Header Ads

Bệnh Tưởng, Hài Kịch và Cuộc Sống


Vương Trùng Dương

Trong mục Tạp Chí Việt Nam của RFI ngày 7/2/2022 đăng bài: Nguyễn Văn Vĩnh dịch “Bệnh Tưởng” của Molière mở đường khai sinh nền kịch nghệ (kịch nói, thoại kịch) Việt Nam. 

Argan, nhân vật chính, luôn tự huyễn với bản thân phải đau ốm chứ không muốn khỏe mạnh điều nầy cũng là cơ hội cho hai ông thầy thuốc bảo thủ “dởm” (Purgon, Diafoirut)  vẽ vời ra các thứ bệnh để điều trị và móc hầu bao. 

Hài kịch Bệnh Tưởng gồm 9 hồi, các nhân vật: 
  • Argan (thầy thuốc, người bệnh tưởng), 
  • Beline (vợ kế của Argan), 
  • Angélique (con gái của Argan và người yêu Clealte), 
  • Luison (con gái của Argan và em gái của Angélique), 
  • Beralde (em trai của Argan), 
  • Diafoirut (thầy thuốc, con trai là Thomas Diafoirut, người yêu của Angélique), 
  • Purgon (thầy thuốc của Argan), 
  • Toinette (hầu gái trong gia đình Argan), 

Le Malade Imaginaire (Bệnh Tưởng - Người Bệnh Tưởng) kể về một ông già tên Argan, thầy thuốc nhưng là người tưởng tượng ra tất cả bệnh tật của mình và đã bị hai ông thầy thuốc “dởm”  lừa đảo lợi dụng. 

Hài kịch Le Malade Imaginaire của văn hào Pháp Molière được học giả Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) dịch là Bệnh Tưởng, ấn hành năm 1920 tại Hà Nội, đã được diễn tại Hà Nội ngày 25/4/1920, mở đường hình thành nghệ thuật kịch nói ở Việt Nam. Vở kịch ra mắt nhân ngày kỷ niệm một năm thành lập Hội Khai Trí Tiến Đức (AFIMA - L’Association pour la Formation Intellectuelle et Morale des Annamite), tại nhà hát Thành Phố. 

Năm 2022, văn hào Pháp Molière tròn 400 tuổi và cũng đánh dấu 102 năm vở kịch nói đầu tiên được diễn tại Việt Nam.  

Theo bài viết: “Trong những thập niên đầu thế kỷ XX, chữ Quốc Ngữ trở thành công cụ nhanh nhất và hiệu quả nhất để du nhập những kiến thức mới vào Việt Nam và Nguyễn Văn Vĩnh ý thức rõ được điều này. Cùng với nhiều học giả đương thời (Phạm Quỳnh, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Văn Tố trong “Tứ Hổ Tràng An”), Nguyễn Văn Vĩnh tìm thấy trong văn học Pháp nguồn khai thác vô hạn để làm giàu văn học Việt Nam, cũng như để khuyến khích người dân học Quốc Ngữ, mà ông từng khẳng định: “Nước Nam ta mai sau này hay dở cũng ở chữ Quốc Ngữ!” 

Sau thời gian đầu chọn những tác phẩm kinh điển của Pháp để dịch sang tiếng Việt, như những tiểu luận của Rousseau (Du Contrat Social - Bàn Về Khế Ước Xã Hội), Montesquieu (L’Esprit des Lois - Vạn Pháp Tinh Lý) hoặc Helvétius (Le Traité de l’Esprit), Nguyễn Văn Vĩnh hiểu ra rằng những tác phẩm đó quá cao siêu, vượt trình độ của phần đông dân chúng. Ông chuyển hướng dịch những tác phẩm văn học bình dân, dễ hiểu hơn. Và táo bạo hơn, Nguyễn Văn Vĩnh đưa ra ý tưởng “diễn kịch”, một cách để khẳng định khả năng diễn tả của chữ Quốc Ngữ trong những thể loại nghệ thuật mới. 

GS Nguyễn Phương Ngọc, giám đốc Viện Nghiên Cứu Châu Á (IrAsia), đại học Aix-Marseille, phân tích ý nghĩa sự kiện này:

“Vở kịch đó có cái hay ở điểm đây là lần đầu tiên một vở kịch, gọi là “thoại kịch”, có nghĩa là kịch nói, chứ không phải hát, được trình diễn. Người diễn mặc trang phục theo kiểu châu Âu, đi lại, nói năng như người bình thường. Ngoài ra, những người diễn không phải là diễn viên chuyên nghiệp, vì lúc đó đâu có diễn viên chuyên nghiệp, cho nên các vai nam đều do các hành viên của Hội Khai Trí Tiến Đức diễn. Còn hai vai nữ là mời hai diễn viên ở một đoàn tuồng ở Hà Nội tham gia. Bản thân Nguyễn Văn Vĩnh là người đóng vai ông lang ế, tức là ông bác sĩ ở trong vở kịch đó”. 

