọng, các vụ cướp phá của tệ nạn Khủng Bố Đỏ (the Red Terror) đã làm cho đời sống của người dân Nga rất gian nan, đặc biệt bị ảnh hưởng là giới trí thức và giới tư sản. Vào năm 1919, một người bạn của Pasternak đã gặp ông trên đường phố khi ông đã phải mang mấy cuốn sách giá trị trong tủ sách của mình, đem đi bán để lấy tiền mua bánh mì.

Boris Pasternak vẫn tiếp tục viết văn và phiên dịch các tác phẩm ngoại quốc, nhưng vào khoảng giữa năm 1918, các nhà văn hầu như không thể xuất bản các tác phẩm một cách dễ dàng bởi vì các văn hóa phẩm đều bị chính quyền Xô Viết kiểm soát chặt chẽ, họ chỉ có một cách là tìm lối xuất bản lậu, chính trong cách này mà Tuyển Tập “Chị Tôi, Cuộc Đời” (My Sister, Life) đã tới tay các người đọc vào năm 1921. Ngay sau đó, tuyển tập kể trên đã làm cách mạng đường hướng thơ phú của nước Nga và Boris Pasternak đã trở nên một kiểu mẫu của các nhà thơ trẻ và đã làm thay đổi thơ phú của các nhà thơ như Osip Mandelstam, Marina Tsvetaeva cũng như nhiều nhà thơ khác.

Tiếp theo tuyển tập kể trên, Pasternak còn sáng tác vài tác phẩm khác trong đó có tập thơ trữ tình “Đứt Đoạn” (Rupture). Vào thời gian này, các nhà văn thân Xô Viết cũng như theo Bạch Nga di cư đều ca ngợi thơ phú của Boris Pasternak là thuần khiết, do cảm hứng không bị kiềm chế. Vào cuối thập niên 1920, Pasternak thường hay trao đổi thư từ tay ba với Rainer Maria Rilke và Marina Tsvetaeva.

Cũng vào thập niên 1920, Pasternak đã dần dần nhận thấy rằng đường lối thơ phú màu sắc của ông không hợp với nhóm lãnh đạo kém văn hóa, vì vậy ông đã cố gắng viết lại một số bài thơ cho dễ hiểu hơn và bắt đầu hai tập thơ dài nói về Cuộc Cách Mạng Nga Năm 1905 (the Russian Revolution of 1905). Ông cũng chuyển sang viết văn xuôi và nhiều truyện tự thuật, đặc biệt là hai tác phẩm “Thời Niên Thiếu của Luvers” (The Childhood of Luvers) và “Cách Cư Xử An Toàn” (Safe Conduct).
Vào năm 1927, hai người bạn thân của Boris Pasternak là Vladimir Mayakovsky và Nikolai Aseev đã quảng bá việc quy phục Nghệ Thuật một cách hoàn toàn cho các nhu cầu của Đảng Cộng Sản Liên Sô (the Communist Party of the Soviet Union), vì vậy, trong một bức thư gửi cho chị Josephine, Pasternak cho biết có ý định cắt đứt liên lạc với cả hai nhà thơ kể trên, bởi vì hai nhà thơ này đã bị chi phối bởi lối sống tầm thường.

Vào năm 1932, Boris Pasternak đã sửa lại văn phong để cho văn thơ của mình dễ hiểu hơn đối với quần chúng và ông đã cho in một tập thơ mới có tên là “Sinh Lần Thứ Hai” (The Second Birth). Tập thơ mới này đã không được các người Nga di cư và chống Cộng Sản ưa thích. Boris Pasternak lại làm đơn giản hơn nữa cả về văn phong lẫn ngôn ngữ trong tập thơ kế tiếp.

Các thi phẩm của Boris Pasternak đã chứng tỏ ông là một nhà thơ xuất sắc, tuy nhiên các nhà phê bình văn học cộng sản Liên Xô đã khiển trách ông là thơ phú của ông đã không theo đúng các kiểu mẫu của trường phái hiện thực xã hội chủ nghĩa (socialist realism), vì vậy sau năm 1932, chỉ có hai tập thơ của Boris Pasternak xuất hiện: “Trên Chuyến Tầu Sớm” (On Early Trains, 1943) và “Khoảng Trống Địa Cầu” (The Terrestrial Expanse, 1945).

2/ Sinh sống vào thời kỳ khủng bố của Stalin.

Sau khi Joseph Stalin được tôn vinh lên làm Tổng Bí Thư của Đảng Cộng Sản Liên Xô, Pasternak càng trở nên thất vọng trước sự gia tăng kiểm duyệt các tác phẩm văn chương và ông không muốn cúi đầu tuân theo các luật lệ mới. Ông vẫn là bạn thân của nhà văn Anna Akhmatova và nhà thơ Osip Mandelstam. Sau khi được sáng tác vào cuối tháng 4 năm 1934, Mandelstam đã đọc cho Pasternak nghe bài thơ trào phúng, chế riễu và kết tội Stalin, Pasternak đã phải nói với Mandelstam rằng: “Tôi đã không nghe bài thơ này, bạn đã không đọc thơ cho tôi nghe, bởi vì như bạn đã biết, nhiều sự việc lạ lùng và kinh khủng đang xẩy ra vào lúc này: họ đang tìm bắt nhiều người. Tôi e sợ rằng các bức tường đều có tai để nghe và có lẽ ngay cả những chiếc ghế dài trên đại lộ ở nơi này đều có thể nghe và kể chuyện. Vì thế, hãy cho rằng tôi không nghe được điều gì”.

Vào buổi tối ngày 14 tháng 5 năm 1934, Mandelstam bị bắt tại nhà riêng do lệnh bắt giam ký tên bởi ông trùm mật vụ NKVD là Genrikh Yagoda. Quá buồn phiền, Pasternak tới ngay văn phòng của tờ báo Sự Thật Izvestia để năn nỉ Nikokai Bukharin can thiệp cho Mandelstam. Pasternak rất buồn phiền vì Mandelstam đã bị bắt giữ. Ông vừa quan tâm tới sự an toàn của người bạn, vừa lo lắng rằng mình có thể bị người khác nghi ngờ đã phản bội Mandelstam do tố cáo với bọn mật vụ. Pasternak đã đi khắp nơi, nói với mọi người rằng ông ta không chịu trách nhiệm về sự vắng bóng Mandelstam.

Sau khi Pasternak gặp gỡ Bukharin, điện thoại đã reo trong căn nhà của Pasternak tại Moscow. Một giọng nói từ Điện Kremlin cho biết: “Đồng Chí Stalin muốn nói chuyện với anh”. Pasternak cảm thấy sững sờ, mất tinh thần. Ông hoàn toàn chưa sửa soạn cho việc nói chuyện như thế, rồi sau đó, Pasternak nghe được tiếng nói của chính Stalin ở đầu dây bên kia. Vị lãnh tụ nói với Pasternak theo lối cục mịch, thô lỗ: “Hãy cho ta biết các nhà văn trong nhóm văn thơ đã nói gì về việc bắt giữ Mandelstam?”.

