Header Ads

Nở Ra Xanh Biếc?


Bùi Quý Chiến

Bài ca "Nụ tầm xuân" do Phạm Duy phổ nhạc từ ca dao có giai điệu từ thấp lên cao từng cung bậc khiến người nghe hình dung ra cảnh chàng trai đang trèo lên cây bưởi hái hoa. Kế tiếp, giai điệu từng cung bậc hạ dần đưa chàng trai xuống vườn cà và từ đó chàng lân la hái nụ tầm xuân:

                                                         Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc

Chàng toan tặng người yêu nhưng thất vọng:

                                                         Em đi lấy chồng, anh tiếc lắm thay !..

Hoa Tầm Xuân
Tầm xuân là loại hoa hồng dại thường mọc ở hàng rào, cành mảnh mai và có gai mềm, hoa nhỏ bằng 4 đầu ngón tay chụm lại.

Hoa tầm xuân chỉ có màu hồng lợt và trắng, hương thơm dịu. Ở Mỹ cũng có tầm xuân, gọi là "dog rose".

Tính từ xanh của tiếng Việt có 2 màu: xanh nước biển (cũng gọi là xanh dương) và xanh lá cây (cũng gọi là xanh lục).
Nụ tầm xuân tất phải nở ra hoa tầm xuân, vậy tại sao nụ tầm xuân nở ra xanh biếc?

Qua thơ văn và ca dao chúng ta thấy người xưa dùng tính từ xanh với một số nghĩa khác nhau như sau.

1- Phát triển chưa hoàn chỉnh 
 a /- Trái cây còn xanh là trái cây chưa chín. Trái cây khi chín thường đổi màu hoặc vẫn giữ màu xanh như một vài loại chuối hoặc cam. 

Trái cây còn xanh thường có vị chát hoặc chua. Tuy nhiên các bà và các cô không thể ngoảnh mặt quay lưng khi thấy trái me xanh hoặc xoài xanh kế bên đĩa muối ớt.

b /- Trẻ sơ sinh trong vòng 7 ngày (nếu là con trai) hoặc 9 ngày (nếu là con gái) còn non yếu nên phải kiêng nắng gió vì dễ nhiễm bệnh . Người xưa gọi thời kỳ này là cữ hoặc trứng nước hoặc còn xanh.
 
Trong truyện Kiều, Vương Ông toan đâm đầu vào tường vôi vì xót xa con gái phải bán mình chuộc cha; Kiều khuyên giải:

                                                Phận sao đành vậy cũng vầy
                                               Cầm như chẳng đậu những ngày còn xanh.

Nàng viện lẽ: cầm bằng như con không nuôi được (chết) khi mới sinh ra.

c /- Nhà thơ cổ điển Nguyễn gia Thiều có một bài thơ, tuy gọi là thơ vì có âm luật của thơ thất ngôn nhưng nội dung chỉ là những lời sai bảo gia nhân ra vườn hái hoa hải đường. Bài thơ có 2 câu căn dặn gia nhân rõ ràng:

                                               Những cành mới nhánh đừng vin nặng
                                               Mấy đóa còn xanh chớ bẻ quàng.

Hoa khi chưa nở gọi là nụ hoa , khi nở rồi gọi là đóa hoa hoặc bông hoa. Tác giả nói "mấy đóa còn xanh" có nghĩa là đóa hoa mới hé nở, Hán Việt từ điển của Đào duy Anh gọi là "hàm tiếu hoa"
Vậy: "Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc" phải được hiểu là "nụ tầm xuân vừa hé nở". Trạng từ "biếc" nhấn mạnh tính từ "xanh" = mới hé nở tức thì.

Ngày nay chúng ta chỉ còn dùng tính từ "xanh" trong trường hợp a; trường hợp b và c đã xưa cũ.
Tuy vậy bài ca "Kiếp nào có yêu nhau" do Phạm Duy phổ nhạc từ thơ của Minh Đức Hoài Trinh có câu: 
                        "Hoa xanh khi chưa nở, tình xanh khi chưa lo sợ"

Đây là ngôn ngữ riêng của nhà thơ.

2 / - Tuổi trẻ. 
Mùa đông phần lớn cây rụng hết lá, cành cây trơ trụi như chết khô. Sang xuân cành cây đâm chồi xanh tươi báo hiệu cây sắp xanh um với cành lá xum xuê. Từ đó vài danh từ được người xưa ghép với màu xanh để chỉ tuổi trẻ.

 a/- Đầu xanh
Ca dao có bài rất vui như sau:

                                                Ao sen, giàn mướp, lũy tre
                                                Nhắc ghi những lối đi về năm xưa
                                                Đầu xanh độ ấy đang vừa
                                                Rủ nhau chui lách rào thưa vào vườn.

Đầu xanh trong ca dao này là những trẻ em chưa tới tuổi "teen" .

 b/- Ngày xanh 
Thời gian còn trẻ được coi là ngày xanh. Truyện Kiều có những câu như sau:

                                                Ngày xanh mòn mỏi, má hồng phôi pha .

Và câu :
                                               Cũng liều mặt phấn cho rồi ngày xanh.

Ngày xanh của Kiều là 15 năm chìm nổi trên dòng sông bạc mệnh.

 c/- Tóc xanh
Trừ khi tóc nhuộm theo thời trang ngày nay, không ai có tóc màu xanh tự nhiên. 

