Header Ads

Bạo Chúa Lê Uy Mục


Bùi Quý Chiến

Vua Lê Thánh Tông truyền ngôi cho con là Hiến Tông.

Cũng như vua cha, Hiến Tông ưa chuộng văn học, tiết kiệm, hòa nhã, thận trọng về hình phạt.

Sau buổi chầu, vua thường cho mời các sĩ phu vào cung để hỏi việc hay/dở và được/mất về chính sự nên không thể bị quần thần che đậy hoặc uốn cong sự thật ở trong nước.

Vua lên ngôi khi đã 37 tuổi, chỉ trị vì được 7 năm thì băng.

Vua có 6 con trai với các bà phi khác nhau. Hoàng tử Tuân tuy là trưởng nhưng ưa mặc áo phụ nữ, hoàng tử thứ nhì là Tấn không có đức, hoàng tử thứ ba là Thuần ham học và được vua cha đích thân dạy bảo từ nhỏ, còn lại là 3 hoàng tử còn ít tuổi.
 
Hoàng tử Thuần được lập làm thái tử. Nhằm ngăn ngừa cảnh anh em tranh giành ngai vàng, Hiến Tông để lại di chiếu ủy thác cho đại thần Đàm Văn Lễ và Nguyễn Quang Bật phụ tá thái tử Thuần lên nối ngôi.

Lê Túc Tông

Đúng như tiên liệu của Hiến Tông, các thân vương tranh nhau nối ngôi. Đề phòng biến loạn, Đàm Văn Lễ vội vào tẩm điện (phòng ngủ của vua) lấy ấn truyền quốc đem về nhà cất đi.
 
Bà Kính phi Nguyễn Thị cùng nội thần là Nguyễn Nhữ Vi vận động triều thần đưa hoàng tử Tấn lên làm vua, một mặt đút lót Đàm Văn Lễ nhưng Văn Lễ không nhận.
 
Thái hậu Trường Lạc - vợ của Thánh Tông và là mẹ của Hiến Tông - cũng chống lại việc lập hoàng tử Tấn viện lẽ hoàng tử là con của thị tỳ, không thể phụng thừa chính thống được.
 
Mẹ của hoàng tử Tấn tên là Nguyễn thị Cận, quê làng Phù chẩn huyện Đông Ngàn. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, sống quá nghèo khổ nên bà tự bán mình làm nô tỳ cho một phú hộ ở phủ Phụng Thiên. Sau đó nhà phú hộ này phạm tội, vợ con và gia nhân bị sung công và chia cho các vương hầu và công chúa làm nô tỳ. Bà Cận được hầu hạ thái hậu Trường Lạc.

Khi còn là thái tử, Hiến Tông nhân một buổi vào vấn an mẹ, gặp bà Cận lấy làm vừa ý nên cưới làm phi. 
Sau khi sinh ra Tấn, bà Cận chết, bà Kính phi nuôi Tấn làm con mình.

Thừa hành di chiếu của Hiến Tông, Đàm Văn Lễ và Nguyễn Quang Bật cùng triều thần tôn Thái tử Thuần lên làm vua tức Túc Tông.

Túc Tông phong bà nội làm Trường Lạc Thái Hoàng Thái Hậu.

Túc Tông xứng đáng nối ngôi cha nhưng vì bị bệnh nên chỉ trị vì được 6 tháng. Trước khi chết, Túc Tông di chiếu ủy thác cho đại thần Lê Quảng Độ và Lê Năng Nhượng tôn hoàng tử Tấn lên kế vị mình.
 
Trong di chiếu có đoạn rằng: "Con thứ hai của tiên hoàng là Tấn, người hiền minh, nhân hiếu có thể nối ngôi chính thống. Đại thần và các quan phải hết lòng trung trinh giúp nên nghiệp lớn. Thân vương nào dám tiếm vượt ngôi Trời thì người trong nước cùng nhau giết đi."

Theo đoạn trích dẫn di chiếu này , hoàng tử Tấn là người hiền minh và nhân hiếu. Trái ngược với lời giải thích với triều thần của vua Hiến Tông khi chọn hoàng tử Thuần làm thái tử rằng: "Con trưởng Tuân ưa mặc áo phụ nữ và có lần mưu đầu độc mẹ, con thứ là Tấn không có đức." 

Sau khi lên ngôi, hoàng tử Tấn hành động như một bạo chúa, chứng tỏ nhận xét của vua cha Hiến Tông là đúng. 

Lê Uy Mục

Thừa hành di chiếu của Túc Tông, Lê Quảng Độ và Lê Năng Nhượng tôn hoàng tử Tấn lên ngôi tức Uy Mục.

