Trong khi cả thế giới đang tập trung sự chú ý vào cuộc xâm lăng của Nga vào
Ukraine, thì một hòn đảo cách xa nửa vòng trái đất cũng đang được (hay bị) để
mắt tới: hòn đảo tự trị Đài Loan.
Nhìn bề ngoài, có thể có những điểm tương đồng: cả Đài Loan và Ukraine đều là
những quốc gia dân chủ thân Tây phương, mà hiện trạng của nó có thể bị các chế
độ chuyên quyền hùng mạnh thay đổi.
Trường hợp của Đài Loan, Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng - TC) vẫn tìm
cách "thống nhất" với đại lục - kể cả việc "thống nhất" bằng vũ
lực. Đài Loan là hòn đảo mà TC tuyên bố là một phần lãnh thổ của họ mặc dù họ
chưa bao giờ cai quản nó. Đối với Ukraine, mối đe dọa đó đang bộc lộ: Tổng
thống Nga Vladimir Putin đã nói rằng ông coi người Nga và Ukraine là
"một dân tộc", và vẫn chưa rõ ông ấy sẽ đi bao xa để hiện thực hóa yêu
sách đó - hôm thứ Hai, ông tuyên bố hai khu vực ly khai, thân Moscow, là hai
nước cộng hòa độc lập. Tin mới nhất cho thấy trước bình minh ngày thứ Năm, 24
tháng 2 năm 2022, Putin đã ra lệnh cho quân đội tấn công vào Ukraine.
|
Các mũi tấn công của Nga vào Ukraine
|
Các nhà lãnh đạo thế giới đã thấy rõ về mối liên hệ giữa số phận của Ukraine
và Đài Loan trong những tuần gần đây.
Tổng thống Đài Loan Tsai Ing-wen đã nói rằng Đài Loan "thông cảm"
với tình hình của Ukraine dựa trên kinh nghiệm của họ đối với
"mối đe dọa quân sự từ Trung Cộng."
Ở phương Tây, Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm thứ Bảy cho biết
"tiếng vọng" về những gì xảy ra ở Ukraine
"sẽ được nghe thấy ở Đài Loan", trong khi Ngoại trưởng Mỹ Antony
Blinken trong chuyến công du tới Australia hồi đầu tháng đã không dám nói
thẳng vào sự kiện, mà chỉ nói quanh (obliquely said) rằng "những người khác đang theo dõi"
phản ứng của phương Tây đối với Nga,
"cho dù cách xa châu Âu cả nửa vòng trái đất."
Trong những năm gần đây, mối quan tâm gia tăng rằng một TC tự tin dưới sự lãnh
đạo của Tập Cận Bình có thể thực hiện một hành động táo bạo để nắm quyền kiểm
soát Đài Loan, và Bắc Kinh có thể sẽ theo dõi cẩn thận tình hình ở Ukraine để
biết các dấu hiệu về cách các cường quốc phương Tây phản ứng - và mức độ
nghiêm trọng như thế nào của những phản ứng đó.
Mỹ, Anh, Liên minh châu Âu, Canada, Australia và Nhật Bản đều đã công bố các
biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm trừng phạt Moscow sau hành động của Putin
hồi đầu tuần.
Nhưng sự tương đồng cũng có giới hạn, và mức độ mà Bắc Kinh có thể thu thập
được từ cuộc khủng hoảng ở Ukraine khi đưa ra bất kỳ hành động nào trong
tương lai đối với Đài Loan.
Lev Nachman, một nghiên cứu viên thuộc chương trình hậu tiến sĩ tại Trung tâm
Fairbank của viện Đại học Harvard chuyên Nghiên cứu về Trung Quốc nhận xét
rằng
"Cách Mỹ phản ứng về khủng hoảng Ukraine sẽ không giống với Đài Loan, vì
cách Mỹ xây dựng mối quan hệ với Đài Loan trong nhiều thập niên qua, khác
với trách nhiệm của họ đối với Ukraine, Liên minh châu Âu hoặc NATO".
Nachman, khi nói về tình hình chính trị Đài Loan, cho biết: "Mặc dù (Bắc Kinh) vẫn sẽ theo dõi chặt chẽ để xem thế giới phản ứng như
thế nào trước hành động xâm lược và khả năng vẽ lại đường biên giới của Nga,
điều này có khả năng sẽ ảnh hưởng đến tính toán địa dư chính trị của Bắc
Kinh; thế nhưng rất khó có khả năng Bắc Kinh sẽ thay đổi mạnh mẽ chiến lược
của họ đối với Đài Loan giống như việc đang xảy ra ở Ukraine, "
Tương tự, các nhà quan sát đã bác bỏ quan điểm cho rằng việc Mỹ tập trung vào
châu Âu có thể tạo ra cơ hội cho TC thực hiện hành động (xâm lăng) đối với Đài
Loan. Những lo ngại này dường như được cộng thêm bởi mối quan hệ ngày càng
chặt chẽ của Moscow với Bắc Kinh.
"Tôi không tin rằng Trung Cộng sẽ sử dụng vũ lực chống lại Đài Loan trong
năm nay ... Họ Tập thực sự không muốn chấp nhận bất kỳ rủi ro nào", Steve Tsang, giám đốc Viện SOAS Trung Quốc tại Đại học London, viện lý do
rằng Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng Cộng sản Trung Hoa sẽ được tổ chức vào tháng
10 tới đây, trong đó ông Tập được cho là sẽ bảo đảm được bầu chọn vào ghế chủ tịch ở
nhiệm kỳ thứ ba, một điều chưa từng có trong lịch sử của TC.
