Header Ads

Đoá Hoa Sứ Buồn


Nguyễn Ngọc Duy Hân

Ông trùm Thiện ngồi ngắm hang đá vừa mới làm xong, tỏ vẻ hài lòng, chỉ còn tô điểm thêm một chút nữa là tuyệt. Bao nhiêu năm qua, Giáo xứ Hòa Bình đã nổi tiếng vì có hang đá mừng Giáng sinh thật đẹp. Giáo xứ có sẵn một trái núi nho nhỏ do dân tự đắp lấy làm Đài Đức Mẹ. Hai bên là đường đi dốc thoai thoải, ở giữa là ngọn núi mỹ thuật, có đặt tượng Đức Mẹ sầu bi, giáo dân hay đến để đọc kinh, thờ phượng. Đám trẻ con chạy giỡn chung quanh những hàng bông sứ cao luôn trổ hoa, mùi thơm nhẹ nhàng. Mùa Giáng Sinh, ông Thiện hướng dẫn nhóm thanh niên dùng giấy dầu bao lấy núi, phun sơn trắng làm tuyết, sáng tạo thêm những góc cạnh đặc biệt, trang trí thành hang đá Bêlem. Đêm lễ vọng Giáng Sinh ngoài trời, hai cô gái của giáo xứ sẽ được chọn làm thiên thần, từ từ xuất hiện trên đỉnh núi thật uy nghiêm, mọi người sốt sáng dự lễ, thả hồn về Bêlem năm xưa.

Hoa sứ nở quanh năm, rụng phủ đầy mặt đất, ông Thiện chợt thấy một bé gái cúi xuống nhặt hoa tung lên trời, mắt ngước lên trời xanh thăm thẳm, hình như nó đang mơ mộng, cầu nguyện điều gì. Hình ảnh đứa bé làm tim ông bỗng nhói đau, ông cắn chặt môi ngăn cản dòng nước mắt đừng rơi xuống khuôn mặt già nua, héo úa. Mới đó mà đã mấy mươi năm rồi, hơn nửa thế kỷ với biết bao thay đổi, lớp sóng phế hưng, con Tạo xoay vần, nhưng một điều trong ông vẫn không bao giờ đổi thay....

Thời vua Tự Đức cấm đạo, ông trùm Thiện còn là một thanh niên rất trẻ. Ông là con một trong gia đình giàu có, được cưng chiều, cho học chữ Tây trong trường thuốc, cho học đàn violin, nhưng ông không được khỏe mạnh như những thanh niên khác. Thật ra ông không đau bệnh gì, chỉ ốm yếu xanh xao, không thích thể thao, không thể làm được việc nặng. Mà cần gì làm việc nặng, vì tất cả việc nặng nhẹ trong nhà đều đã có tôi tớ làm. Thiện chỉ việc ăn, học, đọc sách, đi dạo, mơ mộng nhìn cõi đời. Nhà ông có trồng nhiều hoa sứ, ông lớn lên giữa những hàng sứ này, mùi thơm của hoa đã ướp vào tóc, vào da thịt ông quen thuộc không thể thiếu.
 
Hôm đó là một buổi chiều thật đẹp, Thiện bắt gặp một cô gái trẻ do dự bước vào vườn, lên tiếng hỏi:

- Có ai trong nhà không, cho tôi xin ít hoa rụng.

Không hiểu sao Thiện không lên tiếng, đứng yên trong nhà nhìn ra. Cô khoảng đôi mươi, da nâu đen khỏe mạnh, tóc xõa dài, mặc một bộ bà ba đơn giản. Không thấy ai trả lời, cô cúi xuống nhặt những cánh hoa sứ rụng dưới đất, tung lên trời rồi mắt nhìn lên cao, như đang cầu xin điều gì. Hình ảnh thật đẹp, cô gái thật đẹp. Thiện lặng người ngắm. Cô gái chắc có cảm giác nhột nhạt vì có người đang đăm đăm nhìn mình, cô đã nhìn thấy Thiện, bối rối cúi mặt:

- Em... muốn xin ít hoa sứ về làm thuốc.