Bệnh Tưởng (Le Malade Imaginaire) là một trong bốn tác phẩm của Molière được Nguyễn Văn Vĩnh dịch, cùng với Trưởng Giả Học Làm Sang (Le Bourgeois Gentilhomme), Người biển lận (L’Avare), Giả Đạo Đức (Tartuffe) và được đăng trên Đông Dương tạp chí. Sau đó, bốn tác phẩm này được in trong “Série A” của bộ sưu tập Phổ Thông Giáo Khoa Thư Xã, xuất bản tại Sài Gòn từ năm 1916, dưới sự chỉ đạo của François-Henri Schneider để cổ vũ giáo dục và sau này, trong bộ sưu tập Danh Văn Nước Pháp dịch Nôm, phụ bản của báo Trung Bắc tân văn trong những năm 1920-1921 tại Hà Nội… 

Nguyễn Văn Vĩnh lựa chọn hài kịch, nhất là những vở của Molière là những vở nói về xã hội một cách phê phán, có cái nhìn phê phán, tức là dùng tiếng cười để nói lên những cái xấu, những cái cần phải sửa đổi của xã hội… 

Nguyễn Văn Vĩnh có tinh thần phê phán xã hội và dùng cái cười để giúp người xem tự phân tích được những cái xấu trong xã hội. Có lẽ hai lựa chọn đó cũng liên quan đến hai cá tính khác nhau bởi vì Nguyễn Văn Vĩnh có rất nhiều bài báo phê phán xã hội Việt Nam thời đó, những cái gọi là “hủ tục”. Về mặt đó, Nguyễn Văn Vĩnh là người rất gần với tư tưởng duy tân… 

Với Nguyễn Văn Vĩnh trong thời điểm đó, muốn có một lớp người khá, muốn có một lớp người hướng dẫn quốc dân vào con đường khoa học, ta phải mong ở lớp người đến sau, ở những bọn thiếu niên bây giờ. Óc họ chưa bị những thành kiến cổ hủ đồi bại ăn sâu đục thủng. Ngồi mà nghĩ rằng tôi sẽ là người đầu tiên để làm cái công việc đó để mà gây lấy một tương lai tốt đẹp đó, tôi sung sướng vô cùng. Cha mẹ, anh em, vợ con, tất cả đều phải nhòa trước tư tưởng đó để nhường chỗ cho một lòng vui thích êm ái nhất…”. 

Sau 14 năm trăn trở, Nguyễn Văn Vĩnh đã thực hiện được mong muốn. Ông đưa kịch nói vào Việt Nam. Theo ông, đây là một “loại hình nghệ thuật mượn nhiều nghệ thuật khác”, như sử dụng văn học để đối thoại, cần âm nhạc và múa để diễn tả những cấp độ khác nhau và hội họa, điêu khắc để trang trí. Nhưng điều lớn hơn cả, đó là “mục tiêu của nghệ thuật này là cho thấy vẻ đẹp của bản chất con người và thái độ của họ trong cộng đồng”… 

… Sau buổi biểu diễn vở kịch Bệnh Tưởng, Thượng Chi (bút danh của Phạm Quỳnh) đã dành 19 trang trong số 35 của Nam Phong tạp chí để giới thiệu “Lịch sử nghề diễn-kịch ở nước Pháp - Bàn về hí-kịch của ông Molière”. Trong lời nói đầu, Phạm Quỳnh viết: “Vả nước ta bây giờ đương giữa lúc muốn sửa đổi nghề tuồng trong nước, cần phải nên biết lịch sử và sự nghiệp các bậc soạn kịch đại danh như ông Molière”. 

Hài kịch Bệnh Tưởng là tác phẩm cuối cùng của Molière. Hài kịch này phác hình ảnh những gì xảy ra trong các gia đình vào thời điểm đó. Molière mỉa mai những định kiến ​​phổ biến nhất và lâu đời nhất của xã hội, ở đó có hai điều mà người ta đánh lừa nhất, đó là sợ chết và yêu cuộc sống! Molière không phê phán những người làm nghề y, nhưng phê phán bác sĩ (lang băm) vì sự ngu dốt và sự man rợ của họ. 

Vở kịch xoay quanh câu chuyện nhân vật Argan giàu có trong nghề y học, kết hôn với góa phụ Beline. Bề ngoài bà Beline tỏ ra tận tình chăm sóc chu đáo chồng, nhưng trong lòng thực tế chỉ mong cái chết của chồng để được thừa hưởng gia tài.

Argan tin rằng bản thân khỏe mạnh nhưng giả bệnh rồi bị phát hiện đang bị bệnh nặng và cố tình che dấu bệnh tình. Purgon, đồng nghiệp của Argan cho biết Argan sẽ chết nếu ba ngày mà không được anh đến thăm. Argan nổi cơn thịnh nộ và cảnh báo không dùng những biện pháp chữa trị bá vơ của y học. Tuy nhiên, Argan là người ngoan ngoãn nhất trong số những người bị bệnh. 

