Header Ads

Hồ Quý Ly - Nhân Vật Cấp Tiến Đầu Tiên Trong Lịch Sử Việt


Ông tổ của Quý Ly là Hồ hưng Dật, người Chiết giang bên Tàu sang nước ta lập nghiệp ở Nghệ an từ thế kỷ thứ 10. Tới ông tổ 4 đời là Hồ Liêm, họ Hồ dời ra Thanh hóa. Quý Ly làm con nuôi Lê Huấn nên đổi sang họ Lê.

Lê Quý Ly làm quan dưới triều Trần cho tới khi cướp ngôi nhà Trần thì lấy lại họ Hồ: Hồ Quý Ly.

Quý Ly có 2 người cô lấy vua Trần Minh tông, một bà là mẹ Trần Nghệ tông và một bà là mẹ Trần Duệ tông.

Nghệ tông lên ngôi năm 1370, được 2 năm thì nhường ngôi cho em là Duệ tông để lên làm Thái thượng hoàng.

Năm 1371 Quý Ly được sung vào chức Chỉ hậu chánh trưởng, một chức quan hầu trong cung điện.

Quý Ly lấy em vua Nghệ tông là Huy ninh công chúa, khi ấy nàng đang là vợ góa của một tôn thất. Vậy nàng và Quý Ly là con cô con cậu lấy nhau. Đó là tục lệ áp dụng trong hoàng tộc do Trần thủ Độ chủ trương nhằm bảo tồn ngôi vua cho họ Trần.

Nhưng những biến cố đã tuần tự xảy ra như sau.

Vua Duệ tông tử trận trong cuộc tấn công vào thành Đồ bàn (Bình định) của Chiêm thành.

Thượng hoàng Nghệ tông lập con của Duệ tông là Hiển lên nối ngôi (các sử gia gọi là Đế Hiển vì không có danh hiệu khi lên ngôi).

Thấy Quý Ly lộng hành vì được Thượng hoàng tin dùng, Đế Hiển e ngại sẽ là mối họa sau này bèn bàn với các quan cận thần tìm cách loại trừ.

Tin mật bị lộ, Quý Ly kêu oan với Thượng hoàng và ẩn ý nói rằng: "Cổ lai chỉ bỏ cháu nuôi con chứ chưa thấy ai bỏ con nuôi cháu bao giờ". Thượng hoàng hiểu ý liền truất phế Đế Hiển và lập con út của mình lên ngôi là Thuận tông. Sử gia gọi Đế Hiển là Phế đế.

Quý Ly gả con gái cho Thuận tông để dọn đường cướp ngôi nhà Trần.

Đế Hiển bị Quý Ly cho người thắt cổ chết.

Nhờ được Thượng hoàng tin dùng, Quý Ly thăng tiến trên đường hoạn lộ:

  • Trấn giữ Nghệ an, được gia phong Trung tuyên quốc thượng hầu.
  • Tham mưu quân sự, được toàn quyền định đoạt việc quân và xếp đặt các thứ vị trong quân ngũ, chỉ huy từ các tông thất trở xuống.
  • Năm 1379 được thăng chức Tư không kiêm Khu mật đại sứ.
  • Năm 1380 được thăng chức Đô thống chế Hải tây đạo.
  • Năm 1387 được thăng chức Đổng binh chương sự (Tể tướng).
  • Năm 1394 được thăng Nhập nội Phụ chính Thái sư Bình chương quân quốc trọng sự.

Lợi dụng lòng tin yêu của Thượng hoàng, Quý Ly trở thành chuyên chính, kết nạp vây cánh, loại trừ đối lập, củng cố uy quyền.

Mấy năm cuối đời, Thượng hoàng nhận ra lỗi lầm của mình nhưng đã quá trễ. Một hôm ngài nói với Quý Ly rằng: "Nhà ngươi là thân tộc, cho nên bao nhiêu việc nước trẫm đều ủy thác cho cả. Nay quốc thế suy nhược, trẫm thì già rồi, ngày sau con trẫm có nên giúp thì giúp, không thì nhà ngươi tự làm lấy".

Vậy là Thượng hoàng mở đường cho Qúi Ly cướp ngôi.

Nghệ tông mất năm 1394, sau 2 năm làm vua và 22 năm làm Thái thượng hoàng.

