Header Ads

Về cách dụng chữ trong bài Những Tựa Đề


Ngôn ngữ và chữ dùng là một phương tiện để truyền đạt điều muốn viết/nói đến người khác.  Nhưng trước khi làm được vế thứ hai là "đạt" thì phải làm được tốt vế thứ nhất đó là "truyền". Nghĩa là đầu tiên là phải nối kết được với người nghe người đọc qua việc chọn chữ và dùng từ sao cho “nhẹ nhõm” để lọt tai, vừa mắt người đọc.

Và thực sự thì không dễ gì mà thỏa đáng được đòi hỏi trên. Thành ra, khi viết, tôi nghĩ, mình phải cân nhắc xem "target audience" mà mình nhắm tới là ai.  Đối tượng người đọc chính là thành phần nào. Vì một bài viết, cho dù là kể chuyện tiếu lâm, cũng không bao giờ làm vừa lòng tất cả mọi giới người đọc.

Hơi có vẻ tham vọng một chút. Nhưng lúc suy tính để viết, tôi hy vọng là bài viết đó sẽ có thể được đón nhận một cách khách quan (tương đối) bởi thành phần độc giả có bản lĩnh (nhất là độc giả trong nước) và không dễ bị cảm tính cá nhân chi phối quá nặng đến độ bị mất cả đi sự phán đoán cần thiết.

Cũng hơi ảo tưởng một chút, tôi nghĩ, nếu "phía bên kia" có (nhiều) người đọc được bài Những Tựa Đề được viết bởi một dân gốc lính (rất amateur về văn học Nam VN) và nếu những điều viết đó làm họ phải suy nghĩ thêm về độ sâu và bề mặt lớn rộng của văn chương nghệ thuật miền Nam, mà anh lính nọ chỉ mới hời hợt đụng trên lớp bề mặt bên trên, thì coi như tôi đã đạt được một kết quả khả quan.

Cũng như, nếu qua bài viết, họ (phe bên kia), hoặc các thế hệ trẻ sau này lớn lên tại VN sau 1975 có thể thấy khả năng cảm nhận và hiểu biết một chút về văn học nghệ thuật của một anh lính mới vô danh tiểu tốt của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) cũng không đến nỗi quá tệ.  Và điều đó chứng tỏ là người lính VNCH không phải toàn là "ác ôn", "khát máu" như bọn cộng sản nó vẫn vẽ ra, là coi như tôi "đạt yêu cầu" rồi. :=)

Phần còn lại sẽ là những chữ nghĩa, là ghi nhận, là lưu trữ, trên giấy bút, hay trên Internet.  Kể như là những gì ghi được ra đó là một cố gắng "recover" lại những gì đã bị chính quyền cộng sản bôi xóa hoặc bóp méo.

Nói theo kiểu của anh chàng Cliff Stoll, tác giả của quyển The Cuckoo's Egg, về computer hacker, một best seller thời 1990, thì theo ước định (rule of thumb) của giới thiên văn Mỹ, cái gì không ghi xuống được, cái đó được coi như không có xảy ra: If you don't write it down, it did not happen.  Cho nên "recover" được, phục hồi lại được những gì đã được viết xuống rồi nhưng bị liên tục bôi xóa hay cố ý bỏ quên cũng là một cách cho thấy "những điều đó" đã xẩy ra, đã hiện diện.

Còn những thành phần độc giả có sự suy nghĩ cứng nhắc thì ở cánh bên nào (Tả hoặc Hữu) cũng đều có mặt, cũng với đầu óc "công thần" và rất ngạo mạn: My way or Highway!  Mà lại ưa thùng thùng beng beng còn hơn Tinh Tú Hải Lão Ma để ra oai dọa nạt thiên hạ.  Những người này, và ngay cả người viết nữa, nhanh hay chậm, rồi cũng sẽ tàn phai. Không phải là “trù ẻo”, nhưng đó là thực tế của thời gian.

Nghĩ như vậy, cho nên thay vì để làm vừa lòng một số độc giả "quen thuộc", tôi đã chọn ưu tiên đặt nặng việc ghi xuống, viết xuống để may ra có thể được lưu truyền, được archived somewhere in the Internet.

Việc dùng chữ thì kể ra tôi khá cẩn thận trong việc chọn dùng từ.  Nhưng chắc chắn là cũng sẽ không làm vừa lòng được tất cả mọi người.

