Header Ads

Giai Nhân Nan Tái Đắc (Giai Nhân Khó Gặp Lại Nàng)


Tạp ghi: Lê Tấn Dương

Tựa đề của bài viết là câu thơ cuối trong bài “Giai Nhân Ca” của Lý Diên Niên thời Hán Vũ Đế bên Trung Hoa. Bài thơ rất ngắn, chỉ có 7 câu, nhưng tuổi thọ của bài thơ thì dài vô cùng. Tôi cho là nước Tàu còn thì bài thơ còn. Khi nào sách vở Trung Hoa còn đề cập đến mỹ thể, mỹ nhân thì mãi mãi còn nó. Vì nổi danh nên bài thơ cũng có dị bản. Nhưng tại sao có dị bản thì không ai biết được, cũng không ai chứng minh được. Có nhiều tài liệu trích dẫn với tựa bài là “Bắc Quốc Giai nhân”. Một điều may mắn là chỉ có dị bản ở tựa bài. Nội dung toàn bài hầu như không thay đổi. Có lẽ nhờ bài thơ ngắn nhưng là tuyệt thi nên không ai dám viết sai. Viết sai là sẽ bị thiên hạ phê phán, có khi còn bị sỉ vả vì dám động chạm đến người đẹp. Trong thế gian, mỹ nhân là vưu vật của tạo hóa, là vốn quý của loài người, là đề tài của muôn thuở nên chỉ được ca tụng, không được gièm pha.

Giai nhân ca

Bắc phương hữu giai nhân
Tuyệt thế nhi độc lập
Nhứt cố khuynh nhân thành
Tái cố khuynh nhân quốc
Ninh bất tri,
Khuynh thành dữ khuynh quốc
Giai nhân nan tái đắc.

(Lý Diên Niên - ? - 87 BC. Trước Công Nguyên)

Tôi xin mạo muội tạm dịch:

Bắc phương có một mỹ nhân,
Nổi danh tuyệt sắc cỏi trần không hai
Liếc ngang, thành lũy đổ dài
Liếc dọc, vương quốc ngày mai chẳng còn, 
Ai mà không biết ví von
Thành trì đã đổ, nước non lụy tàn.
Giai nhân khó gặp lại nàng.

Tôi đọc Giai Nhân ca và cảm nhận được nỗi buồn man mác nhưng sâu lắng của tác giả. Lý Diên Niên viết khúc ca bất hủ này trước khi em gái ông - Lý phu nhân - được Hán Vũ Đế tuyển vào cung. Mặc dầu về sau, nàng là sủng phi rồi là Hoàng hậu của Hán Vũ Đế với tột đỉnh của vinh quang, nhan sắc tuyệt trần và danh vọng tràn trề. Nhưng vì sao âm hưởng bài ca nghe có vẻ chua chát, thê lương và ảm đạm. Nó như một điềm báo trước cho những ám ảnh biệt ly, tan vỡ, đoạn trường... Hay vì nàng là giai nhân nên cuộc đời phải đau khổ. Hay bởi vì nàng là tuyệt thế mỹ nhân nên “trời xanh quen thói má hồng đanh ghen” như thi hào Nguyễn Du của nước Việt về sau đã viết trong Đoạn Trường Tân Thanh.

Thực ra, cách lý luận như trên chỉ mang tính ước lệ. Tôi chỉ hiểu một điều, mỹ nhân từ xưa nay luôn là đề tài bất tận của các họa sĩ, điêu khắc gia thuộc nhiều trường phái nghệ thuật. Mỹ nhân cũng là đề tài muôn thuở của văn, thi, nhạc sĩ trong lãnh vực văn học. Nhưng nhiều khi mỹ nhân cũng trở thành vai trò tác nhân, gây ảnh hưởng tới những sự kiện chính trị, xã hội của một quốc gia. Văn học sử thế giới cũng như một số quốc gia đã từng ghi lại nhiều điển tích, nhiều câu chuyện liên quan đến ảnh hưởng của giới hồng quần (đa phần là mỹ nhân) vào chính sự của một quốc gia, một bộ tộc. Tôi cũng hiểu thêm một điều thường có, thường gặp trong đời sống chúng ta, đó là, giai nhân dù là người thực hay mộng ảo, luôn đem đến khổ lụy nhưng là thú đau thương cho thi nhân và nhạc sĩ. Nhưng nếu không có giai nhân trên đời thì giới nghệ sĩ sẽ mất đi một nửa nguồn cảm hứng để sáng tác. Trong phạm trù văn học thi ca, nếu như không có mỹ nhân thì cuộc sống buồn tẻ, khô khan vô cùng và chúng ta không thể có được những áng thơ tuyệt tác của Bích Khê (1916-1946), ca tụng vẻ đẹp của người nữ như là vưu vật của tạo hóa ban tặng cho loài người.

