Header Ads

Bi Kịch Vua LEAR của William Shakespeare


Phạm Văn Tuấn
Loại tác phẩm: Bi Kịch
Sáng tác vào năm 1606?

Các địa điểm diễn ra vở kịch: tại nước Anh cổ xưa, cung điện của Vua Lear, lâu đài của Công Tước Glouchester, cánh đồng hoang, cung điện của Bá Tước Albany, các trại quân Anh và Pháp.

Thời gian của vở bi kịch: thời trước Thiên Chúa giáng sinh (pre-christian), các sự việc diễn ra trong nhiều tháng trường.

I/ Vài Nét về Tác Giả William Shakespeare

William Shakespeare
William Shakespeare (1564 – 1616) ra đời tại Stratford-upon-Avon, nước Anh, tới thành phố London sinh sống vào khoảng năm 1586 với nghề nghiệp là nhà viết kịch, nhà thơ, diễn viên và người có cổ phần trong công ty kịch nghệ tại thành phố London trong khoảng thời gian từ 1590 tới năm 1612.

Shakespeare đã viết ra nhiều loại kịch: bi kịch, hài kịch, kịch tình yêu và lịch sử, dành cho loại rạp hát bình dân. Các vở kịch ban đầu của Shakespeare phản ánh sự lạc quan và tinh thần vui vẻ của nước Anh vừa mới trở nên một cường quốc. Các vở kịch về sau là các bi kịch hữu hạng: Hamlet (trình diễn lần đầu tiên vào năm 1602?), Othello (1604?), Vua Lear (1606?) và Macbeth (1606?) là các tác phẩm bi quan, yếm thế, phản ánh sự suy đồi và tham nhũng chính trị của các triều đại Elizabeth (1558-1603) và Jacobean (của Vua James I, 1603 – 1625).

II/ Các nhân vật chính

Vua Lear: Vua của nước Anh, là người độc đoán nhưng rộng lượng, bị xa cách thực tế và mù quáng vì các lời nịnh hót của các cận thần, tự kiêu và bê tha trong lúc tuổi già, là người cha đòi hỏi các con sự hiếu thảo, không kiềm chế được cơn thịnh nộ nhưng vào lúc cuối, đã tìm thấy tâm thần bình an.

Công tước Gloucester: là một người bản chất tốt, khoan dung nhưng đôi khi ích kỷ, do kiêu hãnh nên có các phán đoán thiếu thận trọng, là người trung thành, trọng danh dự, hy sinh để cứu nhà vua. Do nhầm lẫn nên đã đối xử tệ bạc với người con Edgar vì tin tưởng vào lời nói dối của đứa con không chính thức Edmund.

Goneril: Con gái lớn của Vua Lear, kết hôn với Bá Tước Albany, là con người xấu, đạo đức giả, dâm đãng và đam mê vật chất, uất ức vì nhà vua yêu Cordelia hơn, ganh ghét với Regan.

Regan: là con gái xấu tính thứ hai của nhà vua, đạo đức giả, khát vọng quyền lực, tham lam, thủ đoạn hơn, hay báo thù, kết hôn với Bá Tước Cornwall, cũng bực tức vì nhà vua thiên vị Cordelia.

Cordelia: là con gái thứ ba và là con cưng của nhà vua, bị mất tài sản thừa kế vì không nói sai về lòng thương yêu nhà vua. Cordelia là người có đức tính tốt, trung thành và can đảm, không tha thứ sự đạo đức giả, là người tượng trưng cho sự thật và các giá trị tinh thần.

Bá Tước Cornwall: là chồng của Regan, người con gái thứ hai, là đứa con rể xấu bụng của nhà vua, nóng tính, ham quyền lực.

Bá Tước Albany: là chồng của Goneril, người con gái đầu lòng của nhà vua, là người tốt bụng, không biết rõ các âm mưu chung quanh, biết trọng danh dự nhưng yếu tinh thần, bị vợ là Goneril coi là hèn nhát.

Edgar: là người con đạo đức của Công Tước Gloucester, là người trung thành, kiên nhẫn, khiêm tốn, lương thiện, cao thượng, giả làm kẻ ăn xin điên rồ và rách rưới được gọi tên là “Tom Nghèo Khó” (Poor Tom) để bảo vệ mình khỏi bị cha làm hại, sau này là người hướng dẫn và bảo vệ người cha bị mù, một cách bí mật đối phó với tính côn đồ của Edmund, trở nên một vị vua.

