Header Ads

Liệu Những Căn Cứ Quân Sự Của Trung Hoa Tại Biển Đông Còn Có Giá Trị?


Ảnh của Reuters

Khi thấy Trung Hoa ra sức xây dựng những căn cứ quân sự tại Biển Đông, hẳn đã có một số người Việt nghĩ rằng nhằm để bảo vệ quyền tự do hải hành của họ trong khu vực, Hoa Kỳ sẽ phải nhanh chóng có những "hành động thích nghi" đối với các căn cứ quân sự này. Do vậy, dù không làm gì cả, Việt Nam cũng sẽ đương nhiên được hưởng lợi! Thế nhưng, nhu cầu và những tính toán chiến lược của Hoa Kỳ tại Biển Đông không phải lúc nào cũng tương hợp với quyền lợi quốc gia của Việt Nam hay của các lân bang khác trong vùng.

Trên khía cạnh đó, chúng tôi xin giới thiệu đến quý độc giả phần chuyển ngữ của bài Are China's South China Sea Bases Pointless? (1) đăng trên National Interest ngày 18/02/18, nhìn về các đảo này thuần túy về mặt quân sự. Tác giả bài báo là Robert Farley.  Ông còn là tác giả của quyển The Battleship Book và là giảng viên cao cấp tại Trường Ngoại giao Patterson và Thương mại Quốc tế tại Đại học Kentucky. Công trình làm việc của Robert Farley bao gồm học thuyết quân sự, an ninh quốc gia, và các vấn đề hàng hải.

Trần Trung Tín chuyển ngữ

Các hòn đảo này của Biển Đông quả có một vài giá trị liên hệ tới quân sự (military relevance), nhưng điều đáng quan trọng hơn chính là một công bố chính trị (political claim) đối với các hải lộ và nguồn tài nguyên dưới đáy biển.

Trung Hoa đã xây dựng một số đảo nơi Biển Đông (South China Sea). Nhưng liệu họ có thể bảo vệ được các đảo đó không?

Trong Thế Chiến Thứ II, Nhật Bản đã nhận ra rằng việc kiểm soát được các hòn đảo đã đem lại một số lợi thế chiến lược, nhưng điều đó không đủ mạnh để buộc Hoa Kỳ phải triệt tiêu riêng rẽ từng hòn đảo một. Hơn nữa, về lâu về dài, các hòn đảo này đã trở thành một gánh nặng chiến lược, khi Nhật Bản phải khốn đốn trong việc cung cấp thực phẩm, nhiên liệu và trang bị. Các hòn đảo nơi Biển Đông có một vị trí thuận lợi cho Trung Hoa, nhưng liệu chúng có thực sự tiêu biểu như một tài sản có giá trị đối với quân đội Trung Hoa hay không? Câu trả lời là có, nhưng trong một cuộc xung đột thực sự, giá trị này sẽ nhanh chóng bị sút giảm.

Các Đơn Vị Đồn Trú (The Installations)

Trung Hoa đã thiết lập nhiều đơn vị quân sự đồn trú ở Biển Đông, chính yếu là ở quần đảo Trường Sa (Spratly) và Hoàng Sa (Paracel Islands). Tại Trường Sa, họ đã xây dựng các sân bay tại Subi, Mischief và Fiery Cross cùng với các hạ tầng cơ sở có tiềm năng được sử dụng cho hệ thống hỏa tiễn, radar và máy bay trực thăng ở một số đơn vị nhỏ hơn. Tại Hoàng Sa, Trung Hoa đã thiết lập một căn cứ quân sự quan trọng trên đảo Woody, cũng như có cơ sở vật chất cho radar và trực thăng ở nhiều khu vực khác. Trung Hoa tiếp tục công việc xây cất khắp khu vực, có nghĩa là họ có thể mở rộng sự hiện diện quân sự của họ trong tương lai. Tại các căn cứ lớn hơn (Subi, Mischief, Fiery Cross và Woody Island), có hạ tầng cơ sở cần thiết để quản lý (management) được các máy bay quân sự, bao gồm chiến đấu cơ và máy bay tuần thám lớn. Những hỏa tiễn, radar và máy bay này mở rộng tầm sát hại (lethal reach) của quân đội Trung Hoa ngang qua bề rộng của Biển Đông.

