Header Ads

Liên Xô Giúp Đảng Cộng Sản Trung Hoa

Tưởng Giới Thạch và Mao Trạch Đông trước ảnh của Tôn Dật Tiên - https://forum.paradoxplaza.com/forum/index.php?threads/the-sky-cannot-have-two-suns-a-kuomintang-republic-of-china-aar.788788/

Phạm Văn Tuấn

1/ Liên Xô chủ trương xây dựng phong trào Cộng Sản tại Trung Hoa.

Vào năm 1911, triều đình Nhà Thanh sụp đổ, nên đã tạo ra một khoảng trống chính trị tại Trung Hoa. Vào thời gian này, Thế Chiến Thứ Nhất đã khiến cho các thế lực tại châu Âu rút bớt chú ý và các năng lực ra khỏi châu Á đồng thời Nhật Bản trở thành sức mạnh bành trướng, đang tìm cách lấn chiếm nước Trung Hoa.

Ưu thế về sức mạnh của Nhật Bản tại Trung Hoa đã khiến cho Liên Xô ở vào vị thế thất lợi, vì thế ngay sau cuộc Cách Mạng Cộng Sản năm 1917, các nhà lãnh đạo Xô Viết phải tìm cách chặn đứng sự bành trướng kể trên. Các liên lạc đối ngoại cổ điển của nước Nga ngày trước, nay đã bị các người Bolsheviks thay đổi. Marx và Lenin đã khai triển các quan niệm về đấu tranh giai cấp, chủ nghĩa đế quốc, cách mạng thế giới..., vì thế các liên lạc quốc tế của Liên Xô đã không theo các con đường cũ, mà mở rộng, vừa theo đường lối ngoại giao cổ điển, vừa theo các phương tiện cách mạng không quy ước, để phục vụ cho quyền lợi của Liên Xô.

Tại nước Nga vào tháng 3 năm 1917, sau khi chế độ quân chủ tan rã, đã có hai cơ quan quyền lực: Chính Phủ Lâm Thời (the Provisional Government) gồm các nghị viên Duma trước kia, và các xô viết của công nhân, nông dân và quân đội, kiểm soát do nhóm Mensheviks của Đảng Lao Động Dân Chủ Xã Hội (the Social Democratic Labor Party). Lúc đầu, các người Bolsheviks tham gia vào các xô viết nhưng chưa kiểm soát được tổ chức này. Qua tháng 9/1917, họ đã đoạt đươc đa số và tạo nên được một lực lượng quân sự, gọi là Hồng Quân (the Red Guards), và lực lượng này đã là thành phần chính trong cuộc đảo chính vào ngày 25 tháng 10 (ngày 7 tháng 11 theo lịch mới). Dần dần, Lenin chỉ huy các người Bolsheviks để kiểm soát các xô viết và lập ra Đảng Cộng Sản.

Vào năm 1919, Tổ Chức Cộng Sản Quốc Tế, còn được gọi là Comintern, đã cho phép chính quyền cộng sản non trẻ các cách hành động uyển chuyển hơn. Các nhà lãnh đạo Bolsheviks muốn tổ chức cuộc cách mạng thế giới và các nhóm cấp tiến tại nhiều quốc gia đang tuyên bố hợp tác với chính quyền Xô Viết, đồng thời Cơ Quan Comintern theo đuổi mục tiêu tạo nên nhiều tổ chức cộng sản để phuc vụ cho ý muốn của Liên Xô.

