Header Ads

11 Phát Minh Đã Thay Đổi Lịch Sử



Bùi Phạm Thành

Có một nhận xét mang tính chất khôi hài là "Nếu người tiền sử không chế ra cái bánh xe thì văn minh nhân loại có lẽ cũng chẳng tiến xa được bao nhiêu."  Từ những phát minh tiên phong, cái bánh xe, đến những tiến bộ khoa học và y tế ngày nay, chúng ta hãy cùng tìm hiểu thêm về những phát minh đã thay đổi tiến trình lịch sử loài người. Thế nhưng phát minh nào được xem là quan trọng thì lại tuỳ thuộc vào ai, hoặc cơ quan nào, đã đứng ra để chọn lựa. Nơi đây, chúng ta hãy thử lược qua 11 phát minh đã được trang web history. com xem là đáng chú ý nhất.

1. Máy In

Chiếc máy in đầu tiên được phát minh bởi Gutenberg.
(Universal History Archive/Universal Images Group/Getty Images)

Trước khi con người phát minh ra Internet, không có một phát minh nào có thể giúp cho việc phổ biến rộng rãi khắp nơi về kiến thức và tin tức bằng chiếc máy in của Johannes Gutenberg. Được sáng chế năm 1440 tại Mainz, Đức, chiếc máy in của Gutenberg đã cải tiến trên các máy in hiện có qua việc sử dụng một khuôn xếp chữ (những mẫu tự làm bằng hợp kim chì) khiến việc ấn hành trở nên rất là nhanh chóng. Với chiếc máy mới này, một máy có thể in được 3,600 trang một ngày. Đây là một tiến bộ quan trọng, đến năm 1600, Âu châu đã phát hành hơn 200 triệu quyển sách. Chiếc máy in mới này không những khiến sách vở được phổ biến đến mọi tầng lớp dân chúng, kể cả giai cấp thấp kém hay nghèo nàn, mà còn giúp phổ biến những tư tưởng mới. Năm 1518 những môn đồ của mục sư người Đức Martin Luther đã sử dụng máy in để sao chép và phổ biến tác phẩm nổi tiếng của ông “Chín mươi lăm luận đề - The Ninety-Five Theses”, tác phẩm này đã khơi mào cho cuộc Cải cách chi phái Tin lành và gây cuộc xung đột như Chiến tranh Ba mươi năm (1618-1648). Máy in báo đã chứng tỏ có ảnh hưởng lớn trong việc thúc đẩy các cuộc cách mạng, biến động tôn giáo và tư tưởng khoa học đến nỗi Mark Twain sau này đã viết: “Thế giới ngày nay ra sao, tốt hay xấu, đều do Gutenberg.”

2. Địa Bàn

Chiếc địa bàn cổ của các nhà hàng hải Trung Hoa ở thế kỷ thứ 12
(SSPL/Getty Images)

Ngày nay địa bàn từ tính có thể đã bị các vệ tinh và hệ thống định vị toàn cầu (GPS) làm cho lỗi thời, thế  nhưng tác động của chúng đối với việc điều hướng và thám hiểm ban đầu của con người là vô giá. Được phát minh ở Trung Hoa, đến thế kỷ 14, địa bàn đã thay thế rộng rãi các phương tiện quan sát thiên văn để trở thành dụng cụ điều hướng chính cho các nhà hàng hải. Địa bàn đã cung cấp cho các nhà thám hiểm một phương pháp đáng tin cậy để đi qua các đại dương trên thế giới, một bước đột phá đã khơi mào cho Thời đại Khám phá (Age of Discovery) và mang lại cho châu Âu sự giàu có và quyền lực mà sau này đã thúc đẩy cuộc Cách mạng Kỹ nghệ (Industrial Revolution). Quan trọng nhất, địa bàn cho phép tương tác (liên lạc và tìm hiểu) - trong cả hai lãnh vực hòa bình và ngược lại - giữa các nền văn hóa thế giới trước đây bị cô lập hoặc cách biệt vì địa dư.

