Header Ads

Chiến Tranh Giành Ưu Thế hay Chiến Tranh Phủ Đầu


Thành ngữ Hoa Kỳ có câu “Attack is the best form of defence - Tấn công là phương pháp tốt nhất để phòng thủ." Thành ngữ Trung Hoa cũng có câu “Tiên hạ thủ vi cường - Xuống tay trước chiếm phần mạnh, đoạt ưu thế để thắng trận.” Trong quyển “The Prince - Hoàng Tử" Niccolò Machiavelli đã viết: “Một hoàng tử (vua, nhà lãnh đạo) nên chú tâm đến việc huấn luyện để trở thành một 'chuyên gia' trong chiến tranh, vì đó là 'nghệ thuật duy nhất' của cấp chỉ huy (nhà lãnh đạo)."

Một điều đáng chú ý là Binh Thư từ Đông sang Tây đều gọi chiến thuật và chiến lược là “Nghệ Thuật Chiến Tranh." Như thế cho thấy rằng sự hiểu biết về chiến tranh là một kiến thức sâu xa về nhiều phương diện để bảo vệ quốc gia hoặc chiến thắng đối phương, có thể bằng vũ lực, đàm phán ngoại giao, hay mưu lược. Khi chiến tranh không thể tránh được thì một chiến lược thường được áp dụng là “chiến tranh giành ưu thế” hay còn gọi là “chiến tranh phủ đầu."

Chiến tranh phủ đầu là một cuộc chiến nhằm mục đích đẩy lùi hoặc đánh bại một cuộc tấn công xâm lược sắp xảy ra, hoặc để đạt được một lợi thế chiến lược trong một cuộc chiến sắp xảy ra (được cho là không tránh khỏi) trước khi có cuộc tấn công thực sự của đối phương. Đó là một trận chiến đánh phủ đầu “phá vỡ hòa bình - breaks the peace.”

Từ ngữ "chiến tranh phủ đầu" đôi khi bị nhầm với từ ngữ "chiến tranh phòng ngừa." Sự khác biệt là một cuộc “chiến tranh phòng ngừa” được đưa ra để tiêu diệt mối đe dọa tiềm ẩn của đối phương, khi đối phương chưa có kế hoạch tấn công hoặc không có dấu hiệu chiến tranh sắp xảy ra. Trong khi đó, một cuộc "chiến tranh phủ đầu" được tiến hành trước nguy cơ đối phương sẽ khởi sự tấn công. Hầu hết các nhà nghiên cứu cho rằng “chiến tranh phòng ngừa” là cuộc chiến phòng ngừa kẻ xâm lược trong khi chưa có dấu hiệu là chắc chắn sự xâm lăng sẽ xảy ra, và như thế bị xem là bất hợp pháp. Bởi vậy "chiến tranh phủ đầu" ít bị chê trách hơn là “chiến tranh phòng ngừa.”

Khởi sự chiến tranh, bước đầu tiên để "phá vỡ hòa bình," khi chưa có “cuộc tấn công vũ trang” nào xảy ra, không được Hiến Chương Liên Hiệp Quốc (LHQ) cho phép, trừ khi Hội đồng Bảo an LHQ cho phép hành động. Một số bình luận gia cho rằng khi đối phương, dường như, đã chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc tấn công, nhưng chưa thực sự tấn công, thì cũng có thể được xem là cuộc tấn công đã thực sự bắt đầu, tuy nhiên quan điểm này không được LHQ tán thành.

