Header Ads

Lãnh Tụ Bắc Hàn Kim Jong Un: Một Bậc Thầy Mưu Sinh Thoát Hiểm?



Ngày 1 tháng 5, 2017, trong cuộc phỏng vấn dành cho Bloomberg News, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói rằng ông ta có thể gặp lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un trong những hoàn cảnh thích hợp (“under the right circumstances”).

Theo Andrei Lankow, giáo sư của Kookmin University tại Seoul, Nam Hàn, tác giả của bài báo “Kim Jong Un Is a Survivor, Not a Madman” đăng trên foreignpolicy.com ngày 26 tháng 4, 2017, thì hành động xem ra “điên rồ“ của Bắc Hàn và Kim Jong Un là một tính toán hữu lý để sống còn.  

Huỳnh Thạnh chuyển ngữ


Bất cứ chính sách nào muốn thành công cũng nên dựa trên sự hiểu biết rõ ràng phần logic của phía đối nghịch, chứ không phải cứ gạt bỏ điều đó ra ngoài chỉ vì nó xem ra "vô lý."

Mọi người đều thích nghĩ về Bắc Hàn như là kẻ điên khùng. Cứ hai lần một tuần lại đe dọa muốn nuốt gọn Hoa Kỳ trong ngọn lửa hạt nhân, nhà lãnh đạo của Bắc Hàn cũng tàn bạo xử tử các tướng lãnh của mình và ra lệnh giết người anh, và Bắc Hàn tiêu phí rất nhiều tiền của cho vũ khí hạt nhân trong khi lại gắn bó chặt chẽ với mô hình kinh tế thất bại. Những chuyện điên rồ của Bắc Hàn lúc nào cũng xuất hiện nơi hàng đầu các trang báo.

Vấn đề ở đây là không phải chỉ có giới truyền thông mới thích miêu tả Bình Nhưỡng và Kim Jong Un như những kẻ không hợp lý - mà các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ cũng có cung cách như vậy. Tháng 4, Dân biểu Hoa Kỳ Bradley Burne (R-Ala.) nói: "Tôi không tin rằng sự lãnh đạo ở Bắc Hàn là hợp lý. Làm thế nào để bạn đối phó được với kẻ không hợp lý?" Ông lặp lại những nhận xét trước đó của Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley, người đã nói, "Chúng ta không đang đối phó với một người có suy nghĩ thuận lý," kể từ đó, bà tuyên bố, họ Kim là một người "không có hành động hợp lý, người không có suy nghĩ rõ ràng."

Nếu dùng đó như là một hướng dẫn trong việc tìm hiểu Bắc Hàn, thì phân tích này đúng là sai lầm. Nếu dùng đó như là một hướng dẫn cho việc hoạch định chính sách đối với Bình Nhưỡng, thì chính sách đó có thể sẽ thê thảm. Đối với chúng ta khi nhìn vào từ bên ngoài, thì hệ thống của Bắc Hàn trông có vẻ quái dị, nhưng gia đình họ Kim là những kẻ sống sót cuối cùng trong chính trị, là những nhà duy lý cứng rắn mà hành động của họ luôn có một mục đích rõ ràng là giữ cho gia đình của họ nắm được quyền lực. Nhìn họ như những kẻ điên khùng không những là điều sai lầm, mà còn nguy hiểm; bất cứ chính sách nào muốn thành công cũng nên dựa trên sự hiểu biết rõ ràng phần logic của phía đối nghịch, chứ không phải cứ gạt bỏ điều đó ra ngoài chỉ vì nó xem ra "vô lý." Nhìn gia đình họ Kim như những kẻ điên cuồng với những vũ khí hạt nhân càng làm cho họ trở nên đáng sợ hơn, và càng làm tăng nguy cơ có chiến tranh, nhưng đồng thời cũng làm cho những kỳ vọng về chuyện thỏa hiệp trở nên không thực tế - chỉ nếu Bắc Hàn “trở lại tỉnh táo như bình thường” (“comes to its senses.”)

Lùi lại những năm trong thập niên 1980s, gia đình họ Kim đã bị cười chế nhạo ngay trong khối cộng sản như là hiện thân của một Stalin không lý trí. Họ bị chế giễu vì bám víu vào sự mê muội sùng bái (cult) cá nhân đã lỗi thời và nền kinh tế thất bại và đã có gợi ý cho họ rằng nên theo các nhà lãnh đạo năng động của Đông Âu, như nhà lãnh đạo cộng sản cải cách Karoly Grosz của Hungary. Ngày nay, những nhà lãnh đạo này đang ở trong thùng rác của lịch sử - bị lật đổ, thất sủng và lãng quên - trong khi dòng họ Kim vẫn còn ung dung nắm giữ không những quyền lực mà còn là sự xa xỉ đi kèm và vẫn duy trì được hoàn toàn sự kiểm soát đất nước của họ.