3. Tiền Giấy

Tiền Mỹ và Âu châu
(Mkos83/Getty Images)

Trong suốt phần lớn lịch sử loài người, tiền ở dạng kim loại quý như tiền xu, và thậm chí cả nguyên liệu thô như gia súc hoặc rau quả cũng được dùng để làm đơn vị trao đổi, mua bán. Sự ra đời của tiền giấy đã mở ra một kỷ nguyên mới — một thế giới trong đó tiền tệ có thể mua hàng hóa và dịch vụ mặc dù chỉ là tờ giấy không có giá trị ngoài mặt như kim loại quý. Tiền giấy đã được sử dụng rộng rãi ở Trung Hoa vào thế kỷ thứ 9, nhưng mãi đến cuối những năm ở kỷ nguyên 1600 mới xuất hiện ở châu Âu. Được thúc đẩy bởi tình trạng thiếu tiền xu thường xuyên, các ngân hàng đã phát hành tiền giấy như một lời hứa (promise) cho các khoản thanh toán bằng kim loại quý trong tương lai. Vào cuối thế kỷ 19, nhiều quốc gia đã bắt đầu phát hành tiền giấy được chính phủ bảo đảm giá trị, và không còn có thể chuyển đổi thành vàng hoặc bạc. Việc chuyển sang sử dụng tiền giấy không chỉ giúp các chính phủ đang gặp khó khăn trong thời kỳ khủng hoảng — như đã từng làm với Hoa Kỳ trong Nội chiến — mà còn mở ra một kỷ nguyên mới về việc ấn định, điều chỉnh tiền tệ quốc tế, làm thay đổi bộ mặt kinh tế toàn cầu. Có lẽ còn quan trọng hơn, tiền giấy là bước quan trọng đầu tiên trong một hệ thống tiền tệ mới dẫn đến sự ra đời của thẻ tín dụng và ngân hàng điện tử (credit cards and electronic banking).

4. Thép

Nhà máy thép Penistone Steel Works, South Yorkshire
(SSPL/Getty Images )



Trong khi xã hội loài người thời sơ khai đã sử dụng rộng rãi đá, đồng và sắt, thì chính thép đã thúc đẩy cuộc Cách mạng Kỹ nghệ và xây dựng các thành phố hiện đại. Có bằng chứng, qua ngành khảo cổ, là các vậtr dụng bằng thép đã có từ 4,000 năm trước, nhưng hợp kim này không được sản xuất hàng loạt cho đến khi phát minh ra phương pháp Bessemer, một kỹ thuật tạo ra thép bằng gang lỏng, vào kỷ nguyên 1850. Thép, sau đó, bùng nổ trở thành một trong những ngành kỹ nghệ lớn nhất thế giới, và được sử dụng để tạo ra hầu như tất cả mọi thứ, từ cầu và đường sắt đến các tòa nhà chọc trời và động cơ, máy móc. Thép tỏ ra có ảnh hưởng đặc biệt ở Bắc Mỹ, nơi có các mỏ quặng sắt khổng lồ đã giúp Hoa Kỳ trở thành một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới.

5. Đèn Điện

Thomas Edison cho thấy chiếc bóng đèn điện được sáng chế trong phòng thí nghiệm của ông, năm 1920.
(Bettmann Archive/Getty Images)

Ngày nay thì chúng ta vẫn xem sự có mặt của đèn điện là hiển nhiên, và không mấy để ý đến chúng. Thế  nhưng chỉ cần một lần mất điện trong thời gian ngắn cũng đủ để nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của ánh sáng nhân tạo. Đi tiên phong vào đầu thế kỷ 19 với Humphry Davy và đèn hồ quang carbon của ông, đèn điện đã phát triển trong suốt kỷ nguyên 1800 nhờ nỗ lực của các nhà phát minh như Warren de la Rue, Joseph Wilson Swan và Thomas Alva Edison. Chính Edison và Swan đã được cấp bằng sáng chế cho bóng đèn đầu tiên có thể thắp sáng trong một khoảng thời gian dài vào năm 1879 và 1880, đưa xã hội ra khỏi sự phụ thuộc gần như hoàn toàn vào ánh sáng ban ngày. Đèn điện tiếp tục được sử dụng trong mọi thứ, từ đèn chiếu sáng trong nhà và đèn đường cho đến đèn pin và đèn pha xe cộ. Mạng lưới dây điện phức tạp được dựng lên để cung cấp năng lượng cho các bóng đèn sơ khai cũng góp phần tạo ra hệ thống dây điện gia dụng đầu tiên, mở đường cho vô số đồ dùng trong nhà khác (in-home appliances).