Hỏa Tiễn (Missiles)

Có nhiều đảo đã được dùng làm căn cứ cho các hệ thống SAM, surface-to-air missile - hỏa tiễn địa không, bao gồm cả loại HQ-9, có tầm bắn 125 dặm, và có lẽ sau cùng sẽ là loại hỏa tiễn S-400 của Nga và hỏa tiễn hành trình GLCM phóng đi từ mặt đất (GLCM: ground-launched cruise missiles). Những hỏa tiễn này sẽ làm Biển Đông trở nên nguy hiểm chết người đối với những tàu chiến và máy bay của Hoa Kỳ không có khả năng tàng hình, hoặc không được bảo vệ bởi hệ thống phòng không nhiều tầng (a layered air-defense system). Việc gắn các giàn phòng không SAM, được hỗ trợ thêm bởi các mạng radar, có thể rất hữu hiệu trong việc giới hạn khả năng xâm nhập của máy bay địch khi muốn tiến vào vùng cấm nếu các máy bay này không có sự yểm trợ đáng kể của chiến tranh điện tử (electronic-warfare assistance). Mặc dù không nhất thiết sẽ đạt được hiệu quả hữu hiệu hơn so với các hỏa tiễn được phóng đi từ tàu ngầm, chiến hạm hoặc máy bay, nhưng các giàn phóng hỏa tiễn hành trình GLCM có thể tăng cường thêm khả năng phòng thủ cho mạng lưới A2/AD (Anti-Access/Area Denial) (2) của Trung Hoa.

Nhưng làm thế nào các đơn vị hỏa tiễn trên sẽ tồn tại được trong cuộc xung đột, thì đó vẫn là một câu hỏi còn để ngỏ. Hỏa tiễn trên mặt đất có thể sống sót trong cuộc không tập (air attack) vì chúng có thể ẩn núp sau các ngọn đồi, rừng rậm và những chướng ngại thiên nhiên khác. Trên những hòn đảo nhân tạo của Trung Hoa, sẽ không có lớp che phủ hữu hiệu của thiên nhiên, và ngay cả các công sự phòng thủ kiên cố do con người tạo ra cũng không thể tồn tại nổi trước những cuộc tấn công liên tục. Hơn nữa, các giàn phóng hỏa tiễn bị lệ thuộc vào một mạng lưới tiếp vận mạnh mẽ để cung ứng nhiên liệu, năng lượng và đạn dược, vốn là những gì mà Trung Hoa không có thể cung cấp một cách đáng tin cậy trong một cuộc chiến tranh bắn phá (shooting war).

Bản đồ ghi nhận sự hiện diện quân sự của Trung Hoa tại quần đảo Hoàng Sa (The Paracel Islands)

Sân Bay (Airfields)

Bốn đơn vị quân sự lớn nhất đồn trú trên Biển Đông có nhiều cơ sở vật chất rất quy mô cho việc điều hành máy bay quân sự. Trong đó gồm có cả chiến đấu cơ cao cấp, nhưng quan trọng hơn cả là có các máy bay tuần tiễu, được trang bị các khí cụ chiến tranh điện tử và có thể phát giác địch từ xa. Khả năng sử dụng hữu hiệu các sân bay này sẽ mở rộng thêm tầm hoạt động của vòng đai phòng thủ A2/AD (2) của Trung Hoa, và từ đó các dữ kiện thu thập được về các mục tiêu đang bị nhắm bắn có thể được truyền đến các giàn phóng hỏa tiễn trên mặt biển và ngay tại Trung Hoa lục địa. Mặt khác, chính các chiến đấu cơ (xuất phát từ các sân bay này) sẽ làm cho vùng trời trên Biển Đông trở nên nguy hiểm chết người hơn, cũng như sẽ đe dọa các tàu bè của Hoa Kỳ với những hỏa tiễn hành trình xuất phát từ tầm xa.