Thiện bước ra mỉm cười:

- Thuốc gì, bao nhiêu năm nay chưa thấy ai nói hoa sứ có thể làm thuốc cả.

Cô gái nhẹ nhàng:

- Thưa ông, em cũng mới nghe người ta mách, nói là hoa sứ trị được bệnh cao máu, giảm tiểu đường. Mẹ em đang đau nặng, muốn thử xem sao.

Thiện bỗng có cảm tình với cô gái hiếu thảo này:

- Được, cô cứ lấy, để tôi giúp cô.

Thiện cũng lay hoay vừa nhặt hoa cùng cô gái, vừa thăm hỏi gia đạo, hoàn cảnh của cô.

Cô tên Tiên, con gái của bà góa ở đầu xóm, sống bằng nghề trồng trọt. Cô rất giỏi võ, học trò của võ sư Hoàng Thạch trong làng. Sứ hôm nay không rụng nhiều, Thiện bỗng nghịch ngợm nói với Tiên:

- Nhặt hết hoa rồi cũng không được đầy túi, cô có võ, chắc biết leo, có muốn hái trên cây không?

Tiên nhìn Thiện hỏi lại:

- Nếu ông cho phép! Mỗi lần đi ngang đây thường không có ai trong nhà, em không dám nhặt hoa, sẵn đây nếu có được nhiều, em sẽ phơi khô để dành.
 
Tiên nói xong thì thoăn thoắt leo lên cây, tay cầm túi vải, tay hái hoa, gọn nhẹ dễ dàng. Thiện ngây mắt đứng nhìn, anh là công tử bột, không hề biết leo trèo. Ngày còn bé, Thiện cũng theo bạn bè leo cây, té một lần xuýt gãy xương, từ đó mẹ không cho leo cây nữa.
 
Sau đó mỗi buổi chiều Tiên thường ghé nhà Thiện nhặt hoa, cả hai thành đôi bạn tâm giao. Tiên không được học cao, nhưng rất thông minh hiểu biết, đạo nghĩa Thánh Hiền vẫn am tường. Thiện nói cho cô biết về Tây học, về thế giới bên ngoài, bắt đầu biết nhớ nhung nếu mấy ngày Tiên không ghé hái bông sứ.

Thiện yêu nụ cười của cô, chân chất tươi thắm với hàm răng thật đều, thật đẹp. Tiên có cái chân tình, duyên dáng của cô gái quê mà không quê, hiền lành mà nhanh nhẩu được việc, miệng nói tay làm, không như những tiểu thư khuê các.
 
Người Pháp bắt đầu về làng ông thật nhiều để giảng đạo, vua Tự Đức vẫn cấm đạo, nhưng đạo Thiên Chúa vẫn phát triển, vẫn có người tử đạo, xã hội bắt đầu thay đổi, nhiễu nhương. Ba má Thiện theo đạo, dạy cho Thiện hiểu về đạo, biết mến Chúa yêu người. Thiện thấu hiểu ngay giáo lý của Chúa, bắt đầu tiếp tay giảng đạo, tìm được niềm vui trong tình yêu của Chúa. Thiện cũng giúp Tiên và má của Tiên hiểu về đạo mới, má Tiên bệnh khá nặng, từ ngày được biết Chúa, bà phó dâng mọi sự cho Chúa, cảm thấy bình an thoải mái hơn.
 
Về phía má của Thiện thì không được vui vì biết Thiện tới lui, hò hẹn với Tiên, một cô gái nghèo trong xóm. Bà muốn Thiện học thêm, và cưới đứa con gái tài sắc, gia đình môn đăng hộ đối khác mà bà đã nhắm sẵn. Hơn nữa bà thấy rõ ràng Thiện và Tiên không hợp, Tiên giỏi võ, Thiện ốm yếu, Tiên thực tế, Thiện mơ mộng, không hiểu chúng nó hợp nhau ở chỗ nào. Thiện thì vững tin, vì anh biết ba má rất yêu thương chiều chuộng mình, thế nào cũng có ngày ông bà bằng lòng. Thiện yêu Tiên hết lòng dù có nhiều khác biệt, tình anh đối với cô là tình tha thiết, tình trọn vẹn từ trong trái tim, không so sánh, không chọn lựa. Hai người sẽ bổ xung cho nhau, và sẽ sống thật tốt, thật đẹp, căn nhà riêng của hai người sẽ trồng toàn bông sứ......