6. Thuần Hoá Ngựa

Đồ gốm Hy Lạp, có từ năm 525 (TCN), minh họa một cuộc đua xe ngựa
Hình ảnh DeAgostini/Getty

Kể từ khi được thuần hóa, cách đây khoảng 5,500 năm, ngựa đã gắn bó chặt chẽ với sự phát triển của loài người. Chúng cho phép mọi người đi du lịch xa, và tạo cơ hội cho các nền văn hóa khác nhau giao dịch, trao đổi ý tưởng và kỹ nghệ. Sức mạnh và sự nhanh nhẹn của ngựa cho thấy là ngựa cũng có thể dùng để chở hàng hóa, cày cấy ruộng đất, và thậm chí phát quang rừng. Có lẽ có ảnh hưởng nhất trong tất cả, ngựa đã thay đổi bản chất của chiến tranh. Không có gì đáng sợ hơn một cỗ xe trận có ngựa kéo (horse-drawn chariot) hoặc một chiến binh cưỡi ngựa, và các xã hội thành thạo việc sử dụng kỵ binh thường chiếm ưu thế trong trận chiến, thí dụ như kỵ binh Mông Cổ đã chinh phục gần hết thế giới ở thế kỷ thứ 13 và 14.

7. Mạch Điện Bán Dẫn (Transistor)

Bản sao của transistor hoạt động đầu tiên được phát minh vào năm 1947 bởi John Bardeen, Walter Brattain và William Shockley tại Phòng thí nghiệm Bell.
(Hình ảnh SSPL / Getty)

Một phát minh không được đánh giá cao là mạch điện bán dẫn (transistor), là một thành phần thiết yếu trong hầu hết mọi dụng cụ điện tử hiện đại. Được phát minh vào cuối năm 1947 bởi Phòng thí nghiệm Bell, những mạch điện nhỏ bé này cho phép kiểm soát chính xác lượng và dòng điện chạy qua các mạch điện. Ban đầu được sử dụng trong radio, transistor đã trở thành một phần căn bản của mạch điện trong vô số dụng cụ điện tử bao gồm tivi, điện thoại di động và máy tính. Số lượng tổng hợp của transistor trong các mạch điện gần như tăng gấp đôi sau mỗi hai năm — được gọi là Định luật Moore — vì vậy tác động đáng chú ý của chúng đối với kỹ nghệ sẽ luôn luôn tiếp tục tăng lên, nhất là transistor ngày càng được thu nhỏ. Hiện nay, CPU M1 của hãng Apple có 16 tỉ transistors, và của Intel Core i9-12900K có 2.95 tỉ transistors.

8. Kính Phóng Đại

Nhà thơ người Anh John Milton đến thăm nhà thiên văn học người Ý Galileo Galilei
(Hình ảnh Stefano Bianchetti/Corbis/Getty)

Kính phóng đại có vẻ như là một phát minh tầm thường, nhưng việc sử dụng chúng đã mang lại cho nhân loại cái nhìn thoáng qua về mọi thứ, từ những ngôi sao và thiên hà xa xôi cho đến những hoạt động của các tế bào sống. Thấu kính lần đầu tiên được sử dụng vào thế kỷ 13 như một công cụ hỗ trợ cho người thị lực yếu, và những chiếc kính hiển vi và kính thiên văn đầu tiên ra đời vào cuối thế kỷ 16 và đầu thế kỷ 17. Những nhân vật như Robert Hook và Anton van Leeuwenhoek đà sớm dùng kính hiển vi để quan sát tế bào và các vật nhỏ li ti khác, trong khi Galileo Galilei và Johannes Kepler sử dụng kính thiên văn để lập biểu đồ vị trí của Trái đất trong vũ trụ. Những ứng dụng ban đầu này là những bước đầu tiên trong quá trình phát triển các dụng cụ đáng kinh ngạc như kính hiển vi điện tử và Kính viễn vọng Không gian Hubble. Kể từ đó, thấu kính phóng đại đã dẫn đến những bước đột phá mới trong vô số lĩnh vực bao gồm thiên văn học, sinh học, khảo cổ học, đo thị lực và phẫu thuật.