Edmund: là đứa con xấu tính và không chính thức của Công Tước Gloucester, cảm thấy uất ức do là người con không chính thức, có liên hệ ngoại tình với Goneril và Regan, tượng trưng cho mặt xấu của Công Tước Gloucester.

Công Tước Kent: là người cao thượng, người trung thành theo nhà vua, lương thiện, nói bộc trực, cho rằng nhà vua đã bị điên khùng khi phân chia vương quốc, bị nhà vua đuổi đi vì bênh vực Cordelia, sau này cải trang để phục vụ nhà vua.

Anh Hề (the Fool): khôn ngoan, tế nhị, có được cách nhìn sâu sắc mà nhà vua không có, buồn phiền vì Cordelia bị xua đuổi.

III/ Cốt Truyện

Vua Lear tạo ra đau khổ và chết chóc cho chính mình và cho gia đình của nhà vua do nhà vua đã tước bỏ quyền thừa kế của người con gái đức độ và chia vương quốc cho 2 người con gái có ác tâm.

Hồi 1. Tiếng kèn thông báo Vua Lear và các quần thần đi vô triều đình. Vua Lear nói chuyện với các Công Tước Kent và Gloucester qua đó, khán giả biết rằng Công Tước Gloucester có 2 người con trai: Edgar là đứa con chính thức, được thừa kế và em là Edmund, đứa con trai không chính thức. Sau đó Vua Lear cho biết ý định rời khỏi các nhiệm vụ và bận tâm. Chỉ trên bản đồ, Vua Lear cho các cận thần biết ý định phân chia vưong quốc ra làm ba phần, dành cho ba người con gái, căn cứ vào sự cam đoan về tình yêu đối với nhà vua. 




Nhà vua đã lâm triều lần chót để chia vương quốc cho 3 cô con gái. Vua Lear công bố rằng ai nói rõ yêu nhà vua nhiều nhất sẽ được phần chia lớn nhất. 
  • Goneril, người con gái lớn và là vợ của Bá Tước Albany, nói đầu tiên và đã dùng các lời khoa trương để diễn tả tình yêu đối với cha. 
  • Regan, người con gái thứ hai và là vợ của Bá Tước Cornwall, đã công bố bằng các lời tán dương to lớn hơn. 
  • Kế tới, Vua Lear hỏi người con gái cưng thứ ba là Cordelia rằng cô sẽ nói gì hay hơn để lãnh phần thừa kế lớn hơn của các chị. Kinh hoàng vì các lời đạo đức giả của các chị, Cordelia đã nói với cha rằng cô yêu kính Vua Lear như người con gái phải yêu thương cha. 
Vua Lear bất mãn và nổi giận vì coi Cordelia thiếu sự tận tụy yêu thương, nên nhà vua đã tước bỏ phần thừa kế của Cordelia và đã chia phần đất của Cordelia cho 2 người con gái lớn. Nhà vua giữ lại 100 hiệp sĩ và đặc quyền ở với hai người con gái này. Công Tước Kent, một công thần cao thượng, đã cố gắng bào chữa cho Cordelia nhưng đã bị nhà vua giận dữ, trục xuất khỏi triều đình vì đã gây nên sự rắc rối. 

Sau đó Bá Tước Burgundy và Vua nước Pháp tới triều đình để hỏi cưới Cordelia. Khi Burgundy biết rằng Cordelia bị tước bỏ phần thừa kế, Bá Tước này đã rút lại lời cầu hôn. Tuy nhiên, Vua nước Pháp là người cao thượng, vẫn xin hỏi Cordelia làm vợ mặc dù Cordelia không có của hồi môn và bị tước bỏ phần đất thừa kế.

Tại cung điện của Công Tước Gloucester, Edmund, đứa con không chính thức và là kẻ đê tiện, đã cho biết rằng nó không được hạnh phúc bởi vì là một đứa con không chính thức và như vậy không được quyền thừa kế. Nó lại đang âm mưu để chiếm đoạt đất đai của người anh của nó là Edgar. Edmund đánh lừa Gloucester bằng một bức thư giả mạo, nói rằng Edgar dự định giết cha để chia tài sản ra làm hai và thuyết phục Bá Tước Gloucester không nên tin tưởng vào Edgar, đồng thời nó lại nói với Edgar rằng cha Gloucester có ý làm hại Edgar.