Trong 4 đức tính của Uy Mục được Túc Tông nêu cao trong di chiếu chỉ có "hiếu" là đúng còn "hiền, minh và nhân" thì trái ngược.

1- Phục hồi danh dự cho mẹ.

Uy Mục truy phong mẹ là "Chiêu Nhân Hoằng Ý Hoàng Thái Hậu" và rước thần chủ của mẹ vào thờ ở cung Minh Đức nhà Thái Miếu.
 
Vua cho dựng điện Chân Nguyên ở làng Phù Chẩn (quê mẹ) để thờ tổ tiên bên ngoại. Họ hàng bên ngoại được vua ưu ái cất nhắc vào các chức vụ trong triều.

Để tỏ lòng biết ơn bà Kính phi đã nuôi dưỡng và vận động cho mình lên ngôi khi vua cha là Hiến Tông băng, Uy Mục cho làm điện Tuyên Dự ở Hoa Lăng (quê của Kính phi) để thờ tổ tiên của bà. Họ hàng của bà Kính phi ở Hoa Lăng cũng được Uy Mục cất nhắc vào các chức vụ ở địa phương.

2- Trả oán 

Trường Lạc Thái Hoàng Thái Hậu là bà nội của Uy Mục - vợ của Thánh Tông - bị Uy Mục oán giận vì đã cản trở bà Kính phi và nội thần Nguyễn Nhữ Vi vận động cho mình nối ngôi Hiến Tông. Thừa dịp nối ngôi Túc Tông, Uy Mục ngầm sai người giết bà nội. Trường Lạc Thái Hoàng Thái Hậu chết bí ẩn và bất ngờ nhưng mọi người đều thầm hiểu do cháu nội Uy Mục chủ mưu.

Để đánh lạc hướng nghi ngờ của hoàng tộc và triều đình, Uy Mục truy phong bà nội là "Huy Gia Tĩnh Mục Ôn Cung Nhu Thuận Thái Hoàng Thái Hậu". Uy Mục còn cho dựng điện Quang Mỹ ở phường Lê Viên để thờ tổ tiên của thái hoàng thái hậu và nghỉ thiết triều 7 ngày vì tang chế.

Mặc dù chỉ thừa hành di chiếu của Hiến Tông - lập thái tử Thuần lên ngôi - Thượng Thư Đàm Văn Lễ và Đô Ngự Sử Nguyễn Quang Bật bị Uy Mục thù oán đã cản trở mình lên nối ngôi cha. Nay Uy Mục giáng Văn Lễ và Quang Bật xuống chức Thừa Chính Sứ Đạo Quảng Nam.
 
Trên đường đáo nhậm nhiệm sở, Văn Lễ và Quang Bật bị Uy Mục cho người đuổi theo bắt phải tự tử.
Triều thần bất mãn vì cho rằng 2 đại thần đó không có tội gì. Uy Mục quy lỗi cho Nguyễn Nhữ Vi và xuống lệnh giết Nhữ Vi để xoa dịu sự công phẫn của triều thần. Nội thần Nhữ Vi vốn là tay chân thân tín của Uy Mục nay bị làm "dê tế thần".

3- Hiếu sát và ưa thị uy 

Hành động trả oán trên đây chứng tỏ tính hiếu sát của Uy Mục. Nạn nhân không kể tôn thất ruột thịt hoặc thuộc hạ thân tín.

Uy Mục nghiện rượu, thường cùng cung nhân vui đùa uống rượu thâu đêm, khi quá say ra lệnh giết cung nhân.

Nhà vua thích cưỡi đầu voi để thị uy. Vua đích thân lựa voi từ các trấn đem về kinh thành bổ sung cho các vệ. Voi và ngựa được tổ chức thành 2 ty: ngự tượng và ngự mã dùng làm nghi vệ. Ngoài ra vua còn thành lập Phi Vũ Ty Lực Sĩ Nội Sứ, thường trực ngày đêm ở cung Đoan Khang để bảo vệ an ninh cho nội cung.
Mạc Đăng Dung được tuyển làm Thiên Vũ Vệ Đô Chỉ Huy Sứ. Đây là cơ hội cho Đăng Dung bước vào chính trường để sau này cướp ngôi nhà Lê.

Hàng ngày vua sai 2 viên giám quân đấu võ với nhau cho vua tiêu khiển; kẻ thắng được thưởng tiền và lụa.

Sứ giả nhà Minh là Hứa Thiên Tích mang sắc sang phong vương cho Uy Mục, làm thơ vịnh nhà vua như sau:
                                  An nam tứ bách vận vưu trường
                                 Thiên ý như hà giáng quỷ vương

(Vận mệnh An Nam bốn trăm năm rất lâu dài, không biết ý trời ra sao mà giáng sinh quỷ vương).