Chắc chắn là 25 năm vừa qua đã không dễ dàng gì cho Bắc Hàn. Chế độ họ Kim đã phải gánh chịu một nạn đói to lớn gây ra đau khổ cho công chúng, rồi đến sự mất mát tất cả các đồng minh quốc tế, ngoại trừ một Trung Hoa ngày càng miễn cưỡng, và đối đầu với siêu cường duy nhất của thế giới. Nhưng khi gia đình họ Kim đã quản nhiệm được sự thành đạt như ghi trên, thì điều đó đáng nên được xem như là một dấu hiệu của sự cam kết vừa hợp lý và vừa tàn nhẫn của họ.

Ngày nay, Kim Jong Un đang nắm quyền kiểm soát, và cũng như ông và cha của ông ta trước đây, trong dài hạn Kim Jong Un có một nhiệm vụ là phải bảo đảm sự tồn vong của chế độ dưới sự kiểm soát của chính ông ta và kế đó là người kế thừa của dòng họ. Có ba mối đe doạ chính đối với điều đó - những trở ngại mà căn cứ theo chính sách, Kim Jong Un không những đã nhận ra được mà còn đang làm việc một cách có phương pháp để vô hiệu hóa chúng.

Mối đe doạ đầu tiên là cuộc tấn công của nước ngoài, đó là điều chắc chắn làm họ Kim mất ngủ, giống như người cha. Điều này nghe ra có vẻ hoang tưởng. Nhưng khi có kẻ lạ thực sự tìm cách giết bạn, thì đó không phải là sự hoang tưởng. Hãy nhìn vào số phận của Saddam Hussein, hoặc các nhà lãnh đạo Taliban của Afghanistan, họ đã có lần liên tục bị các giới chức Mỹ xếp loại cùng với Bình Nhưỡng. Nhưng chính phần số đáng tiếc của nhà lãnh đạo Libya Muammar al-Qaddafi đã dạy cho gia đình họ Kim một bài học cứng rắn nhất. Năm 2003, nhân vật cứng cỏi này của Libya đã đồng ý từ bỏ hẳn chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của ông ta để đánh đổi lấy những lợi ích kinh tế hào phóng được phương Tây hứa hẹn - lần đầu tiên một thỏa thuận như vậy đã được ký kết bởi một quốc gia trước đây là thù địch với Hoa Kỳ.

Nhưng khi cuộc cách mạng bùng nổ ra ở Libya trong năm 2011, chính không phận cấm bay (no-fly zone) của NATO đã giết chết chế độ của Qaddafi. Câu chuyện đó chấm dứt bằng việc xác chết Qaddafi bị cột ngang vào một chiếc xe hơi.

Từ thập kỷ trước đây, các nhà ngoại giao và nhà báo Hoa Kỳ, lúc đó rất nhiệt tình về việc thỏa thuận giải trừ vũ khí hạt nhân của Libya, thường nói rằng các nhà lãnh đạo Bắc Hàn "nên học những bài học của Libya." Và chắc chắn là Bắc Hàn đã học kỹ bài học này, nhưng họ rút ra kết luận rất khác.

Không có một quyền lực to lớn nào lại sẽ liều lĩnh tấn công vào một quốc gia có vũ khí hạt nhân hoặc muốn nhúng tay vào những cuộc xung đột nội bộ của quốc gia đó - nhất là nếu quốc gia đó có hệ thống phân phối và khả năng tấn công lần thứ hai.

Kim Jong Un xem chương trình hạt nhân thuần là để phòng thủ. Tóm thâu được Nam Hàn sẽ là điều tốt đẹp trên mặt lý thuyết, nhưng việc này hoàn toàn ngoài tầm tay của ông ta, vì Mỹ cam kết bảo vệ Nam Hàn và cũng vì Nam Hàn có lợi thế lớn hơn về năng lực kinh tế và kỹ thuật. Kim Jong Un biết rằng bất cứ cuộc tấn công nào của Bắc Hàn nhằm vào Nam Hàn hay Hoa Kỳ đều sẽ kết thúc tệ hại, có thể làm ông ta mất mạng và chắc chắn Kim Jong Un không phải là kẻ muốn tự sát. Tuy nhiên, họ Kim cũng cho rằng không có một quyền lực to lớn nào lại sẽ liều lĩnh tấn công vào một quốc gia có vũ khí hạt nhân hoặc muốn nhúng tay vào những cuộc xung đột nội bộ của quốc gia đó - nhất là nếu quốc gia đó có hệ thống phân phối và khả năng tấn công lần thứ hai.