Lý thuyết và thực hành của chiến tranh phủ đầu

Trước Đệ Nhất Thế Chiến

Ngay từ năm 1625, Hugo Grotius mô tả quyền tự vệ của một quốc gia bao gồm quyền ngăn chặn một cuộc tấn công bằng vũ lực. Năm 1685, chính phủ Scotland đã thực hiện một cuộc tấn công phủ đầu nhắm vào Clan Campbell, được gọi là Argyll Whigs. Năm 1837, một số tiền lệ pháp luật liên quan đến chiến tranh phòng ngừa được thành lập trong vụ Caroline khi lực lượng Anh ở Canada vượt qua biên giới Hoa Kỳ và đã giết chết một số phiến quân Canada cùng với một công dân Hoa Kỳ khi họ đang chuẩn bị một cuộc tấn công chống lại người Anh ở Canada. Hoa Kỳ bác bỏ căn bản pháp lý của vụ Caroline. Vào năm 1842, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Daniel Webster nói rằng sự cần thiết phải có phản ứng bằng vũ lực bắt buộc phải có những dấu hiệu như "nguy cơ tức thời, không thể chần chờ, không có phương thức nào khác, và không có thời gian để thảo luận." Phương thức đó là một phần của tiêu chuẩn cho vụ Caroline, đã "được trích dẫn rộng rãi và xem như phù hợp với tiêu chuẩn căn bản của luật pháp."

Đệ Nhất Thế Chiến (1914-1918)

Tổng tư lệnh Franz Conrad von Hötzendorf của đế quốc Áo-Hung (Austro-Hungarian) có ý định tấn công phủ đầu chống lại Serbia vào năm 1913. Bởi vì Serbia là điển hình của một sức mạnh hung hăng, đang bành trướng và được coi là mối đe dọa đối với Áo-Hung ở Bosnia và Herzegovina. Vụ ám sát hoàng tử Franz Ferdinand (tháng 6 năm 1914) của nước Áo đã là lý do cho Áo-Hung dùng để khai chiến, dẫn tới Thế Chiến Thứ Nhất.

Sự tàn phá và tốn kém của chiến tranh thế giới lần thứ nhất, lần đầu tiên trong lịch sử, với khái niệm "chiến tranh để kết thúc chiến tranh" bắt đầu được nghiên cứu một cách nghiêm túc. Để hy vọng tiến xa hơn về hòa bình, sau khi kết thúc chiến tranh, liên minh các quốc gia (Hội Quốc Liên) đã được thành lập. Mục đích chính là để ngăn ngừa chiến tranh, vì tất cả các bên ký kết đều phải đồng ý chấm dứt việc khai chiến, phủ đầu hay bất cứ lý do nào khác. Tất cả các quốc gia chiến thắng sau Đệ Nhất Thế Chiến đều đã ký kết thỏa thuận, ngoại trừ Hoa Kỳ.

Thời kỳ Hội Quốc Liên (1919-1939)

Trong thập niên 1920, Hội Quốc Liên (HQL) đã giải quyết được rất nhiều cuộc tranh chấp quốc tế một cách ôn hòa, và nhìn chung được coi là thành công trong mục đích chính của HQL. Chỉ trong thập niên 1930, hiệu quả của HQL trong việc ngăn ngừa các cuộc chiến bắt đầu có những nghi vấn. Những câu hỏi bắt đầu nảy sinh, lần đầu tiên vào năm 1931, cho rằng HQL không có khả năng ngăn chặn được sự xâm lăng của Nhật Bản ở Mãn Châu. Trong sự kiện Mukden, Nhật Bản tuyên bố họ chiến đấu trong “một cuộc chiến phòng vệ” ở Mãn Châu, cố gắng “ngăn cản” ý định hiếu chiến của Trung Hoa đối với Nhật Bản. Theo Nhật, người Trung Hoa đã bắt đầu cuộc chiến bằng cách phá hủy một tuyến đường sắt gần Mukden, Trung Hoa. Do đó, người Trung Hoa là những người xâm lăng, và người Nhật chỉ đơn thuần là "tự bảo vệ mình." Một bằng chứng nổi bật, sau đó, đã cho thấy rằng đường sắt thực sự đã bị phá hủy bởi các toán đặc nhiệm của Nhật Bản.

