Header Ads

Thi Thư Thuở Ấy Chốn Này



Mến tặng các bác CVA.

Đoản thiên hồi ký ’68 gói tròn chín tháng nấu sử sôi kinh, man mác khơi dậy khoảnh đời tôi nương thân chốn đấy.  Hoài niệm rằng trên gác trường xưa, sắc mầu thơ mộng còn lẩn quất trong mái đầu xanh.

Tùy bút Tiểu-Bình 
(N-Gia-Bình B6 CVA ’68)


Một

Triều đình chuộng chỗ thi thư,
Khuyên anh đèn sách sớm trưa học hành.
May nhờ chút phận công danh,
Mà ra phú quý ấy mình vẻ vang.
Anh đừng giai gái loang toàng,
Anh đừng chè rượu nữa mang tiếng cười.
Cũng đừng cờ bạc đua chơi,
Sao cho sự nghiệp ra người trượng phu.
(Ca dao)

Tơ vương

Năm tôi lên mười thì chị tôi vừa mười lăm, mơ mộng nhiều và hình như đang ngỡ mình đẹp.  Một hôm chị say sưa khoe với tôi rằng trường Trưng-Vương của các chị mang mỹ danh đầu vần là "Tơ Vương"...  Gần Trưng-Vương có nam trung học Võ-Trường-Toản.  Lắm trò bên đó sao phải cái tội giống như là không thích học, chỉ siêng lảng vảng loanh quanh bên trường chị tôi thôi.  Các chị bèn mệnh danh trường mấy anh là "Vô Trật-Tự"

Ngày ấy tôi gần gũi một cậu bạn có ông anh đang học ở trường Hồ-Ngọc-Cẩn.  Nghe chuyện đặt tên trường hay hay, bạn tôi bèn hỏi dồn, "Thế còn trường anh tao chị mày bảo là gì?"  Chị tôi chưa thể trả lời ngay vì còn phải chờ mai hỏi lại bạn.  Hôm sau chị tủm tỉm nhỏ nhẻ với tôi rằng tên trường ấy khó gọi lắm!

Cáu sườn vì câu trả lời lấp lửng, bạn tôi hầm hầm hét, "Vậy thì gọi trường chị mày là 'Trứng Vịt'!"  Tôi thật thà về nhà học lại nguyên văn “con zero”.  Nào ngờ chị đâm ra giận cá chém thớt.  Biết đứa em đang ngấp nghé thích vào đệ thất CVA, chị buông luôn một câu, "Gì chứ trường này khỏi phải hỏi ai chị cũng rõ từ lâu. 'Chết Vì Ăn' đấy mà!"

Phải.  Chị Phượng ạ.  Xưa em cũng hiểu tên này y như chị.  Có điều diễn theo nghĩa bóng thì đâu đến nỗi chết, đàn ông mà, mê… ăn là cùng.  Trước hương hồn chị xin cho em nói câu này, "Mê say là bản chất đền ông con trai Chu-Văn-An, đã từ lâu trong cõi làm người". 

Trường phổ thông trung học

Tôi lâng lâng bước vào hàng anh Dực với cảm giác đầm ấm đầu ngày.  Anh bảo người bưng cho bát phở sóng sánh nghi nghút hương.  Nhưng khó sơi làm sao...  Mình lại hơi muộn.  Trước mặt đương là một hội nghị chỉnh tề gồm rất nhiều anh chị, có cả những vị vào bậc thầy, chú mình.  Tôi đã nói năng gì?  À, dêm qua tình cờ được xem qua cuộn băng ở nhà cô em; do người anh ra chơi Hà-Nội năm 94 thu ảnh đem về làm kỷ niệm.

Đến khúc nào đó tự nhiên thấy hiện ra một tấm bảng cũ kỹ, mầu xanh lơ nhàn nhạt đượm toàn rỉ sắt.  Cái tên "CHU VĂN AN" thật to mầu tiết gà luộc rõ mồn một ngay giữa bảng, kèm đôi hàng chữ nhỏ mờ tịt phía trên: "...Giáo Dục Đào Tạo Ha Noi", và xuống hàng dưới là "Trường Phổ Thông Trung Học".  Dưới cùng bảng còn ghi thêm: "10 Thụy Khuê"  kèm "ĐT: 233139".  Đấy là cổng trường CVA tại Hà-Nội hôm nay, gồm một cổng chính rộng bằng hai cổng phụ sát cạnh, với những cánh cửa sắt xanh lá cây kềnh càng bao nhiêu thì hoen rỉ bấy nhiêu.  Các cột cổng được xây kiên cố để đội bảng tên trường lên cao.  Đằng sau cột cổng trái còn thêm một cây già lắm nhánh bám víu; cứ như đứng gác hoài tại chỗ.

Hình ảnh tạt sang con đường trước trường.  Ống kính đi theo nền trời để cảnh vật trở nên u tối đìu hiu.  Một chiếc ô tô vận tải lâu đời đang đậu chết ven đường.  Vài thiếu phụ như cán bộ búi tó trong áo cộc trắng lầm lũi đạp xe lướt qua.  Xế ngã ba bên kia lố nhố ít người ngồi đứng trong một quán hàng trơ trọi.  Xa xa vài ngọn cây lưa thưa lắc lư đánh dấu sự hiện diện của một con đường, có một ngôi trường.

Bên trái cổng trường là đầu hồi một dẫy nhà trệt với lưng là tường rào bên đường.  Ở đấy có khung cửa tò vò trưng thêm một bảng nhỏ: "Trung Tâm Ngoại Ngữ".  Quay sang bên phải thấy dôi ra một dẫy gác hai sau bức tường rào cao, với cổng vào hé ra nhỏ xíu; tường này có vẻ hình thước thợ đáp vào cổng chính.  Khuôn viên trường từ từ trải ra.  Một cái sân đất rộng mênh mang có những kiểu nhà nhỏ viền quanh, với trọng tâm là hai dẫy gác ba trang trí cửa vòm, thẳng góc với dẫy gác hai vừa kể.  Toàn kiến trúc được quét vôi nổi bật mầu hột gà như thể đồng phục công-an.  Tôi đoán không chừng, mà dám chắc đây là trường Bưởi ngày xưa.  Nguyên si một phức hợp công thự đời Tây còn để lại. 