Trong kỳ Đại Hội Đảng lần thứ hai vào tháng 8 năm 1920, các lãnh tụ cộng sản đã thảo luận về vấn đề làm sao phát triển cuộc cách mạng cộng sản tại Trung Hoa. Lúc bấy giờ có hai ý kiến chính. Ý kiến thứ nhất là của M. N. Roy, một người cộng sản gốc Ấn Độ. Roy cho rằng tình trạng xáo trộn tại Trung Hoa đã cho phép thành lập một phong trào cách mạng do người cộng sản dẫn đầu, đặt nền móng theo cách tổ chức xô viết. Trong khi đó, Lenin cho biết ý kiến thứ hai. Lenin không đồng ý về một phong trào cộng sản độc lập, được thiết lập lên tại Trung Hoa bởi vì cần phải có thời gian dài để giáo dục quần chúng, tổ chức đội ngũ cách mạng tiền phong... Nếu lập ra một tổ chức cách mạng cộng sản riêng thì tổ chức non trẻ này rất dễ bị tiêu diệt do các “đốc quân” (warlords), do các nhà cách mạng tư sản và các người theo đế quốc. Vì vậy Lenin cho rằng nên ủng hộ một nhóm cách mạng đang hiện hữu, tức là các nhà cách mạng quốc gia. Các đề nghị của Lenin đã thắng thế trong kỳ Đại Hội Đảng kể trên.

Sau khi các người Bolsheviks đồng ý về đề nghị của Lenin, vấn đề kế tiếp là Liên Xô nên chọn tổ chức cách mạng nào của Trung Hoa? Các tổ chức của đốc quân Ngô Bội Phu (Wu Peifu) và Phùng Ngọc Tường (Feng Yuxiang) đều bị coi là khó xâm nhập, trong khi đó tổ chức Quốc Dân Đảng của lãnh tụ Tôn Dật Tiên tại miền nam được coi là thích hợp nhất, bỏi vì Quốc Dân Đảng được nhiều người dân biết tới nhưng lại kém về tổ chức nội bộ, không có một lực lượng quân sự nào. Hơn nữa, ông Tôn Dật Tiên lại đề cao Chủ Nghĩa Tam Dân (Sam Min Chu Yi = the Three People’s Principles) không xung khắc nhiều với chủ nghĩa Bôn Xê Vích (Bolshevism).

2/ Liên Xô giúp đỡ Quốc Dân Đảng.

Sau các lần thương lượng giới hạn, Liên Xô đồng ý sẽ giúp đỡ lực lượng Quốc Dân Đảng để cân bằng với lực lượng hợp pháp đang chiếm giữ Bắc Kinh. Ngày 27/1/1923, thỏa ước Sun-Joffe (Tôn Dật Tiên và Adolf Joffe) đã được ký kết, với thâm ý của Liên Xô là sẽ ủng hộ các người cộng sản chiếm quyền từ bên trong của Quốc Dân Đảng.

Việc thành lập đảng Cộng Sản Trung Hoa đã được thực hiện không lâu sau Tổ Chức Cộng Sản Quốc Tế Comintern. Vào năm 1920, một số nhà cách mạng Trung Hoa sống gần các thành phố lớn hay các trường đại học đã trở nên các người theo chủ nghĩa Mác Xít: tại đại học Bắc Kinh có Trần Độc Tú (Chen Duxui) và Lý Đại Siêu (Li Dazhao), tại Trường Sa (Changsha) có Mao Trạch Đông (Mao Zedong).

Tới tháng 4/1920, Grigori Voitinsky đại diện cho bí thư Viễn Đông của Đệ Tam Quốc Tế (the Third Communist International = Comintern) tới Trung Hoa để tổ chức lại một đảng Lênin-nít có kỷ luật hơn. Kết quả là việc thành lập một ủy ban trung ương lâm thời có mục đích tuyên truyền các công nhân và sinh viên. Các nhóm học tập Mác Xít được tổ chức, kể cả nhóm của Mao Trạch Đông tai Trường Sa.

Vào tháng 7/1921, Đại Hội Thứ Nhất của Đảng Cộng Sản Trung Hoa họp tại Thượng Hải trong một trường nữ của khu nhượng địa thuộc Pháp. Đã có đại biểu của 6 nhóm Mác Xít tham dự, dù cho cả Trần Độc Tú và Lý Đại Siêu đều không có mặt. Đệ Tam Quốc Tế được đại diện bởi một cán bộ cộng sản gốc người Hòa Lan tên là Henry Sneevliet, bí danh Maring. Người ta không rõ trong dịp này đã có các quyết định nào ngoài việc Trần Độc Tú được cử làm Bí Thư và đảng Cộng Sản này liên lạc chặt chẽ với Đệ Tam Quốc Tế. Các biến cố về sau cho thấy đảng cộng sản này tập trung vào phong trào lao động và thanh niên, tìm cách tuyên truyền và khuấy động, chuyển dịch các tác phẩm của Karl Marx và V.I. Lenin sang tiếng Trung Hoa, phổ biến các tập sách mỏng để tuyên truyền...