Năm 1933, sự bất lực của HQL đã trở nên rõ ràng hơn khi Nhật Bản và Đức tuyên bố rằng họ sẽ rút ra khỏi HQL. Ý nhanh chóng theo sau và rời HQL vào năm 1937. Ngay sau đó, Ý và Đức đã bắt đầu tham gia vào các chiến dịch quân sự được dự thảo để mở rộng biên giới hoặc mở rộng phạm vi kiểm soát quân sự của họ, và HQL đã được xem là không có khả năng ngăn chặn. Sự bất lực của HQL là một yếu tố góp phần, và sau cùng, đã dẫn đến sự bùng phát toàn bộ chiến tranh thế giới lần thứ nhì năm 1939. Sự bắt đầu của Đệ Nhị Thế Chiến thường được ghi kể từ ngày Đức xâm chiếm Ba Lan. Đáng chú ý là Đức đã tuyên bố vào thời điểm cuộc xâm chiếm Ba Lan trên thực tế chỉ là một cuộc "phòng thủ," vì đã bị một nhóm những kẻ phá hoại của Ba Lan tấn công, báo hiệu một cuộc xâm lăng lớn của Ba Lan vào nước Đức sẽ sớm được tiến hành. Do đó, Đức đã không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đánh phủ đầu Ba Lan để ngăn chặn các kế hoạch xâm chiếm nước Đức của Ba Lan. Sau đó người ta phát hiện ra rằng Đức đã ngụy tạo ra bằng chứng là những kẻ phá hoại của Ba Lan là một phần của sự biến động ở Gleiwitz.

Đệ Nhị Thế Chiến (1939-1945)

Một lần nữa, trong quá trình lan rộng của chiến tranh và thiệt hại quá nhiều nhân mạng trong Đệ Nhị Thế Chiến, bằng một cách nào đó, nìềm hy vọng thực sự chấm dứt chiến tranh (bao gồm cả chiến tranh phủ đầu) đã được thảo luận một cách rất nghiêm túc. Cuộc đối thoại cuối cùng đã dẫn đến việc tái lập tổ chức tiếp theo Hội Quốc Liên cũ, đó là Liên Hiệp Quốc (LHQ). Giống như Hội Quốc Liên, mục đích chính và hy vọng của Liên Hiệp Quốc là ngăn ngừa tất cả các cuộc chiến tranh (kể cả chiến tranh phủ đầu). Không giống như Hội Quốc Liên trước đây, LHQ có sự hỗ trợ của Hoa Kỳ.

Trong quá trình phân tích các yếu tố của Đệ Nhị Thế Chiến, nếu xem xét từng cuộc chiến riêng biệt, những cuộc tấn công khác nhau vào các quốc gia trung lập trước đó, có thể coi các cuộc tấn công vào Iran và Na Uy là những cuộc chiến tranh phủ đầu.

Trong trường hợp Na Uy, cuộc xâm lăng của Đức vào Na Uy năm 1940, trong các phiên tòa năm 1946 ở Nuremberg, các luật sư biện hộ cho Đức lập luận rằng Đức "bị buộc phải tấn công Na Uy do cần phải ngăn chặn cuộc xâm lược của đồng minh và hành động đó được xem là trận chiến phủ đầu." Các luật sư biện hộ cho Đức đề cập đến Kế hoạch R 4 (kế hoạch của Anh để xâm chiếm các quốc gia trung lập như Na Uy và Thụy Điển năm 1940) và những kế hoạch trước đó. Na Uy là địa thế quan trọng của Đức đó là đường vận chuyển quặng sắt từ Thụy Điển, một nguồn cung cấp mà Anh Quốc đã quyết định ngăn chặn. Một kế hoạch của Anh là đi qua Na Uy và chiếm các thành phố ở Thụy Điển. Một cuộc xâm lăng của quân Đồng Minh đã được ra lệnh vào ngày 12 tháng 3, và người Đức đã nghe lén được trên hệ thống truyền tin là ngày 14 tháng 3 là thời hạn chót của cuộc chuẩn bị. Hòa bình ở Phần Lan đã làm gián đoạn kế hoạch của Đồng Minh, nhưng Hitler đã cho rằng Đồng Minh vẫn có ý định tấn công, và đã ra lệnh khởi động kế hoạch Weseruebung - tên của kế hoạch tấn công Na Uy và Thụy Điển của quân đội Đức.

