Header Ads

Mỹ Số Một, Nhưng Đức Số Hai



Hôm Thứ Sáu, ngày 17/3/2017 vừa qua, Tổng thống Donald Trump có cuộc họp lần đầu tiên với Thủ tướng (Chancellor) Đức, Angela Merkel, tại White House. Xin giới thiệu đến quý độc giả phần ý kiến về cuộc họp này qua bài “America First, But Germany Second” của Marcel Fratzscher đăng trên foreignpolicy.com ngày 16/3/2017.
Huỳnh Thạnh chuyển ngữ

Nếu Trump muốn một Âu châu tự lo được nhu cầu riêng của mình, ông ta cần đến một cộng tác viên mạnh mẽ tại Berlin.

Mối quan hệ của Donald Trump với Angela Merkel đã khởi đầu bằng những trục trặc. Nói một cách rõ rệt hơn, Trump đã chỉ ra nước Đức và vị Thủ tướng Đức và xem họ như là kẻ đối đầu chính của ông ta tại Âu châu. Ông Trump đã chỉ trích bà Merkel về chính sách đối với người tị nạn, về chính sách mậu dịch không công bằng và về thiếu sự lãnh đạo ở Âu châu.  Về phần chính quyền Đức, thì họ đã cùng với các chính quyền Âu châu chỉ trích chính quyền của Trump về những gì mà họ xem đó chủ nghĩa vì dân (populism - có nơi dịch là dân túy) vô trách nhiệm, chủ nghĩa bảo vệ mậu dịch (protectionism) nguy hại, và không đáp ứng được những đòi hỏi của trách nhiệm toàn cầu.

Tiến trình sửa đổi quan hệ đối tác này, đã có từ bảy thập niên, nên được bắt đầu ngay lập tức, với một nhận biết rằng hai quốc gia Hoa Kỳ và Đức có nhiều điểm chung hơn là những gì Trump có thể nhận thấy. Đầu tiên, cả hai, ít ra cũng là thỉnh thoảng, cảm thấy bị bóc lột (exploited) bởi những hàng xóm của họ và bởi một trật tự toàn cầu rộng lớn hơn.

Chính quyền Hoa Kỳ và Đức có những đối chọi, nhưng thực ra, cả hai đều phải đương đầu với cùng một sự thử thách về lãnh đạo. Trong một thế giới càng ngày càng bất ổn, thì các quốc gia trên thế giới lại càng mong muốn Hoa Kỳ bước vào và giải quyết những thử thách về an ninh, kinh tế, xã hội và những xung đột. Tương tự, các quốc gia Âu châu cũng mong muốn Đức bước lên trước và cung cấp thêm sự lãnh đạo cho đại lục này.  Ngay từ căn bản, cả chính quyền Trump và chính phủ Merkel đều không hài lòng với những kỳ vọng và áp lực này. Họ cảm thấy rằng một mình họ không thể cung cấp được sự lãnh đạo cần thiết để giải quyết những thách đố đó. Và cả hai đều cảm thấy bị bóc lột bởi các quốc gia khác đang cố gắng hưởng lợi mà không chịu đóng góp phần của họ một cách công bằng.

Những phàn nàn của Hoa Kỳ đến từ hai lĩnh vực chính: an ninh và mậu dịch. Trong nhiều thập niên, Hoa Kỳ đã chi ra hàng tỉ Mỹ kim mỗi năm cho cái vẫn được gọi là chiếc dù an ninh (security umbrella), cung ứng sự phòng vệ cho các quốc gia từ Âu đến Á. Làm như vậy, Hoa Kỳ đã bảo đảm cho sự ổn định tương đối của phần lớn những khu vực này của thế giới, và mãi cho đến gần đây vẫn giữ được như vậy ngoại trừ thỉnh thoảng mới có khiếu nại. Tuy nhiên, ngày nay, chính quyền của Trump thường xuyên than phiền về sự thất bại của cả đồng minh Âu và Á trong việc đóng góp một cách tương xứng cho chi phí phòng vệ của họ. Những than phiền này cũng có điều đúng với sự thật: Ngay cả ở Âu châu, ở Balkans vào những thập niên 1990s, Hoa Kỳ đã phải can thiệp và cung cấp an ninh, vì các thành viên EU không thể hoặc không sẵn lòng (unwilling) làm như vậy, trong khi hầu hết các quốc gia trong liên minh NATO đã không sẵn lòng bỏ tiền ra một cách tương xứng để chi tiêu cho việc quốc phòng của họ và việc này đã trở thành nguồn lực chính yếu của sự bực tức tại Washington.

