Header Ads

Nhà Lý Mất Ngôi Vì Mẹ Chồng Không Giết Được Nàng Dâu


Bùi Quý Chiến

Sau hơn một ngàn năm Bắc thuộc, Ngô Vương Quyền mở đầu kỷ nguyên độc lập.

Tiếc rằng nhà Ngô chỉ truyền được 2 đời và trị vì được 26 năm (939-965) kể cả 5 năm Dương Tam Kha tiếm ngôi.

Sau nhà Ngô là 3 năm (965-968) loạn Thập nhị sứ quân (thật ra loạn này đã nổi lên từ khi Dương Tam Kha tiếm quyền).

Sang tới đời nhà Đinh càng yểu mệnh hơn, chỉ trị vì được 12 năm (968-980) và truyền được 2 đời.

Tiếp theo, nhà Tiền Lê cũng chỉ trị vì được 29 năm (980-1009) và truyền được 3 đời.

Cho tới đầu TK 11, nhà Lý dũng mãnh bước một bước dài với 215 năm (1010-1225) và truyền được 9 đời kể cả Lý Chiêu Hoàng.

Dưới triều nhà Lý, nước ta cường thịnh nhờ các vua Thái tổ, Thái Tông, Thánh Tông và Nhân Tông.

Vua Thái Tổ khai sáng kinh đô Thăng long, trung tâm văn hóa đầu tiên của dân tộc.

Vua Thái Tông và Thánh Tông thân chinh Nam tiến; lần đầu tiên biên giới được mở rộng từ Đèo Ngang (Hà tĩnh) tới cửa Việt (Quảng trị).

Vua Nhân Tông mở chiến dịch Bắc phạt nhằm phá tan âm mưu của nhà Tống toan tính xâm lấn nước ta. Chiến dịch gồm 2 mũi dùi:

  1. Lý Thường Kiệt tấn công Liêm châu và Khâm châu (Quảng đông).                      
  2. Tôn Đản vây hãm Ung châu (Quảng tây) khiến viên quan trấn thủ cùng gia đình 36 người phải tự sát.

Vì không con , Nhân Tông lập con của người em làm Thái tử. Lên ngôi, Thái tử được tôn là Thần Tông. 

Thừa hưởng xã hội thịnh trị từ các tiên đế, Thần tông cho quân đội chia phiên nhau mỗi đợt được nghỉ 6 tháng về gia đình làm ruộng. Quân đội vừa sản xuất vừa sẵn sàng ứng chiến.

Thần Tông phong cho người em của mẹ là Đỗ Anh Vũ mới 8 tuổi làm Thượng lâm đệ tử, được phép ra vào cung cấm. Anh Vũ đẹp trai, múa đẹp, hát hay nên rất được lòng Lê hoàng hậu. Sau này khôn lớn, Anh Vũ tư thông với hoàng hậu.

Khi Thần Tông mất, Thái tử nối ngôi mới có 3 tuổi, được tôn là Anh Tông. Lê hoàng hậu trở thành Thái hậu cầm quyền nhiếp chính và phong Đỗ Anh Vũ làm Thái úy phụ chính. Anh Vũ ngang nhiên ra vào cung cấm tư thông với Thái hậu và ngạo mạn khinh miệt các quan trong triều. Duy có đại thần Tô Hiến Thành là được Anh Vũ kính nể. 

Khi Anh Tông trưởng thành và thật sự nắm quyền, Điện tiền chỉ huy sứ là Vũ Đái cùng các đình thần như Nguyễn Dương, Nguyễn Quốc, Dương Tự Minh, Đỗ Ất ... kể tội lộng hành của Anh Vũ và xin vua xuống chiếu bắt giam (chiếu= lệnh vua viết thành văn).
 
Anh vũ bị giam tại hành lang Tả hưng thánh. Thái hậu lén cho đem vàng vào nơi giam giữ để Anh Vũ hối lộ Vũ Đái và các quan có thế lực.
 
Là người liêm chính quyết trừ kẻ lạm quyền, Nguyễn Dương toan đâm chết Anh Vũ nhưng Đàm Dĩ Mông ngăn lại viện lẽ phải có lệnh vua.
 