Để chống lại căn bệnh quái ác, Argan muốn gả con gái của mình là Angélique cho Thomas Diafoirus, con trai bác sĩ của Purgon, chấp thuận cuộc tình… Angélique tinh ý tìm thấy người giúp việc đắc lực của mình, Toinette, không ngại đối mặt với cơn thịnh nộ của Argan và thậm chí sự phản đối cuộc hôn nhân của Beline. Toinette đánh lừa, cải trang thành bác sĩ với nhiều lời khuyên mỉa mai và chế giễu cho nghề nghiệp, ngay cả lời khuyên Argan chết! Argan sau đó giả chết để thử lòng mọi người. 

Angélique, sau này được Toinette gọi, bày tỏ nỗi buồn chân thành trước cái chết của cha cô, người đã dừng cuộc chơi của mình ngay lập tức và chấp nhận kết hợp với Cléante, với điều kiện ông trở thành bác sĩ. Những ngày cuối cùng rời bệnh viên trở về nhà, Beline hàng giờ ở cạnh giường cho đến khi anh ta chết. 

Tuy là người hầu Toinette nhưng là “nhân vật” chính trong vở hài kịch vì cô ta chứng kiến những gì xảy ra “hỉ, nộ, ái ố” từ đầu đến cuối. 

Với hài kịch, đọc không thú vị bằng xem vì nghệ thuật diễn xuất lôi cuốn khán giả từ cử chỉ đến lời nói. Nhà văn Molière và dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh khi đưa vở hài kịch lên sân khấu đã đóng vai Argan vì nhân vật nầy lột tả được ý nghĩa sâu sắc con người bệnh tưởng. 

oOo

Trước năm 1975 ở miền Nam VN đã tái bản nhiều tác phẩm và sách dịch, hình như không tái bản vở hài kịch Bệnh Tưởng do cụ Nguyễn Văn Vĩnh dịch nên ít người được biết đến. Và đầu năm Nhâm Dần 2022, đọc bài viết trên trang web của RFI mới biết. Cụ Nguyễn Văn Vĩnh là vị Chủ Bút đầu tiên tờ  Đăng Cổ tùng báo (Đông Kinh Nghĩa Thục) xuất bản bằng chữ Quốc Ngữ ở Bắc kỳ năm 1907. Lục Tỉnh Tân  Văn (1910), Đông Dương tạp chí (1913), Trung Bắc Tân Văn (1915, nhật báo đầu tiên)… Người đầu tiên dịch Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa từ chữ Hán ra chữ Quốc Ngữ năm 1909. Người đầu tiên dịch các tác phẩm văn học cổ điển Pháp của Victor Hugo, Honoré de Balzac, Alexandre Dumas, Molière, La Fontaine … ra tiếng Việt đã đã đăng trên Đông Dương tạp chí và  đã ấn hành, trong đó có Thơ Ngụ Ngôn La Fontaine Diễn Nôm (Les Fables de La Fontaine, 44 truyện) phổ biến rộng rãi, được trích đăng rất nhiều. Đặc biệt với Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du dịch ra tiếng Pháp.  

Tuy có công trong việc đóng góp trong lãnh vực văn học và báo chí với Pháp nhưng cụ từ chối Bắc Đẩu Bội tinh của chính phủ Pháp (1930) và đến năm 1935, từ chối mọi ân sủng của chính phủ Pháp, không chấp nhận thỏa hiệp khi bị cấm viết nên bị “đi đày” ở Sepon, Tchépone, Lào với lý do đi tìm vàng trả nợ… Ngày 2/5/1936 xác cụ Nguyễn Văn Vĩnh được tìm thấy trên thuyền ở sông Sepon! 

Trở lại đề tài Tưởng, Bệnh Tưởng… Trên Facebook của Khánh Trường đã post những dòng vào ngày 29/1/2022: 

“Tưởng”!!! 

Năm nay tôi 75 tuổi, 14 cháu nội ngoại, bệnh đầy mình, liệt 2/3 thân thể; Tay yếu và vụng không cầm nổi ly cối nửa lít đầy nước; Chân đứng không vững phải ngồi xe lăn; Tuần 3 ngày lọc máu; Ngày nuốt 18 viên thuốc; Có lúc sức khỏe suy sụp đến nỗi một tháng thăm viếng bệnh viện năm ba lần. Nói chung, tôi là điển hình đại diện cho một cái xác còn thở, vô ích và gây tốn kém phiền hà cho người thân và xã hội. Tự kiểm trên tuyệt đối không để thân thân trách phận, mà chỉ để nhìn lại mình, khách quan hơn. 

Từ thời còn trẻ cho mãi non một năm trước, tôi vẫn tưởng mình ghê gớm lắm! 