Lác đác gần các dẫy nhà mọc lên nhiều tàng cây cao, gốc cây được nhất loạt quét vôi trắng tếu.  Đó đây các cô cậu học trò lẫn lộn đi lại nhởn nhơ; giờ ra chơi thì phải.  Nam-sinh ăn mặc khá lịch sự nhưng không đồng phục.  Nữ sinh áo sống quần váy hoa hòe, có cô cặp mái tóc dài chấm gấu áo cánh.  Từ đằng xa thấy một người hùm hụp mũ cối cầm cái gì xăm xăm tiến đến.  Chắc là ông loong toong quá.  

Vườn hoa

Ma cà bông ma cà cúi
Lúi húi vườn hoa…

Tôi miên man hình dung ra niên cuối thời trung học dưới mái trường CVA trên đất Sài thành.  Cũng tấm bảng mang tên ấy nơi cổng trường; trong tôi hình ảnh đơn sơ gắn liền bao thương nhớ khó phôi pha…  Tôi sẽ giãi bầy ký ức này ra sao đây? 

Đôi điều về trường sở, về thầy và bạn.  Cả về người yêu mất rồi.  Thế cũng đỡ tẻ chút đời nhìn lại.

Thoạt kỳ thủy hãy bàn về địa lý.  Trường ta tọa lạc chênh chếch phía Chợ-Lớn, ở góc đường Hùng-Vương gặp Ngô-Quyền (hay Triệu-Đà?)  Phía trái trường, cách một đỗi rất gần bên đường là đại học xá Minh-Mạng; đầy sinh viên ra vào xoành xoạch.  Sát nách phải trường là đường Ngô-Quyền (?) mà xa xa bên kia có khu vĩnh biệt của nhà thương ho lao Hồng-Bàng. 

Ngày đi học trò B thường noi theo đường này để tiện dắt xế vào cổng mạn hông.  Chả là cổng trước trường không mở toang bao giờ.  Nghĩ mình bơi cũng xoàng, nhưng vì sao có lúc lặn được hơi lâu?  Chắc mẩm là nhờ ngày ngày lại trường đã thạo môn nhịn thở duyệt qua khu chợ cá chết Trần-Quốc-Toản.  Đến khi sắp qua chỗ nhà xác vừa kể sát đường, tự nhiên học sinh còn thấy cần hít bồi vài hơi để vừa tức ngực vừa thôi thở tiếp.  Phải hộc tốc kịp chui tọt vào trường, chẳng kẻo vơ vào tụi Koch là bỏ mẹ nhà cậu Tú!

Cổng chính CVA tôi trông sang vườn hoa quanh ngôi nhà thờ xám xanh đối diện bên kia đường.  Nhà thờ vừa cao vừa đẹp, ngoài cây cối còn có một đức cha tài hoa âm nhạc.  Vườn kia, gọi vậy cho xinh, gồm một khoảnh đất khiêm tốn nom na ná mũi tầu thủy, thêm ít bụi thảo mộc thâm thấp và dăm ba ghế đá dãi dầu không lưng tựa.  Thế là vào một hôm nhân giữa giờ vắng giáo sư, mấy đứa tôi vọt sang đường.  Vào vườn, ngồi đấy, mà ngáo nghênh thiên hạ...

Đang huyên thuyên câu đực câu cái nào học nào hành, chúng tôi bỗng đờ cả ra.  Xa xa, thấp thoáng vài đóa hồng nhoen nhoẻn cười đang dung dăng dấn bước lại gần.  Hân hạnh thế thì thôi.  Rõ ra là các cô sáp lại bắt chuyện cả bọn, còn xưng hô em anh này nọ ngọt sớt tợ mía ghim.  Hồi lâu định thần ngó kỹ, các người đều đương độ đàn chị tụi nhỏ chứ còn gì.  Mình thì ấm ớ Đệ Nhất, chưa thể luận ra dám là dân nhà nghề ban mai ở không rủ rê dạo chơi cho dãn các cái.  Có lẽ nghiệp riêng chẳng cần gỡ gạc sơ múi gì bên bầy ngựa non hiếm bạc cắc.  Thế là bấy nhiêu mạng hồn nhiên quây quần tán đủ lẽ thiên đường địa ngục, cứ như  lối xóm dư hơi ngồi giãi thẻ hóng hớt.

Nhiều phần lẻ thế kỷ trôi qua tôi chẳng tài nào nhớ trọn ba cái câu chuyện gẫu.  Riêng còn thấm ý mỗi lời cô nàng đỏm dáng sát rạt rỉ tai mình, "Chà, anh học trường bên bển thì kén dữ lắm à ngheng!"  Tiếng lành đồn xa, có làm sao mới kén chứ, mình được thể mừng thầm.  Như thế là trường ta nức tiếng từ trong ra ngoài.

Hai

Cụ Chu-Hy bên Tầu xưa kia cho rằng, "Làm người có ba điều lấy làm đáng tiếc: một là hôm nay bỏ qua, hai là đời này không học, ba là thân này nhỡ hư".  Chuyện!  Ba vạn sáu nghìn ngày ăm ắp sờ sờ ra, việc gì phải tiếc rẻ bỏ qua những hôm lẻ tẻ đi ra đi vào?  Thậm chí có trót nhỡ nhàng hư thân; thời muộn mấy cũng là còn trẻ chán.  Vội gì tức tửi chôn tiếc nuối xuống cầu Bình-Lợi hoặc náu mình sau cửa nâu sòng?  Thiếu gì cơ hội bao dung dựng con người ta lên làm lại lẽ sống khác hơn?

Ai làm cho cải tôi ngồng,
Cho dưa tôi khú cho chồng tôi chê?
Chồng chê thời mặc chồng chê,
Dưa khú nấu với cá trê ngọt lừ.
(Ca dao)

Hiềm mỗi việc không học ở đời là hoài của trời thật.  Hẵng xem.  Đố mà hòng bói ra lấy nửa chữ trong đầu thập loại chúng sinh kể cả khỉ, ngoài chúng ta ra.  Bởi trời có phú cho căn cơ thông tuệ thì mới được.  Xưa nay đã ối người hao tổn một đời lập thân tự học rồi làm nên sự nghiệp lẫy lừng thiên cổ.  Ngẫm lại mình mười đời phàm phu khó lòng dự trong số ấy, tôi cam tâm nhủ lòng, "Không thầy đố mày làm nên!  Cả chốn học đường thênh thang để dành cho ta rồi đấy thôi”. 