Năm 1397 Quý Ly cho xây dựng cung điện ở động Yên tôn (Thanh hóa), lập miếu xã, mở mang phố phường, gọi là Tây đô. Thuận tông bị ép dời Đông đô (Thăng long) về Tây đô.

Lập Tây đô, Quý Ly chuẩn bị đoạn tuyệt với nhà Trần: triều đại mới, kinh đô mới.

Năm 1398 Quý Ly ép vua Thần tông nhường ngôi cho con để đi tu. Thái tử Án mới 3 tuổi lên ngôi là Thiếu đế.

Sau đó Thần tông (con rể) bị Quý Ly cho người đầu độc chết.

Năm 1400 Thiếu đế nhường ngôi cho ông ngoại là Hồ Quý Ly (vở kịch Đinh Tuệ/Lê Hoàn và Lý Chiêu hoàng/Trần Cảnh tái diễn).

Các đại thần trong triều như Thái bảo Trần nguyên Hãng, Thượng tướng quân Trần khát Chân cùng những người thân tín âm mưu lập đàn tế, mời Quý Ly tới hội để ám sát. Việc không thành vì thích khách thiếu quyết tâm.

Nhằm trấn áp mầm mống chống đối, Quý Ly tàn sát hơn 370 người liên can đến vụ này.

Tin dùng Quý Ly, Nghệ tông không hẳn là mù quáng.

Là người có tư tưởng cấp tiến, Quý Ly thực hiện những cải cách khiến Nghệ tông hài lòng, ban cho kiếm và cờ thêu hàng chữ "Văn võ toàn tài, Quân thần đồng đức".

Những chính sách cấp tiến của Quý Ly như sau:


  1. Cải cách ruộng đất: trừ các bậc đại vương và công chúa, không ai được sở hữu quá 10 mẫu ruộng, số ruộng dư bị truất hữu và được chia cho người không có ruộng và sung vào công điền. Cho phép hiến ruộng để chuộc tội. Đắp đê ngăn mặn để gia tăng đất canh tác.
  2. Lập kho lúa an toàn gọi là kho thương bình để phòng nạn đói do hạn hán, bão lụt gây nên.
  3. Lập quảng tế thự (tương tự chẩn y viện ngày nay) để chữa bệnh cho dân.
  4. Đặt học quan ở mỗi phủ và châu để lo việc giáo dục cho dân; trước đây việc giáo dục chỉ tới cấp lộ (lớn hơn tỉnh ngày nay).
    Các giáo thụ từ cấp lộ tới phủ châu được cấp từ 12 tới 15 mẫu ruộng , một ưu đãi vượt quá số mẫu quy định cho mỗi hộ dân.
    Cuộc cải tổ giáo dục này chứng tỏ Quý Ly chăm lo việc nâng cao dân trí.
  5. Cải tổ việc thi cử: trước đây khoa thi có 4 kỳ là kinh nghĩa; thi phú; chiếu, mô, biểu; văn sách; mỗi kỳ thi gọi là trường, nay thêm trường toán pháp.
    Chúng ta không biết toán pháp thời đó ra sao nhưng qua ca dao chúng ta biết có một bài toán ngày nay phải giải bằng phương trình bậc 1 của đại số học. Bài toán ra như sau:

    Vừa gà vừa chó 36 con
    Trói lại cho tròn, đếm đủ 100 chân.


    Câu hỏi là bao nhiêu gà, bao nhiêu chó ? (1)
  6. Mỗi xã phải giữ sổ hộ tịch ghi căn cước người trong xã từ 2 tuổi trở lên, mỗi năm phải đệ sổ lên quan trên kiểm soát.
    Đời Lý đã có lệ mỗi xã lập sổ trướng tịch ghi lý lịch mỗi người trong xã; phân loại: người đang làm quan, làm lính, hoàng nam (từ 18 tới 60 tuổi), lão nhiêu (trên 60 tuổi), tàn tật, ngụ cư, phiêu dạt (lánh nạn vì loạn lạc hoặc thiên tai). Đời Trần vẫn giữ lệ này nhưng Quý Ly đặt thêm lệ mới là ghi sổ từ khi mới 2 tuổi, xét ra gần giống với khai sinh ngày nay.
  7. Cải tổ việc tu hành ở chùa: nhằm ngăn chặn nạn vào chùa giả tu để trốn lính, luật mới chỉ cho tu sĩ từ 50 tuổi trở lên được miễn đi lính.
  8. Phát hành tiền giấy. Trước đây tiền đúc bằng đồng hoặc kẽm và chỉ có một mệnh giá là một đồng; 60 đồng là 1 tiền, 600 đồng là 1 quan.
    Mang một quan đi chợ người ta phải mang một xâu 600 đồng, rất bất tiện. Nay triều đình phát hành tiền giấy với nhiều mệnh giá khác nhau:
    • Mệnh giá 10 đồng vẽ rong biển.
    • Mệnh giá 30 đồng vẽ sóng nước.
    • Mệnh giá 1 tiền vẽ đám mây.
    • Mệnh giá 2 tiền vẽ con rùa.
    • Mệnh giá 3 tiền vẽ con lân.
    • Mệnh giá 5 tiền vẽ con phụng.
    • Mệnh giá 1 quan vẽ con rồng.

