Header Ads

Trời Bị Người Xưa Đùa Giỡn



Bùi Quý Chiến


Từ rất xưa người ta đã tin Trời là đấng Tạo hóa sinh ra muôn loài. Niềm tin rất khái quát, không đủ lập nên một tôn giáo.

Chỉ có vua thờ Trời, đại chúng thờ tổ tiên và quỷ thần. 

Trên hết, vua thờ các tiên đế ở Thái miếu. Vì cần mưa thuận gió hòa cho nông nghiệp nên mỗi đầu xuân vua tế trời ở đàn nam giao.

Đàn là một bàn thờ đơn sơ xây bằng gạch giữa vùng đất trống trải. Sau cuộc tế Trời, vua xuống ruộng cày một luống mở đầu cho vụ lúa mới.

Dân chúng thờ tổ tiên trên bàn thờ đặt giữa nhà và thờ quỷ thần trên một bàn thờ nhỏ dựng ở ngoài sân. Những ngày rằm, mồng một và ngày Tết người ta thắp nhang vái 4 phương xin thần thánh ban ơn và xin ma quỷ xa lánh. Tục ngữ có câu:

"Hữu bệnh vái tứ phương, vô bệnh nén hương không mất".
(Bàn thờ ngoài sân của người Nam tuy gọi là bàn thờ ông Thiên nhưng thật ra không phải thờ Trời).

Có lẽ vì không thờ Trời nên người ta đùa giỡn với Trời qua tục ngữ, ca dao và thơ trào phúng.

Trời bị đùa giỡn qua tục ngữ và ca dao 

Một chàng văn dốt võ nhát nhưng cha mẹ giàu có nên chàng dùng tiền để chinh phục người đẹp. Lợi dụng tình si của chàng, nàng khai thác chàng nhưng cuối cùng nàng bỏ rơi chàng để kết duyên với người yêu chính thức của nàng. Từ đó có ca dao:

Bắc thang lên hỏi ông Trời 
Những tiền cho gái có đòi được không?

Chuyện tiền bạc giữa trai gái mà người đời cũng hạ thấp Trời xuống ngang tầm cái thang để hỏi.

Vả chăng câu hỏi đã hàm chứa câu trả lời, đâu cần phải hỏi ai? 

Hóa ra người đời mượn cớ hỏi Trời để chê cười anh chàng dại gái.

Một anh đam mê cờ bạc. Đánh lớn thua lớn, đánh nhỏ thua nhỏ, càng đánh càng thua. Cay cú, anh bán dần tài sản để có tiền gỡ gạc.

Cuối cùng không còn gì để bán, anh trở thành kẻ vô gia cư. Người đời chê cười anh là loại:

Bán Trời vô văn tự

Trời là đấng linh thiêng mà con người cả gan đem bán với điều kiện dễ dãi, không cần giấy tờ gì cả.

Đam mê cờ bạc tới mức đó đúng là liều lĩnh bậc nhất trần ai.

Nói phét (cũng gọi là nói khoác hoặc nói dóc) là nói sai sự thật hoặc phóng đại để tự đề cao mình lên.
Nhằm giễu cợt một anh nói phét không biết ngượng, tục ngữ có câu 

Nói phét một tấc lên tới Trời 

Một tấc mà so sánh với chiều cao vô tận của Trời thì không thể tưởng tượng được.

Tuy nhiên Thiên đình là chốn tôn nghiêm đâu phải nơi so sánh với lời phét lác.

Một cô gái vì quá kén chồng nên qua mất tuổi xuân. Thay vì trách mình, cô oán Trời:
    
Đi đâu mà chẳng lấy chồng 
Người ta lấy hết chổng mông mà gào
Gào rằng:"Đất hỡi Trời ơi!
Sao không thí bỏ cho tôi chút chồng?"
Ông Trời ngoảnh lại mà trông
"Mày hay kén chọn ông không cho mày."

Trời bị nhân cách hóa thành người bình dân, tự xưng là ông và gọi cô gái là mày.

Cô gái dám chổng mông lên Trời để gào vì cho rằng Trời không rộng lượng: chỉ một chút chồng mà Trời cũng không bố thí cho cô.

Trời bị đùa giỡn qua thơ trào phúng 

Không phải chỉ giới bình dân mới đùa giỡn với Trời, giới khoa bảng cũng làm thơ trào phúng trong đó hình ảnh Trời rất gần gũi.

Tú Xương nghèo vì ăn chơi phóng túng, ông làm thơ tự trào:

Lúc túng toan lên bán cả Trời
Trời rằng thằng bé nó hay chơi
Cho hay công nợ là như thế 
Mà vẫn phong lưu suốt cả đời.

Trong bài thơ vịnh ông cò (cảnh sát), Tú Xương cho rằng Trời đấu lý không thắng nổi ông cò:

Người quên mất thẻ, âu Trời cãi 
Chó chạy ra đường có chủ lo.

Thời Pháp thuộc, đàn ông từ 18 tới 60 tuổi phải đóng thuế thân. Những ai đã đóng thuế được cấp thẻ chứng nhận và phải mang thẻ trong người để xuất trình khi bị kiểm soát.

Người ra đường quên đem theo thẻ khó có thể biện minh khi bị ông cò chặn lại để hỏi thẻ. Trời cũng không cãi được ông cò.

Ông cò còn phạt cả chủ chó nếu để chó chạy rông ngoài đường.

Yên Đổ vừa là nhà thơ cổ điển vừa là người làm thơ trào phúng.

