Header Ads

Con Mắt Của Chiến Tranh


Thành ngữ tiếng Mỹ có câu "It's not a matter of if, it's a matter of when", chúng ta có thể hiểu là "Sự việc sẽ xảy ra không còn là nếu, mà là khi nào." Sự việc ở đây là điều mà rất nhiều nhà phân tích tình hình an ninh và chính trị đã cảm thấy nhưng không muốn nói đến, đó là Chiến Tranh. Hai chữ Chiến Tranh phải được viết hoa, vì cuộc chiến tranh trong tương lai này sẽ có thể là cuộc chiến toàn diện sau cùng của nhiều quốc gia và cũng có thể là của cả nhân loại.

Chiến Tranh

Chiến tranh vẫn thường được định nghĩa là tình trạng xung đột vũ trang (vũ lực) giữa các xã hội (hay quốc gia). Chiến tranh ngày nay được biết đến bởi sự hung bạo, hủy diệt và chết chóc bằng những phương tiện quân sự hùng hậu với vũ khí tối tân có khả năng tiêu diệt hàng loạt.

Trong quyển 3, tấn công và phòng thủ, của bộ binh thư cổ của Đế Quốc La Mã được viết từ thế kỷ thứ tư có câu  "Si vis pacem, para bellum" có nghĩa là "Muốn có Hoà Bình thì phải chuẩn bị cho Chiến Tranh." Bởi vì chỉ có sức mạnh mới có thể giữ được yên bình cho quốc gia, không sợ bị kẻ khác dòm ngó hoặc có ý định xâm chiếm. Bởi vì thông thường không một quốc gia nào muốn xâm chiếm nước khác nếu biết rằng quốc gia đó có thể chống trả lại. Kẻ gây chiến cũng giống như kẻ cướp hoặc thú săn mồi, chỉ nhắm vào những mục tiêu dễ thành công mà thôi.

Điều Kiện Hay Lý Do

Điều gì hoặc lý do nào gây ra chiến tranh - tôn giáo, chính trị hay kinh tế?

Lý do tôn giáo - Có thể nói là đây là lý do dễ đưa đến chiến tranh nhất. Từ thời cổ đại, con người đã nhân danh tôn giáo để chinh phạt lẫn nhau. Đôi khi cùng một gốc tôn giáo, nhưng chỉ hơi khác về giáo điều hay giáo chủ cũng đủ là lý do để thù hận và chiến tranh không bao giờ hết. Nhiều khi lý do chủng tộc cũng được gắn liền với tôn giáo để gây tranh chấp, bất đồng.

Lý do chính trị - Chính trị là lý thuyết dựa theo tôn giáo, đôi khi cũng trở nên độc tôn, độc đoán và như thế những cuộc tranh chấp về ý thức hệ cũng chẳng kém gì với sự tranh chấp về tôn giáo.

Lý do kinh tế - Đây có lẽ là lý do cổ xưa nhất của con người, hay đúng ra là của tất cả mọi sinh vật. Tranh chấp có thể xảy ra bởi sự nghèo đói, giành nhau miếng ăn như thú vật hay loài người từ thời cổ đại. Thế nhưng tranh chấp vẫn có thể xảy ra chỉ vì sự ganh ghét, lòng tham vô bờ của những kẻ cậy mạnh, cậy khoẻ để giành chiếm tài nguyên, đất đai của kẻ khác hầu có một cuộc sống sung túc hơn hiện tại, cho dù hiện tại cũng đã no đủ.

Rõ ràng những gì gây ra chiến tranh là do lòng tham, sự ham muốn về quyền lực, vị trí, uy tín và vật chất. Những lý do gây chiến không hẳn chỉ phát nguồn từ những kẻ lãnh đạo, nhà cầm quyền, mà còn là sự đồng thuận của từng lớp dân chúng cùng quan điểm và hậu thuẫn cho chiến tranh. Thế cho nên sự tuyên truyền để lôi kéo quần chúng tham dự hoặc ủng hộ chiến tranh là điều không những cần thiết mà là bắt buộc phải có để giới lãnh đạo có thể tận dụng nhân lực và tài nguyên của quốc gia hỗ trợ cho chiến tranh. Bởi vậy, bất cứ cuộc chiến nào, dù nhỏ hay lớn, số người dân bị hy sinh tài sản và sinh mạng cũng nhiều không kém gì binh sĩ ngoài chiến trường.