      Dân phải đem tiền kim loại đổi lấy tiền giấy . Tội tử hình cho những ai cất giấu và lén lút mua bán bằng tiền kim loại. Làm giả tiền giấy cũng bị tử hình.
  9. Lập chức Liêm phóng sứ ở mỗi lộ, có nhiệm vụ theo dõi hành vi của các quan lại và dân tình (tương tự cơ quan an ninh ngày nay).
  10. Thống nhất đơn vị đo lường, đo lại ruộng đất, đặt chức Giám thị kiểm soát giá cả.


Bản vẽ tiền Thông Bảp
Tiền Thánh nguyên Thông Bảo

Lên ngôi được một năm, Qúi Ly nhường ngôi cho con là Hán Thương để lên làm Thái thượng hoàng. Tuy nhiên mọi việc vẫn do Qúi Ly quyết định.

Quý Ly và Hán Thương lên ngôi không có danh hiệu nên các sử gia chỉ ghi tên.

Việc làm đầu tiên là cải tổ binh bị, gia tăng quân số, đóng chiến thuyền loại mới gọi là cổ lâu có 2 tầng (tầng trên để chiến đấu, tầng dưới là các tay chèo), lập 4 kho xưởng để sản xuất và tồn trữ quân khí.

Năm 1402 Quý Ly sai Đỗ Mãn đem quân sang đánh Chiêm thành. Vua Chiêm là Ba đích Lại cho sứ sang xin nhượng đất Chiêm động để bãi binh, nhưng Quý Ly đòi nhượng thêm đất Cổ lũy. Hai đất này được chia làm 4 châu: châu Thăng, châu Hoa, châu Tư và châu Nghĩa.

Đời Trần, Chế Mân dâng châu Ô và châu Lý, biên giới được nới rộng tới bắc Quảng nam.

Đời Hồ thêm Chiêm động và Cổ lũy, lãnh thổ được nối tiếp từ nam Quảng nam tới Quảng ngãi.

Khi Chế Mân nhượng châu Ô và châu Lý, người Chàm vẫn ở lại làm ăn và được tự trị, quan quân ta chỉ giữ an ninh và thu thuế.

Nhưng khi Ba đích Lại nhượng Chiêm động và Cổ lũy thì người Chàm bỏ đi, ruộng đất bỏ hoang. Quý Ly đưa những người nghèo và dân phiêu dạt vào khai khẩn. Di dân được cấp trâu bò; nhà giầu hiến trâu bò được phong phẩm tước.

Lần đầu tiên trong lịch sử, nước ta có chính sách đưa dân vào nước người để định cư (colonialism).

Năm 1404 Trần thiêm Bình tự xưng là con vua Nghệ tông, lén sang Tàu tố cáo với nhà Minh việc Quý Ly cướp ngôi nhà Trần.

Nhân vụ này nhà Minh đòi Quý Ly nhượng đất Lộc châu. Quý Ly trước còn từ chối sau đành cắt 59 thôn ở Cổ lâu nhượng cho Tàu.

Chưa thỏa lòng tham, nhà Minh vẫn khiển trách vụ cướp ngôi nhà Trần và cho người do thám địa thế nước ta.

Biết dã tâm của nhà Minh, Quý Ly cho đắp thành Đa bang (Sơn tây), đóng cọc gỗ ở sông Bạch hạc (sông Hồng), chia quân ra phòng thủ các nơi.

Năm 1406, tin lời Trần thiêm Bình rằng chỉ cần 5,000 quân là thắng nhà Hồ, nhà Minh sai đốc tướng Hàn Quan đem 5,000 quân đưa Thiêm Bình về nước.