Trong một bài thơ, Yên Đổ nhân cách hóa Trời thành người bình dân tự xưng là tao và tớ:

Chót vót trên này có một tao
Nào tao có muốn nói đâu nào
Mặt tao lốm đốm xanh, đen, trắng
Bởi tại dì Oa thổi bễ rào.

Câu thứ nhì rút ra từ Luận ngữ: thiên hà ngôn tai, tứ thời hành yên, vạn vật sinh yên (= Trời có nói gì đâu mà 4 mùa vẫn thay đổi, vạn vật vẫn sinh sản).

Câu thứ ba, bầu trời xanh điểm mây đậm nhạt được trào phúng thành bộ mặt nhem nhuốc của Trời.

Câu thứ tư là điển tích: xưa có người Cung Công húc đầu vào núi khiến Trời nghiêng về tây bắc và đất sụt về đông nam. Bà Nữ Oa (em Trời) phải luyện đá ngũ sắc để vá Trời. Luyện đá như thợ rào (cũng gọi là thợ rèn) dùng bễ thổi lửa vào lò.

Có lẽ bài thơ này có 2 điển tích không được phổ thông do đó Yên Đổ làm bài thứ nhì như sau:

Cao cao muôn trượng ấy là tao
Dẫu pháo thăng thiên chẳng tới nào
Nhắn bảo dưới trần cho chúng biết 
Tháng ba, tháng tám tớ mưa rào.

Tản Đà cũng là nhà thơ cổ điển nhưng đôi khi làm thơ ngông tỏ ra mình rất gần gũi với Trời.

Nhà thơ ngồi buồn viết thư xin cưới con gái Trời 

Xem thư Trời cũng bật cười
Cười cho hạ giới có người oái oăm
 .................
Chốn thiên cung ai kén rể bao giờ
Chi những chuyện vẩn vơ cùng giấy má.

Trời chỉ có 2 con gái: một người là Chức nữ đã sớm gả cho Ngưu Lang, chỉ còn Hằng Nga nhưng nàng không chịu ôm chồng ngủ:

Chức Nữ tảo phùng giai tế giá
Hằng Nga bất nại bão phu miên
Mở then mây quăng trả bức hồng tiên
Mời khách hãy ngồi yên trong cõi tục.

Tản Đà tự cho mình kiếp trước là Đông Phương Sóc ở thiên đình vì ăn trộm đào tiên nên bị Trời đày xuống trần gian:

Người đâu kiếp trước Đông Phương Sóc
Ăn trộm đào quen học thói ngày xưa
Trần gian đày mãi không chừa.

Trong bài thơ "Hầu Trời", Tản Đà tự thuật đang ngâm thơ dưới bóng trăng thì có hai nàng tiên xuống mời:

Trời nghe hạ giới ai ngâm nga
Tiếng ngâm vang cả sông ngân hà
Làm Trời mất ngủ, Trời đang mắng
Có hay lên đọc, Trời nghe qua.

Tác giả theo hai nàng tiên bay lên trời. Gặp Trời, tác giả sụp xuống lạy, Trời sai tiên nữ nâng dậy và truyền tác giả ngồi xuống:

Tiên đồng pha nước uống vừa xong
Bỗng thấy chư tiên đến thật đông
Chung quanh bày ghế ngồi la liệt
Tiên bà, Tiên cô cùng Tiên ông.

Khi chư tiên yên vị, Trời sai pha nước trà cho nhà thơ nhấp giọng. Nhà thơ đọc từ văn xuôi tới văn vần, hết văn thuyết lý lại văn trào phúng:

Văn đã giàu thay, lại lắm lối
Trời nghe Trời cũng bật buồn cười
Chư tiên ao ước tranh nhau dặn:
"Anh gánh lên đây bán chợ trời"
Trời lại phê cho: "Văn thật tuyệt
Văn trần được thế chắc có ít
Lời văn chuốt đẹp như sao băng
Khí văn hùng mạnh như mây chuyển
Êm như gió thoảng, tinh như sương
Dầm như mưa sa, lạnh như tuyết"

Tiếp theo Trời hỏi tên họ và quê quán của nhà thơ. Nghe đáp là Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Trời chợt nhớ một chuyện xảy ra đã lâu nên sai Thiên Tào lấy sổ ra xét .Thiên Tào trình rằng:

"Bẩm quả có tên Nguyễn Khắc Hiếu
Đày xuống hạ giới về tội ngông."

Trời cải chính rằng không phải Trời đày nhưng Trời sai nhà thơ xuống trần gian truyền bá "thiên lương của nhân loại".

Nhà thơ không dám nhận việc Trời giao viện lẽ nghèo khó không kham nổi.

Trời biết hoàn cảnh khó khăn của nhà thơ nhưng khuyên nhà thơ cố gắng, khi hoàn thành sứ mạng sẽ được Trời cho trở về Tiên giới.

Qua những tục ngữ, ca dao và thơ trào phúng trên đây, quan niệm sống lạc quan trong mọi hoàn cảnh của người xưa được diễn tả bằng cách đùa giỡn với Trời.

Bùi Quý Chiến



THAM KHẢO

 - Việt nam văn hóa sử cương của Đào Duy Anh.
 - Cửa vào phong tục của Phạm Việt Tuyền.
 - Tục ngữ phong dao của Nguyễn Văn Ngọc.
 - Nam thi hợp tuyển của Nguyễn Văn Ngọc.
 - Khối tình con của Tản Đà.
 - Việt nam thi văn tiền chiến của Nguyễn Tấn Long và Nguyễn hữu Trọng.


No comments

Powered by Blogger.