Tài năng, thông minh, học một hiểu mười, làm được những điều nhiều người học cả đời, nỗ lực cả đời chưa chắc đã làm được. Và nhất là nhạy bén, tiếp xúc với bất kỳ kẻ nào, chỉ qua vài đối thoại tôi biết ngay họ là ai, trình độ ra sao, tính tình tốt hay xấu, đứng đắng hay lẵng lơ, thành thật hay giả dối, đê tiện hay hào sảng… Nói theo ngôn ngữ dân gian, con ruồi bay qua, tôi biết ngay đực cái. Yên trí với cái “tưởng” này tôi thường tỏ ra cao ngạo, coi khinh mọi thứ, mọi người. 

Vài tháng nay tôi bỗng thấy cái “tưởng” của mình mới nực cười làm sao! 

Ừ thì tôi thông minh, nhạy bén, đôi chút năng khiếu.  Nhưng xét cho cùng, nào có gì ghê gớm lắm đâu?  

… Ngẫm lại, từ cháu, con, hàng xóm đến bản thân, chợt phát hiện ra, đã ngót hai phần ba thế kỷ, tôi chỉ làm được vài chuyện, còn hàng vạn chuyện tôi không biết, cũng không thể làm. Ngay việc tầm thường nhất, thay nhớt cho chiếc xe hàng ngày vẫn sử dụng, cũng mù! Ngoài vẽ vời, viết lách, tuy không nói ra nhưng thâm tâm tôi xem mọi công việc khác đều chả đáng quan tâm. 

Quan niệm thiển cận và tự mãn vô lối! 

Nhiều thập niên đã đi qua, bao biến thiên tang hải. Vài trăm bức tranh, có thời 80% bìa sách ở hải ngoại do tôi trình bày, trên mười cuốn sách, chủ biên một tạp chí, và những công việc linh tinh khác, rốt cục tất cả đều “chả ra cái đếch gì”, như ông bạn vong niên của tôi, nhà văn Mai Thảo, thuở sinh tiền thường nói. Đúng thế, chả ra cái đếch gì, mọi chuyện. 

Cuộc đời muôn mặt, cái biết của tôi nào khác ngọn lau thấp tè, giữa bạt ngàn rừng cây cổ thụ. Vài năm nữa sau khi về với đất, mọi việc tôi đã làm sẽ nhanh chóng ra khỏi trí nhớ nhân gian. Cuộc sống bây giờ có quá nhiều chuyện cần biết, cần học hỏi, còn thì giờ đâu quan tâm chuyện đã qua? Thuở trước một bài thơ hay, một đoạn văn lạ, một phát kiến mới sẽ được người đời tụng ca. Đọc sách cũ, Thi Nhân Việt Nam chẳng hạn, thấy có tác giả chỉ có một hai bài thơ, vậy mà từ thời tiền chiến đến giờ, đã trên dưới tám mươi năm, người ta vẫn nhắc đến với những ngợi khen, thán phục không tiếc lời. Nay, mỗi ngày, thậm chí mỗi giờ, trên báo chí, sách vở, truyền thanh, truyền hình, nhất là trên mạng, vô số những cái mới và hay, lạ xuất hiện, nhiều đến trở nên tầm thường, không ai thèm ghi nhớ. 

“Ngộ” ra điều này giúp tôi phát hiện ra cái tôi tầm thường trong mênh mông tri thức nhân loại, để từ đó, có được sự khiêm cung mà trước đây chưa bao giờ tôi nghĩ tới. 

Khiêm cung, đến tuổi thất thập ngũ niên mới biết, liệu có muộn quá chăng? 

Cứ cho là muộn. Song muộn còn hơn không. 

Nhìn quanh, bè bạn cùng vô số người bằng tuổi, có khi hơi tôi cả con giáp, vẫn tưởng trước và sau mình hiếm ai bằng, để rồi trong ngôn ngữ, việc làm họ luôn cao ngạo, tự mãn, phát ngôn một tấc đến trời. 

Có anh họa sĩ tài năng chỉ cấp làng xã, có cậu viết văn ảnh hưởng quẩn quanh phường khóm, có chú làm thơ được vài trăm người bấm ngón tay trỏ hay thả tim trên mạng, có bác hì hục cả đời viết, gom góp, cho ra đời một hai tập nhận định, phê bình mỏng dính… Tất cả đều tưởng mình ghê gớm. Những “thiên tài” này nhiều khả năng đến chết vẫn còn “tưởng”. Theo niềm tin tôn giáo, họ khó có cơ hội vãn sinh, bởi muốn sống dai sống dài vĩnh viễn, để truyền bá, xiển dương những thành tựu đã đạt được, để tận hưởng cái “sướng” họ may mắn “hơn người”! 

Ôi những cái “tưởng”! Đáng thương và tội nghiệp! 

Cho nên tôi sẽ tiếp tục việc đang làm, viết. Nhưng cố không “tưởng” nữa, biết đâu nhờ thế sẽ khá hơn chăng?” 

