Header Ads

5 Điều Nổi Bật Nhất Trong Chuyến Công Du Đầu Tiên Của Tổng Thống Trump Ra Nước Ngoài



Thứ Bẩy 27/5/17, Donald Trump đã hoàn tất chuyến công du 9 ngày, và đây cũng là chuyến công du đầu tiên của ông ra nước ngoài trong vai trò Tổng Thống Hoa Kỳ. Sau đây là 5 điều quan trọng trong chuyến công du này qua bài “5 takeaways from Trump's first overseas trip as president” của Max Greenwood đăng ngày 27/5/17 lúc 07:55 PM EDT trên TheHill.com.
Huỳnh Thạnh chuyển ngữ

Để lại sau lưng chuyến du hành đầu tiên ra nước ngoài của một tổng thống Hoa Kỳ, khi trở về lại Washington tối hôm Thứ Bẩy 28/5/17, ông Trump sẽ phải tiếp tục đương đầu với những vấn đề gây tranh cãi vẫn vây quanh chính quyền của ông.  Tuy nhiên, trong những ngày tới có lẽ Toà Bạch Ốc sẽ tìm cách để nhấn mạnh vào những thành công trong chuyến đi chín ngày của ông qua năm quốc gia khác nhau tại Trung Đông và Âu Châu.

Tại Saudi Arabia, trạm đầu tiên trong chuyến đi, ông Trump đã ký kết được một thỏa ước bán vũ khí khổng lồ, đáng giá khoảng 110 tỉ Mỹ kim.

Tại Jerusalem, ông đã củng cố thêm liên hệ của Hoa Kỳ với Do Thái và tái xác định sự cam kết của ông dành cho việc kiến tạo hoà bình tại Trung Đông.

Và taị Brussels, Trump đã lên tiếng kêu gọi các thành viên của NATO gia tăng chi phí quốc phòng của họ để đáp ứng được các đòi hỏi ghi trong các thoả ước.

Sau đây là 5 phần nổi bật trong chuyến đi của tổng thống Trump.

1. Ôn hoà hơn đối với với Hồi giáo

Trong buổi nói chuyện tại Riyadh với các nhà lãnh đạo thế giới Hồi giáo vào ngày Chủ Nhật vừa qua, ông Trump đã tránh không sử dụng những ngôn ngữ cứng rắn đối với Hồi giáo và thay vào đó ông kêu gọi sự đoàn kết trong cuộc chiến chống lại những thành phần cực đoan quá khích Hồi giáo.

“Đây không phải là trận chiến giữa các niềm tin khác nhau, giáo phái khác nhau  hay những nền văn minh khác nhau,” Trump nói.  “Mà đây là một cuộc chiến giữa những kẻ tội phạm man rợ, tất cả đều lấy danh nghĩa tôn giáo, luôn luôn tìm cách để xoá bỏ cuộc sống và sinh mạng của những con người tốt lành, những người muốn bảo vệ đời sống và muốn bảo vệ tôn giáo của họ.  Đây là một trận chiến giữa thiện và ác.”

Không một lần nào trong bài diễn văn, ông Trump lại dùng đến nhóm chữ mà có một thời ông rất hay dùng là “chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan” để mô tả những nhóm và những cá nhân cực đoan mà ông đã cam kết sẽ chiến đấu chống lại.

Nhưng ông Trump cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo Hồi giáo “tống khứ những kẻ khủng bố và cực đoan” ra khỏi xã hội của họ và thúc giục họ phải làm thêm nhiều hơn nữa để chiến đấu chống lại những ý thức hệ cực đoan trong thế giới Hồi giáo.

2. Tái xác định sự ủng hộ dành cho Do Thái và thúc đẩy cho hòa bình tại Trung Đông

Ông Trump đến Do Thái ngay giữa lúc có những tiết lộ là ông đã để lộ ra  cho giới chức người Nga những tin tức tình báo tuyệt mật được cung cấp bởi đồng minh cật ruột.  Nhưng ông Trump đã nhanh chóng giải tỏa việc gây tranh cãi này và tái khẳng định sự ủng hộ của Hoa Kỳ dành cho Do Thái. Thủ tướng Do Thái ông Benjamin Netanyahu đã lên Twitter nói về việc ông Trump đã “lấy một thế đứng mạnh mẽ cho quốc gia và dân tộc Do Thái.”