"Một cuộc phiêu lưu quân sự không thành công sẽ không mang lại kết quả
tốt đẹp cho nhiệm kỳ thứ ba của họ Tập, và một thất bại có thể làm 'trật
đường rầy' sự nghiệp chính trị của ông ta", Tsang nói thêm.
Quan hệ độc đáo giữa Mỹ và TC cũng làm phức tạp bất kỳ cố gắng nào nhằm so
sánh giữa Ukraine và Đài Loan. David Sacks, một nhà nghiên cứu tại Hội đồng
Quan hệ Đối ngoại ở New York, cho biết TC là đối thủ lâu dài, và đáng gờm
nhất của Mỹ và là quốc gia duy nhất có thể thách thức lợi ích của Mỹ trên
tất cả các lĩnh vực và trên toàn thế giới.
Ông nói:
"Nếu TC giành được quyền kiểm soát Đài Loan, điều này hơn bất cứ điều gì
khác sẽ giúp họ thiết lập quyền bá chủ trong khu vực. Các nhà lãnh đạo TC
hiểu rằng đối với Hoa Kỳ, khi các quyền lợi khác nhau thì phản ứng của họ sẽ rất khác".
Các 'nước cộng hòa nhân dân'
Trung Cộng cũng nhận thấy họ ở trong một vị trí không thoải mái sau khi Nga
công nhận hai lãnh thổ ly khai được Moscow hậu thuẫn ở Ukraine là các quốc
gia độc lập, Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Luhansk. Và nhất
là hiện nay thì cuộc xâm lăng của Nga vào Ukraine đã thực sự diễn ra.
Hành động này đã bị Liên Hiệp Quốc và các nhà lãnh đạo thế giới khác chỉ trích
là vi phạm chủ quyền của Ukraine, trong khi đó ông Putin phản pháo rằng tình
hình hiện nay "khác hẳn" so với tình trạng của các quốc gia thuộc
Liên Xô trước đây, kể từ khi Ukraine bị các nước ngoài "lợi dụng" để đe
dọa Nga. .
Trung Cộng tỏ ra thông cảm với những lo ngại của Nga về mối đe dọa an ninh từ
NATO - vì cả hai quốc gia này đều nhận ra một liên hiệp ngày càng thống nhất
để đối mặt với họ, và họ coi đó là sự can thiệp của phương Tây vào các vấn đề
trong nước (nội bộ) của họ, cũng như các mối đe dọa đối với an ninh của họ.
Mối quan hệ đối tác đó đã được củng cố rất công khai chỉ vài tuần trước đây
tại hội nghị thượng đỉnh Xi-Putin.
Nhưng TC từ lâu đã dựa trên chính sách đối ngoại của họ là
"cương quyết bảo vệ chủ quyền của nhà nước" và tố cáo những gì họ coi
là "sự can thiệp từ bên ngoài vào bên trong biên giới của họ." Bắc Kinh
cũng đã thực hiện các bước sâu rộng, bao gồm cả những hành động bị cộng đồng
quốc tế coi là vi phạm nhân quyền lớn, để chống lại những gì họ coi là mối đe
dọa ly khai - như là ở Hồng Kông, Tân Cương hoặc Tây Tạng.
Hua Chunying, phụ tá Bộ trưởng Ngoại giao Trung Cộng, hôm thứ Tư vừa qua đã
phủ nhận Bắc Kinh có lập trường đối với Ukraine trái với nguyên tắc tôn trọng
chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ. Bà cho biết trong một cuộc họp báo
thường kỳ, bất kỳ tuyên bố nào như vậy đều có
"động cơ thầm kín hoặc (đã) cố tình bóp méo vấn đề".
Trong các bình luận ngày hôm trước, Bộ Ngoại giao TC đã nhanh chóng đưa ra
sự khác biệt giữa tình hình ở Ukraine và Đài Loan, khi được hỏi liệu có bất
kỳ điểm tương đồng nào không.
"Tôi muốn nhấn mạnh rằng chỉ có một Trung Quốc, và Đài Loan là một phần
lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc. Đây là sự thật lịch sử và
pháp lý không thể chối cãi. Nguyên tắc một Trung Quốc là quy tắc được
công nhận rộng rãi trong quan hệ quốc tế ", phát ngôn viên Wang Wenbin nói, đề cập đến nguyên tắc của Bắc Kinh rằng
chỉ có một Trung Quốc ở hai bên eo biển Đài Loan.
Tưởng cũng nên nhắc lại rằng Trung Quốc đại lục và Đài Loan đã được quản trị
bởi hai chánh phủ riêng biệt kể từ khi kết thúc cuộc nội chiến Trung Quốc hơn
70 năm trước, khi những người theo chủ nghĩa Quốc gia bại trận phải chạy qua
hòn đảo Đài Loan này.
Bắc Kinh cho đến nay vẫn kêu gọi kiềm chế và kêu gọi đối thoại trước những
diễn biến ở Ukraine trong tuần này. Với các chương trình nghị sự của riêng họ
và mối quan hệ hiện tại với Nga, cách TC phản ứng với biến động Ukraine sẽ là
một hành động khó cân bằng và là một trong những hành động mà các nhà lãnh đạo
của họ sẽ phải rất thận trọng, Nachman của viện đại học Harvard nói.
Ông nói:
“Trung Cộng đang cố gắng hết sức để không có lập trường cứng rắn ủng hộ
Nga, đồng thời thúc đẩy hòa bình và ngoại giao (ở Ukraine). Điều này cho
chúng tôi biết rằng TC sẽ không bắt chước mức độ gây hấn của Nga (để hành
động ở Đài Loan) - ít nhất là trong lúc này."
Lâm Viên
Nguồn tin:
China's leaders may be watching Ukraine with an eye on Taiwan
- Analysis by Simone McCarthy, CNN
Post a Comment