Rất bối rối, Pasternak đã chối bỏ, nói rằng không có cuộc thảo luận nào liên hệ tới Mandelstam và không có nhóm văn thơ nào còn lại trong xứ Nga Sô Viết. Stalin lại hỏi Pasternak về ý kiến riêng đối với Mandelstam. Bị luống cuống, Pasternak đã cắt nghĩa rằng Mandelstam và chính mình, trong thơ phú, mỗi người đều theo triết lý hoàn toàn khác nhau. Stalin chỉ nghe, không khuyến khích, không cắt lời và cuối cùng, khi Pasternak im lặng, Stalin đã nói bằng một giọng chế riễu: “Tôi biết, anh đã không thể bảo vệ được một đồng chí”, rồi đặt máy điện thoại xuống.

Vào các năm về sau, Pasternak còn nhớ lại rằng ông đã bị kinh hoảng khi cuộc nói chuyện với Stalin chấm dứt. Ông đã nhiều lần gọi điện thoại cho Điện Kremlin, xin được nói chuyện tiếp với Stalin nhưng chỉ được trả lời rằng “Đồng Chí Stalin đang mắc bận”. Pasternak trở nên rất lo lắng.

Trong năm 1937, sau vụ xét xử Tướng Iona Yakir và Thống Chế Mikhail Tukhachevsky, Hội Các Nhà Văn Xô Viết (the Union of Soviet Writers) đã yêu cầu tất cả hội viên phải ký tên vào bản văn lên án tử hình các bị cáo. Họ cũng đã yêu cầu Boris Pasternak ký tên như các nhà văn khác, nhưng Pasternak đã từ chối. Chủ Tịch của Hội Nhà Văn là Vladimir Stavski rất lo sợ là ông ta sẽ bị trừng phạt vì sự bất đồng ý kiến của Pasternak. Ông Stavski đã phải đi tới tận Peredelkino và đe dọa Pasternak nhưng Pasternak vẫn cương quyết từ chối không ký tên vào bản văn lên án. Khi nghe được tin này, bà vợ thứ hai đang mang bầu của Pasternak, tên là Zinaida Pasternak đã lăn xuống sàn nhà, kêu khóc rằng chồng của bà đang tàn phá gia đình. Nhưng, Pasternak vẫn không động tâm và đã đi nằm nghỉ. Cả hai vợ chồng Pasternak và Zinaida đều cho rằng họ sẽ bị bọn mật vụ tới bắt giam vào tối hôm đó. Sau này họ được biết rằng một tên mật vụ NKVD đã nấp trong bụi cây bên ngoài cửa sổ và đã ghi chép lại tất cả những gì mà họ nói với nhau.

Ngay sau đó, Boris Pasternak đã viết thư khiếu nại trực tiếp lên Stalin. Ông tuyên bố rằng cuộc sống của chính ông tùy thuộc vào sự xếp đặt của vị Lãnh Tụ. Pasternak đã tin tưởng rằng ông sẽ bị bắt giam ngay sau đó nhưng không, người ta đã kể lại rằng Stalin đã gạch tên Pasternak khỏi danh sách các người bị "hành hình" trong thời kỳ Đại Thanh Trừng (the Great Purge). Stalin đã bảo các kẻ dưới quyền: “Đừng dính vào tên sống trên mây này” (Do not touch this cloud dweller).

Mặc dù Boris Pasternak đã không bị bọn mật vụ Sô Viết bắt giam nhưng người bạn thân của ông là Titsian Tabidze đã là nạn nhân của cuộc Đại Thanh Trừng. Trong cuốn tự thuật xuất bản vào thập niên 1950, Pasternak đã mô tả sự hành hình Tabidze và các cảnh tự sát của Marina Tsvetaeva và Paolo Iashvili, đây là những nỗi đau lòng trong suốt cuộc đời của ông.

Theo nhà viết tiểu sử của Stalin, tên là Simon Sebag Montefiore, thì Stalin đã biết rõ rằng Mandelstam, Pasternak và Bulgakov là các thiên tài (geniuses) nhưng vẫn ra lệnh văn chương của họ phải bị áp lực. Do Pasternak và Bulgakov không hề chỉ trích Stalin một cách công khai nên họ đã không bị bắt giam. Olga Ivinskaya, người vợ sau này của Pasternak, đã nói rằng: “Tôi tin rằng giữa Stalin và Pasternak đã có một cuộc đối đầu lạ thường và yên lặng”.

3/ Thời kỳ Thế Chiến Thứ Hai.

Boris Pasternak rất vui mừng khi cuộc chiến tranh giữa Đức Quốc Xã và Liên Xô bùng nổ. Khi không quân Đức Luftwaffe bắt đầu dội bom thành phố Moscow, Pasternak liền phục vụ vào đội cứu hỏa, là nhân viên giám sát trên nóc của tòa nhà của Hội Các Nhà Văn, trên đường Lavrunshinski. Theo bà Olga Ivinskaya, Pasternak liên tục giúp đỡ vào việc tháo gỡ các quả bom Đức rơi xuống tòa nhà kể trên.

Vào năm 1943, Pasternak được phép thăm viếng các binh lính ngoài mặt trận. Ông đã đi tới các nơi nguy hiểm nhất và đã phải chịu đựng nhiều gian khổ. Ông đã đọc thơ và nói chuyện với cả quân nhân bị thương cũng như đang chiến đấu.

Khi chiến tranh chấm dứt, người dân Nga đã ước mong rằng họ sẽ không còn nhìn thấy cảnh tàn phá do chế độ Quốc Xã, đồng thời sẽ chấm dứt các thanh trừng kiểu Stalin. Nhưng các đoàn xe lửa bít bùng đã chuyên chở rất nhiều tù binh vào các Quần Đảo Ngục Tù Xô Viết (the Soviet Gulags). Một phần các tù nhân này là những người đã từng cộng tác với Đức Quốc Xã và chiến đấu dưới quyền của Tướng Andrey Vlasov, nhưng phần lớn tù nhân là các sĩ quan Xô Viết và các người dân thường, tất cả bị chở thẳng tới các trại tập trung (Soviet concentration camps). Cũng bị tống giam vào các Quần Đảo Ngục Tù là các người Nga da trắng đã bỏ nước Nga và ra đi nước ngoài, họ đã trở về Nga do lời hứa sẽ được ân xá, ngoài ra còn có các người Do Thái thuộc Ủy Ban Chống Phát Xít (the Anti-Fascist Committee) và các người thuộc nhiều tổ chức khác nữa. Hàng ngàn người dân vô tội đã bị bỏ tù vì bị cho là liên hệ tới vụ Xét Xử Leningrad (the Leningrad Affair) và vụ Âm Mưu của các Bác Sĩ (the Doctor’s Plot), trong khi đó các nhóm dân thiểu số bị tống khứ đi Siberia. Sau này, Boris Pasternak đã nói rằng: “Trong cơn ác mộng, chúng ta đã nhìn thấy mọi cảnh ghê sợ sau chiến tranh, chúng ta không còn tiếc thương gì khi nhìn thấy Stalin bị lật đổ, cùng với Hitler”.

Vào tháng 10 năm 1946, Pasternak tuy đã có gia đình, đã gặp gỡ cô Olga Ivinskaya, một người đàn bà có con riêng và làm việc cho tờ báo Thế Giới Mới (Novy Mir). Pasternak đã bị xúc động sâu xa vì nàng Olga này trông rất giống người đẹp của mối tình đầu Ida Vysotskaya, nên Pasternak đã tặng cho nàng Olga nhiều tập thơ và bản dịch văn chương. Mặc dù Pasternak không từ bỏ bà vợ cũ, ông đã theo đuổi cuộc sống ngoại hôn này cho tới cuối đời. Chính vào lúc này, Pasternak đang dịch các bài thơ của nhà thơ Sandor Petofi, người Hung Gia Lợi (Hungarian).