Các kế hoạch mới của Đồng Minh là Wilfred và R 4 (hai kế hoạch tấn công Na Uy và Thụy Điển của Hải Quân Anh). Kế hoạch này nhằm kích động phản ứng của Đức bằng cách đặt mìn trên vùng biển Na Uy, và một khi Đức đã có dấu hiệu hành động, quân đội Anh sẽ chiếm Narvik, Trondheim và Bergen và tiến hành một cuộc đột kích vào Stavanger để phá hủy sân bay Sola. Tuy nhiên, "mìn không được đặt cho đến sáng ngày 8 tháng 4, khi đó tàu của Đức đã tiến đến bờ biển Na Uy." Thế nhưng, Toà Án Quân Sự Quốc Tế tại Nuremberg đã quyết định rằng cuộc xâm chiếm của quân Đồng Minh không thực sự sắp xảy ra, và bác bỏ lập luận của Đức rằng Đức có lý do chính đáng để tấn công Na Uy.

Trong trường hợp của Iran, trong đó lực lượng Liên Xô và Anh tấn công phủ đầu quốc gia này, hay còn gọi là cuộc xâm chiếm Iran của Anglo-Soviet (Anglo-Soviet invasion of Persia) từ 25 tháng 8 đến 17 tháng 9 năm 1941.

Thời kỳ LHQ trước ngày 11 tháng 9 năm 2001 (1945-2001)

Do Thái (Israel) kết hợp chiến tranh phủ đầu trong chiến thuật của họ vì không có chiến lược lâu dài. Trong cuộc “Chiến Tranh Sáu Ngày,” bắt đầu khi Israel tấn công Ai Cập vào ngày 5 tháng 6 năm 1967, đã được mô tả rộng rãi như là một cuộc chiến tranh phòng thủ và, theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, "có lẽ là ví dụ được trích dẫn nhiều nhất về quyền tấn công phủ đầu." Một số khác lại gọi đây là cuộc chiến phòng ngừa. Theo quan điểm này, không một hành động riêng rẽ nào của Ai Cập có thể trở thành một cuộc tấn công có vũ trang, nhưng gộp chung lại các hành động đó của Ai Cập đã cho thấy rõ ràng rằng họ đang dự tính một cuộc tấn công vũ trang nhắm vào Do Thái. Một học giả cho rằng cuộc tấn công của Do Thái không được chấp thuận, chiếu theo phương thức Caroline, vì không có mối đe dọa ghê gớm đối với sự sống còn của quốc gia Do Thái.

Sau Ngày 11 Tháng 9 Năm 2001, Thời Kỳ của Tổng Thống Bush (2002-2008)

Học thuyết về chiến tranh giành ưu thế (đánh phủ đầu) đã đạt được tiếng vang mới sau cuộc tấn công Iraq của Hoa Kỳ. Chính quyền của tổng thống Bush đã đưa ra lý do chính về sự cần thiết phải can thiệp để ngăn Saddam Hussein sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt (weapons of mass destruction - WMD) trước khi tung ra một cuộc tấn công vũ trang. Vào lúc đó, các nhà hoạch định chính sách Mỹ cho biết WMD của Saddam có thể được trao cho các nhóm khủng bố và tuyên bố rằng đó là một nguy hiểm rất lớn về an ninh của quốc gia Hoa Kỳ. Ngay sau đó Quốc hội thông qua một nghị quyết chung vào tháng 10 năm 2002 cho phép Tổng thống sử dụng quân đội để chống lại chế độ Saddam Hussein. Tuy nhiên, sau đó người ta xác nhận rằng không có vũ khí hạt nhân hoặc khả năng vũ khí sinh học tồn tại và nghi ngờ của chính quyền Bush đã bị nhầm lẫn. Một số người đã đặt câu hỏi về ý định thực sự của chính quyền Bush nhằm tấn công Iraq, dựa trên quan điểm để trả đũa các vụ tấn công khủng bố diễn ra vào ngày 11 tháng 9 năm 2001. Hiện vẫn chưa rõ liệu cuộc xâm chiếm Iraq của Hoa Kỳ có hợp pháp hay không, và cùng lúc cuộc kháng chiến của Iraq chống lại cuộc tấn công là hợp lý hay không.