Như vậy, Quốc Dân Đảng chỉ là một phương tiện dùng cho việc gây ảnh hưởng của Liên Xô tại Trung Hoa và các người cộng sản Trung Hoa được lệnh tham gia vào Quốc Dân Đảng với tính cách cá nhân. Khi thỏa ước Sun-Joffe được ký kết xong thì các người cộng sản Trung Hoa cũng tổ chức xong một bộ phận Bolshevik bên trong Quốc Dân Đảng.

Sự trợ giúp của Liên Xô dành cho Quốc Dân Đảng Trung Hoa được tập trung vào hai chương trình chính yếu: tổ chức lại đảng quốc gia này về chính trị và thiết lập nên một đạo quân quốc gia cách mạng.

Ảnh Mikhail Borodin thập niên 1920s
Vào tháng 10 năm 1923, Mikhail Borodin tới Trung Hoa để đại diện cho chính quyền Xô Viết rồi tới tháng giêng năm sau, ông ta đã giúp cho Quốc Dân Đảng viết lại hiến chương của đảng, cấu trúc lại Quốc Dân Đảng theo đường hướng “dân chủ tập trung” (democratic centralism). Đại Hội Quốc Dân Đảng lần thứ nhất họp vào tháng 1/1924 đã chính thức bao gồm bên trong đảng Cộng Sản Trung Hoa.

Vào tháng 5 năm 1924, do sự trợ giúp của Liên Xô, Học Viện Quân Sự Hoàng Phố (the Whampoa Military Academy) được thành lập tại phía nam của Quảng Châu, với người đứng đầu các cố vấn quân sự Liên Xô là Tướng Galen. Các sinh viên người Hoa đã dùng võ khí và quân trang, quân dụng của Liên Xô, đã được tập dượt theo phương pháp Xô Viết, kể cả cách dàn trận và tấn công. Chương trình huấn luyện gồm có môn kinh tế chính trị học, lý thuyết về chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa Tam Dân của ông Tôn Dật Tiên, lịch sử của nước Trung Hoa và lịch sử của phong trào cách mạng tại phương tây.

Học Viện Quân Sự Hoàng Phố, 1924, Quảng Châu
Điểm đặc biệt trong chương trình huấn luyện quân sự này là hệ thống chính ủy (a political commissar system), như vậy trong Quốc Dân Đảng Trung Hoa có hai hệ thống chỉ huy là chính trị và quân sự, với người chính ủy (ủy viên chính trị) có quyền hành cao hơn người chỉ huy quân sự.

Mặc dù Tướng Tưởng Giới Thạch (Chiang Kaishek) là chỉ huy trưởng của Học Viện Hoàng Phố, nhưng các người cộng sản đã tổ chức một bộ phận riêng về chính trị bên trong.

Chu Ân Lai (Zhou Enlai) trước kia đã từng là sinh viên du học tại Pháp và là một trong các người sáng lập ra đảng Cộng Sản Trung Hoa tại Pháp, được chỉ định làm chính ủy của Học Viện Hoàng Phố.

Các cố vấn Liên Xô cũng vui mừng về việc chọn lựa Tướng Tưởng Giới Thạch làm Chỉ Huy Trưởng Học Viện Quân Sự Hoàng Phố, bởi vì ông ta mới trở về Trung Hoa sau nhiều tháng quan sát và học hỏi tại Liên Xô.

Các võ khí Liên Xô đầu tiên tới Học Viện Hoàng Phố vào ngày 7 tháng 10 năm 1924 rồi sau đó còn có các chuyến cung cấp khác. Vào cuối năm 1924, lực lượng quân sự quốc gia Trung Hoa đã đánh tan các toán quân địa phương rồi vào tháng 7 năm sau, đã giúp công vào việc thành lập Chính Quyền Quốc Gia Trung Hoa.