Nàng là tuyết hay da nàng tuyết điểm?
Nàng là hương hay nhan sắc lên hương?
Mắt ngời châu rung ánh sóng nghê thường;
Lệ tích lại sắp tuôn hàng đũa ngọc.
Ðêm u huyền ngủ mơ trên mái tóc.
Vài chút trăng say đọng ở làn môi…

(Tranh lõa thể - Bích Khê 1916-1946)

Trong cuộc đời, nếu chỉ có đàn ông, không đàn bà, không giai nhân, không mỹ phụ thì nhà thơ Đinh Hùng đã không đi tìm “Đường Vào Tình Sử” để ở đó:

Chưa gặp em, tôi vẫn nghĩ rằng:
Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng
Mắt xanh là bóng dừa hoang dại
Âu yếm nhìn tôi không nói năng.
Em đến như mây, chẳng đợi kỳ,
Hương ngàn, gió núi đọng hàng mi…

(Đinh Hùng - Tình Tự Dưới Hoa)

Và trong cỏi đời, nếu không có giai nhân làm đẹp cuộc sống thì Lê Uyên Phương đâu có thể viết “Dạ Khúc Cho Tình Nhân” để gởi cho đời lời ca mượt mà say đắm “vừa hoa nở trên môi, tình nhân đã xa xôi. Ðời ngăn cách nhau hoài, một lần thôi đã không thôi, yêu nhau trong lo âu, biết bao lần tha thiết nhớ mong…”. 

Người trong cuộc nhớ mong nhau là chuyện bình thường, nhưng “yêu nhau trong lo âu” là lo âu điều gì ngoài sự chia lìa vì thói đời hồng nhan thì bạc mệnh. Tôi nghĩ nhạc sĩ Lê Uyên Phương, lúc xưa, đã đọc Giai Nhân ca, đã có giấc mơ với người đẹp nên mới viết dạ khúc cho người tình như một lời tạ từ. Trong bóng đêm lạnh lùng đầy ma quái, mộ huyệt sâu đã mở và một vì sao lạ đã rơi vào đáy huyệt, khép kín một cuộc tình đầy đau thương và bi đát. Có phải vì tình nhân đẹp quá nên phải gánh chịu những phủ phàng vì sự đố kỵ của hóa công “Phận hồng nhan có mong manh. Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương” đó không? (Truyện Kiều – Nguyễn Du) 

Nhưng đệ nhất mỹ nhân đó là ai mà được sử sách nhiều lần nhắc đến như một thứ di sản cho văn học sử Trung hoa. Người đẹp Bắc phương “tuyệt thế nhi độc lập” trong bài thơ chính là Lý phu nhân, người em gái của Lý Diên Niên. Theo sách “Hán thư” phần “Lý phu nhân truyện” thì Lý phu nhân sinh và mất vào khoảng thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên, quê quán ở Trung Sơn, nay là Định Châu thuộc tỉnh Hà Bắc. Bà có tài ca múa, giỏi âm luật, văn chương thi phú và là một trang giai nhân tuyệt thế. Một hôm, Hán Vũ đế (Lưu Triệt) nghe Lý Diên Niên hát bài “Giai nhân ca”, nhà vua mới hỏi: “Làm sao trên đời lại có người đẹp đến vậy?”. Bình Dương công chúa đang đứng bên cạnh liền cho biết đó là em gái của Lý Diên Niên, nhà vua lại hỏi Lý Diên Niên và ông cũng xác nhận đó là em gái của mình. 