Vào một buổi chiều ngày 6 tháng 10 năm 1949, Olga Ivinskaya đã bị mật vụ KGB tới khám nhà, tất cả các tài liệu liên quan tới Pasternak bị được xếp thành đống. Olga đã bị tống giam vào nhà tù Lubyanka, tại nơi này nàng đã không khai lời nào buộc tội Pasternak. Olga Ivinskaya đã bị kết án 10 năm trong Quần Đảo Ngục Tù và khi mới bước chân vào nhà tù này, nàng đã bị hư thai, cái thai với Pasternak. Mật Vụ Nga đã cố gắng hỏi cung Olga để lấy đủ chứng cớ kết tội Pasternak và nhà văn này, về sau, đã phải nói: “Tôi sống còn là nhờ tấm lòng anh hùng và sự kiên nhẫn của nàng Olga”. Chính vào thời gian khó khăn này, Boris Pasternak đã viết miệt mài phần thứ hai của tác phẩm “Bác Sĩ Zhivago”.

Khi Stalin qua đời vào ngày 5 tháng 3 năm 1953 vì bị đứt mạch máu não (stroke), Pasternak đang sinh sống tại Moscow còn Olga Ivinskaya vẫn còn bị giam giữ trong Quần Đảo Ngục Tù (the Gulag). Vào lúc này,cả nước Nga đang sinh sống trong cảnh hoang mang, rối loạn và người dân đang bày tỏ lòng thương tiếc Stalin. Pasternak vì thế đã viết: “Các người không được tự do… thường lý tưởng hóa cảnh nô lệ của họ” (Men who are not free… always idealize their bondage).

Sau khi Olga Ivinskaya được tha ra khỏi nhà tù, Pasternak đã nối lại tình cảm với người tình này. Pasternak đã tâm sự với nàng Olga: “Đã lâu, chúng ta bị cai trị bởi một kẻ điên và một kẻ sát nhân, và bây giờ bởi một tên khùng và một con heo” (For so long we were ruled over by a madman and a murderer, and now by a fool and a pig). Vào thời kỳ này, Pasternak thường lấy làm thích thú đọc bản in lén lút cuốn truyện “Trại Súc Vật” (the Animal Farm) của George Orwell. Pasternak đã cắt nghĩa cho Olga biết rằng con heo độc tài làm cho ông nhớ tới Thủ Tướng Xô Viết Nikita Khrushchev.

4/ Viết Tác Phẩm Bác Sĩ Zhivago.

Vào thập niên 1930, nhất là vào các năm 1936-38, các khủng bố của chính quyền Stalin đã hành hạ các nhà văn và nhà thơ vì họ đã không theo đúng các giáo điều nghiêm khắc của đảng Cộng Sản, đặc biệt là nhóm thi sĩ miền Georgia mà Pasternak là một thành viên vào năm 1931. Người ta cho rằng trong thời kỳ "thanh trừng đỏ" của Stalin, Boris Pasternak được an toàn bởi vì ông đã chuyển ngữ một số bài thơ của Stalin viết bằng tiếng địa phương Georgia. Trước các đe dọa, ông Pasternak đành phải im tiếng, không sáng tác thơ văn, dành thời giờ vào công việc dịch thuật các tác phẩm của Keats, Shelley, Verlaine, Petrofi, rồi trong khoảng thời gian từ năm 1941 tới năm 1949, ông đã chuyển dịch 6 bi kịch lớn của Shakespeare cùng tác phẩm Faust của Goethe, tác phẩm Marie Stuart của Schiller, cũng như các tác phẩm của nhiều nhà văn, nhà thơ người Đức, người Anh khác.

Chính trong bầu không khí khủng bố và nghi kỵ của thời đại Stalin, Boris Pasternak đã phác thảo một cuốn tiểu thuyết duy nhất bắt nguồn từ các suy nghĩ đã có trước cuộc Thế Chiến Thứ Hai: “Bác Sĩ Zhivago” (Doctor Zhivago, 1957). Iouri Zhivago là một y sĩ người Nga đã trải qua nhiều kinh nghiệm đau đớn và rối loạn trong thời kỳ Cách Mạng của đất nước. Ông ta là một nhà trí thức, do tấm lòng thành thực, do niềm tin tôn giáo và tinh thần độc lập, đã xung khắc với lý thuyết và cách thi hành tàn bạo của chế độ Cộng Sản. Iouri Zhivago không thể chấp nhận các luật lệ nghiêm khắc của chế độ này, nên đã cố gắng đi tìm hạnh phúc trong tình yêu và trong vẻ đẹp của thiên nhiên. Ioui Zhivago cũng là một nhà thơ, vì vậy các câu thơ đã chiếm một phần tác phẩm.

Mặc dù cuốn truyện được tác giả bắt đầu viết vào thập niên 1910 và tiếp tục vào thập niên 1920, nhưng tác phẩm Bác Sĩ Zhivago chỉ được hoàn thành vào năm 1956. Boris Pasternak đã đưa tác phẩm cho nhà xuất bản Thế Giới Mới (Novy Mir) nhưng họ đã từ chối bởi vì tác giả Pasternak đã chối bỏ nền “hiện thực xã hội chủ nghĩa” (socialist realism). Nhân vật chính trong truyện là Yuri Zhivago, cũng giống như tác giả, đã quan tâm nhiều hơn về hạnh phúc cá nhân hơn là sự tiến bộ của xã hội. Các người kiểm duyệt trong nhà xuất bản Thế Giới Mới còn cho rằng trong tác phẩm này, đã có các đoạn văn “chống Xô Viết”, và đặc biệt chỉ trích chế độ Stalin-nít, sự tập thể hóa, cuộc Đại Thanh Trừng và Quần Đảo Ngục Tù (the Gulag).

Vào tháng 3 năm 1956, Đảng Cộng Sản Ý (the Italian Communist Party) đã phái đi tới Liên Xô một nhà báo trẻ tuổi tên là Sergio d’Angelo. Nhờ đã là đảng viên Cộng Sản và giấy phép của nhà báo, d’Angelo đã có thể giao tiếp với các nhân vật trong đời sống văn hóa của Thủ Đô Moscow. Bên ngoài nhiệm vụ chính thức, d’Angelo còn có một việc riêng với một nhà xuất bản ở Milan tên là Giangiacomo Feltrinelli, đó là đi tìm kiếm các tác phẩm mới của nền văn chương Xô Viết mà các độc giả Tây Phương có thể ưa thích tìm đọc.

Sau khi biết tin tức rằng đã có tác phẩm Bác Sĩ Zhivago, d’Angelo liền đi tới Peredelkino và đề nghị với nhà văn Pasternak giao cuốn truyện cho ông Feltrinelli xuất bản. Lúc đầu, Pasternak bị sửng sốt, nhưng rồi nhà văn này vừa đưa bản thảo cho d’Angelo, vừa cười và nói: “Anh ở đây sẽ được mời tới coi tôi đứng trước đội lính hành quyết”.

