Nàng ngồi đối diện với tôi,
Ở giữa là bát mồng tơi xanh rờn,
Hai người nên không cô đơn,
Lâu lâu gây lộn đỡ buồn mà thôi.
Bây giờ có bát mồng tơi,
Thế nào tôi cũng cùng xơi với nàng.
Tôi múc canh rất nhẹ nhàng
Muỗng sang bát ấy muỗng sang bát này.
Tôm cũng chia đều nơi đây
Chẳng nhiều chỉ có ngần này mà thôi.
Nhìn tôi nàng cũng mỉm cười,
Tươi như ánh nắng bên ngoài mái hiên.
Mắt nàng thỉnh thoảng nhìn lên
Để xem mấy muỗng về bên nào rồi
Tôi bỗng chột dạ bồi hồi
Lẩm nhẩm đếm lại: “Phần tôi hay nàng?
Nãy giờ mình đếm rõ ràng
Chẳng lẽ đếm lộn ngỡ ngàng làm sao.”
Bát nàng tôi múc thêm vào,
Phần tôi muỗng tới thế nào cũng sang.
Chẳng bữa nào thiếu bóng nàng
Chẳng cần cầu có tơ vàng để hong
Chẳng phải đợi chẳng phải mong
Ngoài vườn trong bếp đều trông thấy nàng
Vâng, xin ví von nhẹ nhàng
Như mồng tơi, mướp, tôm vàng từ xưa.
Cali chẳng mấy khi mưa
Trời hè đổ lửa cũng vừa bốn hôm
Ka-ra-ô-kê đỡ buồn
Mát trời thì sẽ thăm vườn mùng tơi.
Hôm nay bớt nóng chút rồi
Ngoài vườn bươm bướm từ ngoài bay sang
Lá mồng tơi sâu cả đàn
Nàng cố đuổi bướm, bướm càng dửng dưng
Tức lũ sâu bướm lạ lùng
Mồng tơi ăn trụi, thiệt không nể … nàng.
Mồng tơi ở Mỹ như vàng
Bây giờ tôi biết phải làm gì thôi
Phải mua thuốc diệt sâu rồi
Để còn được bát mồng tơi với nàng.
Vung quả đấm lên không gian
Thề đuổi lũ bướm dám sang bên này.
Bùi Phạm Thành
Nam Cali, 25 tháng 7 năm 2022
Một ngày Hè nóng bức được ăn bát canh mồng tơi "cây nhà lá vườn" ngon lành, nhìn qua cửa kính thấy vài con bướm bay qua lại tìm nơi đẻ trứng, ngẫu hứng nhại bài thơ "Người Hàng Xóm" của Nguyễn Bính, trước khi ra vườn "vạch lá tìm sâu".
Ở dưới bài thơ "Người Hàng Xóm", ông Nguyễn Bính đề "Trúc Bạch, 12 tháng 7 năm 1940". Thật là ngẫu nhiên, tôi viết bài "Bát Canh Mồng Tơi" ở California, ngày 25 tháng 7 năm 2022, xem ra chỉ cách nhau có ... nửa quả địa cầu và hơn 80 năm !
Subscribe to:
Post Comments
(
Atom
)
Post a Comment