Ngày xưa, ông vua nào chả thích mỹ nhân. Hán Vũ đế đâu có ngoại lệ. Nhà vua cho mời Lý phu nhân vào ra mắt. Trước một giai nhân tài sắc vẹn toàn, nhà vua bị người đẹp chinh phục và hoàn toàn mê mẩn. Vua quyết định tuyển mỹ nhân làm phi tần, rồi phong làm phu nhân và về sau là Hiếu Vũ hoàng hậu. Bà được nhà vua rất sủng ái. Tuy nhiên, có lẽ tạo hóa đố kỵ nên phận hồng nhan mong manh và bạc mệnh, bà qua đời rất sớm vào khoảng năm 101 trước Công nguyên để người đời sau phải ngậm ngùi than thở: “Người đẹp vẫn thường hay chết yểu.”

Trong ý nghĩ chủ quan có thêm chút thiên vị của tôi thì, nhan sắc của Lý Phu nhân là một sự toàn bích của một mỹ nhân mà trời đã đặc ân ban riêng cho nàng. Được tiến cung, được vua sủng ái, lại có tài văn chương thi phú. Không làm điều gì gây nguy hại cho triều đình. Giai nhân hiền lành như thế, dịu dàng như thế, chỉ sống yên thân trong vương phủ thì đâu có gì để bảo là mầm mống khuynh thành, khuynh quốc. Có thể Lý Diên Niên, ngoài tài thơ phú, còn có biệt tài thấy trước được vận mệnh và tương lai một đời người nên đã tiên đoán cuộc đời ngắn ngủi của em gái mà chữ tài sắc đã vận vào thơ ông chăng? Nếu không, thì sao bài ca của ông lại mang âm hưởng biệt ly, chia cắt ngàn trùng. Nhưng nếu đã tiên tri một kết cục bi đát cho em gái mình thì tại sao ông lại hát làm gì bài ca về giai nhân cho vua nghe. Việc ấy có khác nào ông đã đưa em gái mình vào tuyệt lộ. Đã là tuyệt lộ thì dù cho dát vàng lối đi hay trân châu trải thảm thì vẫn là tuyệt lộ không lối về. Hay là ông đã biết mình và cả cô em gái xinh đẹp của mình cũng không thể vượt qua được số phận nghiệt ngã đã được tạo hóa an bài.

Đó là lý do tại sao tôi cho khúc ca ông viết về tuyệt thế mỹ nhân có ẩn chứa một điềm dự báo tan vỡ, chia cách và đau thương. Hán Vũ Đế dù quyền uy ngất trời cũng không thể tìm ra giai nhân nào đẹp hơn Lý hoàng hậu. Đã là mỹ nhân tuyệt thế thì tìm đâu ra được người thứ hai. Dù là vua trong thiên hạ, Hán Vũ Đế cũng không có cách nào để cứu được mỹ nhân Hoàng hậu một khi tạo hóa đã an bài. “Giai nhân nan tái đắc” phải chăng là một điều có thực ?. Một câu nói thách đố nhân gian hay một câu than thở về số phận đời người.

Viết đến đây, tôi lại nghĩ đến hai câu thơ nổi tiếng của mỹ nhân Triệu Diễm Tuyết trong bài Tiêu Hồn Hải Đường “Mỹ nhân tự cổ như danh tướng. Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu”. Tạm hiểu nghĩa: Xưa nay người đẹp cũng như danh tướng. Không muốn thiên hạ thấy mình tóc đã bạc. Cũng là một mỹ nhân, nhưng Triệu Diễm Tuyết sinh sau Lý Phu Nhân cả mấy trăm năm nên tôi cũng không biết ai đẹp hơn ai vì quan niệm về cái đẹp, mỗi thời mỗi khác, mỗi nơi mỗi khác và mỗi người mỗi khác. Chỉ biết, riêng hai câu thơ nỗi tiếng trích dẫn trên đã hàm chứa một hệ lụy bi thương của kiếp người. Ngoài cái ý nghĩa thông thường là giai nhân tự nghìn xưa cũng giống như danh tướng, không thể hứa cho người đời được nhìn thấy mình bạc tóc. Danh tướng mà bạc đầu thì đâu còn là hình ảnh dũng tướng trước ba quân. Giai nhân mà bạc tóc thì xuân sắc đã tàn phai, còn đâu là hình ảnh của người đẹp.