Theo ý kiến của Lazar Fleishman, Pasternak biết rõ rằng mình đang đứng trước một sự may rủi rất lớn. Từ thập niên 1920, không một tác giả Xô Viết nào dám nghĩ tới việc giao thiệp với  một nhà xuất bản tây phương, bởi vì việc làm như vậy đã khiến cho Nhà Nước Xô Viết tìm cách bắt bớ Boris Pilnyak và Evgeny Zamyatin. Tuy nhiên, Boris Pasternak tin rằng sự liên hệ đảng viên Cộng Sản của Feltrinelli sẽ giúp cho việc xuất bản tác phẩm, không những ở nước ngoài mà còn có thể khiến cho Nhà Nước Xô Viết phổ biến tác phẩm ở trong Liên Xô.

Khi biết tin chồng giao tác phẩm Bác Sĩ Zhivago cho một nhà xuất bản Tây Phương, cả hai bà vợ của Pasternak là Zinaida Pasternak và Olga Ivinskaya đều hoảng sợ, nhưng Pasternak vẫn từ chối thay đổi ý kiến và báo cho d’Angelo biết rằng ông chuẩn bị cam chịu sự hy sinh để nhìn thấy tác phẩm Bác Sĩ Zhivago được xuất bản.

Vào năm 1957, ông Feltrinelli đã công bố rằng tác phẩm Bác Sĩ Zhivago sẽ được công ty của ông xuất bản. Mặc dù nhiều yêu cầu của vài phái viên Xô Viết, ông Feltrinelli vẫn từ chối hủy bỏ hay trì hoãn xuất bản tác phẩm kể trên. Theo bà Ivinskaya: “Ông Feltrinelli tin rằng ông không có quyền cản trở một danh tác không cho thế giới đọc, đây còn là một tội lỗi lớn lao hơn”. Chính quyền Xô Viết khi đó đã bắt buộc Pasternak phải gửi điện tín tới nhà xuất bản để rút lại bản thảo nhưng Pasternak đã gửi một bức thư bí mật khác, nhắc nhở ông Feltrinelli bỏ qua các bức điện tín kể trên.

Do các vận động của chính quyền Xô Viết ngăn cản tác phẩm Bác Sĩ Zhivago, tác phẩm này đã trở thành một sự kiện gây xúc động tức thời tại các nước không cộng sản khi tác phẩm kể trên được phát hành vào tháng 11 năm 1957. Khi tác phẩm Bác Sĩ Zhivago được phổ biến, nước Do Thái đã chỉ trích ông Pasternak vì một số đoạn văn có vẻ như đề cập tới dân tộc Do Thái và khi biết được điều này, Pasternak đã trả lời rằng: “Bất chấp, tôi ở trên chủng tộc” (No matter. I am above race). Theo nhà phê bình Lazar Fleishman, Pasternak đã viết ra các đoạn văn tranh cãi trước khi nước Do Thái giành được độc lập, vả lại, Pasternak thường hay tham dự các buổi lễ của nhà thờ Orthodox Nga và ông tin rằng người Do Thái Xô Viết đổi sang đạo Thiên Chúa còn hơn là họ theo vô thần hay theo chủ nghĩa Stalin-nít.

Bản dịch sang tiếng Anh đầu tiên của tác phẩm Bác Sĩ Zhivago đã do Max Hayward và Manya Harari thực hiện gấp rút để theo kịp yêu cầu lớn lao của các độc giả. Bản dịch này ra đời vào tháng 8 năm 1958 và vẫn là bản dịch duy nhất trong hơn 50 năm. Từ năm 1958 tới năm 1959, ấn phẩm tiếng Anh đã được xếp hạng nhất của danh sách các sách truyện bán chạy nhất (bestseller list) của tờ báo The New York Times trong suốt 26 tuần lễ.

“Bác Sĩ Zhivago” là một cuốn tiểu thuyết lịch sử và xã hội, mang tính cách trở về với truyền thống hiện thực, đã trình bày một toàn cảnh của xã hội Nga vào thời kỳ của cuộc Cách Mạng Cộng Sản 1917. Do chỉ trích chế độ Cộng Sản, cuốn tiểu thuyết “Bác Sĩ Zhivago” của Boris Pasternak bị các nhà phê bình Xô Viết tố cáo là “đã phỉ báng cuộc Cách mạng Tháng 10, nói xấu nhân dân và cách xây dựng xã hội của Liên Xô”, đồng thời các nhà xuất bản từ chối ấn hành tác phẩm, tác giả Pasternak bị trục xuất khỏi Hội Các Nhà Văn Xô Viết (the Soviet Writers Union).

Tại Liên Xô, Bác Sĩ Zhivago là tác phẩm bị cấm đọc, bị bêu xấu bởi giới truyền thông nhà nước, ngoài ra, tác giả Pasternak còn nhận được rất nhiều bức thư chửi bới từ các người cộng sản ở cả trong nước lẫn hải ngoại. Nhưng, trong một bức thư gửi cho người chị là Josephine, Pasternak đã thuật lại các lời nói của một người bạn tên là Ekaterina Krashennikova sau khi đọc Bác Sĩ Zhivago. Bà này nói: “Đừng quên rằng không phải chính Anh đã viết nên tác phẩm này, mà là do Dân Tộc Nga và các đau khổ của họ đã tạo nên tác phẩm. Cảm ơn Thượng Đế đã diễn tả những thứ đó bằng ngòi bút của Anh”.

5/ Giải Thưởng Nobel Văn Chương.

Sau cuối Thế Chiến Thứ Hai đã có các tin đồn rằng nhà văn Boris Pasternak sẽ nhận được Giải Thưởng Nobel Văn Chương. Theo ông chủ tịch Ủy Ban Nobel Lars Gillensten, lời đề nghị tác giả Pasternak đã được thảo luận mỗi năm từ 1946 tới 1950, rồi tới năm 1957 và cuối cùng, đến năm 1958, nhà văn Boris Pasternak mới nhận được Giải Thưởng. Theo nhà báo Ivan Tolstoi, cơ quan mật vụ Anh MI6 và cơ quan mật vụ Mỹ CIA đã giúp công vào việc có bản văn tiếng Nga của tác phẩm Bác Sĩ Zhivago nạp cho Ủy Ban Nobel, trong khi tác giả Pasternak lại mong rằng Ủy Ban Nobel sẽ trao giải thưởng cho nhà văn Alberto Moravia.

Ngày 23 tháng 10 năm 1958, nhà văn Boris Pasternak được thông báo là người thắng Giải Thưởng Nobel "vì sự đóng góp vào loại thơ trữ tình Nga và tiếp tục truyền thống anh hùng ca lớn lao của nước Nga" (The citation credited Pasternak’s contribution to Russian lyric poetry and for his role in, “continuing the great Russian epic tradition”.)

Vào ngày 25 tháng 10, Pasternak gửi một điện tín tới Hàn Lâm Viện Thụy Điển, viết rằng: “tôi biết ơn vô cùng, cảm động, tự hào, ngạc nhiên và tràn ngập xúc động”. Cũng vào cùng ngày này, Viện Văn Chương (the Literary Institute) ở Moscow đã bắt buộc các sinh viên phải ký tên phản đối Pasternak và tác phẩm. Họ cũng đòi hỏi phải trục xuất Pasternak ra khỏi nước. Phong trào chống Pasternak đã được tổ chức theo truyền thống tệ hại nhất kiểu Stalin-nít: lên án trên tờ báo Sự Thật (Pravda) cũng như tại các báo chí khác.