Nhưng trong cuộc xung đột, thì sức chịu đựng bền bỉ của một sân bay còn tùy thuộc vào việc vật liệu và dụng cụ có sẵn để có thể sửa chữa ngay sau cuộc tấn công hay không. Sau khi có những cuộc không tập của Mỹ bằng hỏa tiễn và bom, không chắc là các hòn đảo mà Trung Hoa đã tạo ra ở Biển Đông sẽ còn đủ mạnh để tiếp tục hoạt động. Mặc dù các hòn đảo lớn hơn có các nơi trú ẩn cho máy bay, vấn đề còn lại là liệu những nơi trú ẩn đó có thể sống còn sau một cuộc tấn công phối hợp của Hoa Kỳ (concerted U.S. attack).

Các Giàn Radars (Radars)

Để hoạt động có hiệu quả, các hỏa tiễn SAM, GLCM và máy bay chiến đấu lệ thuộc rất nhiều vào các dữ kiện chính xác về các mục tiêu đang bị nhắm bắn. Sự đóng góp quan trọng nhất mà các đảo tại Biển Đông có thể đem đến cho quân đội Trung Hoa là những gì họ có thể tiếp nhận được từ các giàn radar mà Trung Hoa đã thiết lập trên nhiều hòn đảo. Trong khi đứng riêng ra, thì rất dễ bị triệt hạ, nhưng những giàn radar này đã giúp cung cấp cho Trung Hoa một bức ảnh đầy đủ về mặt chiến đấu trên không trung hơn là nếu họ không có các giàn này.  Kết hợp lại, thì những giàn radar này đã cải tiến thêm rất nhiều cho khả năng sát thủ (lethality) của các mạng lưới phòng thủ của Trung Hoa.

Dù nói như vậy, nhưng các radars này rất dễ bị thương tổn bởi các cuộc tấn công dưới nhiều hình thức khác nhau của Hoa Kỳ. Những cuộc tấn công này bao gồm các phương pháp động học như hỏa tiễn (phóng từ tàu ngầm, máy bay tàng hình hoặc các giàn phóng khác), chiến tranh điện tử (electronic warfare), các cuộc tấn công mạng (cyberattacks ) và ngay cả bị tấn công bởi các đơn vị của lực lượng đặc biệt. Trong một cuộc xung đột, Trung Hoa có thể dễ dàng bị mất đi khả năng khiển dụng (access) các mạng lưới radar đã thiết lập. Tuy nhiên, với một chi phí tương đối thấp, mạng lưới này đã tạo thêm nhiều khó khăn phức tạp cho quân đội Hoa Kỳ trong việc xâm nhập vào Biển Đông.

Tiếp Vận (Logistics)

Tất cả khả năng quân sự của Trung Hoa trên các hòn đảo tại Biển Đông lệ thuộc vào sự thông tin liên lạc được bảo mật với Trung Hoa lục địa. Đa số các hòn đảo do Trung Hoa xây dựng không thể yểm trợ việc tiếp vận quy mô cho các kho dự trữ, hoặc giữ cho các kho dự trữ này được an toàn khi bị tấn công. Trong một cuộc chiến tranh nổ súng, nhu cầu cung cấp nhiên liệu, dụng cụ và đạn dược cho các hòn đảo, sẽ nhanh chóng trở thành một gánh nặng cho các đơn vị vận tải của Trung Hoa. Giả sử rằng Hải quân Trung Hoa (PLAN) và Không quân Trung Hoa (PLAAF) sẽ không được lợi gì mấy trong việc theo đuổi các nỗ lực nguy hiểm và tốn kém để tái tiếp vận cho các hòn đảo này dưới hỏa lực của địch quân, thì giá trị quân sự của các hòn đảo này trên Biển Đông sẽ chỉ là một tài sản bị lãng phí trong một cuộc xung đột. Thật không may cho Trung Hoa, bản chất thực sự của chiến tranh trên đảo, và bản chất của các hệ thống đặc thù mà Trung Hoa đã quyết tâm hỗ trợ, sẽ đưa đến những khó khăn trong việc giữ cho các địa điểm trú đóng đó vẫn hoạt động được dưới bất cứ tình huống nào, ngoại trừ trong khoảng thời gian ngắn hạn.