Trong khi đó, số đảng viên cộng sản Trung Hoa cũng gia tăng rất nhanh, từ 50 người vào năm 1921 lên tới 12,000 đảng viên vào năm 1926. Trong kỳ Đại Hội Quốc Dân Đảng tổ chức vào tháng 1/1924, đã có 7 đảng viên cộng sản nằm trong Ủy Ban Trung Ương, và họ còn nắm giữ một số vị trí quan trọng khác, chẳng hạn như Phân Bộ Tổ Chức đứng đầu do một đảng viên cộng sản.

Qua kỳ Đại Hội Quốc Dân Đảng lần thứ hai họp vào tháng 1/1926, trong số 36 ủy viên trung ương, có 7 đảng viên cộng sản và 7 đảng viên khác ở chân dự khuyết, kể cả Mao Trạch Đông, và quan trọng hơn hết, trong số 9 ủy viên của Ủy Ban Chấp Hành Trung Ương, có 3 đảng viên cộng sản.

3/ Tướng Tưởng Giới Thạch và các cán bộ Cộng Sản.

Ảnh Tưởng Giới Thạnh thập niên 1920s
Lãnh tụ Tôn Dật Tiên và Tướng Tưởng Giới Thạch không phải là không biết lo ngại về sự bành trướng của số đảng viên cộng sản nằm bên trong Quốc Dân Đảng, nhưng họ đành phải chấp nhận các may rủi sẽ xẩy ra, bởi vì số lượng trợ giúp quân sự của Liên Xô rất lớn và quan trọng.

Cho tới tháng 2/1923, lãnh tụ Tôn Dật Tiên trở lại Quảng Châu với vài nhân viên cố vấn người Nga, để tổ chức lại quân đội, vị trí của ông vẫn còn yếu kém. Quốc Dân Đảng chỉ có vài ngàn đảng viên và chủ nghĩa Tam Dân của lãnh tụ Tôn chưa hấp dẫn được đa số quần chúng, thành phần quân sự của ông cũng chỉ gồm các nhóm quân lính kém huấn luyện, thiếu trang bị, chưa có một bộ chỉ huy trung ương. Phần căn bản tài chính cũng xấu bởi vì thiếu người hậu thuẫn, trong khi không có hy vọng thu thuế vì cấp chỉ huy không đủ cứng rắn tại miền căn cứ. Quốc Dân Đảng trong hoàn cảnh này đành phải nhờ vào người Nga giúp đỡ.

Khi lãnh tụ Tôn Dật Tiên qua đời vào ngày 12/3/1925, đã có cuộc tranh giành quyền kế vị giữa Tướng Tưởng Giới Thạch và ông Uông Tinh Vệ (Wang Jingwei). Người Nga đã ủng hộ ông Uông Tinh Vệ khiến cho Tướng Tưởng Giới Thạch phải tìm cách chống lại các cố vấn Liên Xô, nhất là sau khi các người cộng sản tìm cách bắt cóc ông Tưởng trên chiến thuyền Trung Sơn bỏ neo trên dòng sông gần Học Viện Hoàng Phố.

Vào tối ngày 19-20 tháng 3 năm 1926, các người dưới quyền của Tướng Tưởng Giới Thạch đã bắt giam 50 chính ủy, cầm giữ tất cả các cố vấn Xô Viết tại Quảng Đông, lục soát các bộ chỉ huy của Ủy Ban Đình Công Hồng Kông, tịch thu tất cả các võ khí tại các nơi kể trên, tước khí giới của nhóm “Bảo Vệ Công Nhân” (Workers’ Guards) bởi vì đây là một tổ chức trá hình của lực lượng quân sự cộng sản Trung Hoa.

Qua sáng ngày 20/3/1926, Tướng Tưởng Giới Thạch đã tước hết quyền lực của các người cộng sản dưới quyền, kiểm soát hầu như toàn bộ Lộ Quân Thứ Nhất (the First Army Corps).