Tại cung điện của Bá Tước Albany, Công Tước Kent đã giả trang và nói với Vua Lear rằng anh ta muốn phục vụ nhà vua. Cô con gái Goneril than phiền với vua cha về các hiệp sĩ đánh lẫn nhau, về anh hề vô lễ và về các hành vi xấu của nhà vua khi vua đánh các kẻ hầu của cô ta. Cô ra lệnh cho nhà vua phải loại bỏ một số hiệp sĩ. Nổi giận, Vua Lear đã chửi rủa Goneril rồi đi tới cung điện của cô con gái thứ hai là Regan. Goneril gửi một bức thư cho Regan, thúc dục cô này đối xử không tốt với cha.

Hồi 2. Tại lâu đài của Công Tước Gloucester, Edmund làm giả bộ bị thương do Edgar, nên Công Tước Gloucester ra lệnh bắt giam Edgar và hứa sẽ cho Edmund là người thừa kế. Regan và Bá Tước Cornwall kể lại cho Công Tước Gloucester về các xung khắc giữa Vua Lear và Goneril.

Tại bên ngoài của lâu đài của Công Tước Gloucester, Kent đã gặp người hầu của Goneril tên là Oswald, là người đã mang lại lá thư của Goneril chống lại vua cha là Vua Lear. Khi Kent đánh tên Oswald thì Bá Tước Cornwall ra lệnh cho các thuộc hạ bắt Kent, còng chân tay vào một cái cũi (the stock) để trừng phạt Kent. Công Tước Gloucester đã phản đối các cách xỉ nhục Vua Lear nhưng sự việc này đã bị Cornwall và Regan bác bỏ. Trong khi đó Edgar đã trốn thoát rồi cải trang thành một tên ăn mày, tên là Tom Nghèo Khổ (Poor Tom).

Tại lâu đài của Công Tước Gloucester, Vua Lear thì nổi giận khi thấy Kent bị còng cả tay và chân, trong khi đó, Regan nói với cha rằng cô ta không sẵn sàng cung cấp các tiện nghi cho vua cha và các hiệp sĩ của ông, và nói rằng nhà vua nên trở lại với Goneril. Goneril tới nơi, rồi cả hai cô con gái này đều thi nhau làm nhục người cha và tước đi các người theo hầu của vua cha. Vua Lear bèn chửi rủa hai cô con gái rồi nhà vua cùng với Kent và anh hề (the Fool) bỏ đi trong đêm mưa bão.

Hồi 3. Vua Lear và anh hề đi tới một bãi hoang, vào lúc này, nhà vua trở nên điên khùng. Kent sau khi lạc đường trong cơn mưa bão, đã tìm thấy nhà vua và anh hề, nên đã thúc dục hai người này nên trú ngụ trong một chuồng súc vật gần đó.

Vua Lear và anh hề
Tại lâu đài, Công Tước Gloucester đã than phiền với Edmund rằng Conrwall và Regan đã chiếm đoạt tòa nhà của ông ta và cấm đoán ông ta không được giúp đỡ Vua Lear. Khi Vua Lear và anh hề đi vào chuồng súc vật thì Edgar đã cải trang thành anh chàng Tom Nghèo Khổ nên Công Tước Gloucester không nhận ra Edgar, người con của mình. Công Tước Gloucester đã gặp Vua Lear, đã cố gắng mời nhà vua về nhà của ông ta dù cho ông ta đã bị Regan và Cornwall chống đối. Vua Lear bây giờ đã hóa điên nên không thể nhận ra Công Tước Gloucester. Khi Cornwall biết rằng Gloucester dự tính giúp đỡ Vua Lear, ông ta thề sẽ báo thù.

Tại lâu đài của Công Tước Gloucester, Cornwall đã nhận được tin tức cho biết rằng đội quân của Vua nước Pháp đã đổ bộ lên Dover để cứu Vua Lear, nên ông ta đã ra lệnh cho các kẻ phục tùng bắt giữ Gloucester. Cornwall và Regan đã trừng phạt Gloucester bằng cách móc mắt vị Công Tước này. Một người hầu của Conrwall đã rút gươm ra phản đối, rồi đánh nhau với Cornwall và Cornwall đã bị thương nặng. Regan nói cho Gloucester biết rằng Edmund đã phản bội ông ta rồi cô ta ra lệnh ném Công Tước Gloucester ra ngoài cổng lâu đài.