Không ngờ bị quân nhà Hồ đánh bại tại Nam quan và chặn đường rút lui, Hàn Quan phải thương lượng trao trả Thiêm Bình để đổi lấy đường thoát về.

Thiêm Bình bị Hán Thương giết chết.

Biết nhà Minh chưa từ bỏ mộng bá quyền, Quý Ly tăng cường phòng thủ. Các cửa biển được đóng cừ để ngừa thủy quân của giặc xâm nhập. Nam ngạn sông Hồng cũng được đóng cừ suốt 700 dậm. Các công hầu được tuyển mộ lính để tự vệ và làm trừ bị cho quân của triều đình.

Quân Minh chia làm 2 đạo: một đạo do Trương Phụ xâm nhập ngả Nam quan, một đạo do Mộc Thạnh xâm nhập ngả Tuyên quang, 2 đạo gặp nhau tại Bạch hạc. Quân Minh viết hịch lên những mảnh ván, kể tội Quí Ly cướp ngôi nhà Trần và quân Minh chỉ sang diệt họ Hồ để lập lại nhà Trần. Hịch được thả trên sông Hồng, quan quân đọc được, nhiều người bỏ ngũ hoặc đầu hàng. Quân Minh đánh đâu thắng đó, quân nhà Hồ phải rút về thành Đa bang. Quân Minh dùng thang vân thê leo lên thành, quân Hồ buộc phải mở cửa thành cho voi ra phản công. Quân Minh trùm vải vẽ hình sư tử lên ngựa phóng tới, voi hoảng sợ quay đầu chạy trở vào. Thành bị địch tràn ngập, tàn quân Hồ phải rút về Hoàng giang (Hà nam).

Quân Minh thẳng đường tới Thăng long , vào thành cướp bóc và hãm hiếp phụ nữ.

Con trưởng của Quý Ly là Hồ nguyên Trừng trấn giữ Hoàng giang. Quân Minh kéo tới sông Mộc phàm hạ trại để chuẩn bị đánh Nguyên Trừng.

Không đợi giặc tới, Nguyên Trừng đem 300 chiến thuyền tiến đánh quân Minh ở Mộc phàm nhưng bị đánh bại phải rút về giữ cửa Đại an.

Quân Minh bị bệnh phải lui về bến Hàm tử.

Nguyên Trừng rước Quý Ly và Hán Thương từ Tây đô ra để cùng tiến quân thủy bộ trở lại Hoàng giang. Với quân số 7 vạn, quân Hồ theo dọc sông tiến lên Hàm tử. Nhưng vì thế yếu, quân bộ của họ Hồ bị đánh tan, thủy quân chạy thoát.

Quý Ly và Hán Thương đem thuộc hạ theo đường biển chạy vào Thanh hóa.

Trương Phụ biết Quý Ly sẽ chạy vào Nghệ an nên đem quân bộ đuổi theo.

Quý Ly cùng con cháu và các tướng thân cận bị bắt giải về Kim lăng. Quý Ly bị đày làm lính ở Quảng tây, Hán Thương cùng anh em và các tướng thân cận bị giam vào ngục, chỉ có các cháu được tha về. Riêng Hồ nguyên Trừng được trọng dụng vì có tài chế tạo súng.

Nhà Hồ chỉ trị vì được 7 năm (1400-1407).

Hồ Quý Ly tuy có tư tưởng cấp tiến nhưng chuyên chính (cướp ngôi và chuyên quyền) gây bất mãn trong hàng ngũ quan, quân và dân; do dó mất đoàn kết trong cuộc chống ngoại xâm.

Bùi Quý Chiến


THAM KHẢO

- Việt nam sử lược của Trần trọng Kim .
- Việt sử tân biên của Phạm văn Sơn .

CƯỚC CHÚ

(1) Có 2 cách giải:

- Cách 1: dùng x làm số lượng chó, số lượng chân chó là 4x. Số lượng gà là 36-x, số lượng chân gà là 2(36-x), ta có phương trình: 4x+2(36-x)=100
Giải phương trình này ta có x=14 con chó và từ đó ta có 36-14=22 con gà.

- Cách 2: dùng x làm số lượng gà, số lượng chân gà là 2x . Số lượng chó là 36-x, số lượng chân chó là 4(36-x), ta có phương trình: 2x+4(36-x)=100
Giải phương trình này ta có x=22 con gà và từ đó ta có 36-22=14 con chó.



Powered by Blogger.