Thất vọng vì các bạn đồng liêu tham nhũng, Nguyễn Dương tự sát.

Vua Anh Tông xử Đỗ Anh Vũ phải lưu đày làm điền nhi (nông nô cho công điền). Thái hậu toan tính việc ân giảm và phục chức cho Anh Vũ bằng cách tổ chức nhiều lễ hội tôn giáo, đó là những dịp vua ân xá và ân giảm cho các tội nhân. Cuối cùng Anh Vũ được ân xá và phục chức Thái úy phụ chính.

Anh Tông không phân biệt được người ngay kẻ gian nên Anh Vũ càng được tin dùng.
 
Thừa thế, Anh Vũ trả thù vụ bị hạch tội; Vũ Đái và các đồng liêu bị giết hoặc lưu đày hoặc cách chức.

Khi được 20 tuổi, Anh Tông ý thức được trọng trách làm vua nên thường đi thăm dân để tìm hiểu đời sống của dân. Vua đi tuần thám bờ biển và biên giới từ nam tới bắc, ghi chép và vẽ địa đồ, làm thành sách "Bắc nam phiên giới địa đồ". Lần đầu tiên nước ta có địa đồ, tiếc rằng sách ấy không còn lưu giữ được tới ngày nay.

Đời vua Anh Tông bắt đầu có giặc cướp ở biên giới phía bắc và nam nhưng bị dẹp tan. Trong nước đáng kể nhất là giặc Thân Lợi, Tô Hiến Thành được vua cử đi đánh, Thân Lợi bị bắt đem về kinh xử tội.

Vua cho xây cất nhiều cung điện, dinh thự và chùa chiền khiến công quỹ hao tổn và dân phu cực khổ.

Con trưởng là Long Xưởng được lập làm Thái Tử nhưng sau đó phạm tội nên bị giam và bị giáng xuống làm thứ dân. Em là Long Trát (Khâm định Việt sử viết là Long Cán) được lập làm Thái tử thay thế.
 
Khi Anh Tông bị bệnh nặng sắp chết, Chiêu Linh hoàng hậu xin cho con mình là Long Xưởng được tái lập Thái tử, viện lẽ Long Trát còn quá nhỏ. Vua từ khước lời xin của hoàng hậu, ủy thác Long Trát cho Tô Hiến Thành giúp vua chấp chính.

Khi vua băng, bà Chiêu Linh hối lộ vợ của Hiến Thành và thuyết phục họ Tô thay đổi di chúc của Anh Tông nhưng họ Tô dứt khoát từ chối.

Long Trát lên ngôi tức Cao Tông. Tô Hiến Thành giúp vua trị nước được 3 năm thì mất, Đỗ An Di thay thế.

Khi thật sự nắm quyền, Cao Tông chỉ ham thích săn bắn, vui chơi, xây cất thêm cung điện khiến hao tổn công quỹ và suy kiệt sức dân.
 
Triều đình thối nát do các quan hối mại quyền thế. Giặc giã nổi lên ở trong nước và biên thùy.
 
Quan trọng hơn cả là Phạm Du giữ việc quân ở Nghệ an làm phản, đem thuộc hạ đi cướp phá khắp nơi. Vua sai Phạm Bỉnh Di đi đánh dẹp. Bỉnh Di phá tan giặc, Phạm Du chạy trốn, gia sản bị tịch thu.

Du lén về kinh, hối lộ các quan có thế lực, vu cáo Bỉnh Di giết hại dân vô tội và xin được vào chầu để kêu oan với vua.
 
Cao tông cho Phạm Du vào chầu và triệu hồi Bỉnh Di về kinh.

Khi Bỉnh Di vào chầu, vua truyền lệnh bắt giam cả 2 cha con. Bộ tướng của Bỉnh Di là Quách Bốc đem quân phá cổng thành vào cứu chủ tướng. Thấy nguy biến, Cao Tông cho giết 2 cha con Bỉnh Di rồi đem Thái tử Sam (Đại Việt sử ký viết là Sảm) trốn khỏi kinh thành.
 
Vua về lánh nạn ở Qui hóa (Phú Thọ), Thái tử về ẩn náu ở thôn Lưu gia thuộc Hải ấp (Thái bình).