Hồi 4. Tại bãi hoang, Edgar tức là Tom Nghèo Khổ, đã gặp lại người cha, lúc này Công Tước Gloucester đã bị mù và do một ông già khác dẫn đi. Gloucester hứa với Tom Nghèo Khổ rằng ông ta sẽ cho nhiều tiền nếu dẫn ông ta tới mỏm đá cao tại Dover, đây là nơi mà Công Tước Gloucester dự tính tự sát. 

Ở trước cung điện của Bá Tước Albany, Edmund và Goneril đã có tư tình với nhau từ trước, nay nhờ tên Oswald mang các thư từ liên lạc. Bá Tước Albany đã mắng chửi Goneril về việc làm xấu xa của cô ta trong lúc đó, một kẻ hầu mang tin Cornwall đã qua đời và Edmund trở thành nhà vua cai trị xứ sở.

Trong khi đó Vua của nước Pháp bị gọi trở lại nước Pháp vì có biến động chính trị trong xứ sở này. 

Tại lâu đài của Công Tước Gloucester, Regan bắt được lá thư mà Oswald dự tính đưa cho Goneril, nên Regan quyết định kết hôn với Edmund bởi vì chồng của cô ta đã qua đời nhưng sự cạnh tranh của hai chị em này đã làm hại sự đoàn kết của họ.

Egar bây giờ ăn mặc giống như một nông dân, đã dẫn Công Tước Gloucester tới cánh đồng gần Dover và bảo Gloucester rằng đây là một mỏm đá cao. Khi Edgar tìm cách đưa người cha già lên cao thì Vua Lear đi tới, nhà vua đã bị điên khùng nên đội trên đầu là các vòng hoa dại. Đây là lúc đoàn tụ cảm động giữa Công Tước Gloucester mù lòa và Vua Lear điên khùng, nhưng nhà vua cũng nhận ra người bạn trung thành.

Các người hầu của Cordelia đã tới nơi để cứu Vua Lear. Oswald cũng tới và đã cố giết chết Công Tước Gloucester nhưng đã bị Edgar đâm chết. Tại căn lều của trại quân Pháp, Cordelia, Kent và bác sĩ đánh thức Vua Lear sau một giấc ngủ dài. Cơn điên khùng của nhà vua đã giảm bớt và nhà vua nhận ra cô con gái Cordelia.

Hồi 5. Bá Tước Albany và Goneril tham gia vào nhóm của Edmund và Regan để chống lại quân Pháp. Edmund duy trì ý muốn yêu cả hai chị em Goneril và Regan, trong khi đó Edgar cải trang thành một người lạ, đã đưa cho Bá Tước Albany một bức thư tiết lộ rằng Goneril có ý định giết vị bá tước này để kết hôn với Edmund và tên này đã bắt được Vua Lear cùng Cordelia. Khi Bá Tước Albany yêu cầu trao hai người bị bắt kể trên thì tên này đã từ chối và bí mật sai bộ hạ giết Vua Lear và Cordelia. Bá Tước Albany đã tố cáo Edmund và Goneril là đã tư tình với nhau rồi thách thức Edmund đấu gươm. Vào lúc này, Edgar đã cải trang và đại diện cho Albany trong cuộc đấu gươm. Kết quả là Edgar đã đâm Edmund bị thương nặng và công bố cho mọi người biết rằng Công Tước Gloucester đã chết.

Vua Lear ôm sác của Cordelia

Sau đó Regan đã chết vì bị Goneril đầu độc và cô gái lớn này cũng tự sát khi biết tin Edmund đã bị thương nặng. Trước khi chết, Edmund đã ra lệnh hoãn việc giết Vua Lear và Cordelia nhưng tất cả đã muộn. Vua Lear xuất hiện với tấm thân bất động của Cordelia rồi sau đó nhà vua này cũng qua đời vì đau khổ.

Bá Tước Albany đã phục hồi tài sản và danh tiếng cho Công Tước Kent và Edgar, và đề nghị hai người này cùng cai trị vương quốc nhưng Kent đã từ chối. Edgar lên làm vua sau khi đám táng của Vua Lear và Cordelia được tổ chức.