Ngày ấy, mỗi vị thầy trong ánh mắt học trò khờ, mỗi là một hình tượng cao kỳ.

GS Hoàng-Cơ-Nghị

Ngày khai trường năm cuối trung học chúng tôi có hai giờ Vật-Lý đầu.  Hân hạnh thay, chỉ mỗi lớp tôi được hoàn cảnh chiếu cố.  Với vóc dáng khom khom ngót thước sáu, thầy bấy giờ đương độ sáu chín; trong tuổi về ngơi mà vẫn còn quá sức yêu nghề.  Sau đôi mục kỉnh đen dầy tựa hồ thay cho thủy tinh thể là làn da mặt dăn deo, ngăm ngăm như cả ngày giãi nắng.  Khiếp!  Đến lúc trổ đồi mồi như cụ, liệu chúng con còn đủ gân mà uốn nắn ai chăng?  Cơ mà trong kỷ nguyên hiện đại thì thầy đâu đã gọi là già. 

Chả bao giờ thấy thầy quên cắp nách vào lớp quyển sách dầy cồm cộm; thoáng nom hao hao pho kinh thánh cũ ngả mầu.  Bìa cứng sách in lổn nhổn một lô chữ Pháp; ấy là sách Vât-Lý học --edition 1945-- của tác giả H C Nghị, cử nhân Vật Lý đầu tiên tại nước ta.  Nỗi học ngày ấy nghĩ mà kinh.  Bộ Vật Lý chạy nhất của GS Hà-Ngọc-Bích dầy suýt soát cả tấc.  Vậy mà lời mào đầu chương trình của cụ giáo Nghị nhẹ như không, "Môn này nó không có khó.  Hễ nghe giảng xong bài nào thì mình học thuộc bài ấy.  Là được".  Cứ “được” dễ như thể thầy bảo thì dòng đời này hanh thông biết bao.

Văn phòng nhà trường điều hành và kiểm soát các lớp độ lượng như thế nào, thì đáp lại, ý thức tự giác của học sinh cao thế đấy.  Tuy các món sổ điểm, điểm danh lắm HS chưa từng thấy mặt mũi chúng qua một lần, nhưng phải nói ai nấy chuyên cần đáo để.  Ấy là chưa kể phong độ trong đồng phục tươm tất ra phết của quý cậu.  Giờ ra chơi, đó đây những người mới lớn vừa kẻ cả tựa lan can bập thuốc lá vặt, vừa kháo nhau về hiệu quả áp dụng định lý Động-Năng thay cho các bài tính Cơ học bậc hai về chuyển động đều... vừa xen lẫn đôi ba tiếng sặc khói văng vẳng.  Là dân văn học, chả ai thích động võ với nhau làm bận lòng quý thầy hiệu trưởng Nguyễn Xuân Quế hoặc tổng giám thị trẻ người Nguyễn Văn Nhì.

Song le sang các tháng sau thì sĩ số giờ Vật-Lý lớp tôi tự nhiên vợi hẳn.  Xem chừng đời này chẳng có ai.  Bạn sao cứ lảng dần, lảng dần.  Thầy vẫn thao thao giảng không biến sắc, mà trò nào ngồi thì lờ đờ hình như đang mảng niềm riêng.  Đến nỗi có kẻ còn thơ thẩn mơ giờ ra chơi, lang thang bước như thể mộng du từ bàn mình sang bàn bạn mà xầm xì về định luật nào.  Nói cho ngay, người ta phải đâu là gỗ đẽo?  Chợt đến một lúc ông cụ mình hết cả nhẫn nại trước gai góc như gãi vào mắt.  Phẫn nộ, giật phắt kính râm ra quay mòng mòng, GS lắp bắp quát lên lanh lảnh, "Này!  Này!  Lớp, đâu phải bàn cờ mà người nào muốn đi thế nào thì đi như lũ quân cờ vậy?  Đã không muốn ngồi thì bước ngay.  Chứ!"  

Bạn tôi điếc không sợ súng.  Nào biết năm xưa bao đời huynh trưởng tử công phu lọt vào Oral do thầy mình chủ khảo, còn rơi đài tê tái như lá vàng lã chã bên song!  Mặt sắt đen sì, chí công vô tư.  Thầy Nghị dường như khối sắt đã tôi, không hề vì trò chểnh mảng mà nhụt nhuệ khí.  Tuổi già bao dung chấp nê chi cái vặt, “Không học là việc của chúng mày, ông cứ việc dậy cho phải!” 

Cũng có lúc tôi đàn đúm chui vào lớp B mấy quên rồi ở cuối dẫy gác hai, để dự bàng thính thêm giờ GS Nguyễn Xuân Nghiên.  Cửa thiền rộng mở ung dung ta ngồi.  Chen vai ông bạn tử tế nhường cho tí chỗ để bài Vật-Lý mới càng vỡ thêm ra.  Làm như thầy Nghiên và cả lớp bạn vẫn hoan hỉ như thường trước cái kẻ hiếu học một cách hơi trơ trẽn như mình.  

Thầy Nghị kính thương, là học trò thầy con thấy hãnh diện như từng được theo đòi nghiên bút với các cố lão thánh hiền xưa.  Phương trình bậc hai hay đạo hàm dưới cấp cứ công thức là ra.  Nhưng hình dung chuyển động gia tốc qua tiếng "đổi chóng đều" của thầy mới khả dĩ thấu đáo lý tăng giảm cơ học.  Luận về chữ thì "nguyên lý quán tính" sao lọn nghĩa bằng "nguyên lý đọa tính" hay "nọa tính" của thầy?  Các tiếng Hán-Việt này từng được thầy gọi nôm na là tính lười của vật thể, quen thân nằm ngồi ì ra nếu không có gì chọc vào nách.