Ngòi Lửa Chiến Tranh Hiện Nay

Chiến tranh cũng như một thùng chất nổ, phải có ngòi lửa để bùng nổ. Trên thế giới hiện nay thì không thiếu gì ngòi lửa đang nhen nhúm, âm ỉ cháy.
  • Trung Đông
    Nhiều nhà phân tích về an ninh thế giới cho rằng Trung Đông là ngòi thuốc nổ không bao giờ tắt. Ở nơi này có sự tranh chấp và hận thù truyền kiếp về chủng tộc giữa Do Thái và Palestine. Thêm vào đó là sự bất đồng giữa hai giáo phái Suni và Shiite của Hồi giáo khiến cho ngọn lửa chiến tranh ở vùng đất sa mạc nóng bỏng này không bao giờ tàn lụi được.
  • Á Châu
    Chiến tranh ở Châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á, hầu như chi là "chiến tranh giai đoạn" để chống xâm lăng (Việt Nam - Trung Hoa) hoặc cuộc chiến tranh ý thức hệ giữa cộng sản và thế giới tự do mà phần thắng nghiêng về phía cộng sản, như Trung Cộng, Việt Nam và Bắc Hàn. Lý do là chủ thuyết cộng sản chỉ có thể phát triển được ở những quốc gia nghèo khó và dân trí thấp. Đó cũng là lý do tại sao lý thuyết cộng sản đã thất bại ở Âu Châu.

    Ngòi lửa Đông Nam Á chợt trở nên nóng bỏng vì Trung Cộng muốn khôi phục lại thời vàng son của đế quốc Hán bằng cách xâm chiếm biển đảo ở vùng Biển Đông để giữ vững đường biển cho chủ thuyết bành trướng rộng lớn với "Một vòng đai, một con đường - One belt, one road." Chủ thuyết này khiến Nam Hàn, Nhật Bản và Ấn Độ phải vội vàng trang bị cho hệ thống quốc phòng, mở màn cho cuộc chay đua vũ trang trong vùng khiến tình hình an ninh ngày càng trở nên nguy hiểm.
  • Âu Châu
    Các quốc gia ở Bắc Âu và nhất là ở vùng Baltic vẫn e ngại ý muốn khôi phục vị thế lãnh đạo của một thời Liên Xô hùng mạnh, giống như trường hợp của Trung Cộng ở vùng Đông Nam Á. Các quốc gia nhỏ bé trong vùng đều trông cậy vào Hoa Kỳ và khối NATO để chống lại sự đe doạ của Nga.

    Gần đây với các cuộc khủng bố của phiến quân Hồi Giáo liên tiếp xảy ra ở Âu Châu cộng với lời tuyên bố đầy tính cách chỉ trích và đe doạ không tiếp vận của Tổng thống Hoa Kỳ, Donald Trump, đã khiến thành viên của khối NATO phải tăng cường ngân sách quốc phòng, và như thế cuộc chạy đua vũ trang không những chỉ xảy ra ở Đông Nam Á mà còn lan rộng đến Âu Châu.


Hậu Quả

Hậu quả tàn khốc của chiến tranh đều được ghi rõ trong lịch sử và văn chương cũng như nghệ thuật như tác phẩm War and Peace của Leo Tolstoy và bức hoạ Guernica của Pablo Picasso vẫn được nhắc đến như những bài học về sự tàn khốc của chiến tranh.

Chiến tranh, như đã nói, không chỉ ảnh hưởng đến những người lính (nam giới) mà còn ảnh hưởng mạnh mẽ đến thường dân, nhất là thành phần không có khả năng chống lại vũ lực như phụ nữ và trẻ em. Trong thập kỷ vừa qua, có tới hai triệu người trong số những người bị giết trong các cuộc xung đột vũ trang là trẻ em. Trong nhiều cuộc xung đột vũ trang, phụ nữ và trẻ em đã được dùng làm "bia đỡ đạn" khiến cho thế giới phải rung động và ghê tởm vì sự tàn nhẫn của chiến tranh.

Ảnh hưởng của chiến tranh cũng bao gồm việc hủy diệt hàng loạt các thành phố và có ảnh hưởng lâu dài đến nền kinh tế của một quốc gia, đồng thời phương hại đến những dịch vụ y tế công cộng và trật tự xã hội với những thảm hoạ của đói nghèo, bệnh tật cũng như phải di cư vì không có chỗ ở thích hợp.