Tôi lại nghĩ đến một khía cạnh khác của câu thơ, tạo hóa sinh ra con người nhưng nhiều khi cũng rất đố kỵ với những ai quá nổi tiếng. Danh tướng rất khó sống đến bạc đầu vì những bi lụy của chiến tranh. Những phụ nữ đẹp quá thì thường rất khó sống lâu vì những đố kỵ của tạo hóa. Rõ ràng, anh tạo hóa dù nắm trong tay quyền năng vô địch nhưng cũng không thoát cái vòng hỷ nộ ái ố, đố kỵ và hờn ghen. Lý phu nhân trong bài Giai nhân ca cũng không thoát ngoại lệ đố kỵ của tạo hóa, bà mất lúc còn rất trẻ. Trước khi mất, bà còn có lời dặn, nhất định không cho Hán Vũ Đế nhìn mặt vì sợ Vua sẽ thất vọng trước dung nhan tàn tạ vì căn bệnh của mình.

Trong huyền sử Trung hoa, những điển tích về nhan sắc phụ nữ làm quốc phá gia vong, sụp đổ một triều đại cũng không ít. Câu chuyện “Phong hỏa hí chư hầu” về vua U Vương nhà Chu thời Đông Châu Liệt Quốc trước Công nguyên (800-771) là một điển tích nổi tiếng về “mối hoạ hồng nhan” khi một vị vua vì ham mê nữ sắc mà bị mất nước. Chỉ vì muốn có tiếng cười của người đẹp Bao Tự mà U Vương tự phá hợp đồng quân sự với các nước chư hầu, nhiều lần cho đốt các Phong Hỏa Đài để mua tiếng cười của mỹ nhân. Trước đó, U Vương đã ký với các nước là Phong hỏa đài chỉ được đốt khi đất nước thực sự nguy biến. Đó là tín hiệu để các nước chư hầu đưa quân đến cứu viện. Mấy năm sau, khi nhà Chu bị nước Khuyển Nhung đưa quân xâm chiếm, U vương chống không nổi, cho lịnh đốt các Phong hỏa đài để cầu viện. Các nước chung quanh cứ tưởng vua nhà Chu làm trò mua vui cho mỹ nhân Bao Tự như những lần trước nên đã không đưa quân tiếp cứu. Hậu quả là U vương bị mất nước. Rõ ràng tiếng cười của mỹ nhân đã làm sụp đổ một ngai vàng.

Như vậy thì mỹ nhân nào của Trung Hoa mới vận vào bài thơ của Lý Diên Niên ?

Tôi cho là đệ nhất mỹ nhân Trần Viên Viên sau nầy mới là thứ nhan sắc làm nghiêng thành đổ nước đúng như mấy câu thơ của Lý Diên Niên viết lúc xưa. Sắc đẹp của Trần Viên Viên đã đánh đổ một ngai vàng, làm sụp đổ triều Minh vào tay Mãn Thanh. Người đẹp sang tay từ Vua Sùng Trinh nhà Minh qua tay Ngô Tam Quế rồi lại bị Lý Tự Thành chiếm đoạt. Chính tiếng đồn về sắc đẹp của mỹ nhân Trần Viên Viên đã khiến Lý Tự Thành có quyết tâm xua quân tốc chiến tiêu diệt nhà Minh, chiếm Tử Cấm Thành. Khi vào kinh thành, việc làm đầu tiên của Lý Tự Thành là tìm người đẹp để thỏa lòng khao khát lâu nay và muốn chiếm nàng làm của riêng.

Là Sấm vương trong chế độ Quân chủ thì có ai dám ngăn cản ý muốn của Lý Tự Thành. Nhưng tân vương không biết rằng, việc ông làm đã thiêu đốt trái tim của Ngô Tam Quế trên ngọn lửa hận thù và hờn ghen vì Lý Tự Thành, ngay sau khi chiếm được Bắc Kinh (27/5/1644) đã giết cha nuôi của Ngô Tam Quế, lại chiếm đoạt người đẹp Trần Viên Viên, lúc ấy đang là ái thiếp của Ngô Tam Quế. Ngọn lửa thù hận và hờn ghen đã khiến Ngô Tam Quế mở cửa thành Sơn Hải Quan, đầu hàng quân Mãn Thanh rồi xua quân liên kết với quân Thanh đánh chiếm Bắc Kinh.