Giữa rừng gươm

Từ giờ Lý-Hóa xa xưa tôi miên man liên tưởng đến lớp Toán đệ nhất của GS Bạch Văn-Ngà bên cạnh.  Một buổi sáng đội mưa lại trường, dọc qua hành lang đứa học trò đến muộn kịp thì giờ tò mò ngoái vào lớp thầy Ngà.  Vị GS quắc thước thường vận sơ-mi-dét trắng, với đôi lông mày đậm vạch ngang trên nét mặt rất nghiêm.  Lúc ấy thầy đương đứng sừng sững ngó ngay xuống phía học trò, mục quang không hề lay động.  Tay phải người khư khư hòn phấn còn tay kia vẻ như phác lên một vòng quỹ tích sắc lẻm; trong khi môi thì mim mím như vừa thốt xong lời định đoạt.  Sao mà lạ, nhìn lại phía học trò những bàn là bàn, chỉ thấy lèo tèo mọc lên vài mống!  Kiên trì.  Tĩnh lặng.  

Ấn tượng nào như luồng điện xoẹt xuống lưng.  Tôi méo mó mường tượng GS Ngà như trang kiếm khách Phù-Tang lạc giữa rừng loang loáng vũ khí, đang ngưng thần lừa miếng chí tử với quân thù hăm hở lăm lăm.  GS Ngà thiết tha xem lớp học, là lớp học.  Làm sao không bái phục thiên thức sư biểu của thầy?

Giải tích

Trở về lớp Toán mình, chúng tôi hân hạnh không thể tả được thụ giáo hai sư phó khét tiếng trong giáo giới TH đệ nhị cấp Sài thành.  Đấy không ai khác hơn nhị vị GS Đinh-Đức-MậuHà-Xuân-Châu

GS Mậu phụ trách Hình Học Giải Tích.  Ngày mới lên trung học tôi từng nghe đến ám ảnh rằng giỏi toán, phải là giỏi Hình Học vì chứng minh đòi hỏi linh động theo các định lý thiên biến vạn hóa.  Và tôi lấy làm thỏa thuê sau từng giờ học thầy Mậu.  Đầu với óc đặc kịt như đất sét mà hễ thầy giải đến đâu là đất cứ tơi ra đến đấy!  Thầy tôi còn trẻ thật.  Làn da bánh mật tô đậm khuôn mặt chữ điền, càng đậm đà thêm mái tóc rẽ lệch đen nhanh nhánh.  Vị GS roi roi người, đặc biệt với ánh mắt xa xôi này lên xuống bục bảng cứ là thoăn thoắt.

Hình học tất nhiên có lắm chi tiết cần đề cập cho ra ngô ra khoai; cho nên muốn giảng cho súc tích mười mươi thầy Mậu cần nói thật nhiều.  Có lẽ đấy là lý do thầy thường thủ mùi soa quặp gọn lỏn trong tay.  Đôi khi cần che miệng ho nhỡ sặc bụi phấn, hoặc giả quệt sạch nước bọt ngoen ra khóe miệng cũng là thói quen nghề nghiệp.  Sau có hồi tôi cũng trong cảnh gõ đầu trẻ, mới hiểu như thầy về vuông khăn tay mỗi khi xa xả nói rã họng, mỗi lúc rớt rãi hớ hênh tung bay phơi phới như confetti mừng đón xuân về.

Phong nhã

Thầy Châu của tôi, ôi, "Phong tư tài mạo tót vời - Vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa!" (Kiều).  Mặt hoa da phấn thư sinh ấy mài mại hình ảnh nam minh tinh bên Hương-Cảng, có hồi làm trò tôi chiêm ngưỡng như thần tượng xi-nê-ma.  Thầy Châu lĩnh môn toán số khô khan nhưng với trình độ sư phạm vượt lên tầm nghệ thuật.  Thêm cả thái độ tế nhị của thầy làm nổi bật phong thái đáng yêu.  Điều này từng khiến tôi nghi đông các cô tôi đang chết cay chết đắng vì người.

Sau mỗi chương giáo khoa thường có ít con toán nhỏ cho làm liền tù tì tại lớp.  Hơi hồi hộp là lúc lên bảng giải bài vì dễ quê dạng bầu cua với bạn; tính toán nào phải trò “năm mười”?  Tôi vốn ngồi ngay chỗ thầy hay dừng chân; vậy mà tịnh chẳng bao giờ được mời lên như thể bắt bí nhau.  Bởi sao?  - Có thể lúc ấy thiếu gì em hiu hiu ưỡn ngực ra vẻ đã giải xong chờ gọi.  Nhưng tôi vẫn tin thầy Châu còn thương những đứa đang tối mắt lại vì tịt như mình hơn, mà thông cảm tha cho.

“No places like home”

Lửa thắm hương nồng dễ dầu gì chan chứa chín phương trời?  "There' s no places like home"  là lời ngày ấy thầy Thọ mở đầu vào lớp.  Thầy từng công nhận gia cảnh “vợ cái con cột” cũng là lẽ sống hàng đầu ngay cả với dân Anh-Mỹ; chứ không đến nỗi quanh năm chỉ chực hăm he ly dị, hoặc kiên nhẫn chờ con chóng lên mười tám để đuổi cổ cho thong thả cả hai người lớn. 

GS Anh văn sinh ngữ hai Đinh-Xuân-Thọ dáng người tầm thước trắng trẻo, với vầng trán cao sáng láng kèm nụ cười sẵn nở trên môi.  Cốt cách tao nhã hòa cùng giọng nói thanh thoát của người đàn ông trạc trung niên, theo Tầu họ gọi là quý tướng.  Buổi nọ thầy Thọ chỉ chúng tôi cách phát âm đỡ tốn hơi; ví dụ "extraordinary", thay vì chẻ que chấp nhất từng vần theo Tây, ta chỉ cần đọc nuốt "Ếch's-t'ró-đì-nè-rỳ" cho khỏi nhọc mồm.  Lần khác thầy lại thảo một châm ngôn Ăng-lê lên bảng, nôm na đại khái “Dọn nhà ba lần bằng một lần nhà cháy”.  Nghĩ mà chạnh lòng.  Đời ta dài phỏng bao lăm?  Mà mới trải hai cuộc thiên di, những tưởng đã cháy trắng đất nước, sạch sành sanh bao nhiêu xóm làng!

Tôi mến thầy giáo Thọ, mến tư cách không hách của thầy.  Bất đồ cách nay không lâu, bán tín bán nghi không biết tin dữ từ đâu rằng thầy vừa mất.  Qua bao mất mát, mất thầy, mất nước... tôi đâm bâng khuâng vơ vẩn nghĩ đến âm-ty.  Phải chi trước đây được thầy Thọ chỉ thêm ít chữ Anh phổ thông như tiếng "qua đời" của người mình thì hóa hay.  Duy chuyện nghìn thu vĩnh biệt, coi ra còn gì xấu hơn trên chốn dương trần hoa mộng, mà nước Nam ta có cơ man nào là ngữ vựng.  Lại còn chưa kể vô khối bổ ngữ khác phụ họa vào sự kiện ghê nhất đời này.