Vào ngày 29 tháng 10 năm 1958, chủ tịch của Ủy Ban Trung Ương Liên Đoàn Thanh Niên Cộng Sản (the Central Committee of the Young Communist League) là Vladimir Semichastny đã đả kích Pasternak trước một cử tọa gồm 14,000 người, trong đó có cả ông Khrushchev và các lãnh tụ đảng khác, và đã so sánh Pasternak với một con heo (a pig). Người ta cho rằng tác giả của cách xỉ nhục này chính là ông Khrushchev. Sự xỉ nhục này suýt làm cho Pasternak phải tự sát.

Hơn nữa, ông Pasternak còn được thông báo rằng nếu ông đi Stockholm để nhận Huy Chương Nobel thì ông sẽ bị từ chối trở về Liên Xô. Kết quả là Pasternak gửi một điện tín thứ hai tới Ủy Ban Nobel, viết như sau: “Xét vì ý nghĩa của phần thưởng đối với xã hội mà tôi đang sinh sống, tôi phải từ chối sự biệt đãi không xứng đáng này, xin đừng bực mình vì sự tự nguyện từ chối của tôi”. Sau đó, Hàn Lâm Viện Thụy Điển đã công bố: “Sự từ chối này, dĩ nhiên, không làm thay đổi giá trị của phần thưởng. Hàn Lâm Viện rất tiếc phải công bố rằng sẽ không có việc trao Phần Thưởng”.

Người con trai của nhà văn Pasternak tên là Yevgenii Pasternak khi nhìn thấy cha hôm đó, đã thuật lại rằng: “Tôi không thể nhận ra được cha tôi khi tôi gặp ông chiều hôm đó: xanh xao, mặt không có hồn, đôi mắt đau đớn và mệt mỏi và miệng chỉ nói một câu 'bây giờ, không sao cả, ta đã từ chối Giải Thưởng'”.

Mặc dù quyết định của Boris Pasternak là từ chối Giải Thưởng Nobel nhưng Hội Các Nhà Văn Xô Viết vẫn tiếp tục bêu xấu ông Pasternak trong phạm vi báo chí nhà nước. Ông Pasternak vẫn bị đe dọa bị trục xuất chính thức sang Phương Tây. Cuối cùng, ông Pasternak đã phải viết một bức thư trực tiếp tới Thủ Tướng Liên Xô (Soviet Premier) là ông Nikita Khrushchev, nội dung như sau:
“Tôi xin gửi bức thư này tới cá nhân Ngài và Chính Quyền Xô Viết. Từ bài nói chuyện của đồng chí Semichastny, tôi biết rằng chính quyền sẽ không cản trở tôi ra khỏi Liên Xô. Đối với tôi, điều này không thể chấp nhận được. Tôi đã bị buộc chặt vào nước Nga từ lúc sinh ra đời, do đời sống và công việc làm. Tôi không thể nghĩ rằng vận mệnh của tôi sẽ tách rời khỏi nước Nga. Mặc dù các lỗi lầm hay các khuyết điểm của tôi, tôi không thể tưởng tượng được rằng tôi đã thấy chính tôi ở vào trung tâm của một phong trào chính trị mà đã diễn ra dần dần chung quanh tên họ của tôi tại phương Tây. Từ khi tôi biết được điều này, tôi đã thông báo cho Hàn Lâm Viện Thụy Điển về việc tôi tự nguyện từ chối Giải Thưởng Nobel. Đi ra khỏi biên giới của quê hương tôi, có cùng ý nghĩa với sự chết và vì vậy tôi xin Ngài không thi hành thái quá theo cách này đối với tôi. Với bàn tay của tôi đặt lên trái tim, tôi có thể nói rằng tôi đã làm được một thứ gì cho nền văn chương Xô Viết hay có thể có ích lợi cho nền văn chương này”.

Trong tác phẩm “Cây Sồi và con Bê” (The Oak and the Calf), đại văn hào Alexander Solzhenitsyn đã chỉ trích mạnh mẽ Boris Pasternak, cả về việc từ chối Giải Thưởng Nobel lẫn việc gửi thư cho Thủ Tướng Khrushchev. Trong cuốn hồi ký, bà Olga Ivinskaya cũng đã tự trách mình đã làm áp lực người yêu về cả hai quyết định kể trên.

Vào ngày 31 tháng 10 năm 1958, Hội Các Nhà Văn Xô Viết (the Union of Soviet Writers) đã mở một cuộc xét xử kín. Theo các ghi chép, Pasternak bị tố cáo là một tên Bạch Nga nằm vùng (a internal White émigré) và một tên Phát Xít (a Fascist fifth columnist). Sau đó các người tham dự cùng tuyên bố Pasternak đã bị trục xuất khỏi Hội Nhà Văn. Một bản văn khác gửi tới Bộ Chính Trị (the Politburo) yêu cầu Pasternak phải bị tước bỏ quyền công dân Xô Viết và cho đi lưu vong tới “thiên đường Tư Bản của ông ta” (to “his Capitalist paradise”). Tuy nhiên, theo lời người con trai của ông Pasternak là Yevgenii Pasternak thì tác giả Konstantin Paustovsky đã từ chối tham dự buổi họp kể trên, còn ông Yevgeny Yevtushenko đã tham dự buổi họp nhưng bước ra khỏi phòng họp để phản đối.
Cũng theo người con trai Yevgenii Pasternak thì cha của anh đã phải bị đi lưu vong nếu không có Thủ Tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru (Indian Prime Minister Jawaharlal Nehru) gọi điện thoại cho ông Krushchev và đe dọa sẽ lập ra một ủy ban để bảo vệ ông Pasternak.

Có thể rằng Giải Thưởng Nobel đã tránh cho ông Pasternak khỏi bị giam cầm bởi vì chính quyền Xô Viết e sợ các phản đối quốc tế, nhưng các hành hạ tâm lý đã làm cho suy yếu sức khỏe của nhà văn Boris Pasternak. Trong khi đó, họa sĩ Bill Mauldin đã vẽ một bức hí họa chính trị (a political cartoon) giành được Giải Thưởng Pulitzer năm 1959 (the 1959 Pulitzer Prize for Editorial Cartooning), bức họa này vẽ Pasternak và một tội phạm của Quần Đảo Ngục Tù, họ đang chặt cây trong trời tuyết. Phụ đề viết: “Tôi đã thắng được Giải Thưởng Nobel Văn Chương, còn tội lỗi của anh vì sao?”.

6/ Các năm cuối đời của Văn Hào Boris L. Pasternak.

Sau thời kỳ rắc rối vì tác phẩm Bác Sĩ Zhivago, ông Pasternak đã làm các bài thơ liên quan tới tình yêu, tính bất tử và sự hòa hợp với Thượng Đế. Ông hoàn thành tác phẩm cuối cùng tên là “Khi thời tiết trở lại quang đãng” (When the Weather Clears, 1959).

Boris Pasternak cũng tiếp tục phiên dịch các bản văn của Juliusz Slowacki và Pedro Calderon de la Barca. Trong khi dịch Calderon, Pasternak nhận được sự yểm trợ bí mật của Nicolai Mikhailovich Liubimov, một nhân vật cao cấp của bộ máy văn chương của Đảng.

Vào mùa hè năm 1959, Pasternak bắt đầu viết vở kịch “Vẻ Đẹp Mù”, một trong bộ ba vở kịch nói về thời gian trước và sau khi Sa Hoàng Alexander II hủy bỏ chế độ nông nô tại nước Nga. Nhưng vào lúc này, ông Pasternak đã ngã bệnh vì ung thư phổi ở vào thời kỳ cuối cùng trước khi ông có thể hoàn thành vở kịch đầu tiên trong bộ ba kịch bản.

