Header Ads

Trường Tư Thục Bình An


Cách đây hơn nửa thế kỷ, Trường Tư Thục Bình An (TTTBA) được thành lập tại xã Bình An, quận Bình Khê, tỉnh Bình Định.  Học sinh đến từ các xã Bình Tân, Bình Hòa, Bình Thuận, Nhơn Phúc, Nhơn Mỹ, và Bình An.  Thời bấy giờ, ít ai ngược đường từ cột cây số 34 của Quốc Lộ 19 đi chừng 6 km về phía Bắc Đông Bắc.  Đó là trường trung tiểu học tư thục duy nhất tại nông thôn, nằm giữa liên tỉnh lộ nối liền Gò Găng - Kiên Mỹ, cách Phú Phong 9 cây số về hướng Đông Đông Bắc.

Bình Định có 123 xã, 11 quận, 900 ngàn dân vào đầu thập niên 60.  Số học sinh năm đầu của bậc trung học chừng 21 lớp tức khoảng 1234 cô cậu thuộc 2 trường công lập Cường Để & Tăng Bạt Hổ, 2 trường bán công, và hơn 7 trường tư thục khác. Tính ra, 50% học sinh có bằng tiểu học đã dừng bước trước lớp đệ thất (lớp 6) vì thiếu trường sở và giáo sư.  Xã Bình An có một trường tiểu học công lập và 3 hương trường(*).  Riêng 3 Lớp Ba của 3 hương trường sau đó chỉ được vào 1 Lớp Nhì B, cho nên sự ra đời một trường tư quả thật là một tầm nhìn xa của quý vị phụ huynh.

Văn phòng là một căn nhà riêng biệt, kế cận là tiệm vàng, quán bánh tráng, nhà thêu, lò rèn và xa hơn bên kia sông vài thửa ruộng có nhà máy gạo ồn ào.  Trường gồm 3 phòng học, xi măng, lợp tranh, cửa và cửa sổ không khóa, một giếng nước bên cạnh sân bóng chuyền.  Trường quay về hướng Bắc, đối diện Trường Tiểu Học Bình An, nằm giữa hai con sông thuộc hệ thống Yển Văn Phong.  Học sinh tha hồ bơi lội nơi con đập, bỏ quên 2 chiếc cầu xinh soi dòng nước trong chảy xiết quanh năm.  Chợ Mỹ Yên làm sân chơi buổi chiều hoặc trời mưa, đá banh tại sân bóng tròn trước trụ sở xã cách trường chừng 500 m.

Trường hoạt động từ Tháng 9/1960 đến Tháng 12/1964 (4 năm rưỡi), ba mùa thu, xuân và hè, ngày 2 buổi, 32 giờ học mỗi tuần.  Danh xưng và giấy phép chính thức là TRƯỜNG TIỂU HỌC TƯ THỤC BÌNH AN.  Tự quản trị, liên lạc trực tiếp với Ty Tiểu Học Vụ Bình Định tại Qui Nhơn.  Tháng 1/1965 lửa đạn tràn lan, 90% dân chúng di tản, xã ấp bỏ hoang, trường trống vắng, thầy trò chia tay.  Từ dạo ấy, một vài người vô núi, năm bảy người ra biển, và họ đành hẹn gặp nhau ở kiếp sau.

Sĩ số học sinh khoảng 170 từ mẫu giáo đến đệ tứ (niên khóa 1961-62).  Kết quả học tập ước tính tới năm 1965: 49/57 tức 86% thi đậu văn bằng Tiểu Học ('61, 62, 63, 64) và 19/25 tức 76% thi đậu chứng chỉ Trung Học Đệ Nhất Cấp ('62, 63, 64).  Trúng tuyển vào Đệ Thất Cường Để, Đệ Thất hoặc Đệ Ngũ Kỹ Thuật Qui Nhơn với nhiều thứ hạng cao.  Hầu hết ở lại trường vào buổi trưa, không mặc đồng phục như các cô cậu thuộc trường công lập láng giềng.  Đến nay, 2016, với lứa tuổi 57 - 70, có ai biết còn bao nhiêu trong số 350 cựu học sinh ấy.  Với một phần ba là nữ sinh, những Nguyễn Thị Nữ, Lê Thị Toán, Đặng Thúy Ba giờ phiêu bạt xứ nào?