Hãy nhìn vào một số từ dễ gây tranh cãi:
1/ Chữ "trù dập" trong phần viết về phim Thói Đời.

Ban đầu đoạn đó được viết như sau:
- "Thói Đời có cảnh cá lớn nuốt cá bé như Trung sĩ Judson (Ernest Borgnine) đánh đập Binh nhì Maggio (Frank Sinatra).  Có cảnh nhũng lạm quyền thế như Đại úy Holmes (Philip Ober) đã hành hạ Binh nhì Prewitt (Montgomery Clift) vì anh không chịu làm chuyện gọi dạ bảo vâng. "

Nhưng tôi không vừa ý vì nghĩ chữ "nhũng lạm" có vẻ như gần gụi với "tham nhũng" và người đọc có thể "diễn dịch" như là chuyện đó chỉ có thể xẩy ra trong quân đội miền Nam mà thôi.

Cho nên viết lại thành:
- "Giống như một 'Guồng Máy'(14) chưa hoàn hảo, ‘Thói Đời’ cũng có những trục trặc. Trong đó, binh nhì Prewitt (Montgomery Clift) bị trù dập thảm thiết vì anh không chấp nhận chuyện khấu tấu, khom lưng phục vụ cho quyền lợi cá nhân của viên sĩ quan đại đội trưởng hay lạm dụng quyền thế"

Còn "trù dập" thì có thể xẩy ra anywhere, cả miền Bắc cũng có thể tìm ra một đống ví dụ rất "hiện thực".

2/ Chữ “chân phương” dùng trong phần Đỉnh Gió Hú:
- "Một cách lả lướt, tựa đề này có thể được dịch là Trang Trại Wuthering Heights, mà chân phương thì có thể là Nhà Vườn hoặc Nông Hộ Wuthering Heights.  Nhưng những tựa đề như thế, khi đọc lên, nghe thấy không phù phiếm, thì cũng rất ngây ngô."

Tôi dùng chữ 'chân phương' này (và không để trong ngoặc kép) chính yếu là để ám chỉ khả năng dịch thuật của ngoài Bắc rất ngây ngô và ngáo ộp.

3/ Chữ "nắm bắt", mà đọc qua dễ làm phật lòng một số độc giả nhậy cảm về chữ nghĩa:
- "Khi đọc tựa đề ‘Đỉnh Gió Hú’, nghe đơn sơ như một nét phác, độc giả dễ tưởng lầm câu truyện xẩy ra trên đỉnh núi cao mưa gào gió lộng. Đã không là đỉnh núi, liệu đó có phải là đỉnh lâu đài ngà ngọc, hay bảo tháp vàng son đang bị ‘Lũ Người Quỷ Ám’(21) chiếm lĩnh, ngày đêm mở hội và điên cuồng gào rú? Hay nét chấm phá đơn sơ này của Nhất Linh chỉ như là khởi thảo của bức tranh, nắm bắt những bức phá của tột đỉnh tồi tàn và gớm ghiếc, được hà hơi vực dậy từ xó xỉnh tối tăm, ẩm mốc nào đó của một tâm tư ngạ quỷ?"

Trong phân đoạn này, tôi muốn hàm ý nói là bọn cộng sản đang ngự trị, xâu xé và hãm hiếp Việt Nam, qua câu: "... liệu đó có phải là đỉnh lâu đài ngà ngọc, hay bảo tháp vàng son đang bị ‘Lũ Người Quỷ Ám’(21) chiếm lĩnh, ngày đêm mở hội và điên cuồng gào rú?"

Và trong "....nắm bắt những bức phá của tột đỉnh tồi tàn và gớm ghiếc, được hà hơi vực dậy từ xó xỉnh tối tăm, ẩm mốc nào đó của một tâm tư ngạ quỷ?" có hai chữ "ngạ quỷ" được dùng. Theo tự điển Việt ngữ của Nhà sách Khai Trí ấn hành tại Sài gòn 1970, thì "ngạ quỷ" có nghĩa là: quỷ đói, quỷ không được người cúng quảy.

Trong tiếng Anh thì "ngạ quỷ" là preta (http://www.merriam-webster.com/dictionary/preta):
 1 Hinduism :  a wandering spirit of a dead person who is not at rest
 2 Buddhism :  an unresting ghost tortured incessantly by hunger and thirst

Cố ý chọn chữ "ngạ quỷ" này để chỉ con người cộng sản và những chữ "nắm bắt" và "bức phá" được tôi hữu ý sử dụng để amplify cái ý này.