Văn Hào Boris L. Pasternak qua đời vào buổi chiều ngày 30 tháng 5 năm 1960 vì bệnh ung thư phổi tại nhà riêng của ông ở Peredelkino. Trước khi ông nhắm mắt, một tu sĩ của Nhà Thờ Chính Thống Nga đã làm lễ cuối cùng cho ông.

Mặc dù chỉ có một thông báo nhỏ xuất hiện trên Tạp Chí Văn Chương (the Literary Gazette), nhưng đã có nhiều thông báo viết tay ghi rõ ngày và giờ của đám tang được dán khắp hệ thống xe điện ngầm ở thủ đô Moscow. Vì vậy, hàng ngàn người ngưỡng mộ Văn Hào Pasternak đã bất chấp sự canh chừng của mật vụ KGB, họ đã tới Peredelkino để tham dự tang lễ.

Trước quan tài, Giáo Sư Asmus đã phát biểu: “Một nhà văn đã qua đời, vị này cùng với Pushkin, Dostoevsky và Tolstoy, đã tạo nên đôi phần vinh quang cho nền văn chương Nga. Dù cho nếu chúng ta không đồng ý với ông về mọi thứ, chúng ta vẫn mắc nợ ông và biết ơn do ông đã nêu gương về một tấm lòng lương thiện không thay đổi, về một lương tâm trong sạch và vì quan niệm về nhiệm vụ của một nhà văn một cách anh hùng. Các nhầm lẫn hay thiếu sót của ông đã không ngăn cản chúng ta nhận ra ông là một thi sĩ có tầm vóc lớn”.

Một vị khách cuối cùng đã nói: “Chúng ta đã dứt phép thông công Tolstoy, chúng ta đã không thừa nhận Dostoevsky, và bây giờ chúng ta không thừa nhận Pasternak. Đối với mọi thứ đã mang lại vinh quang cho chúng ta, chúng ta đã trục xuất chúng sang Phương Tây…Nhưng chúng ta không thể cho phép điều này. Chúng ta yêu thương Pasternak và chúng ta kính trọng ông ta vì là một nhà thơ…Vinh quang tới với Pasternak!”

Các cử tọa đã vỗ tay, chuông nhà thờ đã đổ từng hồi. Nấm mộ của Boris Pasternak đã trở nên ngôi đền thờ chính cho các hội viên của phong trào phản kháng Xô Viết.

Sau khi ông Boris Pasternak qua đời, bà Olga Ivinskaya đã bị nhà cầm quyền Xô Viết bắt giam lần thứ hai cùng với cô con gái là Irina Emelyanova. Cả hai bị tố cáo đã liên lạc với các nhà xuất bản phương tây và dùng tiền của tác phẩm Bác Sĩ Zhivago. Các tài liệu và các bức thư của ông Pasternak viết cho bà Ivinskaya đều bị mật vụ KGB tịch thu. Sau đó, KGB đã âm thầm thả cô Irina một năm sau, 1962, và thả bà Olga vào năm 1964. Vào năm 1978, hồi ký của bà Olga Ivinskaya đã được đưa lén lút ra nước ngoài và được xuất bản tại thành phố Paris, nước Pháp. Bản dịch tiếng Anh do Max Hayward, đã được phổ biến cùng năm dưới nhan đề: “Thời Gian bị Cầm Tù: Các Năm của tôi với Pasternak” (A Captive of Time: My Years with Pasternak).

Bà Olga Ivinskaya chỉ được khôi phục lại thanh danh vào năm 1988. Sau khi Liên Xô bị tan rã vào năm 1991, bà Ivinskaya đã kiện chính phủ Nga để đòi lại các bức thư và các tài liệu mà KGB đã chiếm giữ vào năm 1961 nhưng Tối Cao Pháp Viện Nga đã xác nhận rằng các giấy tờ này phải được lưu giữ trong văn khố quốc gia. Bà Olga Ivinskaya qua đời vì bệnh ung thư vào ngày 08 tháng 9 năm 1995.

Một phóng viên của đài truyền hình NTV đã so sánh vai trò của bà Olga Ivinskaya với các nàng thơ danh tiếng khác của các nhà thơ Nga: “Pushkin không thể hoàn thành tác phẩm nếu không có Anna Kern, và Yesenin sẽ là vô danh nếu không có Isadora, vì thế Pasternak sẽ không là Pasternak nếu không có Olga Ivinskaya, nàng là nguồn cảm hứng để viết Bác Sĩ Zhivago”.

Trong khi đó, Văn Hào Boris Pasternak vẫn còn bị bêu xấu bởi Nhà Nước Xô Viết cho tới khi ông Mikhail Gorbachev công bố chính sách “Cởi Mở” (Perestroika) vào cuối thập niên 1980.

Vào năm 1988, sau vài thập niên được phổ biến nhờ xuất bản lậu, tác phẩm Bác Sĩ Zhivago mới được tạp chí Thế Giới Mới (Novy Mir) đăng lên các trang báo đều đặn.

Vào tháng 12 năm 1989, người con trai của Văn Hào Boris L. Pasternak tên là Yevgenii Borisovich Pasternak đã được phép đi tới thành phố Stockholm để nhận lãnh Giải Thưởng Nobel Văn Chương của cha cậu. Vào buổi lễ, nhạc sĩ hồ cầm rất danh tiếng (cellist) người Nga và cũng là người ly khai chế độ Cộng Sản, tên là Mstislav Rostropovich, đã trình diễn một bản Serenade của J. S. Bach để vinh danh vị danh nhân cùng xứ sở đã quá vãng.

Ngoài ra, một hành tinh nhỏ do nhà thiên văn Xô Viết Lyudmila Geogievna Karachkina khám phá ra vào năm 1980 đã được đặt bằng tên Pasternak (minor planet 3508 Pasternak). Cuốn phim Bác Sĩ Zhivago do nhà đạo diễn David Lean, với các tài tử Omar Sharif, Geraldine Chaplin và Julie Christie, được thực hiện vào năm 1965, đã trở nên một phim bán chạy nhất trên khắp thế giới nhưng chỉ tới được nước Nga sau phong trào Cởi Mở Perestroika. Ấn bản TV Nga năm 2006 về Bác Sĩ Zhivago, đạo diễn do Alexander Proshkin và thủ vai Zhivago là tài tử Oleg Menshikov, được coi là trung thực với tác phẩm của Văn Hào Pasternak hơn là cuốn phim năm 1965 của đạo diễn David Lean.

7/ Cốt truyện của Tác Phẩm Bác Sĩ Zhivago.

Yury Zhivago là người đàn ông bị dày vò do hai mối tình với hai người đàn bà trong khi lại bị lôi cuốn vào cuộc rối loạn chính trị tại nước Nga vào thế kỷ 20. Mẹ của Yury qua đời khi ông ta còn là một cậu bé và ông được ông chú Kolya nuôi dưỡng. Yury theo học y khoa tại trường đại học Moscow, tại nơi này, ông ta gặp nàng Tonya và cả hai đã lập gia đình với nhau và có một con trai đặt tên là Sasha.