(FB Khánh Trường) 

Đây là nhận xét tự bản thân của họa sĩ Khánh Trường… có lẽ cũng thấy đâu đó cái bệnh tưởng nầy từ xưa và nay. Ngoài lãnh vực hội họa,  Khánh Trường sáng lập tạp chí Hợp Lưu và cũng là nhân vật đã một thời gây “xôn xao” qua ngòi bút của tác giả. 

Câu nói của người xưa “Mục hạ vô nhân” (mục: mắt; hạ: dưới; vô: không; nhân: người) để nói đến người cao ngạo, tưởng bản thân ghê gớm lắm nên xem thường thiên hạ. 

Bài thơ Mục Hạ Vô Nhân của nhà thơ Nguyễn Khuyến ví von với tình trai gái: 

“Chúng anh đây mục hạ vô nhân 
Nghe em nhan sắc lòng xuân anh não nùng. 
Dù em má phấn chỉ hồng 
Dửng dừng dưng anh chẳng thèm trông làm gì”. 

oOo

Trong Tâm Lý Học đề cập đến Mặc Cảm Tự Ti (Inferiority Complex) và Mặc Cảm Tự Tôn (Superiority Complex) cũng là “Bệnh Tưởng”

Hội chứng mặc cảm của nhà tâm lý học Áo Alfred Adler, năm 1907, bàn về hội chứng này lần đầu tiên, và sau đó được giảng dạy trong môn Tâm Lý Học. 

Thành ngữ ta có câu “Thái quá bất cập” nên khi bản thân mang nặng mặc cảm tự ti hay tự tôn sẽ dẫn đến những điều không hay. 

Người mang mặc cảm tự ti, cảm thấy bản thân nhu nhược, không can đảm dấn thân trong cuộc sống… nên tự rước lấy nỗi đau và buồn chán với tha nhân… 

Người mang mặc cảm tự tôn với “cái tôi và cái tôi” trên hết, tự cao tự đại, kiêu ngạo, huênh hoang tự đắc, khoác lác… vì vậy ít được thiện cảm. 

Câu nói của Chesterfield “Khiêm nhường là đức tính tuyệt vời và là một trong những đức tính chân chính nhất”. Và trong cuộc sống, câu nói của Henri Frederic Amiel “Khó mà tôn trọng người khác nếu bản thân không tự khiêm nhường” rất chí lý. 

Tác giả Mỹ viết cuốn Dale Carnegie How to Win Friends and Influence People vào giữa thập niên 1930 được cụ Nguyễn Hiến Lê dịch sang tiếng Việt là Đắc Nhân Tâm, ấn hành ở Sài Gòn năm 1951. Nội dung có 6 phần, phần Thứ Tư có 9 chương, trong đó có những chương nói về cách xử thế tế nhị với nhau: Hãy tự nhìn nhận lỗi lầm của bản thân trước khi phê bình người khác. Giữ thể diện cho người khác. Khích lệ người khác. Cho người ta niềm tự hào. Mở đường cho người khác sửa chữa lỗi lầm. Tôn vinh người khác… 

Thời đi học, những tác phẩm của tác giả và dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh rất hữu ích như: Kim Chỉ Nam Của Học Sinh (1951), Rèn Nghị Lực (1956), Luyện Lý Trí (1965), nhất lá quyển Quẳng Gánh Lo Đi & Vui Sống (dịch của Dale Carnegie) năm 1955 coi như sách gối đầu giường làm hành trang trong cuộc sống. 

Trở lại với hài kịch Bệnh Tưởng, đã là bệnh thì đừng nên rước vào thân nên tránh được dường nào thì hay dường nấy. 

Nhà văn Anh George Bernard Shaw nói rằng: “Làm người thì đừng bao giờ quá đề cao bản thân mình”. 

Người xưa cho rằng “Nước càng sâu càng tĩnh, người càng hiểu biết càng khiêm nhường” vì vậy trong quá khứ đã có những bậc vỹ nhân, thức giả, những thiên tài trong các lãnh vực… nhưng rất khiêm nhường, được mọi người tôn vinh và lưu truyền lại hậu thế. Trong mục Văn Hóa của tờ Đại Kỷ Nguyên lấy câu nói nầy làm tựa đề bài viết. 

Sau khi dẫn chứng vài nhân vật nổi danh trong văn học và lịch sử trong quá khứ, nhận xét về sự khiêm nhường:

“Kỳ thực, người tự cao tự đại, kiêu ngạo với người khác lại chính là người yếu đuối khôn cùng. Với những người có tâm hồn yếu nhược, thì kiêu ngạo, tự cao chính là để khỏa lấp chỗ trống trong lòng, họ sợ người khác coi thường bản thân mình. Ngược lại, khiêm nhường lại xuất phát từ sự tự tin của nội tâm, không màng hư danh, lợi ảo của người đời. Người chân chính có đại trí đại huệ, xưa nay vẫn luôn khiêm nhường, tôn kính vạn vật… 

Khiêm nhường ở đây không có nghĩa là bạn phải hạ thấp giá trị bản thân mình, buông bỏ đi ý chí tiến thủ của mình, mà là ngược lại. Một người càng có ý chí tiến thủ thì càng hiểu được giá trị của sự tu dưỡng tâm tính, hiểu được giá trị của sự khiêm nhường. Khi gặp cảnh đường chật, ngõ hẹp nhường người một bước, có thể vì người mà suy nghĩ, thì đó lại chính là cảnh giới của người nhìn xa trông rộng. 