Trên danh nghĩa là trường tiểu học nhưng từ ngữ Giáo Viên chỉ thấy trên giấy tờ.  Tuy nhiên khó mà quên được quý Thầy Nguyễn Khắc Kiệm (Hiệu Trưởng; toán, pháp văn, công dân), Mạc Khánh Tiên (hướng dẫn đệ thất, lục, ngũ, tứ; quốc văn, pháp văn, hình học), Tạ Chương Tri (giảng dạy lớp ba, nhì, nhất), Tạ Chương Thẩm (giảng dạy lớp mẫu giáo, năm, tư), Lê Hùng (học sinh, phụ tá dạy các lớp tiểu học, trật tự tổng quát), và 5 vị giáo sư không thường trực khác (toán, lý hóa, anh văn) đến từ Phú Phong (Tư Thục Tiến Đức - Bình Khê), Bình Định (Bán Công An Nhơn, Thánh Giuse).

Lớp Nhất (Lớp 5) được giảng dạy bởi ít nhất 4 thầy theo từng môn, học luôn sinh ngữ, luận văn trình độ đệ thất, lục. Tùy theo khả năng và học lực cá nhân, có thể hoàn tất ôn luyện thi trung học (xong Lớp 9) trong 3 năm cho một học sinh vừa có bằng tiểu học.  Môn toán áp dụng thực tiễn cho thi cử và trắc nghiệm, thúc đẩy sáng tạo và thông minh.  Trung tâm điểm của các địa danh Thuận Truyền, An Vinh, An Thái nên võ nghệ thường được học sinh chỉ vẽ, thử sức, biểu diễn thay vì môn thể dục.

Được học hỏi dưới một nền giáo dục đặt nặng về dân tộc, nhân bản, khai phóng, một tầng lớp trẻ vừa nhen nhúm những tia sáng tươi đẹp.  Học sinh TTTBA sau này trở nên các thầy cô giáo, chuyên viên kỹ thuật, và trên dưới 100 người gia nhập Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.  Quen thuộc như Đại Úy Đặng Văn Ngọc Quân Cụ, Đại Úy Nguyễn Cho Địa Phương Quân, đặc biệt là 4 Sinh Viên Sĩ Quan Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam trong đó có Đại Úy Võ Văn Quảng Khóa 25.  Tiếc thay, trên thực tế, ngôi trường đã mất trước 10 năm so với biến cố 30 Tháng 4 về sau.

Tư Thục Bình An hăng say tham gia vào các sinh hoạt cộng đồng tại địa phương như dự lễ Quốc Khánh, lễ Đống Đa, văn nghệ Tết Trung Thu, công tác xây dựng ấp chiến lược, thu dọn vệ sinh.  Thăm viếng Hầm Hô, Chùa Ông Núi, khu vực Đồ Bàn.  Vườn xoài và 3 ngọn Tháp Dương Long không khác gì khu vực rong chơi mọi ngày của "đám học trò tư thục".  Thi Văn Đoàn Bình An (ở đây ám chỉ Bình Khê - An Nhơn) với các tuyển tập chép tay quy tụ thầy trò và thân hữu là sự liên kết văn-chính-xã đặc thù tại một phần đất thuộc vùng Sông Côn Núi Tượng thuở thanh bình.

Bichson

Chú thích:
(*) hương trường:  xã Bình An vào cuối thập niên 1950 bao gồm 10 thôn/ấp, có một trường tiểu học công lập và 3 hương trường, mang tên Hương Trường Bình An I, Hương Trường Bình An II, và Hương Trường Bình An III . Mỗi hương trường chỉ dạy các lớp năm, tư, ba (lớp 1, 2, 3) quy tụ 3-4 thôn/ấp lân cận. Mỗi hương trường lúc bấy giờ chỉ có một lớp ba (lớp 3) một lớp tư (lớp 2) và 3-4 lớp năm (lớp 1). Riêng Hương Trường Bình An III có đến 4 lớp năm vì thế để vào một lớp tư thì học sinh phải thi tuyển, tỉ lệ 4 chọn 1. Thấp hơn lớp năm có lớp vỡ lòng (mẫu giáo, kindergarten) thường học riêng tại nhà các thầy cô dạy tư.
Powered by Blogger.