Và như vậy các nhà lãnh đạo Bắc Hàn quyết tâm bám lấy sự phát triển hạt nhân của họ, và xem vũ khí hạt nhân là điều bảo đảm chính yếu cho an ninh của họ. Không có áp lực dưới bất cứ hình thức nào có thể thuyết phục họ lay chuyển được điều này, không có lời hứa nào sẽ dụ dỗ được họ để tuân theo; họ tin rằng nếu không có vũ khí hạt nhân thì dù có sống, thì họ cũng coi như đã chết. Đó là thảm hoạ cho khu vực, nhưng đó là một sự lựa chọn hoàn toàn hợp lý của gia đình họ Kim.

Trong khi chương trình hạt nhân của Bắc Hàn là để phòng thủ, nhưng vẫn là một điều có ý nghĩa để nhắc nhở thế giới về sự hiện hữu của nó và dùng cái mà Tổng thống Richard Nixon đã từng miêu tả là "chiến lược người điên," (“madman strategy”), nghĩa là để cho đối thủ của mình nhìn mình là phi lý, dễ đổi ý và sẵn sàng không quan tâm đến tổn phí. Đó là lý do tại sao tuyên truyền của Bắc Hàn sử dụng ngôn ngữ đầy màu sắc dữ dội. Khi truyền hình Bắc Hàn hứa hẹn "làm cho Seoul đi vào biển lửa," hoặc đe doạ tấn công nguyên tử vào Canberra, hoặc cho thấy Kim Jong Un trước bản đồ Hoa Kỳ với các thành phố được đánh dấu là mục tiêu của cuộc tấn công hạt nhân, là họ đang gửi đi thông điệp: "chúng tôi ở đây, chúng tôi đang căng thẳng, và sẽ không có gì ngăn cản chúng tôi sẽ xuống tay tới cùng nếu đối thủ của chúng tôi làm điều gì đó đe dọa."

Không có vũ khí hạt nhân trong tay, gia đình họ Kim sợ hãi một cuộc tấn công trực tiếp của Hoa Kỳ - nhưng họ cũng còn sợ người Mỹ và Tàu can thiệp vào cuộc nổi dậy bên trong của người Đại Hàn.

Không có vũ khí hạt nhân trong tay, gia đình họ Kim sợ hãi một cuộc tấn công trực tiếp của Hoa Kỳ - nhưng họ cũng còn sợ người Mỹ và Tàu can thiệp vào cuộc nổi dậy bên trong của người Đại Hàn. Họ đã nhìn thấy những gì đã xảy ra ở Libya khi các cường quốc nước ngoài đưa ra một vùng cấm bay (no-fly zone) và bảo đảm chiến thắng của quân nổi dậy. Họ nhớ rằng vào năm 1956, Trung Hoa, cùng với Nga, đã ủng hộ một âm mưu, nhưng bị thất bại, nhằm mục đích loại bỏ Kim Il Sung, ông nội của nhà lãnh đạo tối cao hiện nay, ra khỏi quyền lực.

Những chính sách có bề ngoài phi lý khác của họ Kim cũng phải nên được coi là có tính chất phòng thủ. Nhưng cuối cùng thì vũ khí hạt nhân vẫn chưa đủ để bảo vệ chế độ. Chúng có thể ngăn chặn sự xâm lược quốc tế, thí dụ vậy, nhưng chúng không loại bỏ được nguy cơ đáng kể của một cuộc đảo chính quân sự trong nước. Kim Jong Un còn trẻ, và có lý do chính đáng để nghi ngờ các tướng lãnh dưới quyền nuôi dưỡng những cảm giác không tốt về ông ta, vì tuổi của Kim Jong Un trẻ đến mức phải phát ngượng và thiếu kinh nghiệm. (Kim Jong Un được chỉ định làm người kế vị một năm trước khi người cha của ông chết bất thình lình, và lúc đó thì không ai biết ông này là ai.) Chắc chắn là họ Kim hiểu được rằng những cuộc đảo chánh trong các chế độ phi dân chủ là khá phổ biến, và khá thành công; theo một nghiên cứu gần đây, 227 trong số 457 cuộc đảo chính trên toàn thế giới giữa năm 1950-2010 đã thành công. Hai trong số những cuộc đảo chánh thành công đó diễn ra trong một quốc gia mà Bình Nhưỡng lưu ý theo dõi nhất, đó là Nam Hàn.