IV/ Liên quan lịch sử của vở kịch

Vở bi kịch Vua Lear được in ấn thành sách đầu tiên vào năm 1608 nhưng đã được trình diễn vào tháng 12 năm 1606, cho nên các học giả tin rằng tác giả Shakespeare đã viết ra vở kịch trong khoảng từ năm 1604 tới năm 1606.

Câu chuyện Vua Lear với 3 người con gái là một chuyện quen thuộc vào thời đại Elizabeth I của nước Anh và cốt truyện này được căn cứ vào lịch sử cổ xưa với câu chuyện 2 người con gái muốn công bố rằng người cha đã điên khùng để chiếm đoạt tài sản, còn người con út tên là Cordell đã phản đối việc làm kể trên.

Vào thời gian Shakespeare viết ra vở bi kịch Vua Lear, nước Anh đang gặp phải cuộc nội chiến và các xáo trộn chính trị và tôn giáo. Các rối loạn đáng kể đã diễn ra sau khi Vua Henry VIII qua đời và khi người con gái của vị vua này là Công Chúa Mary I lên ngai vàng và cai trị xứ sở. Đã có các xung đột giữa Nhà Thờ Cơ Đốc (Catholicism) và Nhà Thờ Anh Cát Giáo (the Church of England), kết quả là đã có nhiều vụ đổ máu.

Sau khi Nữ Hoàng Mary qua đời, Công Chúa Elizabeth I lên ngôi, nhưng người dân nước Anh vẫn còn lo lắng bởi vì Nữ Hoàng Elizabeth I không kết hôn với ai, chưa chọn được người kế vị và người dân nước Anh không muốn có các xáo trộn xẩy ra khi chuyển giao quyền lực. Cuối cùng vào năm 1603, Nữ Hoàng Elizabeth I đã chỉ định Vua James IV của Xứ Tô Cách Lan (Scotland) làm người thừa kế rồi về sau là Vua của nước Anh.

Người dân của nước Anh hiểu rõ rằng một quốc gia hùng mạnh cần tới một nhà lãnh đạo có tài để bảo vệ xứ sở khỏi các cuộc xâm lăng. Tài lãnh đạo của Nữ Hoàng Elizabeth I đã cứu nước Anh khỏi cuộc xâm lăng của quân Tây Ban Nha vào năm 1588 đã đoàn kết được nước Anh, chấm dứt sự chia rẽ là thứ tàn phá đất nước. 

Không nhà vua nào nên phân chia đất nước bởi vì cách làm này dẫn tới các xứ quân tranh giành với nhau, làm yếu đi chính quyền trung ương và làm mất đi sự bảo vệ hữu hiệu. Cũng vì thế mà các khán giả của Shakespeare đã lo sợ khi Vua Lear đã phân chia vương quốc và tạo nên sự chia rẽ.

V/ Cấu trúc của vở kịch

Vua Lear là vở bi kịch 5 hồi. Phần lớn các vở kịch thuộc về thời đại Elizabeth I thường theo cấu trúc kịch 5 hồi, coi như phân chia các hành động ra làm 5 đoạn. Hồi đầu tiên là để trình bày qua đó nhà viết kịch xác định vấn đề và giới thiệu các nhân vật chính.

Trong vở bi kịch Vua Lear, Hồi 1 thiết lập sự xung khắc giữa Vua Lear và Cordelia, giữa nhà vua và Goneril cùng với Regan, giữa Gloucester và Edgar. Hồi 1 này cũng nói rõ bản chất hai mặt, gian xảo của Goneril, Regan và Edmund trong khi đó xác nhận rằng Cordelia và Edgar là các người tốt.

Hồi 2 mô tả các vướng mắc và rắc rối được phát triển thêm lên. Quyền lực của Vua Lear bị xoi mòn dần, các xung đột giữa nhà vua và các cô con gái gia tăng và các âm mưu của Goneril, Regan và Edmund được thiết lập.

Hồi 3 là cao điểm khi các khủng hoảng diễn ra. Trong hồi này, Vua Lear bị xô đẩy vào cơn bão táp trong khi tinh thần của nhà vua cũng xuống thấp, trong khi đó Regan và Cornwall trở nên suy đồi khi hành hạ Gloucester bằng cách móc mắt vị Công Tước này.

