Header Ads

Mata Hari - Người Vũ Nữ Gián Điệp Trong Thế Chiến Thứ Nhất


Bùi Phạm Thành

Margaretha Geertruida MacLeod (tên thời con gái là Zelle; 7 tháng 8, 1876 - 15 tháng 10, 1917), được biết đến qua tên trên sân khấu là Mata Hari, người Hoà Lan, là một "vũ nữ thoát y""gái bao" của nhiều nhiều sĩ quan cao cấp và nhân vật tiếng tăm thời bấy giờ, đã bị buộc tội làm gián điệp cho quân Đức hồi Thế Chiến Thứ Nhất. Bà ta đã bị Pháp đưa ra toà, nhanh chóng kết tội, và xử bắn bởi tiểu đội hành quyết. Việc một người phụ nữ hành nghề vũ nữ thoát y, dùng mãnh lực quyến rũ của sắc đẹp để làm gián điệp, đã khiến tên của Mata Hari đồng nghĩa với từ ngữ "phụ nữ giết người - femme fatale". Câu chuyện về cuộc đời của bà đã là cảm hứng cho nhiều tiểu thuyết, phim ảnh, cũng như các bộ môn văn học, nghệ thuật khác.

Cái chết của Mata Hari, cho đến ngày nay, vẫn là một nghi vấn. Có ý kiến cho rằng bà ta bị kết án và xử tử vì Quân đội Pháp cần một "vật tế thần" để nâng cao tinh thần của quân dân Pháp thời bấy giờ, và các hồ sơ được dùng để kết tội bà ta không những rất sơ sài, mà còn có nhiều sai lạc. Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử còn tuyên bố rằng Mata Hari không hề làm gián điệp và vô tội.

Thời Niên Thiếu

Margaretha Geertruida Zelle sinh ngày 7 tháng 8 năm 1876 tại Leeuwarden, Hoà Lan; là người lớn nhất trong bốn người con của ông Adam Zelle và bà Antje van der Meulen. Cha của cô có một cửa tiệm bán trang phục cho đàn ông, và đầu tư trong ngành dầu hoả, nên các người con đều được cho học ở các trường danh tiếng cho đến năm 13 tuổi. Sau đó vì kinh doanh thất bại, cha mẹ ly dị, rồi người mẹ qua đời vào năm 1891, và người cha tái giá, không bao lâu sau, cô ta bắt đầu cuộc đời phiêu lưu.

Đông Ấn Thuộc Địa Hoà Lan

Năm 18 tuổi, Margaretha đọc được một tin "kiếm vợ" đăng trên một tờ báo ở Hoà Lan của một Đại uý tên Rudolf MacLeod hiện đang trú đóng ở Đông Ấn thuộc địa của Hoà Lan (bây giờ là Indonesia). Margaretha trả lời, và trở thành vợ của Rudolf vào ngày 11 tháng 7 năm 1895. Họ sống ở vùng thuộc địa và có hai người con, một trai và một gái. Tuy nhiên cuộc sống của họ đầy sóng gió bởi vì Rudolf là người hung bạo và có tính ngoại tình.

Sau cái chết của đứa con trai, họ trở lại Hoà Lan và sau đó thì ly dị, khi đó Margaretha mới 27 tuổi, nghèo khổ vì không nghề nghiệp. Margaretha bắt đầu làm nghề vũ nữ để sinh sống, cũng vì lý do này, năm 1903, cô ta bị thua kiện trong việc đòi nuôi đứa con gái sau khi ly dị. Sau đó, cô ta đến Paris để làm lại cuộc đời, với lời tuyên bố "Tôi muốn sống một cuộc đời như con bướm đầy màu sắc dưới ánh mặt trời." 

Hành Nghề Vũ Nữ

Chính tại Thủ đô Ánh sáng này, Margaretha Zelle đã tái tạo lại cuộc đời với tư cách là một nghệ sĩ. Dựa trên kinh nghiệm của cô thời ở Đông Ấn thuộc Hà Lan, cô ta đã sáng tạo ra một tiết mục khiêu vũ “Hindu” và bắt đầu biểu diễn dưới cái tên “Lady Gresha MacLeod”. Thông thường là cô ta sẽ từ từ cởi bỏ lớp quần áo sặc sỡ trên mình và mạng che mặt, cho đến khi gần như khỏa thân, chỉ còn một phần che ngực bằng nữ trang. Cô thừa nhận: “Tôi không phải là một vũ nữ giỏi. Mọi người đến xem màn trình diễn của tôi vì tôi là người đầu tiên dám khỏa thân trước công chúng”. Để tăng thêm vẻ huyền bí, Margaretha lấy nghệ danh là “Mata Hari”, theo tiếng Mã Lai có nghĩa là “con mắt của ban ngày” hay "mặt trời."