Cho đến lúc gần đây, Hoa Kỳ vẫn là nhà vô địch của tự do mậu dịch, cổ võ cho sức mạnh của mậu dịch để làm giàu cho tất cả các bên tham dự và ràng buộc các quốc gia lại gần nhau hơn. Tuy nhiên, chính quyền Trump đã lật ngược lại bài bản đó, tố cáo các quốc gia khác đã vừa áp dụng chính sách bảo vệ mậu dịch và vừa ký kết một loạt những "thoả thuận xấu" với Hoa Kỳ để đạt được nhiều lợi thế cho việc xuất cảng và cho công nhân của họ. Đặt sang một bên câu hỏi Hoa Kỳ đã có lợi như thế nào trong các giao dịch như vậy, thì quả đúng là có nhiều nước đã được hưởng lợi từ Mỹ do bởi quốc gia này là một thị trường lớn nhất trên thế giới cho các sản phẩm của họ. Nói rõ ra, Trung Hoa và Đức đang có hai sự thặng dư mậu dịch lớn nhất đối với Hoa Kỳ.

Nhưng nếu Hoa Kỳ cảm thấy những nỗ lực của mình trong việc ổn định đã không được coi trọng lúc gần đây, thì một số ở Đức cũng cảm thấy tương tự như vậy. Hầu hết sự nổi giận (resentment) của Đức tập trung vào kinh tế; vì cho tới nay Đức đóng góp lớn nhất cho ngân sách EU và Cơ chế Ổn định Âu châu (European Stability Mechanism), là nơi đứng ra cho các nước trong khu vực đồng euro mượn nợ khi  họ gặp những khó khăn. Đức là nước đóng góp nhiều nhất trong các chương trình cứu giúp cho Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ireland, và Cyprus trong thời kỳ khu vực đồng euro bị khủng hoảng; Đức đóng góp hàng tỉ Mỹ kim cho các khoản vay nợ với lãi suất thấp. Nếu không có sự ổn định về chính trị và kinh tế của Đức, thì Âu châu, và đặc biệt là khu vực đồng euro, sẽ tệ hại hơn rất nhiều trong thời kỳ khủng hoảng. Đức đã vừa ngấm ngầm và cả công khai cung cấp - hoặc tối thiểu cũng là giúp phối hợp - bảo đảm các quỹ và qua đó sự ổn định cho các quốc gia láng giềng.

Có lý do cho việc cả Hoa Kỳ và Đức đã chi tiêu nhiều trong nhiều năm qua cho những nỗ lực ổn định, và đó không phải vì họ là những quốc gia đặc biệt quảng đại. Hai quốc gia này đã là những thành phần chính được hưởng lợi của những thị trường mở rộng và tự do mậu dịch. Hoa Kỳ hưởng lợi từ việc có thể tài trợ chi tiêu của mình với chi phí thấp ở mức kỷ lục do bởi đồng Mỹ kim đã thực sự đóng một vai trò của một bản vị tiền tệ (currency) duy nhất trên toàn cầu. Mô hình kinh tế của Đức đặt trên việc xuất cảng mạnh đã được hưởng lợi từ sự kết hợp lại của Âu châu và chỉ có một thị trường; có hơn 60 phần trăm của tất cả các mặt hàng xuất cảng của Đức vẫn đi qua Âu châu. Sự sụp đổ của các ngân hàng trong hệ thống hoặc các trường hợp vỡ nợ của quốc gia tại các nước Âu châu lớn hơn sẽ có những hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế của Đức, vốn, do bởi sự cởi mở của nó, rất phụ thuộc vào sự vững mạnh của các quốc gia láng giềng. Do đó, người Đức được hưởng lợi nhiều hơn hầu hết dân Âu châu từ chính sách mậu dịch chung của Âu châu.

Tuy nhiên, có một thành phần đáng kể trong dân chúng của cả hai quốc gia đã bắt đầu bực bội vì gánh nặng lãnh đạo - và cả Merkel và Trump đều cần thiết phải ghi nhớ điều này trong cuộc họp quan trọng vào thứ Sáu (Mar 17,  2017). Câu hỏi chính yếu đặt ra cho cả hai chính phủ Hoa Kỳ và Đức là làm thế nào họ có thể đối phó việc bị bóc lột (exploitation) theo một cách thế tốt đẹp nhất. Đi theo chủ nghĩa  bảo vệ mậu dịch và tái quốc hữu hoá (renationalization) lại chính trị và hoạch định chính sách là đi sai đường. Những chính sách như vậy sẽ không đẩy được chính quyền của các nước khác đứng lên và đóng góp nhiều hơn cũng như sẽ không mang lại bất cứ ưu thế gì cho Hoa Kỳ và Đức. Ngược lại, một phương cách chính trị dựa trên sự đối đầu và phân cực sẽ làm tổn thương hai quốc gia này còn nhiều hơn những quốc gia khác.