 Cuối cùng Lý Tự Thành phải bỏ ngai vàng tháo chạy thoát thân. Ngô Tam Quế đã trả được thù riêng và chiếm lại được ái thiếp đệ nhất mỹ nhân Trần Viên Viên.

Quân Mãn Thanh với sự tiếp sức của Ngô Tam Quế, sau khi dẹp loạn quân Lý Tự Thành, diệt nhà Minh, chiếm kinh đô và ngai vàng, đã dựng nên nhà Thanh, một triều đại mới từng bị mang tiếng là dị chủng đối với người Hán lúc đó. Vì vậy nên khắp nơi trong nước Tàu đã nổi lên phong trào phản Thanh phục Minh. Nhiều tổ chức bí mật ra đời như Thiên địa hội, Hội Tam Hoàng… Nước Trung Hoa chìm vào biển lửa hận thù, cặp đôi Ngô Tam Quê - Trần Viên Viên trở thành tội đồ của dân tộc Hán như là tác nhân gây nên họa mất nước vào tay Mãn Thanh. Hiểm họa hồng nhan lại tái hiện lần nữa.

Đọc lịch sử nước Tàu, chúng ta biết, Ngô Tam Quế là một viên tướng tài ba, uy dũng, kiêu hùng nhưng tham vọng quyền lực rất lớn và dã tâm phản trắc luôn thể hiện nếu thấy có lợi cho mình. Chính triều đình Mãn Thanh, sau khi chiếm được Bắc Kinh và lấy được ngai vàng của nhà Minh, cũng e dè thanh thế của Ngô. Nếu giữ Ngô trong triều sẽ có ngày phải lo sợ chuyện chính sự. Vì vậy, Thanh triều đã phải chia đất phong Vương một vùng rộng lớn Vân Nam, Quế Châu cho Bình Tây Vương Ngô Tam Quế vì sợ Ngô với tài trí hơn người và một quân đội riêng hùng mạnh, lúc nào cũng có thể dòm ngó chiếc ngai vàng của triều đình nhà Thanh. Số mệnh đã an bài cho Ngô Tam Quế chiếm được mỹ nhân Trần Viên Viên cũng là lúc chiếm luôn “cái họa hồng nhan”.

Chỉ một thời gian ngắn, vua Khang Hy nhà Thanh đã chinh phạt Vân Nam, tiêu diệt Ngô Tam Quế và thống nhất Trung hoa. Sau giai đoạn nầy thì chính sử Trung Hoa đã không còn nhắc gì đến mỹ nhân Trần Viên Viên, cũng không đề cập đến nhân vật chiếm hữu người đẹp họ Trần lần cuối là ai, ngoại trừ một ít nhà văn Trung Hoa sau nầy đã dùng hình tượng mỹ nhân họ Trần để phóng tác thành những tác phẩm văn chương dã sử mang tính hư cấu như Lộc Đỉnh Ký của nhà văn Kim Dung chẳng hạn.

Trước sau gì thì tôi vẫn cho mỹ nhân Trần Viên Viên mới đúng là mẩu người đẹp “Nhứt cố khuynh nhân thành, tái cố khuynh nhân quốc” như ý nghĩa bài thơ của Lý Diên Niên. Sắc đẹp và nụ cười của Trần Viên Viên ít nhất cũng đã khuynh đảo, làm hổn loạn hai triều đình Minh, Mãn Thanh. Một ngai vàng bị lật đổ, chưa kể đến phiên vương Vân Nam của Ngô Tam Quế bị Khang Hy dẹp tan và thu hồi. Nhiều khi tôi tự hỏi, không hiểu khi Ngô Tam Quế được vua Thuận Trị nhà Thanh chia đất đai, được phong làm Bình Tây Vương, lại chiếm được người đẹp Trần Viên Viên làm của riêng, vẫy vùng một cỏi Vân Nam, Ngô có lần nào rung đùi hát lớn:

Thành nghiêng nước đổ mặc bay
Giai nhân chiếm được kiểu nầy mới vui.

Quả nhiên Giai Nhân Thiệt Là Khó Gặp Lại.

Lê Tấn Dương




No comments

Powered by Blogger.