Dẫu thô thiển mặc lòng, thử theo ngài Aristotle mà suy.  Không đếm xuể đồng nghĩa với chết chóc trong ngôn từ một xứ phản ảnh điều gì, nếu không phải là bất hạnh khốn cùng ngập đầu dân xứ sở ấy?  Đời sống nhân dân đang chẳng ra gì, thì hận thù ghen ghét và phiền muộn dễ thường canh cánh bên mình khó lòng xóa bỏ lắm.

Hai trăm trang

Thời khóa biểu Việt Văn truyền thống hàng tuần dành cho các lớp dưới bao gồm nhiều giờ Kim - Cổ Văn lẩn vào Văn Học Sử.  Nhan nhản những áng văn xuôi từ đấy khơi dậy nhiều luồng tư tưởng mới; đồng thời những vần thơ trữ tình gợi thêm bao rung động nhẹ nhàng trong tâm khảm Học Sinh...  Bộp một cái, này là Luận-Lý, Tâm-Lý, này Đạo-Đức học tràn ngập ngả tú tài.  Đấy là học thuật suy tưởng ngoắt ngoéo khó hòng nhập tâm.  Tội thay, làm thân con trai không khá lầu thông thì có nước vào Thủ-Đức mà đóng sĩ quan non. 

Ngày xưa vị thầy yêu lớp Nhất từng giải thích rõ "triết", nghĩa là bẻ.  Bẻ nghiến cho gẫy to gẫy nhỏ mà nhìn thấu ngóc ngách ngọn ngành tư tưởng, là Triết học vậy.  Chút lập luận, bất biết triết lý hão hay lý sự cùn, có thể phát xuất từ tim óc bình thường.  Nhưng cao hơn tất nhiên phải là phán đoán từ suy nghĩ lung của những bậc trí tuệ thuộc hàng triết nhân.  Ôi thôi!  Bao quan điểm luận lý tách bạch bên những phạm trù tư duy khúc chiết từ bậc tầng ấy chớ hề bỏ qua một ly cho đời cắp cặp.  Những gì triết gia nặn nọt đã được giáo giới ghi nhận như thành tích của họ; để rồi san định thành hệ thống dậy bảo.  Dù có biến thiên khi này khi khác, tựu kỳ trung căn bản này vẫn đang được áp đặt thành tiêu chuẩn thi thố cho tú tài phổ thông đương thời.

Bấy nhiêu tâm địa son trẻ tơ hào gì đến mớ sách triết khó khăn theo cái kiểu nhồi chữ như nhồi bột?  Khốn nhưng bàn triết lý trong phòng thi bằng tiếng bố mẹ đẻ suông thì khỏi cần đi xem bảng làm gì!  Hóa ra ngôn từ triết học đã được hình thành từ khuya trong giáo khoa ta.  Chẳng bao giờ tôi dám tưởng mình thạo loại chữ nghĩa nặng phần trừu tượng này; cho nên tối cần nâng niu quyển vở Olympic hai trăm trang được bao đi bao lại bằng giấy báo Thế-Giới Tự-Do dành cho giờ thầy An mình.

GS Trần-Đức-An, thầy triết, mẫu đàn ông thanh lịch lưng dài có thể phân biệt ngay từ đằng sau yên vespa.  Bản lĩnh sư phạm nơi thầy đã sớm dậy tôi lấy nốt chép thành bài.  Cứ sau mỗi đoạn diễn nghĩa ngắn là thầy An thiếu như đọc cho chúng đệ tử chép cả vào vở về mà học.  Tưởng chừng mỗi lời thầy diễn tả trong bài đều có thể đem lên cân tiểu ly để đo lường thâm thúy của loại ngôn ngữ bác học.  Tôi hoàn toàn vững tin vào những phát biểu triết gia mà thầy lấy làm chuẩn xác dành cho chủ đề; coi mọi ví dụ này là vũ khí lợi hại cần chĩa tới tấp vào cho bài thi thêm hùng hồn đông chữ.  Của đáng tội dốt đặc cán táu, phi thuộc lòng thì còn chữ đâu mà mình có thể chế thêm cho bài làm văn đỡ phần ráo hoảnh?

Hôm thi đến, thuộc nhiều hơn hiểu, lại còn đá đòn dăm bẩy lời thơm tho của danh sĩ tầm cỡ Descates, Freud... chẳng hết; thành thử bài luận tôi bình giảng điệu nghệ bất ngờ.  Cả phần trả lời câu cũng đến là mạch lạc.  Thầy tôi hồ như đã ân cần đứng bên gà bài cho.  Duy chỉ mỗi hơi thiếu sót, là phần đề hỏi về "Công Bằng" chỉ có thể trả lời lấy có.  Có lẽ vì hôm ấy học sinh dức đầu, nên bài học này bị ghi sót trong quyển hai trăm trang.

Đừng hỏi tại sao.  Con tim có những lối nghĩ mà lý trí mò mẫm cả đời chửa chắc hiểu.  Chỉ cần cho GS An là bậc tiên tri.  Tôi đâu thắc mắc đôi lúc thầy tôi bực mình dỗi không buồn nói với chúng mày cả buổi.  Tội gì khó biết.  Đầu xanh ngơ ngẩn lúc nào mà chả quen thói thì thào vớ vẩn.  Thôi thì hỉ-nộ-ái-ố cũng là lẽ thường dưới nhãn quan Đạo-Đức học chưa từng giảng trong chương trình ban B.