Bà Merkel cần thuyết phục Tổng thống Trump rằng quan hệ đối tác giữa Đức và Hoa Kỳ vẫn phục vụ cho quyền lợi của cả hai nước và rằng sẽ là một điều ngu xuẩn khi phá hủy mối quan hệ này. Tuy nhiên, bà nên dùng sự nhuần nhuyễn (familiarity) của bà với những lời than thở trôi chẩy (free-riding lamentations) để đặt đúng vấn đề với Trump.

Merkel nên lý luận với Trump rằng ông ta sẽ có mối lợi khi làm cho sự thống nhất của Âu châu và hoạt động của Liên minh châu Âu mạnh mẽ hơn, thay vì làm suy yếu và ruỗng nát. Chỉ có một Âu châu thành công trong việc đoàn kết và hợp nhất mới có thể tăng cường và cung cấp sự hỗ trợ hữu ích cho Hoa Kỳ, từ an ninh đến ổn định về kinh tế và tài chính. Nói cách khác, nếu mục đích của Tổng thống Trump là giải quyết vấn đề đi xe không trả tiền (free-rider) bằng cách phân chia Âu châu và bằng cách nỗ lực làm suy yếu nước Đức, thì chiến lược đó sẽ phản ứng ngược (backfire). Ông ta cần một nước Đức mạnh mẽ có thể đứng ra lãnh đạo Âu châu để có thể đóng góp nhiều hơn nữa. Sẽ không phải là chuyện không có thiện chí để giúp đỡ Hoa Kỳ, nhưng vấn đề chỉ đơn giản nằm ở chỗ một châu Âu bị chia rẽ và bị phân tâm sẽ không thể có khả năng để làm chuyện đó.

Về phía ông ta, Trump cần lưu ý rằng mặc dù Đức giữ vai trò then chốt trong việc đóng góp cho một Âu châu mạnh mẽ và thống nhất, vẫn còn có một sự chống đối rộng rãi đối với việc đó, gồm luôn cả những người Đức. Đúng thực là Đức có nền kinh tế lớn nhất; có nền chính trị ổn định nhất trong số các nước lớn của Âu châu; và trên nguyên tắc, sẵn sàng cung cấp sự lãnh đạo nhiều hơn, gồm luôn cả những dự trù về các vấn đề an ninh. Nhưng lãnh đạo ở Âu châu - một lục địa lủng củng (a fractious continent) với nhiều quan điểm và sở thích khác nhau cần được đáp ứng - thì đó không phải lúc nào cũng là một viễn ảnh hấp dẫn. Sẽ là cả một khó khăn hơn nữa để thuyết phục dân chúng Đức rằng đứng ra dẫn dắt  Âu châu là điều cần thiết và mong muốn, nếu như các nỗ lực của Đức về việc lãnh đạo Châu Âu lại gặp phải những cáo buộc của Mỹ về sự kiêu ngạo và sự độc tôn (hegemony). Thủ tướng Merkel cần được nhận thêm nhiều, chứ không ít đi, những hỗ trợ để giải quyết những thử thách của Âu châu và lấy bớt đi vài phần gánh nặng của Hoa Kỳ.

Kết quả tốt nhất có thể có sau cuộc họp giữa Trump và Merkel trong tuần này sẽ là việc hai bên sẽ đồng ý về nhu cầu phải hợp tác và sự cởi mở trong mối quan hệ của họ, hiểu rằng họ phải đối mặt với những thách đố tương tự, và đồng ý rằng sự hỗ trợ lẫn nhau là cách tốt nhất để đạt được một thành quả đem lại lợi ích cho cả hai bên.  Âu châu và Hoa Kỳ vẫn sẽ là những đối tác kinh tế và chính trị quan trọng nhất trên thế giới trong nhiều năm và nhiều thập niên sắp tới.  Họ có thể thực hiện điều này một cách dễ dàng - hoặc khó khăn.

Huỳnh Thạnh chuyển ngữ - Mar 17, 2017
Powered by Blogger.