9. Máy Điện Báo (Điện Tín)

Samuel Morse, người phát minh ra điện tín dùng điện từ,
cũng như hai dụng cụ riêng biệt để gửi và nhận tin.
(Hình ảnh Prisma/UIG/Getty)

Máy điện tín là sản phẩm đầu tiên trong một chuỗi dài các khám phá về thông tin liên lạc mà sau này bao gồm máy phát thanh, điện thoại và thư điện tử (radio, telephones and email). Được tiên phong bởi nhiều nhà phát minh trong thế kỷ 18 và 19, điện báo đã sử dụng ký hiệu Morse nổi tiếng của Samuel Morse để truyền tải thông điệp bằng cách ngắt dòng điện dọc theo dây liên lạc theo thời gian, theo ký hiệu Morse. Các đường dây điện báo được tăng theo cấp số nhân trong suốt những năm 1850, và đến năm 1902, các đường cáp xuyên đại dương đã bao quanh toàn cầu. Điện báo, thuở ban đầu và sau đó là hệ thống truyền tin không dây, đã trở thành những tiến bộ lớn đầu tiên trong phương tiện truyền thông toàn cầu. Khả năng gửi tin nhanh chóng qua những khoảng cách xa đã tạo ra tác động còn mãi đối với chính phủ, thương mại, ngân hàng, công nghiệp, chiến tranh và truyền thông, đồng thời hình thành nền tảng của thời đại thông tin (the information age).

10. Thuốc Kháng Sinh

Giáo sư Alexander Fleming, người phát hiện ra penicillin vào năm 1928
ảnh chụp trong phòng thí nghiệm của ông vào năm 1943.
(Daily Herald Archive/SSPL/Getty Images)

Là một bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực y học, thuốc kháng sinh đã cứu sống hàng triệu người bằng cách tiêu diệt và ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn có hại. Các nhà khoa học như Louis Pasteur và Joseph Lister là những người đầu tiên nhận ra và cố gắng chống lại vi khuẩn, nhưng chính Alexander Fleming mới là người tạo ra bước nhảy vọt đầu tiên về thuốc kháng sinh, khi ông tình cờ phát hiện ra loại nấm mốc kiềm chế được vi khuẩn gọi là penicillin vào năm 1928. Thuốc kháng sinh đã chứng tỏ là một giải pháp hữu hiệu, cải tiến lớn về thuốc sát trùng — loại thuốc giết chết tế bào người cùng với vi khuẩn — và việc sử dụng chúng lan rộng nhanh chóng trong suốt thế kỷ thứ 20. Không nơi nào tác dụng của chúng rõ ràng hơn là trên chiến trường: Trong khi gần 20 phần trăm binh lính mắc bệnh viêm phổi do vi khuẩn đã chết trong Thế chiến thứ nhất, thì với thuốc kháng sinh — cụ thể là Penicillin — con số đó giảm xuống chỉ còn 1 phần trăm trong Thế chiến thứ hai. Các loại thuốc kháng sinh bao gồm penicillin, vancomycin, cephalosporin và streptomycin đã tiếp tục chống lại hầu hết các dạng nhiễm trùng đã biết, bao gồm cúm, sốt rét, viêm màng não, lao và hầu hết các bệnh lây truyền qua đường sinh dục.

11. Máy Hơi Nước

Động cơ hơi nước trong bằng sáng chế của James Watt
(Hình ảnh SSPL / Getty)

Xe cộ, máy bay, nhà máy, xe lửa, tàu vũ trụ — không phương thức vận chuyển nào trong số này có thể thực hiện được nếu không có bước đột phá sớm của động cơ hơi nước. Việc sử dụng năng lực tạo nên bởi sự đốt cháy nhiên liệu từ bên ngoài bắt đầu từ năm 1698, khi Thomas Savery phát triển một máy bơm nước chạy bằng hơi nước. Động cơ hơi nước sau đó được James Watt hoàn thiện vào cuối kỷ nguyên 1700 và tiếp tục thúc đẩy một trong những bước nhảy vọt về kỹ nghệ quan trọng nhất trong lịch sử loài người trong cuộc Cách mạng Kỹ nghệ. Trong suốt kỷ nguyên 1800, việc dùng lực phát ra từ việc đốt cháy nhiên liệu từ bên ngoài đã cho phép cải thiện theo cấp số nhân trong giao thông vận tải, nông nghiệp và sản xuất, đồng thời thúc đẩy sự trỗi dậy của các siêu cường thế giới như Vương quốc Anh và Hoa Kỳ. Điều quan trọng nhất là nguyên tắc căn bản của động cơ hơi nước về chuyển động thành năng lượng đã tạo tiền đề cho những đổi mới sau này như động cơ đốt nhiên liệu từ bên trong và tua-bin phản lực (internal combustion engines and jet turbines), thúc đẩy sự phát triển của xe cộ và máy bay trong thế kỷ 20.
 
Bùi Phạm Thành

Tham khảo:

11 Innovations That Changed History


No comments

Powered by Blogger.