Quách Bốc đem xác cha con Bỉnh Di ra mai táng ở Đông bộ đầu rồi tôn hoàng tử Thầm (em của Thái tử Sam) lên làm vua.         

Ẩn náu ở Lưu gia, Thái tử Sam gặp một cô gái đẹp là Trần thị bèn cưới làm vợ. Trần thị là con Trần Lý, một phú hộ nhờ nghề đánh cá trở nên giàu có. Trần Lý nuôi nhiều thuộc hạ gọi là quân gia. Bấy giờ giặc cướp nổi lên khắp nơi, Trần Lý cũng đem quân gia đi cướp bóc. 

Thái tử Sam phong cho Trần Lý tước Minh tự và phong cho cậu của Trần thị là Tô Trung Từ làm Điện tiền chỉ huy sứ.
 
Gia đình Trần Lý chiêu mộ quân hương dũng về kinh dẹp loạn Quách Bốc rồi rước vua Cao Tông từ Qui hóa về kinh.
 
Vua cho đi đón Thái tử; Trần thị ở lại với gia đình.

Trần Lý bị cướp giết chết; quyền hành về người con thứ là Trần Tự Khánh (em của Trần Thừa).

Năm 1210 Cao Tông mất, Thái tử Sam lên ngôi mới 16 tuổi tức Huệ Tông. Vua phong mẹ làm An Toàn thái hậu (Thái hậu là con của Thượng tướng Đàm Phụng). Vua cho đi đón Trần thị về phong làm nguyên phi. Cậu của nguyên phi là Tô Trung Từ được phong làm Thái úy phụ chính. Trần Tự Khánh là anh của nguyên phi được phong làm Chương Tín Hầu.

Quan hệ giữa Thái hậu và nguyên phi đúng là "cảnh mẹ chồng nàng dâu".

Cho rằng Trần Tự Khánh là mầm mống phản nghịch, Thái hậu tỏ ra ác cảm và cư xử khắc nghiệt với nguyên phi Trần thị.

Tự Khánh thấy em bị Thái hậu hành hạ bèn đem quân vào cung cấm (cũng gọi là cửa khuyết) để xin đón xa giá.
 
Hành động xâm phạm cung cấm bị coi như tội phản nghịch.
 
Huệ Tông nghi ngờ, truyền lệnh bắt Tự Khánh, cho gọi quân các đạo về bảo vệ hoàng thành và giáng Trần thị xuống làm ngự nữ.
 
Tự Khánh tạ tội và lại xin đón xa giá. Huệ Tông càng ngờ vực liền rước Thái hậu lên Lạng Châu lánh nạn. Tự Khánh lại đem quân tới xin rước xa giá. Vẫn chưa tin, Huệ Tông đưa mẹ về Bình Hợp.

Khi trở về cung cấm, Thái hậu thường chỉ mặt Trần thị mắng nhiếc là bè đảng của giặc. Thái hậu sai đem chén thuốc độc bắt Trần thị uống nhưng Huệ Tông can ngăn. Không buông tha, Thái hậu cho trộn thuốc độc vào đồ ăn và đồ uống của Trần thị.
 
Để Trần thị khỏi bị đầu độc, vua chia một nửa phần ăn của mình cho Trần thị và giữ nàng luôn ở bên mình.
 
Thái hậu buộc vua phải truất phế Trần thị, Huệ Tông cũng không tuân lời.

Vì mẹ luôn tìm cách hãm hại Trần thj, đang đêm vua đem nàng đi lánh nạn ở nhà tướng Lê Minh ở huyện An duyên. Tự Khánh cho người tới đón vua và em về Cửu Liên Châu. Nơi đây Huệ Tông lập Trần thị làm hoàng hậu, phong Tự Khánh làm Phụ chính và phong Trần Thừa (anh cùa Tự Khánh và Trần thị) làm Nội Thị Phán Thủ.

Huệ Tông bị chứng cuồng dịch, thường xưng là thiên tướng giáng hạ. Tay cầm giáo và mộc, một lá cờ nhỏ cắm lên búi tóc, vua múa may cho tới mệt thì nằm ngủ li bì. Chính sự giao hết cho Trần Tự Khánh.