Họ Kim dường như tin rằng khủng bố là phương cách đáng tin cậy nhất để ngăn ngừa đảo chánh. Quy luật của ông ta đã được đánh dấu bởi các cuộc thanh trừng chưa từng thấy trong quân đội và cảnh sát. Những tướng lãnh danh tiếng đang thay nhau biến mất, và một số cấp chỉ huy đứng đầu, kể luôn một tổng tham mưu trưởng, cũng như bộ trưởng bộ quốc phòng, đã bị xử tử.

Gần đây, vụ ám sát Kim Jong Nam, người anh cùng cha khác mẹ của Kim Jong Il, cũng phù hợp với khuôn mẫu của sự khủng bố có chọn lựa này. Kim Jong Un quyết tâm tiêu diệt bất cứ ai có thể trở thành tụ điểm của sự bất mãn của giới đứng đầu trong chế độ. Là người trực ngôn và sống đằng sau sự kiểm soát của Kim Jong Un, Kim Jong Nam là một mối đe dọa. Vì cùng mang họ Kim, Kim Jong Nam có thể sẽ trở thành một minh chúa bù  nhìn (figurehead) đứng đầu một số âm mưu, bởi vì dưới mắt nhìn của nhiều người Bắc Hàn, Kim Jong Nam có mang trong người ít nhiều sự chính thống và hào quang huyền diệu của gia đình họ Kim. Lại càng nguy hại thêm, khi Kim Jong Nam được bảo vệ bởi Trung Hoa - vốn là một quốc gia mà Kim Jong Un không tin tưởng và xem như là một tiềm năng bảo trợ sự bất mãn của tầng lớp ưu tú tại Bắc Hàn.

Điểm muốn nói ở đây là Kim Jong Un không đang giám sát một thời kỳ khủng bố phi lý. Không có dấu hiệu nào cho thấy người dân trung bình của Bắc Hàn đang phải đối mặt với nguy cơ bị bắt vì tội phạm chính trị. Số lượng tù nhân chính trị vẫn còn quá cao, nhưng con số đó không thay đổi nhiều dưới thời Kim Jong Un - và nó thấp hơn một mức đáng kể so với thời của người ông nội. Đáng chú ý là các cuộc thanh trừng chỉ nhắm vào các cấp chỉ huy quân đội và an ninh - "những thành phần có súng" - trong khi các nhà quản lý hàng đầu của nền kinh tế cho đến nay vẫn an toàn.

Nói cách khác, Kim Jong Un đã tung ra khủng bố nhằm vào nhóm mà có thể có đủ cả lý do và phương tiện để thay thế ông ta. Sự việc khủng bố đó có thể là quá đáng, và chắc chắn là tàn bạo, nhưng không có gì là không hợp lý về điều này - đặc biệt là trong trường hợp của một cuộc đảo chính thành công, Kim Jong Un sẽ là kẻ đầu tiên bị đứng trước bức tường để bị xử bắn.
Nhưng người đem họ Kim xuống có thể không phải là các tướng lãnh. Mối đe dọa thứ ba là cuộc nổi dậy của dân chúng.

Nhưng người đem họ Kim xuống có thể không phải là các tướng lãnh. Mối đe dọa thứ ba là cuộc nổi dậy của dân chúng. Chỉ có một vấn đề to lớn nhất của Bắc Hàn là nền kinh tế trì trệ của nó. Trong thập niên 1940s, Bắc Hàn là khu vực kỹ nghệ tiến bộ nhất ở Đông Á ngoài Nhật Bản, nhưng cả nhiều thập kỷ với sự quản trị yếu kém đã biến nó trở nên thành vô dụng (basket case). Khoảng cách thu nhập mỗi đầu người giữa Bắc và Nam Hàn lớn hơn bất cứ giữa hai quốc gia nào khác có cùng biên giới đất liền; tỉ lệ này ở đâu đó trong khoảng giữa 1:14 và 1:40. Ngược lại, khoảng cách giữa Đông và Tây Đức là giữa 1: 2 và 1: 3.