Khiêm nhường cũng là cách giúp bản thân thoát khỏi dục vọng danh lợi và tham lam. Mà một người có thể đứng ngoài danh lợi, khi đó họ sẽ có thể nhìn được càng cao, hiểu được rộng hơn những người khác. Người chịu cúi thấp mình hơn người khác không hẳn đã là người chịu thiệt. Họ là những người hiểu rõ bản thân mình, là người biết cách dựa vào chính thực lực của mình mà đi lên. Họ hiểu rõ, làm người thì càng ung dung điềm đạm sẽ càng được đi xa thêm… 

Người có thể giữ được sự khiêm nhường, ôn hậu, điềm tĩnh cũng sẽ giống như đại địa, vĩnh viễn coi mình thấp hơn người khác, là bàn đạp cho người khác phát triển nhưng lại không có ai dám phủ nhận sự vĩ đại của họ. Người có thể giữ được sự khiêm nhường cũng như biển lớn, có thể dung nạp trăm sông nghìn suối, bất luận nước trong hay đục. Nước chịu mình ở chỗ thấp mà không tranh giành nhưng lại có thể dung nạp được vạn vật, nuôi dưỡng vạn vật. Biển lớn chịu mình thấp hơn sông suối nhưng nào ai dám phủ nhận sự thâm sâu của biển?...

Khi chúng ta không ngừng cố gắng thể hiện bản thân, mong mỏi chứng minh thân phận của mình với người khác, thì các bậc cao nhân đại trí lại không ngừng nỗ lực làm phai mờ đi thân phận của mình. 

Trong phép ứng xử, nếu chúng ta có thể lùi một bước mà nhượng bộ thì sẽ thấy được một cảnh giới khác. Không ngạo mạn chính là khiêm, lùi một bước chính là khiêm, nói thêm một lời cảm ơn, xin lỗi cũng chính là khiêm vậy… 

Vậy nên, đừng bao giờ tự mãn, kiêu căng, cũng đừng bao giờ tự cho mình là bậc cao nhân số một. Hãy nuôi dưỡng cho mình một sự cao quý từ chính phẩm chất khiêm nhường và đẩy lùi sự hèn mọn. 

Có câu “Nước càng sâu càng tĩnh, người càng hiểu biết nhiều càng khiêm nhường” cũng chính là ý này vậy…” 

(Ngưng trích)

Thi hào Nguyễn Du với tác phẩm Truyện Kiều để lại trong Văn Đàn Việt Nam áng thơ bất hủ nhưng hai câu cuối của thi phẩm nầy nói lên sự khiêm nhường: 

“Lời quê góp nhặt dông dài, 
Mua vui cũng được một vài trống canh.” 

Sau 2 năm định cư ở California, tác phẩm Người Đi Trên Mây của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng ấn hành năm 1987. Trong tác phẩm nầy với nhân vật thầy giáo Trần Lâm Thăng, có lẽ hình ảnh ở góc cạnh nào đó của tác giả vào thời trai trẻ. Nhà giáo sáng giá, ngoại giao rộng quen biết nhiều với giới văn nghệ sĩ ở Sài Gòn… Thế nhưng từng đám mây vần vũ xô đẩy những mối tình chàng từ chỗ dung thân ở biệt thự xuống khu ổ chuột tồi tàn nhưng được tự do, không bị ràng buộc áp lực phi lý trong tình trường. 

Với tựa đề “Người Đi Trên  Mây” trong tác phẩm không liên quan đến “Bệnh Tưởng” nhưng trở thành 4 chữ ví von khi nói đến ai mang nặng mặc cảm tự tôn. Nếu người nào đó nổ sảng cũng là nhân vật “Người Đi Trên Mây”. 

Nhà văn Kim Dung qua các tiểu thuyết võ hiệp mô tả các giáo chủ trong tà giáo lúc nào cũng xưng hùng xưng bá “Nhất thống thiên hạ, trừng trị thiên thu” nhưng rồi tàn tạ cuối đời. Trong Tiếu Ngạo Giang Hồ có Giáo Chủ Nhật Nguyệt Thần Giáo đi đến đâu có đám thuộc hạ tán dương “Thiên thu vạn tải, thống nhất giang hồ” từ Nhậm Ngã Hành đến Đông Phương Bất Bại cuối cùng cũng bị bại thảm thương. Trong Lộc Đỉnh Ký có Hồng An Thông, Giáo Chủ Thần Long Giáo được  bọn lâu la xưng tụng “Hồng giáo chủ vạn năm không già, phúc tiên mãi hưởng, thọ sánh ngang trời!”. “Hồng giáo chủ thần thông quảng đại, giáo phái ta đã đánh là thắng, kẻ địch mạnh mấy, vững mấy cũng phải sụp đổ" (Kim Dung). Nhưng Tô Thuyên (vợ Hồng An Thông) về sau bị gã họ Vi lừa làm cho có thai và đi theo y, được giữ địa vị chính thất, chị cả trong bảy vị phu nhân. Hồng An Thông với tham vọng bá chủ võ lâm nên tận lực luyện võ công nhưng già yếu, tinh lực kém sút, tưởng thành thần thành tiên, cuối cùng lại mất tính người bình thường. 