Khi cuộc đảo chính kể trên diễn ra, cố vấn Liên Xô Borodin đang ở miền Tây Bắc để thảo luận với đốc quân Phùng Ngọc Tường về chương trình Bắc Phạt. Khi gặp Borodin, Tướng Tưởng Giới Thạch đòi hỏi cuộc Bắc Phạt phải khởi sự ngay tức khắc thì Borodin chấp nhận và hứa sẽ tiếp tục các viện trợ quân sự Liên Xô nhưng để trao đổi, Tướng Tưởng Giới Thạch phải thả hết các người cộng sản đã bị bắt giam.

Tướng Tưởng Giới Thạch muốn sớm khởi sự công cuộc Bắc Phạt bởi vì đây là cơ hội sẽ cho ông các ngân khoản và vật liệu từ các thương nhân và các kho hàng thuộc khu vực dòng sông Dương Tử (Yang Zi Jiang) và như vậy, ông sẽ không còn bị lệ thuộc vào các võ khí, tiền bạc và các cố vấn của Liên Xô.

Tướng Tưởng Giới Thạch bàn kế hoạch với Borodin và đã theo đề nghị của ông này nhưng sau khi ra quân vào ngày 1/7/1926, Tướng Tưởng Giới Thạch đã phái Tướng Hà Ứng Khâm (He Yingqin) đem Lộ Quân Thứ Nhất tiến về các thành phố ven biển của Phúc Kiến và Chiết Giang, để chiếm Nam Kinh và Thượng Hải.

Vào ngày 9/7/1926, Tướng Tưởng Giới Thạch được đề cử làm Tổng Tư Lệnh các lực lượng Bắc Phạt, rồi 3 ngày sau, lực lượng quân quốc gia này chiếm Tràng Sa và trong vòng một tháng, phá tan quân lính của đốc quân Ngô Bội Phu.

Borodin đang diễn thuyết tại Vũ Hán, 1927
Về cánh quân phía bên kia, Borodin và Ủy Ban Hành Pháp Quốc Dân Đảng tiến về thành phố Vũ Hán (Wu han) và khi nơi này đầu hàng, các người Quốc Dân Đảng khuynh tả đã kiểm soát kinh thành này. Tới đầu tháng 11/1926, lực lượng của Tướng Tưởng Giới Thạch mới chiếm được Nam Xương (Nan Chang).

Khi các đạo quân của Tướng Tưởng Giới Thạch tiến về phía đông, rất nhiều tư lệnh các lực lượng chống đối đã đầu hàng lực lượng Quốc Dân Đảng bởi vì các tướng lãnh này trước kia đã từng là bạn học quân sự với Tướng Tưởng Giới Thạch tại Trường Quân Sự Bảo Định (the Paoting Military Academy), và cũng bởi vì Tướng Tưởng Giới Thạch là Tổng Tư Lệnh, nên họ dễ dàng được chấp nhận vào hàng ngũ mới.

Vào cuối năm 1926, sau khi Tướng Tưởng Giới Thạch khai trừ các người cộng sản ra khỏi hàng ngũ của ông, lực lượng quân đội Quốc Dân Đảng đã tăng lên gấp 10 lần, nhưng cũng từ nay, bắt đầu cuộc rạn nứt trong Khối Quốc Dân Đảng, phái khuynh tả (theo cộng sản) đóng tại Vũ Hán, còn phái khuynh hữu tại Nam Xương. Mỗi phe phái tìm cách chiến thắng phe kia nhưng không phe nào thành công, trong khi đó tại Moscow, đã diễn ra cuộc tranh giành quyền lực giữa Stalin và Trotsky, rồi sau đó, chính sách của Liên Xô đối với Trung Hoa đã trở nên một vấn đề quan trọng.

Phạm Văn Tuấn

Tài liệu tham khảo: Wikipedia.org., Britannica Encyclopedia, China – A New History by John King Fairbank, Harvard Univ. Press, Mass. 1992.
Powered by Blogger.