Nhưng định mệnh đã an bài, Thiện và Tiên đã không bao giờ được kết nghĩa chồng vợ. Ngày hôm đó nhóm thanh niên của làng được tin vua cho hành quyết ba vị không chịu bỏ đạo, đã bị bắt và kết án. Không muốn họ bị tử đạo oan uổng, một người lại là bà con với Tiên, nên cô xung phong vào nhóm cứu người, ra kế hoạch cướp tử tội và vượt ngục.

Kế hoạch tinh vi, ba người tội phạm được giải cứu trong tù trước khi đem ra hành quyết tử đạo, nhưng Tiên đã trúng mũi tên tẩm độc của cai tù, bỏ mạng tại chỗ.

Khi xác Tiên được đem về giao cho bà mẹ đau yếu nằm một chỗ trên giường bệnh, bà chết điếng. Thiện đứng ra giúp việc mai táng, tổ chức lễ, lập chương trình đọc kinh thật chu đáo. Anh chỉ sợ một điều khi nhận làm chủ sự cho buổi đọc kinh cầu hồn, là anh sẽ bật khóc. Thiện vốn nhậy cảm, yếu đuối cả về thể xác lẫn tinh thần, dù cố làm tỉnh, nhưng anh biết sức chịu đựng của mình có hạn. Thiện cầu nguyện xin Chúa cho anh ơn can đảm, anh đã học được nơi Tiên sự can trường. Thế nhưng buổi lễ cầu nguyện cho Tiên đã bị hủy bỏ. Vua cho lính bắt bớ, ruồng đạo quá kỹ, nếu ra mặt làm lễ cầu nguyện, nhiều người kể cả Thiện cũng sẽ bị bắt. Xác Tiên được chôn trong âm thầm bên nghĩa trang của làng, Thiện cho người trồng kế bên hai cây hoa sứ, cây này là cây “anh”, cây này là cây “em”. Chiều chiều Thiện ra thăm mộ, lòng nao nao, mắt rưng rưng nhìn cây sứ, mong sứ mau lớn có ngày nở hoa. Thỉnh thoảng anh ôm vĩ cầm ra mộ kéo cho Tiên nghe, bài này Tiên thích, bài này Thiện thích, anh kéo đàn và hát mà lòng chùng xuống, tiếng hát nghẹn ngào. Anh nhặt hoa sứ rụng, kết thành hai chữ T - Tiên và Thiện - đặt trên bia mộ và mỉm cười...

Bây giờ đã mấy mươi năm, cây sứ đã già, hoa nở sum suê, mùi hương thơm ngát. Thiện trở thành ông trùm trong xứ, ngoài việc chăm sóc nhà thờ, giúp cha xứ trong ngoài, ông còn phát thuốc, trị bệnh giúp dân. Thiện kết hợp giữa đông y và tây y, chữa trị được rất nhiều người, làm công quả không nhận thù lao. Mọi người đều ngưỡng mộ yêu mến ông, từ già đến trẻ, từ nghèo đến giàu. Có người thắc mắc ông đẹp trai, thông thạo chữ nghĩa Thánh Hiền, tiếng Pháp như gió, đàn hay hát giỏi, nếu không lấy vợ, sao không đi tu làm linh mục. Thiện mỉm cười hiền lành, hơn ai hết ông hiểu được lòng mình, mỗi lần nhìn cánh hoa sứ rơi rụng, là mỗi lần lòng ông nhói đau, tu gì được mà tu...

Nguyễn Ngọc Duy Hân


No comments

Powered by Blogger.