4/ Chữ "căng cứng", "bám trụ", "Đỉnh cao" trong phần Đỉnh Gió Hú, cũng là những chữ dễ gây "nhậy cảm":
- "Đi sâu vào ‘Đỉnh Gió Hú’, độc giả dễ bị tối mặt tại những “điểm nóng”, khi âm mưu thâm hiểm bắt nguồn từ mặc cảm thua kém, loang dần sang cố chấp sân hận, rồi cực kỳ sôi sục trong một tâm can căng cứng độc chất hận thù. Nhưng những độc hại như thế không phải chỉ có thể tìm thấy trong một thế giới "hư cấu” mà thôi. Tâm địa ung thư bám trụ nơi tình người lở loét luôn luôn muốn nuôi dưỡng và cổ xúy căm thù đều là những gì hoàn toàn có thực!  Đỉnh cao kết hợp các cặn bã dị hợm này chỉ có thể là những đại họa có tầm mức tàn phá và hủy hoại vượt xa những gì ghê rợn nhất trong ‘Đỉnh Gió Hú’."

Theo suy nghĩ riêng, căn bản của đấu tranh giai cấp của Việt cộng phần chính: "bắt nguồn từ mặc cảm thua kém, loang dần sang cố chấp sân hận, rồi cực kỳ sôi sục trong một tâm can căng cứng độc chất hận thù."

Lòng căm thù được cộng sản khêu gợi và kích động:  "Tâm địa ung thư bám trụ nơi tình người lở loét luôn luôn muốn nuôi dưỡng và cổ xúy căm thù đều là những gì hoàn toàn có thực!"

Đưa đến hậu quả là cả nước VN đi vào chỗ rác rưởi: "Đỉnh cao kết hợp các cặn bã dị hợm này chỉ có thể là những đại họa có tầm mức tàn phá và hủy hoại vượt xa những gì ghê rợn nhất trong ‘Đỉnh Gió Hú’."

Yes. Đây toàn là những chữ Việt cộng nó chuộng dùng và tôi "mượn lại" để mô tả chính xác các điều mà bọn họ làm.

Thực ra, khi bắt đầu viết, tôi cũng đâu còn nhớ nội dung của Đỉnh Gió Hú. Đọc quá lâu rồi còn gì.  Cho nên phải lên net tìm đọc lại và nhất là đọc các phê bình.

Và càng đọc, thì lại càng thấy nhân vật chính trong truyện đó có "character" giống như một tay có gốc bần nông phát động chiến dịch đấu tố ngoài vùng quê hẻo lánh miền Bắc trước 1954. Cũng là một loại người tiểu tâm, nhỏ mọn, ghen ghét, âm mưu và tàn độc. Sure, bà tác giả Emily Brontë viết quyển Wuthering Heights khoảng năm 1845-1846, trước thời cộng sản xa lắc.  Tuy vậy, con người nhỏ nhen, ti tiện thì thời nào mà chẳng có. Mà đặc biệt vào thời cộng sản thì nó còn được "thánh hóa" nữa cho nên nước Việt Nam mình mới thực là khốn khổ khốn nạn.

Đọc xong, cảm thấy nhân vật chinh trong Đỉnh Gió Hú nếu sống vào thời "cách mạng 1945” có lẽ sẽ thành người "chính ủy" cộng sản phát động chiến dịch đấu tố.

Vì vậy mới có đoạn: "Chẳng vậy mà đâu đó đã có chỗ ghi là một tác phẩm sau khi ra đời, sẽ có đời sống riêng (với độc giả của nó) mà chính tác giả tạo ra tác phẩm đó cũng không hề hay biết." Vì sure là ông Nhất Linh hay bà tác giả Emily Brontë đó đâu có biết được mọi khía cạnh của "đời sống riêng" của quyển đó đối với độc giả của quyển sách, nhất là đối với độc giả hậu bối cả vài mươi năm, hay hơn 100+ năm sau phải sống với cộng sản.

5/ Chữ "tiên phong dựng đảng", "kiên cường" trong phần viết về tác phẩm Số Không và Vô Tận:

- "...thuộc thành phần tiên phong dựng đảng."
- "Nhưng người cộng sản kiên cường này lại bị bắt giam bởi công an ban bảo vệ chính trị vì ông đã tỏ ra ngờ vực khả năng lãnh đạo của đảng."