Ba

Sử - Địa

... Hùng Vương đóng ở châu Phong,
Ấy nơi Bạch-Hạc hợp dòng Thao giang.
Đặt tên là nước Văn-Lang...
(Đại-Nam Quốc Sử Diễn Ca)

Từ tấm bé dân ta đã hân hoan tự hào về gốc Rồng-Tiên của giống nòi.  Sự kiện thiêng liêng ấy vốn là đức tin dân tộc, tuyệt nhiên không thể chứng minh nghĩ bàn lệch lạc.  Hiện thân trong ĐỊA LÝ sỏi đá xa xưa, tiền nhân Việt từng kỳ công dệt nên tấm dư đồ hoa gấm, lượn lờ cong cong giải bờ bể tựa dấu "đồng" thiếu nét sổ dọc ngày nay.  Khởi nguồn nam tiến của cả giống nòi từ Hoa lục, thực địa lập quốc của ông cha ta là Giao-Chỉ quận gồm cả miền Bắc, trải xuống Diễn-Châu mạn Bắc Trung Việt.  Còn chưa kể vốn dĩ đất Giao-Châu của ta bao gồm cả lưỡng Quảng đời nhà Triệu --từng sáp nhập sau thiên tình sử Mỵ-Châu Trọng-Thủy não nùng--

Nối tiếp mười tám đời Hùng Vương, tổ tiên ta oanh liệt ngự trị giang san cẩm tú in bóng năm rặng núi trùng điệp (Sông-Gầm, Nhị-Đà, Ngân/ Bắc-Sơn & Đông-Triều) tẽ hình nan quạt, xòe tăm tắp trên đất Bắc (với nhài quạt là ba ngọn Tam-Đảo, Yên-Thế, và Ba-Vì --hay Tản-Viên thiêng liêng-- nhấp nhô trên dẻo trung du).  Kề cận sông dài bể cả mênh mông, người xưa từng lập quốc từ cố đô Phong-Châu từ dẻo trung du xuôi về mạn đồng bằng Thăng-Long văn vật trên châu thổ Nhĩ-Hà.  Công cuộc nam tiến dần dà tiếp diễn sau, sau nữa.

Coi như trên bốn nghìn năm chứng giám sự trường tồn và xây dựng nền văn hiến dân tộc, dòng VIỆT SỬ  truyền kỳ đã ghi trọn mọi diễn biến bi hùng trên non sông, trải cùng bao hoạt cảnh lâm ly diễm lệ.  Ngày xửa ngày xưa, giá đừng vướng câu tiết nghĩa, và giời cũng đừng xui công chúa Tiên-Dong chọn chỗ tắm éo le để quá tay dội nước tóe loe nguyên hình thiên nhiên lồ lộ của con nhà họ Chử, thì vua cha Hùng Vương nỡ nào đành đoạn buộc lá ngọc cành vàng phải sớm chầu giời cùng bạn chung thân?! 

Thừa lương nàng mới dừng thuyền,
Vây màn tắm mát kề liền bên sông.
Người thục nữ, kẻ tiên đồng,
Tình cờ ai biết vợ chồng duyên đưa.
Giận con ưa thói mây mưa,
Hùng Vương truyền lệnh thuyền đưa bắt về.
Non sông đã trót lời thề,
Hai người một phút hóa* về Bồng Châu**.
(Đại-Nam Quốc Sử Diễn Ca)

*    Từ trần
**  Hai ngọn núi huyền thoại Bồng-Lai & Doanh-Châu có tiên cô ở (Đỉnh kia là Phương-Trượng)

Thêm tí tuổi mài đũng quần, ta quờ quạng vào vòng THẾ-GIỚI SỬ  ôm đồm nhiều học thuật rối rắm...  Võ vẽ được ít chữ vác từ trường về bấy lâu tôi cứ đinh ninh rằng mình kền lắm; biết đâu rằng chỉ vì may chưa bị ai hỏi vặn, "Thế ông Hegel là ai?"  hoặc, "Biện-Chứng Pháp là gì?..."  Tôi cũng chỉ mang máng nghe nói đến quyển "Tư-Bản Luận" chứ làm gì giở nổi một trang sách ấy.  Nhưng chuốc bận làm chi khi mình đã nghe đủ lời thầy?  Nếu thánh có phán thầy con dậy không phải lối, thì cho đến nhiều năm sau tôi vẫn không cần nghe.  Chỉ chịu thầy mình thôi.

Đã không ít "lí thuyết gia" vô tư truyền tụng về sự nghiệp xây dựng Công-Sản (CS) chủ nghĩa theo biện chứng lẫn lộn giữa Engels, Marx, thêm Lenin lắt léo.  Tạo nên hình thái Xã-Hội Chủ Nghĩa (XHCN) là bước đầu của chặng đường thêu dệt.  Dưới chiêu bài chính nghĩa ảo dựng đứng trước sự giựt dây xảo trá của CS (trên tinh thần Machiavel*** bất nhân cộng với bạo lực và lừa đảo), thì tầng lớp dân đen dốt nát trên danh nghĩa cứ phải theo CS "đấu tranh giai cấp" kịch liệt với thể chế cai trị hiện hành.

[***  Lý thuyết-chính trị gia Ý, với tác phẩm “Quân Vương (The Prince)” hồi đầu tk XVI AD phán rằng mọi phản trắc, lừa đảo, bạo hành, rồi độc tài chuyên chế… cứ phải có hầu đạt thành công trong chính trị.  Là đầu têu của tác phong CS theo sát chủ trương “Cứu cánh (chung cuộc cưỡi cổ thiên hạ) biện minh (giải thích tốt) cho mọi phươmg tiện (hành vi gian ác) --The ends justify the means--”]

Cái gai mắt đầu tiên là giới tư bản ngồi trên cần phải loại trừ; hầu cho cả nước thẳng tiến đến XHCN tiêu biểu.  Mô hình xã hội này trực tiếp xuất hiện không qua một phút phát triển cơ cấu tư bản.  Kinh tế thị trường không thể có mặt.  Mọi nguồn tài nguyên quốc gia được quốc hữu hóa trong tay cái gọi là Nhà Nước Nhân Dân Vô Sản.  Từ đấy nền kinh tế quốc dân được chỉ đạo theo bản lề quốc doanh vô học. 

Người công dân trong xã hội nói trên sẽ được hưởng phần tỷ lệ theo năng suất lao động cá nhân.  Được ăn dù chưa ngon nhưng quý hồ no, được mặc chưa đẹp nhưng mà đủ ấm.  Trước ngày tàn, liên bang Nga Sô-Viết (Liên Xô) cùng nhóm quốc gia Đông Âu từng được xem như cái nôi của XHCN, đang trực chỉ "phấn đấu" trên đường tiến lên xã hội CS; xem đấy là "thiên đường".  Trong khi đó, các nước cùng chế độ ở thế giới thứ ba được cho là vẫn còn dở bước xây dựng XHCN mà thôi. 