Khoảng cách khổng lồ này tạo ra một chướng ngại chính trị to lớn cho bất cứ một nỗ lực cải cách kinh tế sâu rộng nào theo kiểu Trung Hoa. Chế độ của Trung Hoa may mắn không phải đối mặt với một người anh em tư bản song sinh to lớn và thịnh vượng đang sống trong khu vực cũng là dân chủ; Đài Loan thì quá nhỏ để có thể gây ra bất kỳ mối đe dọa nào về chuyện lật đổ. Ở Bắc Hàn, nỗ lực mô phỏng "chính sách cải cách và cởi mở" (“reforms and openness”) của Trung Hoa có thể làm cho dân chúng, hiện đang ít nhiều bị cô lập với thế giới bên ngoài, nhận thức sâu sắc về sự giàu có không thể tin nổi của Nam Hàn, và sẽ ít sợ hãi chính quyền của họ hơn. Những người dân thường rất dễ đổ lỗi cho gia đình họ Kim trong nhiều thập niên đã quản lý kinh tế yếu kém và rồi họ bắt đầu mơ ước về một sự thống nhất nhanh chóng với Nam Hàn do Seoul dẫn đầu như là một cách để giải quyết mọi vấn đề chỉ trong một đêm. Kết quả là, ở Bắc Hàn, bất kỳ nỗ lực chuyển đổi sang chủ nghĩa tư bản khó có thể mang lại một sự nổ bùng về kinh tế theo kiểu Trung Hoa, nhưng thực ra lại kích động để đưa đến một sự sụp đổ chính trị theo kiểu ở Đông Đức, tiếp đó là việc nhà nước bị thu hút bởi miền Nam chiến thắng (và tầng lớp thượng tầng ưu tú hiện tại sẽ trở nên hoàn toàn vô giá trị, nếu họ còn sống sót).

Ông Kim Jong Il đã quá cố, cha của nhà cai trị đương thời, đã nhận thức rõ về mối đe dọa này và đã tránh né những cải cách mặc dù hệ thống Stalinist cũ đã sụp đổ, nhưng nền kinh tế thị trường của Bắc Hàn vẫn chưa bắt đầu phát triển. Đến cuối thời của ông ta, các doanh nghiệp tư nhân - đúng nguyên tắc thì bất hợp pháp nhưng vẫn được dung thứ - được ước tính đã sản xuất từ 25% đến 40% tổng sản lượng (GDP) của cả nước. Có lẽ sợ rằng về lâu dài một đột phá của "chủ nghĩa tư bản tự phát từ bên dưới" sẽ làm ruỗng nát thẩm quyền của ông ta, Kim Jong Un đã có một cách giải quyết khác. Từ năm 2012 đến năm 2014, ông ta bắt đầu đưa ra các chính sách gia tăng rất giống như những gì Trung Hoa đã làm vào đầu thập niên 1980s.

Nông nghiệp đã phần lớn được chuyển sang hệ thống lấy gia đình làm nền móng, và nông dân được phép giữ lại hầu hết mùa màng sau khi đã đóng thuế bằng hiện vật (hay dịch vụ, in-kind tax) (không quá 35 phần trăm). Các nhà quản lý kỹ nghệ đã được cho quyền tự do kinh doanh nhiều hơn, bao gồm cả quyền mua và bán theo giá thị trường, và thuê và sa thải nhân viên. Các doanh nhân tư nhân và các nhà buôn bán trên thị trường chợ đen, một số người đã tích lũy tài sản tính bằng hàng trăm nghìn hoặc ngay cả hàng triệu đô la Mỹ, không còn bị quấy rầy, nhưng được khuyến khích đầu tư, thường hợp tác với các cơ quan nhà nước.

Chính sách này đã dẫn đến sự phục hồi kinh tế: Trong khi có một số bất đồng, hầu hết các chuyên gia tin rằng sự tăng trưởng của tổng sản lượng (GDP) hàng năm của Bắc Hàn trong những năm gần đây đã được khoảng 3 phần trăm hoặc ngay cả cao hơn. Thời kỳ đói kém đã qua, và mức sống đang phát triển nhanh chóng trên khắp quốc gia - không chỉ ở Bình Nhưỡng, như một số tuyên bố. Tiền từ phía tư nhân đang đẩy mạnh sự bùng nổ trong ngành xây cất, trong khi các cửa hiệu và nhà hàng thì đông đúc với những người giàu có mới - và lưu thông, một vấn đề mà trước đây ít khi nhìn thấy được tại thủ đô, thì bây giờ đôi khi thực sự là một vấn đề.