Các lập luận cho chiến tranh phủ đầu được thực hiện trong chính quyền Bush

Bốn điều kiện của Sofaer

Học giả Abraham D. Sofaer đã xác định bốn điều kiện then chốt để biện minh cho quyền tấn công giành ưu thế (tấn công phủ đầu):

  1. Bản chất và mức độ của mối đe dọa;
  2. Khả năng do mối đe dọa này sẽ được thực hiện trừ phi có hành động tấn công trước;
  3. Không còn lựa chọn nào khác để thay thế cho việc sử dụng vũ lực; và
  4. Việc tấn công phủ đầu phải phù hợp với các điều khoản và mục đích của Hiến Chương LHQ và các hiệp định quốc tế hiện hành khác.

Ba điều kiện của Walzer

Tương tự như bốn điều kiện của Sofaer, một chuyên gia về đạo đức, Michael Walzer (giáo sư của viện Đại Học Princeton, New Jersey), đã đưa ra ba điều kiện mà ông cho là phải thỏa mãn để biện minh cho cuộc tấn công phủ đầu:

  1. Rõ ràng là đối phương có chủ đích gây tổn hại cho ta;
  2. Việc chuẩn bị dùng biện pháp quân sự của đối phương làm tăng mức độ nguy hiểm của chủ đích; và
  3. Ta đang ở trong tình trạng phải hành động ngay lập tức vì có nguy cơ bị đánh bại nếu trì hoãn.

Phương thức chống lại việc phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt

Trước sự gia tăng về phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) của các quốc gia hay gây rối trên thế giới đã dẫn đến một cuộc tranh cãi bởi các học giả liên quan đến việc đánh phủ đầu. Họ lập luận rằng mối đe dọa không phải là "sắp xảy ra" theo nghĩa cổ điển mà là việc mua bán bất hợp pháp các loại vũ khí hủy diệt này của các quốc gia hay gây rối, với khả năng có thể sử dụng nó, tạo ra mối đe dọa thiết yếu đối với nền hòa bình và sự ổn định đủ để biện minh cho việc sử dụng chiến tranh đánh phủ đầu. Phó Tổng thư ký NATO chuyên về vũ khí hạt nhân, ông Guys Roberts đã trích dẫn cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, cuộc tấn công của Hoa Kỳ năm 1998 vào một nhà máy dược phẩm ở Sudan, và vụ tấn công vào năm 1981 của Israel vào cơ sở hạt nhân của Iraq tại Osirak là thí dụ về mô hình để chống lại sự phổ biến rộng rãi của vũ khí hủy diệt. Về vụ tấn công Osirak, Roberts lưu ý rằng vào thời điểm đó, một số luật gia lập luận ủng hộ cuộc tấn công của Israel, nhưng lưu ý thêm rằng "các sự kiện tiếp theo đã chứng minh được tính suy đoán của người Do Thái, và một số học giả đã khảo sát lại cuộc tấn công đó cho rằng đó là một minh chứng về quyền tự vệ." Sau cuộc xâm chiếm Iraq năm 2003 của Hoa Kỳ, lực lượng Hoa Kỳ thu thập được một số tài liệu mô tả các cuộc đối thoại mà Sadaam Hussein với những người thân cận. Những tài liệu và ghi âm của các cuộc họp xác nhận rằng Hussein đã thực sự nhắm tới việc tấn công Do Thái. Trong một cuộc thảo luận năm 1982, Hussein đã nói rằng, "Sự thành công của Iraq có nghĩa là, sẽ không có Israel." Về những người chống lại Iraq, Hussein nói "Về phương diện kỹ thuật, họ (Israel) rất đúng trong tất cả các nỗ lực để chống Iraq.”