Tóm lại từ ngữ gì thì gì, vẫn hàm chứa bản chất và hành vi CS điêu toa từ vị thầy cả Machiavel.  Chịu thương chịu khó đến ngày phồn hoa ló dạng trên lý thuyết, thì chung cuộc đấu tranh sẽ giành về cho nô lệ ở thế gian thắng lợi tuyệt vời.  Ngày ấy, tập đoàn tư bản chết tiệt.  Loài người còn lại được nâng bước lên tột bậc CS quốc tế, một xã hội đại đồng không giai cấp, biên cương lĩnh thổ và lòng tin tôn giáo. 

Xuyên qua hào quang thắng lợi, người trên thiên đường này mặc lòng ăn ngon, tha hồ diện đẹp, được rủng rỉnh tiêu tiền in trên lụa quý.  Nghĩa là mỗi cá nhân sẽ chỉ làm việc tùy khả năng hiện hữu; để rồi hưởng thụ hoàn toàn theo nhu cầu sống của bản thân.  Thành phần tài tình lãnh đạo thế giới này là tuyệt đỉnh trí tuệ.  Thêm vì lẽ vô sản nên liêm chính. 

Tiếc rằng hiện tượng suy sụp hiển nhiên của hệ thống Cộng-Sản cận đại đã thất vọng trả lời tổng hợp tinh hoa nêu trên, là hoang đường!

Biện Chứng Pháp

Giờ đầu và lớp thầy Sử-Địa Lê-Ngọc-Huỳnh ra chiều không được khỏe.  Dáng dong dỏng cao với rất nhiều nếp nhăn hằn sâu trên dung mạo tai tái đăm chiêu, nom GS có vẻ như ông lão trường chay.  Kịp đến khi người sang sảng cất tiếng, thì vẻ cằn cỗi kia thoắt lẩn đi nhường chỗ cho thần sắc tinh anh khác thường.  Thầy tôi thật giản dị trong sơ mi poplin trắng cũ hồ tí lơ xanh nhạt, không chút là lượt.  Con người có lẽ ưa sống đời thanh đạm.

Nội dung hai bài giáo đầu niên học của GS Huỳnh không mấy ăn nhập vào chương trình, nhưng hay ho làm sao, đã lưu lại trong tôi sâu xa gấp bội bài vở Sử-Địa suốt thời trung học gộp lại! 

Thầy tôi đã giảng khái quát về Biện-Chứng Pháp (BCP).  BCP bao hàm một Thèse, mà thầy tạm dịch là Chính Đề (CĐ).  Trong biến dịch tự nhiên, sớm muộn cũng sẽ hiện ra một Antithèse, hay Phản Đề (PĐ) chỏi lại CĐ nẩy sinh trước đó.  Sự tương phản này được hóa giải kết thành một Synthèse, hay Hợp Đề (HĐ).  Phiền nỗi HĐ vừa ló dạng mặc nhiên trở nên một CĐ mới, mâu thuẫn với PĐ đối tượng nẩy sinh từ nó, đưa đến một HĐ khác.  HĐ khác đến lượt đồng lần cũng sẽ lại là một CĐ  làm ngòi cho đối kháng về sau...  Và chu trình luân chuyển đại loại như vậy cứ thế diễn tiến không ngơi.

Trường phái Marx-Lenin đã vận dụng BCP Hegel để trình bầy quan điểm diễn tiến lịch sử ép vào khuôn khổ duy vật khới ra từ của chủ thuyết CS.  Theo đấy, dưới lăng kính “duy vật sử quan” thì đấu tranh giữa CĐ (tượng hình giai cấp tư bản thống trị) và PĐ (tầng lớp lê dân bị bóc lột) sẽ dứt khoát liễu thành tại H-Đ chung cuộc, một xã hội CS lý tưởng.  Điều này theo GS Huỳnh là tuyệt đối ngụy biện.  Là bởi mâu thuẫn nẩy ra liên tu theo khuynh hướng bất tận từ căn bản; cho nên hẳn hoi bản chất chuỗi biến thiên không gì khác hơn là vô định (infini).  Do đó, mọi suy diễn chủ quan về một đoạn kết có hậu trong tương lai chỉ là mánh khóe áp đặt không hơn!

Một phương pháp linh nghiệm đem lại thành công:

"Phương tiện dầu ấu trĩ nhưng kết quả đạt được ngoạn mục 
(Moyen enfantin mais résultats spectaculaires)
 -- Dr. Coué"

Tôi vô vàn cảm ơn bậc thầy lương tâm, đã chu đáo sửa soạn tinh thần cho học trò đối phó kỳ thi lạnh lùng như thách đố cam go đầu đời.  Ngay từ lời phi lộ rót vào tai, GS Huỳnh đã bầy cho cả lớp phép trợ lực lợi hại do nhà tâm lý học người Pháp tên Coué chế ra.  BS Coué nhận thấy “nhân chi sơ” bản chất không mấy cứng cựa trước những xương cùng xẩu cần đương đầu.  Nghị lực nghe chừng oai lắm, nhưng kỳ thực chả phải là lực sĩ hăng tiết cùng ta hiên ngang gánh vác việc đời.  Mãnh lực tiềm tàng thực ra ẩn sau lòng ham muốn và chấp nhận từ bản năng. 

Để hoàn thành trôi chẩy một hoài bão hoặc làm thỏa ý nguyện bình sinh, bí quyết là đánh thức bản năng ấy.  Lòng ham muốn một khi được nung nấu trong tâm khảm dưới ảnh hưởng lặp lại bằng lời, sẽ trở thành động lực vô thức thúc đẩy bản thân nỗ lực vươn đến đích.  Phương thức thể hiện chuyện này dễ như trò trẻ.  Chỉ mỗi việc lẩm bẩm nhại càng nhiều càng tốt, vào bất kỳ lúc nào tiện, về điều mình muốn. 

Hẵng nhắc đi nhắc lại bật thành lời như lâm râm khấn khứa, rằng mình ắt đạt được điều hằng mong thể theo lòng tin tự khắc được vậy.  Ví như chàng thí sinh nhấm nhẳng mỗi câu, "Mình sẽ đỗ ngay khóa này.  Mình sẽ đỗ..."