Yury trở thành một bác sĩ quân y và đóng tại một tỉnh nhỏ. Ông ta đã gặp Lara, là người đàn bà mà ông đã nhìn thấy hai lần trước kia. Lần đầu tiên, ông tới một nhà của một phụ nữ đã cố gắng tự sát và ông ta đã nhìn thấy Lara trao đổi ánh mắt với một người đàn ông già tên là Komarovsky. Lần thứ hai Lara đã bắn ông Komarovsky tại một buổi họp mặt nhưng lại làm bị thương một công tố viên của tòa án. Lara đã kết hôn với Pasha, một người lính trẻ đã bị mất tích và cô ta đi về phương tây để tìm kiếm người chồng cũ. Lara có một con gái đặt tên là Katya mà cô ta đã để lại tại Yuryatin, trong miền núi Urals, nơi đây cũng là nơi sinh ra đời của cô.

Yury thì bị quyến rũ bởi Lara nhưng ông ta đã trở về với vợ con tại thành phố Moscow. Lúc này là thời kỳ sinh sống khó khăn, gia đình Yury phải vất vả mới kiếm ra được thức ăn và củi đốt, vì thế họ quyết định di chuyển về phía đông, tới Varyniko, là nông trại trước kia là của ông nội Tonya nhưng bây giờ đang được tập thể hóa. Cuộc hành trình thì dài và khó khăn nhưng khi tới nơi, họ thấy nơi đây có nhiều thực phẩm và củi đốt. Yury đã đi tới thành phố gần nhất là Yuryatin, để dùng thư viện. Chính tại nơi này, ông ta đã gặp Lara một lần nữa. Họ bắt đầu yêu nhau, kéo dài trong hai tháng trước khi Yury quyết định cắt đứt liên lạc với Lara và thú nhận tất cả với vợ. Trên đường về nhà, Yury bị một nhóm dân quân bắt giữ, họ dùng ông ta làm sĩ quan y tế.

Yury bị bắt buộc làm việc với đạo quân này cho tới cuối cuộc chiến tranh giữa quân Bạch Nga (the Tsarist Whites) và quân Cộng Sản Đỏ (the Communist Reds). Khi được thả ra, Yury trở lại Yuryatin để tìm kiếm Lara. Hai người sống với nhau trong nhiều tháng trường rồi tới miền Varykino để trốn tránh.

Người chồng cũ của Lara là Pasha lúc này trở nên một thủ lãnh trong miền núi Urals nhưng lại là người bị truy nã. Ông Komarovsky trở về, gặp Yury và khuyên cặp vợ chồng này nên đi về phía đông với ông ta để tránh bị giết. Vào thời gian này, gia đình Yury đang sinh sống tại thành phố Paris, nước Pháp, nên Yury hứa nếu có cơ hội sẽ đi gặp họ. Tại Varykino, Yury đã lừa dối Lara do dẫn con gái của bà này rồi cùng đi xa với Komarovsky.

Yury trở lại thành phố Moscow và tìm được việc làm. Ông ta bắt đầu sống chung với Marina, người con gái của một gia đình bạn. Yury và Marina có với nhau hai đứa con. Các bạn cũ của Yuri là Misha và Nicky đã khuyên ông ta nên giải quyết tình trạng song hôn với Tonya và Marina. Rồi sau đó, Yury kiếm được một công việc làm mới nhưng trên đường đi tới sở làm vào ngày đầu tiên, Yury đã qua đời vì bị liệt tim. Lara tới đám tang và hỏi người anh em cùng cha khác  mẹ với Yury, ông này là một luật sư, là làm sao tìm lại được đứa con đã bị thất lạc vì  đi với người lạ. Lara đã ở nơi này vài ngày rồi không thấy đâu nữa, có lẽ đã chết trong một trại tập trung.

Nhiều năm về sau, Misha và Nicky cùng chiến đấu trong Thế Chiến Thứ Hai rồi đã gặp một cô gái làm nghề giặt ủi tên là Tanya, cô này đã kể lại cho họ nghe về cuộc đời của mình, vì vậy Misha và Nicky quyết định rằng cô gái này chính là con của Yury và Lara.

A/ Các nhân vật trong truyện.

a) Yury Andreyevich Zhivago: là nhân vật chính trong cuốn truyện. Yury là con trai của một người trước kia giàu có nhưng về sau nghiện rượu và đã tự sát. Sau khi mẹ qua đời, Yury được người chú Kolya nuôi dưỡng. Yury Zhivago trở nên một bác sĩ và một nhà văn, ông ta phục vụ trong Thế Chiến Thứ Nhất. Yury đã kết hôn với Tonya, họ có hai người con nhưng ông ta lại yêu Lara trong khi làm việc trong một bệnh viện quân đội.

b) Tonya = Antonina Alexandrovna Gromeko: là vợ của Yury, trước kia là con gái của ông Alexander Alexandrovich Gromeko, một người giàu có và là bạn của gia đình của Yury.

c) Lara = Larissa Fyodorovna Guishar (sau này là Antipova): là người yêu của Yury. Lara đã kết hôn với người tình của thời niên thiếu tên là Pasha Antipov, sinh sống với Pasha tại Yuryatin là nơi bà ta sinh ra đời, họ có một con gái tên là Katya.

d) Komarovsky = Victor Ippolitovich Komarovsky, là một luật sư đã khiến cho cha của Zhivago phải tự sát. Ông ta có ý định quyến rũ Lara khi cô này còn trẻ.

e) Kolya = Nikolay Nikolayevich Vedenyapin (Kolya): là chú của Yury. Ông ta trở nên một nhà văn nổi tiếng, sinh sống tại Thụy Sĩ rồi về sau trở về Nga.

f) Misha Gordon: là một người bạn của Yury, cũng là người đã chứng kiến cha của Zhivago tự sát.

g) Nicky Dudorov: là người bạn từ thuở trẻ của Yury.

B/ Nhận xét về tác phẩm Bác Sĩ Zhivago.

Bác Sĩ Zhivago là một thiên sử thi (an epic), một cuốn tiểu thuyết tình cảm và một cuốn sách lịch sử. Tác phẩm này kể câu chuyện về dân tộc Nga đã bị bắt buộc sinh sống trong nhiều nghịch cảnh trong nửa đầu của thế kỷ 20 và cũng kể các thử nghiệm cảm xúc do tình yêu trong các hình thức phức tạp nhất.

Yury Zhivago là một anh hùng bi thương cổ điển, có khuyết điểm là không thể kiểm soát được đời sống của mình và lòng trung thành của mình nhưng anh ta có một cá tính đạo đức mạnh và tấm lòng muốn làm điều phải. Yury cũng là một con người nhậy cảm và có năng khiếu về thơ phú nhưng lý tưởng và các nguyên tắc mà Yury đặt ra cho mình thì hoàn toàn khác hẳn với các cảnh tàn bạo và các nỗi kinh hoàng của Thế Chiến Thứ Nhất, của Cuộc Cách Mạng Nga và của Cuộc Nội Chiến Nga. Cho nên chủ đề chính của cuốn tiểu thuyết là chủ nghĩa lý tưởng (idealism) và thần bí (mysticism) đã bị cả nhóm người Bolsheviks lẫn nhóm Bạch Nga (the White Army) tàn phá do bởi cả hai nhóm này đã phạm phải vô vàn hành động tàn ác đáng ghê sợ.

Cuộc đời của Yury bắt đầu bằng một rủi ro, cả hai cha mẹ đều qua đời khi anh ta còn trẻ và được nuôi dưỡng nhờ một người chú. Sau này, Yury kết hôn với một người bạn mà anh ta đã thương yêu nhưng rồi lại bị lôi cuốn vào một người đàn bà khác. Yury và vợ phải phấn đấu để sống còn trước cảnh đói khát và bị hành hạ, phải sinh sống trong các cảnh tàn nhẫn của chiến tranh. Trong khi đó Yury lại yêu thương Lara mặc dù cảm tình phải trung thành với Tonya. Tình yêu của Yury đối với Tonya là do từ tình bạn khi trước, còn Yury đối với Lara do lòng đam mê.