Trump đã đến thăm Bức Tường Phiá Tây (Western Wall) trong vùng Đông Jerusalem, và đứng nơi đó mặc niệm trước khi để lại một ghi chú giữa những viên đá của tường. Đó là chuyến đi đầu tiên đến bức tường này của một vị tổng thống đương nhiệm của Hoa Kỳ, dù rằng trước đó các vị tổng thống khác cũng đã viếng thăm vùng đất thánh nhưng là trước hoặc sau khi rời Tòa Bạch Ốc.

Nhưng ông cũng bày tỏ hy vọng về việc kiến tạo hoà bình giữa Do Thái và những người láng giềng Á Rập, và không hề tuyên bố ý định của ông ta dời toà đại sứ Hoa Kỳ từ Tel Aviv sang Jerusalem - một sự việc chắc chắn sẽ làm người Palestinians nổi giận, người Do Thái vui lòng, và làm cho rối rắm thêm trong việc kiến tạo hoà bình.

“Tôi đã nghe nói rằng đó là một trong những thoả thuận khó đạt được nhất trên thế giới,” ông phát biểu, ý nói đến việc tìm kiếm hoà bình cho Trung Đông.  “Nhưng tôi chắc chắn rằng cuối cùng chúng ta sẽ đạt được.”

3. Trump chỉ trích NATO về chi phí quốc phòng

Khẩu hiệu “Nước Mỹ trước nhất” của Trump trong chính sách ngoại giao đã được phô ra trọn vẹn tại Brussels, Bỉ khi Tổng thống Trump phát biểu trước các thành  viên của NATO tại tổng hành dinh của cơ quan này.

Trọng điểm của bài diễn văn của ông Trump là sự quả quyết là Hoa Kỳ đang phải gánh vác một gánh nặng không cân xứng trong chi phí quốc phòng của NATO, và rằng các quốc gia thành viên phải chi ra tối thiểu là hai phần trăm tổng sản lượng quốc gia về quốc phòng, một chỉ tiêu mà toàn thể các thành viên đã đồng ý vào năm 2014.  Hiện nay, chỉ có năm quốc gia trong NATO là đạt được chỉ tiêu này.

Tổng Thống Hoa Kỳ Trump, Tổng Thư Ký NATO Stoltenberg và Thủ Tướng Đức Merkel

“Đây là điều không công bằng đối với người dân và người đóng thuế của Hoa Kỳ,” ông trực tiếp nói với các lãnh tụ thế giới trong buổi lễ tại Brussels. “Và trong các quốc gia này đã có nhiều vị thiếu nợ những món tiền to lớn từ nhiều năm qua và không trả tiền trong những năm đó.”

Lời than phiền là các quốc gia khác đã không làm đủ để cung ứng cho sự bảo vệ chính họ là điều mà ông Trump thường trực công bố trên bước đường tranh cử tổng thống.

Nhưng sau khi họp với Tổng Thư Ký NATO Jens Stoltenberg trong tháng vừa qua, ông Trump đã thay đổi ngược lại về việc xem tổ chức này là “lỗi thời,” việc này đã đưa đến một vài thắc mắc là liệu ông Trump có đối xử với NATO cũng theo cách thế điển hình giống như của các vi tống thống tiền nhiệm.

Tuy nhiên, trong bài diễn văn của ông gửi đến các lãnh tụ NATO, Trump đã khước từ việc tái xác định sự ủng hộ của Hoa Kỳ dành cho điều khoản chính yếu của tổ chức này trong việc hỗ tương phòng thủ, và ông đã không đề cập đến mối quan tâm đang gia tăng của Âu Châu về ý đồ của Nga trong khu vực.

4. Không hứa ủng hộ Hiệp ước Paris về khí hậu  (Paris Climate Agreement)

Ông Trump đã khước từ không tham gia cùng các nhà lãnh đạo của nhóm G7  (Group of Seven Leaders) trong ngày thứ Bẩy hứa hẹn sẽ ủng hộ thỏa ước Paris về khí hậu.  Điều này đã dẫn tới việc không biết rõ được Hoa Kỳ liệu có sẽ vẫn còn là một thành phần của thỏa ước.