Trong Thiên Long Bát Bộ có phái Tiêu Dao với 4 cao thủ nổi tiếng nên tự lập môn phái riêng như Tô Tinh Hà lập ra Lung Á Môn; Đinh Xuân Thu lập ra phái Tinh Túc; Thiên Sơn Đồng Lão lập ra Linh Thứu Cung, thống lĩnh 36 động và 72 đảo; Lý Thu Thủy lập ra Tây Hạ Nhất Phẩm Đường… xưng hùng xưng bá chốn võ lâm. 

Kết cuộc Tô Tinh Hà bị đệ tử là Đinh Xuân Thu ám toán, khiến cơ thể tàn phế, phải ẩn mình trong mật thất. Đinh Xuân Thu sau bị Hư Trúc cấy Sinh Tử Phù vào người, phải chịu quản thúc ở Thiếu Lâm Tự. Thiên Sơn Đồng Lão tu luyện Duy Ngã Độc Tôn Công, môn Sinh Tử Phù...  Đồng Lão chết vì kiệt sức sau khi quyết đấu với Lý Thu Thủy dưới hầm băng Tây Hạ. 

Trong chánh phái cũng có các nhân vật điển hình như: 

Trác Bất Phàm trong Thiên Long Bát Bộ, đệ tử của phái Nhất Tự Tuệ Kiếm. Trác Bất Phàm có được quyển kiếm phổ, luyện xong tự xưng là Thần Kiếm, cho mình là thiên hạ vô địch rồi đi tìm Thiên Sơn Đồng Lão trả thù nhưng trên đường bị Hư Trúc đánh bại trong nháy mắt. 

Đinh Mẫn Quân, sư tỷ của Kỷ Hiểu Phù và Chu Chỉ Nhược trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký. Ngoại hiệu Độc Thủ Vô Diêm, luôn ghen tỵ và ngấm ngầm ám hại hai sư muội bởi họ xinh đẹp hơn, võ công giỏi hơn và được sư phụ yêu thích hơn. Sau vì ăn trộm Cửu Âm Chân Kinh của Chu Chỉ Nhược mà bị Tống Thanh Thư đánh chết. 

Cũng trong Ỷ Thiên Đồ Long, Chu Tử Liễu, ngoại hiệu Kinh Thiên Nhất Bút, một trong những đệ tử của Nhất Đăng Đại Sư. Với lòng tham chiếm đoạt Đồ Long Đao nên Kinh Thiên Nhất Bút chẳng từ bất kỳ thủ đoạn nào, cuối cùng nhốt sống trong một sơn động, 

Trong Tiếu Ngạo Giang Hồ, nhân vật Vương Nguyên Bá, ngoại hiệu Kim Đao Vô Địch. Chưởng môn phái Kim Đao bố vợ của Lâm Chấn Nam (tổng tiêu đầu của Phước Oai tiêu cục, truyền nhân của dòng họ mang bí kíp kiếm thuật Tịch Tà kiếm phổ) và là ông ngoại của Lâm Bình Chi. Mang ngoại hiệu lẫy lừng là vậy nhưng Vương Nguyên Bá dường như hữu danh vô thực. Ngay khi cả nhà con gái bị giết hại, ông ta cũng không dám tìm Du Thương Hải để báo thù... 

Thành ngữ ta có câu “Thùng rỗng kêu to” nên trong cuộc sống nếu bắt gặp loại thùng rỗng nầy cũng đừng bận tâm, tranh cãi... Theo lời khuyên trong Tứ Vô Lượng (Từ Vô Lượng, Bi Vô Lượng, Hỷ Vô Lượng, Xả Vô Lượng) thấm nhuần được điều nào, tốt điều đó với tha nhân trong cuộc đời. 