... Rằng hay thì thực là hay,
Chẳng hay sao lại đỗ ngay tú tài?
(Tú Xương)

Sầu Vương

Ngôi nhà ngoảnh về phương Tây hưởng đủ mùi oi ả của làn nắng quái chiều hôm.  Thi cử vừa xong chưa lùng ra được chỗ nào đi chơi cho bõ, tôi ngả ngớn ngồi tròn trong salon xem đỡ ít bài ôn thi vào mấy trường nghề.  Đang váng vất vì ánh tà dương thấp thoáng len qua song cửa như soi như bói, bất giác cậu em tỉnh hồn lặng cá người...  Rõ ràng từ ngoài, chị Phượng mình đang tươi cười âu yếm nắm lấy tay ai như thần tiên chơi vơi sánh bước vào nhà. 

Bóng hình yểu điệu thoảng lướt qua ngưỡng cửa quyện theo chút gió nào ngan ngát.  Chao ơi!  Giữa khoảng sáng lung linh của buổi chiều nồng, nàng hiển hiện lộng lẫy như bông hoa phơi phới giữa trời ngợp nắng.  Không gian chợt mát rượi.  Đầu óc cùng bài vở bỗng chốc đi cả đằng nào.  Tim bắt đầu gõ sang nhịp quân hành khiến tôi hết còn thiết thở!  Trong khoảnh khắc bàng hoàng, tôi sững sờ trân trối trước nụ cười mỉm yêu kiều nàng thẹn thùng khe khẽ gật đầu ngoái lại trao cho.

Tôi vừa mười chín.  Còn em, tròn mười sáu.  

Thế rồi,

... Đồng xuân này lối năm xưa,
Anh chưa lấy vợ, em chưa lấy chồng.
Nhưng thôi chuyện cũ, chuyện lòng,
Nhắc chi húng Láng cốm Vòng hỡi em!
Hồ Tây dẫu muộn mùa sen,
Vẫn còn một đóa y nguyên buổi đầu.
Như ngày ta mới quen nhau,
Thư đưa hồi hộp, tay trao ngượng ngùng.

Nhớ em, nhớ đến khôn cùng

Hương sen càng ngát nỗi lòng càng đau...

(Hồ-Dzếnh)

Cảm kích lời người thơ, tôi ngỡ đâu đây tiếng vọng hồn mình.  Thắp lên nén hương lòng tưởng nhớ vị giáo học Chu Văn An kính mến cùng chuỗi ngày xa xăm.  Sau khi di chuyển từ trường cũ sang năm cuối trung học, cái tôi chẳng ra làm sao này dám xin một lần được mạo muội đèo bòng vào giấy.  Vầng dĩ vãng lồng lộng năm xưa trong tôi bỗng bừng lên sán lạn vô ngần trước chứng tri thần giao cách cảm của ân sư Lê-Ngọc-Huỳnh.

Bụng dạ học trò mình buổi ấy sao mà ngây dại; ấp ủ đến héo vàng nỗi ám ảnh rằng thương nàng quá đi thôi!  Một lúc nào đó chợt tôi động tâm nhớ lại mẹo của ông Coué qua lời thầy.  Mới thấy nghị lực trong ta đúng là vô tích sự.  Thật vậy.  Nó đã chẳng giúp mình bạo dạn tiếp cận đóa hoa lung linh thì chớ, lại càng không chịu tẩy vợi nỗi vấn vương tê dại thần hồn.  Bèn nhất tâm theo riết phương pháp của vị BS kia.  Y như tín đồ khẩn cầu câu kinh nhật tụng, “Mình phải được nàng thương...”  Phải được.  Phải được…  Ta cứ lảm nhảm luôn mồm.

Không nhẽ cuộc tình nào cũng nhất định phải éo le mới được hay sao?  Nhưng thôi.  Kể lể nhiều đâm lạc điệu còn gì là duyên.  Chỉ còn gì đây?  Buồn.  Mênh mang. 

Tôi mong thu ngắn đôi lời cuối, “Thầy ơi!  Con đã đến, với nàng.  Con đã được thấy, cả một trời trong đôi mắt dại.  Đã được hưởng, phút giây cùng say sưa suý‎t xoa chung miếng ngọt miếng bùi cơ hồ mãi tận nghìn sau.  Rồi sao con lại ngu ngơ lặng nhìn người lầm lũi ra đi?  Giai nhân nan tái đắc.  Con thật chả bằng lấy đốt tay trỏ của Caesar!"  Chập chờn trong định mệnh đong đưa, tôi nhổm lên thét vang đôi lời ca rơi rớt từ bài thơ trơ trọi nguyện dành mãi cho nàng.  Vẳng nghe tiếng lòng thầm thì cùng nhau san sẻ nguồn cơn.  Sẽ chẳng mắt nào còn ghé đến những dòng chữ gõ này với mình nữa đâu. 

Hầu tàn giấc mơ xưa, tôi mải trầm tư trong xao xuyến từng lớp dâng trào.  Biết chăng nàng võ vàng cuối trời biền biệt?  Lâu lắm rồi.  Mơ hồ tôi nhờ gió mưa làm ơn quyện đi cho hết giọt sầu rơi. 

Thuở nào...


Sầu Vương

(Cho người em họ Trần -- tb)

   Mấy lần chớp bể
Gió dậy mưa ngàn
Tan vào lòng mắt
Đăm đắm miên man
Một vì sao lạc...

  Gió lan chiều ngang
Mưa đan sùi sụt
Những hình chữ thập
Đọng hạt long lanh
Hạt vùi trong mắt.

   Nhanh nhánh dại dột
Mọng giọt mưa cay
Xôn xao gió lay
Rưng rưng niềm nhớ
Sầu vương chân mày.

   Canh chầy mưa rớt
Đẫm ướt quầng mi
Gió lộng cuồng si
Cũng thành tan tác
Xao xác tình gầy.

   Dậy, dậy tình ơi
Mưa reo lời gió
Hoan lạc qua rồi
Bẽ bàng đối cảnh
Ngấn lệ bồi hồi!

   Mưa tạnh mùa trôi
Lạnh người dao cắt
Hiu hắt mạch sầu
Muôn thuở mắt sâu
Ngày ngày gió động.


Tiểu Bình


No comments

Powered by Blogger.