Nếu dùng chữ " tiên phong tạo lập đảng." hay trong câu kế "người cộng sản can trường" (hay những chữ tương tự như "can đảm"), thì sẽ mô tả người cộng sản một cách... trật lấc! :=)

6/ Tương tự: Dùng toàn chữ của cộng sản để mô tả họ: "con người mới", ưu việt, kinh điển...

- "Mang niềm tin của những tín đồ cuồng tín sẵn sàng hiến thân cho cuộc thánh chiến, người cộng sản cuồng nhiệt tin rằng từ con Số Không, với những “con người mới”, trong sáng hơn, họ sẽ xây dựng lên được một xã hội mới, ưu việt hơn, và một trật tự mới, công bằng hơn. Tất cả những chỉ đạo, điều hướng của người cộng sản đều đặt căn bản trên những lý thuyết kinh điển của họ."

Trong phần trên, khi đọc lại, tôi tiếc là tôi đã không viết thêm vào “con người mới” để thành: “con người mới xã hội chủ nghĩa"

7/ Chữ "truy bức" và "bạo lực cách mạng" mà Việt cộng ưa dùng rất là chính xác trong đoạn mô tả không khí bị áp bức sau 30/4/75:

- "Hàng ngày, cùng với những luận điệu mị dân và nhồi sọ, từ sáng sớm đến tối đêm, radio, TV của chính quyền trung ương, và loa phóng thanh của chính quyền địa phương đã liên tục sách nhiễu, truy bức và khủng bố người dân bằng những "thông tin" sặc mùi sắt máu của "bạo lực cách mạng". "

Phải nói là hai chữ "truy bức" mới diễn tả được đủ nỗi lo sợ khi sống dưới chế độ cộng sản. Dùng hai chữ "áp bức" là còn quá nhẹ so với "truy bức" (truy lùng và bức hại). Cái gì của Cesar phải trả lại cho Cesar! :=)

Có lẽ, nhìn chung, theo nhận xét hạn hẹp của cá nhân, “phe ta” ít có người quan tâm "đúng đắn" đến giá trị của văn học chữ nghĩa.  Tôi để hai chữ đúng đắn trong ngoặc kép vì phe ta dùng chữ nghĩa để... nói Trạng về chính họ nhiều hơn là nhìn ra xa hơn "cái tôi" một chút. (Đưa ra nhận xét chủ quan này chắc dễ đưa người viết lên bàn… mổ!)

Và hình như cũng còn một số khá đông nghĩ là chỉ cần đánh giặc giỏi là sẽ thắng được địch.  Phần riêng cá nhân, tôi nghĩ điều đó đúng nhưng chỉ là điều kiện CẦN, nhưng chưa ĐỦ.  Mất Nam Việt Nam vẫn chưa là bài học cần được học hỏi cho chính xác! Dù sao đi nữa, những ý kiến trên cũng chỉ là ý kiến cá nhân và cũng có thể hoàn toàn sai bét.

Trong bản viết sơ khởi của Những Tựa Đề, tôi có trích thơ trong Đôi Bờ, của Quang Dũng, và có nhắc đến bài Hổ Nhớ Rừng của Thế Lữ.  Cũng như có đề cập đến Vang Bóng Một Thời của Nguyễn Tuân.  Những tác phẩm mà tôi rất yêu mến.

Nhưng khi có ý nghĩ muốn vinh danh các tác giả sống, sinh hoạt và đóng góp cho văn học nghệ thuật của miền Nam tự do, thì tôi không ghi lại các tác giả trên. Không phải là ghét bỏ, kỳ thị gì nhưng chính yếu là để tạo một nét đặc thù, thuần túy của văn học nghệ thuật của miền Nam tự do mình và hoàn toàn do sự đóng góp của các nhân tài sống trong Nam.


Và những nhân tài đó đã đến và sống tại Nam Việt Nam từ thế hệ di cư lánh nạn cộng sản từ miền Bắc khoảng năm1954, tiêu biểu là Nhất Linh, sang đến thế hệ kế tiếp được sinh ra và lớn lên tại miền Nam, điển hình, là Võ Phiến, và sau đó là các nhân tài trong vườn hoa nghệ thuật muôn màu muôn vẻ của miền Nam Việt Nam thời trước 30/4/75 mà người viết chỉ ghi lại được một ít theo cảm quan riêng và chắc chắn là không ai có thể ghi lại đầy đủ nếu không qua một nghiên cứu đồ sộ.


Trần Trung Tín
Powered by Blogger.