Hồi 4 mô tả nhiều hành động lan tràn. Trong hồi này, Edgar gặp lại người cha dù rằng Công Tước Gloucester không biết rằng Edgar là con trai của mình và Cordelia gặp lại Vua Lear trong khi nhà vua bớt dần cơn điên khùng. Cũng trong hồi này, người ta thấy các kẻ âm mưu dần dần bị tổn hại. Cornwall bị chết và Edgar đã giết Oswald. Trong Hồi 4, khán giả nhận thấy bi kịch đã đến với độ bất ngờ cho các nhân vật gian ác và đã có các cố gắng giúp đỡ các người ngay thẳng.

Hồi 5 là thảm họa và cũng là phần kết thúc, mang lại cách giải quyết cho các sự xung đột và cái chết cho nhân vật chính. Khi phần kết gần tới giai đoạn cuối thì Regan và Goneril bị chết, Edmund bị giết trong cuộc đấu gươm với người anh, Vua Lear và Cordelia qua đời và Edgar được chọn làm vua để phục hồi hòa bình cho xứ sở.

VI/ Nhận xét về Tác Phẩm Vua Lear

Phần lớn trong các bi kịch của Shakespeare, có phần khôi hài để làm giảm nhẹ sự căng thẳng nhờ vậy khán giả cảm thấy thoải mái hơn, nhưng trong vở kịch Vua Lear này, nhân vật thường hay khôi hài là anh Hề (the Fool) với mục đích là làm cho nhà vua vui cười, nhưng các nhận xét của anh ta nói cho nhà vua biết lại không mang tính khôi hài, anh Hề đã vạch ra các tế nhị trong các hành động của nhà vua và các nguy hiểm mà nhà vua sẽ gặp phải. Như vậy vai trò của anh Hề không có tính cách châm biếm và vui cười.

Trong vở bi kịch Vua Lear, Shakespeare đã dùng tới một phương tiện quan trọng, đó là cách nói “độc thoại” (soliloquy). Độc thoại đòi hỏi rằng người nói ra các tin tức khi ở một mình trên sân khấu, nói ra để khán giả hiểu thêm về câu chuyện. Độc thoại thì khác với “đơn thoại” (monologue). Diễn viên dùng đơn thoại khi nói lớn ra các tư tưởng của mình trong khi có mặt các nhân vật khác.

Vở bi kịch Vua Lear đã dùng tới 11 lần “độc thoại”, với Edmund cắt nghĩa cho khán giả nghe về các âm mưu của nó. Edgar cũng dùng “độc thoại” để trình bày tại sao anh ta là chàng Tom.

Tác giả Shakespeare còn dùng tới phương tiện “nói riêng” (the aside) trong đó một nhân vật nói chuyện với khán giả mà các nhân vật khác được cho là không nghe thấy. Cách “nói riêng” này cho phép khán giả biết thêm chi tiết mà phần lớn các nhân vật khác trên sân khấu không được biết, chẳng hạn Goneril đã “nói riêng” rằng cô ta đã đầu độc Regan.

Trong vở bi kịch Vua Lear, Shakespeare còn dùng tới kỹ thuật “cốt truyện kép” (double plot) và hai cốt truyện này đan xen vào nhau và rồi cho các bài học tương tự. Shakespeare muốn chứng minh rằng các kết quả bi thương sẽ xẩy ra khi luật của con người (man’s law) được coi trọng hơn luật thiên nhiên (natural law). Edmund, Goneril và Regan là những kẻ gian ác, bất thiện, đã hành xử vi phạm luật thiên nhiên còn Công Tước Gloucester và Vua Lear đã nhận thấy sự quan trọng của luật thiên nhiên khi tìm hiểu tại sao các người con của họ đã phản bội họ. Không tôn trọng luật thiên nhiên sẽ gặp phải các hủy hoại do sự độc ác và chuyên chế.

Shakespeare cũng dùng cách so sánh đôi trong vở bi kịch, chẳng hạn như Kent trung thành với Vua Lear trong khi Oswald trung thành một cách gian trá đối với Goneril. Vua Lear có 2 người con rể: chồng của Regan là Cornwall thì gian ác, chỉ quan tâm tới tham vọng của mình, muốn hy sinh nhà vua để chiếm đoạt quyền lực. Cornwall thì tương phản với Albany, chồng của Goneril, đây là con người không có tham vọng cá nhân hay có tư tưởng về vinh quang cá nhân. Mục đích của Albany là duy trì vương quốc và cứu sống Vua Lear.