Trong suốt cuộc đời của Yury Zhivago, lịch sử mới của nước Nga đã được dàn trải ra. Yury sinh ra vào thời đại của Sa Hoàng nhưng lại sống qua Thế Chiến Thứ Nhất, qua Cuộc Cách Mạng Cộng Sản và Cuộc Nội Chiến. Anh ta bắt đầu cuộc đời trong một gia đình giàu có nhưng trở thành nghèo hèn do người cha nghiện rượu. Yury là thành phần của giới trí thức, thường quan tâm tới các vấn đề triết học và tôn giáo. Cuộc cách mạng đã làm thay đổi bộ mặt của xã hội Nga và hoàn cảnh gia đình cùng với địa vị xã hội của rất nhiều người. Là một bác sĩ, Yury thường hay thảo luận về chính trị với những người có học vấn, chẳng hạn như nói chuyện với ông chú Nikolay, nhưng Yury lại nghi ngờ những người lên nắm chính quyền bởi vì rất nhiều nhà hoạt động chính trị vào thời kỳ này chỉ biết nói như các con vẹt để chứng tỏ rằng họ là trí thức và Yury thấy rằng mình không thể sống bình thường trong một xã hội Xô Viết mới.

Yury có số mạng bi thương vào lúc cuối đời nhưng cuộc đời của chàng cũng đã có nhiều giai đoạn hạnh phúc xen vào trong các lúc đen tối. Yury Zhivago đã không thể duy trì tình cảm với cả ba người đàn bà mà chàng yêu thương, chàng qua đời, để lại các đứa con với các người đàn bà này, tất cả chúng nó đều có các số phận khác nhau: lưu vong, nghèo khó và không ổn định.

Giống như Yury Zhivago, tác giả Pasternak, đã quan tâm tới hạnh phúc cá nhân nhiều hơn là phúc lợi của xã hội. Các nhà kiểm duyệt Xô Viết cũng thấy ở trong cuốn tiểu thuyết các đoạn văn “chống Xô Viết” cũng như các lời chỉ trích rất tế nhị các chế độ “Stalin-nít”, chế độ “tập thể hóa”, cuộc “Đại Thanh Trừng” (the Great Purge) và Quần Đảo Ngục Tù (the Gulag).

8/ Các tác phẩm của Văn Hào Boris L. Pasternak.

a) Phần Thơ:
  • Người sinh đôi trong mây (1914) (The Twin in the Clouds)
  • Vượt Qua các Trở Ngại (1916) (Over the Barriers).
  • Chủ Đề và Biến Đề (1917) (Themes and Variations).
  • Chị Tôi, Đời Sống (1922) (My Sister, Life).
  • Trên Chuyến Tầu Sớm (1944) (on Early Trains).
  • Trong phần Biến Tấu: Thơ (1945-1960) (1962) (In the Interlude: Poems).
  • Thơ Tuyển Lựa (1946) (Selected Poems).
  • Thơ (1954) (Poems).
  • Khi thời tiết quang đãng (1959) (When the Weather Clears).
b) Phần Văn:
  • Đối xử an toàn (1931) (Safe Conduct).
  • Sinh lần thứ hai (1932) (Second Birth).
  • Thời niên thiếu (1941) (Childhood).
  • Các công trình sưu tập (1945) (Collected Works).
  • Các bài viết chọn lựa (1949) (Selected Writings).
  • Tác phẩm Faust của Goethe (1952) (Goethe’s Faust).
  • Tiểu luận trong tự thuật (1956) (Essay in Autobiography).
  • Bác Sĩ Zhivago (1957) (Doctor Zhivago).
9/ Một Bài Thơ trong Tác Phẩm “Bác Sĩ Zhivago” của Boris Pasternak.

Meeting

The snow will bury roads
And houses to the roofs
If I go to stretch my legs
I see you at my door.

In a light fall coat, alone,
Without overshoes or hat,
You try to keep your calm,
Sucking your snow-wet lips

The tree and fences draw
Far back into the gloom.
You watch the street, alone
Within the falling snow.

Your scarf hangs wet with snow,
Your collar and your sleeves,
And stars of melted flakes
Gleam dewy in your hair.

A shining wisp of hair
Lights suddenly your face,
Your figure in the cold,
In that thin overcoat.

Flakes gleam beneath your lashes
And anguish in your eyes.
You were created whole,
A seamless shape of love.

It seems as if your image
Drawn fine with pointed steel
Is now in silver lines
Cut deep within my heart.

Forever there you live
In your true humility
It does not really matter
If the world is hard as stone.

I feel I am your double
Like you outside, in dark
I cannot draw the line
Dividing you from me.

For who are we, and whence,
If their idle talk alone
Lives long in aftertime
When we no longer live?

Boris Pasternak (1890-1960)
(Translated by Eugene M. Kayden in the Poems of Doctor Zhivago)
Gặp Gỡ

Tuyết vùi chôn những lối mòn
Và rơi phủ trắng trên muôn mái nhà
Khi anh dạo bước chân qua
Thấy em bên cửa thướt tha bóng hồng.

Đơn côi manh áo thu phong
Chân trơ hài lạnh, đầu không mũ hàn,
Vẻ thản nhiên, dáng bình an
Đôi bờ môi nhấm tuyết tan ướt mềm.

Hàng cây bờ dậu im lìm
Xa, buồn, ảm đạm như chìm trong sương,
Em nhìn hiu quạnh phố phường
Bóng cô đơn giữa tuyết vương khắp trời.

Tuyết rơi làm ướt em tôi,
Ướt khăn, ướt áo, ướt người tôi thương,
Một trời hoa tuyết vấn vương
Long lanh tinh tú gieo sương mái đầu.

Tóc mây óng ánh tươi màu
Khuôn trăng xinh đẹp chợt đâu rạng ngời,
Dáng em vùng lạnh chơi vơi
Phong phanh áo khoác giữa trời giá băng.

Bờ mi tuyết đọng sáng ngần
Sáng thêm đôi mắt sầu dâng võ vàng.
Từ em sáng tạo vẹn toàn
Tình yêu hình tượng vô vàn trinh nguyên.

Dường như nếu bóng hình em
Vẽ bằng nét nhọn dễ chìm nét hoa
Thì giờ đây cũng khó nhòa
Khắc sâu nét bạc đậm đà tim anh.

Ấp e nơi đó mộng lành
Bóng em sống mãi, chân thành, khiêm cung,
Mặc cho trần thế mịt mùng
Khó khăn gian khổ chập chùng sá chi.

Trong anh tâm tưởng mãi ghi
Rằng hai ta chẳng cách ly bóng hình,
Anh đâu vạch được đường tình
Phân ranh đôi lứa chúng mình lìa xa.

Cội nguồn lai lịch chúng ta
Có chăng ai biết cũng là thế thôi,
Mai này còn mãi chuyện đời
Dù đôi ta hết rong chơi cõi trần.

Boris Pasternak (1890-1960)
(Tâm Minh Ngô Tằng Giao chuyển ngữ)



Phạm Văn Tuấn  (Biên khảo)

Powered by Blogger.