Cũng như đầu xanh, tóc xanh ngụ ý tuổi trẻ.

Tục ngữ có câu "tóc xanh, nanh sắc" có nghĩa là trẻ tuổi thì răng sắc bén.

 Cũng có câu "tóc xanh, nanh vàng", có ý chê còn trẻ mà răng đã vàng khè như người già.

 d/- Xuân xanh
Mùa xuân tượng trưng cho tuổi trẻ nhưng xuân xanh dùng để chỉ tuổi trẻ của phái đẹp. 
Truyện Kiều, ngoài tài sắc vẹn toàn, Kiều còn được mô tả:

                                                    Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê.

(cập kê = cài trâm; phong tục Tàu, con gái tới 15 tuổi được phép cài trâm để lấy chồng).

Nhưng xuân xanh của Kiều chỉ là tháng ngày tủi nhục.

Được Thúc sinh chuộc ra khỏi tay Tú bà, tuy chỉ làm lẽ, Kiều vẫn mừng vì "khỏi điều thẹn phấn tủi hồng thì thôi".
 
Mặc dù Kiều đã khuyên Thúc sinh về nhà thú thật với Hoạn Thư nhưng chàng vụng về khiến Kiều bị đánh ghen ê chề nhục nhã.

Thúc sinh lén gặp Kiều để tạ lỗi:

                                                   Vì ta cho lụy đến người
                                                   Cát lầm ngọc trắng thiệt đời xuân xanh.
 
 3/- Trời xanh
 Người xưa tin rằng Trời ở trên cao, sau vòm trời vô tận.

Tùy thời điểm trong ngày và tùy mùa, vòm trời có màu từ xanh lam tới xanh lơ hoặc xanh ngắt (thơ Yên Đổ :Trời thu xanh ngắt mấy từng cao).

Vì vậy người xưa gọi là Trời xanh. 

Truyện Kiều có câu:

                                                     Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.

Khi buồn phiền người ta gọi Trời là Ông xanh. Thơ Nguyễn công Trứ có câu:

                                                     Ngồi buồn lại trách Ông xanh
                                                     Khi vui muốn khóc buồn tênh lại cười.

Khi buồn phiền hơn nữa , người ta chỉ gọi Trời bằng một tiếng Xanh. Chinh phụ ngâm có câu:

                                                     Xanh kia thăm thẳm từng trên 
                                                     Vì ai gây dựng cho nên nỗi này.

 4/- Chim xanh
Không gì quay quắt bằng nhớ người yêu. Sau khi gặp Kiều, Kim Trọng nôn nao tìm tới nhà Kiều để mong được gần nàng nhưng chỉ thấy:

                                                    Thâm nghiêm kín cổng cao tường
                                                    Cạn dòng lá thắm, dứt đường chim xanh.

Lá thắm, chim xanh là điển cố của Tàu ngụ ý phương tiện truyền tin.
 
a/- Chim xanh 
Sách "Hán vũ cố sự" chép rằng: ngày sinh nhật của Vũ đế có một con chim xanh tới đậu trước điện, vua hỏi Đông phương Sóc đó là chim gì, Sóc đáp:

- Đó là chim xanh do Tây vương mẫu nuôi, chim tới báo trước Tây vương mẫu sắp tới mừng thọ.

Quả nhiên lát sau Tây vương mẫu tới với mâm ngọc đựng 7 trái đào.

b/- Lá thắm
Đời Đường bên Tàu có cung nữ là Hàn thúy Tần đề thơ vào chiếc lá đỏ rồi thả xuống dòng ngự câu (sông đào dùng riêng cho vua đi thuyền trong thành). Một học trò là Vu Hựu lượm được, chàng họa thơ vào lá ấy rồi thả trở lại xuống ngự câu. Sau đó Thúy Tần cũng nhận được bài thơ họa của Vu Hựu.    

Biết chuyện kỳ ngộ ấy , quan thừa tướng Hàn Vịnh liền đứng ra tác thành cho hai người.

Từ 2 điển cố này, lá thắm và chim xanh là phương tiện thông tin.

 5/- Mắt xanh 
 Nghe danh Kiều là người tài sắc vẹn toàn , Từ Hải tìm tới đưa danh thiếp xin gặp. Bằng những lời khiêm tốn, Từ Hải hỏi:

                                                         Bấy lâu nghe tiếng má đào
                                                         Mắt xanh chẳng để ai vào, có không?

Mắt xanh là điển cố của Tàu.

Trong bọn thất hiền đời Tấn, Nguyễn Tịch có cặp mắt kỳ lạ. Khi tiếp đãi người dung tục thì mắt đổi ra sắc trắng, khi gặp người thanh nhã vừa ý thì cặp mắt đổi sang màu xanh. 

Câu hỏi của Từ Hải ngụ ý: phải chăng hồi nào tới giờ nàng chưa gặp ai là tri kỷ?

Thế giới ngày nay đang cổ vũ cho môi trường xanh nhưng từ rất xưa  màu xanh đã được người Việt đề cao qua ngôn ngữ.

Bùi Quý Chiến

------------------------------------------------
THAM KHẢO
- Thi văn bình chú của Ngô tất Tố.
- Nếp cũ - Con người của Toan Ánh.
- Tầm nguyên tự điển của Lê văn Hòe.
- Tục ngữ phong dao Việt nam của Nguyễn văn Ngọc.


No comments

Powered by Blogger.