Một cách so sánh đôi nữa là 2 người cầu hôn: France và Burgundy. Burgundy đã không còn muốn kết hôn với Cordelia khi cô công chúa này không có của hồi môn, đất đai và địa vị, trong khi France là người sẵn sáng đón nhận Cordelia mặc dù cô này không có của cải vật chất, bởi vì France đã coi con người Cordelia là tài sản cao quý nhất của Vua Lear.

Vua Lear là nhân vật chính, đã tin tưởng vào những lời tán dương trống rỗng của người con gái lớn, nên đã dẫn tới cảnh chết chóc cho nhiều người. Trắch nghiệm lòng yêu thương của các cô con gái đối với mình là một công việc thiếu lương tri, không dễ dàng nhận ra các sai trái. Sự giận dữ thái quá của nhà vua đối với Công Tước Kent, một người tận tụy với mình, cho thấy nhà vua quá tự kiêu, nhà vua không chấp nhận mình bị sai nhầm nghiêm trọng, khiến cho gia đình của nhà vua bị tàn phá.

Vào thời xa xưa, nhà vua đại diện cho Thượng Đế, chịu trách nhiệm duy trì sự công bằng trên thế gian. Trong suốt vở kịch, khán giả đã thấy Vua Lear bị xúc động mạnh khi nhận thấy các người khác không vâng lời mình như trong quá khứ, bởi vì nhà vua thường đòi hỏi sự tuân phục của mọi người. Khi bị xúc phạm, Vua Lear đã cảm thấy tuyệt vọng. Các cảnh phũ phàng đối với nhà vua này đã đi quá xa so với các nhầm lẫn điên khùng của nhà vua, vì vậy Vua Lear xứng đáng nhận được cảm tình của khán giả. Vua Lear đã hối hận, thông cảm với các người khác và có lòng thương xót các kẻ nghèo khó.

Vua Lear gặp các tai nạn vì quá tự kiêu, lại bị các người chung quanh tâng bốc và nịnh hót vì vậy nhà vua đã trở nên mù quáng, tự phụ và không thông cảm với các người khác. Tuổi cao lại càng làm cho các tính xấu kể trên gia tăng, khiến cho nhà vua không tôn trọng quyền lợi của các con, của các cận thần. Nhà vua không dung thứ các chỉ trích nên đã nổi giận khi không được vừa lòng rồi bản tính ích kỷ của nhà vua đã khiến cho có sự ganh ghét giữa Goneril và Regan.

Vào thời đại của Shakespeare, người dân còn tin tưởng vào thời vận may mắn. Khi thời vận đi lên của một người, chẳng hạn sự thành công và vinh quang, đã khiến cho vận may của người khác đi xuống. Goneril và Regan gặp may mắn, đi lên, thì Vua Lear gặp nạn và Cordelia bị mất quyền thừa kế. Thời vận của Edmund đi lên khi Công Tước Gloucester và Edgar bị thất bại. Với Cornwall chết đi, Edmund trở nên nhà cai trị rồi tới khi thời vận của Edmund xuống thấp là lúc Edgar trở thành nhà vua. Số phận của Cordelia cũng thế, vận xui khi cô công chúa này bị tước bỏ phần thừa kế, rồi vận hên khi Cordelia kết hôn với Vua của nước Pháp rồi vận xui lại tới với nàng công chúa khi Edmund ra lệnh giết Cordelia.

Mục đích của Vua Lear khi phân chia vương quốc là để giải tỏa cho nhà vua khỏi các trách nhiệm trần gian, tránh khỏi sự tranh chấp sau khi nhà vua qua đời, bảo đảm rằng việc chuyển giao quyền lực sẽ được êm thắm và nhà vua sẽ được các con yêu mến lúc tuổi già. Nhưng kết quả lại trái ngược, nhà vua đã mang lại sự xáo trộn cho đất nước và tai họa cho bản thân, cuộc đời lúc về già của Vua Lear đúng là một bi kịch.

Phạm Văn Tuấn

Tài liệu tham khảo: Wikipedia.org., Britannica Encyclopedia, A Reader’s Guide to Shakespeare by Joseph Rosenblum, Barnes & Noble Books, N.Y. 1998.
King Lear


No comments

Powered by Blogger.