Header Ads

Kế Hoạch Của Mỹ Để Đối Đầu Với Trung Cộng Trên Biển Đông



Theo báo Breitbart, Tổng thống Trump đã thông qua kế hoạch của Bộ Quốc Phòng (Pentagon - Lầu Năm Góc) trong năm nay yêu cầu phải có những phản ứng thường xuyên đối với yêu sách trên biển, đặc biệt là vùng Biển Đông, của Trung Cộng.

http://www.breitbart.com/national-security/2017/07/20/trump-pentagon-south-china-sea-plan/

Lâm Viên chuyển ngữ

Theo tin của một nhân viên có thẩm quyền, Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis đã gửi bản dự án hoạt động tới Tòa Bạch Ốc vào tháng Tư, trình bày kế hoạch cho cả năm về việc Hải Quân Hoa Kỳ di chuyển qua vùng biển quốc tế (Biển Đông) mà Trung Cộng (TC) đã tự ý tuyên bố có chủ quyền một cách bất hợp pháp.

Mặc dù Hải Quân Hoa Kỳ vẫn thường xuyên thực hiện các chương trình "Tự Do Hàng Hải" (Freedom of Navigation Operations - FONOP) trên khắp thế giới trong nhiều thập niên qua, nhưng chỉ một vài lần trên Biển Đông trong năm 2016 đã làm cho TC tức giận.

Nên nhắc lại ở đây là chính quyền Obama đã ngăn chặn chương trình Tự Do Hàng Hải ở Biển Đông từ năm 2012 đến năm 2015 vì e ngại sẽ làm mất lòng TC.

Trong thời gian đó, TC đã bắt đầu tích cực xây dựng các hòn đảo và các rạn san hô ở Biển Đông và ngày càng tăng cường việc quân sự hoá những hòn đảo nhân tạo này, cho dù đang có tranh chấp về chủ quyền với Đài Loan, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Philippines.

Theo kế hoạch mới, Tòa Bạch Ốc (White House) nhận thức được rằng các hoạt động đã được hoạch định rõ ràng là để tránh gặp những "bất ngờ" mỗi khi có lời yêu cầu của Bộ Quốc Phòng, và sẽ thông qua những quyết định hành động nhanh hơn trước đây.

Việc Toà Bạch Ốc chấp thuận nhanh hơn sẽ cho phép các hoạt động được thực hiện dựa trên căn bản "rất thường lệ, rất thường xuyên", để giúp cho những hoạt động của chương trình  Tự Do Hàng Hải trở nên thường xuyên trong việc bảo đảm tự do di chuyển trên biển, chứ không phải "chỉ lần này mà thôi."

Dưới chính quyền của Tổng thống Obama, các hoạt động được yêu cầu, được xem xét và phê duyệt theo kiểu "một lần", mất nhiều thời gian hơn để được chấp thuận đã cho thấy đó chỉ là phản ứng riêng lẻ của Mỹ với một một hành động nào đó của TC, chứ không phải là một phần của chính sách mà Hải Quân Hoa Kỳ vẫn thường xuyên hoạt động hay phản ứng.

Chưa rõ liệu kế hoạch này có phải là một phần của một chiến lược lớn hơn ở Châu Á Thái Bình Dương hoặc cho mục đích hẹp hơn để làm cho chương trình Tự Do Hàng Hải trở nên thường xuyên hơn trong khu vực. Nhưng một chuyên gia về an ninh và quốc phòng cho biết kế hoạch mới của chương trình Tự Do Hàng Hải tự nó đã nói lên tầm quan trọng về chiến lược của Hoa Kỳ trên tất cả các vùng biển tự do của thế giới.

Joseph Liow, trưởng khoa của ngành Khoa Học Chính Trị Quốc Tế của Viện Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, cho biết: "Hoạt động thường xuyên của chương trình Tự Do Hàng Hải được xem như là một phương thức để kiểm chứng sự tốt hay xấu hơn về những lời cam kết của Mỹ."

Chính quyền của ông Trump đã tiến hành ba lần chương trình Tự Do Hàng Hải ở Biển Đông từ tháng Năm vừa qua. Chính quyền Obama tiến hành ba lần trong suốt năm 2016.

Người phát ngôn của Bộ Quốc Phòng, bà Dana White, nói với Breitbart News: "Chúng ta đã quyết định hoạt động bình thường trở lại."

Bà White nói: "Chính quyền này đã trao lại quyền lực cho những người có khả năng hoàn tất nhiệm vụ, vì thế sinh hoạt sẽ trở nên rất bình thường."

Mặc dù Hoa Kỳ không đứng về phía nào của các quốc gia đang có sự tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông, nhưng quân đội Hoa Kỳ tiến hành chương trình Tự Do Hàng Hải ở đó để đảm bảo vùng biển này vẫn được tự do mở cửa cho ngành thương mại hàng hải quốc tế, nơi mà trị giá của số lượng hàng hoá được di chuyển qua vùng biển này lên đến 500 nghìn tỷ US đô la mỗi năm.