Mục đích

Mục đích của tấn công phủ đầu là để đạt được ưu thế và để gây tổn hại cho kẻ thù trong lúc họ không phòng bị hoặc trong tình trạng sơ hở, thí dụ như khi đang di chuyển; tuy nhiên khái niệm chiến tranh phủ đầu có thể được sử dụng để khai chiến bằng cách tuyên bố rằng quốc gia sẽ sớm bị kẻ địch tấn công và do đó phải tự bảo vệ mình, bằng cách tấn công trước - đánh phủ đầu. Khái niệm này đang gây tranh cãi vì nó có thể được sử dụng như một sự biện minh để bắt đầu một cuộc chiến tranh chỉ dựa trên những lý do nghi ngờ hoặc mơ hồ, không chính xác.

Cho dù muốn gọi một cuộc tấn công bằng tên gì chăng nữa (trên phương diện chiến thuật và chiến lược) thì cũng không xảy ra nhiều tranh cãi, nhưng điều quan trọng là nó liên quan đến việc khởi đầu cho một cuộc chiến tranh.

Trong một nghiên cứu có tên là "Giải Thích Lý Thuyết Chiến Tranh" James Fearon đưa ra nhận xét rằng các quốc gia đã áp dụng việc tấn công phủ đầu để đạt được lợi thế và giải quyết bất đồng.  Khi một quốc gia khởi sự tấn công phủ đầu và tự tin rằng mình có khả năng chiến thắng cao, thì vấn đề thương lượng hòa bình của đối phương sẽ trở nên khó khăn hơn. Trong trường hợp cực đoan, nếu xác suất thắng trừ đi chi phí chiến tranh có thể xảy ra là đủ cao, thì không có kết quả hòa bình nào có thể thực hiện được.

Phương diện Pháp Lý

Điều 2, Mục 4 của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, nhìn chung, được coi là "luật quốc tế," cấm tất cả các thành viên của LHQ thực hiện việc "đe dọa hoặc dùng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào." Nhưng trong khuôn khổ hiện tại của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, trong câu "cuộc tấn công có vũ trang" của Điều 51, đưa ra lằn ranh phân biệt giữa việc sử dụng quân đội một cách hợp pháp hoặc bất hợp pháp. Một số học giả tin rằng nếu không có một cuộc tấn công nào của đối phương thì không có lý do nào được tự ý tấn công phủ đầu và gọi đó là “chiến tranh tự vệ." Hành động này được xem là bất hợp pháp theo Hiến Chương LHQ. Để được chứng minh là một hành động tự vệ, một cuộc tấn công phải có đủ hai điều kiện cần thiết để biện minh cho hành động:

  1. Mối đe dọa phải có thật, không được dựa trên những dự đoán.
  2. Sử dụng vũ lực tương đương với những thiệt hại mà địch thủ đã đe dọa.

Khi một cuộc tấn công vũ trang được coi là tự vệ có thể xảy ra, thông thường các quốc gia liên hệ có thể tránh chiến tranh bằng các biện pháp bất bạo động như đàm phán, rút ​​lui, hoặc kêu gọi các cơ quan có thẩm quyền cao hơn như LHQ đứng ra giải quyết.

Lâm Viên

Tham khảo:

Preemptive war
https://en.wikipedia.org/wiki/Preemptive_war

Just War Theory
http://www.iep.utm.edu/justwar/

Sun Tzu Said
https://suntzusaid.com/

Powered by Blogger.