Nếu Hoa Kỳ rút lui, như Trump đã thường nói trong quá khứ, thì Hoa Kỳ sẽ là quốc gia đầu tiên làm như vậy trong số 195 quốc gia đã đồng ý với thỏa ước.  Quyết định của ông Trump không hứa ủng hộ thỏa ước này đã lại càng cho thấy có một sự chia rẽ rõ rệt giữa Hoa Kỳ và các đồng minh của họ về vấn đề khí hậu thay đổi.

Nhưng ngay từ thời còn là ứng cử viên tổng thống, ông Trump đã vận động tranh cử trên việc ủng hộ nhiên liệu hoá thạch của Hoa Kỳ, đặc biệt là kỹ nghệ than đá.

Tuy vây, các nhân viên phụ giúp (aids) tổng thống vẫn để ngỏ khả năng Trump vẫn có thể dính dáng tới thoả ước về khí hậu, họ nói rằng quan điểm của ông ta về vấn đề này đang “tiến triển” (evolving) khi ông ta nói với các lãnh tụ khác điều đó.

“Tôi nghĩ quan điểm của ông ta đang tìến triển,” Giám Đốc Hội Đồng Kinh Tế Quốc Gia Gary Cohn nói.  “Ông ta đến nơi đây để học, ông ta đến đây để được khôn ngoan hơn và ông ta đến đây để nghe quan điểm của người khác.”

5. Trong chuyến công du Trump không họp báo

Ông Trump đã phá vỡ truyền thống lâu đời khi không trả lời các câu hỏi của phóng viên trong buổi họp báo trong suốc chuyến đi, rất là khác biệt với các vị tiền nhiệm.  Trong tuần trước khi chuyến đi khởi hành, Toà Bạch Ốc đã đối diện với hàng loạt những vấn đề gây tranh cãi bắt đầu bằng quyết định của tổng thống sa thải Giám Đốc FBI James Comey vào đầu tháng.

Những scandals đó tiếp tục leo thang trong suốt chuyến đi, và giới chức của Toà Bạch Ốc đã phần lớn giữ im lặng về mấy chuyện này, mặc dù các nhân viên phụ giúp tổng thống đã lấy ra một vài câu hỏi trong giới truyền thông và những cuộc họp báo qua điện thoại.  Trong buổi họp báo với báo chí hôm Thứ Bẩy, cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster và Cohn  đã khước từ không chịu trả lời câu hỏi về những việc gây tranh cãi đang gia tăng chung quanh viên cố vấn cấp cao của ông Trump và cũng là con rể tên là Jared Kushner.

Cohn cũng nhấn mạnh rằng ông Trump quá bận rộn trong chuyến đi để có thể bàn chuyện với các thành viên của giới truyền thông.

“Từ khi rời Washington, Tổng thống đã gặp gỡ các vị lãnh đạo nước ngoài, ông ta đối phó với công ăn việc làm, ông ta đối phó với sự tăng trưởng kinh tế, ông ta đối phó với ngoại giao, ông ta đối phó với mậu dịch không công bằng, ông  ta đối phó với Paris, với Trung Hoa,” Cohn nói.

“Lịch trình làm việc của ông bị tràn ngập. Ông hoàn toàn bị chiếm ngự bởi những điều đang xẩy ra nơi đây.”

Giới chức cấp cao của Toà Bạch Ốc hôm Thứ Bẩy tiếp tục giữ im lặng trước những tiết lộ là Kushner đã bàn luận với đại sứ Nga về việc thiết lập một tuyến thông tin riêng giữa toán lo việc bàn giao chuyển tiếp cho chính quyền của Trump và Moscow.

Trong khi đó, Trump đã mướn luật sư Marc Kasowitz trong vai trò của một luật sư bên ngoài cuộc để giúp ông ta trong việc đối phó với những vấn đề pháp luật rất nhậy cảm chung quanh những điều tra liên bang vẫn đang tiến hành về việc Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống 2016 và sự thông đồng có thể có giữa ban vận động tranh cử của ông và điện Kremlin.

Với những cuộc họp báo hàng ngày được dự kiến sẽ tiếp tục, Toà Bạch Ốc sẽ phải đối diện với những câu hỏi về những vấn đề gây tranh luận đó cùng những vấn đề khác trong vòng vài ngày đầu tiên sau khi ông Trump đã về lại Hoa Kỳ.

Huỳnh Thạnh chuyển ngữ
Powered by Blogger.