Màn trình diễn táo bạo của Mata Hari đã được công chúng ưa thích và các nhà phê bình ca ngợi. Trong nhiều năm sau đó cô ta đã lưu diễn khắp Âu châu, nơi nào cũng được ủng hộ nồng nhiệt, với số vé bán rất chạy và khán giả luôn luôn đầy rạp. Đồng thời Mata Hari cũng bắt đầu có những liên hệ tình cảm với các sĩ quan cao cấp và giới quý tộc hoặc giàu có.

Đến năm 1914, lúc này đã gần 40 tuổi, và sự nghiệp nhảy múa đã bắt đầu xuống dốc. Mata Hari có nhiều quan hệ với các người giàu có với mục đích duy nhất là kiếm sống. Đời sống của bà ta càng trở nên khó khăn khi Thế Chiến Thứ Nhất bùng nổ. Lúc này bà ta đang cư trú ở Berlin (Đức), và cố gắng tìm cách trở lại Pháp, nhưng đã bị quân Đức quản thúc hành lý và chương mục ngân hàng. Bà ta buộc phải trở về quê hương Hoà Lan, một quốc gia trung lập. Nơi đây, Mata Hari nối lại cuộc tình cũ với một vị Bá tước giàu có người Hoà Lan.

Làm Gián Điệp

Hình chụp Mata Hari
ở Amsterdam, Hoà Lan, năm 1915
Chi tiết về sự nghiệp gián điệp của Mata Hari vẫn còn mơ hồ, nhưng có vẻ là đã bắt đầu vào mùa thu năm 1915, khi bà được Karl Kroemer, lãnh sự của Đức tại Amsterdam, tìm gặp. Kroemer rõ ràng coi những mối quan hệ với các nhân vật cao cấp và quyền công dân của nước Hoà Lan trung lập của bà là một tài sản quý giá, vì vậy ông ta đã đề nghị trả bà 20,000 quan tiền Pháp (20,000 franc) để trở thành gián điệp cho Đức. Trong khi đang ở trong tình trạng túng thiếu nên bà ta đã nhận số tiền này - sau đó bà ta tuyên bố rằng bà coi đó là số tiền hoàn trả cho những tài sản của bà bị tịch thu từ một năm trước đó - tuy nhiên, việc bà ta có thực sự tham gia vào hoạt động gián điệp hay không thì vẫn chưa rõ ràng. Dù thế nào đi chăng nữa, người vũ nữ thoát y gần 40 tuổi này đã được gán cho một bí danh: “H 21.”

Trong vài tháng tiếp theo, Mata Hari tiếp tục đi du lịch khắp châu Âu và thực hiện các cuộc giao du với các sĩ quan quân đội và chính trị gia. Sự di chuyển liên tục của bà ta - chưa kể đến sự hiện diện ở Đức khi bắt đầu chiến tranh - đã sớm thu hút sự chú ý của tình báo Anh, vốn nghi ngờ bà ta là điệp viên của Đức. Sau khi thẩm vấn Mata Hari khi bà đi qua Anh, người Anh đã cảnh cáo đồng minh Pháp của họ là nên theo dõi bà ta một cách chặt chẽ. “Mặc dù bà ta đã được điều tra kỹ lưỡng và không tìm thấy gì có thể buộc tội,” một báo cáo viết, “nhưng bà ta vẫn được Cảnh sát và Quân đội coi là nằm trong diện tình nghi, và những hành động tiếp theo của bà ta nên được theo dõi.”

Mata Hari chỉ lún sâu hơn vào những hoạt động liên quan đến chiến tranh vào năm 1916. Mùa hè năm đó, một chuyên viên tình báo người Pháp tên là Georges Ladoux đã gặp bà ở Paris với một lời đề nghị gián điệp béo bở khác - lần này là làm gián điệp cho nước Pháp. Ladoux biết rõ về những nghi ngờ của Anh rằng bà ta là tình báo của Đức, nhưng dường như anh ta đã coi việc tuyển dụng này là một phương tiện để lôi kéo bà ấy về phía mình. Lúc đó, Mata Hari đã bắt đầu một mối tình lãng mạn say đắm với Vladimir de Masloff, một đại úy quân đội Nga 21 tuổi. Nóng lòng kiếm tiền để bắt đầu cuộc sống mới với anh ta, bà chấp nhận thỏa thuận của Ladoux và tuyên bố có ý dụ dỗ các sĩ quan cao cấp của Đức để tìm kiếm những bí mật quân sự.

