Header Ads

Tìm Hiểu Truyện Kiều


Truyện Kiều của Nguyễn Du là một thi phẩm chữ Nôm tuyệt tác, có một không hai, trong lịch sử văn học của Việt Nam. Về nội dung, cụ Nguyễn Du đã dùng cốt chuyện không có gì đặc sắc, mà ông đọc được khi đi xứ bên Tàu, để viết thành một truyện thơ bằng tiếng Nôm, lồng vào đó tư tưởng của Nho Giáo và Phật Giáo, như Tam Cương Ngũ Thường và Nhân Quả.

Bởi Truyện Kiều được viết ở khoảng thời gian của chế độ Vua Quan, phong kiến, và đường lối giáo dục khoa bảng, chịu ảnh hưởng nặng nề văn hóa của Trung Hoa thời bấy giờ, nên chứa rất nhiều điển tích của Tàu. Đồng thời vì là thơ nên cũng bị gò bó trong niêm luật và vì thế phải dùng từ ngữ cổ xưa, địa phương, cũng như thuật đảo ngữ và lược ngữ. Thế cho nên có nhiều câu thơ trở nên khó hiểu hoặc, tùy người đọc, mỗi người hiểu ra một ý. Thế cho nên chúng ta vẫn thường đọc các bản Truyện Kiều Chú Giải, để may ra hiểu được ý nghĩa của những câu thơ khó hiểu như đã nói ở trên.

Với ý định tìm hiểu thêm về ý nghĩa của những câu thơ và điển tích trong Truyện Kiều, tác giả Ngô Minh Trực đã bỏ ra rất nhiều tháng năm để tham khảo sách vở và viết thành quyển sách biên khảo rất bề thế và công phu. Tuy nhiên, ông rất khiêm nhường gọi tên là "Tìm Hiểu Truyện Kiều" để phổ biến rộng rãi đến quần chúng. Điều đặc biệt nhất là ông đã tuyên bố không giữ bản quyền, xem như là một món quà văn hóa để lại cho hậu thế. Việc làm và tư cách của ông thật đáng khâm phục.

Trong trang đầu tiên, tác giả Ngô Minh Trực đã viết:

Đôi lời minh định :

Đáng lẽ tập tài liệu này không được ra đời...

Thật vậy, đầu tiên tôi chỉ muốn đọc Đoạn Trường Tân Thanh hay Truyện Kiều của Nguyễn Du cho qua thì giờ, để quên đi những buồn vui của cuộc đời và thứ đến cũng là cơ hội để học hiểu được tất cả các chữ dùng trong tập thơ này. Tôi đã từng nghe nói đến "Truyện Thúy Kiều chú giải" của ông Trần Trọng Kim, "Từ điển Truyện Kiều" của ông Đào Duy Anh, nhưng lúc đầu không tìm được hai tài liệu này nên đành phải tự mình tìm hiểu. Mãi về sau mới tìm được, nhưng quá trễ.

Điều ấy là một may mắn cho tôi, nó bắt buộc tôi phải tìm đọc, xem xét nhiều tài liệu cũng như nhiều từ điển khác nhau. Việc ấy đã giúp tôi mở mang một phần nào hiểu biết của mình về tiếng Việt. Tuy nhiên, cuối cùng Từ điển truyện Kiều của ông Đào Duy Anh cũng đã giúp rất nhiều trong việc bổ túc, sửa chữa, chỉnh đốn sự hiểu biết của tôi.

Trong công cuộc tìm hiểu, tôi đã nhận thấy rằng các từ điển, tài liệu và học giả không hiểu giống nhau. Do đó phải chấp nhận rằng không chỉ có một cách duy nhất để hiểu truyện Kiều. Trong nền văn học VN, có rất nhiều bài chú giải khác nhau. Thậm chí có nhiều tác giả tự cho mình hiểu đúng và chỉ trích (đôi khi một cách sai lầm và vô bằng chứng) tài liệu của các tác giả khác. Thật ra, nghĩ cho cùng chỉ có ông Nguyễn Du mới biết ông muốn nói gì.

Trong bài biên khảo, tác giả đã nhắc chúng ta rằng "Chỉ có chữ Nôm, chứ không có tiếng Nôm." Chữ Nôm được ông bà ta ghép một phần chữ Hán để diễn tả ý nghĩa và một phần để diễn tả âm để đọc thành tiếng Việt. Vì thế người Tàu không thể đọc được chữ Nôm.

Cũng bởi vì ghép âm để đọc, nên một chữ Nôm có thể có nhiều cách viết và cách đọc khác nhau. Ông Hoàng xuân Hãn đã có nhận định như sau: " ...có bản Nôm mà không biết đọc bản Nôm, nhiều khi đọc sai mất nghĩa hoặc không có ý nghĩa gì...".  Đã thế cách đọc chữ Nôm cũng có khi không thống nhất hoặc một chữ có thể có nhiều cách đọc, cách viết, nên có người nói rằng "chữ Nôm phải vừa đọc vừa đoán".

Tác giả đã đưa ra những thí dụ về cách viết, cách đọc, ngắt câu ... khiến ý nghĩa của câu thơ rất khác nhau. Đó là chưa nói đến những ấn bản khác nhau, đưa đến việc "Tam sao thất bản". Rồi đến khi chữ Nôm được chuyển qua chữ La-tinh (chữ Quốc Ngữ - chữ Việt ngày nay như quý vị đang đọc) thì lại khiến sự khác biệt càng nhiều hơn. Tác giả đưa ra một thí dụ đơn giản, trong câu:

"Hai kiều e lệ nép vào bên trong", 

với chữ Nôm thì không phân biệt chữ hoa hay chữ thường, thế cho nên khi viết bằng chữ Quốc Ngữ thì chữ "kiều" viết thường thì có nghĩa là người con gái xinh đẹp, còn viết hoa, "Kiều", thì lại là tên người. Ở đây, có thể chữ "kiều" viết thường để chỉ hai cô con gái xinh đẹp thì đúng hơn, vì một người là Thúy Vân, người kia là Thúy Kiều.

Chỉ cần đọc vài trang đầu của bài biên khảo, chúng ta cũng đã thấy công trình biên khảo to lớn và tỉ mỉ của tác giả, nói chi đến khi đọc hết 382 trang của quyển biên khảo này.

Đặc San Lâm Viên rất hãnh diện được tác giả Ngô Minh Trực chọn làm một trong những nơi để lưu trữ và phổ biến quyển sách biên khảo của ông. Toàn ban biên tập của Đặc San Lâm Viên xin gửi lời cảm ơn đến tác giả, và trang trọng giới thiệu đến qúy đọc giả tác phẩm "Tìm Hiểu Truyện Kiều" của tác giả Ngô Minh Trực.

Ban Biên Tập Đặc San Lâm Viên

Ghi chú:

Quý vị có thể đọc trực tiếp và download tác phẩm "Tìm Hiểu Truyện Kiều"  của Ngô Minh Trực trong Tủ Sách Lâm Viên:
http://www.dslamvien.com/p/tu-sach.html




Powered by Blogger.