Từ đó dân gian đương thời gọi nhà vua là quỷ vương.

4- Thanh trừng tôn thất và triều thần.

Uy Mục không chỉ hiếu sát mà còn đa nghi. Nhà vua giao cho nội nhân Nguyễn Đình Khoa mật theo dõi 26 tôn thất gồm các chú và các em.

  - Đại thần Nguyễn Văn Lang - em của Trường Lạc Thái Hoàng Thái Hậu - bị bãi chức.
  - Kính vương tên là Kiện - con út của Thánh Tông - sợ tai vạ phải chạy trốn rồi mất tích.
  - Giản Tu Công tên là Oánh - anh em thúc bá - bị bắt giam vào ngục.

Uy Mục cũng thanh trừng các quan trong triều. Đại thần Lê Năng Cẩn bị giết, một số công thần bị bãi chức và đuổi vào Thanh Hóa.

Trong triều đình, bọn họ ngoại như Khương Chủng và Nguyễn Bá Thắng ỷ thế Uy Mục lộng hành. Ở Phù Chẩn, thân thích họ ngoại cũng ức hiếp dân chúng địa phương. Thân thích của bà Kính phi ở Hoa lăng cũng cậy thế Uy Mục sang đoạt tài sản của người quanh vùng. Dân chúng xa gần đều bị tai họa do bọn ngoại thích gây nên.
 
Từ trong triều tới các trấn, mối loạn bắt đầu nảy mầm.

Lê Tương Dực 

Sau khi bị bãi chức, Nguyễn Văn Lang đem thuộc hạ vào Thanh Hóa, chiêu dụ và tuyển mộ dân 3 phủ, lập căn cứ ở cửa Thần Phù để chống lại Uy Mục.

Giản Tu Công tên là Oánh (Đại Việt sử ký chép tên là Dinh) mua chuộc quân giữ ngục, trốn thoát vào Thanh hóa. Tới Thần Phù, Oánh được Văn Lang tiếp đón và tôn làm minh chủ. Văn Lang tuy là em của bà nội của Oánh nhưng Oánh là một trong những cháu nội của Thánh Tông, có danh nghĩa chính thống nên Văn Lang phải tôn làm minh chủ.

Các cựu thần bị Uy Mục đuổi về Thanh Hóa cũng theo về với Giản Tu Công. Các quan Tổng binh, Thừa tuyên và Tham chính trấn Thanh hóa cùng hưởng ứng.
 
Oánh sai Lương Đắc Bằng làm hịch kêu gọi văn võ bá quan, kéo cờ chiêu an tiến quân về Đông Đô (Thăng long).

Tự cho là không đủ uy tín, Oánh mạo danh anh của mình là Cẩm Giang Vương tên là Sùng để khởi nghĩa.
 
Chẳng ngờ Uy Mục biết Sùng đang ở Đông Đô liền giết Sùng cùng mẹ và 2 em.

Uy Mục cho quan quân ngăn chặn quân khởi nghĩa nhưng bị đánh bại ở núi Thiên Kiện và Châu Cầu.
Nhằm bổ sung quân số, vua cho mở ngục phóng thích các phạm nhân và cấp cho mỗi người 3 quan để nhập ngũ. Nhưng sau khi lãnh tiền, các phạm nhân lạy tạ rồi bỏ trốn về quê.

Vua cho người đi gọi các trấn đem quân về bảo vệ kinh đô nhưng quân tăng cường chưa về tới thì quân của Giản Tu Công Oánh đã tiến sát hoàng thành.
 
Hưởng ứng hịch kêu gọi của Oánh, đại thần Lê Quảng Độ làm nội ứng, trong đánh ra ngoài đánh vào.

Hoàng hậu Trần Thị Tùng (Uy Mục Hoàng Hậu) trốn ra nhà dân ngoài hoàng thành rồi thắt cổ tự tử.
 
Vua chạy về cửa bắc bị vệ sĩ làm phản đuổi theo bắt trói ở cửa Lệ Cảnh. Vua uống thuốc độc chết, kết thúc 5 năm trị vì của bạo chúa Uy Mục.

Căm thù Uy Mục giết mẹ và anh em, Giản Tu Công Oánh cho đặt xác vua trước miệng súng đại bác để nổ súng cho tan xác ra từng mảnh. Sau đó xác được gom lại đem về táng ở Phù chẩn tức quê mẹ của nhà vua.

Giản Tu công Oánh tự lập làm vua tức Tương Dực.

Bùi Quý Chiến

----------------------------------

Tham khảo:

- Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên do Viện sử học dịch .
- Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn do Viện sử học dịch .
https://vi.wikipedia.org/wiki/L%C3%AA_Uy_M%E1%BB%A5c

No comments

Powered by Blogger.