Theo kế hoạch, các lời yêu cầu của chương trình Tự Do Hàng Hải sẽ bắt đầu với Hạm Đội Thứ 7 của Hải quân Hoa Kỳ được đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Hạm Đội Thái Bình Dương, tới Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, đến Bộ Quốc Phòng, và sau đó đến Hội đồng An ninh Quốc gia.

Bộ Quốc Phòng cũng sẽ gửi lời yêu cầu hoạt động (đối phó, lâm chiến) lên Bộ Ngoại giao cùng thời gian với Hội đồng An ninh Quốc gia, để bảo đảm rằng họ không làm suy yếu bất kỳ sáng kiến ​​ngoại giao nào.

Ông Harry Kazianis, giám đốc nghiên cứu quốc phòng tại Trung tâm Lợi ích Quốc gia cho biết, "Việc điều động thường xuyên các lực lượng hải quân của Hoa Kỳ để bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông là một điều tốt - và tôi ủng hộ 100 phần trăm."

Ông nói "Trung cộng phải biết rằng chúng tôi sẽ hoạt động bất cứ khi nào và nơi nào được luật pháp quốc tế cho phép, cũng giống như Bắc Kinh khi họ tiến hành các hoạt động (di chuyển) quanh đảo Guam, Hawaii hoặc gần Alaska. Đây là thủ tục vận hành quân sự theo tiêu chuẩn đã được soạn thảo trong luật pháp quốc tế. Trên thực tế thì những hoạt động này, thậm chí, không nên gây tranh cãi."

Tháng Năm vừa qua, một nhóm nghị sĩ lưỡng đảng đã yêu cầu chính quyền của Tổng thống Donald Trump tiến hành chương trình Tự Do Hàng Hải ở Biển Đông, bày tỏ lo ngại rằng những cuộc điều tra và kiểm soát ở vùng này đã không được tiến hành kể từ tháng Mười năm ngoái.

Trong lời yêu cầu, nhóm nghị sĩ này viết "Những năm gần đây, TC đã tiến hành một loạt các bước hung hăng trong các khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Chúng tôi tin rằng sự tham gia của Hoa Kỳ ở Biển Đông vẫn là điều thiết yếu để tiếp tục bảo vệ tự do hàng hải và trên không đồng thời duy trì luật pháp quốc tế."

Ngay từ những ngày đầu của chính quyền Trump, những lời yêu cầu để thực hiện chương trình Tự Do Hàng Hải gửi cho Lầu Năm Góc đã không được chấp thuận để chuyển tiếp tới Nhà Trắng (White House - Phủ Tổng Thống), theo báo cáo của Breitbart News vào tháng Ba, và sau đó là của tờ New York Times vào tháng Năm.

Viên chức này cho biết vào thời điểm đó ông Mattis không muốn phê chuẩn và gửi bất kỳ yêu cầu từng phần nào đến Nhà Trắng cho tới khi có thể lập được một kế hoạch toàn diện.

Kế hoạch đã được thông qua trước khi hoạt động đầu tiên của chương trình Tự Do Hàng Hải được tiến hành vào ngày 24 tháng 5, khi tàu khu trục USS Dewey di chuyển trong phạm vi 12 hải lý của dải đá ngầm Mischief thuộc quần đảo Trường Sa. Ngày 2 tháng 7, tàu khu trục USS Stethem hải hành trong vòng 12 dặm của đảo Triton tại quần đảo Hoàng Sa. Ngày 6 tháng 7, hai phản lực cơ ném bom tối tân nhất của Không Quân Hoa Kỳ là B-1B Lancers đã bay qua vùng phía Đông và Nam của vùng Biển Đông.

Các viên chức của Bộ Quốc Phòng cho biết chương trình Tự Do Hàng Hải vẫn sẽ là "phương tiện sẵn có của chúng tôi để cho (đối phương) thấy những gì chúng tôi có thể làm khi chúng tôi không đồng ý với một hoạt động nào đó."

Tuy nhiên, Kazianis cảnh báo rằng chương trình Tự Do Hàng Hải không thể là công cụ duy nhất của Hoa Kỳ sử dụng để chống lại các tuyên bố quá mức của TC, như trường hợp của chính quyền Obama.

Ông nói "Chính phủ của ông Trump cần bố trí một chiến lược toàn diện để đẩy lùi các hành động cưỡng ép và bắt nạt của TC kéo dài từ phía Đông đến phía Nam của TC. Nếu không, trong một vài năm tới, Bắc Kinh sẽ là ông chủ của Châu Á Thái Bình Dương - điều mà Washington không thể cho phép để xảy ra."

Liow đồng ý: "Phương tiện phi quân sự ... cũng khá quan trọng và cần phải được phát triển."

Lâm Viên
(Chuyển ngữ)
Powered by Blogger.