Hình chụp Mata Hari
trong hồ sơ giam giữ
Sau lần huỷ bỏ dự tính di chuyển qua Bỉ vào tháng Mười một năm 1916, Mata Hari đến Spain (Tây Ban Nha), một nước trung lập. Nơi đây, bà ta có liên hệ tình cảm với một thiếu tá người Đức tên là Arnold Kalle. Những gì xảy ra giữa hai người là chủ đề của nhiều cuộc tranh luận. Rõ ràng là bà ta đã cố gắng thu thập tin tức từ Kalle một cách vụng về, nhưng cũng có thể đã đề nghị anh ta làm gián điệp. Trong cả hai trường hợp, vào thời điểm bà ta quay trở lại Paris, một trạm điện tín của Pháp tại Tháp Eiffel đã chặn được các tin nhắn được mã hóa mà Kalle gửi tới Berlin. Mỗi điện tín đều nhắc đến tình báo viên "H 21", người mà sở tình báo Pháp đã nhanh chóng xác định là Mata Hari. Các bức điện tín của Kalle có thể là một âm mưu có tính toán để tiết lộ bà ta. Bởi vì Kalle gửi điện tín với loại mã hoá cũ, mà Đức đã biết là phe Đồng minh đã giải mã được. Thế nhưng đó là những chứng cớ cần thiết cho Ladoux. Vào ngày 13 tháng Hai năm 1917, Mata Hari bị bắt giữ, buộc tội gián điệp, và bị giam ở nhà tù nổi danh Saint-Lazare ở Paris.

Xử Tội và Hành Hình

Cùng lúc với sức khoẻ bị suy nhược trong phòng giam ẩm ướt, đầy rận rệp, Mata Hari đã phải trải qua vài tháng liên tục bị thẩm vấn. Trong khi thẳng thắn nói về lối sống lăng nhăng của mình, bà ta kiên quyết rằng chưa bao giờ làm gián điệp cho bất kỳ quốc gia nào ngoài Pháp. “Một gái điếm, tôi thừa nhận điều đó,” bà nói. “Một gián điệp, không bao giờ!” Khi được hỏi về các điện tín của Kalle, bà ta đã nói rõ về việc nhận tiền từ người Đức, nhưng phủ nhận việc chuyển cho họ bất kỳ bí mật nào. “Tôi chưa bao giờ coi mình là một nhân viên tình báo Đức với một bí danh nào, bởi vì tôi chưa bao giờ làm bất cứ điều gì cho họ.”

Phiên tòa xét xử tội gián điệp của Mata Hari bắt đầu vào ngày 24 tháng 7 năm 1917. Mặc dù thiếu bằng chứng về những bí mật mà bà ta có thể đã chuyển cho người Đức, công tố viên vẫn đổ lỗi cho bà ta về cái chết của hàng nghìn binh sĩ Đồng minh, và đưa ra nhiều quan hệ tình ái của bà ta để làm bằng chứng rằng bà ta đã thu thập nhiều thông tin tình báo. “Tội ác mà người phụ nữ này đã làm là không thể tưởng tượng được,” công tố viên Andre Mornet đưa ra lời kết luận. "Đây có lẽ là một nữ điệp viên vĩ đại nhất của thế kỷ." Cuối cùng, tòa án quân sự chỉ mất chưa đầy một giờ để kết tội và tuyên án tử hình Mata Hari. 

Hình minh hoạ cảnh hành quyết
Mata Hari
Câu hỏi về tội gián điệp của Mata Hari tiếp tục thu hút sự lưu ý của các nhà sử học cho đến ngày nay. Các tài liệu từ phiên tòa xét xử bà ta đã được niêm phong trong nhiều thập niên, nhưng nhiều nhà nghiên cứu đã khảo cứu chúng và đã đưa ra kết luận rằng vụ kiện chống lại bà ta rất sơ sài. Hầu hết các bằng chứng của bên công tố đều là gián tiếp và luật sư bào chữa cho bà ta đã bị ngăn cản việc đưa ra các nhân chứng có thể hỗ trợ cho các lời tuyên bố của bà ta. Trong khi nhiều học giả vẫn tin rằng Mata Hari thực sự là một gián điệp, thì những người khác cho rằng bà ta đã bị đem ra làm vật tế thần, hoặc thậm chí bị đổ tội để nâng cao tinh thần của người Pháp vào một trong những thời kỳ đen tối nhất của cuộc chiến. Tuy nhiên, mức độ thực sự của hoạt động gián điệp của bà ta có thể sẽ không bao giờ được biết chắc chắn.

Dù có tội hay vô tội, rạng sáng ngày 15 tháng 10 năm 1917, Mata Hari bị đưa ra cánh đồng ở ngoại ô Paris. Sau khi từ chối bịt mắt, bà bị buộc vào một cọc gỗ và bị xử bắn bởi một đội hành quyết gồm mười hai lính Pháp. Từng là người biểu diễn, bà ta được cho là đã trao một nụ hôn gió cho những người lính ngay trước khi những phát súng chí mạng vang lên.

Tài liệu về phiên tòa xử Mata Hari, tổng cộng 1,275 trang, được niêm phong, và chỉ được Quân đội Pháp giải mật vào năm 2017, một trăm năm sau khi bà bị hành quyết.

Bùi Phạm Thành



No comments

Powered by Blogger.