Bài viết Bùi Giáng, Ðại Lão Cái Bang của tôi cho Giai Phẩm Xuân Bính Tý (1996) tuần báo Tình Thương ở Little Saigon của nhà văn Lâm Tường Dũ (hiền thê của anh, chị Xuân Hương, em bà con với Bùi Giáng) gợi ý tôi viết bài nầy để có món quà kỷ niệm người anh vào tuổi thất thập. Năm 1998 Đại Lão Cái Bang bỏ cuộc chơi ở thế gian để về cõi thiên thu. Nhiều tác phẩm của ông đã ấn hành trên các lãnh vực văn học nghệ thuật, triết học và dịch thuật… Với thi ca, ông sáng tác khoảng 500 bài thơ, với 15 tập thơ (từ Mưa Nguồn năm 1962 đến Mùa Màng Tháng Tư năm 2007) có tài ứng khẩu thành thơ, đưa tờ giấy phóng bút ra thơ… đặc biệt với thể thơ lục bát. Với nhiều bút hiệu, trong đó có Bùi Bán Dùi, Bùi Bàn Dúi, Bùi Tồn Lưu, Bùi Tồn Lê, Bùi Bê Bối, Bùi Văn Bốn… tuy hơi “ngông”, “gàn” nhưng với Bùi Giáng, không có gì xa lạ. 

Bài thơ Đừng Tưởng của nhà thơ Bùi Giáng (?) qua thể thơ lục bát khá dài với triết lý nhân sinh, với 2 câu lục bát tựa như ca dao trong dân gian Việt Nam: 

“Đừng tưởng không nói là câm. 
Không nghe là điếc, không trông là mù… 
Đừng tưởng có của đã sang. 
Cứ im lặng tưởng là vàng nguyên cây… 
Đừng tưởng giàu hết cô đơn. 
Cao sang hết ốm, tham gian hết nghèo… 
Đừng tưởng trong lưỡi có đường, 
Nói lời ngon ngọt mười phương chết người… 
Đừng tưởng cứ giỏi là hay, 
Nhiều khi thất bại đắng cay muôn phần… 
Đừng tưởng quan chức là rồng, 
Đừng tưởng dân chúng là không biết gì. 
Đời người lúc thịnh, lúc suy, 
Lúc khỏe, lúc yếu, lúc đi, lúc dừng. 
Bên nhau chua ngọt đã từng, 
Gừng cay, muối mặn, xin đừng quên nhau. 
Ở đời nhân nghĩa làm đầu, 
Thủy chung sau trước, tình sâu, nghĩa bền. 
Ai ơi, nhớ lấy đừng quên” 

Không rõ bài thơ nầy xuất hiện lúc nào, ở đâu nhưng sau khi “Đại Lão Cái Bang” qua đời, ở trong nước có người tự nhận là tác giả của bài thơ Đừng Tưởng sáng tác năm 1992 có giấy chứng nhận của Cục Bản Quyền Tác Giả thuộc Bộ Văn Hóa, Thể Thao & Du Lịch ngày 5/10/2015 và đăng trên báo đã gây xôn xao trong dư luận. Theo tác giả (?) bài thơ nầy cho biết “Nhiều năm qua vẫn không ngừng tìm kiếm tập bản thảo 50 bài thơ bị thất lạc. Trong số đó, chỉ còn giữ bản nháp và phục hồi được hơn 20 bài và có nguy cơ ‘mất vĩnh viễn’ hơn một nửa tác phẩm còn lại vì cái ‘tật’ rất quen của nhiều người sáng tác thơ là không bao giờ nhớ nổi thơ mình!” 

Năm 2016, lại có tác giả khác lên tiếng: “Tôi khẳng định bài thơ Đừng Tưởng không phải do ông… sáng tác. Tôi có đầy đủ bằng chứng về thời gian để chứng minh tôi đã viết ra 20 câu thơ trong bài thơ Đừng Tưởng mà ông… ‘đăng ký’ quyền tác giả”. Bài thơ Suy Ngẫm chỉ có 16 câu đưa ra để giành lại bản quyền… 

Với tôi, coi như chuyện ruồi bu nên không để tên. Với bài thơ Đừng Tưởng, hay, thú vị nhưng tại sao không phổ biến trên báo, trên internet… mà đợi đến 13 năm sau (1992-2015) chỉ viết nguệch ngoạc bài thơ trên tờ giấy gởi đến bộ, ký bản quyền, lộng khung. Thật vớ vẩn.  

Ông Nguyễn Thanh Hoài - người giữ gìn di cảo của Bùi Giáng - cho biết trước đây đã có vài người hỏi ông Đừng Tưởng có phải là thơ của Bùi Giáng không nhưng ông không chắc, vì Bùi Giáng để lại quá nhiều thơ và đã có nhiều trường hợp gán tên ông vào những bài thơ không phải do ông sáng tác từ thời ông còn sống. 

Tội nghiệp nhà thơ Bùi Giáng, tài hoa nhưng đau khổ, lận đận cả một đời trong cõi ô trọc nầy, khi rũ bỏ quần áo Cái Bang “Sài Gòn Chợ Lớn rong chơi. Đi lên đi xuống đã đời du côn!” ra đi bên kia thế giới… còn có người tranh chấp bài thơ. Thế mới biết “ở chốn nhân gian” xô bồ  điều gì cũng có thể xảy ra, nhất là những người bệnh tưởng. 

Little Saigon, Feb 2022 

Vương Trùng Dương 





No comments

Powered by Blogger.