Ảnh hưởng của chiến tranh có thể ngắn hạn như cuộc chiến ở vùng quần đảo Falkland giữa Anh và Argentina, nhưng cũng có thể dài hạn và kinh hoàng như tai hoạ của hai quả bom nguyên tử thả xuống Okinawa và Nagasaki của Nhật Bản trong những ngày tháng sau cùng của Đệ Nhị Thế Chiến.

Phòng Ngừa

Thành ngữ Latin cũng có câu "Si vis pacem para pactum - Nếu muốn có hoà bình thì phải cùng nhau giữ hoà bình." Thế cho nên sau Đệ Nhị Thế Chiến, năm 1945 các quốc gia hùng mạnh trên thế giới như Mỹ, Nga, Pháp, Anh và Trung Cộng đã đồng ý lập nên Liên Hiệp Quốc (LHQ) với mục đích chính là phòng ngừa chiến tranh. Đến nay đã có 193 quốc gia hội viên.

Thế nhưng, trên thực tế, LHQ không có đủ thực lực để ngăn ngừa chiến tranh bởi vì các quốc gia hùng mạnh thường không đồng ý với nhau về phương pháp giải quyết bất đồng của các quốc gia thành viên. Nhất là khi sự bất đồng có liên quan đến thành viên là đồng minh của họ. Như trường hợp Hoa Kỳ bảo vệ Do Thái và Trung Cộng bảo vệ Bắc Hàn.

Nhìn qua những điều kiện hoặc lý do gây nên chiến tranh và sự bất lực của Liên Hiệp Quốc thì hầu như không có cách phòng ngừa chiến tranh. Có chăng là khi con người (quốc gia hùng mạnh) không muốn lấn áp hoặc xâm chiếm các quốc gia nhỏ bé chung quanh.

Lịch sử đã chứng minh đế quốc nào rồi cũng sẽ sụp đổ. Thế nhưng không một trang sách nào trong những quyển lịch sử, văn chương hay triết lý chứng minh được giới hạn của lòng ham muốn, tham lam của con người. Không có mực thước nào để đo lường sự đầy đủ, thoả mãn và dường như cũng không có hình phạt nào có thể ngăn ngừa con người tìm cách áp bức, chiếm đoạt tài sản của kẻ khác. Nhất là khi kẻ tham lam lại là kẻ có sức mạnh vô địch!

Trong thể chế Tự Do thì dân chúng có thể dùng lá phiếu để chọn người lãnh đạo ôn hoà. Thế nhưng chỉ cần một quốc gia độc tài hay cộng sản gây chiến hoặc xâm lăng các quốc gia đồng minh thì cho dù người lãnh đạo có ôn hoà như thế nào chăng nữa cũng khó kềm giữ được việc phải lâm chiến để cứu giúp đồng minh. Đây là trường hợp đang xảy ra ở Biển Đông, nơi mà Trung Cộng đã tuyên bố chủ quyền hơn 90% vùng biển và dùng vũ lực để áp đảo các quốc gia nhỏ bé lân cận như Brunei, Indonesia, Mã Lai, Philippines, Đài Loan, và Việt Nam đã khiến Hoa Kỳ, Ấn Độ và Nhật Bản liên minh tìm cách ngăn cản bước chân xâm lăng của Trung Cộng. Chỉ cần một tính toán sai lầm, một trận chiến nhỏ xảy ra trên vùng biển này thì ngọn lửa chiến tranh sẽ có thể khởi sự như một ngọn núi lửa chuyển mình bùng nổ sau bao nhiêu năm lặng im.

Kết Luận

Với con mắt rực lửa của thần chiến tranh đang nhìn thẳng vào chúng ta cùng với những bài học lịch sử và văn chương về hai cuộc Thế Chiến đã qua, có lẽ chúng ta cũng không thể yên tâm ngồi chờ kết quả hay hậu quả. Thế nhưng đám đông bất lực của nhân loại cũng không thể làm gì khác, vì vận mệnh của họ đang ở trong tay của một số nhỏ tham lam quyền lực, xem vận mạng của con người như những quân cờ trên bàn cờ chiến tranh thế giới. Ván cờ dù có hoà thì những quân cờ cũng đã bị thí hay bị loại. Phải chăng đó là định luật thịnh suy của thiên nhiên "Có xây dựng thì cũng có đổ vỡ, có ganh đua thì cũng có thiệt hại."  

Vậy thì nếu chiến tranh không thể ngăn ngừa được, nhưng bao giờ thì bắt đầu? Đó là câu hỏi không ai muốn có câu trả lời.

Bùi Phạm Thành
Powered by Blogger.