Tàu Chiến đối với Pháo Đài (Ships vs. Forts)

Như Lord Horatio Nelson (Phó Đô Đốc của Hải quân Anh, lừng danh với những chiến thắng trong Chiến Tranh thời Napoleon I - Ghi chú của ND) đã từng nói, "một con tàu là một kẻ ngốc nghếch để chiến đấu với một pháo đài." Nhưng có những tình huống theo đó các tàu thuyền có lợi thế lớn hơn các pháo đài. Các hòn đảo của Trung Hoa trên Biển Đông không thể di động, và không đủ lớn để có thể che giấu phần lớn các thiết bị và vật liệu quân sự. Hoa Kỳ sẽ có thể vẽ ra một bản đồ quân sự với đầy đủ chi tiết của các địa điểm trú đóng trên từng hòn đảo trên Biển Đông, và sẽ có thể theo dõi sự vận chuyển các thiết bị quân sự đến các hòn đảo này. Điều này sẽ làm cho các hòn đảo trên rất dễ bị thương tổn nặng nề trước sự tấn công từ tàu chiến, tàu ngầm và máy bay vì hỏa tiễn sẽ dễ dàng bắn trúng các mục tiêu cố định so với việc nhắm bắn các mục tiêu di động mà mức độ chính xác phải tùy thuộc vào dữ kiện về tọa độ tức thời của mục tiêu đó (real-time targeting data).

Một bước tích cực cho Hoa Kỳ sẽ là đảo ngược lại quyết định "cho nghỉ hưu tại chỗ" Hệ thống Súng Cao cấp (the Advanced Gun System) trên khu trục hạm loại Zumwalt.  Cung cấp đạn cho khẩu súng này sẽ khiến cho Zumwalts có thể tấn công các địa điểm đồn trú trên đảo của Trung Hoa ở tầm xa, có khả năng gây ra thiệt hại nghiêm trọng, và thực tế là không thể sửa chữa được các thiệt hại đó với những tổn phí tương đối thấp. Còn nếu không, thì các hòn đảo này sẽ lãnh chịu các hỏa tiễn hành trình vốn có thể được sử dụng hiệu quả tại các mục tiêu khác đáng giá hơn.

Các hòn đảo này của Biển Đông quả có một vài giá trị liên hệ tới quân sự (military relevance), nhưng điều đáng quan trọng hơn chính là một công bố chính trị (political claim) đối với các hải lộ và nguồn tài nguyên dưới đáy biển.

Về mặt quân sự, những hòn đảo này tiêu biểu cho một lớp vỏ mỏng trên mặt của hệ thống phòng thủ A2/AD (2) của Trung Hoa. Dưới một số điều kiện nào đó, lớp vỏ này có thể làm gián đoạn sự tự do hành động (freedom of action) của Hoa Kỳ, nhưng Không quân và Hải quân Hoa Kỳ sẽ không có khó khăn gì khi cần phá vỡ lớp vỏ này.

Trần Trung Tín chuyển ngữ
                                                                                                                    Ngày 27 tháng 2, năm 2018

Chú thích của người dịch:
Powered by Blogger.