Nhưng những cải cách theo định hướng thị trường này không đi kèm với tự do hóa chính trị. Trong văn hoá và ý thức hệ, "chủ nghĩa Stalin hóa đã được quốc hữu hóa" (“nationalized Stalinism”) chiếm giữ ưu thế, và tính ra cho đến nay Bắc Hàn có tỉ lệ giam giữ tội phạm chính trị cao nhất thế giới - khoảng 80,000 tù nhân chính trị trong một dân số chỉ có 25 triệu người. Kim Jong Un giả định rằng một số kết hợp của sự tăng trưởng kinh tế được giám sát chặt chẽ sẽ giữ dân chúng của ông ta được ngoan ngoãn. Đây có thể là một giả định sai lầm cuối cùng, nhưng nó là một giả thuyết hợp lý; Cuối cùng, gần như tất cả những người sáng lập "chế độ độc tài phát triển" (“developmental dictatorships”) của Đông Á - từ Đặng Tiểu Bình và Tưởng Giới Thạch của Đài Loan cho tới Lý Quang Diệu của Singapore - đã chết trên giường của họ, được ngưỡng mộ bởi nhiều đồng bào của họ.

Cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân có thể khiêu khích Hoa Kỳ ra tay tấn công triệt hạ trước.
Liệu chính sách của Kim Jong Un - hợp lý nếu đôi khi tàn bạo, cuối cùng sẽ thành công trong việc giữ gìn cho chế độ được ổn định trong thời gian dài? Hầu hết các chính sách của ông ta vốn sẵn có rủi ro; Cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân có thể khiêu khích Hoa Kỳ ra tay tấn công triệt hạ trước, việc đối xử tồi tệ với các tướng lãnh càng làm họ có khuynh hướng muốn bắt đầu âm mưu tạo phản, và những cải cách kinh tế có thể thả lỏng cho các lực lượng xã hội vượt ra ngoài sự kiểm soát của họ Kim. Nhưng rủi ro đó không phải là không hợp lý. Cho đến nay, các chính sách này đã có hiệu quả và, trong tình trạng mà lãnh đạo Bắc Hàn đang nhìn thấy họ ở trong đó, thì bất kỳ sự thay thế nào cũng sẽ trở nên nguy hiểm hơn. Những chính sách này rất có thể có hiệu quả, có nghĩa là thế giới sẽ phải sống với chế độ gia đình họ Kim trong một thời gian dài sắp tới. Dòng họ Kim luôn luôn biết cách thoát hiểm, và họ có thể tiếp tục làm như vậy.

Điều này có nghĩa gì đối với chúng ta? Thứ nhất, đã đến lúc để nhận ra rằng sẽ không có giải pháp nào nhanh chóng nằm ngay trong tầm tay. “Phi hạt nhân hoá” Bắc Hàn là chuyện không thể làm được, nhưng có thể quản lý chương trình hạt nhân và đặt ra một số hạn chế nhắm vào sự phát triển xa hơn của nó, với điều kiện là gia đình họ Kim vẫn còn cảm thấy rằng các vũ khí hạt nhân này vẫn có giá trị ngăn chặn mà họ còn cần đến. (Hiển nhiên, Bắc Hàn sẽ mong đợi những nhượng bộ rộng rãi để đổi lấy bất kỳ sự ngưng hoạt động nào và rồi sau đó, Bắc Hàn lại thậm chí cũng có thể đổi ý.)

Thế giới bên ngoài có thể và nên khuyến khích những thay đổi tích cực, như tăng trưởng kinh tế vốn hiện đang diễn ra ở Bắc Hàn. Trên hết, họ nên tìm cách mở rộng nguồn thông tin sẵn có cho công chúng Bắc Hàn. Tương lai hứa hẹn nhất cho Bắc Hàn là một trong những thay đổi từ bên dưới, vì bởi người dân biết đến cuộc sống ngoài biên giới của đất nước họ, bất kể đó là vì chế độ cảm thấy cần phải nhượng bộ để sống còn, hoặc qua việc lật đổ hoàn toàn chế độ nhà họ Kim. Gia đình họ Kim có thể hợp lý, nhưng tự bán thân chính những người Bắc Triều Tiên họ cũng hợp lý nữa.

Huỳnh Thạnh chuyển ngữ - May 02, 2017

Powered by Blogger.