Khi Tự Khánh chết, anh là Trần Thừa được phong làm Phụ Quốc Thái Úy (tương đương với tể tướng) và người em họ của hoàng hậu là Trần Thủ Độ được phong làm Điện Tiền Chỉ Huy Sứ (chỉ huy quân đội từ cấm thành tới các đạo). 

Vậy là các chức vụ quan trọng trong triều đình đều vào tay họ Trần chỉ vì Huệ Tông bệnh hoạn và say đắm hoàng hậu Trần thj.

Hoàng hậu Trần thị chỉ sinh được 2 gái. Chị là công chúa Thuận Thiên gả cho Trần Liễu (con trưởng của Trần Thừa). Em là công chúa Chiêu Thánh sau đổi là Phật Kim, rất được Huệ Tông yêu quý.

Huệ Tông Truyền ngôi cho công chúa Phật Kim tức Chiêu Hoàng rồi ra tu ở chùa Chân giáo trong đại nội.

Thủ Độ tư thông với Trần thị, hai người mưu đưa con cháu vào đảm nhiệm các chức vụ trong cung cấm. Một người trong số này là Trần Cảnh (em Trần Liễu) mới 8 tuổi được phong làm Nội Chính Thủ có nhiệm vụ hầu hạ trong nội thị sảnh.

Chiêu Hoàng sớm dậy thì, gặp Trần Cảnh liền có lòng yêu nên thường biểu lộ tình ý qua cách vui đùa. Trần Cảnh tường thuật sự việc với Thủ Độ.
 
Nắm cơ hội, Thủ Độ bàn với Trần thị gả Chiêu Hoàng cho Trần Cảnh.

Đêm đó Thủ Độ huy động con cháu và thuộc hạ vào hết trong cung cấm. Sáng ra  các cổng hoàng thành và cửa cung cấm đều đóng kín không cho các quan vào làm việc.

Thủ Độ chính thức bố cáo cho các quan biết Bệ hạ đã kết hôn. Các quan đều vâng lời và xin định ngày cho các quan vào chầu.

Thật sự đây là cuộc đảo chính do Thủ Độ và Trần thị âm mưu.
 
Sau ngày các quan văn võ lạy mừng, Chiêu Hoàng thiết đại triều ở điện Thiên An, các quan văn võ quỳ dưới sân nghe lệnh.
 
Chiêu Hoàng cho tuyên đọc chiếu thoái vị và nhường ngôi cho Trần Cảnh, viện lẽ không đủ tài đức trị nước. Trần Cảnh được Chiêu Hoàng ca tụng là bậc hiền nhân quân tử, xứng đáng được truyền ngôi.

Trần Cảnh lên ngôi tức Trần Thái Tông, tôn Thủ Độ làm Quốc Thượng Phụ.
 
Thủ Độ tự nhận không biết chữ, không thể gánh vác việc nước  Vì vận nước mới mở ra, lòng dân chưa thống nhất, giặc giã nổi lên khắp nơi, Thủ Độ xin lĩnh sứ mệnh đi dẹp loạn.

Thái tông còn nhỏ tuổi, Thủ Độ xin tôn Trần Thừa làm Thái Thượng Hoàng để tạm chấp chính cho tới khi Thái Tông trưởng thành. 

Triều thần không có ai công khai chống đối. Hoàng tộc nhà Lý chống đối theo cách tiêu cực. Một tôn thất là Lý Long Tường đem gia đình và thuộc hạ vượt biển sang Triều Tiên tị nạn. Ngày nay con cháu nhiều đời sau của vị tôn thất này đã chiếu theo gia phả về thăm quê cha đất tổ.

Tính ra nhà Lý trị vì được 215 năm, truyền được 9 đời kể cả Lý Chiêu Hoàng.

Nhà Lý mất ngôi là điều Thái hậu Đàm thị đã tiên liệu nên đã làm mọi cách để loại trừ Trần thị. Tuy nhiên việc không thành vì quyền hành của vua là tối thượng trong khi quyền làm mẹ chỉ có giới hạn. 

Bùi Quý Chiến

---------------------------------------

THAM KHẢO

- Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên .
- Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn .





No comments

Powered by Blogger.